- Ông chống liếp lên đi, tài bảy giờ qua mất rồi đó!
- Bảy giờ... à... bảy giờ - Ông lão ngồi dậy lơ mơ - Vậy thằng Cu Đen đâu?
- Nó vô núi hồi sớm. Bốn giờ tụi bạn đập liếp ầm ầm, ông dậy mà không nhớ à?
- Ừa - Lão đấm lưng, thả chân xuống bộ ván, theo thói quen quờ quờ tìm đôi dép. Sực nhớ, bữa qua con Ki Ki đã tha đâu mất một chiếc, lão húng hắng:
- Mai con Hai vô chợ, bà biểu nó mua giùm tui đôi dép. Tết nhất tới nơi rồi, hổng lẽ đi chân không...
Tiếng bà:
- Để tui nói. Mà ông chịu khó xỏ đôi của tui mấy bữa. Trời ơi, có đôi dép...
Mới bảy giờ hơn, nắng đã chang chang mặt lộ. Đôi ba phút vụt qua một chuyến xe. Cát ném lên mái lá rào rào. Cách bờ lộ một khoảng, anh thanh niên lưng tựa gốc cây. Mới sáng ra đã ngáp vặt. Thấy cái liếp quán kẹt nhẹ, anh thanh niên hượm đứng lên:
- Mở hàng trễ bác Hai? Tài bảy giờ qua mất rồi!
- Úi chao, nó qua kệ nó! Chắc đã bán được gì. Anh vô đây mà ngồi ghế. Sáng giờ buôn bán gì chưa?
- Buôn bán gì mấy cái gốc cây... - Anh thanh niên uể oải - Bác cho con thêm ba điếu thuốc. Hôm qua nữa là sáu, bác ha?
Tiếng bà già sau chái vọng lên:
- Sáu gì? Hôm nay ba nữa là bảy?
- Ờ, chập tối con lấy thêm một điếu lẻ, quên lửng. Bác nhớ ghi hết giùm con.
Bật quẹt châm điếu thuốc, mắt anh thanh niên nheo nheo. Hơi thuốc đầu ngày, ran ran ngón tay. Lòng hốt nhiên như có sóng:
- Cô Hai đi đâu sớm, bác?
- Nó vô làng, xay nhờ cối nếp. Làm mấy cái bánh in cho thằng nhỏ ăn Tết. Tội nghiệp...
- Hăm ba rồi, anh Hai có tin gì chưa bác?
Ông già vội liếc ra sau chái:
- Anh đừng hỏi lớn, bả nghe lại khóc cả đêm. Cái giống đàn bà ưa khóc đêm. Năm ngoái, chờ đến ba mươi nó có về đâu! - Lão lắc nhẹ đầu, nhìn mông mặt lộ. Đầu bắc hút vào cát trắng. Ngả nam ngợp tận núi xanh.
Thanh niên làng này cứ lớn là đi. Đi mãi, Tết nhất cũng chẳng thèm về. Nhưng bất chợt lâu lâu cũng thấy đám con nít bu đen đường xóm, ở giữa uy nghi một ống quần jeans áo vẽ. Tay xách vai mang. Bay mùi xà bông. Làng đêm ấy tự nhiên nghe tiếng cải lương inh ỏi. Vài hôm, thêm một đám trai nữa bỏ làng đi và cũng thêm những giọt nước mắt đêm đêm âm thầm nhỏ xuống...
Một chiếc xe du lịch tấp kít lề đường. Tiếng đàn bà nheo nhéo:
- Mày de lại chút coi.
Anh thanh niên bật dậy, vuốt vội vạt áo, hạ cái nón xuống tay, cuộn tròn:
- Dì coi mua giùm con một gốc về thành phố chưng Tết?
- Bây gọi ai là dì? Cái mặt muốn già hơn tao.
- Dạ... dạ- Anh thanh niên mặt đỏ rần - Dạ... chị...
- Bao nhiêu một gốc?
