Ban đầu Huy không tin cái điều ấy sẽ đến với gia đình mình. Gia đình Huy nói chung là hạnh phúc, hạnh phúc theo cái nghĩa của thời điểm lịch sử này. Vợ chồng Huy chỉ có hai con, đứa đầu là gái, mới học xong lớp 12, nếu không đỗ đại học. Huy sẽ chạy cho nó vào “May đo xuất khẩu ”, có dây rồi, con gái chỉ cần có thế. Thằng út đang học lớp 4. Huy làm ở nhà máy cơ khí, đồng lương nhì nhằng như người ta nói “vẫn phải có điểm bám vào Nhà nước”. Kinh tế chính của gia đình lại phụ thuộc vào vợ Huy. Vợ Huy trước cũng làm ở nhà máy, đã về mất sức. Chị tháo vát, biết chạy chợ. Từ hồi vợ chạy chợ, đời sống gia đình khá hơn, có đồng ra, đồng vào. Giá như không có câu chuyện éo le này.
Việc đó xảy ra từ cái hôm vợ Huy nói nhỏ:
- Mình hãy để ý đến con Chi nhà minh, hình như nó có ý định trốn đi nước ngoài đấy.
- Nói bậy, ai bảo mình?
- Ây là tôi ngờ như thế.
Chị vợ nói vậy rồi xuống bếp làm cơm chiều. Huy ngồi thu cả hai chân lên ghế, rít một hơi thuốc dài. Chuyện vợ nói dường như chỉ thoáng trong đầu. Tình thật lúc đó, anh cũng chủ quan. Huy vớ tờ báo đọc lướt qua nhưng chữ nghĩa không ăn nhập mấy. Ngoài sân, thằng con trai đang cặm cụi chơi bi một mình. Nó hết đọc truyện tranh lại chơi bi. Dạo này mới xuất hiện bi ve, Huy thấy hay hay, anh ra sân nhặt hòn bi ve của con lên ngắm nghía cái múi khế xanh vàng xinh xắn nằm bên trong lớp thuỷ tinh trong veo. Thằng con đòi anh phải chơi bi với nó, giá như mọi lần anh cũng khoái chơi. Nhưng hôm nay, từ lúc vợ nói cái tin bâng quơ ấy, Huy cứ thấy vẩn vơ....
- Khôi, chị đi đâu hả con?
- Chị đi mua rau, mẹ vừa bảo chị đi mua rau, bố quên à?
Anh bật cười về sự vô tâm của mình. Thì chính anh vừa mới dắt xe ra cho con gái đấy thôi. Huy phì phèo thuốc lá đến cửa bếp hỏi vợ:
- Thảo này, ai bảo mình con Chi định trốn định trốn đi nước ngoài?
- Ây là tôi đoán thế, tôi thấy mấy ngày hôm nay chúng nó toàn nói chuyện ấy thôi.
Huy thở phào. Tưởng gì, chứ chuyện vượt biên dạo này đến cả thị xã người ta nói. ở nhà máy anh câu chuyện thời sự rôm rả nhất cũng là chuyện người ra đi. Ngay đêm hôm qua, một thuyền mười lăm người đi thoát.
- Em bảo này - Thảo bảo anh xắn hộ tay áo, rồi nói nhỏ - Nhưng mà nhỡ nó đi thì sao?
- Ai cho nó đi, tiền đâu, vàng đâu mà nó đi?
- Mình có biết nó yêu đứa nào không? Thằng Khang con bà Tài Chiến đấy.
- Thật là đồ ranh con, yêu đương gì chúng nó.
- Em bảo, nhỡ nó yêu thật thì sao? Nhà bà Tài Chiến giầu lắm.
Huy nhìn vợ, mỉn cười. Dạo này trông Thảo khá hơn, chưa béo nhưng khoẻ mạnh. Đôi má ám lửa phớt hồng. Anh cúi xuống lướt một nụ hôn lên má vợ. Chị nguýt dài. Hồi xưa họ cũng yêu nhau từ khi còn rất trẻ, có lẽ chỉ nhỉnh hơn con Chi bây giờ một chút thôi. Vậy thì ai bảo chúng là trẻ con cơ chứ? Họ hú hý với nhau ở dưới bếp cho tới lúc Chi về. Huy âu yếm ngắm nhìn đứa con gái đầu lòng. Đột nhiên anh thấy nó đã phổng phao, nó đã ở tuổi dậy thì. Anh bật cười về sự phát hiện của mình, bởi lẽ cho tận đến bây giờ anh vẫn nghĩ nó còn bé bỏng, trẻ con.
- Bố nó ạ - Thảo nói - Em thì chạy chợ suốt ngày, con cái phó thác cho mình trông nom. Mình chẳng còn thời gian đâu mà quan hệ xã hội. Em thấy áy náy quá.
- Huy thấy mủi lòng. Vợ anh lúc nào cũng chu đáo. Xuát thân Thảo không phải là kẻ chợ búa. Nhất là ngày ấy chợ búa cứ như là kẻ gian thương. Thảo làm việc ở nhà máy cơ khí. Học xong trung cấp cơ điện Thảo về nhà máy được một năm, trúng bí thư chi đoàn. Thảo ham thích hoạt động xã hội, nhưng bệnh tật đã nhanh chóng cướp đi sự nhiệt tình ấy, kéo theo đời sống khó khăn, được ít năm Thảo phải về mất sức. Thảo về mất sức sau khi Huy ra quân được một năm. Anh lại trở về nhà máy, nơi ấy anh đã làm việc và đã xây dựng gia đình với Thảo. Lúc ấy bé Chi đã được sáu tuổi, vợ anh suy tim độ ba, gầy yếu lại kiệt sức vì đợt sốt xuất huyết của bé Chi. Chị phải từ giã nhà máy. Bây giờ nghĩ lại, anh không sao hình dung nổi người mẹ gầy yếu ấy lại chăm nổi đứa con với đồng lương ít ỏi của mình. Hai năm sau thằng Khôi mới ra đời. Đời sống ngày một khó khăn. Họ phải bán đi từ cái vỏ chăn may bằng từng miếng vải tiết kiệm, cái màn gió và tới những vật kỷ niệm cuối cùng, cả đôi găng tay trắng dạo mới cưới nhau.
Tới lúc ấy Thảo phải đi chạy chợ. Huy nghĩ Thảo phải lao vào chợ búa, đó là một sự hy sinh, bởi chị chưa bao giờ biết chợ búa, bởi chị cũng ghét gian thương. Ban đầu chị dấu anh. Một hôm được thưởng tiền sáng kiến, Huy quyết định tạt vào chợ mua một cân cá về thết vợ con. Len lỏi được vào khu vực tanh tưởi, nhớp nhúa ấy lại gặp chính vợ mình bán cá.
Họ nhìn nhau rồi cả hai đều quay mặt đi. Anh ngậm ngùi cho số phận một thằng đàn ông khoẻ mạnh như mình không nuôi nổi vợ con để người vợ gầy yếu thế phải ngồi phơi mặt bán cá. Nhưng biết làm thế nào được vì anh là con nhà kỹ thuật, anh chỉ biết làm việc hết mình với nhà máy, nhà máy thì không nuôi nổi vợ con anh. Mấy hôm sau vợ anh nói:
- Nếu làm ăn được, em quyết định để mình đi học đại học.
Anh đi học đại học tại chức, thành kỹ sư. Bây giờ Huy đã là quản đốc phân xưởng Nhiệt luyện.
Huy ra ngồi nhặt rau với con gái, nghe nó rí rủm kể chuyện. Bé Chi bao giờ cũng nhiều chuyện để nói với bố. Như hôm nay chẳng hạn, nó đi mua rau muống, lại mua phải rau muống ao, nó trả lại bị người ta mắng cho sa sả, nhưng nó quyết định trả bằng được và chịu trả tiền phạt cho bà bán rau, nhưng bà ta lại không thèm lấy tiền của nó, thế cơ chứ. Rồi nó mua được rau muống từ Hải Phòng mới mang ra, xanh ngon, ngọn nào ra ngọn ấy.
- Bố ơi - nó khúc khích cười, nói nhỏ - Bố có phong kiến không?
- Con hiểu phong kiến là thế nào?
- Là - nó cười lí nhí - con ứ biết.
- Là thế này nhé - Huy giải thích - là bố mẹ đật đâu con ngồi đấy. Ví dụ, bố gả con cho người nào, con phải lấy người ấy. Bây giờ không như thế, thời buổi khoa học, tiến bộ rồi, người ta xây dựng gia đình trên cơ sở của tình yêu.
- Thật không hả bố?
- Tất nhiên rồi - Huy nói xong mới giật mình. Tại sao mình lại nói với con điều này nhỉ. Có sớm quá không? mà tại sao nó lại hỏi mình như thế chứ?
