Cách đây mười lăm năm, trong một phút " bốc đồng cao hứng " vợ chồng Mai đã đua đòi bắt chước người ta tậu riêng cho mình một ông nhãi, để rồi sau đó bàng hoàng nhận ra sẽ chẳng bao giờ cả hai còn có cơ hội vui vẻ tự do tung tăng như trước nữa. Ôi, ai mà biết được nuôi một ông nhóc nhỏ tí chỉ bằng nắm tay lại nhiêu khê phức tạp, đủ điều phiền toái rắc rối như thế chứ! Không hề giống những em bé hồng hào mũm mĩm đẹp như tranh vẽ, lúc nào cũng nhoẻn miệng cười ngây thơ, hiền ngoan như thiên thần trong những phim quảng cáo sữa bột, khăn bông, tã giấy…Ngay từ khi xuất hiện, ông nhóc đã biết khẳng định mình với thế giới bằng nhiều cách. Ví dụ, giữa đêm hôm khuya khoắt, trong lúc cả thành phố yên lắng đắm chìm trong im lìm tịch mịch, dân chúng đang miên man khoan khoái chìm trong giấc mộng kê vàng, thình lình ông con ngoác miệng rống lên, biểu diễn nội công " sư tử hống " khiến cho khắp nơi cùng rúng động. Lũ chó trong xóm giật mình kinh hoàng đồng loạt sủa râm ran. Lũ mèo hoang nháo nhào xô nhau chạy hoảng trên mái nhà, rầm rập, gào rú thảm thiết. Ai nấy trong nhà đều thức tỉnh, bật dậy, lăng xăng chạy tới chạy lui, chẳng ai kịp bảo ai, cúc cung tự giác lục lọi làm đủ việc. Nào là bồng bế ôm ấp, năn nỉ vỗ về, thay tã lót khô, ủ thêm áo ấm, pha sữa, rót nước…Thậm chí rung chuông gõ trống cười cợt nhảy múa, làm trò cho "ông ấy " xem, đến tận sáng. Sáng sớm, vừa ló cái mặt bơ phờ ra khỏi cửa, Mai đã bị bác hàng xóm nhanh nhảu túm ngay lấy tấm tắc một câu không biết là thán phục hay than phiền: " Khiếp, ông con nhà này tốt giọng gớm nhỉ! ". Kể từ khi rước ông con về nhà, ngôi vị " first lady " của Mai coi như sụp đổ. Theo trật tự mới thiết lập, ông con thuộc diện ưu tiên một, là „ number one „ trong tổng số…ba mạng. Năm tháng cứ thế trôi qua, bao nhiêu vật đổi sao dời, nhưng vị trí và uy quyền của ông con vẫn tồn tại không hề thay đổi. Một vị trí hằng định, vững chãi, hoàn toàn không giống như hai " thế lực " còn lại, rung rinh lúc lắc, chao đảo tùy theo…cơ hội hoặc ảnh hưởng của ông con mà luân phiên bị soán đoạt hay hạ bệ bất ngờ. Mọi chuyện trong nhà tất thảy đều bị ông nhóc chi phối. Mọi ước mơ, toan tính riêng tư của hai kẻ làm cha mẹ đành xem như…cỏ rác hoặc đình hoãn vô thời hạn. Mọi thú vui, ham muốn cầm bằng như không có hoặc nếu có cũng xì xẹp, dẹp hết qua một bên. Không còn những buổi chiều thảnh thơi dạo quanh các cửa hàng shopping vơ vét đầm đìa áo xống. Cuối tuần thôi hết nhàn rỗi lang thang những tụ điểm hay phòng trà ca nhạc, kịch cọt lãng mạn. Cũng không còn những buổi sáng la cà hội họp bạn bè, bù khú cà phê cà pháo. Thay vào đó, là những cuộc chạy marathon triền miên