Trong buổi dã ngoại miền biển họp mặt đầu năm học, Hạnh đã kể về một vở kịch trong đó cô vừa là tác giả, đạo diễn lẫn diễn viên chính: Một cô gái xinh đẹp được các chàng trai trong lớp cảm mến. Trong các chàng trai lại có một chàng trai cảm mến nhiều hơn cả, có biệt tài đan nhẫn cỏ và đính lên nó những bông hoa tuyệt đẹp như những viên kim cương. Anh nhút nhát nhưng là kẻ biết trân trọng những tình cảm vu vơ của tuổi học trò. Những người bạn trai biết được nên tạo cơ hội bằng cách bảo cô bé nhắm mắt lại và anh đeo chiếc nhẫn cỏ vào tay cô. Trò chơi này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần cho đến khi cô bước vào đại học mới giật mình tự hỏi ai đã đeo cho cô chiếc nhẫn tuyệt đẹp đó. Cô giật mình cũng phải thôi, cơ hội để có những chiếc nhẫn đã không còn. Trong liên hoan chia tay cuối năm, cô rụt rè hỏi mọi người về người bạn mà cô đã đối xử một cách vô tình. Đổi lại, cô nhận được câu hỏi tại sao cô không hé mắt? Khi tặng cô chiếc nhẫn cỏ, tác giả của nó mong cô hé mắt biết bao nhiêu. Vở kịch đã đóng lại trong sự tiếc nuối vô hạn…
Cả lớp vỗ tay tán thưởng và đồng lòng bình bầu người kể chuyện duyên dáng nhất là Hạnh. Thằng Toàn nói: "Chúa ơi! Tại sao hồi giờ tôi không tặng cho Hạnh một món quà như vậy nhỉ?". Chúng tôi cười ồ lên. Con Hoa nói:
- Tao nghĩ cái thằng nhút nhát kia hơi cù lần. Nếu tao là nó, tao sẽ banh mắt con nhỏ kia ra. Tao còn… móc mắt nó ra nữa là khác.
- Nhưng nếu thế hết chuyện còn gì - Một người lên tiếng - Cậu phải nhớ, trong tình yêu phải có cao trào, thế mới đẹp, mới đáng yêu, nhưng nếu con nhỏ kia… mở mắt thì sao nhỉ?
- Eo ôi - Bọn con gái hét lớn - Chúng nó sẽ yêu nhau mất. Còn gì là tuổi học trò.
- Tao kịch liệt phản đối chuyện mở mắt…
- Tao cũng vậy!
Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận nhắm mắt là hợp lý hơn cả. Khi nhắm mắt, chúng ta vẫn giữ được tình bạn cao cả và trong sáng.
Chiều quét nhẹ trên biển một vết son dài. Mọi người tụm năm tụm ba thành từng nhóm riêng ngắm mặt trời lặn. Thằng Toàn ôm đàn hát, lâu lâu ngả sang giọng anh Lam Trường, lâu lâu "độn" thêm giọng chị Phương Thanh nghe thật kỳ quái. Ngồi mãi một hồi cuồng chân, tôi đi dọc theo biển, sóng vỗ cồn cào vào chân. Hạnh chạy theo, giọng nói trong vắt và âm ấm: "Chờ Hạnh với!". Tôi định nói tại sao Hạnh lại kể câu chuyện đó, có phải Hạnh muốn tất cả chúng tôi cần phải nhắm mắt lại? Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói một câu quá ư… lãng mạn: "Biển đẹp quá!". Đi dạo trên bờ biển, Hạnh tiết lộ cho tôi biết người chị của cô chính là cô gái vô tình trong vở kịch. Hạnh dựa vào đó, viết nên.
- Nhưng đó không phải là sự thật - Hạnh nói - Chị ấy luôn biết ai đã tặng quà cho mình.
- Thật à? Chuyện đó xảy ra như thế nào?
- Cái anh chàng đó, Hạnh vẫn còn nhớ. Anh ta đến nhà hai lần, lần nào đến cũng ngồi yên rồi về. Hết trung học, anh đăng ký đi bộ đội, sang Campuchia.
- Thế anh ấy có biết, chị của Hạnh biết anh ta không?
- Cũng không biết nữa. Có lẽ anh ta không hay chuyện này. Hôm ra đi, anh ta có tặng cho chị Hạnh quyển sổ, dặn nhớ viết thư. Nhưng rồi anh ta bặt tin. Rồi giấy báo tử gởi về nhà. Hồi đó Hạnh còn nhỏ. Hạnh chỉ nhớ anh ta có một đôi mắt sáng, trán cao và tất cả con người anh ta toát lên vẻ hiền hậu. Bốn năm sau người ta mới hay tin anh ta còn sống và trở về nhà. Anh bị một vết thương nặng trên trán. Anh không còn biết gì về mình. Một đơn vị đã nhặt được anh ở cánh rừng…
- Anh ta mất trí à?