Anh nhìn con bé trân trân. Nó đỏ ửng mặt. Rồi nó vơ vội rổ rau ù té ra giếng. Huy ngẩn người. Nó yêu thật rồi chăng?
Cơm nước xong, mỗi người một việc. Thảo vào buồng đếm tiền, đó là công việc chuẩn bị để sớm ngày mai ra Doi. ở cái doi cát gần nhà Huy, sớm nào cũng tấp nập thuyền bè từ ngoài khơi vào bán cá. Chị phải ra đấy mua cá rồi đèo thẳng ra chợ thị xã bán lẻ.
Thằng Khôi ra bật ti vi, nó đứng bắt chéo chân cho đến khi trên màn hình xuất hiện bộ phim “Hãy đợi đấy” mới chịu ngồi xuống. Chi làm hết vài việc vụn vặt thường ngày, nó vào soi gương, trang điểm chút ít, rồi mới ra chỗ bàn trà rỉ tai bố:
- Con chạy sang chỗ bạn con một tý bố nhé.
- Có thấy cần thiết lắm không con?
- Sang chơi thôi mà bố.
- Thế thì ở nhà - tự nhiên Huy phát sẵng - ở tuổi con không được phép chơi bời, đàn đúm. Con nghĩ rằng ở nhà với bố mẹ một buổi tối là khó chịu lắm hay sao?
- Con không nghĩ thế.
- Hôm nay bố muốn nói chuyện với con.
Chi nem nép ngồi xuống chiếc ghế trước mặt bố, đôi mắt mở to nhìn bố đang ngồi vắt chéo chân đọc báo, nó nín thở chờ đợi.
- Kể từ nay bố sẽ không cho phép con được đi chơi tối, trừ những trường hợp đi xem ở rạp hay có việc buộc phải đi, nghĩa là với lý do cụ thể. Con có biết bố mẹ lo cho con như thế nào không?
Mặt nó đanh lại, rồi ỉu dần. Nó cúi mặt xuống.
- ở xung quanh đây, toàn chuyện trốn đi nước ngoài. Đi nhiều, chơi lắm, rồi nó nhiễm vào đấy.
Huy vừa nói vừa nhìn con gái thăm dò. Con bé mấp máy môi muốn cãi, xong lại thôi.
Đêm hôm ấy Huy có một giấc mơ khủng khiếp. Trong một cơn giông dữ dội ở ngoài khơi, gió xoáy làm dòng nước cuộn lại như một chiếc vung để ngửa. ở lòng con xoáy có một chiếc thuyền bé tý xíu đang kêu gào, nhưng không nghe thành tiếng, anh chỉ thấy họ chới với lên không trung. Chỉ có tiếng con Chi là rõ nhất: “Cứu con với bố ơi, bố ơi... “ Tiếng nói ấy như từ ngoài con thuyền, lại như là từ con tim anh phát ra. Anh tấy mình như ngạt thở vì sóng, anh càng cố bơi tới chỗ con thì con sóng lại dận dữ đẩy anh lùi lại, cái khoảng cách của anh và con bé cứ xa dần, không thể nào với tới được. Anh vẫy vùng vì tuyệt vọng, vì ngạt thở. Ngạt tới mức phải bung ra. Anh choàng tỉnh dậy, ngơ ngác trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ. Vợ anh vẫn nằm bên cạnh, nhịp thở nặng nề, khó nhọc.
Từ đấy Huy không sao ngủ được. Chưa đến bốn giờ sáng, chị đã len lén vén cái chăn đơn.
- Mình dậy hơi sớm đấy- Anh nói vậy thôi chứ anh cũng thừa biết vào giờ này, ngày nào chả vậy, kiếm miếng ăn từ chợ búa kia mà.
- Ơ kìa, bố nó không ngủ sao?
Chị lại nằm xuống, vắt tay lên ngực chồng:
- Mình không ngủ sao?
- ừ, tự nhiên mất ngủ.
- Hay mình nghĩ gì?
- Tôi lo
- Mình - Chị ấp mặt vào ngực anh - Em chỉ nói vậy là để cảnh giác.
Huy cũng đi vào nhà máy rất sớm. Chưa đến giờ làm việc, anh ngồi ở quán nước ngoài cổng, thu lượm đủ mọi chuyện trốn đi nước ngoài. Việc ấy mấy hôm trước nó đến với anh thật dửng dưng. Anh cho rằng thời buổi làm ăn khó khăn quá nên nó mới xảy ra như thế, vả lại nó cũng chỉ xảy ra với những lớp người ham hố cái lạ, chứ đâu phải ở anh. Và như vậy thì lô- gích ở chỗ nào? Cuộc chiến đấu đổ xương, đổ máu, không lẽ lại phải từ bỏ cái mà ta vừa giành được. Cái gì rồi nó cũng phải có cái trật tự của nó chứ, cho rằng cái thị xã này họ kéo nhau đi cũng khá đông. Rải rác con phố nào cũng có, nhưng không phải là tất cả. Nhiều người ở bên kia đã gửi của về. “Của”... Mẹ kiếp, không bao giờ ta lại đổi con để lấy của, ta cần gì cái thứ của ấy cơ chứ. Anh cầu mong cái đại dịch này nó chóng qua đi, cái thập kỷ tám mươi náy chóng qua đi.
Anh vào nhà máy, câu chuyện đầu tiên lại là người ra đi... Hôm qua lại có một thuyền chở bốn gia đình đi thoát. Mẹ kiếp, mà tại sao người ta biết tỷ mỷ đến mức, thuyền đi lúc mây giờ, ở đâu, trên thuyền chở đầy than lại còn căng vải bạt, đến chỗ nào thì họ xúc than đổ xuống biển để thoát cho nhanh ra phao số 0. Hôm qua con bà Dinh mới trốn đi có ba tháng đã gửi về một dàn máy, mở hết công suất rung chuyển tới ba tầng nhà, có người gửi đô la, có người gửi vàng. Mẹ kiếp! Anh ngửa lên trời cầu xin cho cái đại dịch này chóng qua đi.
Huy thấy đầu óc mung lung, loay hoay mãi với cái máy nổ mà vẫn chưa phát điện được. Chiều hôm đó Huy về sớm...
- Bố nó ơi, tôi mong mình về quá cơ - Thảo nói - Có thể nó đi thật đấy.
Huy lừ mắt nhìn vợ, nhưng Thảo vẫn tiếp tục:
- Mình đừng có chủ quan, nó đi thật đấy. Lúc về tôi đi nhẹ chân, tôi nghe thấy chúng nó bảo là thuyền nhỏ đi dễ thoát hơn, thậm chí là đi mủng.
- Đi mủng? Huy thấy hoang mang, cái giấc mơ khủng khiếp diễn ra hôm trước làm anh chột dạ.
Thảo đi làm cơm, Huy đổ phịch xuống ghế, đầu óc quay cuồng. Thằng con trai lon ton từ ngoài đường chạy về, nó chưa kịp húc đầu vào bố như mọi bận, Huy đã hỏi:
- Chị con đi đâu?
- Đi rồi.
- Đi đâu? Huy tròn mắt quát -Đi đâu?
- Đi với anh Khang, bố hiểu không? Nó bí mật nghển cổ lên rỉ tai anh - Yêu nhau đấy.
Huy vừa muốn thăm dò qua thằng con song lại không muốn nó hiểu quá sâu cái trò trai gái này. Anh nhẹ nhàng thăm dò:
- Khôi à, con hiểu yêu là thế nào?
Nó cười, dơ một ngón tay, nói nhỏ vào tai Huy:
- Hôn nhau đấy.
- Hả?
Chờ một lúc lâu, con gái mới về, nó tròn mắt ngạc nhiên thấy Huy về nhà sớm hơn mọi khi. Chi định chào bố, nhưng thấy bố lầm lỳ nó nem nép đứng sau cửa. Anh bảo Khôi ra ngoài sân chơi rồi gọi con gái vào để nói chuyện. Thằng Khôi biết ý, nó ra ngay, nó khuỳnh tay hích vào mông chị:
- Nhận khuyết điểm đi.
Chi lại nem nép ngồi vào cái ghế đối diện với bố. Bây giờ anh mới nhận thấy, hình như gần đây con gái có vẻ lo sợ mỗi khi gặp anh. Trước nó không như thế. Mỗi khi bố đi làm về nó hồn nhiên kể bao nhiêu là chuyện.
- Năm nay con đã bước sang tuổi mười tám - Huy nói, có chút đắn đo, cân nhắc - Con đã lớn, lớn cả về trí khôn. Bố rất khổ tâm nếu phải nói với con điều này: Một đứa con muốn từ bỏ bố mẹ để ra đi, bố thật không hiểu đầu óc nó nghĩ gì? Đạo đức ở đâu, đạo hiếu ở đâu?
