Theo kế hoạch, đoàn văn nghệ sĩ hội văn nghệ của tỉnh đi thực tế sáng tác lần này sẽ dừng chân tại thành phố biển Nha Trang trước tiên. Tiếp theo là những di tích lịch sử cách mạng, lịch sử, văn hóa trên dọc đường đến cố đô Huế. Thành phố sương mù Đà Lạt sẽ là nơi tham quan sau chót trước khi trở về điểm xuất phát. Gần mười chỗ trong vòng mười ngày. Nhà văn Mã Tiến Châu đùa: “Bình quân mỗi chỗ một ngày. Mấy cha họa sĩ, nhiếp ảnh còn hi vọng kiếm được chút cháo chứ cánh văn Minhhọc thì trớt huớt, coi như cưỡi ngựa xem hoa”. Quốc Nam cãi: “Bố làm như chụp ảnh dễ lắm vậy. Nhà văn nhà thơ của bố hễ có cảnh là có tình, còn bọn tui đâu phải cảnh nào chụp cũng được, vẽ cũng được”. Nhà văn nữ Lệ Quân đốp chát: “Tức cảnh sinh tình là mấy nhà thơ kìa ông ơi”. Chị trưởng đoàn trấn an: “Để cho không ai bị thiệt thòi, kế hoạch có thể thay đổi tùy theo tình hình. Đại khái nơi cần thiết thì ở lâu, nơi không cần thì ở vài tiếng đồng hồ là được”. Đoàn có hai mươi người. Sáu nữ, bốn bà, hai cô. Già nhất là hai cụ Bình Sơn và Quang Lê đã thất thập cổ lai hi. Vui vẻ, dễ tính nhất là nhà văn Mã Tiến Châu vừa tròn sáu chục cái xuân xanh. Ông vui vẻ, dễ tính đến đỗi bạn bè gọi là Mã giám sinh vẫn không giận. Dù mang cái biệt danh đó nhưng ông không thuộc loại “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” mà có dáng dấp và cốt cách phong trần của người nghệ sĩ “lăn lóc gió sương”. Trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp văn chương ông không bao giờ hấp tấp, ồn ào mà âm thầm, rỉ rịt như con dơi quạ đêm đêm bay đi khắp nơi kiếm tìm trái chín. Trẻ nhất là nhà thơ nữ Huyền Trân. Mười chín tuổi, mười một tháng, hăm bốn ngày. Nếu chuyến đi chậm sinh nhật lần thứ hai mươi của cô sẽ ở Huế, còn đi nhanh thì ở thành phố ngàn hoa. Huyền Trân xuất hiện khá sớm và nổi lên như một hiện tượng. Mười bốn mười lăm tuổi đã có thơ đăng rải rác trên các tờ báo của tuổi mới lớn, tuổi học trò rồi dần dần tiến đến các tạp chí văn nghệ địa phương và trung ương. Mười bảy tuổi đoạt giải A cuộc thi thơ dành cho những cây bút trẻ do một tờ báo lớn ở TP.HCM tổ chức. Cùng năm ấy lại đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sang năm mười tám tuổi xuất bản tập thơ đầu tay. Do dư âm của hai cuộc thi thơ năm trước còn vang vọng như một lời khẳng định nên tập thơ được độc giả đón nhận nhiệt tình, nhất là độc giả cùng lứa tuổi với tác giả, khiến nhà xuất bản phải in thêm mấy lần. Còn trẻ mà thành công vang dội, Huyền Trân sinh ra kiêu ngạo, “mục hạ vô nhân”. Khá nhiều người bất bình, thẳng thắn đóng góp, phê phán nhưng cô coi như pha. Ông Châu thì nhỏ to tâm sự rồi nhẹ nhàng nhắc nhở bằng lời Phật dạy: “Sai lầm lớn nhất đời người là tự đánh mất mình và thất bại lớn nhất đời người là tự cao tự đại đấy cháu”. Thật bất ngờ, Huyền Trân khải ngộ như ngài Huệ Năng sau khi nghe câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang. Từ đấy cô xem ông như “nhà tư vấn” về những vấn đề thuộc các lĩnh vực tâm lý, tình cảm, xã hội. Mỗi lần gặp chuyện rắc rối, khó xử cô đều tìm đến ông nhờ “gỡ rối”. Tình cảm giữa cô gái trẻ đẹp và ông già từng trải nảy sinh, phát triển tốt đẹp từ những chuyện ấy. Do làm bìa tập thơ của Huyền Trân nên họa sĩ Hoài Phương trở thành bạn thân của nhà thơ trẻ. Hai người thường vào các di tích văn hóa tìm dấu vết lịch sử một thời vàng son của vùng đất học Long Hồ Dinh. Hoặc sóng đôi dạo mát trên công viên sông Tiền vào những chiều đẹp trời hay lên cầu Mỹ Thuận ngắm cảnh sóng nước về đêm. Trong những lần dự trại sáng tác ở miền quê, cô cậu luôn tách khỏi đoàn tìm nguồn cảm hứng trong những mảnh ruộng miếng vườn vắng vẻ. Nhìn họ quấn quít bên nhau như bướm với hoa, anh chị em hội viên tin tưởng sẽ nhận được thiệp hồng của họ nay mai. Một lần, trong phòng triển lãm tranh tập thể tại hội, Hoài Phương đề nghị với Huyền Trân: “Hay em làm người mẫu cho anh đi, Huyền Trân?”. Nàng nhìn lên bức tranh của chàng vẽ một thiếu nữ trẻ đẹp mặc áo dài trắng, ngồi tréo ngoảy, hai bàn tay úp trên đầu gối, nói: “Chẳng phải anh đã có người mẫu rồi đó sao? Cô ta cũng khá xinh và ngây thơ quá đi chứ?”. Chàng cười: “Cô ta xinh thật nhưng đâu bằng em. Nếu em chịu làm người mẫu anh sẽ vẽ em đẹp hơn cô ta gấp trăm lần. Tuy nhiên, nói chơi với em cho vui chứ cô ấy do anh thai nghén đẻ ra, hay nói cách khác thì đấy chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng thôi”. Nàng nheo mắt lém lỉnh: “Tưởng tượng sáng tạo hay tái tạo?”. Chàng ngơ ngác: “Em nói gì anh không hiểu, Huyền Trân?”. Đến phiên nàng ngạc nhiên: “Anh không hiểu thật hay đùa, Hoài Phương?”. Trông anh ta cũng có vẻ trí thức, những bức họa cũng có hồn mà tệ thế sao? Phải rồi, có lẽ do anh ta quá chú trọng vào lĩnh vực hội họa thành ra bỏ quên lĩnh vực tâm lý chớ gì. Kể ra cũng đáng thương. Nghĩ thế nên nàng vui vẻ giải thích thuộc tính tâm lý trên cho chàng nghe. Chàng khẳng định: “Bạn gái không có thì lấy đâu ra để tái tạo!”. Nàng trề môi xí dài: “Xạo! Một họa sĩ tài năng và thành đạt mà không có bạn gái thì ai tin cho?”. “Nhiều người cũng nghĩ như em nhưng sự thật vẫn là sự thật, Huyền Trân ạ”. “Nè, dối trá là tội vọng ngữ, là sự dốt nát lớn nhất đời người đó nha”. “Em học được những lời đó ở đâu vậy?”. Nàng hãnh diện: “Chú Châu, nhà tư vấn tuyệt vời của em. À, em biết rồi. Không phải anh không có bạn gái mà vì các người đẹp không dám làm bạn với anh do họ sợ anh “lần khân hóa ra sàm sỡ”, đúng không?”. Nói xong Huyền Trân cười ré lên thích thú. Hoài Phương nhăn mặt lắc đầu nhưng trong bụng rất vui. Yêu nhau lắm cắn nhau đau mà! Cái suy nghĩ chủ quan đó lại được Huyền Trân củng cố khiến Hoài Phương càng lạc quan. Nàng nhận lời làm người mẫu với điều kiện không chịu vẽ khỏa thân. Dĩ nhiên Hoài Phương “cung kính không bằng tuân lệnh”. Có người mẫu, tài năng chàng họa sĩ như hổ mọc thêm cánh. Chàng sử dụng và diễn tả màu sắc, ánh sáng càng lúc càng tinh tế, đầy sáng tạo. Rực rỡ, vui tươi, trong veo như thủy tinh. Hoàn tất bức chân dung Huyền Trân có gương mặt rộng mở, thân thiện và sinh động, Hoài Phương treo bức tranh vào nơi trang trọng nhất trong phòng rồi mời người đẹp đến chiêm ngưỡng, trắc nghiệm. Sẵn dịp, chàng họa sĩ si tình bèn trút hết bầu tâm sự với nàng. Nàng cười hích hích: “Gì gấp vậy? Có cần sớm thế không?”