Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi đây, một ngoại ô buồn của thị xã cao nguyên cách xa Sài Gòn hàng trăm cây số, sau nửa ngày đường vật vờ vật vưởng trên chiếc xe chật như nêm. Ấn tượng đập vào mắt đầu tiên là những quả đồi trồng chè và cà phê bạt ngàn. Ba chiếc xe ôm chở năm người chúng tôi chạy trên con đường đầy đá cục, cứ lên xuống bồng bềnh như lướt sóng. Quãng đường dẫn về nhà ngoại N. vắng vẻ đến mức có thể nghe được tiếng vỗ cánh rất khẽ của một con chim lạ lượn vút qua đầu, và hơi thở rì rầm của cỏ cây hoa lá. Từ chiếc xe đằng trước, tôi nghe tiếng D. hét toáng lên: "Trời ơi! Dã quỳ kìa!". Tiếng hét vỡ ra đột ngột và bàng hoàng như đang có một phép lạ nào đó vừa giáng xuống trần. Tôi giật mình vội bấu lấy vai Q., ngẩng mặt nhìn biển dã quỳ phủ kín trên đầu, dưới ánh trăng rực lên như những vầng lửa khổng lồ đang bùng cháy, lòng trào lên một nỗi sung sướng rợn người. Q. cũng chỉ tay lên trời, bảo: "Xem kìa! Trăng đẹp chẳng thua gì dã quỳ", rồi lấy tay vuốt mặt như đang tắm lấy ánh trăng. Tôi biết, hạnh phúc mỗi người lúc này đang là đỉnh điểm. Tất cả những biểu hiện của chúng tôi làm mấy bác tài ngạc nhiên. Có lẽ từ khi hành nghề đến giờ, chở khách di chuyển qua bao ngả đường, ngày mưa cũng như ngày nắng, các anh có bao giờ để ý đến những điều bình thường nhưng rất kỳ diệu này đâu. Ánh trăng, đối với các anh cũng chỉ là phương tiện trời ban để giúp họ việc điều khiển xe tránh những ổ gà, ổ voi nguy hiểm. Còn dã quỳ cũng chỉ là loài hoa dại trồng làm hàng rào, chẳng có hương thơm, chẳng buôn bán được. Có thể lũ chúng tôi, những cô cậu mười chín hai mươi, chưa từng trải qua những thăng trầm của cuộc sống, chưa thật sự đối mặt với đời, mới đủ sức và đủ tâm hồn tận hưởng những khoảnh khắc quý báu như thế này. Lục tục xuống xe... N. dẫn chúng tôi đi vào con đường mòn bé tẹo, ánh trăng xuyên qua đám lá bít um tùm trên đầu, in lên mặt đường những đốm sáng lỗ chỗ. Q. níu lấy N., bảo: "Mảnh vỡ của trăng in đầy trên tóc N. kìa, làm sao gỡ xuống bây giờ?". Cả lũ cười vang, trêu: "Xem anh chàng hôm nay lãng mạn quá nhỉ" và nhất quyết đặt tên quãng đường này là "ngõ trăng". Buổi sáng, chúng tôi thức dậy trong căn biệt thự to lớn. Đêm qua tất cả đã được một giấc ngon lành vì đi xe mỏi mệt. Tôi tựa người vào khung cửa sổ, ngắm khu vườn giăng đầy sương mù, thấy tâm hồn mình thật bình yên và tĩnh lặng. Q. đã thay xong bộ đồ mới, đến bên tôi bảo: "Chỉ cần ra khỏi thành phố là đã có được cảm giác này rồi. Mày cứ thử đoán xem, giờ này ở lớp tụi nó nghĩ sao về mình nhỉ?". Tôi đưa tay xem đồng hồ, cười khẽ: "Chưa vào lớp đâu. Nhưng có lẽ chiều hôm qua thấy năm đứa vắng mặt, lũ nó chắc đã mách hết với thầy, rồi bĩu môi bảo tụi mình điên… Thôi qua dựng mấy cô nàng dậy, nên đi dạo một tí không phí cả buổi sáng". Ở phòng ăn, chúng tôi được bà ngoại N. nấu cho một món bún bò ngon tuyệt. D. nhắm tí ớt, hít hà vì cay. Không khí rộn lên bởi tiếng nói cười. Ngoại N. có vẻ vui lắm, cứ lăng xăng đi lại. Tôi không tưởng tượng nổi trong ngôi biệt thự sang trọng và đầy đủ tiện nghi hiện đại này lại chỉ có hai người già sống với nhau; à, còn anh người làm nữa, tên Ân, nhưng anh ta vào ra như một cái bóng, không nói không cười, cứ âm âm u u. Tôi hỏi N.: "Ngoại cậu ở thế này không buồn