Tôi đứng trên phà vừa rời bến từ bãi cháy sang Hồng Gai. Thành phố trên
sông huyền ảo và lung linh lạ thường. Đèn sáng lóe trên các con tàu ra khơi
đánh cá, trên những chiếc tàu lớn ghé vào cảng ăn than. Đèn từ các ngôi nhà
cao thấp lô nhô trên lưng chừng núi, kéo cao đến đỉnh núi cũng còn lấp lóe.
Mặt sông loang loáng nước. Sóng ầm oạp và gió từ sông đưa lên làm tôi ớn
lạnh. Tôi bỗng thấy mình bé tí teo, lơ lửng giữa một khoảng không thăm thẳm
cao và mịt mùng sóng. Mọi thứ chợt ùa về trong tôi, dù nó là những kỷ niệm xa
tít tắp. Tôi không có ý định ngày nào cũng phải nhớ về nó, khi cuộc sống của
tôi bây giờ đã khác lắm rồi. Nhưng cũng không bao giờ quên. Nó là một phần
đời của tôi, là ngưỡng cửa đầu tiên tôi đập mặt mình vào khi tôi hơn hai mươi
tuổi.
Năm tôi hai mươi hai tuổi. Một buổi sáng tỉnh dậy. Tôi nhận được phong
thư. Nét chữ của anh. Người đàn ông hơn tôi mười hai tuổi "Đến với bọn anh
đi. Rừng núi và sông nước sẽ đón em. Bé tí ơi, đi một ngày ra khỏi nhà là bé có
bao nhiêu thứ để sống có ích. Bọn anh ở đây có hôm quên cả ngủ vì cuộc sống
tuyệt vời quá, ngủ thấy tiếc lắm. Em đừng mang nhiều thứ lỉnh kỉnh, nhảy xe
hàng và xuống nhé.
Hôn cô bé tí ti và yêu em nhiều. Anh".
Tôi đọc đến thuộc lòng từng chữ, chỗ xuống dòng hay ngắt đoạn. Mối tình
đầu tiên. Thoáng va chạm, run rẩy đầu tiên. Tất cả tôi gửi gắm nơi anh. Dù anh
đã một lần sang sông. Anh bảo: số anh phải thế. Ai cũng có số cả, việc anh lấy
vợ và bỏ vợ là hợp cách. Nếu cứ cố chống, nó sẽ hại đường khác, tốt nhất là kệ.
Tôi tin anh bởi anh có cái gì vừa gặp tôi đã tin ngay. Mắt anh thăm thẳm buồn.
Đôi môi cũng buồn, và cả dáng người cũng buồn rười rượi như thể lần đắm đò
thứ nhất đã đè nặng sự cay đắng lên người anh.
Hai ngày sau. Buổi chiều. Tôi đã đến bến phà và chuẩn bị sang sông. Phà
đông nghẹt người, xe cộ và hàng hóa. Nắng đã tắt. Trên sông tràn lan một mầu
đỏ ối của hoàng hôn. Mầu đỏ lịm hắt từ đâu đó loang dài trên mặt sông, ánh
trên khuôn mặt những người cùng chuyến với tôi. Chắc mặt tôi cũng có cái
màu đỏ. Tôi yêu cuộc sống, yêu tất cả những gì xung quanh tôi, những người
đàn bà lầm lụi, những người đàn ông đen sạm vì gió biển. Tôi là người đang
sung sướng. Thế mới biết, bà bao giờ cũng đúng tuy có lúc bà nói hơi nhiều.
Nước mắt chảy xuôi. Bố mẹ có thể chết thay con, còn con thì phần lớn chết vì
người khác, ví dụ như người yêu chẳng hạn. Tôi bỏ nhà để đến với anh thế này
chỉ được bà đồng ý. Còn bố mẹ thì cấm triệt để. Ngày ấy, con gái mới lớn lại đi
xa một mình, đến chỗ người đàn ông mới bỏ vợ, liệu có ai dám to gan mà cho
đi chưa? Nhưng tôi thì quyết tâm, đi bằng được. Tôi đã thắng.
Phà chậm chạp trôi qua sông. Tất cả thấm đẫm một sắc màu huyền ảo bởi
tôi nhìn chúng bằng ánh mắt kẻ đang yêu. Một người đàn ông ngồi bên một cái
lồng chim. Ông ta hình như ngồi sẵn trên phà từ lâu dù phà bao lần cập bến và
lại sang bờ bên kia. Ông đang chăm chú vào việc của mình là vặt lông chim.
