Phan Châu Trinh ĐÀ NẴNG
Lớp Đệ Thất 1954-1955
Tặng bạn bè đầu đời của mái trường thuở xưa
Lớp Đệ thất 2 niên khoá 1954-1955 trường Trung Hoc đệ nhất cấp Phan châu Trinh Đà Nẳng có khoảng 40 học trò, trong số đó 12 trò con gái ngồi ba bàn đầu phía phải ngay cửa vào lớp đối diện với bàn thầy giáo, tôi ngồi đầu bàn thứ tư sau một học trò con gái, tôi làm quen ngay thằng bạn ngồi bên cạnh, Nguyễn Trân, thằng bạn thuở ban đầu lưu luyến ấy, hơi nhỏ người, thấp hơn tôi một chút nói tiếng Huế, lanh lẹ và có vẻ thạo đời hơn tôi, giờ học đầu tiên là giờ âm nhạc của thầy Hoàng Bích Sơn, thầy cũng là giáo sư chính của lớp chúng tôi, với giọng Huế trầm trầm nhè nhẹ, thầy giới thiệu tên thầy và môn học do thầy phụ trách, thầy mở sổ điểm danh gọi tên từng đứa một, đứa nào được gọi tên phải đứng dậy vòng tay hô to: Có mặt, sau đó ngồi xuống, cả lớp lặng yên theo dõi buổi học đầu. Thầy Sơn không cao bao nhiêu, ốm người, thầy ôm một cái cặp hình như nặng gần bằng trọng lượng của thầy, thầy viết trên bảng đen Thời khoá biểu hằng tuần cho chúng tôi chép, tất cả đều là những môn học mới lạ. Sau đó Thầy bảo tôi lau bảng, cầm miếng giẻ mà trong lòng thấy hãnh diện, không có gì hãnh diện cho bằng, được thầy cô sai làm cái này làm cái nọ. Lũ học trò chưa quen biết, nhưng sự làm quen đến rất mau lẹ, cả lớp rì rào nói chuyện, Thầy Sơn viết bài hát HIỆU ĐOÀN CA trên bảng, chúng tôi cặm cụi chép vào tập vở: Phan châu Trinh người chiến sĩ Quốc Gia bất diệt, đã từng hy sinh tranh đấu cho nhân quyền, ngàn đời còn ghi công ơn người chiến sĩ, buồn thấy Đế Quốc chiếm giang sơn, công lao bao đấng anh hùng điêu linh dưới ách gông cùm. Ra tay... Quyết lòng vì nước quên mình. Hồ Tây phương Nam còn in bóng....Lời ai dư âm vẳng qua rừng....
Tiếng hát của thầy, tiếng hát của học trò vang lên trong lớp, hùng hồn như khúc nhạc hành quân, một hồi kiễng do bác Thôi (Cai trường ) đánh vang lên, chấm dứt một giờ học đầu tiên, để nhớ mãi trong đời, giờ ÂM NHẠC của Thầy Hoàng Bích Sơn.
Lớp Đệ thất 2 có tất cả 48 trò, 12 gái 36 trai, người ta nói con gái nhút nhát hay e lệ thẹn thùng, mới bắt đầu niên học nên chưa biết có đúng như vậy không, có một điều đặc biệt là lần nào điểm danh thì lại có 11 gái 37 trai, tình trạng gái thiếu trai thừa này là trong nhóm con gái có một người tên là NGUYỄN VĂN NHƯ Ý, điều quái gở nữa là chữ S và chữ  Y lại gần nhau trong danh sách của lớp, nên mỗi lần điểm danh khi thầy gọi đến TTPS, tiếp theo là NVNY, tôi lại ngồi bàn sau và sau lưng NY, từ đó NY và tôi bắt đầu là hai điểm sáng cho bạn bè chọc phá sau này, theo nhận xét của tôi bấy giờ NY là một cô gái xinh, hiền và học giỏi, có mái tóc đen nhánh xỏa ngang vai mà sau nay lớn lên tôi mới biết gọi là "tóc thề đã chấm ngang vai".
