“NHỮNG CON SỐ GẦY GÒ GÁNH THÁNG NGÀY LẬN ĐẬN”. (Linh Quang).
Cầm cuốn sổ chi tiêu Biết mùa đông đến sớm Những con số gầy gò Gánh tháng ngày lận đận. Cầm cuốn sổ chi tiêu Biết đêm dài mẹ thức Những con số căng mình Chia đều tình của mẹ. Cầm cuốn sổ chi tiêu Biết đường còn xa lắm Những con số toả rộng Bóng mát mẹ che con.
Đã từ rất xưa, nhưng tiềm thức trong tôi vẫn vang vọng một câu chuyện tuyệt vời về tấm lòng người mẹ. Chuyện kể về một chàng trai, do một lời từ chối ác nghiệt của người con gái: “Em muốn có trái tim của mẹ anh”, để rồi sự nông nổi và bồng bột cộng với tình yêu điên dại dành cho cô gái, chàng trai đã trở về nhà và nhẫn tâm lấy đi trái tim của người mẹ đã hết mực yêu thương anh. Gã như trong cơn mê, hấp tấp đến với cô gái khi trái tim người mẹ vẫn còn đang nóng hổi, thổn thức trong tay. Chẳng biết có phải tính người đang trỗi dậy trong gã, hay là vì một điều gì khác, gã ngã sóng soài trên đường đi. Đau lòng biết bao, căm ghét biết bao nhưng cũng thật nhân văn biết chừng nào, trái tim người mẹ trong tay gã bỗng cất lên tiếng nói rất đỗi dịu dàng, che chở: “Con trai của mẹ, con ngã có đau không?”. Cả câu chuyện là những sự đối lập, phủ định đen xen tiếp nối: căm giận và yêu thương, tình yêu và tội ác đã tạo nên một khối mâu thuẫn vò xé lòng người. Mỗi chúng ta, ai cũng sinh ra từ mẹ, lớn lên từ những lời ru và trưởng thành từ những “con số gày gò gánh tháng ngày lận đận” kia. Nhưng những con số ấy không chỉ để thực hiện phép cộng hoặc trừ. Mà nó còn giúp ta hiểu và đồng cảm được những âu lo vất vả đang hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người mẹ đang cầm trên tay những cuốn sổ chi tiêu. Chuyện của những con số, tôi muốn bạn biết rằng, vẫn còn những con số khác, nó liên hệ mật thiết với “những tháng ngày lận đận” của mẹ, với những nếp chân chim đang dần hiện rõ trên gương mặt mà con mãi kính yêu. Đó chính là những con số của cả một đời người. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, kẻ vô tâm thì cho rằng đó chỉ là quy luật của cuộc sống, nhưng người nặng tình thì sẽ thực sự sẻ chia. Biết bao nhiêu nỗi lo, biết bao nhiêu niềm khắc khoải, mong chờ của một thiên chức vĩ đại trong thế giới loài người. Và bạn, bạn chọn là thế cực nào trong hai nhóm như trên? Dĩ nhiên, tôi tin chắc bạn cũng như tôi. Và còn nữa, Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Sự tiếp nối liền mạch của những tháng ngày đầu tiên ấy, tình yêu thương vô bờ của mẹ đã giăng đầy trên những bước chân chập chững đầu tiên của con. Bước chân ấy, ngày mai, con sẽ bước vào đời. Cũng như mọi người, tất cả những gì của tôi đều là của mẹ, và tất cả những gì của mẹ cũng như là của tôi. “Gia tài” mẹ cho tôi lớn nhất là sinh ra tôi ở trên đời này và “gia tài” lớn nhất tôi kính tặng cho mẹ là tất cả những gì thiêng liêng nhất mà tôi không gọi được thành tên. Vâng, những con số căng mình lên chia đều tình của mẹ, nó giữ lại cái vất vả gian lao và cho con những thương yêu trìu mến. Hiện hữu trong con lúc bình yên nhất cũng như lúc sóng gió nhất là bóng dáng mẹ đổ cùng thời gian với bao hy sinh vất vả để phần ngọt ngào mẹ lại dành trọn cho con. Thời gian trôi, con ngày một lớn khôn thêm, tuổi thơ yên bình của con cũng là chuỗi ngày vất vả gian lao của mẹ. Để đến khi đã trưởng thành, hình bóng mẹ vẫn mãi ở bên con. Ngày xưa, các bậc tiền bối đã từng nói: Tam thập nhi lập (Ba mươi tuổi, con người ta tự đứng trên đôi chân của mình để lập nghiệp); Ngũ thập tri thiên mệnh (Năm mươi tuổi thì hiểu được mệnh trời), dẫu rằng với con ngày ấy còn chưa đến, nhưng để có ngày đó, con cần xiết bao những “tháng ngày lận đận” kia. Và rồi, xa hơn nữa, khi đã ở nửa dốc bên kia của cuộc đời, cái tuổi Thất thập cổ lai hy ấy, tất cả chỉ còn là sự hoài niệm mà thôi. Con không là hoạ sĩ để có thể vẽ một bức chân dung thật đẹp về mẹ, con không là nhạc sĩ để viết một bài ca hay nhất về mẹ, con cũng không là một nhà thơ để có một bài thơ hay tặng mẹ nhưng con là tất cả những gì giản dị nhất, chân thành nhất, những điều ấy con dành cho mẹ với tình cảm và lòng biết ơn tự đáy lòng, cũng như những con số gầy gò, giản dị mà chứa bao nhiêu tình của mẹ dành cho con. Vâng, có những lời hơn vạn lời ca, lời đó con kính yêu dành tặng mẹ để những con số kia đỡ một phần nặng trĩu.