Châu ngồi lặng như thế đã lâu, sau khi tiễn bà con và láng giềng đến dự ngày giỗ đầu của chồng. Tránh chạm phải mắt Phan, cô nghiêng nhìn ra cửa sổ, dõi trông những cánh cò đáp xuống rồi bay lên đã nhiều vòng trên cánh đồng hẹp chạy dài tựa dòng sông giữa làng Cự Nẫm và khu rừng mới trồng sau năm 1975. Hoàng hôn phủ nhẹ lên gương mặt Châu lớp bụi sáng vàng dịu, giúp xóa đi phần nào vết trầm của thời gian hay ít ra nó cũng làm cho gương mặt cô phảng phất gương mặt cô gái Quảng Bình 18 tuổi cách đây 30 năm trong mắt Phan, vào cái lần đầu tiên hai người giáp mặt nhau trên bến sông, cũng trong ráng chiều hanh vàng thế này. Nhưng hôm ấy thay vì đàn cò trắng là lũ máy bay Mỹ đen xám gầm thét thay nhau bổ nhào cắt bom đánh chặn điểm đầu của con đường đổ quân vào miền Nam. Hai người cũng ngồi cách nhau có sải tay thế này trên chiếc xuồng tam bản chòng chành. Châu bặm môi quẫy chèo vượt sông, mạnh dạn nắm lấy tay Phan kéo xốc lên bờ, kéo tuột vào căn hầm gần đấy, dúi vào nhau chịu đựng trận bom tưởng chừng không bao giờ dứt…Thật ra cuộc không kích diễn ra chưa tới mười phút. Nhưng mãi đến lúc các cột khói bom đã hòa lẫn cùng sương trắng dưới ánh trăng khuya mơ mòng hai người mới rứt được nhau, rời khỏi căm hầm, tìm đường vào làng Cự Nẫm. Những gì đã thì thầm vào tai nhau, đã cho nhau, chỉ có cô dân quân Quảng Bình và anh bộ đội quê Thái Bình biết. Tờ mờ sáng, Phan tìm được đơn vị, lập tức lên đường vào Nam, vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Hành trang của anh nặng thêm một lời hẹn ước trở lại Cự Nẫm.
Phan không muốn Châu nhìn mãi những cánh cò bay lên, đáp xuống. Anh cũng không muốn mình gặm nhấm mãi nỗi đau thời trai trẻ đúng vào lúc này. Sau tiếng đánh hắng khàn đục, Phan chậm rãi:
“Châu à, anh về đây…”
Người đàn bà hốt hoảng rời bỏ tư thế của kẻ trốn lánh bản thân, ngoảnh lại:
“Tối rồi, anh?”
“Ờ, đây xuống Đồng Hới có hai mươi cây số thôi mà, cậu xe thồ chờ anh ngoài quán nước cũng lâu lắm rồi, sớm mai anh đón xe về Hà Nội…”
Rồi như sợ không làm nổi điều vừa nói ra lời, Phan đứng lên, chống nạng bước đến bàn thờ vẫn nghi ngút khói nhang. Anh nhìn lên bức di ảnh. Gương mặt của anh từ trên bàn thờ đang nhìn trả lại anh. Ánh mắt cười cười, không vui-không buồn-không giận. Phan rưng rưng nước mắt thắp thêm một nén nhang cho chồng của Châu, cũng là cho đứa em trai sinh đôi của mình, Khoa.
Châu không tiễn. Khi tiếng nạng gỗ xa dần, ngừng hẳn, rồi tiếng xe honda rền rĩ vút đi, cô gục đầu vào song cửa, đôi vai rung bần bật rồi dịu dần, dịu dần, thật chậm...Bên ngoài, đàn cò bốc lên khỏi mặt ruộng lúa, đảo một vòng cuối trước khi sãi cánh bay hút về phía cánh rừng đã chìm trong làn sương trắng mỏng. Châu từ từ ngoảnh lại bàn thờ. Ánh mắt Khoa cười cười, không vui-không buồn-không giận...
  ° ° °
Năm ấy, Phan vào Nam, trong vòng sáu tháng chỉ gửi hai bức thư về Cự Nẫm rồi mất hút. Đôi khi Châu cũng ngạc nhiên về mình. Chung quanh cô nhiều đàn ông muốn kết thân nhưng cô lại không thể quên gương mặt một người chỉ thoáng qua đời mình, chỉ đi ngang qua Cự Nẫm một đêm. Thế rồi trong một lần tham gia chuyển quân qua sông Châu rơi vào luồng bom B52. Tuy sống sót nhưng cô bị truỵ thai và lãng trí, có lúc lên cơn như người điên dại. Hai năm sau, khi bệnh tình của Châu ngày càng nặng thì Phan đột ngột xuất hiện trước sân nhà. Cô lao ra “cắn xé” anh trước mặt mọi người cho hả nỗi nhớ, nỗi hận. Thực ra người đóù là Khoa, em sinh đôi của Phan, đang vào chiến trường miền Nam, và cũng sẽ ở lại Cự Nẫm một đêm trước khi nhập vào đường Trường Sơn. Ban đầu, Khoa chẳng hiểu gì, phát ngượng trước cơn điên của cô gái, muốn đẩy thoát. Nhưng khi nghe cô gái luôn miệng kêu khóc “Phan ơi, Phan ơi, sao anh nỡ bỏ lại em một mình...” thì hiểu ra. Chính Khoa cũng đang muốn tìm tin tức của người anh được xem là đã hy sinh tại Khe Sanh...Và Khoa đã im lặng, đã thay anh mình làm dịu nỗi đau của cô gái làng Cự Nẫm mà anh gọi là “làng một đêm”...Lần này, chiến tranh đã cho Khoa giữ được lời hẹn với Châu. Anh trở về với ba sự thực. Thứ nhất, anh là ai. Thứ hai, Phan đã hy sinh. Thứ ba, anh yêu Châu.Châu như hồi sinh, vượt qua bệnh tật một cách kỳ diệu. Nhưng sau năm 1975, sự thực thứ hai được cải chính: Phan chỉ bị thương, bị bắt làm tù binh.

*

Châu nhìn thật sâu vào đôi mắt Khoa. Và cô nhận ra thật ra ánh mắt Khoa có gì khác với ánh mắt Phan. Bàn tay Châu khẽ vuốt ve gương mặt chồng sau lớp kính. Và chiếc khăn điều được cô nhẹ nhàng phủ lên bức di ảnh.

Xem Tiếp: ----