Những cái lông chim bé bé, mềm mại bay quẩn trong không gian và rắc đầy
trên mặt sông, chỗ con phà đi qua. Trong ráng chiều, trong tiếng xịch xịch của
động cơ, những tiếng lít chít của những con chim trong lồng, những con chim
non tròn xoe đỏ bầm máu như những quả sim to đang trơn trụi quẫy đạp dưới
đất. Tôi bỗng thấy chóng mặt. Tôi hoa mắt. Phần vì đi đường xa. Phần vì
những cái mắt chim bé tí, đen nhánh như hai giọt mực nhìn tôi. Tôi thấy thương
chúng quá. Người ta ăn những con này, may ra mỗi con được một phần tư
miếng. Tôi đến bên ông, ngồi thụp xuống và giữ lấy tay ông:
- Cháu xin ông. Ông đừng thịt chúng. Có ai mua đâu mà ông thì cứ vặt lông
chúng mãi thế?
Ông già ngẩng nhìn tôi. Đôi môi khô nứt nhệch ra đầy vẻ quái ác. Hai mắt
đục lờ như mắt cá ươn. Một khuôn mặt dị dạng. Tôi bỗng chùn lại. Ông ta cúi
xuống, tiếp tục túm lấy những con chim bé bỏng và miết lông chúng nhanh
như máy.
Tôi thò tay vào túi, chỗ tiền ít ỏi bà dúi cho tôi chắc đủ trả cho ông ta chỗ
chim còn sống trong lồng.
- Cháu muốn mua chỗ chim còn sống.
Ông ngẩng nhìn tôi, hơi nhệch nhệch một bên mép, giọng khản đặc:
- Năm trăm.
Chỗ tiền tôi có, có thể mua được gấp bốn lần chỗ chim đó.
Tôi mở nắp lồng. Lũ chim chao đảo sấp ngửa đè lên nhau. Tôi nhẹ nhàng
lôi từng con ra và thả chúng. Tuổi trẻ thật ngu xuẩn và hiếu thắng. Gần hết bọn
chim tôi thả không bay lên được vì chúng đều bị thương không nặng thì nhẹ.
Tôi, lúc ấy, trước mắt mọi người chắc là một con bé thừa tiền và ngu ngốc. Một
vài con chim đập đập cánh lập bập bay lên. Thật tiếc cho số chúng. Con nào
yếu thì rơi ngay xuống phà. Vài con khỏe mạnh thì bay vù lên, trên nó là bầu
trời, dưới nó là mặt nước mênh mông. Tôi nhìn theo, xót xa vì biết thế nào nó
cũng bị rơi. Sóng và gió ầm ào, sức chúng làm sao sống nổi. Tôi cúi xuống và
tìm kiếm những con bị rơi, nhặt chúng bỏ vào lồng. Thương nó, tốt nhất là để
nó yên thân trong lồng còn hơn thả tự do cho chúng. Chúng không thể bay bởi
sức tàn lực kiệt.
Phà cập bến.
Tôi bắt đầu phải nghĩ đến tình cảnh của mình.
Không ai đón tôi cả. Anh không đến. Hàng quán lưa thưa. Mọi người ai vào
đó, chẳng ai còn sức mà nhìn tôi cùng chiếc lồng chim nữa, ngoài mấy đứa trẻ
con. Làm gì bây giờ. Tôi tẩn ngẩn đứng lại. Việc đầu tiên phải giải quyết là
chiếc lồng chim và những con chim không có khả năng bay. Chúng đáng để
thịt. Thật mua dây buộc mình. Tôi đưa chiếc lồng chim vào tay một ông già bán
nước "Cụ mang lũ chim này về thịt đi, chúng cũng sắp chết rồi". Tôi đặt chiếc
lồng chim xuống chân và chào cụ rồi quay đi ngay. Cụ già ngây ra nhìn tôi, rồi
nhìn những con chim bé bé đen đen đang loạch xoạch quẫy đạp.
Anh không đón tôi.
Mắt tôi bắt đầu cay xè. Đây là nơi nhiều người qua lại tôi cố nhịn chứ phải
chỗ vắng vẻ, có lẽ tôi khóc từ lâu rồi. Tôi là người kém bản lĩnh. Sai cũng khóc,
tranh luận để đúng về mình xong cũng khóc. Tức bực cũng khóc. Tôi không hề
biết mình phải đi đâu vì tôi không còn nhớ lắm cái địa chỉ anh viết thư cho tôi.
Một bà cụ già nghe tôi trình bày, cụ cũng trình bày lại một cách rất rắc rối. Tôi
không hiểu gì cả ngoài việc là đường sá ở đây lòng vòng lắm. Lần đầu tiên đi
xa không cùng bố mẹ. Xung quanh tôi toàn là người xa lạ và bận bịu. Bây giờ
đang là giờ cơm nước. Sau lưng tôi, phà đã đầy khách và chuẩn bị sang sông.
