Tôi dặng hắng vài lần rồi kể tóm lược câu chuyện, bỏ qua chi tiết chúng sờ sẫm người và gí dao vào sườn. Không hiểu sao khi nhìn bộ mặt ỉu xìu của tên thấp đậm, tôi không nỡ nói hết hành vi thô bạo của hắn. Tôi ghét nhất đôi mắt anh ta. Cặp mắt sáng có đôi lông mày hình lưỡi kiếm, mỗi khi nhìn như muốn soi thấu tim gan người đối diện. Khi tiếp cận với anh, người nào yếu bóng vía hoặc trong bụng có chuyện gì khuất tất chắc không dám nhìn thẳng. Người gì mà khi nói chuyện dè sẻn từng chữ một: “Có mang hộ khẩu không?”, “Trước đây sống ở đâu? Làm nghề gì?”, “Chứng minh nhân dân là giấy tùy thân mà tại sao mất?”… Tại sui rủi thì mất, chẳng lẽ trả lời: “Tại công an không giữ được an ninh trật tự trên đường nên tui bị giật bóp chớ có gì đâu mà hỏi”. Phải chi tôi là đứa đoản hậu không ý không tứ thì quở trách cũng được, đằng này trên đường đi dạy về, giỏ xách mang cẩn thận trên xe, vừa leo lên xe định rồ máy thì tự dưng không biết ai xô một cái như trời giáng té chúi nhũi. Hai thằng chạy chiếc Win ào qua như cơn lốc, nó cầm cái giỏ liu liu trước mặt mình, cười hô hố, miệng “bai! bai!” rồi vọt thẳng. Hú ba hồn chín vía! May mà nó đạp mình té trong lề, chớ té giữa đường gặp chiếc xe tải cán lên dẹp đép như trái chuối, còn xác, còn hồn đâu mà làm lại giấy tờ. Vậy đó! Thân gái thời bình mà cũng chịu nhiều nỗi đoạn trường như vậy đó! Lấy được cái giấy chứng minh nhân dân mới cấp thì xảy ra chuyện tiếp theo phải đối mặt anh ta nữa. Tôi phải chuyển hộ khẩu từ chỗ cũ sang nhà mới. Nhìn hộ khẩu, anh ta cười cười, hỏi: “Có hai nhân khẩu à? Không có ông già, anh em gì sao?”. “Dạ… ông già mất tích rồi, chỉ có hai mẹ con, không anh em gì cả”. “Nhà rộng mà ít người quá, có cần sinh viên thuê tôi giới thiệu cho”. “Dạ không. Cám ơn!”. Anh ta dặn thêm: “Khu vực đó có bọn giựt dọc, ban đêm đừng đi khuya, không nên đeo nữ trang nhiều”. “Dạ” - Tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhà rộng thì kệ người ta, ai mượn giới thiệu người thuê. Bộ vừa làm công an vừa làm cò giới thiệu mua bán nhà chắc? Đàn bà con gái mà không cho đeo nữ trang thì còn gì là phụ nữ chớ. Trước giờ chưa nghe ai dặn dò một câu nghe thân mật mà kỳ cục như vậy. Mà thôi! Nghe hay không là tùy mình, hơi sức đâu để ý cho mệt. Vào tới giữa con hẻm thì một bóng đen cao to từ chỗ cua quẹo hiện ra như “hung thần”. Hồn phi phách tán, tôi ú ớ kêu cứu nhưng không kịp. Tên cướp xông tới kề dao vào mạng sườn đau điếng, ra lệnh: “Cô bé! Đưa xe cho bọn anh! Nhanh lên không kẻo cớm tới!”. Tôi lắp bắp, giọng hụt hơi: “Dạ không! Em có một chiếc xe đi dạy! Hoàn cảnh em khổ lắm, mấy anh tha em đi!”. Mặc cho tôi mếu máo khóc, một tên nữa thấp đậm tiến ra gỡ tay tôi khỏi chiếc xe, dọa: “Ngoan đi em bé! Tụi anh không có thời giờ, công an tới liền bây giờ”. Một đứa giữ xe, một đứa vừa lôi vừa sờ sẫm khắp người tôi, nó kề cái miệng tanh nồng mùi rượu vào mặt tôi, lải nhải: “Em thơm như múi mít, hẹn kỳ khác chúng mình vui chơi, lần này hiến của nả cho anh trước cái đã”. Tôi bàng hoàng đứng nhìn chúng nó rồ ga phóng chiếc xe của mình qua đầu hẻm bên kia. Bỗng dưng, tôi nghe có tiếng quát: “Dừng lại! Không dừng nổ súng đó!”