Vào mùa hè cuối cùng thời trung học, Sim phải chứng kiến một tấn thảm kịch quá sức chịu đựng của trái tim tuổi 18. Tấn thảm kịch đã thuộc về quá khứ, một quá khứ mà người ta không thể nào sửa chữa, lại cứ hiện về riết róng trong một nỗi dày vò không dứt.
Con người ăn năn và sám hối là mẫu nhân vật được quan tâm trong văn học ta những năm gần đây. Nếu “con người là sinh vật có thể đẩy đồng loại mình vào chỗ chết…” (ý tưởng này vận vào Sim có nghiêm khắc quá không?), thì con người cũng là sinh vật có thể làm ra phép lạ cứu rỗi đồng loại.
Cả Sim và Tội đều là những người có năng lực cứu chuộc đó. Từ khi giúp Tội “vẽ ước mơ lên trời xanh“, Sim đã biến cả hai thành tiên, không phải chờ đến khi học nghề thầy thuốc chữa bệnh cho người bất hạnh (một môtíp hơi cũ?).
Cũng như Một cuộc đua, truyện ngắn này cho thấy cái tôi đằm thắm và trữ tình trong văn Quế Hương đang có xu hướng rút về tuyến sau, nhường chỗ cho những nhân vật trẻ tuổi tự lên tiếng bằng ngôn ngữ của chính mình.
Khả năng hóa thân của nhà văn càng rõ hơn trong một cấu trúc dồn nén. Một chút huyền hoặc lồng trong câu chuyện đời thực làm cho nỗi đau ngấm sâu và âm ỉ. Viết đối thoại rất khó, vậy mà văn đối thoại của chị ngày càng linh hoạt.
Những câu văn ngắn, nghe trong giọng kể như có chỗ ngắt quãng vì tiếng nấc nghẹn. Với Quế Hương, có lẽ sức mạnh của văn chương vẫn là ở sự hóa giải và thanh lọc tâm hồn.
Những Sơn, Phong, Thiệt… hãy múc từng gáo trăng dội lên nhau đi, hãy hái hoa nắng ném vào nhau đi. Khu vườn của nội đã chữa lành vết thương cho Sim: Sim ơi, đừng khóc nữa!

Huỳnh Như PhươngBa đứa không có số ký danh lẽo đẽo theo tôi tự tìm chỗ ngồi. Thằng Sơn cắm cúi làm bài. “Chuyên gia phao” Phong loay hoay phù phép. Hắn lôi trong người cuộn tài liệu môn văn thu nhỏ nhưng giám thị không thấy.

Thiệt nhà nông với những móng tay cáu bẩn đọc bên tai tôi câu giáo khoa nhưng tôi không chép. Tôi nộp bài. Cô giám thị nhìn đôi mắt đỏ hoe và đoạn bài hoen ố nước mắt của tôi đưa cho tôi tờ giấy: “Chép lại đi! Còn giờ”.
Tôi thầm cám ơn cô vì cô không hỏi tại sao em khóc. Tôi về chỗ nhưng không chép lại, nhả đầy trang giấy cô đưa mẩu tin đóng đinh trong hồn tôi: Cứu bạn, ba học sinh lớp 12 chết đuối... Bốn chứ. Kể cả đứa chết cạn. Còn hơn cả chết bởi không vết thương nào âm ỉ đớn đau hơn sự hối hận!
Tôi đã đọc đâu đó câu: Con người là một sinh vật có thể đẩy đồng loại của mình vào chỗ chết trong bất cứ tình huống nào.
Tôi không rớt tốt nghiệp nhưng ngày thi đại học tôi đi lang thang. Đầu óc tôi là một mớ bòng bong, thi cũng rớt. Tôi cũng không thể ngồi trong giảng đường khi ba đứa giỏi hơn tôi vì tôi mà học với giun dế! Mẹ cố lôi tôi về với cái thời trước cơn mưa với nhiều món cám dỗ: xế mới, những bộ đồ hiệu đắt tiền...
Nhưng mẹ không biết rằng sau cơn mưa tôi không còn là con bé Sim ham chơi nữa. Tôi đã là một bà già có số tuổi bốn lần 18! Con Thạch Thảo triết lý: “Sống chết có số. Tụi nó không chết vì cái kính cận của mi rơi xuống hồ hôm đó thì cũng bị xe tông chết ngày hôm sau. Mi tự dày vò cũng không làm chúng sống lại”; “Nếu tao không xuống hồ rửa chân...”; “Thế thì tại cái chương trình học đằng đẵng 12 năm chẳng có môn dạy bơi phòng khi học trò xuống nước. Tại...”; “Thôi!”- tôi hét.
Vườn nội mênh mông trống vắng. Những đứa con lớn từ đó, ra đi... Mùi ổi chín, mít chín chỉ gọi chim về. Tôi thường kể cho chúng bạn nghe về khu vườn ấy và hẹn thi xong sẽ kéo về làm khỉ. Thế mà!
Tôi gọi điện về nhà. Giọng mẹ đẫm nước mắt. Còn ba bình tĩnh dặn dò. Cả nhà xao xác hoảng loạn khi tôi bỏ thi không về, giờ yên lòng vì tôi ở bên nội.
Tôi đi thi. Dáng xiêu đổ. Mắt sâu hoắm. Tôi không chỉ sống cho đời mình mà còn ba cuộc đời nữa vì tôi mà đứt đoạn ở tuổi 18. Chúng bắt tôi ngồi dậy, bắt tôi đi.

