Ngôi nhà của bốn anh em chỉ chung một nửa dòng máu với Thủy như nơi quán trọ. Mẹ về rồi lại đi. Mỗi lần về, mẹ để lại cho mấy anh em một số tiền kha khá và gửi người dì chăm sóc. Một lần đấu khẩu với người anh cả, bị mấy cái bạt tai, Thủy bỏ đi bụi. - Mẹ, mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ chúng con, mẹ ơi… Cả Hội trường lặng phắc, trên sân khấu Thủy gục đầu. Đôi hàng nước mắt của cô bé nhạt nhòa tuôn chảy. Chị Nghi ngồi bên dưới không thể cầm lòng. Hai giọt nước trong khóe mắt chực vỡ oà. Chị khóc, chị biết cô học trò bé nhỏ đang thổn thức kể câu chuyện của mình. Tiết mục của Thủy được trao giải nhất tại Hội diễn Văn nghệ chào mừng ngày 20-11. Bọn trẻ vỗ tay rầm rầm cổ vũ. Mấy đứa tấm tắc với cô giáo chủ nhiệm: - Cừ quá, cái Thủy cừ như diễn viên xịn ấy, cô nhỉ! Chị Nghi lén lau nước mắt, gật đầu đồng tình với bọn trẻ. Nhưng chị hiểu rằng, đêm nay, trong căn phòng của mình, Thủy lại viết nhật ký, hoặc thư cho mẹ mà không có địa chỉ để gửi đi. ° Chị Nghi vẫn nhớ hôm đầu tiên đến trường, tiếng la hét lanh lảnh của Thủy làm cho khu nhập sinh như nổ tung, con bé không chịu vào làm thủ tục. Ngót hai chục năm làm việc ở trường giáo dưỡng này nhưng chị chưa thấy đứa nhỏ nào như Thủy. Nó ra sức dùng chân đạp tất cả những ai muốn lại gần nó. Nó lăn lộn trên mặt đất nóng bỏng. Nó gào thét, lăn toài ra đất mà khóc, mà la, mà cào cấu những ai lại gần để đưa nó vào phòng nhập sinh. Nó rền rĩ: “Thả tôi ra, tôi không muốn vào đây, tôi sẽ chết cho mà xem”. Nó cắn chị khi chị chạm bàn tay lên vai nó. Mạnh mẽ và dứt khoát, chị Nghi xốc Thủy dậy và đưa nó vào phòng làm thủ tục nhập sinh. Thủy lầm lì, không nói, không rằng. Thủy không thèm ngẩng mặt nhìn cô giáo. Chị Nghi dẫn Thủy đến giường dành cho nó. Mọi đôi mắt đổ dồn nhìn Thủy, con bé chẳng thèm để ý, ngồi phịch xuống, bất động. Thực ra chị Nghi hiểu, bọn trẻ vào đây đứa nào cũng có ít nhiều tì vết và đứa nào cũng ngang ngược, lì lợm. Nhưng trẻ con vẫn là trẻ con. Chẳng tự dưng bọn trẻ ra cơ sự ấy. Đứa nào cũng đáng thương. Chúng nó như tờ giấy trắng, nhưng do hoàn cảnh sống xô đẩy. Chị Nghi cứ gần gũi, tâm tình với Thủy và hiểu những nỗi buồn trong đôi mắt con bé. Tội nghiệp Thủy, vào trường được mấy hôm thì nó “trở thành thiếu nữ”. Nó cứ bối rối, không biết phải làm sao. Đám bạn gái cùng phòng xì xào. Chị Nghi hiểu ra ngay. Chị gọi riêng Thủy, hỏi han. Con bé có vẻ e ngại nhưng rồi được trấn an, nó lí nhí bảo với cô chủ nhiệm “Em…em… bị bệnh… bệnh… ”. Bây giờ nghĩ lại chị vẫn bụm miệng cười vì sự trẻ con của nó. Cười mà xa xót. Cười mà lòng chị nhói đau. Con bé ngần ấy tuổi đầu mà không có mẹ ở bên để sẻ chia, để nói cho nó nghe những điều bình thường của một cô gái đang vào độ xuân thì. Chị mang tập băng thấm cho con bé, hướng dẫn nó cách tự chăm sóc cho mình trong những ngày đặc biệt ấy. Con bé xem chừng cảm động lắm. Hôm ấy nó viết cái thư tay cho chị, xin lỗi vì sự bướng bỉnh mấy hôm trước. Lần đầu tiên chị ôm Thủy vào lòng, một nỗi ao ước, một tình