Tiếng máy nổ xịch xịch. Những người cùng chuyến phà với tôi biến đi đâu như
thể họ tan vào đất tự lúc nào. Tôi chỉ nhìn thấy ông lão bán chim. Ông ta đang
ngồi xuống uống rượu với quả khế xanh, và hút thuốc lào.
Tám năm trôi qua nhanh như chớp mắt nhưng cũng chậm như sên. Khi hạnh
phúc, thời gian qua mau. Khi đau khổ, thời gian dừng lại. Tôi bây giờ là một
thiếu phụ, dù mới bằng tuổi anh ngày ấy. Có khi chưa bằng. Đẫy đà và uy
nghi, tôi béo và mỡ màng chứ không nhí nhảnh như năm nào đến đây. Và bây
giờ đi đâu đã có kẻ đưa người rước. Tốt nghiệp đại học ngoại giao, nhưng tôi
không làm cố định ở đâu cả. Có cơ quan ở đó vài năm, có nơi hai tháng. Tôi
chuyển đi phiên dịch hay làm ở văn phòng đại diện cho các cơ quan nước
ngoài ở Việt Nam. Chồng tôi cũng là một nhà doanh nghiệp. Con gái tôi lên
bốn tuổi. Nó xinh hơn bố và mẹ. Người ta bảo tôi có phúc, nhất là bố mẹ tôi.
Mẹ bảo: "Lắm khi đang ngủ, tao lại giật mình đánh đùng không hiểu mày có
lấy được chồng hay không? Nằm ngẩn ngơ một lúc, nhớ ra là mày có chồng
mà có con rồi, tao mừng không thể tả được. May thế không biết".
... Ngày ấy. Lúc cho xong cái lồng chim, và sau khi ngơ ngơ nhìn ngó một
lúc tôi bắt đầu đi bộ. Đường bụi lầm và đen đúa vì đất và than. Những chiếc xe
Ben bò ì ạch trên đường với những tấn than như con bọ hung. Nhà cửa, cây cối,
tất cả nhuốm một màu xám xịt. Nước mắt tràn ra khỏi mi, tôi không giữ nó
trong người được nữa rồi. Tôi dừng lại. Hà Nội của tôi bây giờ xa lắc. Bố mẹ
đang ngồi bàn về tôi trong sự đau khổ bởi tôi là đứa con không vâng lời. Tôi
thèm được về, trong căn nhà với ba con người đó. Tôi bắt đầu ân hận.
- Trúc, Trúc, có phải Trúc không?
Tim tôi khua loạn xạ trong lồng ngực vì đã có ai đó gọi tên tôi. Nhưng
không phải tiếng của anh. Một người thanh niên đang lao xe tới chỗ tôi đứng.
- Em là Trúc?
- Vâng ạ. - Tôi ngây người nhìn anh. Anh đen hay bẩn? Mũi anh ta hin hin.
- Anh Hoạt nhờ anh đón em.
- Thế anh ấy đâu ạ?
- Anh ấy phải ở nhà thu xếp để em đến. Hậu phương bao giờ cũng phải vững
chắc thì mới thắng lợi được! - Anh ta cười, nụ cười hồn hậu.
Tôi ngồi lên xe. Chiếc xe anh đèo tôi giống y chiếc xe thồ, chỉ khác là không
có hai cái sọt thôi. Anh ấy và tôi ngả nghiêng trên con đường lầm bụi. Tôi thấy
mình vui lên vì đã bắt được tín hiệu của anh, người đàn ông tôi có đầu tiên
trong đời. Anh đưa tôi đến trước một dãy nhà ngói chênh vênh bên sườn núi,
có mấy cái cây con con đen đúa vì bụi. Cửa sổ mở ra núi, nhìn hút lên cao là
cây cỏ hoang dại. Mọi vật khô khốc. Những chiếc giường cá nhân, những chiếc
chiếu đen đen, sơ sài và tạm bợ. Tôi nhìn quanh. Trong góc phòng, chỗ tối nhất
đang phát ra tiếng khầng khậc. Anh đưa đường mủm mỉm cười:
- Anh Hoạt đấy. Thôi coi như anh xong nhiệm vụ với anh Hoạt. Anh phải đi
về đội đây. Bọn anh còn phải tiếp tục khảo sát thực địa. Lúc nào rỗi, em và anh
Hoạt sang bọn anh chơi.
Tôi nhìn chăm chăm vào phía góc phòng nơi đang nhịp nhàng phát ra những
âm thanh quái đản. Anh đấy ư? Một khuôn mặt phì phì, ung ủng với một cái
mồm há ra thở nặng nhọc như kéo cưa. Hai tay thả thõng thượt như người hết
sinh lực. Hai bàn chân đen nhẻm thò ra ngoài chiếc chăn rách. Trông anh, từ cổ
xuống giống như một xác chết.