°

° °

Ngày định mệnh nắng vàng như mật. Tôi dừng xe trước nhà Thạch Thảo với một bịch đồ ăn:
- Rủ nhóm mình lên thung lũng Tình Yêu học sử. Ở nhà học không vô.
- Nhưng thằng Thiệt bận làm rẫy.
- Tao rủ là hắn đi!- Tôi nghếch mặt nhớ 18 đóa hồng ngậm sương trên thềm nhà vào sớm tinh mơ sinh nhật thứ 18.
Khi tôi và Thạch Thảo đến, Thiệt nhà nông đang quần xà lỏn bón phân. Hắn bẽn lẽn chạy vào thay quần dài. Mãi mãi hắn bỏ vồng cải dở dang cho mẹ hắn...
Học không bao nhiêu nhưng ăn và cười thì nhiều lắm. Cười cho đến khi cơn mưa đột ngột trút xuống thung lũng. Chúng tôi ở trong rừng thông không nơi trú ngụ. May mà Thiệt nhà nông lo xa. Hắn lôi trong túi xách áo mưa và ô. Bảy năm học chung, thế mà cái giờ duy nhất chúng tôi đứng sát bên nhau dưới cái ô, trong cơn mưa xối xả ấy, hắn ôn cho tôi năm câu sử!

°

° °

Tôi ghé vào quán Dã Quỳ, nơi ba tháng trước thằng Sơn chiêu đãi nhóm trong lần sinh nhật 18. Làm sao nó biết đó là sinh nhật cuối cùng! Hôm ấy lần đầu tiên tôi uống cà phê, tim đập thình thịch vì thứ nước đen sánh, thơm lừng. Lần đầu tiên thằng Phong hút thuốc, sặc sụa vì khói. Lần đầu tiên. Lần cuối cùng. Lúc nào cũng có thể vậy.
Quán vắng. Chúng ngồi quanh tôi. Gương mặt thông minh búng ra sữa của thằng Sơn phình to, đôi tay chai sần lam lũ của thằng Thiệt bợt bạt, mái tóc model của thằng Phong lềnh bềnh. Tôi đẩy ly cà phê chảy tong tong như máu ứa từ nỗi buồn đen thẫm chạy ra khỏi quán.
Con tàu sầm sập tiến vào sân ga nhưng tôi không đủ can đảm về với tụi nó. Tôi mua vé đi miền Trung. Ngực tôi đang đè nặng bởi những giọt lệ không trào và tôi muốn về òa ra trong vườn nội.