Không khí vui nhộn lớp Đệ thất 2 của chúng tôi bắt đầu từ ngày cô Tôn Nữ Từ Diệm làm giáo sư chính, lúc đầu niên học cô dạy Anh văn, sau đó thầy Bữu Thiết thay thế, cô Diệm dạy Công Dân và Sử Địa, cô có giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, một lần vào tháng sắp Tết các lớp thi nhau làm Bích báo tường, cô cho tiền chúng tôi mua giấy, viết mực, màu vẽ, trong 4 lớp Đệ Thất cô bảo Đệ Thất 2 phải nhất, thế là lũ nhóc chúng tôi cặm cụi làm báo, tôi được bầu làm trưởng ban báo chí, vội vàng về nhà nhờ Me vẽ cho cái đề: BÁO XUÂN ° Đệ Thất 2, màu đỏ cho thật nổi, năm đó tờ báo của chúng tôi được chấm nhất toàn trường, nội dung và trình bày thật đẹp và phong phú, nhờ một phần lớn Me tôi giúp đỡ mà cô Diệm không biết.
Tôi còn nhớ mang máng bài thơ của bạn vô danh nào đó viết trên tờ báo tường ngày xưa:
CÔ GIÁO CỦA TÔI
Lớp tôi, Đệ Thất Hai
Có cô giáo dễ thương
Tên chi... đố ai biết?
Hiền như một bà mẹ
Nghiêm như một người cha
Vui như một người chị
Đẹp như một vầng trăng
Tên cô a a a........... biết rồi
Tôn Nữ Từ Diệm... Cô tôi
Ha.. ha... ha........
Rồi một ngày Cô dẫn cả lớp đi du ngoạn Sơn Trà, Cô cùng chúng tôi leo núi, băng qua một con suối nhỏ, giòng suối trong mát, gió từ biển đưa lên, gió từ xa đưa về, chúng tôi nắm tay nhau đi trên những phiến đá trơn nhẵn, nước chảy róc rách dưới chân, cùng hát vang lời hát do cô dạy một ngày nào đó:
Vui ca lên nào anh em ơi, hát cho lòng thắm tươi, đừng thấy khó mà chân quay lui, ta cố tiến lên đường... dù... bao chông gai... nào anh em ta... vẫn không sờn chí trai... cùng cất tiếng mà ca lên đi, cả bao người đều vui.
Trong cái vô tình của một dây chuyền nắm tay nhau, tôi nắm phải tay Như Ý, những thằng bạn rắn mắt chợt thấy cùng la lên Phú Sĩ nắm tay Như Ý, thế là chúng chế riễu kết đôi, cười ầm vang lên như bầy ong vỡ tổ, Cô Diệm ngạc nhiên hỏi - Các em cười gì thế. Bọn chúng bạn nín khe im thin thít. Cô cười nhắn nhủ - Coi chừng té nghe các em. Tiếng vi vu của núi rừng, tiếng cười đùa của những tâm hồn trong trắng hòa với tiếng cô dịu hiền tạo thành bản nhạc nhớ hoài không quên.
Hiệp định Genève 20-07-54, chấm dứt chiến tranh Pháp- Việt, đất nước chia đôi, chuyện người lớn, chúng tôi con nít chưa biết gì, nhớ lại có một cuộc biểu tình khắp đường phố, dân chúng và học sinh tập họp từ sáng tính sương, đoàn Học sinh Phan châu Trinh theo thứ tự từng lớp do các Giáo sư chính hướng dẫn, người biểu tình đông nghẹt khởi hành từ Chợ Hàn đi khắp các con đường của thành phố, những tiếng Hoan Hô, Đả đảo hai Ông BẢO ĐẠI và NGÔ ĐÌNH DIỆM vang trời, chúng tôi được một ngày nghỉ vui chơi, tuổi con nít vô tư, được nghỉ học là vui rồi, sau đó Cô Diệm giải thích ý nghĩa cuộc Biểu tình chúng tôi mới hiểu, tôi muốn nhắc lại vì lớp Đệ thất của chúng tôi rơi vào một điểm quan trọng của lịch sử đất nước thời bấy giờ.
Những cơn gió mùa đông đem cái se lạnh đến, ngoài những hoc sinh là dân Đà Nẵng , một số không ít học sinh các miền quê được gia đình cho ra Đà Nẵng học, đời sống chật vật khó khăn từ nơi ăn chốn ở, có đứa phải đi bộ mỗi ngày hơn 10 cây số mới đến trường,nhà trường sau buổi học là khoá cổng, cho nên buổi trưa các bạn này phải ra gốc cây, vĩa hè ăn nắm cơm mang theo, đợi đến buổi học chiều, mùa nắng thì không có điều chi, nhưng mùa mưa đến, những cơn mưa dài lê thê của miền Trung cằn cỗi, từng cơn rét xé lòng người hoc trò xứ Quảng đơn côi, thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ là thế hệ giao mùa giữa chiến tranh và hoà bình, 100 năm Pháp thuộc chấm dứt, bây giờ đất nước lại bị chia đôi, Chiến tranh tạm ngưng, Hoà bình tạm thời đã đến nhưng đời sống dân chúng còn nghèo nàn lạc hậu, nhất là miền quê, cả Tỉnh Quảng Nam không có một trường Trung Hoc. Hoc sinh Hội An, Tam Kỳ và nhất là những vùng quê hẻo lánh phải ra Đà Nẵng trọ học, nhìn bạn bè, nhìn lại mình, cảm thấy mình còn may mắn rất nhiều.