- Anh Hoạt, anh Hoạt ơi! - Tôi lay người anh khe khẽ.
- Hừm... - Anh hù tôi một cái rồi trở mình, xoay lưng vào mặt tôi. Ngủ tiếp.
Căn phòng thoáng yên tĩnh.
Nước mắt tôi lại thánh thót rơi. Bố mẹ có yêu thương tôi và các cụ ngày ngày
có dạy dỗ tôi trăm nghìn sự thì chắc cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ dạy tôi phải xử
lý với tình huống này như thế nào.
Bóng tối ập xuống. Trong không khí có mùi ngai ngái của khói củi. Tôi tựa
cửa ngóng vu vơ ai đó mà tôi chẳng biết. Thế còn sướng hơn là ngắm một
người đang ngủ li bì, quanh người nồng nàn mùi chua chua của rượu, một thứ
rượu rẻ tiền và chóng say.
Bây giờ, sau nhiều năm, tôi mới hiểu ra những gì xảy ra với anh và tôi ngày
ấy là hợp quy luật. Nhưng ngày ấy, tôi và mọi người thì nghĩ rằng anh là một
lão đàn ông đàng điếm, trai lơ và ích kỷ. Một con người không có tình yêu. Bố
mẹ tôi thì cho anh là kẻ lọc lừa.
... Lúc ấy, khoảng bảy giờ tối thì anh dậy. Khuôn mặt anh mờ mịt như người
vừa ở trong hàng thế kỷ chui ra. Sau hơn hai trăm cây số và mấy lần phà, tôi
được nghe anh đón tôi bằng câu đầu tiên "Anh khát quá. Anh thèm ăn một bát
canh rau gì đó man mát. Hoặc là uống một gáo nước lã cũng được. Nước mưa
ngọt lắm". Những người cùng phòng ái ngại nhìn tôi và lặng lẽ tản đi hết. Tôi
lại khóc rấm rứt. Anh thì trố mắt ra nhìn tôi, vẻ không hiểu gì cả. "Sao thế em?
Chúng mình gặp nhau thế này vui quá còn gì. Hay em đang gặp chuyện gì
buồn. Thế em đến lúc nào đấy, ăn gì chưa?". Tôi khóc vì anh nhưng anh thì
nghĩ là tôi khóc vì một cái gì đó. Nói ra chẳng giải quyết được cái gì cả. Và anh
ôm lấy tôi. Thế là mọi nỗi uất hờn tan đi hết. Tôi yêu anh. Một tình yêu đầu
tiên, thánh thiện và trong sáng vô cùng. Tôi yêu tất cả những gì có ở nơi anh.
Và anh là người đẹp nhất trong tất cả những chàng trai xung quanh tôi. Người
con gái đến tuổi dậy thì có những đụng chạm đầu tiên với một người đàn ông,
thường bị xúc động ghê gớm và không bao giờ quên.
Đêm đến. Hai chúng tôi đi bộ ra rừng. Tôi vui vẻ trở lại và không thấy mệt
mỏi. Đêm ở rừng âm u, huyền bí. Xa xa, tiếng sóng biển ầm ĩ. Tôi và anh ôm
lấy nhau. Rồi anh bỏ tôi ra, thao thao kể về những công việc của anh dưới này.
Đi khảo sát địa hình của những mỏ than. Lập đề án khai thác than và đưa
chúng vào sử dụng. Có bao nhiêu cách khai thác. Và đủ mọi chuyện đã xảy ra
trong những ngày anh ở đây. Anh kể cho tôi nghe về những chuyến đi săn
đêm. Rồi biển động thì con sóng to ra sao, tiếng nó va vào kè đá thế nào. Anh
hào hứng kể với tôi mọi chuyện, cả chuyện anh trêu các cô gái mỏ thế nào, như
thể tôi là một thằng bạn lâu ngày anh gặp lại. Đến một thảm cỏ khô khô, tôi và
anh cùng ngồi xuống. Anh hôn tôi. Một nụ hôn loang loáng chạy qua môi tôi,
môi anh mềm, mát lạnh. Môi tôi nóng run rẩy. Anh chạm vào tôi như gió
thoảng rồi buông ra ngay, khi tôi chưa kịp trấn tĩnh. Tôi ngây người nhìn anh
và tự hỏi: anh chán tôi rồi hay sao?
Anh vẫn tiếp tục kể mọi chuyện. Còn tôi thì bắt đầu nghi ngờ anh. Rồi anh
thì thào "Về ngủ đi. Em đi xa chắc mệt lắm". Tôi trả lời "Em có thể ngồi đây
với anh đến sáng. Em lặn lội xuống đây với anh không phải để ngủ". Anh cười
"Vớ vẩn. Sương xuống sẽ làm em quay lơ ra. Mà anh thì ngày mai cũng phải đi
làm. Hôm nay đã say cả ngày rồi. Vì em đấy. Chúng nó bảo anh là người hạnh
phúc nhất nên phải khao rượu. Mà tính anh đã uống phải say xỉn thì thôi. Uống
lởm khởm súc miệng khó chịu lắm".
