nguyên tác Flight

Vài nét về tác giả:
 Doris Lessing tên thật là Doris May Tayler, sinh ngày 22/10/1919 ở Ba Tư cũ (ngày nay là Iran). Cha mẹ bà đều là người Anh: cha bà làm thư ký ngân hàng cho Imperial Bank of Persia, và bị què chân trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất; mẹ bà làm y tá. Năm 1925, bị thu hút bởi viễn cảnh làm giàu bằng việc đồng áng, gia đình bà dọn đến vùng phía Nam Rhodesia (thuộc địa của Anh).
Doris được gởi theo học ở một trường dòng, nơi các sơ dạy dỗ bằng những câu chuyện kinh khủng về địa ngục hay chửi rủa. Chẳng bao lâu sau Doris được gửi đến học tại trường trung học nữ thuộc thủ phủ vùng Salisbury và nghỉ học năm 13 tuổi. Tuy nhiên, như nhiều nữ văn sĩ vùng Nam châu Phi khác, vốn không tốt nghiệp trung học (chẳng hạn Olive Schreiner và Nadine Gordimer), Lessing bắt đầu tự học. Những tác phẩm đầu tiên bà tìm hiểu gồm của Dickens, Scott, Stevenson, Kipling; sau đấy là D.H. Lawrence, Stendhal, Tolstoy, Dostoievsky. Những câu chuyện được nghe kể trước khi ngủ cũng đã nuôi dưỡng thời niên thiếu của bà. Những ngày Lessing còn nhỏ, bà đã bị hấp thụ bởi các ký ức cay đắng về cuộc đại chiến từ cha mình, xem chúng như “thuốc độc”. “Tất cả thế hệ chúng tôi được tạo ra bởi chiến tranh, bị quay cuồng và bao trùm bởi chiến cuộc, nhưng chúng tôi dường như cố quên nó”, sau này Lessing viết như vậy.
Năm 1937, bà lên Salisburg làm nhân viên trực tổng đài điện thoại trong một năm. Năm 19 tuổi, bà lập gia đình với Frank Wisdom, và có hai con. Vài năm sau, cảm thấy bị tù túng, bà từ giã gia đình và tiếp tục sống ở Salisburg. Chẳng bao lâu bà bị cuốn hút bởi những thành viên cùng chí hướng thuộc Left Book Club. Trong đó Gottfried Lessing là người nổi bật nhất. Ít lâu sau khi gia nhập nhóm, bà lập gia đình với ông, họ có với nhau một con trai.
Vào quãng 1949, Lessing lên London cùng con trai nhỏ của mình. Cùng năm ấy bà cho xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, The Grass Is Singing, và bắt đầu sự nghiệp cầm bút chuyên nghiệp. Tác phẩm của bà mang tính tự truyện sâu sắc, phần nhiều từ những kỷ niệm khi sống ở Phi Châu. Xuất phát từ những ký ức thời thơ ấu, sự quan tâm sâu sắc về chính trị cùng các hoạt động xã hội, Lesing viết về những xung đột trong các nền văn hóa, tình trạng thiếu công bằng mang tính đặc trưng, sự tranh đấu giữa những nhân tố trái ngược nhau trong cùng một cá thể, và mâu thuẫn giữa nhận thức cá nhân với cái tốt nói chung. Những tác phẩm của bà được ưa chuộng nhiều ở Phi Châu, xuất bản trong khoảng những năm 1950 và đầu 1960. Chúng công khai chỉ trích sự tước đoạt quyền sở hữu của người da đen bởi những tên thực dân da trắng và phơi bày những thối nát của văn hóa da trắng ở Nam châu Phi. Năm 1965, đáp lại nhiệt huyết ấy của Lessing, bà bị chính quyền thực dân tuyên bố không cho phép di trú ở cả Nam Rhodesia và Nam Phi Châu.
Tháng 6/1995, bà nhận bằng danh dự của Đại học Harvard. Cũng năm này bà ghé thăm con gái và cháu ngoại mình ở Nam Phi Châu, đồng thời giới thiệu cuốn tự truyện. Đây là lần quay lại đầu tiên của bà kể từ khi bị buộc rời khỏi vào năm 1956 vì những quan điểm chính trị của mình. Mỉa mai thay, ngày nay bà lại được chào đón nhiệt liệt về những đề tài đã từng bị cấm đoán cách đây 40 năm.
Bà cũng cộng tác với người vẽ minh họa Charlie Adlard để hoàn thành tập truyện tranh duy nhất và khác thường Playing the Game. Sau khi được in ở Mỹ cách đây hơn 30 năm, Going Home và In Pursuit of the English được tái bản bởi HarperCollins năm 1996. Hai cuốn sách hấp dẫn và quan trọng này giúp độc giả có được cái nhìn sâu sắc hiếm có về nhân cách, cuộc đời và quan điểm của Doris Lessing.
Năm 1996, tiểu thuyết đầu tiên viết trong 7 năm của bà, Love Again, được xuất bản bởi HarperCollins. Tác phẩm gần đây nhất The Sweetest Dream được xuất bản ở Anh vào tháng 9/2001 và ở Mỹ tháng 2/2002.
 

*

 
Trên đầu ông lão là một chuồng chim câu cao nằm trên cột sàn có lưới sắt bao bọc, bên trong đầy những chú chim dáng vẻ oai vệ đang làm dáng. Ánh dương hắt lên những bộ lông ngực màu xám của chúng làm thành những sắc cầu vồng nho nhỏ. Những tiếng “gù gù” của bọn chim bên tai khiến lòng ông như lắng lại, ông vươn tay ra hướng đến con yêu quý nhất, một con câu nhà còn nhỏ và béo ú. Nó vẫn đứng đấy, hếch ánh mắt sáng, lanh lợi khi thấy ông.
“Nào, ngoan nào, ngoan nào” ông nói khi túm được nó. Ông đem xuống, và cảm nhận được những móng vuốt lạnh lẽo đỏ màu san hô đang bấu chặt lên ngón tay mình. Hài lòng, ông nhẹ áp con chim vào ngực rồi tựa vào cây, nhìn đăm đăm khung cảnh buổi chiều muộn nơi bên kia chuồng chim. Trong cảnh nhập nhoạng, vùng đất trồng thoáng chốc biến thành những cục đất đầy bụi trải dài tận chân trời. Cây cối mọc đầy nơi thung lũng và cỏ xanh rậm rì dọc bên đường. Mắt ông nhìn khắp con đường dẫn về nhà và ông bắt gặp hình ảnh cô cháu gái đang đung đưa trên cánh cổng, bên dưới tán cây đại. Tóc cô xõa dài xuống lưng, óng ả trong ráng chiều; còn đôi chân dài để trần thì không ngừng đập đập vào những thân cây đại có sắc nâu nổi bật giữa bờ rào trổ đầy hoa.
Cô đang nhìn chăm chú như thể chờ đợi điều gì đó nơi con đường dẫn vào làng phía xa xa quá khỏi những bụi cẩm chướng, quá khỏi ngôi nhà họ đang ở.
Tâm trạng ông lão bỗng thay đổi. Ông thận trọng nhấc cổ tay mình ra khỏi ngực khi cảm thấy con chim sắp bay xổ ra và tóm lấy nó ngay khi nó vừa dang cánh. Bên dưới những ngón tay của ông con vật bụ bẫm đang cố gắng chòi đạp; thình lình một cảm giác tức giận dâng lên, ông nhốt con chim vào một hộp nhỏ và cài chặt then lại. “Giờ thì ở yên đó nhé” lão càu nhàu rồi quay lưng lại. Tiếp đó ông thận trọng đi dọc theo hàng rào đến bên cô cháu, lúc này đang vòng tay sau ót, khẽ lắc lư ca hát. Âm thanh thanh thoát và tràn đầy hạnh phúc ấy hòa quyện cùng tiếng “gù gù” ngân nga của lũ chim, và cơn giận trong lòng ông một tăng lên.
“Này!” ông lão hét lên khi thấy cháu mình nhảy qua rào, ngoái nhìn lại có vẻ dè chừng cánh cổng. Ánh nhìn tránh né, cô nhanh nhẩu cất giọng chào ông: “Chào ông ngoại”. Sau khi khẽ liếc nhìn về phía con đường đằng sau cô lễ phép tiến lại gần ông.
“Đang đợi Steven hử?” ông lão hỏi mà các ngón tay của ông cong lại tựa móng vuốt trong lòng bàn tay.
“Có phản đối gì không?” cô cháu khẽ hỏi lại, vẫn tránh nhìn thẳng ông.