Huy quan sát con bé. Nó trở nên đăm chiêu. Có thể điều anh nói làm nó xúc động, cũng có thể có nhiều điều nó không thể nói ra. Anh nói với nó về cuộc đời bố mẹ. Dù chỉ vài nét thoáng qua thôi, nhưng đây là lần đầu tiên anh nói với con về phẩm chất của cả anh lẫn chị. Nó nghe từng lời, uống lấy từng lời, hàng mi dài của nó từ từ mở ra ướt át, van vỉ:
- Buồn lắm bố ơi.
Huy sững người, cảm nhận nhạy bén của người bố khiến anh hiểu ra ngay tâm trạng của con mình.
- Nếu không được đại học, bố sẽ xin cho con việc làm, vào may đo xuất khẩu là được đấy, bố nhờ cậy được rồi, nếu cần vào ngay chỗ bố làm hợp đồng, bố cũng có tiêu chuẩn để nhận con vào, vừa làm, vừa tiếp tục ôn để năm sau lại thi. Con cũng có điều kiện thuận lợi kia mà.
- Buồn lắm bố ơi.
Có nghĩa là nó buồn vì một điều gì đó nữa.
- Chi, bố hỏi thật, có phải con định trốn ra nước ngoài không?
Nó bối rối đến đỏ cả mặt.
- Không phải đâu, ai bảo bố thế?
Biểu hiện của nó không dấu nổi Huy, nhưng để nó bình tĩnh lại anh bảo con:
- Thôi được, con xuống giúp mẹ làm cơm. Cơm nước xong bố sẽ tiếp tục nói chuyện.
Bữa cơm tối tẻ nhạt. Huy ăn qua quýt, hình như con Chi cũng vậy. Thảo lo lắng hết nhìn bố lại nhìn con gái. Chỉ có thàng Khôi là ăn hết phần trách nhiệm, ba bát, rồi biến đi ngay.
Huy tắt máy thu hình, chờ vợ đếm tiền xong, anh mời cả chị và con gái lại bàn uống nước. Anh để ý thấy con gái hơi xanh, tâm trí nó đã bị dằn vặt. Một phút trôi đi, căn phòng như cả một khối nặng đè xuống. Đột nhiên Huy nói:
- Hãy nói cho bố mẹ đi, con định như thế nào?
Nó ngồi lặng lẽ, nép vào lòng mẹ. Nó lại trở nên bé bỏng, nhu mỳ. Thảo vuốt đuôi tóc ngắn cũn của con.động viên:
- Nói đi con.
- Con chưa có ý định... nó nói.
- Nghĩa là đã có một kẻ nào đó đã bàn với con - Huy căn vặn - đã lôi kéo con, có đúng không?
- Chẳng ai lôi kéo được con, con tự quyết định lấy mọi việc bố ạ.
- Nghĩa là không cần đến cả ý kiến của bố mẹ, không cần gì hết, con sẽ tự quyết định. Có đúng không?
- Không hẳn như thế...
- Con phải nghe lời bố mẹ, con đừng nghe kẻ nào xúi dục rồi khổ cả bố mẹ, khổ cả cái thân con -Thảo ân cần nói - Mẹ thấy khối đứa ra đi chết ở ngang đường. Hôm nọ có một chuyến ra đến khơi thì hỏng bánh lái, tan tác như vỡ tổ, may mà gặp tàu Hải quân, không thì chết ráo.
- Nó đi phải dây đểu đấy mẹ ạ.
Nghía là nó đã tìm được dây thật - Huy ngửa mặt cầu trời cho nó chóng qua nhừng cái năm khốn khó này. Bất ngờ anh chộp thẳng:
- Nghĩa là con đã tìm được dây thật - Huy đứng dậy, giọng rít lên - Có đúng không?
Thảo đưa mắt bảo anh ngồi xuống. Chị nhẹ nhàng hỏi nhỏ:
- Có đúng không hả con?
Nó gục vào lòng chị, nó dụi vào ngực chị, nó khóc.
- Mẹ... Mẹ ơi!
- Ngày mai, tôi cấm cô ra khỏi nhà, cấm một đứa nào vác mặt đến đây. Tôi cấm... Huy tuyên bố.
Thằng Khôi xuất hiện ở cửa từ lúc nào, hai tay thọng túi quần, cái đầu lắc lư. Nó phán:
- Lại họp!
°
*
Lúc chỉ còn hai vợ chồng, họ bàn đủ mọi cách để ngăn cấm con Chi gần thằng bạn nó, thủ phạm chính là mối quan hệ này. Khoá trái cửa chăng? Nhưng còn thằng Khôi, ai cho nó đi học? hay treo một cái biển rõ to: “Nhà này không tiếp khách”. Không ổn, sẽ mang tiếng, người ta lại cho rằng nhà này hoá rồ. Hay nghỉ việc một vài ngày. Phải thế. Chính anh sẽ ở nhà. Thảo suy nghĩ một lúc lâu, rồi nói:
- Mình thử xem, làm như vậy có quá không?
- Tôi l;à người lính, phải biết sử dụng cái mạnh, phải quân sự.
Huy thực hiện điều đó một cách cương quyết. Anh nghỉ việc ba ngày. Ba ngày ở bên con gái, gần gũi, khuyên răn, kết hợp thăm dò. Lúc cương, lúc nhu, lúc tha thiết bằng tình cha con, tình mẫu tử.
- Này con, bố mẹ có để con thiếu quá không?
- Không đâu bố ạ, khối người còn khó khăn bằng mấy nhà mình, còn đói nữa chứ.
- Bố mẹ có nghiệt ngã với con quá không?
- Con không nghĩ thế.
- Này con, con có nghĩ rằng nếu con bỏ bố, bỏ mẹ, bố mẹ sẽ khổ như thế nào không? Bố đã đi chiến đấu, bố đã ở ngoài mặt trận bốn năm, lúc nào cũng nghĩ về con, rồi lại về nhà máy, lại học tập, lao động, chỉ cầu mong cho hạnh phúc của cái nhà này. Ngày bố đi bộ đội, mẹ đã kiệt sức để nuôi con, rồi cũng chỉ vì cuộc sống, mẹ con phải thức thâu đêm với con cua, con cá hàng ngày. Con có nghĩ rằng tất cả là cho tương lai của các con không? Nhà trường có dạy con điều đó không?
- Bố mà nói “chính trị” thì hết ý.
Sau khi thăm dò nhiều mặt, anh kết luận, dù sao đối với nó cách giáo dục tốt nhất vẫn là tình cảm. Anh sẽ tác đông đến bạn bè nó, cũng bằng tình cảm, nhỏ nhẹ êm đềm, mưa lâu thấm đất. Nhưng trong ba ngày anh ở nhà, tuyệt nhiên không một đứa nào bén mảng đến. Thấy lạ, Huy sinh nghi. Sang ngày thứ tư, Huy phải vào nhà máy, nhưng đến giữa giờ buổi sáng, anh thấy nóng ruột bèn đột ngột về nhà. Thằng Khôi đang cầm một mảnh giấy chạy vòng quanh nhà. Chị nó vừa đuổi vừa van vỉ;
- Cho chị xin... Cho chị xin nào.
Huy lừng lững chặn ngay trước mặt thằng Khôi. Nó sợ quá ném tờ giấy cho chị, nhưng Huy đã nhanh tay chặn lấy. Mặt con bé tái đi, nó ôm mặt khóc. Đó là một lá thư:
“Anh Khang
Trong những ngày này em van anh không được đến nhà em, anh mà đến là hỏng việc. Anh tin ở em, người bạn chung thuỷ suốt đời của anh, cho dù phải đi tận cùng trời cuối biển”
Huy đứng chết lặng. Phút chốc anh đã hiểu ra! Thế là chúng nó yêu nhau. Hồi trẻ anh chị cũng yêu nhau, cũng quyết tâm, quyết liệt vượt qua mọi rào cản rồi mới nên vợ, nên chồng. Nhưng không phải như thế này. Anh cứ đứng đó trân trân, dở khóc, dở cười. Ai ngăn cản được tình yêu cơ chứ! Anh lẳng lặng đưa lại cho con tờ giáy. Từ đó không nói một lời nào. Chi tròn mắt nhìn bố, nó ngơ ngác như con nai. Thằng Khôi hích khuỷu tay vào lưng chị:
- Xin lỗi bố đi chứ, nhanh lên.