- Cũng gần như vậy. những năm tháng sau này, anh vẫn ngồi đan những chiếc nhẫn cỏ nhưng hoàn toàn không nhận ra người ngày xưa anh từng trao tặng…
Mặt trời đã lặn. Chúng tôi quay về trại. Thằng Toàn đang hát một bài buồn và mọi người ngồi im nghe. Tự dưng tôi thấy một nỗi sợ hãi lạ lùng khi chợt nhìn những người trẻ tuổi im lặng, như thể sự im lặng không dành cho họ. Những giây phút như vậy như có một lứa tuổi khác đang nằm bên dưới khuôn mặt đó, cử chỉ đó. Họ đang suy nghĩ điều gì? Chỉ còn năm nay, chúng tôi sẽ ra trường, mỗi người sẽ kiếm một thế giới riêng cho mình. Tức là chúng tôi sẽ làm những phép cộng. Tôi cộng cuộc sống vào đời tôi, một đời sống đầy thực thụ chứ không thơ mộng ở giảng đường. Đồng thời, tôi cũng làm những phép trừ. Tôi trừ thằng Toàn vì nó về Hà Nội. Tôi trừ con bé Lan vì nó về Đắc Lắc. Tôi trừ thằng Tí, thằng Dũng vì tụi nó về Cần Thơ. Tôi trừ hết, chỉ còn mình tôi ở lại Sài Gòn. Những cuộc gặp gỡ cộng và trừ đã để lại trong tôi những nỗi buồn quay quắt. Thằng Toàn lại hát: "Tôi như con kiến xanh trên giậu bìm leo một hôm hỏi giếng sâu bầu trời như thế nào. Tôi như giấc mơ riêng lạc vào cơn gió hỏi đường về trên nếp mắt. thế nào là một ngày thức dậy? … Bây giờ là mùa đông rồi nên thu sau đứng đợi trong lớp vỏ rêu khô. Bây giờ là mùa thu rồi…". Thằng Hoàng la lên: "Thôi đừng hát nữa, tao sợ cái kiểu như vầy lắm!" Rồi như lỡ lời, nó bỏ đi ra biển. Đôi vai to rộng của một người lớn lên từ vườn ruộng nhô lên trên đốm sáng sót lại từ bầu trời lù mù. Không ai nói gì, tôi lặng lẽ đi theo nó. Dọc theo mép nước, thằng Hoàng hai chân thả xuôi, hai tay chống ra sau như một xác chết trôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh nó và im lặng. tôi chờ nó nói trước nhưng cuối cùng tôi phải lên tiếng:
- Sao vậy?
- Chẳng sao cả!
- Thế sao mày gắt gỏng?
- Thế mày bảo tao phải làm thế nào? Chẳng có gì vui. Ngày mai tao về quê. - Tao không hiểu. Mày nói lại coi!
- Tao bỏ học.
- Là sao?
- Vẫn là tiền thôi. Tao rất tiếc, nhưng hết cách rồi. Nhà tao ở quê đã cạn tiền. hôm nay tao vào đây là để chia tay lớp mình. Nhưng đừng cho ai biết trước khi tao đi. Tao sợ những cuộc chia tay bịn rịn, phiền lắm.
- Tao biết lòng mày hơi yếu nhưng chẳng sao - Tôi nói - Khóc một lần cũng chẳng chết. Không ai có nhiều chuyện buồn để mà khóc hoài.
- Thôi! Không cần đâu. Khi tao đi, mày nói với nhỏ Hạnh, tao giống như cái thằng trong vở kịch đó - Giọng Hoàng nhỏ hẳn.
“Mùa thu đã vắt kiệt trong tôi bằng tiếng ve cuối. bằng những cơn gió mà
tôi không hiểu từ đâu thổi. Bằng cái nắm tay vội vã trong từng ngón tay. Và
bằng cái nhìn sau lưng ấm áp…".Tôi không ngủ được, trở dậy bảo thằng Toàn:
- Mày ngưng hát được không! Tự dưng tao thấy ngột ngạt quá, cả buồn nữa. chắc tại chuyện thằng Hoàng. Ngày mai nó về cuốc đất rồi kìa. Nó bỏ học, hiểu chưa?
Tôi và thằng Toàn bỗng nhiên lặng phắc.