- Dạ, tùy, dì... chị ưa gốc nào, em nói giá gốc đó.
- Cái gốc giống ông thần tài kia bao nhiêu?
- Dạ thiệt tình, cái này giống quá mà. Bữa qua có xe ngang, trả em một trăm...
- Đó là bữa qua, chớ bữa nay bao nhiêu? Có cái gốc cây đào trong núi, vốn liếng gì đâu mà mắc quá vậy?!
- Dạ, em đi cả tháng, cực lắm. Đâu dễ tìm ra một cái gốc giống ông thần tài như vậy. Chị mua giùm em! Ở thành phố làm đâu có tự nhiên...
- Năm chục!
- Chị trả vậy tội em...
Ông lão nghe tiếng dập cửa xe...
Anh thanh niên hiện về bên cửa. Thả mình xuống ghế. Chiếc nón vẫn vò vò trong tay. Buồn. Anh rút thêm điếu thuốc. Hàng đã không bán được, lại tốn thêm điếu thuốc.
- Bữa giờ bán mấy gốc rồi Tư?
- Mới hai gốc, chưa đủ bù công bác à.
Im lặng. Tàn điếu thuốc cong cong trên đầu hai ngón tay cột giẻ. Mấy vết nâu còn thấm ra ngoài. Trước sân, một cơn chốt nhỏ dựng lên mấy cọng cỏ khô. Vài cái bịch ni-lông bị máng lại trên mớ gai đám xương rồng, đang lay nhẹ dưới nắng. Chàng thanh niên rít hơi thuốc cuối, gẩy vội cái tàn ra sân. Con Ki Ki bật dậy, né cái tàn ngún khói.
Bà già bưng chồng bánh từ chái sau lên:
- Ông bắc giùm tui cái liếp.
- Bà lại phơi nữa làm gì? Có mấy cái bánh, ngày nào cũng phơi!
- Tui biểu thì ông làm đi. Mốc hết, Tết nhất lấy gì ăn.
Anh thanh niên bật dậy:
- Bác để con.
Tấm liếp ngả ngang sân. Bà già xếp bánh. Một chiếc xe qua. Bánh bay chấp chới. Bà già nhìn theo chiếc xe, chửi đổng:
- Tổ cha mày! - Đoạn quay sang anh thanh niên - Anh khiêng giùm tui vô trong kia. Khổ ghê, con trai biệt dạng. Dâu quần quật cả ngày. Còn thằng nhỏ, mờ sáng là đi...
- Cu Đen làm gì trong núi, bác?
- Nó theo đám bạn chặt mai. Mấy bữa rồi về không. Mai mỗi năm mỗi ít.
- Mà mai năm nay, nghe đâu được giá. Nó kiếm được đôi cành, đủ ăn Tết bác à.
- Tết nhất gì. Không khéo lọi giò ra đó.
Có tiếng xe lóc xóc. Chàng thanh niên bật dậy, ngoảnh vội phía sau:
- Hai... Hai về rồi!
Thiếu phụ gỡ nón, đứng lui vào bóng râm, quạt mạnh. Chàng thanh niên mau mắn gỡ cọng thun ràng cái thúng phía sau. Hai ngón tay băng cong lên, giật nhẹ.
- Hai xay bao nhiêu nếp?
- Đủ làm vài cái bánh thắp nhang ông bà. Với lại cho thằng nhỏ ăn Tết.
- Thúng sao nặng vậy?
- Gạo. Tui vừa lên chợ về.
Ông già vội vã hỏi ngay:
- Thế mày mua đôi dép cho ba chưa?
Thiếu phụ nén tiếng thở dài:
- Dạ, ba chờ thêm ít bữa. Cận Tết hãy hay ba à. Sợ lạnh chân, ba mang đỡ đôi của con đi!
Ông già càm ràm:
- Hết bả biểu tui mang dép bả, giờ dâu lại biểu tui mang dép dâu. Riết rồi cái nhà này toàn đàn bà.