Huy lặng lẽ đi vào nhà máy, lòng nặng trĩu. Có lẽ nào ta lại để mất một đứa con, mất dễ đến như vậy. Ngày trước trên con đường hành quân vào mặt trận Quảng Trị, tại một trạm giao liên trên cánh rừng Miền Trung khô cằn, cỏ cây xác xơ, đất đai bom đạn cày lên đỏ như máu, anh nhận được một lá thư, lá thư cháy xém mất một góc. Lá thư ấy của vợ anh, của Thảo, nét chữ nhoè nhoẹt vì mưa gió, vì thời gian, vì cả những giọt nước mắt của chị. Thảo báo tin cho anh đã sinh con gái đầu lòng. Tên nó là Chi. Ngày hôm đó đối với anh là một ngày trọng đại. Nó trở nên trọng đại vì phía sau mình còn có một đứa con. Ta chiến đấu vì tổ quốc và vì hạnh phúc của chính đứa con mình.
Bây giờ lá thư ấy lại lồ lộ hiện ra trước mắt anh. Một góc đen nham nhở vì cháy, nét chữ nhoè nhoẹt vì gió mưa... Vợ ta đã cặm cụi nuôi con bao nhiêu tháng ngày, mười tám năm rồi còn gì? Thảo đã trút phần sức lực của mình cho con, cho chồng để trở nên bệnh tật. Mà đến tận bây giờ vẫn phải lặn lội tranh giành từng mớ cá biển... có dễ đâu, có dễ đâu cơ chứ hả con.
Buổi tối Huy đau khổ nói với vợ:
- Nó đi mất thôi mình ạ..
Thảo tái người, đến lượt chị lại không tin: “Em có tội gì với nó hả mình?” Khi anh kể những gì đã thấy cho chị biết, chị nấc lên rưng rức.
Huy nằm trân trân suy nghĩ, phần thương vợ, phần giận con. Nhìn tấm lưng mỏng của chị rung lên thì anh không sao chịu nổi:
- Áy là tôi nắn gân mẹ nó - Anh gượng cười nói - Còn tôi, tôi sẽ có cách chứ.
- Cách gì?
- Tôi sẽ xử lý bằng biện pháp “hoà bình”
Sớm hôm sau chờ chị ra Doi, anh đã thúc con bé dậy. Bằng kinh nghiệm trên bốn mươi năm tuổi đời, anh thuyết phục con:
- Có thể bố có lỗi với con, cả mẹ con nữa. Vì con đã lớn, con đã biết chịu trách nhiệm với bản thân mình, cho nên bây giờ bố chỉ muốn là người tham gia với con thôi. Biết đâu sự tham gia của bố lại được con chấp nhận.
Quả nhiên cái phương pháp đối thoại kiểu này trở nên có hiệu quả. Con gái anh hoạt bát hẳn lên:
- Vậy bố nói đi, bố giúp con đi, con van bố, con cũng hoang mang quá kia.
- Khang là người thế nào, bố mới biết qua nhưng chưa được rõ.
- Anh ấy rất có nghị lực, lại có hoài bão.
- Cái gì? Hoài bão? Hoài bão mà lại định trốn khỏi Tổ Quốc mình?
- Bố ơi, khối người trốn đi nước ngoài khi trở về lại là người yêu nước, là đại gia. Khi đi bị coi là kẻ phản bội, khi về lại bảo là người yêu nước. Họ có tiền mà, có đô la, họ hiến cho Nhà nước. Còn bây giờ anh ấy biết làm gì, việc thì không có, không xin đâu được, ở đâu cũng giảm biên chế.
- Sao không vào hợp tác. Bố xin cho nó vào hợp tác xã Cộng lực có được không, ở đấy bố có quen cả chủ nhiệm, có khối việc làm gia công.
- Anh ấy không muốn làm người bình thường.
- Cứ ra nước ngoài mới trở thành vĩ đại?
- Không hẳn như thế, nhưng may ra...
Thế đấy, cái chết là ảo tưởng, là “may ra”, Huy lắc đầu hết chịu nổi:
- Chết thôi.
- Bố ơi, còn hơn ai cũng chỉ thích bình thường. Cả nước bình thường, kỹ sư cũng bình thường, tiến sỹ cũng bình thường, nên đói.
Huy chột dạ, anh ngờ rằng đó không phải là ý nghĩ của con gái anh. Con gái anh nó nhu mì, kín đáo, nó không phải là đứa đáo để. Đó nhất định là tư tưởng của thằng kia...
Tuy nhiên anh đã nhận thấy, phương pháp thứ hai này có hiệu quả. Anh đã tiếp cận được tư tưởng của con anh, không, tư tưởng của chúng nó, một lũ ảo tưởng.
Từ đó hai bố con trở nên hoà thuận. Nói đúng hơn là anh đang có nén mình để hoà thuận với nó. Anh chăm chút con hơn, dễ dãi hơn chút ít.
Một hôm vợ anh lo lắng nói:
- Bố nó này, tôi thấy cứ “trắng phớ” cả ra.
- ở đâu?
- Ngay trong nhà mình, trên giường của nó.
Huy giận lắm, mặt tím bầm. Anh nghĩ cần phải tiếp cận được thằng kia.
- Mẹ nó này, cứ bình tĩnh lại, nén xuống - Huy úp bàn tay xuống, như thể nén vào không khí - Tôi đang sử dụng biện pháp “hoà bình” tức là mình phải có phần nhượng bộ.
Có lần trong lúc hưng phấn, anh còn bảo vợ mua cho nó một cái bánh xà phòng Camay, thứ mà nó thích. Mà nó thích thật, hôm có xà phòng Camay, nó bá lên cổ mẹ nó hôn đánh chụt một cái. Nó hôn mới thuần thục làm sao, anh đắng cả người.
Cũng vào buổi sáng, nhè lúc thằng Khôi đi học, anh đột ngột về nhà. Từ cái cổng sắt, mùi “tư bản chủ nghĩa” xộc vào mũi. Cái thứ xà phòng ấy nó mới thơm làm sao, thơm đến nhức đầu, hình như chỉ vài ba năm nay cái thứ xa xỉ ấy nó mới xuất hiện ở thị xã. Anh nhẹ nhàng dựa cái xe đạp vào cửa sổ xanh khép hờ hững. Thằng Khang đang ngồi cạnh con bé ở bàn trà, hình như chúng đang nói chuyện với nhau về lòng yêu nước. Nó đây, đối thủ của ta đây. Cũng may mà hôm nay anh không bắt được cái cảnh đau lòng. Giả sử anh lại nhìn thấy nó đã “trắng phớ” ra như hôm vợ anh bắt gặp thì sự thể sẽ như thế nào?
Huy hồi hộp như thể sắp bắt đầu một cuộc đối thoại quan trọng. Anh giả vờ hẵng giọng, cánh cửa lập tức mở toang.
- Kìa bố!
- Cháu chào bác.
“Xin chào” Huy nghĩ vậy, chứ không cất thành lời, khi thấy cả hai đứa như một cặp gà gặp mưa, chúng rúm cả lại. Thế mà cũng định làm người “không bình thường”.
- Bố ơi, anh Khang...
Ta sẽ xem thằng nhóc mặt còn hơi sữa kia định làm cái trò gì. Huy mỉm cười, một nụ cười vừa khoan dung vừa có vẻ giễu cợt.
- Mời cháu ngồi. Pha nước chưa con?
- Bố em rất bình dân - con bé giới thiệu - rất tâm lý.
“ Được, ta bình dân, ta tâm lý. Nhưng đừng tưởng”. Tuy vậy, trước mặt thằng bé măng tơ kia, anh có chút lúng túng. Bắt đầu từ đâu bây giờ, đánh từ đâu? Còn nó hình như biết được phải làm gì khi con bài đã chơi ngửa với nhau...
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi? - Huy bắt đầu.
- Dạ, thưa bác, cháu mười tám tuổi ạ.
Một lũ nhóc con, có nên nói với chúng là chúng bay chỉ là một lũ nhóc hay không? Huy suy nghĩ, hãy từ từ, đánh nhỏ ăn chắc.
- Bằng nhau.
- Bác nói sao cơ ạ?
Huy gượng cười, giấu đi chút bối rối.
- Ấy là bác nói tuổi cháu và con Chi nhà bác bằng nhau, mười tám cả.
- Bác ơi, cháu nghĩ là không hề gì, chỉ cốt là đồng cảm được với nhau.
- Đồng cảm....! Huy cố bình tĩnh nói - Anh hiểu thế nào về em nó mà đồng cảm nào?
Khang trở nên lúng túng, nó đỏ mặt, nhìn Chi. Chi nhìn nó khích lệ.
- Gọi thế nào là đồng cảm nhỉ? Mà đồng cảm theo nghĩa nào chứ? Tốt hay xấu, hay cùng rủ nhau đi?
