Mẹ tôi là một nhà giáo nghiệp dư. Nghĩa là bà không có bằng sư phạm nhưng dạy tại nhà. Mẹ tôi lừng danh trong họ hàng là nghiêm, khó và rất gắt gao với con cái. Chả thế mà chị tôi …chưa bao giờ có bạn trai đến nhà. Riêng tôi, may mắn hơn một chút. Đó là nhờ có một tên bạn thuộc loại ngang tàng, không coi lời dọa dẫm của tôi ra ký lô nào xấc, hiên ngang đến đại, bà không nói gì và từ đó các bạn trai khác mới dám vác xác đến nhà tôi. Dù sao lúc đó tôi cũng đã sinh viên năm thứ hai.Mẹ tôi đẹp. Hình thời trẻ với đôi mắt to, mũi cao rất đẹp Chỉ có răng hơi hô tí xíu. Nhưng eo ơi gò má thì cao kinh khủng! Các cụ xưa hay nói gò má cao là thích lấn quyền chồng! Mẹ tôi có lấn không? Tôi không biết. Chỉ biết mẹ thông minh, học giỏi, thích đọc sách báo nên …đương nhiên bà không …nhắm mắt nghe bố tôi...phán..bậy bao giờ! Phán đúng thì Ok, bà nghe.Nhưng phán ẩu thì đừng hòng!Khổ nỗi, bố tôi lại là giáo sư văn chương. Ông thích làm thơ. Mà mấy ông Giáo sư văn, làm thơ thì đa số …để tâm hồn treo ngược ở cành cây (!!) nên tư tưởng …không chính xác chút nào. Vì vậy hai ông bà như nước với lửa. Nhiều khi ông biết mình nói sai nhưng giá mẹ tôi làm thinh thì có lẽ mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh (!) nhưng bà thích lý sự cho ra ngô khoai kia. Nên ông sùng lên và hậu quả là chiến tranh vẫn không ngừng tiếp diễn trong ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi! Ngày mới di cư vào Nam, bố tôi đi dạy học xa. Mẹ ở nhà quản các con. Mẹ tôi đích thân dạy kèm chúng tôi học. Từ Toán đến Văn. Bà thừa hưởng từ ông ngoại tôi nên cũng có máu văn chương. Do đó có thể kèm các con cả Toán lẫn Văn. Thuở đó bố mẹ tôi tương đối ít cãi vì chỉ gặp nhau một năm đôi ba lần. Nhưng khi bố tôi đổi về gần nhà thì mức độ cãi nhau gia tăng với khoảng cách từ truờng đến nhà! Lắm lúc, tôi thấy ngậm ngùi thương cả cha và mẹ. Hạnh phúc thật ít oi. Tôi nghĩ mẹ chắc cũng thèm đuợc âu yếm, dịu dàng…Sau 75, đồng lương thầy giáo vốn ít ỏi càng ít ỏi hơn. Mẹ tôi, nguời phụ nữ nghiêm trang, đôi khi còn có vẻ lạnh lùng đã ra đường bán thuốc lá. Rồi cà phê. Mẹ bán cà phê có duyên. Số khách đông dần. Khách bình dân chiếm số đông vì là quán cóc (quán lề đường và pha bằng vợt!) nhưng họ rất kính trọng mẹ tôi. Một điều thưa bà giáo, hai điều thưa bà giáo. Có đứa đã tự đứng dậy đỡ ly cà phê:-Bác giáo để con! Buổi sáng bán cà phê, buổi chiều mẹ tôi dạy học. Trẻ con hàng xóm và chung quanh khu đến học khá đông. Đủ cấp lớp! Phải nói mẹ tôi thông minh. Ngày xưa bà đậu certificat nên Pháp Văn bà giỏi đã đành, nhưng Toán cấp đệ nhị cấp? Bà học lại từ ba đứa con lớn và …dạy lại …ba đứa con sau!! Do đó, sau 75, bà ‘chơi’ luôn cả các môn Toán Lý Hoá cho trẻ con hàng xóm từ lớp 6 đến lớp 9. Tôi kính phục sự thông minh, chịu học của bà! Quán cà phê của mẹ tôi đã giúp cho kinh tế gia đình rất nhiều. Mẹ tôi vui lắm. Ra bán, có tiền nuôi cả nhà, lại có bao nguời nói chuyện. Vì