Bà già nhấm nhẳng:
- Tết nhất còn bao thứ không lo, cứ lo đôi dép. Mà quanh năm có đi đâu đâu, cứ đòi dép với guốc?!
Ông già xuôi giọng:
- Tui biết, tui biết. Là tui nói vậy thôi. Dép guốc làm gì. Già rồi...
Anh thanh niên nhanh miệng:
- Tối con để lại đôi của con cho bác mang. Ở nhà con còn đôi khác.
Thiếu phụ nhìn anh thanh niên:
- Đôi ở nhà là dép Tết. Mới sắm phải không?
Anh chàng đỏ mặt:
- Hai chọc quê tui hoài.
- Tui giỡn thôi. Biết giàu rồi. Một cái gốc cây kia bằng ba bốn đôi dép.
Nụ cười trên môi chàng trai như bị vuốt đi. Anh đứng thừ với cái thúng trên tay. Thiếu phụ rướn cổ nhìn ngang mặt chàng:
- Thôi, tui xin lỗi. Tư giận đó à?
- Không... - Chàng trai lắc đầu, bưng cái thúng về phía sau - Con để đâu hả bác?
Tiếng bà già:
- Nếp anh bỏ trên bàn. Gạo trút vô lu giùm tui.
Những hạt gạo đầu tiên rơi xuống lu loong coong.
Đổ gạo xong, chàng trai lặng lẽ vơ cái nón, bước ra sân, trở về ngồi nơi gốc cây ven lộ. Nắng rần rật mặt cát. Gió hập từng cơn. Biển xa, xa chói lói ngoài kia. Gió đầy vị muối. Chàng trai liếm môi. Muối vào tận môi anh. Mằn mặn. Chàng lại thèm thuốc. Sực nhớ ra điếu thuốc còn lại để quên trong cái gói trên bàn. Chàng gục đầu, mắt chui dưới nách nhìn vô. Thấy bóng thiếu phụ đang đứng vấn lại cái khăn trên đầu. Hình như cô cũng nhìn về phía anh. Chàng thanh niên vội vã đưa hai tay bưng mặt, kê nó trên đầu gối. Mấy ngón tay bị thương đau nhói, khẽ giật lên. Có nỗi gì vời vợi. Không phải sóng, không phải gió. Không phải tiếng mẹ ru hời. Sao nó cứ u hoang trỗi dài dằng dặc. Cái nỗi vời vợi ấy đã cắm phập vào chính mấy ngón tay anh đây. Khi quăng choảng con dao xuống đất, nhìn máu đổ ròng ròng, anh mới sực hiểu, hồn mình vừa trôi ra ngoài thân xác.
Từng chiếc xe vẫn vụt ngang trước mặt. Cái bóng cây thu vào tận gốc. Trưa rồi ư? Chàng thanh niên nhướn người, quơ cái giỏ treo trên cành cây. Lấy chai nước, tu một ngụm. Giở thêm cái gói lá. Vậy là sáng nay chẳng bán thêm được gốc nào. Mà ăn thì vẫn phải ăn.
- Tư vô nhà ăn cơm với tui.
Chàng trai giật ngoàng người. Hai bàn tay vặn lại như muốn bóp bẹp gói lá bên trong. Đó là cái bánh, làm bằng khoai mì luộc, giã nhừ, giữa bỏ miếng nhân đường tán nâu.
- Tui... tui ăn ngoài này được rồi. Hai cứ vô ăn với ông bà...
- Tư vô ăn chung. Có gì ăn đó. Hay là còn giận tui vụ dép guốc? - Thiếu phụ ráng làm mặt nghiêm nhưng môi cứ muốn bật cười trở lại.
- Không, tui có giận gì Hai đâu.
- Vậy vô nhà ăn cơm!
Chàng thanh niên mở cái giỏ, bỏ gói lá vào trong, định treo trở lại cành cây. Thiếu phụ vội đưa tay:
- Tư đem vô đi. Mọi người ăn bánh của Tư. Tư ăn cơm với mọi người.