Trong bóng tối, thằng Hoàng khóc. Đầu tiên tôi không nhận ra điều này. Sau, vai nó run dần bên cánh tay của tôi từng đợt khẽ khẽ, nhỏ nhỏ, ngượng ngập. Nó nghiêng người sang hướng khác để khỏi chạm vào tôi. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh của nó trong bóng tối. Một thằng sinh viên vạm vỡ, khỏe mạnh, mặt ngầu, tính bộc trực mà cũng có thể khóc. Tôi lại hình dung điều nó khóc rồi tự bào chữa. Quê nó ruộng đất thênh thang, chỉ thiếu người làm. Nó chỉ cần làm tốt một đám ruộng là đủ nuôi mẹ, chỉ cần thêm một đám nữa thì đủ nuôi vợ, thêm một đám nữa, nuôi con. Thế là sống nhàn, sống khỏe. Khóc làm quái gì! Tôi nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Biển đêm sóng vỗ thật dữ dội, nó gào thét từ phía mạn Bắc như một cái loa phóng thanh. Hơi nước phả vào trong lều lạnh ngắt khiến tôi giật mình thức dậy. Ai bảo trong mơ không có tiếng sóng. Sóng phủ người tôi như một mẻ lưới ngon, từ đầu đến chân người tôi vẩy trắng. Đã 3 giờ sáng. Tôi chồm dậy. Thằng Hoàng đã biến mất. Chỗ nằm vẫn còn ấm chứng tỏ nó vừa ra đi - Một cuộc ra đi sớm để tránh cái nhìn bịn rịn của bạn bè, để tránh một nỗi buồn dễ chạm phải. Tôi vụt chạy ra biển. Biển vắng tanh. Tôi chưa kịp khuyên Hoàng điều gì, thật vô tâm! Những giọt nước mắt của nó trong đêm khiến tôi ân hận. dọc theo bờ biển, tôi đi miết, vừa đi vừa nghĩ ngợi vừa nghe tiếng sóng. 5 giờ sáng, tôi mới gặp Hoàng nằm vắt vẻo trên bờ cát và ngủ. Tôi ngồi bên nó im lặng ngắm mặt trời mọc, bàng hoàng vì một dáng vẻ thanh bình. Ánh sáng mới sinh trên biển yếu ớt như những sợi tơ lấp lóa đỏ hồng. Thằng Hoàng cựa mình ngồi dậy. Nó nói:
- Mọi người về hết rồi à?
- Không, tụi nó còn đang ngủ mơ. Tao thức là vì cứ "ám ảnh" bởi ai đó len lén bỏ đi khi mọi người đang ngủ. Ra đi… mãi mãi! Thật là tiểu thuyết! Cuối năm nay, nhất định phải bắt nhỏ Hạnh dựng vở kịch bi đát, thêm vào chi tiết "ra đi" này.
- Mày chưa nói với Hạnh chuyện tao về quê chứ?
- Tất nhiên là chưa. Vẫn trong vòng bí mật. Nhưng tao tiết lộ cho mày một điều, vở kịch hoàn toàn không phải như vậy.
- Nghĩa là…?
- Cô gái vẫn nhắm mắt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô không biết ai đã đặt chiếc nhẫn cỏ vào tay cô. Trong tâm hồn mỗi con người đều có một con mắt. Chúng mở suốt ngày đêm và âm thầm thông báo những tình cảm phát sóng âm thầm.
Thằng Hoàng đứng dậy:
- Thôi, đừng nói lung tung. Tụi mình về đi!
- Về đâu?
- Về chỗ trại, chứ về đâu?
- Làm gì - Tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
- Chẳng làm gì cả. tao chỉ ngồi chờ nhỏ Hạnh ngủ dậy, vậy thôi.
- Rồi mày sẽ nói gì? Chẳng lẽ bảo đây, kem đánh răng đây, bàn chải đây, em hãy đánh răng đi! Đánh răng xong chúng mình sẽ nói chuyện "bóng gió".
- Vớ vẩn! Về! - Hoàng bỏ đi trước.
Những sợi tơ màu hồng trên biển không còn nữa. Chúng trở nên rực rỡ và lém lỉnh. Ước muốn chờ nàng dậy đã không thực hiện vì mọi người đã dậy rồi. Khuôn mặt Hoàng có vẻ hồng hào. Nó phụ chúng tôi thu dọn lên đường trở về thành phố. Chẳng có cuộc chia tay lâm ly nào xảy ra. Cũng chẳng có chiếc nhẫn nào được trao. Không phải tương lai chỉ có một con đường nên chẳng cần nhỏ giọt nước mắt nào cho một lộ trình ngoài dự định. Tôi nói lúc chia tay Hoàng:
- Mày sẽ quay lại trường?
- Tao sẽ quay lại - Hoàng nói - Nhất định phải học.
- Mày còn cả một "tương lai" rực rỡ đang học trong lớp nữa đó - Tôi dặn thêm.
- Ừ, tao biết - Hoàng ghé tai tôi. Hy vọng nó đừng mở mắt, nếu nó mở mắt, tao không biết phải làm gì…
- Thì lúc đó mày… nhắm mắt lại!
Hoàng cười phá lên:
- Cha mày! Nhưng tao thích nó nhắm mắt kia. Khi nhắm mắt, nhìn "đê mê điên dại" lắm.
Chúng tôi lên xe về thành phố, về với trường đại học. Thiếu thằng Hoàng. Nhưng nó sẽ trở lên. Toàn ôm đàn hát:
"Để cụ thể bầu trời, những đám mây mọc ra từ phía cuối. Để cụ thể con đường, những hàng cây xanh ngắt mới chen. Để cụ thể yêu em, ta không cần phải làm gì nhọc sức hơn một vì sao. Thở dài và chớp tắt. Để cụ thể hôm nay, tôi đạp xe suốt những ngày dài cùng mơ mộng thầm kín. Tôi tạm hiểu một ngày như những vòm cây vừa chia đôi. Nửa cho tôi và nửa cho những niềm hy
vọng…"

Xem Tiếp: ----