°

° °

Ăn xong, nội nhai trầu đưa võng ru tôi như ngày tôi còn bé. Tôi quên cả khóc, ngủ đẫy giấc trong cái mùi khó tả đẫm hương quê. Khi mở mắt, tôi chạm phải ánh nhìn của một con bé gầy nhom như mèo đói ngồi trên cành vú sữa chìa qua vườn nội.
- Té chết! Qua đây!
Con bé nhìn tôi như ngạc nhiên về lời mời. Còn tôi ngạc nhiên nhìn bức tường chắn mới mọc. Tôi nhảy xuống võng trèo lên cây khế. Vườn ngăn ranh giới nhưng cây hai vườn vẫn kết nhau. Lá cành chạm nhau, rầm rì tỉ tê trong gió.
- Bé tên chi?
- Tội.
- Tên chi?
- Tội - nó lặp lại.
- Tên chi tội nghiệp rứa? - tôi phá lên cười.
Có tiếng chân nội. Con Tội lật đật trụt xuống. Lập tức nó biến mất sau bức tường.
- Khế ơi! - Khế là tên nội đặt cho tôi hồi còn bé bởi tôi rất thích ăn khế ngọt.
- Khế trên cành nội ơi!
- Con gái mà trèo cây như khỉ. Vô ăn khoai!
Tôi bê rá khoai bốc khói ra võng. Đang ăn, tôi chợt thấy ba đứa chìa tay. Những bàn tay bợt bạt, nhăn nhúm. Tôi thả rơi khoai, tối sầm lòng. Rồi cơn mưa nước mắt vỡ òa trong nắng.
- Lớn rồi mà khóc!
- Lớn mới có chuyện khóc! Trèo cây hoài thế?
- Cây Vú Mẹ chơi với em - nó khoe.
- Sao không chơi với bạn?
- Ngoại chưa xin bạn được.
- Xin bạn? - tôi phì cười.
Một bầy con nít con chú, con bác, con cô ào vào vườn vây quanh tôi. Chúng dắt tôi về thời thơ ấu với trò chơi trốn tìm. Đang trốn, tôi bắt gặp ánh nhìn nặng trĩu khát khao của con Tội trong vòm lá.
- Cho nó chơi với - tôi chui khỏi chỗ nấp.
- Cho ai?
Tôi chỉ lên cây.
- A! Con Xiđa. Xiđa là xa đi, xáp gần tao đánh chết!- một đứa bảo rồi nhặt hòn đá ném lên cây vú sữa.
Những đứa khác bắt chước. Tôi la lên nhưng chúng vẫn ném. Con Tội lật đật tụt xuống. Nghe như trái mít rụng.
Tôi trèo lên cây nhìn xuống. Con Tội ôm cẳng nhăn nhó dưới đất.
- Sao chúng mày ác thế?
- Trước sau chi hắn cũng chết! - con Thúy tỉnh bơ đáp. Nó còn dặn tôi:
- Đừng chơi với hắn lây xiđa chừ!
Tụi nhỏ về, con Tội lại trèo lên cây vú sữa nhìn tôi đau đáu. Tôi nhìn lại, vừa thương vừa sợ.
- Sợ gì? Tao có bị xiđa đâu mà tao cũng chết! - thằng Sơn hất mái tóc bám rong rêu nhìn tôi.

°

° °

Nội xách giỏ đi chợ, tôi đi theo. Chợ quê thơm mùi rơm rạ. Gì cũng tươi mới, ít ỏi. Bầu bí mới cắt. Mớ tôm cá mới rớ. Chục trứng tươi hồng nằm khoanh trong rơm... Tôi thấy bà Tám cuối chợ. Rổ khế đầy nằm tư lự bên cạnh.
- Khế! - tôi kéo áo nội nhưng nội ngó lơ.
- Ăn đồ mụ nớ lây xiđa!
- Rứa mụ nớ bán cho ai?
- Thường phải chợ làng bên. Hôm ni răng rứa không biết...
- Mua hoa quả mắc chi mà...
- Con rể, con gái bị xiđa chết hết. Mụ đem đứa cháu mồ côi về nuôi. Hắn cũng bị xiđa rứa mà mụ còn cố xin cho hắn đi học. Hắn vô lớp mô, phụ huynh lớp đó rùng rùng tới lôi con về. Rứa là hết học.
Hình ảnh mụ Tám ngồi ở góc chợ với rổ khế ế buồn thiu theo tôi trên đường làng yên ả. Nội dắt tôi đi vòng để khỏi ngang qua nhà con Tội.
- Nếu cháu bị xiđa nội cũng rứa hả?
- Cái miệng ăn mắm! Bởi rứa... tau mới xây bức tường để xiđa khỏi bay qua.
- Xiđa không bay, chỉ lây qua đường máu và khi... quan hệ... Cháu học cháu biết. Nội cho con Tội qua chơi đi nội! - tôi nài nỉ.
- Không!
- Mai cháu về - tôi dỗi.
Sợ tôi về, nội cho chúng tôi chơi cách tường. Con Tội mừng lắm. Nó tọt lên cây Vú Mẹ. Tôi leo lên cây khế, còn nội không an lòng đứng dưới đất canh. Tôi giục:
- Nội đi chợ đi!
Nội xách giỏ đi còn ngoái dặn:
- Nhớ đừng quan hệ nghe!
Tôi cười suýt té. Ba đứa trên cây cũng ngoác miệng cười. Làm sao tôi cắt nghĩa cho nội hiểu cái chữ chết tiệt ấy. Con Tội không biết chi cũng góp cười. Chỉ có bà Tám đứng dưới đất là góp khóc. Bà chắp tay lạy tôi khi tôi chơi với đứa cháu côi cút, bất hạnh của bà.

