Quá trình học vấn của chị Nguyện, so với chúng bạn cùng lớp, xét chung, không đến nỗi tệ song tính theo tuổi tác thì có hơi trễ vì mải đến năm 22 chị mới xong tú tài Pháp toàn phần trong khi các bạn Lào của chị đều mới hai mươi.
Nguyên nhân chính và trực tiếp giải thích được sự chậm trễ nầy là bởi bố mẹ chị Nguyện, noi gương bà con láng giềng đồng hương, đồng cảnh trong tỉnh, nhất quyết muốn trước khi theo chương trình ngoại ngữ, chị phải biết nói, biết đọc, biết viết rành tiếng Việt! Có sự trước và sau như vậy ấy vì ông bà thiển nghĩ nếu cho chị Nguyện học chữ Việt và chữ Tây cùng một lúc chị có thể "loạn óc" mất!
Sự chọn lựa của bố mẹ chị Nguyện rất giản dị. Nói giản dị vì bản thân ông bà nói riêng, hầu hết láng giềng nói chung, ngoài chút vốn việt và lào ngữ thường dụng, không có cái may mắn (?) cũng như không có cơ hội "tụng" cái gọi là NOS ANCÊTRES SONT DES GAULOIS ( tổ tiên chúng ta là người Gô-loa tức người Pháp ngày nay)! Do đó, với hoài bảo giữ được mãi sự cảm thông hay ít ra giây liên lạc giữa cha mẹ và con cái, phương tiện và cứu cánh duy nhất của ông bà là Tiếng Việt. Tuy thế, ông bà chưa hề khuyến khích con gái bằng những danh từ to lớn, trừu tượng chẳng hạn Bảo Tồn Văn Hoá Dân Tộc, Duy Trì Tâm Việt... và nhất là không bao giờ ông bà đem con số 5.000 Văn Hiến ra "thuyết" chị Nguyện. Trước hết chính ông bà cũng chưa hiểu rõ đó là thế nào, thứ đến ông bà cho là chỉ có hại đối với một đứa bé chưa ráo máu đầu.
Việc cho con em trong gia đình học tiếng mẹ đẻ tại Savannakhet (trước 1975) đã trở thành một tập tục tự nhiên như Tết Nguyên Đán tất có bánh dày, bánh chưng, có mai, có pháo..., Tết Trung Thu thì có lồng đèn, có bánh dẻo, bánh nướng... Và trường tiểu học Lạc Hồng của thấy Nguyễn Văn Viễn cùng trường của thầy Phúc (1) là hai nơi mà tôi tin rằng không người việt nào ở Savannakhet có thể quên được, đặc biệt anh chị nào hiện tạm dung trên các nước Âu Mỹ.
Chị Nguyện bắt đầu học i tờ với thầy Viễn năm chị lên 5. Thầy Viễn vừa là sáng lập viên hiệu trưởng vừa là giáo viên chính trường Lạc Hồng, sau có thêm cô Suzanne Gervais (người việt tên tây), cô Vân, thầy Sơn. Tôi không nhớ trường được thành lập năm nào, chỉ biết học trò lứa đầu tiên của thầy năm nay đều trên dưới 60, trong số đàn anh nầy người vẫn viết và viết rất hay là nhà văn Nhật Tảo Phan Tình. Chị Nguyện thuộc lứa thứ tư, cùng lứa với 2 anh em ca-nhạc sĩ tài danh Văn Tấn Phát, Văn Tấn Sỹ... và người viết bài nầy.
Màu xanh dương đậm và màu trắng là hai màu đồng phục của trường Lạc Hồng. Con gái tóc bum-bê, váy xanh áo trắng. Con trai quần đùi xanh áo trắng và bắt buộc phải cắt tóc ca-rê.