à?". N. ngơ ngác: "Buồn gì! Công danh địa vị ông bà đã trải qua hết rồi, bây giờ lui về ở ẩn cho tâm hồn thanh thản. N. nghĩ mấy chục năm nữa mình già đi, cũng lại về đây. Sài Gòn chỉ hợp với chuyện bon chen thời trẻ". D. gật gù, thì thầm: "Nhìn ngoại mày sướng như vậy, tao mới thương bố mẹ ông bà tao, cả đời không dám mơ một chốn nghỉ". Tôi cúi mặt, nhận ra vẻ tủi thân trong lòng cô bạn, rồi chua xót nghĩ: Cô có khác gì tôi đâu? Có điều tuổi già cũng rất cần con cháu. Dù ba thế hệ có chen chúc nhau trong căn nhà hẹp, nhưng nếu biết tạo không khí chan hòa, vui vẻ thì vẫn hơn là hai người già phải sống đơn độc nơi cái xứ lạnh lùng này. Ở đời, hễ được thứ này đành chịu mất thứ khác. Giống như chuyện chúng tôi đây. Hôm nay được quây quần bên nhau xì xụp ăn món bún bò do một cụ già gốc Huế tự tay nấu lấy, rồi gật gù bảo: "Ngon quá, ngon tuyệt". Để đổi lấy những phút giây thanh thản cho tâm hồn, chúng tôi phải chấp nhận những điểm zê-rô và lời phê bình "tự ý bỏ học" cho bài tập chuyên ngành dở dang trên lớp. Lại còn chịu đựng lời ong tiếng ve nữa chứ. Mà thôi, mặc kệ, hãy cố ăn đi, hôm nay là một bữa sáng đáng nhớ. Ăn xong, chúng tôi kéo nhau lên đồi, mang theo giấy bút, cọ màu và hai chiếc máy ảnh. Sương vẫn chưa tan hết trên những triền dốc. Con đường hoa dã quỳ đêm qua giờ trông càng rực rỡ hơn dưới ánh nắng ban mai. Q. và D. xúm xít nhau dưới một tán cây dại, bày giấy bút ra vẽ dã quỳ. Còn tôi và N. bận bịu với "người mẫu" H., bắt nàng ta quay qua bên này, xoay hướng nọ, hét lên ầm ĩ và cười vang động cả góc đồi. Trưa, N. gạ gẫm anh người làm, mượn được chiếc xe máy. Thế là không kịp chào ngoại, không kịp mang theo máy ảnh, năm người chúng tôi vớ áo khoác rú lên mừng rỡ, chạy vọt ra đường. Không có ý định đi đâu cụ thể, chúng tôi cứ lái xe chạy lăng quăng, leo hết con dốc này đến con dốc khác. Khắp nơi chỉ độc một thứ dã quỳ. Càng nhìn càng thấy chói chang mà buồn bã. D. hỏi tại sao dã quỳ mọc càng nhiều càng thấy buồn, có phải vì nó mọc nơi hoang vu? Mà hoa mọc ở nơi hoang vu thì làm sao mà vui được, phải không? Tôi chẳng biết đúng hay sai, nhưng nếu ở đây không có dã quỳ chắc sẽ buồn hơn nữa. Càng đến gần thị xã, nhà cửa càng san sát và đường xá tốt hẳn. Tuy nhiên dã quỳ lại ít đi, thay vào đó là nhiều loại hoa xứ lạnh được trồng và chăm sóc nghiêm túc trên những vuông sân nhỏ trước mỗi ngôi nhà. Nghe tiếng xe gầm gào, hai bên đường người hiếu kỳ thò đầu ra nhìn. Có người khẽ nhăn mày nhíu mặt khi thấy một lũ ăn mặc quái dị, lại còn cười đùa ầm ĩ, phá vỡ giấc ngủ trưa quý giá của họ. Tuổi trẻ sống vô ý thức thường trở nên mất dạy. Như lúc này đây, tôi đã không còn là tôi của tôi hàng ngày nữa. Tôi xem đất trời là của mình, nên cứ mặc, vẫn rú ga lao về trung tâm thị xã và dừng lại ở quán cà phê phủ đầy hoa xác pháo đỏ ối. Con gái chủ quán có đôi mắt đẹp mê hồn, có lẽ nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi, uể oải đặt năm ly cà phê xuống bàn nhựa, hỏi: "Anh chị từ đâu tới vậy?". Chúng tôi đồng thanh "Sài Gòn" rồi tợp một ngụm. Cô gái ngồi xuống chiếc ghế trống, nói bâng quơ: "Chắc là đi thăm người thân?". N. lắc đầu: "Không! Chỉ đi chơi thôi. Ở Sài Gòn lúc này chán quá, lại trốn đi chơi. Một chỗ nào cũng được, ít bữa lại về". Cô gái vuốt tóc, bối rối: "Thật thế sao? Vậy