Tôi im lặng. Trên trời, những chùm sao nhay nháy một cách yếu ớt. Hóa ra
tôi chẳng quan trọng gì với cuộc sống của anh cả. Anh chồm người lên tôi. Tôi
im lặng và chờ đợi. Người tôi run lên vì anh gần gũi tôi quá. Anh hỏi: "Yêu anh
không, bé con?". Tôi gật, người nóng bừng. "Trước anh, bé đã yêu ai chưa?".
Tôi lắc. "Sao bé có vẻ từng trải và bạo dạn lắm. Anh nghĩ là em đã có một ai?".
Tôi tiếp tục lắc. "Em yêu anh và tin anh nên em không sợ anh". Anh ngồi
thẳng dậy, cười: "Con gái chết vì cái sự tin đó. Hết đời như chơi đấy bé ạ, nếu
không biết giữ mình. Bạ ai cũng tin thì nguy. Nhỡ anh hại đời con gái của em
và bỏ em thì sao?". Tôi thấy ngần ngại: "Sao lại hại em. Chúng mình yêu nhau
và sẽ lấy nhau". Tôi nói và ngồi lên, vòng hai tay ôm lấy người anh. Anh im
lìm như pho tượng. "Mọi chuyện xa xôi lắm bé con ạ. Anh vừa thoát cuộc sống
gia đình. Thỉnh thoảng đón thằng cu, chăm sóc nó là anh thấy sung sướng.
Anh chưa tưởng tượng ra mình sẽ lấy vợ và lại đẻ con. Đó là cả một sự mạo
hiểm". Tôi nóng mặt: "Thế tại sao anh nói là anh yêu em?". "Anh yêu em ngay
từ khi nhìn thấy lần đầu. Nhưng em còn chíp hôi lắm. Vả lại, chắc gì em sẽ yêu
anh mãi? Anh tin là em sẽ chán anh trước. Nhất là anh già rồi, chỉ kém bố mẹ
em có vài tuổi thôi". "Vậy anh gọi em xuống đây để làm gì?". Tôi cáu "Ơ hay
nhỉ. Đi thế này em không thích sao. Em được đến một vùng đất mới mẻ và
đáng yêu. Anh thì được đi đây đi đó. Được sống như ý muốn của mình chứ
không sống theo ý thích của người khác. Hồi bé thì sống theo ý bố mẹ. Lớn lên
một tí, chưa hiểu đời là cái gì và nên xử lý với nó ra sao thì a lê hấp, lấy vợ. Một
cô vợ ngày ngày dạo quanh anh như một ông công an mặc váy trong nhà.
Trong túi áo của nàng sẵn một cái còi, cần đến là thổi toét toét, ngay cả khi đi
ngủ". Anh cười và ôm lấy tôi. Môi anh lại lướt nhanh trên môi tôi. Mát mẻ dịu
dàng như miếng lê. "Cài khuy áo ngực lại, cô bé. Ngực em lộ ra hết trước mặt
anh rồi". Tôi nóng bừng người. Trong bóng tối, có một chút loe loé sáng của
một ánh đèn hắt xa xa, ngực tôi lộ ra, trắng như mầu sứ. Anh nhẹ nhàng, chăm
chú cài áo cho tôi như tôi là con của anh. Anh phủi nhẹ nhẹ đất ở quần tôi và
kéo tôi đứng dậy. "Về đi. Đừng bao giờ ra chỗ lạ mặc cái áo dễ bật cúc như thế
này. Nó sẽ kích thích đàn ông, lúc ấy em sẽ bị vạ lây đấy". "Anh không yêu
em sao?" Tôi thảng thốt hỏi. "Yêu em và thương em lắm chứ, bé con của anh.
Nhưng đừng bắt anh phải sống khác mình. Hiểu cho anh nhé". Tôi cay đắng,
im lặng đi theo anh. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ là lúc ấy, tôi không còn hiểu
anh là kiểu người gì nữa. Theo như tôi được biết, trai gái yêu nhau thì phải hôn
nhau và ham muốn được sống với nhau. ít nhất là anh phải có những hành
động gì đó với tôi, khi chỉ có hai đứa với nhau, giữa núi non và biển cả. Chúng
tôi là hai kẻ tự do hoàn toàn cơ mà. Mẹ cũng dạy tôi nhiều. Tôi cũng được
nghe nhiều, và cả đọc truyện nữa, hình như chưa có trường hợp nào tương tự
thế này. Tôi và anh không nói gì cả và về nhà. Anh nhường phòng cho tôi và
sang nhờ một người bạn. Biết tôi sợ ma, anh rủ chị cấp dưỡng bếp ăn tập thể về
cùng ở với tôi cho vui. Đêm đó, với tôi là đêm trắng. Trong khuya. Không gian
lành lạnh của một ngày đầu đông. Tôi nghe tiếng gió khua lá cây rừng xào xạc.
