Sáng ấy, những tiếng gõ cửa mạnh, dồn dập và dứt khoát vang lên nơi nhà ông bà cụ Kowalski. Chỉ có một mình bà cụ ở nhà. Bà cụ tái xanh mặt, đờ người, sợ phải đối mặt với một tên cướp hay một kẻ bất lương. Khi nghe giọng nói quen thuộc của nhân viên tòa thị chính, bà cụ mới yên tâm, ra mở cửa. Nhân viên ấy mặc bộ đồng phục đính nút bạc, đội chiếc nón kết tròn. Trước vẻ sợ hãi của bà cụ, ông ta mỉm cười, thông báo bằng giọng long trọng: - Hai cụ được mời đến tòa thị chính vào lúc mười giờ sáng mai, để nhận huy chương mừng năm mươi năm cuộc sống hôn nhân gương mẫu. Đây là giấy mời. Rồi ông ta chuyển giọng, vẻ thân ái hơn: - Cho phép tôi được chúc mừng. Ông ta chào theo kiểu quân nhân và rời đi Khi ông cụ trở về, bà cụ tươi cười báo ngay tin mừng: - Tôi vừa nhận được thông báo của tòa thị chính. Chúng ta được thưởng huy chương vì cuộc sống gia đình gương mẫu. Sáng mai tôi và ông sẽ ra tòa thị chính. Ông cụ nhún vai, làu bàu: - Tôi không đi - Điều gì khiến ông cáu kỉnh vậy? - Cuộc sống riêng của tôi, mẫu mực hay không, chỉ liên quan đến tôi. Chúng ta đâu có quen làm trò cười cho thiên hạ. Họ đừng có trông mong biến tôi thành kẻ lố bịch. - Kìa ông, họ sẽ giận chúng ta đấy. Tại sao lại sợ nhận lời chúc mừng của mọi người? Tôi sẽ mặc chiếc áo đẹp màu xanh biển, cổ trắng. Đã năm năm nay tôi chưa có dịp mặc nó. - Thế thì bà cứ việc đi một mình. - Đi một mình? Ông nói thế mà nghe được à? Tôi đến đó một mình để nhận huy chương mừng cuộc sống chung của chúng ta à? - Toàn là trò ngớ ngẩn! Tôi tự hỏi cái huy chương ấy sẽ giúp ích gì cho bà trong những năm tuổi già còn lại. - Tôi xin ông. Đi ra ngoài sẽ khiến chúng ta khỏe và vui hơn. - Bà đã muốn gì thì bà nhất định làm cho bằng được. Thế lễ ấy diễn ra lúc mấy giờ? - Họ bảo mười giờ. Mặt ông cụ sầm lại: - Bà biết mười giờ là giờ tôi đi dạo. Tôi không cần cái huy chương ấy. - Dù sao vẫn phải đến. Ông sẽ cạo mặt cho sáng sủa, mặc một chiếc áo sơ mi sạch, giày đánh xi bóng. Còn tôi, để hợp với chiếc áo xanh biển, tôi sẽ đeo đôi găng tay móc, ông nghĩ sao? Ông cụ lau đi lau lại cái ống điếu, không trả lời. Sau khi thổi vài hơi xem ống đã thật thông chưa, ông cụ tỏ thái độ lầm lì: - Bà cứ đi, nếu bà thích. Tôi thì không. Bà muốn tôi làm cái gì với cái huy chương ấy? Cuộc sống riêng của tôi chỉ liên quan đến tôi thôi.. Chường mặt ra chốn văn phòng rồi còn gì nữa ‚ Tôi không muốn biến mình thành tên hề, nhận những lời chế giễu sau lưng. - Ông đừng nạy cớ này nọ. Sáng mai chúng ta sẽ cùng đi. Chẳng có gì phải vội vã. Cứ như đi dạo vậy. Trong một thời gian dài, tôi chẳng nói chuyện với ai… - Bà chỉ cần nói với tôi. Tôi chẳng cần ý kiến người lạ. Nếu bà thích cứ đi một mình. - Ông đừng khăng khăng như vậy. Tôi để ông suy nghĩ đến sáng sớm mai. Hẳn ông sẽ đổi ý. Chúng ta sẽ cùng đi, chậm rãi, ngồi nghỉ một lát trên băng đá, ngắm người qua lại trước khi dự lễ. Cần phải giải trí một chút, ông khắt khe và cộc cằn quá đấy. Có đáng gì đâu mà ông lại mặt nặng như thế với tôi. Mà ông muốn giận thì cứ việc giận. Bà cụ mở ngăn kéo tủ, lấy ra chiếc áo sơ mi nam, khâu lại một cái nút, rồi lấy chiếc đầm màu xanh dương đem ra chải. Bà nói tiếp: - Ông chẳng thay đổi gì cả. Ông không bao giờ muốn tôi ra ngoài, cũng chẳng dẫn tôi đi chơi. Dạo mát, kịch, cà phê chỉ dành cho những người khác. Năm mươi năm trôi qua, cuộc sống vẫn buồn nản thế. Tôi không muốn phải trách ông, nhưng ông cũng phải thừa nhận điều này. Chỉ có một lần duy nhất ông đưa tôi đến tiệm cà phê, đúng một năm sau ngày cưới. Vậy mà lần ấy, ông không ngừng càu nhàu vì bánh ngọt không được tươi cho lắm. Cứ như là lỗi của tôi vậy. Những người chồng khác đưa vợ đi xem kịch, đi dạo, còn ông, lúc nào ông cũng đi một mình, cứ như một gã trai