. Một tiếng súng nổ đanh, gọn vang lên, tiếng xe rú rít điên cuồng rồi im bặt. Tôi chạy vội ra đầu hẻm. Dưới ánh đèm đêm tù mù, tôi thấy anh ta cùng mấy người dân phòng đang còng tay hai tên cướp, chiếc xe của tôi nằm ềnh ra đường, xăng nhớt chảy nhớp nháp. Nhìn thấy tôi, anh ta hỏi: “Cô có sao không? Tôi đã dặn không được đi khuya khoắt vào con hẻm này, sao cô không nghe?”. Tôi cố trấn áp nỗi sợ hãi còn đè nặng trong lòng, miệng lí nhí: “Dạ tại vì… tại vì… em mắc… bận dạy tối… ối…”. Anh ta cúi xuống đỡ chiếc xe lên, rồ thử ga rồi bảo: “Hùng! Đưa cô ấy về phường khai báo, mặt mày còn xanh lét xanh lè. Coi chừng chạy lạng quạng ngã xe, ngày mai không đi dạy được đó! Đi đi! Tao giải hai tên nầy về tới bây giờ!”. Tôi leo lên ngồi phía sau xe cho Hùng chở, tay chân còn run lẩy bẩy, mắt len lén nhìn lại phía sau. Anh ta nhìn theo mỉm cười, nụ cười hiền lành tin cậy. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy lòng dâng lên nỗi xốn xang khó tả. Dường như tôi với anh có định mệnh gì đó không hiểu được, hễ khi tôi gặp chuyện cấp thiết thì anh ta có mặt, khi tôi không muốn gặp thì có chuyện phải cậy nhờ Tôi vừa ngồi xuống ghế thì anh dẫn hai tên “hung thần” về tới. Không nói không rằng, anh ta ngồi vào bàn giấy, nhìn chằm chằm vào mắt can phạm, hỏi: “Hai cậu tên tuổi, nơi cư trú!”. Tên cao lớn ngang ngạnh: “Tên Lý Hải, 24 tuổi, vô gia cư, vô nghề nghiệp”. Anh ta gằn giọng: “Tới đây thì phải thành khẩn, thái độ sẽ quyết định tội trạng đấy!”. “Em thưa với anh là tụi em kẹt tiền làm ẩu chứ không phải chuyên nghiệp đâu ạ” - Tên thấp đậm nói với vẻ sợ sệt. Anh ta nhìn giây lâu vào đôi mắt kẻ đối diện như để đo lường tính chất của câu nói, đoạn hỏi vặn lại: “Vậy mỗi lần kẹt tiền thì đi hành sự như vậy phải không?”. “Dạ thưa mới lần đầu anh à! Xin anh giảm nhẹ cho tụi em, có khổ chủ ở đây, anh hỏi coi tụi em có thái độ gì quá đáng với cô ấy chưa?”. Nói xong, nó nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn. Anh ta hỏi tôi: “Cô tường thuật mọi việc xem nào?”. Tôi dặng hắng vài lần rồi kể tóm lược câu chuyện, bỏ qua chi tiết chúng sờ sẫm người và gí dao vào sườn. Không hiểu sao khi nhìn bộ mặt ỉu xìu của tên thấp đậm, tôi không nỡ nói hết hành vi thô bạo của hắn. Phần vì tôi là con gái mới lớn mà kể cho mọi người nghe chuyện bị đàn ông sờ nắn trên người mình thì có hay ho gì đâu, vả lại, đối với anh ta, tôi không nên cho biết những chi tiết bí mật đó… Sau khi nghe tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện, giọng anh nhỏ nhẹ hơn: “Tại sao hai cậu còn trẻ, không lo học hành mà làm chuyện phi pháp như vậy? Đêm nay hai cậu ở đây, viết tờ trình về bản thân và gia đình. Nên nhớ, luật pháp sẽ khoan hồng với người biết lỗi, còn coi thường luật pháp thì sớm muộn gì cũng bị trừng trị”. Nhìn ra ngoài, anh ta gọi: “Hùng ơi! Đưa cô Ngọc Lân về nhà. Gọi mấy cậu dân phòng vô cho anh!”