khói lửa, toát mồ hôi hột theo gót ông con tuần tra không sót một chuồng thú nào trong thảo cầm viên, từ chuột lang, nhím, thỏ cho đến voi, hà mã, hươu cao cổ. Hay bở tai đi bộ đường dài dọc theo những đu quay, xe điện, bập bênh, cầu tuột ở mọi công viên lớn nhỏ trong và ngoài thành phố. Đến nỗi Mai ngờ ngợ thấy khắp châu thân dường như các cơ bắp bắt đầu có dấu hiệu…cuồn cuộn. Dưới sự điều hành khắc nghiệt của ông nhóc bé tí, cuộc sống của hai con người xốc nổi, đầy ngẫu hứng kia trở nên trật tự ngăn nắp, quy củ hẳn lên với thời khóa biểu phân chia thời gian và công tác rất rành rọt. Giờ Tý pha sữa, giờ Sửu khuấy bột, giờ Dần xi tè, giờ Mão tắm táp tẩy trần, giờ Thìn sửa soạn trang phục nón mũ chỉnh tề, " thỉnh "ông đi dạo mát một vòng. Giờ nào việc nấy, không sớm hơn cũng chẳng được trễ hơn. Chặt chẽ. Không sai chạy một ly. Thảng hoặc, vì lý do gì đấy mà lỡ quên hay xảy ra sơ sót là ông không ngần ngại hét dựng lên nhắc nhở ngay lập tức. Phòng ốc trong nhà cứ y như cung điện của Ngọc Hoàng sau một phen bị Tề Thiên Đại Thánh đại náo quậy phá tan tành. Khắp nơi la liệt xác gà vịt, gấu, sư tử, heo con bị cào cấu rách nát, thương tật bi thảm, thủng toác cả bụng, lòi cả…bông gòn. Trâu, ngựa, tê giác, chó đốm chỏng cẳng bải hoải vì hết pin. Rô-bô mù mắt gãy …ăng-ten, an hem siêu nhân tay chân rụng rời. Cung kiếm súng ống long ốc, sút cán. Một sư đoàn xe tăng, tàu hỏa, phi thuyền, tắc xi bốn bánh tan hàng văng bốn góc. Kể cả sách vở báo chí là „ người „ thờ ơ với chiến sự, chẳng tội tình gì cũng bị lôi tuốt ra khỏi kệ, giày xéo vung vãi lung tung. Vậy mà, ông bố với bà mẹ thật chẳng khác chi những thánh nhân hiền hoà, hào phóng như tỷ phú tiền bạc bao la, vẫn bình tĩnh thản nhiên như vô can trước những tàn phá thiệt hại khủng khiếp. Hệt như những công nhân vệ sinh phẩm chất cao đẹp tuyệt vời, cần cù nhẫn nhục vô bờ bến, chỉ biết thở dài lẳng lặng thu dọn chiến trường. Cũng có đôi khi cực lòng quá Mai những muốn hét to lên một tiếng, giương cao…cán chổi định vùng dậy ra tay đánh mắng ông con một trận rồi ra sao thì ra. Ai ngờ, trông thấy ông nhóc hoảng hốt rúm ró, hai con mắt xanh mòng mọng rưng rưng thì hốt nhiên bao nhiêu nộ khí của Mai bỗng chốc tiêu tan. Đấy, ngay cả khi không cần hùng hổ giãy đạp đùng đùng hay la hét inh ỏi thì một ông nhóc bé như con cún vẫn đầy đủ quyền năng khiến cho người lớn phải khiếp sợ. Ông con càng lớn, nhà cửa càng cứ như là nhà của…Tặc-dăng. Một hôm, ông mừng rỡ rối rít gọi mẹ ơi mẹ ơi, cái con gì mà nhỏ xíu dễ thương quá chừng! Mai háo hức chạy lại. Ông con hào hứng bảo mẹ xoè tay ra đi, con cho mẹ xem. Mai hồn nhiên hăm hở xoè tay ra. Ông con rất nậng