Rồi một ngày, cuộc sống êm ả của lớp Đệ Thất chúng tôi có một chuyện buồn; Thầy Hồ Vinh dạy Việt văn, một buổi sáng đang giảng bài cho chúng tôi  thình lình một toán Cảnh Sát xông vào lớp còng tay Thầy và bắt lên xe đưa đi đâu, chúng tôi không hiểu, Thầy Vinh người ốm và cao, giọng Huế dịu dàng, nhỏ nhẹ, chúng tôi thích nghe Thầy giảng chuyện Trê Cóc và Lục súc tranh công, Thầy xưng với học trò là anh em chứ không phải là trò và tôi hay anh và tôi như các Thầy Cô khác. Sau đó chúng tôi được biết Thầy là cán bộ Cộng Sản nằm vùng, dù sao đi nữa, trong đầu óc non dại của chúng tôi, Thầy vẫn là người Thầy kính yêu, ngày Thầy bị bắt chúng tôi buồn vô cùng, có đứa khóc trong đó có tôi.
Trường tôi lúc bấy giờ chỉ có một dãy dài trệt nằm dọc theo đường Lê Lợi, đối diện với Bệnh Xá Đà Nẵng , sau này là trường Nam Tiểu Học gồm 8 lớp học và văn phòng nằm chính giữa, xung quanh trường là một khoảng đất rộng không một bóng cây, mãi sau này 55-56 nhà trường mới bắt đầu được trồng cây có bóng mát, phần lớn là Phượng, trong thời gian này khu trường Trung Hoc Lycée Pascal của Pháp đã chuyển giao và sát nhập vào Trường PCT, dùng làm phòng dạy nghề cho học sinh, nói là dạy nghề chứ thật ra dạy đánh máy chữ và về sau xây thêm phòng thí nghiệm, nơi đây cũng là tư gia của Thầy Hiệu Trưởng Gi, trước trường có một sân bóng rổ, về sau một vài lớp được chuyển qua Lycée Pascal, trong đó có lớp Đệ Thất của chúng tôi được chuyển qua vào cuối niên học. Bức tường ngăn chia giữa PCT và Trường Lycée được sửa lại thành dãy nhà dài để xe đạp. Quang cảnh trường tôi buổi ban đầu đơn sơ trống vắng, không có chổ cho học sinh chơi đùa, cho nên vào những giờ nghỉ học, chúng tôi lang thang khắp đường phố Đà Nẵng , bãi biển Thanh Bình cát trắng phẵng lì với hàng thông già vi vu, sân vận động Chi Lăng những chiều chạy nhảy đá banh, con đường Quang Trung mát rượi bởi hàng xoài cao vút chạy dài qua Thanh Bồ, qua Trẹm, bờ sông Hàn những tàn cây xanh, hàng ghế thơ mộng vào những chiều nắng đẹp, Cổ Viện Chàm huyền bí, tiệm kem Diệp Hải Dung, tiệm chè Ngã Năm quyến rủ, cầu vồng nao nức trong ngày đua xe đạp, khu vườn Diên Hồng, một khu đất rộng lớn ngay trung tâm thành phố vài trăm mét cách Chợ Hàn, khu đất còn bỏ trống, trồng vô số me chua và nơi các gánh hàng rong tu họp ăn uống,những đám hát xiệc với vài con khỉ, vài con trăn làm trò xiếc hay quảng cáo bán thuốc Cao Đơn Hoàn Tán. Các rạp ciné Lido, Chợ Cồn, Kinh Đô... còn chiếu phim đen trắng... đêm cuối tuần, trước Ty Thông Tin Thành Phố tổ chức Văn Nghệ cộng đồng... tất cả là Đà Nẵng thân yêu của tuổi thơ, của tuổi Đệ Thất Phan Châu Trinh ngày xưa.