. Chàng bối rối: “Anh xin lỗi. Coi như anh chưa nói gì với em. Anh hiểu rồi. Thời gian càng dài thì tình cảm sẽ càng tốt hơn”. Nàng lắc đầu khá lạnh lùng: “Không hẳn vậy đâu, Hoài Phương!”. Bị hụt hẫng, chàng tìm đến “nhà tư vấn Mã giám sinh”. Ông hứa giúp đỡ anh ta. Huyền Trân cười hô hố: “Có phải chú không vậy, chú Châu? Chú đổi nghề hồi nào mà Trân không hay ta ơi, ngộ ghê”. Đoàn đến Nha Trang lúc chạng vạng tối. Sáng ngày sau, bảy tám nghệ sĩ nhiếp ảnh rời khách sạn kéo nhau ra bãi biển khá sớm để săn tìm ảnh đẹp lúc bình minh. Lát sau, ông Châu cùng mấy người bạn già cũng xách máy ảnh du lịch lót tót đi theo. Đang vào mùa hè, ngày dài đêm vắn, sáng trắng rồi mà mặt trời vẫn chưa lên. Mấy hòn đảo ngoài khơi còn mờ mờ trong màn sương xám đục. Vài chiếc thuyền nhẹ như lá khô trôi chầm chậm trên mặt nước lặng trang. Để giết thời giờ đợi mặt trời lên, đám nghệ sĩ ngồi chùm nhum trên cát uống rượu đế với khô mực. Không có ly, họ rót rượu vào cái ống nhựa đựng cuộn phim. Mỗi người một ống. Nhậu đã rồi tắm. Tắm đã rồi nhậu. Cánh đàn bà con gái kéo nhau ra biển khi mặt trời lên khoảng một tầm trên đỉnh đảo ngoài khơi. Năm người mặc đồ gọn nhẹ, Huyền Trân khoác chiếc áo choàng. Họ ngồi cách đám đàn ông mươi thước. Một chị sồn sồn bước xuống nước đi tới đi lui rồi trở lên nói với những người trên bãi: - Không lạnh lắm, tắm được. Huyền Trân đứng dậy, trút bỏ chiếc áo choàng, phô bày thân hình lồ lộ trong bộ đồ tắm bikini màu sắc sặc sỡ, yểu điệu đi xuống biển bơi lặn tự nhiên trong làn nước xanh trong leo lẻo như nàng tiên cá. Tất cả ánh mắt của đàn ông lẫn phụ nữ đều dán vào ngoại hình đáy thắt lưng ong vòng mông đầy đặn của cô. Nó vừa đẹp, vừa khỏe mạnh và ngon lành, hấp dẫn như trái lê chín. Ông Châu chép miệng: - “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà; rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Quốc Nam chắp tay xá xá trước mặt ông Châu: - Con lạy bố. Của thằng Hoài Phương chớ đâu phải của trời mà bố thèm hả bố? Ông Châu cười hì hì: - Yểu điệu thục nữ quân tử hiếu cầu. Vả lại chừng nào cô Trân chưa đăng ký kết hôn thì chừng đó cậu cũng có quyền tán tỉnh chinh phục, nếu cậu muốn và có cơ hội. Quốc Nam ngó dáo dác tìm kiếm: - Con Trân ở đây còn thằng Phương đi đâu rồi ta? - Nó đi vẽ trên tháp bà Ponagar - Trọng Phúc đáp - Mà mày kiếm nó chi vậy? Bố Châu nói không phải sao mày cứ thắc mắc hoài vậy mậy? Phạt mày một ống về tội ngoan cố. Trọng Phúc rót một ống rượu phạt Quốc Nam, bố Châu cũng được thưởng một ống. Những người còn lại đều hưởng ứng rất vui. Mấy cậu nhiếp ảnh trẻ lấy máy chỉnh khẩu độ, ánh sáng, gắn têlê chờ cơ hội chụp lén Huyền Trân. Mấy cậu nhát quá. Cứ đến đề nghị thẳng với người đẹp chắc chắn sẽ được chụp công khai chớ tội gì chụp lén. Chiều. Hoài Phương mời Huyền Trân ăn cơm (đi chuyến này tất cả hội viên được ứng tiền ăn uống tự túc). Họ vào trong cái quán thuộc loại thường thường