Cuối cùng ông Long cũng tìm được căn hộ muốn tìm trong một hẻm phố khá yên tĩnh giữa Hà Nội. Ấy là nhờ bác sĩ Hạnh, vốn là cô y tá nhí nhảnh và lắm chuyện của 25 năm về trước ở chiến trường Tây Nguyên, sốt sắng cho địa chỉ. Ngôi nhà nhỏ, khoảng sân chưa đầy mười mét vuông nhưng rõ là có bàn tay chăm sóc. Thoáng nhìn vào đã thấy ấm áp bởi màu sơn hài hòa giữa phần nề, phần mộc và kín đáo với mấy chậu cúc kim nở muộn. Cổng sắt khóa phía bên trong. Ông Long hắng giọng:
“Có ai ở nhà không?”.
Cánh cửa phòng khách lay động. Ông Long nín thở, không thể hình dung gương mặt Dung bây giờ thế nào. Cửa mở. Không phải Dung mà chắc chắn là con gái của Dung. Một Dung xưa trong thời trang năm 2000. Và cũng có thể là con gái của ông. Một luồng xung động làm trái tim bệnh tật của ông dường như không chịu đựng nổi.
“Thưa chú, chú hỏi thăm ai?”, cô gái lễ phép lên tiếng.
Ông Long không trả lời ngay được vì lồng ngực ông chực thoát ra một tiếng, một tiếng thôi: “Con!”. Nhưng ông kiềm chế được, húng hắng ho:
“Đây có phải nhà bà Văn?”.
“Thưa phải, mời chú vào nhà...”.
Ông Long đi những bước liêu xiêu của một người kiệt sức. Trong khi cô gái pha nước, ông có dịp nhìn kỹ hơn và cố tìm ra nét nào đó nơi cô gái có thể gọi là giống ông. Nhưng ông không thể. “Nó giống mẹ quá”, ông nghĩ thầm. Bất ngờ ông bị hút vào bức ảnh đen trắng duy nhất giữa những bức ảnh màu treo trên tường. Hẳn là ảnh cũ được xử lý bằng vi tính rồi phóng lớn. Trong ảnh, Dung và Văn thời đội mũ tai bèo đứng sát vào nhau bên bờ sông lô nhô đá. Trời ơi, ông nhận ra dòng sông Sêrêpôk quen thuộc.
“Mời chú xơi nước... Hẳn chú ở trong Nam ra ạ?”, cô gái nhỏ nhẹ. Ông Long chỉ gật đầu.
“Mẹ cháu ra đầu ngõ gội đầu, cũng sắp về rồi...”.
Không hiểu sao ông Long thấy mừng vì Dung không có nhà. Ông lại nhìn lên bức ảnh đen trắng. Đúng hơn là ông nhìn dòng sông Sêrêpôk...
*
Long tìm đến được hầm bí mật bên bờ sông Sêrêpôk trong ánh chớp rạch trời giữa trận pháo bầy. Ngay trước miệng hầm anh vấp phải một cô gái đã ngất đi vì chấn động. Long xốc cô vào hầm. Pháo vừa dứt, anh nghe tiếng bọn biệt kích lao xao. Chúng dừng chân ngay trên đầu hai người. Trong khoang hầm chật chội tối như bưng, Long cảm nhận cô gái dần hồi tỉnh, cố quẫy khỏi vòng tay nâng đỡ của anh. Sợ cô lên tiếng, Long thì thầm thông báo tình hình. Cô co rúm người sợ hãi. Hồi lâu, tiếng động của bọn biệt kích như dãn ra nhưng còn văng vẳng quanh quất. Hỏa châu nổ lụp bụp. Chút sáng le lói lọt vào hầm. Long cúi xuống, bất chợt nhận ra một gương mặt dẫu lạc thần vẫn rất xinh. Anh an ủi:
“Đừng sợ... Tôi tên Long...”.
Cô gái gật đầu, gượng dậy, rời khỏi lòng chàng trai, giọng Hà Nội:
“Dạ, em là Dung, văn công...”.
Họ im lặng không biết bao lâu. Long ngủ thiếp một lúc rồi di chuyển về phía nắp hầm, cố quan sát bên ngoài. Dung bất chợt nắm lấy tay anh, giữ lại. Anh siết chặt bàn tay lạnh buốt của cô gái:
“Tôi không bỏ em đâu... Phải quan sát tình hình để chúng ta vượt sông Sêrêpôk thoát khỏi đây, càng sớm càng tốt...”.