mà em cứ ao ước sống ở Sài Gòn. Nơi này thật buồn, chẳng có tiếng xe, chẳng tiếng nói cười. Em không thích bê cà phê mỗi ngày, sáng ra tỉnh giấc không có gì mới". "Vậy em đã đến Sài Gòn bao giờ chưa? Rồi em sẽ thấy nơi này là nhất" - Q. nhanh nhảu cướp lời. Cô gái nheo mắt, vẻ chán nản: "Nhưng ở đây em không có bạn". "Vậy anh sẽ là bạn của em, được chứ?". Q. trâng tráo làm cô gái đỏ dừ mặt, vội đứng lên chạy đi. D. ngồi lên sửa lại ghế, vẻ khó chịu. Tôi nghe tiếng được tiếng mất: "Không… Em không biết... Em thích Sài Gòn… Nhất định em sẽ tới Sài Gòn…". H. ngả người trên ghế, thở dài: "Tội nghiệp con bé. Mình thì chán, còn nó lại thích". Q. nhịp chân: "Tôi thì ưng mỗi chốn này", xong lim dim mắt như đang hưởng một thứ hạnh phúc ngọt ngào nào đó. Tôi đập vai nó: "Mày chết vì con bé mất rồi, đúng không?". Bọn con gái cười nắc nẻ: "Lại một tiếng sét vừa nổ". Tôi lơ mơ nghĩ khác, biết đâu cô ấy đúng, ít ra ở giai đoạn này. Cũng có khi tính cách cô hợp với Sài Gòn và cô chịu được nó. Đã hơn một lần tôi sống trong tâm trạng của cô, khi còn ở quê nhà - một vùng sông nước Nam Bộ - đã từng khao khát ra đi với nhiều ước mơ được khám phá và chinh phục. Tôi đến Sài Gòn và cũng từng yêu nó, nhưng niềm yêu cứ lụi tàn dần theo những tháng năm vất vả vừa học vừa kiếm tiền. D. có lần đã chua chát kết luận bằng một câu thật "sến": "Sài Gòn hoa lệ thật! Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo". Đành rằng ở đây có nhiều áp lực thật, nhưng chính nơi đây tôi đã gặp và kết thân với biết bao người; cũng có lúc chán nản nhưng không thể rời xa nơi mình đã sinh sống, đã học hành, đã yêu thương suốt mấy năm qua. Q. cũng đã ra đi từ một thành phố cao nguyên tựa tựa thị xã này, nhưng đẹp hơn và có nhiều hoa hơn. Ở trường, nó thỉnh thoảng bắt gặp nhiều cô bạn học cùng lớp ngày xưa, bây giờ thay đổi rất nhiều; ai cũng mong học xong thì ở lại thành phố, lấy chồng thành phố, không muốn về nữa. "Về thành phố sương mù ấy thì được cái gì, chỉ có buồn bã". Họ nói xong thì hăm hở ra đi. Chỉ có Q. là hoang mang. Tôi hiểu bạn tôi, nó yêu cái thành phố sương mù ấy biết bao, nhưng mỗi năm chỉ có thể về năm ba bận, đi lang thang qua những con phố hẹp và buồn, những cánh rừng chỉ toàn thông và thông, những ngôi trường chỉ toàn gương mặt lạ; chỉ để tìm chút kỉ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu xa xưa. Bởi bây giờ bạn bè đã đi hết rồi, đứa đi học, đứa đi làm, đứa theo chồng về một nơi nào đó. Đi hết! Bố mẹ Q. cũng ra đi. Bố đi trước mẹ đi sau, kể cả anh em họ hàng. Họ hội tụ về Sài Gòn để học hành và làm việc, mỗi người sống một nơi; có tuần gặp nhau nhưng có tháng vì bận bịu mà quên bẵng nhau. Như thế cũng không thể gọi là mái ấm được. N đã ngủ rồi, đầu tựa vào vai D., mắt môi khép hờ, bình thản. Qua kẽ rào thưa, hoa xác pháo rụng đầy, rực lên như đám cưới của một thời xa xưa nào đó; mà cũng có thể như một giấc mơ hay một chuyện cổ tích man mác buồn. Thấp thoáng bên đường, cô gái khi nãy đang đôi co điều gì đó với cậu bé hàng xóm. Mặt cậu bé có vẻ đau khổ như đang cố giải thích. Còn cô thì cứ lắc đầu quầy quậy. "Như thế là bất đồng rồi - D. nói - Chẳng có gì ngăn nổi quyết tâm của cô bé đâu!". Tôi thở dài, nghĩ: "Trên đời lại thêm một mối tình đầu sắp tan vỡ". Buổi chiều, chúng tôi lục tục