Phương pháp giáo dục của thầy Viễn rất cứng rắn, nếu không muốn nói là độc tài. Thầy luôn luôn to tiếng, cả những lúc thầy mệt nhất. Đường roi mây chập 2 chập 3 của thầy thì phải kể là tuyệt chiêu Thiên Ảnh Đoạt Hồn:
· Chớp nhoáng đến nỗi đối tượng không kịp có phản ứng... gồng ;
· Chính xác vì không bao giờ nó trật khỏi... lưng (né đường roi của thầy là một điều tối tối kỵ vì thầy sẽ nhân đôi con số roi đã ấn định) ;
· Bình đẳng vì thầy không phân biệt nam, nữ.
Ngoài ra thầy còn bí chiêu "Cởi-Quần-Sơn-Chim-Dạo-Phố" quỉ khốc thần sầu riêng dành cho cu cậu nào phạm lỗi, cụ thể như Không Thuộc Bài, Tắm Sông Cửu Long, Ghẹo Gái, Đánh Lộn, Chơi Thẻ ; vớ vẩn như Chọc Thiên Hạ Gọi Tên... Thầy Ra Chửi! Trong lứa chị Nguyện hai cu cậu nổi tiếng được thầy trường kỳ áp dụng bí chiêu nầy phải kể anh Đoan Lọ tức Đào Hữu Đoan, vua đánh lộn kiêm hiệp sĩ samourai chém bằng tay và anh Thìn Bộ tức Phan-Đình Thìn, vua chọc gái. Không có cuộc "dạo phố" nào mà không có mặt hai anh chàng nầy.
Bởi thế, học trò dù không còn học với thầy hoặc đã có vợ con rồi mà mỗi lần giáp mặt thầy vẫn cảm thấy sờ sợ như năm xửa năm xưa. Anh chị nào "lì" nhất, khi thấy bóng thầy ngoài đường, cũng đến len lét và nếu có thể, thường chọn cách... tránh thầy. Kính thầy thì không ai không kính, ghét thầy tôi nghĩ chắc không ai nỡ song yêu thầy, bấy giờ, khó cô cậu nào yêu nỗi.
Phụ huynh học sinh đều tường tận lối giáo dục của thầy nhưng thường làm ngơ để mặc vì tất cả đều đồng quan điểm "thương cho roi cho vọt". Và cũng nhờ thế mà ông bà nào có con cái qua được trọn vẹn "Ải Lạc Hồng" thường yên tâm các cô cậu đọc thông, viết thạo nói rành tiếng mẹ đẻ. Đó là phần thưởng cao quí, điểm son cho một đời lưu lạc những khi chạnh lòng cảm khái "năm châu bốn biển quê mình là đâu".
Cô cậu nào muốn tiến xa hơn chút nữa thì ngoài cách đọc sách ra không còn phương tiện nào hơn, thời gian đã chứng minh trường hợp nầy. Bấy giờ còn nhà sách việt ngữ Hồng Yến do ông tây "Sông Hương Núi Ngự" – Louis Guigin – làm chủ (hiện sống tại Orange, nam Pháp), toạ lạc gần rạp chiếu bóng Nang Lịch. Những anh chị có tiếng mê sách, thường xuyên lui tới nơi nầy phải kể Thông Thân, Vinh Lợi tức Vinh Chó, Lâm Nảo tức Lê Văn Lâm, Thìn Bộ... và chị Nguyện.(2).
Bấy giờ ở trường Lạc Hồng, từ lớp tư (năm thứ 3 bây giờ), có thêm một giờ lào ngữ mỗi chiều. Tác giả còn nhớ như in 2 đặc điểm của thầy phụ trách chương trình nầy:
1. Cặp môi dày thâm xịt ví thể hai lát thịt bò quá hạn để chồng lên nhau ;
2. Những làn roi mây thầy vụt lên đỉnh đầu ca-rê chúng tôi.
Chị Nguyện học hết lớp ba trường Lạc Hồng thì thi vào trường sơ (soeur, nữ tu) trên dốc Đôồng Đằm Đuồn (Savannakhet) chuyển hướng theo chương trình Pháp-Lào lạ hoắc khoảng bốn năm, lại thi vào vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường trung học Savannakhet (trường công), đổ tú tài văn chương bảy năm sau. Chính bộ môn việt ngữ đã giúp chị Nguyện đậu trót lọt. Đó là nhờ căn bản i tờ học với thầy Viễn, cọng mấy năm miệt mài luyện chưởng Tàu cùng mười mấy buổi nghe thầy Võ Thu Tịnh lược giảng Kiều theo chương trình việt văn bổ túc thi tú tài trên sứ quán VNCH tại Vientiane ( chị Nguyện học đệ nhị tại Vientiane, thời đại sứ Hoàng Cơ Thụy). Khác hẳn hoàn cảnh tại kinh đô Vientiane, tỉnh Savannakhet không có lớp việt văn tương tự. Tệ hơn nữa không một ai, kể cả sứ quán, cho thí sinh việt tại các tỉnh biết chương trình việt ngữ gồm cái chi chi. Người chấm thi năm đó là linh mục Tình và đề thi do linh mục soạn được rút ra từ... Kiều và Chinh Phụ Ngâm!
Tê tái nhất phải kể trường hợp của anh Minh, một học sinh trung bình đến từ Kôông Sê Đôn, một tỉnh nhỏ gần Paksé ( Hạ Lào), nơi rất ít người việt, bí quá mới chọn việt ngữ làm sinh ngữ thứ nhì (sau Anh văn). Linh mục Tình đã bĩu môi " ban phước lành " cho anh Minh năm tới đỗ ưu khi anh Minh đã dịch:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
(Kiều, câu 39-40)
thành:
Durant le printemps, sur quatre-vingt dix navettes, l'hirondelle en a emporté à Thiều Quang soixante (!!!)
nghĩa là:
Suốt mùa xuân, trong 90 cái thoi chim én đã mang đến cho Thiều Quang 60 cái.
Chị Nguyện xa trường trung học Savannakhet, xa xóm Bảo Quang niên thiếu, xa những buổi hoàng hôn trĩu mộng... thấm thoát cũng đã 15 năm! 15 năm không một lần trở lại. 15 năm biết bao biến đổi, đối với chính chị và đối với cộng đồng người việt tị nạn chung quanh trên đất Pháp, nhất là đối với các em nhỏ cở Hiền, con gái đầu lòng của chị, sinh tại Strasbourg.
Thấm thía tình cảnh tha hương của chính mình từ thuở lọt lòng, ám ảnh bởi trường hợp hỏng tú tài của anh Minh, chồng chị ngày nay, chị Nguyện quyết định sưu tầm lại sách vở việt nam từ năm 1977, chuẩn bị dạy cháu Hiền sau nầy. Niềm hãnh diện lớn nhất của chị hiện nay là đã có một tủ sách cũ văn-sử-địa trên 2.000 cuốn xuất bản tại Sàigòn trước 1975 và kết quả khả quan của vợ chồng chị trong việc hướng dẫn cháu Hiền học tiếng mẹ đẻ tại nhà, song song với chương trình học của nước Pháp.
Vợ chồng chị Nguyện bắt đầu hướng dẫn cháu Hiền làm quen với tiếng việt từ thuở cháu mới lọt lòng, đọc và viết năm cháu lên năm. Phương pháp hướng dẫn của vợ chồng chị Nguyện rất đơn giản:
1. Lấy khung cảnh và không khí trong gia đình làm căn bản chính, nói rõ là lúc đầu anh chị tuyệt đối tránh dùng ngoại ngữ với cháu Hiền. Dần dần khi cháu Hiền lên bốn thì anh chị thêm phần giảng ra tiếng việt những chữ, những câu tiếng Pháp do cháu Hiền buột miệng nói ra.
2. Tài liệu: Vần Việt Ngữ của cụ Bùi Văn Bảo. Thỉnh thoảng kể chuyện cổ tích việt nam (sơ lược) cho cháu nó nghe, và phương tiện luyện phát âm hữu hiệu, thích thú nhất, theo anh chị, không gì bằng tập cho trẻ hát những bài ca nhi đồng vui nhộn, ngắn gọn và dễ hiểu.