“Vượt sông? Em không biết bơi...”.
Long buột miệng chửi thề. Cô gái lặng đi một lát:
“Không có anh chắc em bị biệt kích bắt sống, làm nhục rồi. Nhưng anh đừng bận tâm, cứ tìm cách quay về đơn vị đi...”.
“Chửi con sông thôi mà... Không bàn lui nữa, đợi thời cơ tôi đưa em ra khỏi đây”.
Họ lại im lặng. Và Dung lại là người lên tiếng trước:
“Nói chuyện về anh cho em nghe đi!”.
“Chẳng có gì để nói cả”.
“Ít nhất, trước khi chết em phải biết mình đang sống những giờ phút cuối cùng với ai chứ?”.
“Đã bảo không bàn lui, không nói chuyện chết chóc!”.
“Thì chuyện của anh vậy”.
“Tôi đã nói thật đấy, đời tôi chẳng có gì đáng kể. Này nhé: Lớn lên với phong trào sinh viên Huế, làm công tác xã hội trong chương trình trợ giúp trẻ bụi đời ở Đà Nẵng vì mình cũng là đứa mồ côi. Sau, nhào vô hoạt động biệt động thành. Lộ, nhảy núi. Rồi chui vào đây với em. Hết phim!”.
Dung bật cười thành tiếng. Long vội bịt miệng cô gái:
“Muốn chết hả?”.
Dung giằng tay anh ra:
“Chưa, nếu anh chưa kể chuyện tình... Này, người yêu của anh là một nữ sinh xinh đẹp, mộng mơ... Đúng không?”.
Long cười buồn trong ánh hỏa châu vừa quét qua khe hở cửa hầm:
“Chưa kịp yêu đã phải nhảy tót lên núi!”.
“Trên núi cũng có... phụ nữ”.
Long chợt chùng xuống:
“Cho đến khi cuộc chiến kết thúc chắc gì tôi có người phụ nữ của mình?”.
Chưa dứt lời thì trận pháo bầy ùa đến làm căn hầm như đưa võng. Anh kêu lên:
“Mẹ! Pháo của mình đấy!”.
Dung ôm ghì lấy người con trai ướt đẫm mồ hôi trộn lẫn bụi đất nồng nàn. Trận pháo qua đi, yên ắng trở lại. Long nhẹ nhàng gỡ tay cô gái đang bấu chặt đau rát, khó khăn lết đến phía miệng hầm chật hẹp. Và không kịp giấu cảm xúc, anh rên lên:
“Mẹ nó! Pháo lật đá chèn cứng cửa hầm rồi!”.
Dung không nói gì ngoài một tiếng thở dài. Long mệt mỏi quay về chỗ cũ, cố ngồi thu mình, nhường một chỗ nằm, trấn an:
“Em cố ngủ một giấc... Đợi biệt kích rút xa chút nữa, tôi sẽ mở lối ra”.
“Nằm xuống đi... Anh cần lấy sức... Cũng không chật lắm đâu...”.
Thật ra cả hai đều không tin mình sẽ thoát. Anh nằm xuống. Hai người như quắp vào nhau. Họ nằm im như thế không biết bao lâu. Long nghe nhịp đập bất thường của hai trái tim gần kề, vừa đau đớn vừa cháy bỏng. Bỗng cô gái trở mình, sờ soạng tìm bàn tay anh, áp chặt bàn tay anh lên ngực mình phập phồng, thì thào đứt quãng:
“Anh... người phụ nữ của anh đây... yêu em đi...”.
Ba ngày đêm sau đó một đơn vị bộ đội tình cờ phát hiện, cứu sống hai người trong tình trạng hôn mê. Phải một tuần nhập viện Long mới được các bác sĩ cho phép trở lại đơn vị. Anh vui mừng biết tin Dung còn sống, đang điều trị tại bệnh xá đặc khu bên tả ngạn sông Sêrêpôk. Còn yếu, Long vẫn cắt rừng, vượt sông tìm “người phụ nữ của mình”.
Cô y tá tên Hạnh vui vẻ dẫn đường. Long bồi hồi bước đến cạnh giường bệnh với gói quà và nhánh hoa rừng trên tay. Linh tính giúp cô gái đang ngủ thiêm thiếp mở choàng mắt nhìn anh.