Lớp tuổi của chúng tôi hồi đó vẫn còn dư âm của nền giáo dục cũ, trong lớp học vẫn còn treo các câu châm ngôn: TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN, ĂN VÓC HỌC HAY ĂN NGAY NÓI THẬT, KHÔNG THẦY ĐỐ MÀY LÀM NÊN... Học sinh vẫn còn sợ Thầy Cô như Cha Me, vẫn còn bị bắt quỳ hay phạt đòn khi bị phạm lỗi nặng, gặp Thầy Cô ngả  nón hay vòng tay chào, cho nên đối với Thầy Cô chúng tôi kính yêu không dám hỗn hào vô phép, năm đầu Thầy Cô phần lớn là người Huế, Thầy Trần Tấn dạy Pháp Văn, Thầy Bùi Tấn dạy toán, Cô Đặng thị Liệu dạy Anh Văn, Thầy Trần Ngọc Quế dạy Việt Văn, Thầy Phạm hữu Khánh dạy vẽ, Thầy Nguyễn văn Đáo dạy Sử Địa... Thầy Cô mỗi người có một cá tánh, một phương pháp dạy và sự chăm sóc thương yêu học trò khác nhau, tôi vẫn nhớ từng nét đặc biệt của mỗi Thầy mỗi Cô, tôi sẽ hồi tưởng lại vào những bài viết cho năm Đệ Lục đến Đệ Nhị, riêng năm Đệ Thất, nhớ nhiều đến thầy Trần Ngọc Quế,Thầy có cái miệng móm duyên vì thầy nói chuyện rất hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, Thầy dạy môn Việt Văn, thời đó chương trình Việt Văn chia làm hai loại Cổ Văn và Tân Văn, Cổ văn là những câu chuyện bằng thơ Lục bát hay Song thất lục bát như Trê Cóc, Nhi thập tứ hiếu, Lục súc tranh công... Tân văn phải làm Luận mô tả một cái gì đó, tả cảnh, người hay đồ vật... Thầy dạy, làm một bài văn phải có nhập đề thân bài và kết luận, một thằng bạn tên là Kim mỗi lần làm luận là không bao giờ có đoạn kết, văn nó rất hay thường thường được đọc cho cả lớp nghe mỗi khi bình phẩm, nhưng đoạn kết Thầy phải làm dùm, cho nên khi cho điểm lúc nào cũng bị trừ một phần ba rồi từ đó chúng tôi đặt cho nó một cái tên là KIM MỘT PHẦN BA. Giờ Việt văn là một giờ rất hấp dẫn với chúng tôi, không phải hấp dẫn vì môn học mà hấp dẫn vì đoạn kết, ngược lại Kim Một Phần Ba không có đoạn kết vì không đủ thì giờ làm, Thầy Quế là người Thầy rất hấp dẫn vào đoạn kết của hai giờ Việt Văn, hai giờ Việt Văn lúc nào Thầy cũng để ra 15 phút cuối, kể chuyện Tàu như Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí..., cả lớp im lặng lắng tai nghe Thầy kể đến đoạn hồi họp gay cấn. Tiếng kiễng của Bác Cai trường vang lên, Thầy ôm cặp bước ra khỏi lớp, chúng tôi ngẩn ngơ tiếc rẻ, thế là mong cho chóng đến giờ Việt Văn để còn được nghe tiếp, giờ Việt Văn không bao giờ thiếu vắng một trò nào, trên bảng điểm danh lúc nào SĨ SỐ: 40, VẮNG MẶT: 0, HIỆN DIỆN: 40, bởi vì chúng tôi mê say Lưu Bang, Hạng Vỏ, Hàn Tín, Trương Phi, Quan Công, Lưu Bị, Khổng Minh...
Năm Đệ Thất, chúng tôi là những học sinh ngoan, chăm học và không bao giờ làm phiền Thầy Cô, chưa xuất hiện những CON NGỰA CHỨNG SÂN TRƯỜNG, cuộc sống êm ả vô tư trong tiếng giảng bài, những ngày vui chơi đây đó của những dịp đi du ngoạn, cắm trại NON NƯỚC, SƠN TRÀ, MỸ THỊ, MỸ KHÊ... trong năm học chỉ lo lắng hai kỳ thi trong lớp là Đệ nhất và Đệ nhị Lục cá nguyệt, thời gian lững lờ qua, mùa hè thấp thoáng ngoài cửa lớp, trong sân trường, tiếng ve sầu bắt đầu rả rích, những cây phượng dọc đường Lê Lợi trước cổng trường bắt đầu đỏ rực, Cô Diệm dạy cho bài hát HÈ VỀ của HÙNG LÂN: Trời hồng hồng, nắng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài sân. Cành mềm mềm gió ru êm bầu trời như bích ngọc qua màu duyên, đàn nhịp nhàng hát vang vang, nhạc hoà thơ đón hè sang. Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ, hè về trong tiếng sáo diều dật dờ, hè về gieo ánh tơ. Bâng khuâng nghe mái chèo khuya sóng thuyền ai biếng trôi...