Thỉnh thoảng có tiếng tu huýt của một giống chim rừng gì đó bay vèo qua. Rồi
tĩnh lặng. Loáng thoáng, tiếng ngáy của anh bên kia tấm liếp được gió đưa qua
bên tôi. Tôi nghĩ đến bố mẹ, giờ này chắc bố mẹ cũng không ngủ được vì còn
phải cùng nhau tưởng tượng ra những cạm bẫy nào mà tôi sẽ mắc phải.
Sáng hôm sau, anh chạy sang phòng tôi. Khuôn mặt anh tràn trề sinh lực
chứ không như lúc anh mới tỉnh cơn say rượu. Tôi tin là hôm qua anh ngủ rất
ngon. "Chào. Bé ngủ ngon không? Hôm nay bé ở nhà với các chị nhé, anh
phải đi làm đây. Bảo các chị ấy dẫn ra chợ nhé. Tham quan chợ một lúc rồi về
ghi nhật ký, vài chục năm nữa giở ra đọc, thích lắm bé ạ". Anh vô tư trèo lên
cái xe đạp mà không cần thấy tôi đang trân trối nhìn anh. Anh nháy mắt với tôi,
và phóng vụt đi. Tôi không bao giờ nghĩ hiểu rằng trên đời lại có một cái loại
tình yêu quái quỷ như thế này. Chị cấp dưỡng tay bóp chặt nắm tiền, cười: "Đi
chợ mua cua bể và mực. Làm món chả mực và cua rang muối. Em sẽ thích
lắm". Tôi bèn cáo từ chị và ở nhà một mình.
Tôi ngồi im lìm giữa một căn nhà tồi tàn sơ sài như trong khoang thuyền của
người ngư dân sống cuộc đời chài lưới. Nằm ra giường và nhìn ra sân. Ngoài
trời, nắng đầu đông loang vàng. Gió se se lạnh. Tôi thấy trống trải và hụt hẫng.
Như người đứng trước một cuộc chạy thi, trước mặt là vòng hào quang rực rỡ.
Chạy mãi, chạy hết hơi đuối sức, trước mặt còn lại một bãi đất hoang, lởm
chởm đá.
Một ngày nữa trôi qua. Một sự lập lại như ngày trước. Anh rất quan tâm
chăm sóc đến sức khỏe của tôi. Làm mọi món ăn bằng đồ biển cho tôi thưởng
thức. Nhưng anh không hề hôn thêm tôi lần nào nữa. Tối đến, anh để tôi ở nhà
và đi câu tôm cùng bạn bè. Anh không cho tôi đi vì sợ tôi bị lạnh sẽ ốm. Và
anh không muốn tôi mất ngủ, da sẽ xấu lắm.
Ngày thứ ba. Anh đưa tôi ra bến phà để sang Bãi Cháy. Tôi về. Trước mặt
tôi, đó là cả một chặng đường dài tít tắp với ba lần sang sông. Không còn cái
đích là tình yêu trước mặt để vẫy gọi nữa. Tôi về với căn nhà be bé như cái tổ
chim che chở cho tôi. Lúc ấy, tôi mới hiểu gia đình quan trọng như thế nào.
Tôi vừa đi. Hai mắt cay xè, mòng mọng nước và cố gắng kìm nén để đừng
khóc trước anh. Phà rùng rùng sang ngang. Anh đứng trên bờ vẫy tôi rối rít.
Anh hét lên trong gió là bao giờ xong việc sẽ về thăm tôi. Anh chuyển hẳn
công tác về vùng mỏ, nó hợp với nghề và sở thích của anh. Tôi quay đi, hạ cái
túi lỉnh kỉnh những tôm, cua, sò, huyết và mực khô anh mua biếu bố mẹ tôi
xuống. Bắt đầu khóc. Khóc như mưa giăng qua mắt. Khóc như bị hun khói
ngày rằm tháng bảy vào lễ chùa Hà cùng mẹ. Tất cả, tan nát và mịt mờ đau
khổ.
Rồi tôi cũng về tới nhà.