Chàng thanh niên cười thèn lẹn, tay xách cái giỏ, đi theo thiếu phụ vô nhà.
Nồi cơm một sắc nâu nâu. Bà già lấy thêm xấp bánh. Bữa nay có cả bánh tráng cuốn cá hấp. Ba cái bánh chàng thanh niên đem theo được thiếu phụ bỏ ra giữa mâm. Chàng nhìn chúng, bàn tay cứ muốn thò ra cướp lại. Thiếu phụ bóc bánh, cắn một miếng:
- Ngon ghê. Bác ở nhà làm hả Tư?
- Mẹ tui còn thấy đường đâu mà làm. Tui chế ra đó.
Thiếu phụ tự nhiên im lặng. Chỉ còn tiếng nhai và tiếng gió ngoài sân. Ông già cất giọng, như nói chuyện một mình. Ông kể chuyện xưa. Rất xưa. Thuở ông còn theo thuyền đi làm cá:
- Cực mà vui. Vui mà cực. Cực đến độ thằng Hai nhà này theo vài chuyến rồi bỏ lên bờ đi tuốt!
Thiếu phụ cười buồn:
- Ba nhắc ảnh hoài. Má buồn rồi kìa!
Bà già buông chạch đôi đũa, lắc đầu:
- Tao không buồn nữa. Nó có đi thêm ba cái Tết nữa tao cũng chẳng buồn! Con vợ nó có buồn thì buồn chớ tao hổng cần?
Nói xong, bà cất lưng buớc vội ra sau chái. Thiếu phụ nhìn theo thở dài:
- Má lại ra sau nhà khóc đó!
Ông già càm ràm:
- Đúng là đàn bà! Khóc bao lâu nay chưa hết nước mắt hay sao mà cứ khóc hoài?!
Chàng thanh niên cầm miếng bánh tráng cuốn trên tay, lóng ngóng không biết làm sao. Thiếu phụ vội hối:
- Tư ăn đi. Kệ má. Cả nhà quen mấy vụ này rồi!
Nói vậy, nhưng thiếu phụ lại ngồi thừ, buông đũa.
Đôi mắt ẩn dưới vành khăn như có cát. Cát nơi đây phủ bạc đời người. Những hài nhi rụng ra trên cát. Những cuộc tình vùi nhau trên cát. Cát cuống gót người đi, lặng lẽ đón nhận người về. Dưới mắt chàng trai, cát không còn sơ nguyên màu trắng. Cát hóa u huyền màu khói, đôi khi là màu đêm, cả màu của tiếng gì vẫn nhoi nhói dội lên trong đáy ngực...
- Ờ, nãy giờ quên mất thằng Đen! Nó ăn gì trong núi hả Hai?
- Kệ nó. Nó đi riết rồi cũng quen. Cứ tìm đồ ăn trong núi. Có khi vô rẫy người ta bẻ trái. Tui cũng mừng là nó biết tự lập!
- Năm nay nó bao nhiêu rồi, Hai?
- Tết này nữa là mười hai.
- Trời! Vậy nó sinh năm Hai mới... mười sáu?!
Thiếu phụ cắn một miếng bánh:
- Thôi, Tư ăn đi!
Bỗng có tiếng ông già la lớn:
- Tư, Tư! Xe tới, xe tới!
Chàng thanh niên ném miếng bánh ăn dở, ù ra mặt lộ như một cơn lốc. Thiếu phụ tựa cửa nheo mắt nhìn theo. Một ông trung niên đầu hói, chỉ người khiêng liền lên xe ba cái gốc cây hình thù vặn vẹo. Ông ta móc bóp, đặt vào tay chàng thanh niên mấy tờ bạc. Lại còn vỗ vỗ vai nói câu gì đó. Chàng thanh niên cuộn tròn mấy tờ bạc trong tay, vuốt nhẹ thành xe. Mắt dăn deo nước. Bóng xe đã khuất mờ mặt lộ, chàng vẫn đứng nhìn theo. Mồ hôi nhỏ xuống từ hai khóe cười đen đúa...