Những tập Lưu Bút ngày xanh được thầm thì trao cho nhau, ghi những tình cảm, những kỷ niệm của nhau trong một niên học, có trò bạo dạn đưa cho Thầy Cô xin những dòng lưu niệm, hình như những trang Lưu Bút lúc nào cũng bắt đầu: Hè về, tiếng ve sầu rên rỉ, màu phượng đỏ như máu trong tim, chúng ta sắp sửa chia tay, tạm biệt ban, tạm biệt anh, tạm biệt chị, tạm biệt mày, tạm biệt em và tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt thầy có, có trò tạm biệt cả áng mây bay qua cửa lớp... ôi! lưu luyến làm sao trước khi chia tay... đôi khi có vài cánh phượng khô được ép vào trong tập lưu bút để tăng thêm phần nhung nhớ và chắc chắn là lúc bấy giờ chưa có TẠM BIỆT những mối TÌNH HỌC TRÒ bâng quơ, chưa có nước mắt hoà với màu phượng vĩ theo tiếng ve sầu phiêu du vào HẠ.
Đệ thất Phan Châu Trinh của tôi, của những bạn bè năm ấy, vô tình ngang qua, vô tình đọc bài này có ai còn nhớ những ngày thơ ấu xưa...
Ðệ Lục
Mùa hè 55, năm đầu tiên dân chúng Miền Nam được sống trong thanh bình thật sự, giọng hò câu hát ngày mùa gặt hái, tiếng chày giả gạo, ánh trăng huyền dịu từ miền quê xa xôi hẻo lánh lan về thành phố: Này trời bao la, ánh nắng mai chiếu đầu gành lan tràn tới đồng xanh. Ta người nông phu chen vai góp sức cho người người vui hoà.... Trong đêm trăng, tiếng chày khuya ta hát vang giữa đêm trường mênh mang.  Ai đang say, chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy......Cùng với làn sóng người dân miền Bắc vượt tuyến vào Nam đi tìm TỰ DO... Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu. Vượt đèo vượt núi đến đầu làng, đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến... Phương Nam ta sống trong thanh bình..... để rồi... Miền Trung đẹp tươi, đã vương tình tôi.... tiếng hát tiếng hò đưa tôi về Quê Nội, Huế mơ Huế thơ Huế thanh bình quê tôi, có núi Ngự Bình muôn đời thủy chung với giòng Hương thơ mộng. Hè năm Đệ Thất tôi được về thăm lại làng Thế lại Thượng, con đường Bạch Đằng ngang Chùa Diệu Đế, băng qua cầu Đông Ba, xuyên con phố chính, vượt cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, lên Thượng Tứ qua Phú vân Lâu, đến ga xe lửa nhìn cầu Bạch Hổ trở về Bến Ngự, leo dốc Nam Giao, ghé Từ Đàm... Đây Thôn Vỹ Dạ:
Sao em không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
Sau này lên lớp trên, trong giờ Việt Văn với Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, người Thầy mà chính bản thân tôi sợ như sợ Ông CỌP, đã dạy cho chúng tôi bài thơ này, từ ông CỌP thân thương đó, Ông Cọp đã gieo vào những tâm hồn lãng mạng của đám học trò vừa mới lớn thế nào là tình yêu quê hương, là bâng khuâng lưu luyến, là nhớ thương vương vấn trong giòng thơ của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh họ HÀN.
Một thoáng mùa hè đã qua, cơn gió heo may đã nhẹ nhẹ thổi, nắng vẫn vàng, nhưng cành phượng bớt đỏ, cánh phượng rơi lả tả mặt đường, cổng Trường Phan châu Trinh khép kín trong ba tháng qua nay đã mở cửa để học sinh đến lớp, đến trường lo thủ tục nhập hoc cho niên khoá tới, niên học 55-56 có nhiều đổi thay, về phía trái của trường được xây thêm một dãy lớp hai tầng tạo thành một góc vuông, đàn chim tản mác đã bay về tổ, ngày KHAI TRƯỜNG có thêm bốn lớp Đệ Thất mới, năm nay trường đã có lớp đệ Tứ, cuối năm thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp. Lớp tôi bấy giờ là lớp ĐỆ LỤC 2.