Nghe bố nói vậy, Chi bồn chồn, nó cãi:
- Bố nói gì vậy? Em có nói gì với bố em đầu nào, bố em bắt nọn đấy. Em có nói đâu? Con đã nói gì đâu hả bố?
Rõ ràng chúng nó đã bàn với nhau. Bây giờ mới lộ mặt. Nó trung thành với nhau, không khéo đã ăn thề với nhau rồi đấy. Huy nghĩ mà sốt cả ruột. Trông con bé mới tội nghiệp làm sao, nó sợ bố thì ít, sợ bạn trai thì nhiều. Ái chà! Hãy trông bạn nó, cái thằng nhóc con ấy mới nghệ sỹ làm sao, cái đầu thì xoã xượi, cái áo thì lùng thùng. Nó lầm lì giơ mấy ngón tay ra ý bảo con Chi bình tĩnh. Nó nói:
- Tại sao bác lại nghĩ người vượt biên là xấu? Nó đột ngột tấn công Huy.
Huy bị bất ngờ, sững lại. Anh không nói mà trừng trừng nhìn nó. Nó cũng trân trân nhìn anh.
- Chi, con hãy đi ra ngoài, bố cần nói chuyện riêng với bạn con.
Chi nhìn Khang như là để hỏi ý nó. Nó phẩy tay, ý bảo bạn gái nó cứ yên tâm đi ra ngoài. Huy nghĩ, nghĩa là nó điều khiển con gái anh chứ không phải là anh, vì vậy anh phải hết sức cẩn thận đối với thằng ranh con này. Khi chỉ còn lại mình nó, Huy nhẹ nhàng nói:
- Cháu định đi sao?
- Cháu có ý định thế, nhưng chưa có điều kiện bác ạ. Nếu điều kiện đến cháu sẽ...
- Cháu đã nghĩ kỹ chưa?
- Nếu cháu nói, đã nghĩ kỹ rồi, thế nào bác cũng cho là nông nổi. Bảo chưa nghĩ kỹ, bác sẽ khuyên cháu nên nghĩ kỹ đi. Có đúng không? Nó thoáng nhìn Huy thăm dò - Cháu chỉ nghĩ, vậy cháu ở nhà làm gì nào? Chẳng làm gì cả. Chẳng có việc gì ra hồn, nuôi riêng cái miệng mình còn khó, còn hòng làm gì được. Vì thế cháu phải đi. Nhà nước cũng cho nhiều người đi nước ngoài lao động, một năm, ba năm, họ làm kinh tế có bảo lãnh, chỉ khác có thế thôi. Nhưng miếng ngon ấy ai cho mình, ai tuyển mình, có suất cả đấy bác ạ.
- Cháu có ý định làm kinh tế?
- Vâng ạ. Cháu sẽ làm giầu nếu may ra tìm được chỗ tốt. Còn nếu không, cháu sẽ tìm cách xoay xoả.
- Khó đấy, bác nghe nói ở nước họ cũng rất nhiều người thất nghiệp. Họ coi ta rẻ lắm, kẻ đói ăn, kẻ tha phương cầu thực ấy mà. Họ chỉ thuê những việc mà dân nước họ không giám làm, ví dụ, xúc rác, dọn phân, dọn cống rãnh... Thậm chí họ còn không giám gần mình, họ coi ta như một lớp người hạ đẳng.
- Cháu cũng đã nghĩ tới cả những điều bác nói. Do mình nghèo quá đấy thôi. Nhưng cháu sẽ xoay xoả. Vả lại cháu sợ gì, cháu làm được tất, cháu sẽ dốc sức vài năm để có vốn, rồi cháu sẽ đi buôn, cháu làm thương mại, nhièu tiền cháu sẽ mua nhà máy.
Đến đây thì Huy thấy nguy cơ thật sự cho con gái mình, chúng sẽ đi tới đâu?
- Rồi sau đó sẽ như thế nào?
- Cháu sẽ phấn đấu để trở nên giầu có.
Huy chỉ muốn đấm vào cái mõm non choẹt kia, nhưng anh vẫn khổ sở tự kiềm chế.
- Lúc đó cháu sẽ gửi tiền của về cho mẹ cháu, cho cả bác nữa chứ - Huy diều cợt - ái chà, hàng Nhật này, hàng Mỹ này, hàng Nam Triều tiên này.
Nó đỏ bừng mặt, gượng cười:
- Có thể cháu lại về thăm đất nước để làm từ thiện thì sao.
Bây giờ đối xử với nó như thế nào đây. Thần kinh nó đang hưng phấn. Huy càng nghĩ càng thấy hoang mang. Vậy mà ta lại để con gái ta rơi vào tay nó, máu thịt của ta rơi vào cái thằng thần kinh này. Bên ngoài con bé vẫn lấm lét theo dõi anh. Anh tìm cách bảo nó đi mua hộ bao thuốc: “Bố cần nói chuyện riêng với bạn con”. Nhìn con bé đi ra cổng, sau lưng nó là cái dải tóc ngắn cũn của đứa trẻ vừa sang tuổi trưởng thành. Đành phải tìm mọi cách cứu lấy con gái mình. Huy khổ tâm trở vào nói chuyện tiếp với cái thằng ranh con:
- Cháu có thể trở thành một người giầu sang, lại là người yêu nước. Nhưng bác chỉ xin cháu, hãy tha cho bạn cháu đi - Lẽ ra phải nói mày phải buông tha nó ra, thằng khốn nạn, thằng điên kia, nhưng anh vẫn nằn nì - Bác xin cháu, tha cho bạn cháu đi. Nó là cả cuộc đời của hai bác, cháu có biết không?
- Bác ơi, cháu rất cần tình yêu, nó là cuộc sống của cháu, là sự nghiệp của cháu. Cháu làm việc vì tình yêu, sống cho tình yêu.
- Nó chỉ vướng chân cháu.
- Không đâu, nó là sức đẩy của cháu.
Thế nữa cơ đấy. Huy run lên:
- Hãy thương lấy bác, lấy gia đình bác, cháu cũng có mẹ già, cũng có em nhỏ. Cháu có hiểu không? Bác cần nó, đừng cướp đi của bác. Đừng cướp đi của ta. Ta không cho. Ta sẽ giết nó.
Khang đứng dậy, nó lùi ra xa, khom người như thế thủ, còn Huy thì chống tay lên trán, mồ hôi túa ra.
- Cháu có cướp của ai đâu, cháu không cướp, đó là tình yêu, đó là tình nguyện cơ mà, bác.
- Đi đi!
Anh gầm lên làm thằng bé rúm người. Nó rón rén bằng năm đầu ngón chân ra cửa rồi ù té.
Việc anh đuổi thằng Khang khỏi nhà đã đến tai mẹ nó, bà Chiến. Mấy hôm trước bà còn ra chợ cá để tìm cách làm quen với Thảo, bà hết lời khen Huy, vừa hiền lành, tốt bụng. Hôm nay, sau cái vụ anh đuổi con bà, bà đánh tiếng bảo anh là cái đồ vô văn hoá. Con gái anh thì giận dữ nói: “Con xấu hổ với bạn con vì việc làm của bố”. Không khí gia đình trở nên nặng nề. Vợ Huy đã nghỉ chạy chợ, mục đích ở nhà giữ con. Hôm vợ chồng bàn về việc này chị nói: “Anh không phải nghỉ việc, ảnh hưởng uy tín, việc ấy để em, em chẳng qua chỉ là con chạy chợ”. Tuy không nghỉ việc nhưng lúc rỗi Huy vẫn lang thang hết nơi này nơi kia để tìm hiểu chuyện người vượt biên. Anh đã nhiều lần ra Doi, nơi người ta lợi dụng thuyền ra, thuyền vào bán cá để đi. Cứ như người đi khảo sát hiện trường.
Thằng Khôi trở nên được việc, mấy ngày hôm nay nó nắm tương đối tốt những thông tin của bạn trai chị nó. Thằng Khang mà còn ở nhà, anh còn lo. Anh chỉ mong một mình nó đi được, đi thoát. Giá nó đi thoát thì con Chi chỉ đau khổ ít ngày, đằng này nó vẫn chưa đi được, quan trọng hơn là chúng nó vẫn bí mật gặp nhau. Thằng Khôi đã nhìn thấy hai đứa tâm tình ở bên bụi gai, trên đường ra Doi, ngay chính hôm chị nghỉ ở nhà. Mặc dù anh đã tuyên bố cấm con gái không được quan hệ với thằng Khang. “Nó chỉ là một nhãi ranh, thằng ảo tưởng, thằng điên”. Con anh không cãi như trước mà chỉ ấm ức, chịu đựng. Nó ấm ức như thế mới đáng nghi ngờ, mới lo. Sau mỗi buổi tan tầm, dắt xe về đến ngõ, anh đã hỏi vợ: “Con đâu mình?” Hoặc hỏi thằng Khôi:”Chị đâu hả con?”Chỉ đến khi nhìn thấy con gái anh mới tạm yên tâm sau một ngày căng thẳng.