độc thân. Quần áo màu sáng, giày bóng lộn, cứ thế mà đi. Còn cái thân tôi chỉ có việc chúi đầu vào bếp, dọn dẹp, giặt giũ. Ông cụ nhìn chăm chú một tờ báo, giả điếc. Bà cụ nói tiếp: - Thời ấy, các chị bạn của tôi ao ước được như tôi. Họ trầm trồ: " Thật là một cặp vợ chồng hạnh phúc!". Còn tôi, tôi cắn răng, khóc thầm. Khi tàn cuộc chơi lẳng lơ, ông về nhà, làu bàu đòi cơm bưng nước rót, rồi lăn ra ngủ. Ông vay tiền và trả lãi cắt cổ cho những kẻ chuyên cho vay nặng lãi. Đương nhiên bọn chúng hết lời ca ngợi ông: " Chồng bà thật là một người tuyệt vời, một kho báu!". Tiền bạc trôi tuột khỏi nhà. Ông vung tiền bằng cả hay tay. Trong khi người vợ tội nghiệp này hết sức tính toán, dè sẻn để đủ chi tiêu, ông la cà trên đường, vung vẩy cây gậy, mồm huýt sáo, mắt liếc nhìn các cô gái đẹp. Ông có biết rằng các bà hàng xóm kể cho tôi nghe biết bao điều tệ hại về ông. Tôi chỉ biết giữ kín những chuyện này trong lòng, lặng lẽ khóc… Ông cụ buông tờ báo, hét lên: " Hôm nay bà bị con gì chích vậy? Bà lắm lời quá, tôi không có một phút yêu tĩnh nào để đọc báo. Giờ thì bà trách tôi bù khú với bạn bè, thế tôi phải làm gì? Bà không bao giờ nói một lời cho ra hồn. Óc của bà bé như óc chim. Vậy bà muốn tôi nói gì với bà? Nói với mèo còn thú hơn. Sống với bà đầu óc tôi đâm mụ mị. Khi tôi trẻ, tôi là một chàng trai đầy nhiệt tình, ôm ấp bao mộng ước, thế giới như thuộc về tôi. Thế mà bà đã làm gì tôi? Bà biến tôi thành một con bò già. Chẳng có gì khiến bà quan tâm, chỉ biết ăn với ngủ, như một con vật, chỉ khác là được khoác bộ quần áo nhàu nát. Còn tiền mà tôi tiêu, đó là tiền của tôi. Không phải à? Của hồi môn mà bà mang về gồm những gì? chỉ đúng có bộ quần áo bà mặc lúc tôi cưới bà. Người ta to nhỏ với tôi rằng gia đình bà có một tòa nhà. Tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, đâu có để ý có đến sáu kẻ thừa kế, hơn nữa thay vì một căn nhà đàng hoàng, đó chỉ là cái lều ván. Bà trách tôi thỉnh thoảng dùng một ly với bạn bè. Chẳng lẽ bà muốn tôi suốt ngày ở nhà để chịu đựng bà. Năm mươi năm trôi qua, bà đã có lần nào thốt ra một lời thông minh hay thú vị? Bà không ngừng làm tôi chói tai bằng những lời ngu ngốc của bà ". Bà cụ khóc sụt sùi: "Ông nói thế mà nghe được à, ông không sợ Thượng Đế sao? Chính vì ông mà tôi đã làm hỏng đời mình, chẳng bao giờ rời tay khỏi đống xoong nồi, chỉ vì ông lúc nào cũng ngốn ngấu ăn, còn quá con lợn. Suốt ngày tôi hết nấu đến hầm món này món nọ, còn ông chỉ biết tọng vào họng, không nói được một lời cảm ơn. Quý ông còn muốn người vợ này đọc một bài diễn văn xuất sắc, thế quý ông có bao giờ thốt ra một câu thông minh hay tử tế "? Nhiều lần tôi muốn nhờ ông giải thích cho tôi điều này, điều nọ. Tôi còn trẻ, bao nhiêu ý tưởng nẩy ra trong đầu tôi. Tôi ngước nhìn những vì sao, muốn khóc mà không hiểu tại sao. Tôi muốn biết những gì đang xảy ra trên kia và nhiều điều khác nữa. Tóm lại, tôi muốn nói chuyện với ai đó. Nhưng ông, khi tôi vừa mở lời, ông đã gắt: "Để cho tôi yên, đã đến giờ ngủ ". Những lời mà ông dành cho tôi chỉ có thế, chẳng bao giờ tôi được nghe một câu tử tế. Có lẽ ông không có gì để nói vì ông chẳng biết gì cả. Ngày đầu tháng, ông quăng vài đồng bạc trên bàn cho tôi, như cho một con ở. Còn đòi hỏi của ông thì vô chừng! Đến độ mẩu bánh tôi ăn mặn chát vì pha nước mắt, mọi món ngon để dành cho ông, để ông được vừa lòng. Cứ ăn hết đi, ông vua, chàng hiệp sĩ, ông chồng quý như vàng của tôi. Sự thể ấy kéo dài năm mươi năm đăng đẳng. Thượng Đế là chứng nhân duy nhất cho những dòng lệ buồn tủi của tôi „. Bà cụ nén tiếng thổn thức, ngẩng đầu lên: - Vậy ngày mai chúng ta sẽ cùng đi nhận huy chương chứ? Truyện ngắn của TADEUSZ ROZEWICZ ( Ba Lan )- Bích Thư dịch Nguồn PNCN 2/4/2006