yêu như tình mẹ trong chị lại dâng lên. Con bé lặng đi nép mình trong vòng tay của chị. Chị nghe được nhịp tim con bé, phập phồng, phập phồng… Chị không thể nén lòng, giá chị có một đứa con như Thủy mà ấp ôm, mà dịu dàng ve vuốt. ° Gần ba mươi năm trong ngành Công an, chị Nghi đã đi nhiều nơi, nhận nhiều nhiệm vụ. Mười tám tuổi, nặng hơn bốn chục cân nên chị cứ thùng thình trong bộ quần áo của ngành như người đi mượn. Nơi đầu tiên chị đến là một vùng núi cao phía Tây Bắc với nhiệm vụ áp giải phạm nhân đi sơ tán. Sau đó, chị được điều chuyển về công tác tại trường giáo dưỡng nơi vùng đồi đất đỏ ngợp nắng này. Ngôi trường, những đứa trẻ với những vết trầy xước của cuộc đời cuốn chị đi. Và hàng tháng, hàng năm bọn trẻ lại chia tay chị để ra trường. Niềm vui đọng lại trong chị là những lá thư, những dòng chữ mộc mạc bọn trẻ gửi về thăm chị, đứa khoe được học tiếp nghề may, giờ đã là công nhân cho một công ty liên doanh, đứa là thợ làm đầu, đứa đã thi đỗ vào đại học... Cuối cùng tình yêu cũng đến với chị từ ngôi trường này. Đám cưới giản đơn, đạm bạc với nước chè, bánh ngọt và tiếng vỗ tay như pháo nổ của bạn bè, đồng nghiệp. Bốn mươi tuổi làm cô dâu, chị ngượng ngập hưởng hạnh phúc của ngày cưới trong bộ áo dài của người bạn thân cho mượn và trong vòng tay của người chồng đã ngoài tuổi năm mươi. Chồng chị là một người đàn ông góa vợ đã hơn chục năm. Cuộc sống của anh trước đây là những tháng năm chăm sóc người vợ ốm đau và chuỗi ngày gà trống nuôi con. Dạo ấy, thằng bé con anh lên mười nhưng đã phải tự lo cơm canh hai bữa vì mẹ không còn và anh thì từ sáng sớm đến đêm khuya đều ở ngoài trường với học sinh. Cùng khu tập thể lại chỉ có một mình nên cứ rảnh rang là chị sang giúp việc nhà cho anh và thằng bé. Âu cũng là cái tình đồng nghiệp, tình hàng xóm, tình người. Thế rồi tình yêu gõ cửa con tim chị. Hạnh phúc muộn mằn đến với anh chị khi cậu con trai của anh đã học xong đại học. Hạnh phúc của chị tưởng sẽ tiếp tục trổ nụ, nở hoa, kết trái trong ngôi nhà tập thể cũ kỹ của hai vợ chồng. Nhưng số phận đã không cho chị được hưởng niềm vui trọn vẹn. Chị không có khả năng sinh con. Anh càng thương chị hơn. Anh bảo, thằng Tú con riêng của anh cũng là con của chị, mà anh chị còn có bao đứa trẻ khác ở trong ngôi trường này. Bọn trẻ ở đây đứa này ra trường, đứa khác lại vào. Mỗi đứa một hoàn cảnh, giàu - nghèo, thành thị hay nông thôn chị Nghi đều cảm thấy xót xa vì bọn trẻ đều có một hoàn cảnh chung là không nhận được sự quan tâm thật nhiều từ cha mẹ. Con bé Thủy từng kể chuyện cuộc sống gia đình cho chị nghe. Nhà Thủy giàu có. Mẹ Thủy là một phụ nữ tháo vát và giỏi bán buôn, nhưng số phận đa đoan. Bốn người đàn ông đã lần lượt đánh đu qua cuộc đời mẹ cô bé và kết quả cuối cùng đều là buổi xét xử ly hôn của Tòa án. Thủy không bao giờ nhìn thấy mẹ khóc. Chỉ thấy mẹ lao vào làm việc, sau khi ly dị người chồng thứ tư mẹ làm việc nhiều hơn. Ngôi nhà của bốn anh em chỉ chung một nửa dòng máu với Thủy như nơi quán trọ. Mẹ về rồi