3. Thời gian: Khoảng 1 giờ mỗi sáng chủ nhật, từng bài một, cho cháu kỳ thuộc mặt chữ mới sang bài khác dù phải mất 2 hay 3 tuần cho mỗi bài.
4. Địa điểm: Trên giường ngủ (sáng ngủ dậy, trước khi xuống giường – qua phòng cháu hay ngược lại).
Nhiều năm trôi qua, bằng vào phương pháp trên, cọng với sự quyết tâm của vợ chồng chị Nguyện, cháu Hiền đã khá trên cả ba phương diện, nói-đọc-viết tiếng mẹ đẻ. Có điều phải nói thêm ngay ở đây là cháu Hiền không vì học tiếng việt mà kém pháp văn tí nào ; nó đọc sách tây, nói tiếng pháp cứ như đầm, học hành trong lớp thuộc hạng khá.
Nếu chúng ta không cho trường hợp gia đình vợ chồng chị Nguyện là trường hợp hý hữu thì nhận định sau đây của chị Nguyện đáng được lưu tâm:
"Ngoài vần đề sinh kế và thời gian ra, các phụ huynh vẫn viện cớ sợ con em mình bị "loạn óc" nếu bắt chúng học 2 thứ tiếng cùng một lúc (Việt-Pháp, Việt-Anh). Đó là quan niệm thuở tôi - chị Nguyện – còn nằm ngữa tức là thời mới phát hiện khoa tâm-sinh-lý nhi đồng. Thảng hoặc xưa bố mẹ tôi có chút vốn tây-học kha khá và nhất là chịu khó đọc sách giáo dục thiếu nhi, tìm hiểu vấn đề phát triển tâm-sinh-lý học nói chung, trí thông minh, sự thâu nhận nói riêng của các trẻ, chắc chắn tôi đã phải đỗ tú tài Pháp trước tuổi 22."
"Nói thế tôi không mảy may có ý oán bố mẹ tôi đâu khi thâm tâm tôi đã hiểu mỗi Thời mỗi Thế. Và những khi nghiệm lại sự trễ nãi trong việc học hành tiếng pháp của mình, tôi thoáng lạnh người. Tôi lạnh người khi lòng tự hỏi lòng: Nếu bố mẹ không làm mình "mất" 5 năm trong " Ải Lạc Hồng" và cứ coi như mình đỗ tú tài pháp và du học từ năm 18 tuổi thì non 15 năm qua mình liên lạc với bố mẹ, anh chị em còn kẹt lại bên nhà thế nào? Mình có phải là mình như hôm nay không?..., nhất là khi liên tưởng đến bé Hiền trong 10 hay 15 năm sau trên mảnh đất "lành" nầy hoặc may mắn về trên đất mẹ, sông cha mà thâm cảm xiết bao hậu ý sâu xa, nền hương hoả bất tận tuyệt vời của song thân đã giản dị dành giữ, trao truyền cho tôi!"
Trong một buổi hàn huyên, một đại đức có kể chuyện một đám trẻ con việt nam theo bố mẹ từ các nước tây âu về hành hương một chùa nọ tại Paris. Chúng nó chơi đùa với nhau nhưng hoặc ra dấu hoặc đoán ý mà hiểu nhau thôi vì mỗi nhóm nhỏ nói mỗi thứ tiếng, không đứa nào biết tiếng việt cả!
Mẫu chuyện trên khiến tôi nhớ lại tích thi hào la-tinh Ovide, cách nay 2.000 năm bị đày tới một miền mọi rợ. Ông không biết ngôn ngữ của thổ dân, than thở " ở đây không phải người bản xứ dã man mà chính tôi mới dã man vì tôi nói không ai hiểu tôi cả". Và lời học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Luyện Văn, trang 16 "... người việt nào dù thông thái tới mấy mà viết không xuôi việt ngữ thì không phải là một nhà trí thức việt nam. Họ là những bác sĩ, tấn sĩ ngoại quốc mặc dù mang danh tánh việt".