Thế mà nó vẫn đi. Nó đi đúng vào ngày chủ nhật, cái ngày cả nhà đông đủ nhất. Lại đúng vào lúc đang xem ti vi. Thằng Khôi đang chơi bi ở ngoài sân với bạn nó.
Lúc ấy có một tiếng gọi nhỏ. Nó lè lẹ đứng dậy đi ra ngoài. Thấy vậy thằng Khôi chạy vào nhà hỏi:
- Có theo dõi không hả bố?
- Chị nói chuyện với ai đấy con?
- Với bạn gái.
Rồi Chi vào nhà, nó ngồi ít phút. Ai ngờ đấy là lúc nó từ biệt bố mẹ, nó xoa đầu thằng Khôi, mặt nó buồn buồn, tư lự, rồi nó đi.
Hết giờ ti vi, bọn trẻ chơi bi ở ngoài sân cũng hết ồn ào. Thằng Khôi vác cái mặt nặng như chì đòi đi ngủ. Bấy giờ anh mới để ý đến Chi, vì mọi ngày nó đều mắc màn cho em nó. Vợ chồng thoáng nhìn nhau. Thằng khôi đứng ở cửa réo tên chị về mắc màn, nhưng không thấy, nó dằn dỗi nhảy lên giường.
- Con thấy chị nói chuyện với ai?
- Với bạn chị ấy.
- Trai hay gái?
- Gái.
Hay là nó đi tiễn bạn, anh nghĩ thế. Vợ chồng đứng ngồi không yên. Thời gian cứ trôi đi nặng nề. Nhà nhà im ắng. Một tiếng chó sủa ở đâu đó hình như rất xa.
- Tôi sẽ ra Doi.
Thảo nhợt mặt đi, từ từ khuỵu xuống.
- Mẹ nó bình tĩnh nào.
Anh đỡ chị vào giường, trong lòng hoang mang.
Thằng Khôi tỉnh ngủ hẳn, mắt nó sáng lên lơ láo, nó nhảy bổ vào buồng ôm lấy mẹ.
Huy băm bổ chạy ra Doi. Anh chạy như một cái máy, không biết mệt, chỉ thấy tai ù ù.
Doi vắng tanh, mặt biển phẳng lì, đen thẫm. Mài tít xa kia, mới có những ngọn đèn của tàu buôn nước ngoài. Huy sục chân xuống cát nghe lạo xạo, anh cố tìm kiếm những vết chân mới ở trên cát, nhưng vì trời tối đen không sao có thể phân biệt được. Giờ Huy mới nghĩ lại, tất cả những cuộc ra đi đều hết bất ngờ làm cho không ai có thể đoán biết được. Thằng Tân ở nhà máy anh, lúc tan tầm, mấy thằng còn rủ vào quán uống rượu say mèn, thế rồi đêm hôm ấy nó ra đi.
Anh rũ rượi trở về, người lảo đảo như say. Dọc theo những bụi gai, những cái ụ cát im lìm, cô quạnh. Một cái bóng nhỏ xíu chạy lại với anh, nó thấp bé, lũn cũn như con chó con bé bỏng. Thằng Khôi đó. Anh chợt nhận ra con. Anh chạy lại nhấc bổng nó lên. Cánh tay nó quấn vào cổ anh rồi lịm đi trong hơi ấm nồng của bố. Bế con vể tới nhà, thấy vợ đang rũ rượi ở cửa, lòng anh đau thắt lại. Rồi để vợ yên lòng, anh nói:
- Nó không thoát được đâu, tôi biết.
Huy tuyên bố như thế là để an ủi vợ, song không hiểu vì sao anh cũng tin như thế. Anh không giám tin con anh trốn thoát đêm nay.
Từ đấy đến sáng, vợ chồng anh chỉ thức bên giường thằng Khôi. Nó thiếp đi trong giấc ngủ đầy mộng mị. Đầu nó hâm hấp nóng.
Họ cứ chờ đợi cái niềm tin tưởng không có căn cứ ấy. Những điều anh tự nghĩ ra.
Tảng sáng, có tin bắt được một thuyền trốn đi nước ngoài. Thuyền có hai mươi người, xuất phát từ Doi.
Khoảng tám giờ, công an phường báo cho anh biết, con anh đang bị giam giữ ở trại. Huy hỏi thăm được biết trong số đó có cả thằng Khang. Vợ anh mệt quá thiếp đi...
Huy cấm vợ không được đến thăm con trong những ngày nó ở trại giam: “Hãy để cho nó biết, cho nó sợ”. Thảo than ngắn thở dài, phần muốn tôn trọng ý kiến của chồng, phần lại quá thương con.
- Cô sống uỷ mỵ như thế là đủ rồi. Cứ để cho nó biết thế nào là loài cá không ăn muối...
Thảo không giám cãi lại chồng, chị biết mấy ngày hôm nay Huy cũng khổ sở lắm, nhưng cứ nghĩ vẩn vơ, lại tưởng tượng ra cảnh trại giam rờn rợn:
- Mình ơi ở đấy có cả bọn đầu gấu, nó ác lắm kia đấy. Mình hỏi xem...
- Tôi đã hỏi qua rồi, họ sẽ giữ ở đấy khoảng một tuần -anh nói - nhưng tôi còn đề nghị họ giam thêm nữa kia, để tiệt nọc cái lũ ảo tưởng.
Thế rồi từ nhà máy anh lại phóng thẳng đến trại giam. Ta chỉ cần nhìn tấy con ta một phút thôi, ta nhớ nó quá, ta xót xa quá, vì sao con ta đến nông nỗi này.
Đến trại giam anh nhìn thấy ai kia như là Thảo. Đúng rồi, vợ anh đấy. Thảo đang ngồi ở cái ghế băng dài, mặt cúi gằm như một phạm nhân.
- Kìa, mẹ nó.
Thảo dật mình ngước lên, chị bối rối như mình vừa mắc lỗi:
- Tôi, tôi đi vì tiện xe của chú Bính.
- Mình gặp con chưa?
Chị khẽ lắc đầu, chỉ anh công an. Huy đến chỗ anh công an, nằn nì xin anh lượng thứ để được gặp con ít phút. Huy đọc được đôi mắt ấy, có một vẻ khinh miệt. Anh ta hất hàm hỏi Huy ở đâu, làm gì, rồi nói:
- Anh chị cứ về đi, chúng tôi sẽ trao trả. Hãy giáo dục lấy con cái mình, đừng gây bất ổn cho xã hội.
Ta giáo dục con ta đấy chứ, ta rút ruột ta vì nó. Có bố mẹ nào không giáo dục con, sao lại phải dạy ta điều đó, còn ai giáo dục cái bọn gây nhiễu nhương cho xã hội? Anh lầm lì dìu vợ ra chỗ để xe đạp, lai chị về. Chị ngả vào lưng anh, một giọt nước nóng hổi thấm qua làn áo. Lá thư ngày nào lại hiện ra trước mắt anh, cũng đẫm nước mắt. “Thảo ơi - Ngày ấy anh cũng đã thầm gọi - Anh đã thấy cuộc đời này được nhân lên từ lá thư nhoè nhoẹt của em, ta chiến đấu vì cả ở phía sau mình. Đó là một ngày trọng đại”
- Mình ạ - Thảo nói - Ngày mai có thể em lại phải ra Doi, nhà lại túng rồi.
- ừ, mình cứ đi đi, vả lại mẹ nó ở nhà chỉ thêm nghĩ ngợi. Anh nghĩ mình chưa mất con cũng còn may đấy. Nhờ có trại giam có thể nó cũng mở mắt ra đấy.
- Nhưng bố nó cũng phải lựa lời, lựa lời thôi mình ạ. Đừng nóng.
Huy hình dung cuộc sống rồi sẽ dần dần bình thường trở lại, dẫu rằng đây là một nỗi đau mà suốt đời không sao quên được. “Nhưng trời vẫn cón thương ta - Anh nghĩ -Trời vẫn còn an ủi ta. Ta đã mất con đâu nào. Điều quan trọng từ nay mình phải cư xử với nó như thế nào đây”.
Hôm đứa con gái từ trai giam trở về, trông nó tiều tuỵ, nhem nhuốc. Thương con lắm, nhưng anh vẫn giữ thái độ lạnh lùng. Nó len lét vơ đống quần áo của cả nhà đi giặt. Nó hỏi Khôi:
- Mẹ đi đâu rồi em.