lại đi, sau những chuyến đi dài cả tháng, mẹ để lại cho mấy anh em một số tiền kha khá và gửi người dì chăm sóc. Trong sự quản lý lỏng lẻo của người dì mấy anh chị em Thủy tha hồ quậy phá. Một lần đấu khẩu với người anh cả, bị mấy cái bạt tai, Thủy bỏ đi bụi. Thủy muốn theo đám trẻ bụi đời để quên, để thử những cảm giác khác ngoài nỗi đau luôn gặm nhấm tâm hồn nó. Để rồi, cuối cùng Thủy được gửi vào ngôi trường này. Những buổi được học nữ công, Thủy thích lắm. Nó bảo với chị chẳng bao giờ được mẹ dạy cho cách nấu ăn, cắm hoa hay may vá thêu thùa. Thức ăn thì đã có đồ hộp trong tủ lạnh, áo quần sứt chỉ, đứt cúc thì nhét vào đáy tủ, hoa thì mẹ làm gì có mặt ở nhà mà cắm, mà ngắm… Thế mà ở đây Thủy được học hết. Hôm trước, ngày nghỉ cả cô và trò làm bánh trôi. Chị Nghi cầm tay Thủy dạy cách nhào bột, làm bánh. Vụng về là thế nhưng cuối cùng những cái bánh của Thủy cũng ra hình hài, viên nào viên ấy tròn đều tăm tắp. Mắt Thủy long lanh. Chị Nghi xót lòng nghe Thủy nói: Giá như mẹ con cũng gần con như cô thế này... ° Thấm thoắt đã đến ngày Thủy ra trường. Hôm rồi con bé đã được nhận bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở và chứng chỉ học nghề may. Chị Nghi cứ thấy buồn buồn, bịn rịn. Hơn hai năm trời con bé gần gũi với chị, chị thương nó, nhiều lúc quên đi cảm giác chống chếnh vì thiếu một đứa con. Con bé tình cảm nhường ấy! Lại nhớ năm trước, nó hái hoa trong vườn trường tặng chị nhân ngày 20-11, ngày mà bản thân chị và các đồng nghiệp chỉ hiểu trong khái niệm! Nhưng vì hái hoa trong vườn trường nên Thủy bị đội thi đua trừ điểm. Nhưng con bé vẫn cười toét: 20-11 phải có hoa cho cô! Chị Nghi nâng niu bó hoa, ngày nào cũng thay nước để giữ lọ hoa mào gà tươi cả tuần. Trước ngày Thủy ra trường, người dì đến thăm và òa khóc trước con bé. Dì kể, mẹ Thủy đang bị tạm giam vì dính dáng đến một vụ buôn bán hàng lậu. Thủy chết lặng người, con bé không thể khóc. Chị Nghi ôm con bé. Thủy gục vào bờ vai gầy của chị: “Con không có chốn về rồi!”. Dì Thủy vẫn nước mắt ngắn, nước mắt dài, nhưng phận gái đã có chồng, thương cháu có bố mẹ mà như mồ côi có muốn chăm lo cho nó cũng chỉ được phần nào. ° Chị Nghi muốn Thủy ở lại với vợ chồng chị và anh cũng ủng hộ điều này. Con bé sẽ tiếp tục đi học, sẽ lớn và chao ôi… chị muốn nó như đứa con của chị, gọi chị bằng mẹ… Hơn cả, chị muốn nó sẽ có một chốn về, nó sẽ có chị để ôm ấp, chở che. Biết được điều này, con bé quay đi, cố giấu sự tủi thân và xúc động. Nó cố ghìm tiếng nấc: “Con phải trở về…” và nó ôm chị, giọng run run gọi “Mẹ”. Chị Nghi cũng cố giấu đi nước mắt. Chị biết rằng lúc này đây, điều tốt nhất dành cho nó là tiếp thêm nghị lực. Chị động viên Thủy và nói với con bé: ngôi nhà của chị dưới rặng tràm xanh là nơi luôn chờ đón Thủy bất lúc nào. Thủy lên xe, còn cố ngoái lại nhìn cô chủ nhiệm. Chiếc xe trôi đi và dần khuất vào hàng tràm xanh ngút mắt. Phía cuối con đường, chị Nghi vẫn đứng đó, chị cố nhìn theo chiếc xe, nhìn theo cái bỏng nhỏ nhoi của Thủy khuất dần.