bậc trung nhưng có đầy đủ các món đặc sản biển. Hoài Phương cầm tờ thực đơn xem tới xem lui, miệng lẩm bẩm: - Các món hải sản giờ này chắc chắn không còn tươi. Người ta lại hay trộn phân urê vào nước đá ướp lạnh rất có hại cho sức khỏe. Cơm gà vịt thì sợ nhiễm cúm H5N1, bò thì sợ lở mồm long móng. Chỉ có heo là an toàn. Hoài Phương kêu hai đĩa cơm sườn, hai ly trà đá. Rõ chán! Vượt đoạn đường năm sáu trăm cây số ra đây để... ăn cơm sườn, uống trà đá! Huyền Trân ráng nuốt cũng chỉ được hai phần đĩa. Ăn xong, Hoài Phương rủ đi dạo chợ Đầm, cô từ chối: - Cảm ơn anh. Do không quen tắm biển, lại tắm sớm nữa nên cơ thể em bị dị ứng muốn sốt nãy giờ. Anh đi đi, em phải về khách sạn mới được. Nhìn đĩa cơm còn bỏ mứa, Hoài Phương lo lắng: - Để anh đưa em đi mua thuốc rồi đưa em về? - Thôi khỏi, em có đem thuốc theo. Em về một mình được, anh cứ tự nhiên. Chúc vui. Huyền Trân đứng lên một cách dứt khoát, bước ra đi không ngoái lại một lần. Không có người đẹp bên cạnh, Hoài Phương cảm thấy cô độc như Robinson trên hoang đảo. Đi một hồi thấy chán, chàng ta lững thững quay về khách sạn. Thấy cửa phòng của phụ nữ còn mở toang hoác, Hoài Phương bước vào. Trong ấy còn có ông Châu, Quốc Nam và Trọng Phúc đang xem mấy chị khoe đồ lưu niệm mới mua. Huyền Trân lấy chiếc vòng cẩm thạch màu xanh có điểm vân trắng bóng mượt của chị trưởng đoàn mân mê, trầm trồ: - Chiếc vòng đẹp quá! Bao nhiêu vậy cô? - Đâu Trân đoán thử coi? Chị trưởng đoàn bảo. - Con chịu. Chắc mắc lắm hả cô? - Cũng không mắc lắm. Hai trăm ba chục ngàn. Rẻ hơn trong mình chút đỉnh. Thấy Hoài Phương đi vào, Quốc Nam vọt miệng galăng giùm bạn: - Tay Huyền Trân đeo chiếc vòng này đẹp hết sẩy. Đâu đeo thử coi Trân? Nếu vừa sẽ có người mua tặng cô ngay, hén Hoài Phương? Nhiều ánh mắt đổ dồn về chàng họa sĩ. Bị chiếu tướng bất ngờ, chàng hơi lúng túng, mặt mày chai ngắt như cái bánh phồng nếp nướng thiếu lửa. Chàng cố tạo nụ cười che giấu nhưng càng cố càng lộ rõ nét gượng gạo. Huyền Trân nhíu mày khó chịu. Cô rất thích chiếc vòng và định đeo thử nhưng vừa chúm năm ngón tay lại thì nghe lời nói của Quốc Nam lập tức tự ái nổi lên bèn trả chiếc vòng về chỗ cũ. Vấn đề không chỉ là tình cảm mà còn liên quan đến danh dự. Nếu làm như lời anh ấy chẳng khác nào hạ mình xin xỏ người ta cho người ta coi thường, khi dễ! Ông Châu mỉm cười ý nhị rồi lặng lẽ rút lui. Sinh nhật lần thứ hai mươi của Huyền Trân sau một ngày đoàn đến Huế. Ở nơi xứ lạ quê người không có điều kiện, túi tiền đã vơi, đường về còn quá xa nên cô không thể tổ chức tiệc mừng dù bữa tiệc nho nhỏ. Hơn nữa, nếu tổ chức các cô chú, anh chị trong đoàn sẽ đến dự và mua quà tặng tốn kém khi mà túi tiền của họ cũng có hạn như cô. Tuy bất khả kháng nhưng Huyền Trân vẫn cảm thấy buồn. Sáng ngày ấy đoàn đi tham quan lăng Tự Đức, còn ông Châu mời Huyền Trân sang Gia Hội ăn bún giò. Hai người vừa ăn vừa trò chuyện. Huyền Trân chợt hỏi: - Chú đi Khiêm Lăng không? - Không, chú có đến đấy rồi. Vả lại còn tranh thủ thăm vài người bạn. Sao? Bún ngon không? - Ngon. Nhưng hơi cay. Vừa