Thiếu phụ nói lớn:
- Vô mánh rồi heng!
Chàng thanh niên cũng cười:
- Ừa, mừng thiệt. Vậy là Tết năm nay má con tui đỡ cực! - Chàng nói vọng xuống chái sau - Bác Hai, cho con gởi tiền bảy điếu thuốc!
Thiếu phụ nói khẽ:
- Tư đừng hút thuốc nữa!
- Vậy Hai bán cho ai? Mà tui muốn bỏ thuốc hồi nào hổng được. Có điều... buồn, cứ hút hoài!
- Tư nên dành dụm...
- Để làm gì Hai? Ăn không đủ, lấy gì dành dụm?
- Bộ Tư không tính lấy vợ sao?
Chàng thanh niên mắt xa xăm. Đầu lắc nhẹ...
- Sao Tư không trả lời?
- Sao Hai bắt ép tui hoài vậy?
- Ừ... thôi không nói nữa. Mà Tư...
- San hả Hai?
- Tư đừng bỏ làng đi là được. Đất này khó thiệt, nhưng vẫn nuôi được mình mà!
- Tui đi để má cho ai?
- Ờ há...
Chàng thanh niên quay trở lại bàn. Thuốc còn một điếu:
- Hai đừng cản tui nha. Tui hút hết điếu này rồi bỏ.
- Chắc không?
- Chắc!
- Hứa đi! Như em út hứa với chị Hai!
Thiếu phụ phì cười, bưng mâm cơm ra chái sau nhà, chẳng đợi nghe chàng trai hứa. Khói thuốc khét lẹt. Đầu điếu thuốc cong gồ, nổ lép bép. Chàng trai nút hõm má. Con Ki Ki cuộn tròn một khoanh dưới chân chàng. Chàng thanh niên ngồi xuống, kéo xích con chó vô lòng, vuốt nhẹ: “Mày là đực hay cái hả con? À đực, mày tên Ki Ki mà! Mày giống tao. Ở đây xa làng, làm sao mày kiếm vợ đây Ki Ki?''...
Từ đó đến chiều, chàng trai hết đi ra gốc cây, ngồi chưa nóng chỗ lại thấp thỏm đi vô. Ngả chiều. Cái nóng càng thiêu đốt. Ông già nằm thiêm thiếp trên mặt ván. Hàng quán im lìm. Mấy con ruồi lười nhác bò rơn rơn chóp mũi ông.
- Thằng Đen sao giờ này chưa về hả bây?
- Kệ nó, nó lớn rồi, ba. Với lại nó đi cả đám bạn.
- Mấy bữa giờ này nó về rồi. Sao tao thấy sốt ruột quá...
Bà già lại nói vọng lên từ sau chái:
- Vả vô cái miệng ông! Già rồi rảnh, nằm đó mà nói bậy!
- Tội thằng nhỏ. Nó biểu tui, nếu bán được mai con mua cho nội đôi dép. Nó hối hận vì con Ki Ki của nó tha mất dép nội. Tìm cả buổi hổng ra. Chắc con Ki Ki tha ra lộ, mấy thằng ve chai lượm mất rồi.
Bà già nhấm nhẳng:
- Đó, nói vòng vo rồi cũng về chuyện dép.
Chàng thanh niên nhìn thiếu phụ:
- Thường mấy giờ thằng Đen về hả Hai?
Thiếu phụ nhìn lung con đường trước nhà. Bóng núi đã đổ rợp đến ven lộ:
- Mấy bữa thường giờ này nó về rồi.
- Hay để tui vô núi kiếm nó?
- Núi mênh mông vậy, Tư kiếm ngả nào? Mà thôi, nó lớn rồi, nó biết tự lo...
Chàng thanh niên nhìn thiếu phụ, ngại ngần:
- Nhưng tui biết Hai đang lo...
- Làm sao Tư hiểu nổi bụng tui? Mà thôi, để chặp nữa rồi hay.