Ông lão bước đến đối diện cháu với mình, đôi mắt ông thu hẹp lại, đôi vai khom lại tựa hồ đang phải chịu đựng một nỗi đau: những con chim đỏm dáng, ánh dương rực rỡ, những đóa hoa muôn màu và cả cô cháu nữa. Ông nói: “Cháu nghĩ đã đủ lớn để cặp bồ đấy phỏng?”
Cô gái làm điệu bộ hất đầu xưa cũ và hờn dỗi: “Ông ngoại!”
“Cháu muốn bỏ nhà đi phải không? Cháu nghĩ có thể chạy chơi vòng quanh những cánh đồng vào buổi tối ư?”
Nụ cười của cô làm ông nhớ lại hình ảnh ông thường thấy mỗi đêm trong tháng hè ấm áp cuối cùng này: tay trong tay tung tăng trên con đường dẫn vào làng với gã trai cường tráng con người đưa thư. Nỗi phiền muộn bốc lên tới đầu và ông quát lên đầy tức tối: “Ông sẽ bảo mẹ đấy!”
“Méc đi!” cô cháu đáp lại, cười phá lên rồi đi về phía cổng.
Khúc ca của cô mới thật khó chịu làm sao:
“Em yêu anh rất nhiều. Em mang đầy hình ảnh anh sâu thẳm trong tim…”
“Rác rưởi” ông lão thét to. “Rác rưởi. Rặt những từ vớ vẩn!”
Ông lão giận dữ lẩm bẩm khi quay lại chuồng chim, nơi ông tìm thấy niềm an ủi so với ngôi nhà ông đang cùng sống với con gái mình, con rể và lũ trẻ. Tuy nhiên giờ đây ngôi nhà đã trống vắng. Bọn trẻ đều đã đi xa, mang theo chúng tiếng cười đùa, những trò chòng ghẹo lẫn nhau. Ông lão cũng bị bỏ rơi, không còn ai quan tâm và cảm thấy cô độc khi sống với người phụ nữ có vầng trán vuông, đôi mắt điềm tĩnh - con gái ông.
Ông lão dừng lại, thì thầm, trước chuồng chim, bực bội khi nghe những tiếng “gù gù” say mê của lũ chim. Từ phía cổng cô cháu hét lên: “Vô méc đi! Méc đi, còn chờ gì nữa?”
Ông lão dùng dằng quay về nhà, nhưng vẫn liếc những cái nhìn nhanh, liên tục đầy đau khổ và kêu gọi về phía cháu mình. Nhưng cô vẫn không thèm nhìn lại. Thái độ cô ngang ngạnh nhưng chứa nhiều khao khát của tuổi trẻ khiến ông cảm thấy thương cô hơn và đâm hối hận. Ông lão dừng lại. “Ông không có ý đó” ông thì thầm, chờ đợi cô quay lại và chạy đến bên mình. “Ông không có ý…”
Cô không hề quay lại. Cô đã không còn nhớ đến ông rồi. Trên đường chàng trai Steven xuất hiện, cầm theo vật gì trong tay. Một món quà cho cháu mình? Lòng ông trở nên sắt lại khi thấy cánh cổng bật ngược về và đôi trẻ ôm chầm lấy nhau. Dưới những bóng râm màu hơi sẫm của cây đại, cháu của ông, đứa cháu yêu quý, đang nằm trong tay của thằng con người đưa thư, và mái tóc cô xõa qua vai hắn.
“Thấy hết rồi nhé!” ông hét lên đầy khinh bỉ. Bọn chúng vẫn đứng đấy. Ông bèn sầm sầm bỏ đi vào ngôi nhà có tường quét vôi trắng nhỏ bé, dưới chân ông vang lên tiếng cót két đầy tức giận của hàng hiên. Con gái ông ngồi may ở phòng ngoài, và đang xỏ kim trước ngọn đèn.
Ông lão lại dừng lại, nhìn lần nữa ra sau vườn. Đôi trẻ lúc này đang nắm tay nhau đi tản bộ giữa những bụi cây, thỉnh thoảng lại cười phá lên. Ông thấy cháu mình đột nhiên láu lỉnh rụt tay khỏi cậu bạn trai và chạy trốn vào các lùm hoa còn cậu ta thì đuổi theo. Ông nghe chúng la hét, cười giỡn rồi thì im lặng.
“Không thể thế được”, ông lão lẩm nhẩm một cách khó chịu. “Không thể thế được. Tại sao chúng không thể thấy chứ? Chạy nhảy và cười đùa, và hôn nhau và hôn nhau. Chúng mày thật quá lắm.”