Tất cả đều quen thuộc, không bỡ ngỡ như năm vừa qua, bọn con gái có thêm Vũ Thuý Oanh, từ Đồng Khánh Huế chuyển trường, mới nhập bọn nhưng đã là hoa khôi của lớp, ngày đó trường chưa bắt buộc học sinh đồng phục, áo quần tự do, trong số 13 học trò gái, Thuý Oanh điệu nhất, mái tóc uốn theo mode tân thời, luôn luôn áo dài tha thướt và lúc nào cũng nhìn lên trời, xem như dưới mắt Thuý Oanh, bọn con trai chúng tôi là những viên sỏi bên lề đường, từ đó đâm ra mất cảm tình, thiếu thiện cảm với lũ con trai, rồi một hôm vài tháng sau khi nhập học, trong lớp xảy ra một chuyện động trời, hôm đó sau giờ ra chơi (theo kỹ luật, giờ chơi học trò không được ở trong phòng học ) tất cả học sinh vào lớp, cơn mưa đã tạnh, trời sáng trở lại, tiếng ểnh ương rì rào,tiếng ồn ào bắt đầu im lặng học sinh đã vào lớp, bỗng Thuý Oanh hét lên một tiếng kinh khủng, một con nhái to bằng quả trứng gà, từ trong cặp- táp của Thuý Oanh nhảy ra bám vào mái tóc tân thời của hoa khôi chưa bầu bán lớp đệ lục 2, tiếng ồn ào như chợ vỡ, Thầy Phạm văn Ấm dạy Anh Văn lù lù hiện trước cửa lớp, cả lớp im ngay tức khắc đứng dậy chào thầy theo tiếng hô của trưởng lớp, riêng Thuý Oanh khóc nức nở, mặt mày tái xanh như tàu lá chuối, thầy hỏi chuyện gì, sau khi biết, Thầy cho cả lớp đi tìm con Nhái, nhưng Nhái ơi, nhái nhảy đàng nào, tìm hoài không thấy, cuối cùng Thầy phải dỗ dành cô học trò ĐIỆU.
Sau hai giờ Anh văn, tiếng kiễng tan buổi học, học trò ra về, Thuý Oanh còn nức nở, trong đám nhà lá, lũ thằng Bình, Thằng Khôi, Thằng Tấn...xúm nhau cười khúc khích, thằng Khôi lôi trong túi quần ra một con nhái chết, vất xuống vũng nước với lời: Cám ơn mày. Tôi trông thấy, chợt hiểu ra là... từ đó về sau, Thuý Oanh trở nên người bạn gái dễ mến nhất lớp, nói chuyện và tươi cười với bạn bè kể cả lũ con trai, cái mặt không còn vênh lên trời và lũ con trai không phải là những viên sỏi lăn lóc bên đường.
Năm nay Cô Diệm không còn dạy lớp chúng tôi, những kỷ niệm về Cô với Đệ Thất 2 chỉ còn là luyến tiếc, Giáo sư chính là Thầy Sử Địa Nguyễn văn Đáo. Thầy dáng người dong dỏng cao, miệng rộng nói tiếng Huế, (phần lớn Giáo Sư PCT là người Huế ) thầy nghiêm nghị quá nên trong lớp chỉ lo học, ít có tiếng cười và cũng chẳng còn những ngày nghỉ học du sơn du thuỷ như thời cô Diệm, Thầy giảng bài say mê, đến nỗi  phun cả nước bọt, những đoạn sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như đoạn: Tháng 3 năm 1278 giặc Mông Cổ lần thứ hai đem quân qua xâm chiếm nước ta, khi Ô Mã Nhi kéo quân đến sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dốc quân chống địch, lúc qua sông Hoá Giang, ngài chỉ xuống giòng sông thề rằng: "Trận này nếu không phá xong giặc Nguyên thì thề sẽ không về đến sông này nữa" giảng đến đây Thầy đứng trên bục giảng hét lên và chỉ thẳng vào mặt trò Quang ngồi bàn đầu, khiến trò Quang sợ quá phải né tránh và la lên: Em Không phải là sông Hóa Giang thầy ơi.