“Dung!”.
Môi cô gái run run:
“Anh gọi?”.
“Phải, anh đây mà, Long đây!”.
Cô gái bối rối liếc mắt sang y tá đứng cạnh:
“Chị Hạnh... Chắc có sự nhầm lẫn...”.
Rồi cô khép mắt, tiếp tục giấc ngủ, như muốn cắt đứt câu chuyện không liên quan. Hạnh cũng bối rối không kém. Cô đủ nhạy cảm để nhận ra điều gì bất thường vừa xảy ra:
“Xin lỗi...”.
Long ngơ ngác, khẽ lắc đầu, rồi quầy quả bỏ đi. Y tá Hạnh chạy theo anh. Nhưng đến cửa phòng cô ngoảnh lại và vô tình bắt gặp Dung đang kín đáo nhìn theo bóng Long mất hút. Giọt nước mắt lăn chầm chậm trên má nhợt nhạt thay cho mọi ngôn từ. Ra đến cổng bệnh xá, Hạnh nhác trông thấy Long vừa gặp một người quen đang đi vào và câu chuyện của họ lọt vào đôi tai thích hóng hớt của cô.
“Long!”.
“Anh Văn! Lâu quá mới gặp. Thủ trưởng thăm ai đấy?”.
“Vợ sắp cưới. Bậy quá, mình chưa báo tin cho các cậu... Còn cậu?”.
“Em thăm một người quen nhưng... xuất viện rồi”.
Văn nheo mắt:
“Nam hay nữ?”.
“Nữ. Nhưng...”.
Văn cười to, vỗ vai chàng sinh viên mà anh từng được phân công tiếp nhận bên bờ Sêrêpôk cách đây ba năm.
“Thôi, mình vào”.
“Hẹn gặp lại”.
“Chắc rồi. Thế nào mình cũng tạt qua đơn vị mời các cậu dự đám cưới!”.
Văn mạnh mẽ đi vào. Dáng anh vẫn to cao, nhanh nhẹn như ngày nào. Bỗng Long gọi với:
“Chị ấy tên gì thế?”.
“Dung!”.
Y tá Hạnh giật thót, hai tay bất giác ôm lấy ngực. Một cảm giác mạnh dâng trào trong cô, vừa hồi hộp vừa sung sướng như nhặt được của rơi. Nhưng cô đỏ mặt trước cảm xúc ấy khi trông thấy vẻ mặt thảm hại của Long. Cô muốn chạy đến nói cho anh biết về giọt nước mắt của Dung. Nhưng rồi không dám.
*
Phải 25 năm sau, khi bác sĩ Hạnh nhận một bệnh nhân nhồi máu cơ tim từ Vườn Quốc gia Yorkdon chuyển viện ra Hà Nội là kỹ sư Long, thì câu chuyện về giọt nước mắt thầm lặng kia mới được “xuất bản”. Qua Hạnh ông Long biết Văn đã hy sinh ở chiến trường Campuchia và hơn thế, còn cho ông địa chỉ của Dung...
Ông Long xin phép cô gái thắp một nén nhang lên bàn thờ Văn:
“Ba của cháu từng là thủ trưởng của chú trong chiến tranh”.
Ý nghĩ mình có một đứa con với Dung bên bờ Sêrêpôk mà ông nặng lòng nuôi dưỡng trong suốt 25 năm qua chợt thanh thản lạ thường. Hình như ông vừa nói “ba của cháu” thì phải... Ông Long bảo:
“Thế là chú mãn nguyện rồi... Chú đi đây, không chờ mẹ cháu được...”.
Ông Long tiếc nuối ngay khi vừa ra khỏi căn hộ ấm áp. Tiếc nuối gì thì không rõ. Nhưng ông lại thầm mong không gặp Dung trên hẻm phố yên tĩnh. Ông cũng không quay về bệnh viện mà gọi taxi ra thẳng bến xe liên tỉnh lấy vé trở về với dòng sông Sêrêpôk. Xe lăn bánh, ông mỉm cười với ý nghĩ: Cô Hạnh lắm chuyện sẽ thất vọng vì không hóng hớt thêm được chuyện gì từ trái tim yếu ớt của ông, từ giọt nước mắt thầm lặng của Dung.