Ông nhìn cháu mình với vẻ khinh thường đầy căm tức, và rồi đâm khó chịu với chính bản thân. Cả hai chúng nó đều bị bắt quả tang nhưng cháu ông vẫn thoải mái đùa nghịch.
“Tại sao nó lại không thấy chứ?” Ông lão ước chi đứa cháu, lúc này đang nằm dài trên đám cỏ dày xanh rì bên cạnh cậu bạn của mình, biến đâu cho khuất mắt.
Con gái ông bỗng nhìn lên, đôi lông mày khẽ nhướng lên chịu đựng.
“Ba cho chim đi ngủ chứ?” Bà ta hỏi đùa.
“Lucy”, ông lão gọi gấp gáp. “Lucy…”
“Dạ, có chuyện gì nào?”
“Nó đang ở trong vườn với thằng Steven”.
“Ba à, ngồi xuống đi, và dùng tách trà nhé”.
Ông lão dậm chân liên tục lên chỗ sàn gỗ đã bị trũng xuống và la lên: “Nó sẽ cưới thằng ấy. Ba bảo cho biết nhé, rồi nó sẽ cưới thằng ấy chẳng mấy chốc đâu!”
Con gái lão vội đứng dậy, dọn bàn và mang đến cho lão một tách trà.
“Ba không uống trà lúc này. Ba bảo không cần cơ mà”
“Rồi, rồi” giọng con lão vỗ về. “Nhưng chúng cưới nhau thì có sao đâu? Tại sao lại không kia chứ?”
“Nó mới mười tám tuổi. Mới mười tám thôi biết không!”
“Con mười bảy đã lấy chồng rồi, mà có thấy sao đâu.”
“Láo”, ông lão giận dữ. “Nói láo. Mày có hối tiếc đấy. Tại sao mày ép các con mày lấy chồng như vậy? Chính mày đã làm điều này. Làm thế để làm gì hử? Tại sao?”
“Ba đứa kia đều gia đình êm ấm cả. Chúng đều là những chàng rể tốt. Vậy tại sao Alice không vậy chứ?”
“Nhưng nó là đứa út”, ông lão rầu rĩ. “Ta không thể giữ nó lại lâu hơn chút sao?”
“Coi nào, Ba. Nó chỉ ở cuối con đường kia thôi. Nó vẫn về thăm ba mỗi ngày cơ mà”.
“Nhưng chẳng thể nào như trước cả”. Ông lão lại nhớ đến ba đứa cháu trước đây, chúng mau chóng thay đổi hẳn đi, từ những đứa trẻ quyến rũ, nhí nhảnh và nghịch ngợm bỗng trở nên chững lại, nghiêm túc hẳn lên.
“Ba chẳng hề thay đổi kể từ khi chúng con kết hôn”, con lão đáp. “Tại sao vậy? Luôn luôn là thế. Lúc con kết hôn, ba cũng khiến con thấy như thể đó là một sai lầm rất nghiêm trọng. Đến lượt tụi nhỏ, cũng thế. Ba khiến chúng sợ hãi và lo lắng theo suy nghĩ của ba. Hãy để Alice yên. Nó cảm thấy hạnh phúc, thế là được rồi”. Bà ta khẽ thở dài, mắt bà nán lại một chút nơi khu vườn còn vương nắng.
“Con nói chúng có thể kết hôn ư?” ông lão hỏi đầy hoài nghi.
“Vâng, Ba à. Có gì khiến chúng không thể nhỉ?” Giọng con lão đáp lại cương quyết và bà ta lại tiếp tục công việc may đang dang dở.
Lão bật khóc, rồi bước ra hàng hiên. Những giọt nước mắt ướt đẫm cằm lão, lão lần túi lấy khăn ra lau. Khu vườn vắng lặng.
Từ một góc trong vườn bọn trẻ bỗng tiến đến, song chúng không còn vẻ gì chống đối lão nữa. Một con chim câu đang đậu trên cổ tay thằng con người đưa thư, ánh nắng yếu ớt óng trên bộ lông ngực của nó.
“Cho ông à?” ông lão hỏi vừa hỏi vừa lau đi những giọt nước mắt nơi cằm. “Cho ông thật à?”