Thầy cười, nụ cười hào hùng như tuổi trẻ hăng say của Thầy.
Năm 1955, VIỆT NAM CỘNG HOÀ (1) do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, Hiến Pháp đầu tiên ra đời, ngày 26 tháng 10 được chọn là ngày Quốc Khánh, đời sống thanh bình của miền Nam tự do, lần thứ nhất tổ chức Ngày Quốc Khánh rầm rộ, dân chúng thành phố và các vùng quê lân cận tụ họp về trước Toà Thị Chính Đà Nẵng từ mờ sáng gồm đủ mọi thành phần, phái đoàn Phan Châu Trinh do Thầy Cô hướng dẫn với rừng cờ vàng ba sọc đỏ và tấm biểu ngữ căng ngang: 26 tháng 10 BẤT DIỆT ° NGÔ TỔNG THỐNG MUÔN NĂM. Đoàn biểu tình đi khắp thành phố trong niềm phấn khởi hân hoan Thanh Bình Tự Do Ấm No Độc Lập Hạnh Phúc Phú Cường, toàn dân hát vang: Đường ta đi vui thênh thang hoa lá reo cười. Một niềm tin ta dâng lên 26 tháng 10. Ngày toàn dân chào đón Hiến Pháp, hưởng Tự Do trong nền Cộng Hoà. Ngày toàn dân được no ấm tự do. Ta là người dân Việt. Đây dòng người anh dũng, ta nhớ ngày hôm nay. No ấm là từ đây. Muôn năm Muôn năm 26 tháng 10. Hoan hô hoan hô 26 tháng 10. Hôm nay ta say gió tháng 10 đang tới. Muôn năm muôn năm 26 tháng 10 hoan hô hoan hô 26 tháng 10 Nhân dân hân hoan hát vang đời TỰ DO. Và suy tôn Ngô Tổng Thống: Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước thề tranh đấu cho Tự Do. Người cương quyết chống CỘNG, bài Phong Kiến bóc lột, Diệt Thực Dân đang rắc gieo tàn khốc. Bao công lao hồn sông núi ghi muôn đời, gương hy sinh ngàn muôn kiếp không hề phai. Toàn dân quyết kết đoàn, thề chung sức với người, cùng đồng tâm xây đắp cho ngày mai. Toàn dân Việt Nam nhớ ơn NGÔ TỔNG THỐNG, Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống Muôn năm. Toàn dân Việt Nam quyết theo Ngô Tổng Thống. Chung đắp xây nền thống nhất sơn hà.
Kể từ đó mỗi lần chào cờ phải hát bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống, buồn cười nhất là mỗi lần xem phim trong rạp chiếu bóng, khán giả phải đứng dậy chào cờ và suy tôn, lâu rồi bài hát được sửa lại trong dân gian, mà học sinh chúng tôi ai cũng biết: Bà NGÔ ĐÌNH NHU, Bà NGÔ ĐÌNH NHU....... NGÔ TỔNG THỐNG.
NGÔ TỔNG THỐNG, NGÔ TỔNG THỐNG KÊU ĐAU...
Bài hát này dành riêng cho lũ học trò con trai tinh nghịch, học trò con gái nghe thì đỏ mặt như trái bầng quân.
Cũng như lớp Đệ Thất, lớp Đệ Lục chúng tôi lại chứng kiến một giai đoạn đầu của Lịch sử nền Đệ Nhất Cộng Hoà.