thế, suốt năm, bà chỉ " fermer boutique " một ngày là mùng một tết! Vả lại, khách cà phê cũng cứ đòi bác giáo bán sớm để họ có chỗ ngồi đấu láo. Dân Saigon thích ngồi vỉa hè nhâm nhi cà phê và tán dóc! Nhưng cuộc đời không như thế mãi. Đang là bà giáo, phải ra lề đường bán cà phê nhưng mẹ tôi vui mà niềm vui ấy không kéo dài. Vì các con, bà phải sang Canada. Tất nhiên, ru rú trong nhà, bà buồn lắm. Lại không hạp với chồng nên cuộc đời -với bà- là những buồn tẻ và cô đơn … Tôi tin nguời ta có số. Mẹ tôi xinh đẹp, học giỏi. Giá như ông tôi đừng gả chồng sớm, để mẹ tôi học thì có thể mẹ tôi - cũng sẽ là một trí thức - cỡ lớn chứ chẳng chơi!! Biết mẹ tôi thông minh, ông đã cho bà đi học nhưng than ôi, mới xong cái băng Tiểu học thì bà đã phải lấy chồng. Mẹ tôi thích đọc sách báo và … đặc biệt thích tin tức … chính trị! Từ xưa, dường như bà ít nữ tính. Không thích điệu (lại đẻ ra một con bé quá xá điệu là tôi!), không thích quần áo, nữ trang.. Bà giỏi giang trong việc dạy dỗ các con học hành nhưng dở ẹt ở việc làm đẹp. Quanh năm suốt tháng chỉ áo trắng quần đen. Qua Canada cũng vậy. Chị tôi tranh đấu mãi mới chịu mặc đồ bộ mầu mè! Bố tôi cũng thích sách báo nhưng cụ không thích chính trị. Cụ thích văn chương. Cụ làm thơ rồi hỏi vợ có hay không? Mẹ tôi thì …vốn khắc khẩu với ông nên ít khen mà cứ chê thẳng thừng chữ nào dùng chưa hay của ông. Thế là ông nổi cáu, bảo là bà ngu dốt (!!), không biết một tài năng cỡ lớn như ông!!! Bố tôi vốn gàn mà? Càng già càng gàn nhiều hơn! Ông hỏi tôi thì tôi - vốn cũng thừa hưởng tính nói thẳng của ông nên tôi nói ngay: - Thơ bố thì khá hay. Nhưng con không hiểu sao, trong một bài thế nào cũng có một hay hai chữ …lạc quẻ hết sức!- Bố cô! Cô chỉ giống mẹ cô thôi! - Ơ hay, con không giống bố thì giống mẹ chứ? Chả lẽ giống ông hàng xóm????!! Hai người - tuổi đã cao, sống đất khách, với mùa đông tuyết phủ mà vẫn không sao hoà hợp. Chúng tôi thấy thương cho cả cha lẫn mẹ mà không biết làm sao. Rồi một ngày cuối đông, Montreal băng giá, cha tôi ra đi đột ngột. Mọi nguời bảo thế là phước vì không đau đớn, không hành hạ gia đình.. Căn nhà vắng vẻ vì con cháu đi vắng. Một mình mẹ tôi quạnh quẽ. Chúng tôi trêu mẹ:-Bây giờ mẹ muốn cãi nhau với bố cũng không đuợc nữa rồi! Mẹ tôi chỉ cười buồn.Tôi không biết mẹ nghĩ gì? Tiếc là khi còn sống đã không nhường bố tôi một chút để có nguời trò chuyện? Hay mẹ tôi lại cho …đời là vô thường?? Rồi một ngày. Cũng cuối đông. Montreal tuyết phủ trắng trời trắng đất. Tôi, đứa con gái lạc loài của mẹ, ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa. Tôi gọi là đó là Đời cô Lựu! Cho vui thôi! Chứ cô Lựu này chẳng giống lắm cô Lựu của cải lương! Khi đi học, mẹ chỉ chăm chăm vào việc học. Mẹ thích nghề sư phạm lắm. Mẹ mong ước sau này là cô giáo. Nhưng không biết vì sao ông ngoại nhận lời ông bà nội. Sau này, trước khi mất, ông ngoại có nắm tay mẹ:- Bố xin lỗi con. Lẽ ra bố không nên gả chồng sớm cho con..Trong lớp luyện thi bằng Thành Chung, còn gọi là Particulier do Thầy Giáo Chức phụ trách ở tỉnh Thái Bình có một anh. Anh ta yêu mẹ mà mẹ không biết. Cứ gửi thư cho mẹ kèm vài câu thơ. Những câu thơ nhỏ rất dễ thương hợp với hoàn cảnh của lúc gửi thơ như vào hè hay đầu năm học.. Như lá thư đầu tiên, để biện minh cho việc yêu quá sớm, anh ta gửi:L’homme sans d’amour comme la terre sans soleil.Hay một lần, trong một cái thiệp.Je pense à toi quand le soleil se lève J’y pense encore le soleil descend et si parfois la nuit que je rê ve.C’est au bonneur de vous aimer toujours Rồi khi xuân về, hoa nở rộn ràng.La myosotie dit je vous aimeLa pensée dit ne m’oubliez pas À eux deux ils font un emblême Je vous aime, ne m’oubliez pas Nhưng anh ta không ký tên nên mẹ chẳng biết đó là ai? Cho đến khi mẹ đi lấy chồng … Trước ngày lên xe hoa, cô bạn thân nói với mẹ " Minh T. có biết là Minh T. đã làm một nguời thất vọng lắm không? Anh ta đã bỏ học và đi lính rồi! " Cô bạn hé ra cho biết tên nguời ấy là Hoàng C….Lòng mẹ lúc ấy chỉ thấy hơi buồn buồn. Rồi năm 54, khi vào Nam, vô tình một lần xin làm thư ký ở sở kia, thoáng thấy ai đó giống anh bạn xưa, mẹ quay đi ngay và không nộp đơn ở đó nữa. Mẹ nghĩ mình đã lấy chồng và không nên tạo cơ hội gặp nguời đã từng yêu mình ngày xưa … Anh bạn này khác với anh Hoàng C…làm thơ gửi cho mẹ. Còn bây giờ mẹ không biết anh bạn thầm yêu mẹ đó ở đâu? còn sống hay đã chết? nếu vì mẹ lấy chồng, anh đi lính và chết thì mẹ ân hận lắm. Anh ấy học giỏi. Giá như anh ấy viết: " Chúng ta còn phải lo việc học. Sau này cùng theo ngành sư phạm nhé. Hẹn Minh T. khi nào ra trường, chúng ta sẽ đến với nhau." thì mẹ còn biết mà liệu. Đằng này chỉ gửi thư, không nói tên thì ai biết cái gì? Thật hay đùa? Khi kể, đôi mắt mẹ tôi xa xăm. Đôi mắt mẹ tôi buồn lắm. Trời ơi, tôi muốn khóc. Khóc cho một đời nguời! Mẹ tôi - nguời phụ nữ nghiêm trang, tưởng chừng như lạnh lùng, ít oi tình cảm, nguời phụ nữ chỉ thích đọc sách báo chính trị, thời sự - người phụ nữ đã giữ lòng trinh tiết cùng nguời chồng mà bà không hề yêu băng việc tránh xa ngay lập tức nguời bạn từng yêu mình ngày xưa - mà đã ôm ấp trong bao nhiêu năm, một chuyện tình …, tôi không biết gọi là gì nữa??? Phải chăng, sư gán nhầm của Thượng đế đã biến đổi con nguời? Mẹ tôi đã khoác lên mình cái vỏ lạnh lùng vì … tình cảm của thuở nào xa xưa đã lịm tắt từ ngày lên xe hoa? Nhưng tình vẫn nằm đó. Cho đến lúc tóc bạc phơ, nhìn thấy ngày ra đi với vĩnh cửu gần kề thì bỗng trỗi dậy để có một ao ước rất " con gái " rất " trẻ thơ "! Ấy là " Tôi muốn gặp người ấy để xem người còn hay mất? " Và hôm nay, tôi - đứa con gái lạc lòai của mẹ - viết những giòng này - mong rằng - ai biết Ông Hoàng C... của lớp luyện thi thành chung ở Thái Bình do Thầy Giáo Chức phụ trách - đang phiêu bạt ở đâu thì cho tôi biết với!Rừng Gió tháng năm 2004 Hoàng Lan Chi