“Ông thích nó chứ?” cô cháu lúc này nắm chặt tay lão và lắc lắc. “Của ông đấy, Ngoại à. Steven mang nó cho ông đấy”. Đôi trẻ tíu tít quanh lão đầy tình cảm, chúng cố làm cho lão quên đi những giọt nước mắt và u sầu. Bọn chúng, mỗi đứa một bên, vừa nắm tay lão, dẫn lão đến bên chuồng chim vừa nói đủ chuyện vui, âu yếm lão rằng chẳng có gì thay đổi cả, sẽ chẳng điều gì khiến chúng thay đổi, và rằng chúng vẫn luôn ở bên lão. Con chim như là bằng chứng vậy, chúng nói, mắt ánh lên những tia hạnh phúc khi ấn nó vào tay lão. “Ngoại, giữ nè. Của ngoại đấy”.
Chúng háo hức theo dõi hành động của lão khi lão cầm con vật trong tay, vuốt nhẹ tấm lưng mềm mại, tỏa ra hơi ấm của những tia nắng chiều, khi lão ngắm nghía con vật vung vẩy đôi cánh và cố giữ thăng bằng.
“Ông phải nhốt nó một thời gian”, cô cháu nói với giọng thân mật “cho đến khi nó quen với nơi này, và xem như tổ của nó”.
“Chà, trứng đòi khôn hơn vịt nữa đấy”, giọng lão nghe “gừ gừ”.
Sau khi đợi lão nguôi bớt, bọn trẻ cười phá lên rồi rút lui, ra phía cánh cổng nơi khu vườn. “Chúng cháu vui khi thấy ông thích nó”. Hơn tất cả, mối quan tâm chúng dành cho lão khiến lão không còn cảm thấy cô đơn nữa; điều này khiến nỗi buồn, giận của lão nguội dần đi cũng như niềm vui của những chú cún con được lăn mình trên cỏ mượt. Bọn trẻ lại quên lão. Cũng được thôi, lão thầm nhủ, tuy cảm thấy cổ họng nấc lên và môi run nhẹ. Lão cầm con chim mới trên tay, vuốt nhẹ bộ lông óng mượt của nó. Sau đấy lão nhốt nó vào chuồng và mang con lão yêu thích nhất ra.
“Giờ mày có thể bay đi rồi đấy”, lão nói to lên. Lão cầm hờ nó, sẵn sàng thả ra trong khi nhìn xuống khu vườn hướng có tụi trẻ. Rồi thì ghìm lại nỗi đau mất mát, lão nâng con chim lên và trông nó vút ra. Một loạt những tiếng vù vù từ các đôi cánh vang lên, cả đàn trong chuồng cũng bay vụt vào trời chiều.
Nơi cánh cổng Alice và Steven ngừng trò chuyện và ngước cổ nhìn những con chim.
Nơi hàng hiên, con gái lão đứng lặng, tay vẫn cầm bộ đồ may che mắt nhìn.
Với lão thời gian như ngừng trôi trước hành động tự nguyện này, thậm chí những chiếc lá cũng không lay động.
Lau khô mắt, đôi tay xuôi hai bên hông, lão đứng đó lặng yên dõi mắt vào bầu trời.
Bầy chim bay chấp chới, phát ra tiếng rít từ những đôi cánh đang ra sức vẫy đập, tựa dải sáng màu bạc càng lúc càng cao hơn, ngang qua mảnh ruộng màu tối sẫm, những rặng cây um tùm và thảm cỏ xanh tươi cho đến khi chúng như trôi bồng bềnh trong ánh dương hệt một đám bụi mù.
Chúng đảo một vòng tròn thật rộng rồi chao cánh tạo thành những ánh sáng lóa, tiếp đó nối tiếp nhau từng con một cả bầy quay trở về với những rặng cây, thảm cỏ, đồng ruộng, hay thung lũng, nơi chúng có thể ẩn náu khi đêm xuống từ trời cao lộng gió.
Cả khu vườn rộn lên tiếng huyên náo của bầy chim trở lại. Rồi thì lại trở nên tĩnh lặng, bầu trời hóa trống không. Lão chầm chậm quay xuống khu vườn, nhướng đôi mắt mỉm cười kiêu hãnh với cháu của mình. Cô gái đang nhìn lão chăm chú, không mỉm cười. Nhưng mở to đôi mắt, và hơi tái đi trong cái lạnh buổi đêm về, và lão thấy từng giọt nước mắt tuôn rơi lã chã trên khuôn mặt cô.
Bùi Nguyễn Quý Anh dịch từ nguyên tác Flight của Doris Lessing
 
 

Xem Tiếp: ----