Cả lớp tôi, ai cũng biết đi xe đạp, riêng tôi me phải đưa đón hàng ngày bằng chiếc xe đạp đầm của me, nhiều lúc tôi ốt dột với lũ bạn, thằng Trân chế nhạo, sao mầy không nói với me mày pha cho bình sữa CON CHIM mang theo để bú, tôi giận quá không chịu cho me chở đi học nữa, tôi đòi tập xe đạp, rồi một buổi tối hôm ấy, buổi tối trăng tròn, gió man mác hiu hiu thổi, dưới dãy ngọn đèn đường trên con đường thẳng tắp, ba tập tôi đi xe đạp, me nói phải tập ban đêm đường vắng, ban ngày xe cộ nhiều nguy hiểm lắm, ba vịn tôi, me chạy theo một bên, chiếc xe xẹo qua xẹo lại uốn éo theo thân hình của tôi, tiếng cười của ba, tiếng thở của me, và tiếng reo hò của lũ con nít hàng xóm chạy theo xem, vui ơi là vui như bài hát mà me dạy cho anh em tôi hát ngày còn bé tí teo: Dzui là dzui quá dzui ở trên đầu ba bốn cục dzui, sau vài tuần ba thả cho tôi đi một mình, sau vài lần té trầy da tróc vảy, me xít xoa xức thuốc đỏ, tôi một mình chạy xe đạp boong boong trên đường, tôi ghiền đi xe đạp đến nỗi đêm hôm hai ba giờ sáng, tôi lén lấy chiếc xe đạp ngang của ông Ngoại, thọc chân qua thanh ngang, nghiêng mình đạp xe chạy vù vù qua những con đường đất quanh co của làng, tôi đã lớn, tôi đã bắt đầu rời khỏi vòng tay me, tôi đi học một mình, lần đầu đem xe đến trường, khoá xe thật kỹ trong sự khâm phục của bạn bè, thằng Trân không còn bảo tôi đem theo bình sữa, chúng còn rủ rê, chiều nay tan học lên Cầu Vồng đua xe. Từ đó, tôi nhập bọn với bọn thằng Bình, thằng Khôi, thằng Tấn, Thằng Dũng, bọn xóm nhà lá nhất quỷ nhì ma này, từ một thằng bé hiền lành nhút nhát, sống trong vòng tay mẹ cha, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, tôi trở thành một trong NGỦ QUỶ của ĐỆ LỤC 2.
Thời gian thấm thoát trôi qua, sau hai kỳ thi lục cá nguyệt, một ngày cuối tuần đẹp tuyệt vời, nắng hè, gió hè lẩn quẩn đâu đây, hàng phượng trước trường như có ai rãy mực đỏ trên thảm lá xanh, tiếng ve sầu lại trở về rên rỉ, lòng chúng tôi rộn rã niềm vui, 5 đứa con trai choai choai, 5 con ngựa sắt vượt đường trường về quê bắn chim, mỗi đứa thủ một cái ná cao-su và một túi đạn, chim bắn được, xâu thành từng xâu bằng dây lạc đeo tòn teng trước ghi đông xe, mặt trời lên đến đỉnh đầu, đói và khát, ngang qua ruộng dưa, như mèo thấy mỡ:
- Ê, hái dưa đớp tụi bây ơi.
Thằng Khôi khởi xướng. Thế là 5 chiếc xe đạp dấu trong bụi tre, chúng tôi nằm dài bò xuống ruộng dưa, chọn những trái ngon hái, đem vào bụi tre ngồi đánh chén, tôi chợt nảy ra ý kiến, phải chi có muối ớt thì tuyệt cú mèo, thằng Bình phóng ra khỏi chổ núp vừa chạy vừa la:
-Tao đi kiếm.
Nó chạy một chốc trở về với gói muối ớt trên tay gói bằng lá chuối, tôi phục quá hỏi:
-Mày làm thế nào kiếm được.
Nó cười đưa hàm răng sún.
-Tao chạy vào nhà bên kia, thấy một bà già đang ngồi ăn trầu, tao làm bộ ôm cái đầu rên:
- Bà ơi, con bị té sưng đầu, bà cho con một ít muối để xức.
- Muối dưới bếp, con xuống lấy
Tao tiện tay lấy thêm nửa hũ ớt bột.
Chiều hôm đó về nhà, tôi không dám đem chim về sợ me biết. Thằng Dũng hứa hẹn:
- Ngày mai qua nhà tao ăn chim rô ti.
Đệ Lục còn một biến cố quan trọng, gần đến cuối năm, Thầy Hiệu Trưởng Gi đổi đi, Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc đổi về, sau buổi chào cờ sáng thứ hai, Thầy Gi nói lời tạm biệt, trông Thầy đã già và giọng nói run run, bên cạnh, Thầy Ngọc như một thư sinh, đẹp trai, nghiêm nghị, thông minh với nụ cười nửa miệng. Không biết bây giờ sau hơn 40 năm xa cách, nụ cười của Thầy có còn như nụ cười Ông Cọp ngày xưa không. Tôi vẫn mơ một ngày nào đó gặp lại Thầy để bày tỏ NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI HỌC TRÒ NĂM XƯA.
Đệ Lục của tôi, của bạn bè ngày xưa ấy, giờ đây chỉ là MỘT THOÁNG MƠ QUA.
Ðệ Ngũ
( Anh đệ Ngũ thương em đệ Thất.
Tim tím ban chiều tim tím mai. )

Xem Tiếp: ----