- Mẹ đi bán cá - thằng Khôi nói rồi tò mò hỏi Chi - Chị có đi bằng chiến thuyền không?
Người nó bé hẳn đi. Mấy hôm nọ trông nó phổng phao thế kia mà. Huy ngồi dở tờ báo mà chỉ đọc thấy lòng con, đọc thấy lòng mình.
Sẩm tối vợ mới ở chợ về. Anh dặn Thảo phải giữ thái độ lạnh lùng, không được tỏ ra thương xót, vồ vập. Thảo chỉ nhẹ nhàng bảo con gái đi sắp cơm, nó lặng lẽ làm mọi việc. Ngồi ăn cơm cũng vậy, nó e dè, thỉnh thoảng lại quay mặt đi, chơm chớp mắt. Thảo thương con định chằm bặp thì Huy lại lừ mắt ngăn lại. Cả nhà không ai nói chuyện của nó nhưng trong lòng ai cũng nghĩ về nó. Càng im lặng, càng thấy nặng nề, không gian như căng ra, muốn vỡ. Đột nhiên Huy rít lên:
- Chi! Con giết mẹ con rồi đó!
Mặt nó gằm xuống, mái tóc tướp ra, thằng Khôi oá khóc.
- Đi tắm đi con - Thảo vỗ vai nó bảo.
Nó đi ra nhà tắm, thằng Khôi lon ton chạy theo. Trông nó thật tội nghiệp. “Đi tắm đi con - Huy nhìn con muốn nói - Hãy rửa hết tội lỗi của con đi, bố sẽ nâng con đậy”. Thảo trách anh quá nóng. Huy cũng thấy như vậy là không nên, anh tự trách mình đã nói với con quá lời.
Mấy ngày hôm sau, không khí gia đình đã trở lại bình thường. Bây giờ việc trốn đi nước ngoài người ta cũng không quan niệm nặng nề như trước nữa. Sức khoẻ của Chi cũng đã khá hơn. Hẳn thực tế đã mở mắt ra cho nó. Những ám ảnh khủng khiếp của chuyến đi trong đầu nó rồi cũng vơi dần. Dấu ấn còn lại vẫn là vẻ mặt đượm buồn của nó. Một hôm, trong tâm trạng thật thanh thản, anh mới hỏi nó:
- Thế nào con. Con đã nghĩ lại chưa? Con đã thấy tai hại chưa?
- Nó ngồi trầm tư, mảng trán non cau lại, rồi nó ngước đôi mắt như biết lỗi nhìn bố:
“Hẳn rồi, ta không thứ lỗi cho con hay sao, ta không khổ sở hơn con hay sao”. Tuy vậy anh vẫn nói:
- Bố mẹ chỉ có thể tha thứ cho con một lần này. Nhưng con hãy hứa với bố đi, không bao giờ, dù chỉ một mảy may thôi, con nghĩ về điều đó.
Huy tâm đắc với với cái biện pháp có cương, có nhu của mình và bình thản chờ đợi cái miệng non tơ kia sắp cất lên lời hứa. Một lúc lâu, vẻ mặt nó vẫn đăm đăm, rồi nó lắc đầu nói:
- Bố hãy coi con là đứa con đã chết rồi. Một đứa con hư hỏng đã chết. Quên con đi bố ạ.
Anh điếng người. Cái miệng non tơ kia nói gì vậy?
- Con nói gì vậy? Con không còn biết sợ hay sao hả Chi?
- Không -Nó thản nhiên nói - Con đã xác định rồi, nếu đi không chết, không thoát thì vào trại. Chỉ kinh tởm thôi bố ơi.
Huy chằm chằm nhìn con, vừa lo lắng lại vừa giận dữ, anh cố kiềm chế, nhẹ nhàng:
- Vì sao con nói đi?
- Họ xông vào, bới phân con khi con vừa đứng dậy để tìm... vàng.
- Ai? Đứa nào? Anh chồm dậy.
- Người mình thôi bố ạ
Huy thấy mặt mình đau thắt. Từ cái vầng trán thơ ngây kia anh đã nghĩ gì vậy...
- Hãy tha lỗi cho con - giọng con bé nhỏ dần. Anh thấy mắt mình nhoè nhoẹt.
- Bây giờ con định thế nào?
- Lại... đi.
- Hả?
Huy thấy rã rời ngã ra thành ghế. Cái tiếng ấy hình như còn lí nhí ở trong cổ con bé, nhưng có sức công phá lạ lùng, nó bắn đúng tim anh.
- Chúng con đã quyết định như thế rồi bố ạ, bố hiểu cho con, con ngượng lắm.
Huy chồm dậy:
- Ngượng, mày ngượng cái gì?
- Dù sao như vậy con cũng đã có vết rồi. Bạn bè thì diều, hàng phố thì xì xào, con không thể chịu đựng được. Bố đừng cấm con làm gì.
Nói xong nó vụt chạy ra ngoài. Nó có dấu diếm anh đâu. Nó lại ra đi vì nó không giám ngửng đầu lên nhìn ai nữa. Đứa con ngang ngạnh của anh, đứa con dốt nát của anh, biết làm sao bây giờ.
Chiều, Huy nói với vợ. Chị lại chồm lên:
- Mình nhốt nó lại, xích nó lại cho tôi.
- Không được đâu - Huy lắc đầu - Nó trẻ trung, nó non dại lại ngông cuồng, mà lại có văn hoá nữa chứ. Nó khinh bỉ khi thấy người ta bới cứt... nó biết ngượng khi hàng xóm eo xèo. Không thô bạo được đâu.
Anh cứ để cho chị gục vào lòng mình, tấm thân mảnh dẻ của chị rung lên vì gánh chịu quá nhiều đau khổ. Suy nghĩ một hồi lâu, người lính đã không bị khuất phục khắp các chiến trường, bèn nói:
- Mẹ nó đừng khóc nữa, tôi cũng đau khổ lắm, vì không thể nào làm cho mình bớt khổ hơn, nhưng tôi không chịu đầu hàng con lỏi con này. Tôi sẽ tìm cách hoãn binh cho tới mùa mưa bão.
Chỉ có kế ấy thôi, anh sẽ tìm cách kéo dài thời gian cho tới mùa mưa bão. Mùa mưa bão không ai giám đi vì biển động. Tia hy vọng ấy loé lên. Anh bàn với vợ, chị cũng thấy yên lòng, cho dù nó thật mong manh.
Trước hết anh đi khắp nơi để tìm hiểu những chuyện khủng khiếp của kẻ chạy trốn về kể cho con nghe, cốt để nó sợ. Mỗi ngày một chuyện, nỗi sợ thấm sâu, mưa dầm ướt áo. Ví dụ: một chiếc thuyền nọ đến một cái đảo hoang, cả bảy cô gái lên đảo tìm nước ngọt, lúc ra, thuyền bỏ đi, bảy cô gái đó sống chết ra sao, không ai được biết. (Thư từ Hồng Công gửi về). Cô con gái Bà Ngoan ở Bến tàu bỏ đi, ra đến ngoài khơi thằng chủ tàu đòi cô ta phải ngủ với nó, cô không nghe, nó cho bọn đàn em lột quần áo quẳng xuống biển. (Thư từ Hồng Công gửi về). Mười hai cô gái qua vùng Vịnh Thái Lan bị cướp biển bắt giữ hãm hại rồi đeo đá vào người quẳng xuống biển cho cá mập. (Tin AFP)...
Hình như tin ấy không lung lạc được nó, nhiều tin nó còn biết trước anh. Nó kể:
- Bố có biết ông Tiếp Lò Vôi vì sao bị điên không? Ông ấy bị thằng chủ tàu nó hành hạ cả vợ lẫn con, nhìn cái cảnh cả vợ lẫn con gái trần trụi nằm cạnh nhau cho nó hành sự thì không chịu nổi. bèn chống cự, bị nó quẳng xuống biển, may nhờ có tàu Hải quân cứu giúp, giờ sống đấy nhưng là thằng điên.
Huy thấy quá ghê tởm, bèn chuyển đề tài:
- Này con, con đã nhìn kỹ những tấm ảnh ở bên kia gửi về chưa. Bố nhìn kỹ lắm. Thật là đẹp. cuộc sống thật là xa hoa, thật tư bản, nhưng tuyệt nhiên bố không thấy một nụ cười nào. Thậm chí cả trong đám cưới.
- Cười làm sao được bố, họ nhớ quê hương đấy mà - Nó nói vậy làm Huy không muốn bàn thêm.
Một hôm tới đền Cửa Ông, anh thấy người ta nườm nượp vào xem bói. Anh phấn khởi như phát hiện ra chiêu mới, về bảo con:
- Con có biết vì sao lần trước con đi không thoát không? Chờ con bé ngớ ra một lúc anh mới nói tiếp - Tại con chưa xem ngày.