niu, nhẹ nhàng đặt lên tay Mai…khiếp quá trời ơi, một…làng nòng nọc cóc nhái ễnh ương vừa mới đứt đuôi, đen thủi đen thui, nhảy nhót tí tởn. Tặc-dăng mà! Đối với Tặc-dăng thì con gì mà chả dễ thương, thế nên trong nhà chứa đủ loại dã thú. Nào đại bàng Châu Mỹ mỏ quặp nhọn hoắt, xoè cánh lăm lăm bổ xuống hai cái chân đầy móng vuốt. Cọp vằn há miệng đỏ lòm, thè lưỡi, nhe hàm răng tua tuả như luỡi cưa. Cá sấu đầm lầy Châu Phi mắt long sòng sọc, gườm gườm rình rập từng bước chân của chủ nhà trong lúc…quét nhà. Cứ tưởng chỉ có vợ chồng Mai trẻ người non dạ, bồng bột thiếu cân nhắc đành ngậm đắng nuốt cay, ôm hờn tủi trong lòng, không dám hé môi than vãn nửa lời với ai. Ngờ đâu, tất cả những người trót lầm lỡ đeo cách ách „ phụ huynh „ vào cổ đều thấu hiểu nỗi khốn khổ khi nuôi một ông con trong nhà. Chả còn lúc nào gọi là rảnh rang, thơ thới nữa. Hầu như luôn luôn phải sống trong tâm trạng căng thẳng, hồi hộp, lo lắng như đang…dò kết quả xổ số hay cào vé trúng thưởng. Nhất là vào mùa cao điểm xếp hạng cuối tháng hoặc có kết quả học kỳ. Tháng nào may mắn êm ả, thứ hạng tàm tạm, không xảy ra sự cố bị trừ điểm hạnh kiểm, được ông con tử tế trình cho xem sổ liên lạc thay vì giả mạo chữ ký, ém nhẹm đi thì bố mẹ cảm động đến rơi nước mắt, mừng húm, còn hơn đi thi game show được vào vòng đặc biệt. Có tháng thấp thỏm chờ mãi đến mỏi mòn tuyệt vọng thì bỗng dưng nhận được thư mời của cô giáo chủ nhiệm. Sợ hãi bao trùm. Không đi thì không xong, mà đi thì chắc mẩm sẽ phải nghe lại bài phê bình quen thuộc với nội dung bao giờ cũng như bao giờ, toàn mắng mỏ chê trách " có mỗi việc làm cha mẹ mà cũng không xong là thế nào? ". May thay, giữa dòng đời đen tối còn có những cuộc họp phụ huynh để những người làm cha mẹ có dịp gặp gỡ nhau, bộc bạch tâm sự với nhau mọi nỗi niềm u uất, gục vào vai nhau than khóc và an ủi động viên lẫn nhau. Thế nhưng, mới đây thôi, đúng cái năm vừa tròn mười lăm tuổi, một ngày nọ ông con tuyên bố sẽ đi chơi dã ngoại cắm trại với nhóm bạn hướng đạo sinh trong vòng một tuần. Nghĩa là ông sẽ rời khỏi gia đình để ra ngoài sống tự lập ít lâu. Nghĩa là lần đầu tiên ông cho phép hai người bảo hộ tạm thời cởi bỏ trách nhiệm, tự do sống trong không gian chỉ có hai người, tận hưởng thời gian hạnh phúc thả cửa vui vầy bên nhau, không ai quấy rầy, không ai…phá bĩnh. Phùùù…, cả hai cùng thở ra nhẹ nhõm trước viễn cảnh tương lai tươi sáng. Quả là một đặc ân đầy ý nghĩa lớn lao sau mười mấy năm trời lao đao vất vả vợ chồng Mai mới có được. Nhưng…sao lạ ghê, sau một ngày vô cùng rảnh rỗi, không phải cắm cúi bận rộn với việc dọn dẹp thu xếp, không phải đè nén nín nhịn những bực bội cáu