. Tôi đứng nhổm dậy, lắp bắp: “Dạ em cảm ơn anh Thắng rất nhiều, em tự về được rồi, em…”. “Cô chắc không? Chịu khó chạy vòng ngã tư Hàm Tử có đông người, bảo đảm an ninh hơn!”. Trời đêm mát lạnh khiến tôi tỉnh táo hẳn. Lòng tràn ngập niềm vui vì “người bạn” bất ly thân vẫn còn kề cận với mình. Trời ơi, với đồng lương cô giáo ba cọc ba đồng của tôi, nếu mất chiếc xe này bao giờ tôi mới có đủ tiền mua lại được. Mà chiếc xe là chân đi, từ việc lớn đến việc nhỏ, nhất là những khi má tôi bệnh đau ban đêm, nhờ nó mà tôi chở bà kịp đến bệnh viện. Nói chung trăm thứ bà dằn đều nhờ đến nó. Tôi phải kể chuyện này cho má tôi nghe, chuyện đại sự mà giấu bà sao được. Tôi với má bước vào ngôi nhà nhỏ nằm sâu sau một khoảng sân vườn. Một bà người phụ nữ trạc tuổi má tôi đi ra, nhìn thấy chúng tôi cười đon đả, hỏi: “Bà chị với cháu tìm ai?”. “Dạ, chẳng giấu gì chị, con gái tôi bị cướp giựt xe. Cậu Thắng giúp nó lấy lại được, tôi đến để cảm ơn gia đình” - Trong khi má tôi lên tiếng, tôi đặt giỏ trái cây lên bàn, trịnh trọng: “Thưa bác! Con rất mang ơn anh Thắng, tài sản tuy nhỏ nhưng rất cần thiết cho gia đình con. Anh Thắng đã kịp thời can thiệp giúp con thoát nạn, mong bác với anh Thắng nhận tấm lòng biết ơn của mẹ con... Dạ, anh Thắng có nhà không bác?”. Người phụ nữ hóm hém cười: “Chèn ơi! Ơn với nghĩa gì cháu ơi! Đừng có bày vẽ, nó biết được nó rầy bác đó. Ối cái thằng, đi tối ngày chị ới! Trực cơ quan liên miên, tối nào rảnh còn rảo đi thăm mấy lớp học tình thương nữa chớ. Cứ như vậy không biết làm sao có vợ được đây. Con gái nào chịu ưng nó. Hăm tám hăm chín tuổi đầu rồi đó chớ phải ít ỏi gì đâu. Nghe nói được tặng thưởng bằng khen cảnh sát khu vực giỏi gì đó”. Tôi nhìn tấm bằng khen cảnh sát khu vực xuất sắc bốn năm liền của Bộ Công An trao tặng, bên cạnh là bức ảnh bán thân, đôi mắt sắc cạnh trong ảnh nhìn tôi như thôi miên, chiếc miệng rộng nở nụ cười dịu dàng. Trông anh trẻ trung, hồn nhiên hơn ở ngoài đời. Bỗng nhiên, tôi thấy anh thật gần gũi thân thương... Cảm giác không mấy thân thiện với anh từ trước tự dưng tan biến mất. Không biết có phải vì anh đã giúp tôi một việc lớn hay vì ánh mắt quá đặc biệt của anh đã gây cho tim tôi một “cú sốc” bất ngờ. Chúng tôi từ giã mẹ anh. Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm dưới giàn thiên lý cùng nụ cười hiền hậu của bà mẹ khiến tôi ao ước: “ Phải chi anh ấy mời mình về nhà, mình nấu cho hai mẹ con anh bữa cơm thật ngon, thật đầm ấm tình gia đình thì vui biết mấy”. Chiếc xe bon bon trên đường, má tôi chép miệng: “ Cái thằng đẹp trai mà dễ thương hết sức! Phải chi tao có thằng rể y chang như vậy, tao cưng biết bao nhiêu!”. Tôi nghe đôi má nóng bừng, tủm tỉm cười thầm, giả đò như không nghe thấy bà nói ra điều hệ trọng mà tôi vừa thoáng nghĩ tới. (Trại Sáng tác văn học Vũng Tàu - Bộ Công An)