Không biết tiếng mẹ đẻ không là một cái tội, song nhất định không những là một thiệt thòi lớn mà còn là niềm tủi thân dằng dặc trong thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại hải ngoại mà thường tình các phụ huynh vì lý do nào đó ít khi lường trước được hậu quả. Một em chuyên viên kinh tế người việt, tên việt, họ việt đại diện cho một công ty Pháp về VN nghiên cứu thị trường để đầu tư, em không nói được tiếng việt, do đó đi đâu cũng kè kè một thông dịch viên, quay trở lại Pháp em đã gián tiếp oán trách cha mẹ đã chỉ khéo gầy dựng em thành một bức tượng việt nam khá hoàn chỉnh nhưng... Tuy nhiên đừng vì quá mong muốn cho con em biết tiếng mẹ đẻ mà vấp phải sự sơ xuất là gây cho chúng mặc cảm "phạm tội" khi dùng tiếng địa phương trong gia đình, tức tránh chuyện chuyển từ cực đoan nầy sang cực đoan khác: Thái quá bất cập.
Trường hợp của gia đình chị Nguyện hẳn không thể là trường hợp duy nhất, và phương pháp khả quan của họ dĩ nhiên cũng chỉ tương đối. Nhưng chính vì sự tương đối đó, khi để nó cạnh chuyện kể của đại đức nêu trên, riêng cá nhân người viết bài nầy cảm thấy kém lạc quan khi nghĩ đến cộng đồng người việt hải ngoại từ thế hệ 2.0 trở về sau.
Trong một thời gian gần 30 năm, sau 1975, trường Lạc Hồng mang tên trường Thống Nhất, nay, trên nền cũ, là một cơ ngơi hai tầng khang trang rộng rãi do Hội Người Việt Nam tại Savannakhet vận động xây cất với sự hổ trợ cụ thể của BQGGD-XHCNVN và sáng suốt thay đã lấy lại cái tên thân thương cũ: Lạc Hồng.
Trường Lạc Hồng mới đã được chính thức khai trương từ niên học 2004-2005. Với một hình thức tiện nghi, đẹp đẻ như hôm nay cùng một số giáo viên đến từ quê nhà, tôi thiển nghĩ, đã đến lúc anh chị trong ban điều hành cũng như các giáo viên nói chung cần cương quyết hơn nữa trong cách giảng dạy, không thể để mặc hay kéo dài lâu hơn nữa tình trạng trong không gian việt ngữ mà từ giáo viên - sinh trưởng tại địa phương - chí đến học trò cũng như phụ huynh hầu như chỉ dùng tiếng địa phương để giảng dạy và trao đổi. Hình thức và phương tiện như thế mà nội dung như thế, e không mấy hợp lý đối với hoài bảo cao quí của những người chủ trương và càng không hợp lý - nếu không muốn nói là phi lý - đối với các phụ huynh.
Hàn Lệ Nhân
Chú thích:
(1) Có thêm trường thầy Quế và trường cô Hoà nhưng 2 trường nầy mở được vài năm thì đóng cửa.
(2) Mê sách có tiếng nhất phải kể anh Vũ Văn Tư, học trò lứa thứ nhì trường Lạc Hồng, sau trở lại làm giáo viên cho trường mãi đến 1975. Ở Savannakhet anh Tư nghèo cũng vì sách. Đối với đồng lương giáo viên lúc bấy giờ mà anh đã tậu được một tủ sách việt văn-sử-địa trên 600 cuốn thì quả là dân "ăn" sách thay cơm và chịu chơi. Nói anh Tư chịu chơi vì bà con, bè bạn từ muôn thuở muôn nơi chỉ khoái đọc sách chùa và quên... trả lại. Rút kinh nghiệm của anh Tư, tủ sách việt của tôi có cái bảng " SÁCH KHÔNG RA KHỎI NHÀ ": Xong!

Xem Tiếp: ----