Đến bây giờ sau nhiều năm, tôi vẫn còn nhớ nét mặt của bố mẹ khi nhìn
thấy tôi hiện ra ở cửa như một kẻ bại trận, với một ít chiến lợi phẩm lục đục
trong túi. Bố mẹ già xọp đi. Cả khuôn mặt toát lên màu xám xịt, như thể hai
người vừa chạy thoát được một trận bom. Tôi vào nhà, quăng đám đồ đạc ra
đất, ngồi phịch xuống giường. Người khô khốc và nặng trĩu. Bố mẹ nhìn tôi
đầy vẻ kinh hãi và không ai bảo ai, chạy thẳng ra đường. Hai người ngó mỗi
người một ngả, rồi quay nhìn nhau, và lại ngó nghiêng như tìm ai đó. Rồi, cả
hai cùng vào. Mẹ hỏi: "Nó đâu?" Tôi ngơ ngác: "Ai cơ ạ?". "Thằng khốn ấy
chứ ai?". Tôi thấy nhẹ bỗng: "Anh ấy chuyển hẳn về đó công tác. Bao giờ có
điều kiện sẽ về Hà Nội chơi thôi ạ". "Ai đưa mày về đến đây?". Mặt mẹ đỏ dần
lên. "Con tự về mẹ ạ". Mẹ hét lên: "Làm sao đến nông nỗi này con ơi. Thôi thế
là xong đời rồi. Nó xơi mày xong nó đi đằng nó rồi mày lại tự bò về chứ gì?
Thằng khốn nạn. Nó bỏ vợ con bơ vơ. Nó lại lừa con tôi. Tôi phải giết nó. Thân
tàn ma dại rồi con ơi. Sao tôi khổ thế này. Tôi có ác độc gì đâu mà giời phạt
tôi". Mẹ đau khổ thật sự, lồng lộn lên như con thú bị thương. Trông mẹ già xọp
và quằn quại. Ai không biết tưởng như một tai họa gì đó như cơn lốc ào vào
nhà tôi. Tôi ra sức thanh minh rằng anh tốt lắm, anh chăm chút tôi bằng tình
cảm của một người anh với em gái, rằng tôi chưa hề bị anh xơi một tý nào, rằng
anh còn dạy tôi cách sống ra sao giữa những người đàn ông xa lạ. Tôi càng
bênh vực anh thì bố mẹ càng gầm rít. Tôi khóc vì nhớ anh và vì cuộc tình của
tôi và anh hình như tan vỡ. Còn bố mẹ thì tưởng tôi là kẻ lầm đường lạc lối, bị
một thằng Sở Khanh mang cuộc đời con gái đi mất. Và tôi là kẻ thất tình. Bố
mẹ đi theo con đường suy nghĩ của bố mẹ trong sự tưởng tượng. Tôi thì lại
sống bằng cái dĩ vãng của ba ngày chua chát vừa qua, khi hiểu rằng anh không
yêu tôi như tôi tưởng. Tôi là kẻ bỏ đi - trước mắt bố mẹ.
Sau đó, bố mẹ đã bằng khả năng của mình xử lý anh. Nhưng hình như anh
cũng không vì thế mà bị làm sao cả. Anh là người có chuyên môn, lại dám
xông xáo, hình như anh lên lãnh đạo.
Tôi và anh chia tay nhau. Phần vì tôi tự ái. Phần vì bố mẹ. Phần vì tôi cũng
xinh đẹp và có nhiều người mê. Và ba năm sau, tôi lấy chồng. Một người
chồng tuyệt vời trước mắt mọi người. Ngày cưới tôi, mẹ tôi khóc hu hu. Tôi hỏi
tại sao, mẹ bảo "Giời thương tao, tao chết cũng nhắm mắt, nó biết mày mất
trinh mà vẫn làm đám cưới to thế. Thời mẹ, con gái như con chỉ đáng gọt gáy
bôi vôi thôi. Cố sống cho tử tế với nó, lúc nào nó cáu quá, có đánh con thì con
cũng cố mà chịu nhé". Tôi im lặng nhìn mẹ. Không hiểu mẹ có bị lẩm cẩm
không. Hay là tôi phải gào lên với mẹ và mọi người rằng, tôi không bị mất gì
cả, chẳng ai trộm cắp gì của tôi cả.
... Những lon bia. Những đĩa thức ăn đặc sản của vùng biển đầy ự trên bàn
chờ đón đoàn của tôi về công tác. Họ về đây ký hợp đồng mua than của ta. Tôi
có nhiệm vụ giao dịch và là mối dây giữa hai cơ quan. Những lời chúc tụng và
những ánh mắt đàn ông nhìn ngắm tôi. Tôi quen với những thứ đó rồi. Chỉ có
điều, chưa một người đàn ông nào nhìn tôi như Hoạt ngày ấy. Bây giờ, quay
trở lại Hồng Gai, tôi đã thành người khác. Tôi có nhìn thấy một cậu thanh niên
xách một túm chim rừng, con mỏ dài, con mỏ ngắn. Màu lông rất đẹp. Anh ta
hỏi tôi có mua không, hai ba nghìn một con. Tôi cười lắc đầu chợt nghĩ, ở Hà
Nội chim quay mười bảy nghìn một con, đắt thật. Tôi nhớ anh cồn cào, dù tôi
rất yêu chồng và con tôi. Hai chuyện đó, theo tôi, hoàn toàn chẳng can dự gì
với nhau cả.