kỉnh trong lòng, ngả lưng nằm duỗi thoải mái trên ghế bộ, bên ly nước cam và đĩa dưa hấu mát lạnh, giữa căn nhà rất mực thông thoáng mát mẻ, gọn gàng sạch sẽ, không có chút gì lộn xộn bày bừa, Mai lại thấy… buồn tay buồn chân và cả buồn chán nữa. Mai thấy cái nhà tự nhiên sao mà rộng, mà vắng, mà im, mà tẻ nhạt và trông trống thế nào… Ôi, Mai…nhớ ông con quá! Mai nhớ có lần đang chí thú đút cơm cho ông, chợt trông thấy một con rết nhỏ bò ngoằn ngoèo trên nền gạch, có vẻ như sắp sửa tiến thẳng đến chỗ hai mẹ con đang ngồi. Lúng ta lúng túng, Mai thảng thốt kêu lên chết chết chết, có con rết kìa. Ông con tròn mắt bập bẹ hỏi ngay âu âu, âu hả mẹ rồi oai vệ xoè bàn tay cứng như…cục bột đập xuống cái chát. Bùm. Kỳ diệu thay, con " quái thú " quay cu lơ, thẳng cẳng. Hệt như trong truyện cổ tích, đứa con hiếu thảo không nề nguy hiểm, can đảm xông pha tả xung hữu đột cứu mẹ già. Cử chỉ của con khiến Mai thấy ấm áp, an ủi quá. Hình như từ giấy phút ấy, Mai tin chắc rằng đời mình đã hết chông chênh, vì mình vừa có thêm một điểm tựa trong đời Bình mình vừa ló dạng, Mai đã luôn miệng hỏi chồng, giờ này ông tướng đã đến nơi chưa nhỉ? Chắc là đến rồi, có lẽ đang đóng cọc dựng lều…Giờ này không biết ông tướng đã ăn cơm chưa? Chưa đâu, còn phải đào hố, kiếm củi, nhóm bếp…Tưởng tượng cái cảnh ông con chổng mông thổi lửa, vo gạo, nấu cơm…Mai thấy xót xa quá chừng. Chiều tà dần buông, khi ánh hoàng hôn vừa tắt lịm, bạn đời của Mai rủ Mai đi xem kịch hoặc đi lòng vòng đâu đó giết thời gian, Mai uể oải không mảy may hứng thú. Bây giờ Mai mới thấm thía sự cần thiết của một ông con, tầm vóc quan trọng của ông ấy đối với cuộc đời. Mai bỗng ngộ ra ý nghĩa văn học sâu sắc của câu " thương dân như con đỏ ". Ngày ông con thông báo sẽ trở về, cả nhà đứng ngồi không yên, thắc thỏm trông ngóng từng giây từng phút. Nghe tiếng chó sủa ồn ào, tiếng cổng rào vừa rít lên ken két là Mai chạy ù lên nhà. Ông con mặt mũi đen nhẻm, tóc tai bù rối, mỏi mệt đẩy cái xe đạp vào nhà. Bạn đời của Mai nhanh nhẹn đỡ lấy cái xe đạp, gỡ cái ba lô trên lưng ông con xuống. Còn Mai vồn vã, đon đả nịnh con thật ngọt: "Đi chơi có vui không con? Đạp xe có mệt không? Uống nước ngọt nha! Sao mà lem luốc thế này? Mẹ pha nước nóng cho con tắm nhé? Ăn gì chưa, đói không? Mẹ có làm dâu trộn đường ướp lạnh cho con rồi đấy! ". Ông con chằng thèm trả lời, hững hờ ngồi vào ghế thở dốc. Cả nhà lại tíu tít lăng xăng chạy di chạy lại. Lại bấn xúc xích, lại náo loạn cả lên, hấp ta hấp tấp, lóng ngóng bưng bê, va đập lanh canh lốc cốc. Lạ thật, thế mà có vẻ như ai ấy đều rộn ràng hân hoan, vui sướng được quay trở lại với cái kiếp làm..cha mẹ của mình.