°

° °

Lên tám nhưng sống cô lập con Tội không biết chữ cũng không biết gì về thế giới rộng lớn quanh nó.
Thấy con Tội khao khát học, tôi nảy ý định dạy nó. Có dịp là tôi tót lên cây khế qua vườn con Tội. Ở đó đứa học trò đầu đời bé nhỏ của tôi háo hức nuốt lia lịa những con chữ viết bằng cành cây trên mặt đất vào bụng.
Nó thuộc nhanh bảng chữ cái làm tôi kinh ngạc. Mẹ rất mừng khi qua điện thoại biết tôi không còn câm lặng hay khóc. Tôi bảo mẹ gửi cấp tốc cho tôi bộ sách lớp 1, truyện tranh, truyện cổ... để tôi làm cô giáo.
- Khi nào con về?
- Con ở với nội hết mùa hè.
Khác với thân xác nhỏ bé chứa đầy mầm chết, tâm hồn con Tội là một tờ giấy trắng tinh khôi. Tôi thận trọng in lên đó những sắc màu tươi đẹp của cuộc sống. Khi phải bay ra khỏi cuộc đời này, thiên thần nhỏ bé ấy sẽ chở trên đôi cánh những gì tốt đẹp của trần gian.
Tôi thường kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Nỗi khắc khoải mơ hồ về thân phận mình khiến con bé luôn đặt câu hỏi.
- Đời chừ có tiên không?
- Có.
- Tiên cứu giúp ai?
- Những kẻ tốt bụng, khốn cùng.
- Răng tiên không cứu em? Ai cũng bảo em sắp chết. Chết là đi mãi không về mà em thì muốn về kẻo ngoại buồn.
Khi tôi đọc chuyện Cái bình nứt con Tội cũng thắc mắc:
- Có người nứt không?
- Người nứt là người không hoàn hảo, bị khiếm khuyết.
- Thế em là người nứt - nó ngẫm nghĩ rồi tuyên bố.

°

° °

Mùa hè ấy qua nhanh. Con Tội biết đọc, biết viết. Còn tôi, vết thương buồn kín miệng. Nỗi đau ở tuổi 18 lấy của tôi sự hồn nhiên và biến tôi thành một con người khác. Tôi thắng con quỉ buồn rầu đeo bám, quyết định học lại thi vào trường y để có cơ hội chuộc lỗi.
Con Tội rất thích tôi làm bác sĩ. Nó tin tôi sẽ chữa lành bệnh cho nó đi học. Nó giăng ước mơ khắp cành Vú Mẹ, vẽ lên cả trời xanh. Tôi chưa thấy đứa bé nào nhạy cảm và thông minh như con bé ấy. Dường như khi giam mình trong bệnh hoạn, cô đơn, tâm hồn nó lớn thay cho thể xác.
Đêm cuối cùng ở quê, tôi không ngủ được. Vườn nội ngời ngợi trăng. Chỉ có trăng quê mới hào phóng lai láng thế. Ba bạn tôi đứng ở sân, múc từng gáo trăng dội lên nhau cười khanh khách. Lần đầu tiên tôi thấy chúng không hiện lên với bộ mặt đau khổ, oán hờn.
Cây Vú Mẹ lá cành rung động. Tôi nghe tiếng đập muỗi lép bép. Thì ra con Tội đang ngồi trong bóng tối nhìn qua. Nó biết ngày mai tôi đi...

°

° °

Tôi thi đỗ vào trường y nhưng quên phắt con Tội.
Khi tôi về thăm nội, con bé láng giềng tội nghiệp đã đi xa. Bà Tám lập cập trao cho tôi tờ giấy nhàu nhò bò lổm ngổm một hàng chữ to đùng sai chính tả: em gặp tiêng rồi tiêng đeo gươn trèo cây như khỉ tiêng trèo lên cây khế ngồi khóc.
Trên cành Vú Mẹ, bốn đứa hái hoa nắng ném nhau. Năm chứ! Cả con Sim 18 hồn nhiên, lắm tội. Chúng chơi trong im lặng. Không tiếng. Không hình. Không màu. Nhưng tôi vẫn thấy bởi chúng trong lòng tôi đi ra...

Xem Tiếp: ----