về lại ngôi biệt thự. H. mơ màng nằm vắt chân lên xa-lông, hỏi: "Chừng nào về?". N. đang vui vẻ dọn thức ăn ra bàn, vội trấn an: "Chơi chán thì về!". Tôi cố dằn lòng để nói ra ý nghĩ rằng một khi đi chơi mà lúc nào đó có kẻ hỏi chừng nào về thì có nghĩa là tư tưởng chán nản đã manh nha xuất hiện. Tôi và Q. cùng đi rửa mặt. Ngang qua nhà bếp, nghe tiếng D. thánh thót: "Ngoại ơi! Ngày nào ngoại cũng lui cui nấu nướng một mình à?". "Ừ, thỉnh thoảng thằng Ân có giúp. Nhưng nó bận việc vườn là chính, cháu ạ!". "Thế ngoại không buồn sao?". "Có chứ! Nhưng người già không nên buồn nhiều. Phải biết tìm việc gì đó để thời gian không bị trống trải. Như ông thì xem tivi, cùng thằng Ân coi sóc vườn chè, cà phê; còn bà thì đi chợ và làm bếp. Thế cũng hết một ngày đấy cháu. Tóm lại là phải yêu một cái gì đó cho đỡ buồn. Thế cháu đã yêu chưa?". "Yêu rồi, ngoại ạ! Cháu đi chơi thế này cốt để tìm tình yêu. Nhưng chán lắm! Người ta vẫn thờ ơ. Có lẽ vì người ta không biết cháu yêu. Vậy có nên hy vọng không ngoại?". Q. tự dưng giật mình. Tôi nhìn đăm đăm, hỏi: "Đã gì chưa?". Nó trừng mắt, vẻ khó chịu: "Gì là gì? Tao thấy bình thường, chỉ chán Sài Gòn thì đi, thế thôi!" và bỏ lên nhà trên. Tôi nghĩ, người ta bất hạnh hay không cũng là ở chỗ này. Bởi có nhiều thứ đến bên mình mà không kịp nhận ra, kể cả hạnh phúc. Tối, chúng tôi rủ nhau lên sân thượng chơi cầu cơ. Ai cũng háo hức muốn biết chuyện tình duyên bản thân ra sao. Nhưng có lẽ hồn không thiêng nên cái "miểng sành" chỉ đi được một chữ. D. có lẽ là người thất vọng nhất, lặng lẽ quay ra ngắm sao, rồi hỏi sao đợi mãi mà không thấy ngôi sao nào rụng cả. Vừa lúc nghe tiếng N. hét lên: "A! Sao băng kìa!". Chúng tôi ngẩng phắc đầu lên, tiếc rẻ: "Không kịp ước gì". D. nói: "Còn tôi, có ước mà vẫn không thành hiện thực". Tôi mãi nhìn sang Q., nó tránh ánh mắt tôi, nói khẽ: "Chắc mai về!". Chẳng ai nghe được lời Q., mỗi người đang bận mải mê với bầu trời sao và những mong ước của mình. Chỉ có tôi là bắt đầu thấy chán thật sự. Tôi cũng không hiểu sao lần nào đi chơi cũng đều bị chán, dù có lúc cảm thấy vui và hạnh phúc biết bao. Hóa ra tôi chạy trốn Sài Gòn để đi tìm những phút giây phù phiếm cho bản thân đấy sao? Có lẽ tôi sống ở Sài Gòn mà không chịu yêu nó. Hễ gặp một tí rắc rối là kéo nhau chạy trốn. Rồi đây, vài năm nữa, tôi sẽ ra trường, những khó khăn thực tế sẽ chồng chất nhiều hơn, sẽ phải đối mặt với nhiều thứ đáng chán hơn; mà lúc ấy, khốn thay, sẽ không còn bạn bè bên cạnh nữa, nếu còn cũng sẽ rất ít; liệu tôi có dám chạy trốn nữa hay không? Có thể ngày mai chúng tôi về, những mộng tưởng của đêm nay hẳn rồi sẽ tan vào sương khói. Lúc về già, khi đã yên ấm bên cạnh gia đình, sự nghiệp, nếu may mắn còn sót lại chút kỷ niệm nào trong ký ức, chúng tôi sẽ cười thầm và kết luận: "Trẻ con!". Nhưng dù sao, một chuyến đi như thế này đâu thể gọi là vô ích. Tôi quay sang định hỏi N. đã buồn ngủ chưa, thì thấy N. đã ngủ rồi. Vẫn mắt môi khép hờ, bình thản. Mái tóc óng ả chảy tràn mượt qua vai, dưới ánh trăng đêm trông thật quyến rũ. H., D. bên cạnh cũng thở đều đặn. Tôi và Q. làm nhiệm vụ của hai kẻ thức canh, lòng ước mong sao thời gian đọng lại mãi nơi chốn này; rồi băn khoăn tự hỏi trong giấc mơ của các cô, có chỗ nào dành cho hình ảnh của chúng tôi?