Chàng trai thở dài, lại loanh quanh ra lộ. Một chiếc xe vụt qua, chàng nhìn theo hút bóng cho đến khi nó tan trong những dải nhiệt nhập nhòe: Phía ấy là hướng nam. Là thành phố. Là nơi những chàng trai tuổi chàng lớp lớp ra đi. Điều gì níu chàng ở lại đây. Mẹ già! Còn điều gì nữa? Quê hương! Chàng tự rùng mình - Còn gì... nữa? Cát! Cát ư? Cát ở đâu? Cát ở mọi nơi! Cát vàng. Cát trắng. Và... cát khói, cát u huyền...
Phía cuối con đường xuất hiện bóng dáng một thằng nhỏ. Nó chạy lúc lắc. Thằng nhỏ rõ dần. Không phải Cu Đen! Chàng thanh niên chột dạ...
Thằng nhỏ vác trên vai một nhành mai lớn. Hoa bắt đầu chúm chím những nụ vàng. Nó chỉ dừng khi chàng trai giăng tay chặn lại. Thằng nhỏ bụng gập xuống, tay bưng ngực:
- Thằng Đen...
Thiếu phụ từ trong nhà lao ra:
- Thằng Đen... thằng Đen làm sao, con?
- Nó... nó... chặt được cành mai này. Lúc tuột xuống, nó cứ vác trên vai không chịu buông ra. Nó vướng. Nó tuột tay. Nó té...
Thiếu phụ gào lên. Bà già từ chái sau thốc tháo lao ra. Cả nhà nhốn nháo. Thằng nhỏ vẫn hổn hển:
- Nhưng nó hổng sao đâu! Chỉ lọi giò, đứng lên không nổi! Con đem cành mai này về trước cho nó. Còn mấy thằng kia ngồi canh...
Thiếu phụ cắm đầu lao về hướng núi:
- Má ở lại coi nhà!
Chàng thanh niên lặng lẽ chạy sau thiếu phụ:
- Hai chạy chậm thôi. Để tui với thằng nhỏ vô trước!
- Để tui đi với Tư.
Thằng nhỏ chen vô:
- Cô chú chạy từ từ, chờ con với. Thằng Đen đi hổng nổi, chớ vẫn cười!
Thiếu phụ cũng phải bật cười theo. Chàng thanh niên bàn:
- Lúc về, mình đi vòng ngoài kia núi, tới thẳng nhà bà lang Diệu.
- Mà khổ quá, nhà đang Tết nhất. Đến đôi dép của nội còn chưa mua nổi. Lấy gì chạy thuốc cho nó đây?
- Hai quên là tui...
- Hiểu rồi, Tư đừng nói nữa. Số tiền đó Tư còn phải lo cho má...
- Nếu Hai ngại, tui cho Hai mượn... Còn nhành mai kia... Thế nào chẳng có người mua... Mà biết đâu...
- Biết đâu cái gì hả Tư?
- Biết đâu Tết này ba thằng Đen sẽ về...
Thiếu phụ chùng bước chạy. Chàng trai lố thêm một đoạn nữa cũng dừng.
- Nếu ba thằng Đen về, Tư sẽ ghé nhà, ăn Tết với bọn tui chứ?
- Ủa, sao Hai hỏi tui vậy?
- À không... Mà thiệt... tui cũng vô duyên...
- Không... tui mới vô duyên...
Thiếu phụ cười, quay sang thằng nhỏ:
- Gần tới chưa con?
- Dạ, qua ngả này, lên đoạn nữa...
Thiếu phụ thở dài:
- Cái giống mai, nở làm gì một mình trong núi, đúng là vô duyên...
Chàng trai nối lời:
- Mà thằng Đen... không chịu buông nhành mai, để cho té cũng thiệt vô duyên?
- Ờ, hé...
Nắng chùng chình xuống núi. Chiều nhạt. Đã hết một ngày nhưng chưa hẳn tàn năm.

Xem Tiếp: ----