- Bố cũng mê tín gớm - Mặt nó vui vui.
- Hẳn rồi,vì đây là việc hệ trọng, mình phải biết lường mọi nhẽ con ạ.
Con bé chịu nghe và hình như nó tin. Hôm ấy thấy con có biểu hiện chuẩn bị ra đi, không biết vào thời điểm nào, nhưng anh cứ phán:
- Ngày mai con chưa đi được đâu, bố đã đi xem ngày rồi, bố biết, ở tuổi con ngày mai đi là sẽ gặp hạn.
Nó không tin, nhưng hình như cũng không giám liều. Đấy là anh đoán vậy. Quả nhiên ngày hôm sau có thuyền vượt biên bị bắt, anh phấn khởi nói:
- Con thấy chưa, bố nói không sai mà.
- Bố xem ở đâu mà đúng thế? Nó tròn mắt ngạc nhiên.
Anh đâm lúng túng, anh có xem bói bao giờ, đó là số phận chưa cướp đứa con của anh đấy thôi. Mùa mưa bão xích lại gần, thời gian có lẽ không đầy một tháng nữa. Anh cầu trời cho nó đến nhanh hơn. Người bố ấy khổ sở ra Doi cầu cho biển động: “Biển ơi, mày hãy rồ lên giúp ta những con sóng dữ, sóng thần cũng được. Không cho chúng ra khơi. Hãy cứu giúp ta, ngăn lại cho ta đứa con ngu dại, nó còn quá ngây thơ mà “
°
*
Thế rồi nó vẫn ra đi vào ngày hôm nay, chẳng có cơn dông nào kịp đến. Nó đi vào lúc mẹ nó vừa ra khỏi nhà. Có lẽ cũng ở cái Doi cát ấy thôi. Mẹ thì giành giật từng con cá để nuôi con, con thì ra đi bỏ me.
Khoảng một tiếng sau, một cái gì nhói vào óc làm anh choàng dậy. Linh tính mách Huy chạy ra giường con bé, thấy trống trơn. Giường bên, thằng Khôi quăng cả hai chân lên gối. Ngó ra ngoài trời, một đám mây ngưng đọng. Huy quờ đôi tay như tìm kiếm, mùi ấm nồng của nó còn toả ra ở đâu đó. Vậy mà nó đi sao, nó đi sao? Thì nó đã chẳng nói với anh rồi còn gì? Lần này thì nó khôn ngoan lắm, nó kinh nghiệm lắm, không ai bắt được nó đâu. Huy bâng khuâng bước ra khỏi nhà. Anh ra Doi. Huy không chạy như lần trước, anh đi tha thẩn. Đi như tìm kiếm. Anh bâng quơ đưa mắt từ bụi gai này sang bụi gai khác. Các bụi gai thấp lè tè, những cây dứa dại. Vậy mà anh cứ ngờ rằng con anh ở trong ấy. “Ra đi nào, ra đi con... đừng đùa dai thế”...
ở Doi lúc này đã vắng tanh, hôm nay là ngày con nước về đêm, nên vợ anh phải đi từ ba giờ sáng. Chị đi thật khẽ khàng, sợ làm cả nhà mất ngủ. Nó cũng thật nhẹ nhàng, sợ cả nhà phát hiện. ở Doi chỉ còn gió lộng, những chiếc thuyền giao cá cũng đã đi rồi, có lẽ con anh cũng đi trên chiếc thuyền ấy đấy. Bây giờ chỉ còn trơ lại cái Doi, nó bềnh lên như lưng con rùa, xác xơ vì những nốt chân dày xéo. Huy nhìn ra biển, biển não nùng. Một con sóng buồn bã dềnh lên Doi cát, rồi liếm vào chân anh như an ủi. Ta cần gì an ủi. Anh dận dỗi lùi lại. Đôi mắt nhìn ra xa, bâng quơ, mơ màng. Biển ơi, sao mày hiền hoà thế, mày mênh mông thế, vậy mà mày chẳng công minh. Mày đã cướp đi của tao cái gì hả? Mày không có tình thương. Mày tham lam quá, mày thè những con sóng nuốt mãi nỗi đau ở bến bờ này vẫn chưa đủ hay sao. Tao yêu con tao là thế, tao thương là thế, mày có biết không, từ cái lá thư ấy mà, lá thư đen đủi nhoè nhoẹt ấy, tao thấy cuộc sống trở nên trọng đại. Tao mong ở tình thương của biển, tao cầu mong biển cả, sao mày không nổi cho tao lấy một cơn dông ngăn chúng nó lại. Anh dướn lên, loi choi như một thằng ngộ, tao mất con rồi, mất thật rồi, mất hẳn rồi... sao mày không nổi bão lên, hả biển?
Một cái gì đó đột ngột giụi vào lưng anh, anh thấy nó rậm rạp, ấm áp. Đó là thằng Khôi. Cái đầu nó cứ giụi mãi vào lưng anh, vào sườn anh, vào cả bụng.
- Về đi bố, về đi.
Anh bế con lên, ghì nó vào lòng. Nó bé bỏng quá chừng. Từ nay con sẽ làm thay cả bổn phận của chị. Nó tụt xuống, nắm lấy tay anh, kéo đi.
- Về đi bố.
Anh để nó dắt đi, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn biển, những con sóng vẫn dềnh lên liếm láp. Hai cái bóng cứ ngất ngưởng, vật vờ, lủi thủi trong buổi sáng ban mai hoang vắng. Người bố khốn khổ ấy chỉ còn biết than thở với thằng con bé bỏng này:
- Con ơi, thế là chị con đi rồi.
- Bao giờ chị ấy về hả bố?
- Chẳng có bao giờ về nữa đâu con ạ.
Nó sững lại, đớ người, dường như lúc đó nó mới hiểu cái điều hệ trọng ấy. Nó vung tay khỏi bố, cắm đầu chạy ra Doi. Huy ngơ ngác phút chốc rồi mới giật mình đuổi theo con. Thằng bé đứng ở bờ Doi gọi chị, nó gọi to lắm, nó gào lên, nhưng chỉ có biển mênh mông đón nhận. Nó lội xuống nước. Huy kinh hoàng sợ biển tham lam đớp nốt thằng con, anh chồm tới bế thốc nó lại. Nó dãy dụa quyết liệt, còn anh thì ôm nó bằng đôi cánh tay gồng lên như cái cùm. Họ cứ vật vã với nhau như vậy, chân anh dẫm cả lên những bụi gai trên con đường về nhà. Một lúc thằng bé im lìm, nó mệt quá, cũng có thể nó thương bố nó hơn. Nước mắt nó ứa ra rồi gục trên vai bố. Huy chỉ muốn cào xé bản thân mình, để được mệt về thể xác, để bớt đi nỗi đau. Về tới nhà, căn nhà trống không như xa lạ. Vợ anh thì vẫn còn ở chợ bán cá, vẫn vô tư kiếm đồng ra, đồng vào. Anh biết nói thế nào với chị, sức lực ấy liệu vợ anh có chịu nổi nỗi đau này. Anh rầm rì than vãn:
- Con ơi, bố biết nói thế nào với mẹ với mẹ bây giờ?
Thằng Khôi như đồng cảm với anh, nó bới mãi trên mái tóc anh đã rối.
- Bố ơi, bố cứ yên tâm. Lớn lên con sẽ làm Cô - lông - bô, con sẽ đi khắp thế giới tìm chị về cho mẹ.
- Hả?
- Con sẽ đi...
Huy vừa chợt nhận ra phát súng thứ hai này, nó đã nhanh chóng ngấm vào tim anh và quật anh gục xuống.
°
*
Lúc tỉnh dậy Huy thấy sa sẩm mặt mày. Vợ và con anh đang đứng ở bên cạnh. Mặt Thảo xanh mướt, cặp môi run run. Chị chỉ chực ngã xuống. Chị đang đứng bằng sức chịu đựng nghiệt ngã của mình. Huy vịn vào vai con ngồi dậy.
- Này con, anh lào phào nhưng quyết liệt - Con không phải đi đâu cả. Hãy đứng trên vai bố đây này. Bố sẽ làm hết sức mình để con trở thành người yêu nước. Bố sống vì con, chết cũng vì con, con có hiểu không? Mày có hiểu không? Trời đất ơi!
Anh đứng dậy, lòng khòng, rồi gục trên đôi vai gầy của chị:
- Mình ơi, tôi thật có lỗi với mình.
Lúc ấy trong khoé mắt của chị mới rỉ ra một giọt nước, có máu./.
Hồng Gai, tháng 9 năm 1988