ăn vừa... khóc - Huyền Trân nói vui. - Huế có hai chỗ bán bún giò ngon nổi tiếng, một ở đây, một ở chợ Tuần. Dân xứ này thường dùng ớt khô xay nhuyễn, khi ăn Trân nhớ kêu họ bỏ ít ít. - Bộ chú đến đây nhiều lắm sao rành dữ vậy? Còn món nào ngon nổi tiếng nữa không chú? - Lần này là lần thứ hai. Huế có khá nhiều món ăn thuộc hàng dân dã nhưng đậm đà hương vị khó quên. Hôm qua Trân đã ăn cơm hến, nay ăn bún giò. Chiều, chú sẽ đưa Trân đi ăn bánh bèo Ngự Bình, bánh ướt thịt nướng Kim Long. Đi nhé? - Dạ! - Tuy nhiên, Ngự Bình và Kim Long cách nhau khá xa nên chú sẽ đưa Trân đến nhà hàng Kinh Đô ở An Cựu cũng ngon không kém. Huế còn nổi tiếng với các món chè bột lọc bọc thịt quay, chè hột sen bọc long nhãn, chè đậu huyết, đậu ván, đậu ngự. Đêm hè nóng nực mà ăn chè Huế sẽ mát mẻ như đi dạo trên đôi bờ sông Hương. Nếu không có gì trở ngại, sau khi ăn bánh bèo, bánh ướt thịt nướng xong, chú sẽ đưa Trân vô thôn Vỹ Dạ vừa thưởng thức chè vừa nghe ngâm thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, chịu không nào? Huyền Trân reo lên: - Hoan hô chú! Trân đồng ý cả hai tay! Ngoài Hàn Mặc Tử, cháu cũng rất hâm mộ Chế Lan Viên, nhất là bài thơ Điêu tàn. Hôm ở thánh địa Mỹ Sơn, chú ca bản Hận Đồ Bàn rất hay, cháu nghe buồn muốn khóc vậy đó. Ông Châu mỉm cười ý nhị. Đa sầu, đa cảm và cả... đa tình là bản chất của thi nhân. Xưa nay vẫn thế. Chiều, Huyền Trân trang điểm, ăn mặc rất đẹp. Ông Châu cũng tươm tất hơn ngày thường, cổ có thêm chiếc cà vạt đỏ nổi bật lên trên nền chiếc áo sơmi dài tay màu vàng lợt. Hai người ngồi chung một chiếc xích lô đến nhà hàng Kinh Đô lộng lẫy, vào trong chiếc bàn cạnh quầy. Cô gái ngồi trong quầy liếc mắt nhìn Huyền Trân, mỉm cười gật đầu chào hai người. Ông Châu nheo mắt với cô ta. Cô ta lập tức bưng chiếc bánh kem hai tầng ra đặt trên bàn rồi trở vô mang bó hoa hồng trao cho ông Châu trước sự ngạc nhiên của Huyền Trân. Ông Châu nhìn Huyền Trân cười nụ, ôm bó hoa tặng cô. Cô đỡ bó hoa bằng hai tay, mắt vẫn không rời ông Châu. Tiếp theo, ông thò tay vào túi quần lấy cái hộp nữ trang đựng chiếc vòng cẩm thạch, to hơn, đẹp hơn chiếc vòng của chị trưởng đoàn, mở ra nói: - Mừng sinh nhật thứ hai mươi của Huyền Trân. Huyền Trân đứng ngây người nhìn ông Châu. Ông nâng bàn tay cô lên, nhẹ nhàng đặt cái hộp vào đấy. Cô chớp mắt xúc động nói lí nhí: - Sao... sao biết hôm nay là sinh nhật của... của Trân mà chuẩn bị chu đáo quá vậy? Ông Châu không trả lời, đưa mắt trìu mến nhìn Huyền Trân, kéo nhẹ tay cô ngồi xuống rồi lấy chiếc vòng, cầm tay cô âu yếm đeo vào. Đôi mắt cô không bỏ sót một động tác nào của ông. Khi chiếc vòng nằm vào vị trí của nó, cô tình tứ nhìn ông, ngọt ngào hỏi: -... Mua bao nhiêu vậy? Có mắc lắm không? Ông Châu lắc đầu nhè nhẹ, đưa tay mời Huyền Trân thổi nến, cắt bánh. Tiệc mừng sinh nhật được bổ sung hai đĩa bánh bèo, bánh ướt thịt nướng đầy ắp và một chai rượu nho. Tiệc tan, sau khi rời nhà hàng Kinh Đô, không biết hai người có vô thôn Vỹ Dạ ăn chè, nghe ngâm thơ hay không mà suốt đêm đó không ai thấy họ trở về khách sạn.