Đêm đến. Tôi đi ra biển. Khoảng rừng ngày xưa chúng tôi ngồi với nhau
giờ người ta san phẳng và xây nhà rồi. Nhà mọc san sát. Trang trí nội thất đẹp
như những khách sạn mini. Trên đầu tôi, vẫn những vì sao lưa thưa, có vì sáng
rực, có vì nhạt nhòa, trên biển ánh sáng nhiều và chi chít hơn ngày xưa rất
nhiều. Cuộc sống ngày một đi lên, sung túc hơn. Càng sống, càng thấy anh
đúng. Những cái gì ngày xưa tôi oán giận anh, ngày nay tôi làm đúng như vậy.
Hóa ra, con người, từ lúc sinh ra đến lúc chết đi ai cũng đi chung một con
đường. Vừa giống nhau, lại vừa khác nhau. Người may mắn thì ít xa vào ổ gà.
Người đen đủi thì hay rơi xuống hố. Những cái sự bắt đầu và kết thúc thì như
nhau cả. Tôi im lìm nhìn biển đen thẫm trước mặt. Mùa đông năm nay đi về
hướng nào chẳng biết. Tháng mười một nhưng nắng vẫn hoe vàng. Tôi chỉ mặc
một chiếc váy thun mà không bị lạnh. Ai đó bảo rằng biển ấm vào mùa đông
và mát vào mùa hè. Biển muôn đời đáng yêu và dễ gần. Hồi chiều, tôi tìm đến
nơi ngày xưa anh công tác. Người ta bảo anh đi khỏi đó lâu rồi. Anh ưa sự
khám phá. Hình như anh vào khu mỏ mới nghiên cứu và khai thác than mỏ
nhỏ. Những mỏ vô danh và chưa ai đặt chân tới. Có người thì bảo hình như anh
và bốn người nữa trong một lần đi thăm dò mỏ mới, hít phải chất titan gì đó
trong khe sâu và chết rồi. Có người lại bảo anh chuyển sang Hải quan, chuyên
đi tàu trên biển bắt bọn buôn lậu quốc tế. Nói chung, tôi chẳng nhận được
những thông tin gì cụ thể về anh, ngoài việc anh là người ưa làm việc, ưa khám
phá. Anh vẫn độc thân. Cuộc sống và niềm vui của anh là công việc. Còn nhớ,
ngày ấy, khi chia tay tôi, anh có viết vài dòng cho tôi, đại ý là anh đã trải qua
mọi sự rồi. Ngay trong tình yêu cũng vậy, anh yêu tôi nhưng anh không vì tôi
mà sống khác. Anh hôn tôi bằng đôi môi của người đàn ông từng trải chứ
không thèm khát nhục dục của kẻ mới lớn. Anh, lúc ở rừng với tôi, anh có thể
nhịp nhàng mà chiếm đoạt tôi, và biến tôi thành nô lệ của anh vì tôi rất ngây
thơ và tin anh. Nhưng anh không muốn bởi vì tôi còn cuộc đời của tôi. Với anh,
điều đó không quan trọng, miễn là khi tôi đi lấy chồng, tôi còn nguyên vẹn với
chồng.
Tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Người đàn ông đã có vợ thường tìm
trong tình yêu mới vẻ đẹp tinh thần chứ không phải sự cuồng si của thể xác.
Anh không muốn lấy tôi bởi anh không muốn tôi đau khổ. Anh bảo: "Lấy
nhau sẽ phải đẻ con, anh cũng yêu thương con của chúng ta thôi nhưng cái tình
yêu đó không thể bằng tình yêu của một chàng trai chưa bao giờ có vợ và con.
Anh vẫn phải dành anh cho con của anh với người vợ cũ. Như thế, chúng mình
và các con đều đau khổ vì không ai được trọn vẹn cả".
Anh ở đâu? Sao tôi nhớ anh thế này. Bao nhiêu năm, tôi sống và tôi hiểu
rằng, chẳng bao giờ tôi gặp được người đàn ông nào thay thế được anh trong
tâm tính của tôi.
Sương nhè nhẹ buông. Trong gió có mùi tanh nồng nồng của biển. Có mùi
mặn mặn của muối. Tôi thấy nóng bừng người vì nhớ anh.
Tôi đang sống trong một năm không có mùa đông.
Quảng Ninh 2-1992

Xem Tiếp: ----