Nghe tên thì tưởng hiền lành nhưng gặp rồi mới biết không phải như vậy.
Dịu không thuộc loại "sắc nước hương trời" nhưng cũng không ở mức xấu. Miệng hơi rộng, mũi hếch, mắt dài có đuôi song tóc lại đen và thẳng. Nhìn Dịu "hay hay" hơn là đưa ra một lời nhận xét cụ thể nào.
Thi đại học hai năm không đỗ, Dịu sinh ra phớt đời, hay ăn nói chỏng lỏng. Năm đầu trượt, dịu an ủi: "Học tài thi phận, năm sau làm lại". Năm thứ hai trượt, dịu thở dài "số mình không được học cao"(!). Cả hai năm đều thiếu vừa đủ một điểm, mọi người xung quanh tiếc rẻ: "Giá nó cố chút nữa…". Dịu nhếch mép cười. Một điểm thừa sức quyết định số phận nhiều người, không riêng gì Dịu.
Hiền - chị Dịu, hiền đúng như cái tên, bảo em: "Thôi, năm sau cố mà thi lại". Dịu trừng mắt: "Bà không phải xách mé tôi, nhá!". Rồi Dịu bỏ đi, mái tóc mới cắt ngắn xù lên như lông chim sẻ. Mẹ nhìn theo, mắt ngân ngấn nước và thở dài.
Nhà có hai chị em gái, mỗi đứa một tính một nết, ra đường đố ai đoán đâu là chị đâu là em. Ngày còn bé, bố hay đùa, trêu dịu là "Con hổ đội lốt con mèo". Bây giờ có nói câu ấy, Dịu không còn cười nữa mà dài giọng: "Phải… con là mèo thành tinh rồi". Dịu như biến thành người khác, cả nhà ai cũng ngại. Hàng xóm có hỏi thăm, dịu nhìn, ánh mắt đầy vẻ khó chịu, sau nhấm nhẳng nói với mẹ: "Từ nay mẹ đừng trò chuyện với hạng người ấy nữa, lúc nào cũng chỉ tìm cách soi mói vào chuyện của người khác…". Mẹ tròn mắt, không hiểu Dịu đang nói thật hay nói đùa.
Thi trượt thế là thành ở nhà. Ban ngày nằm dài trong phòng, hết đọc sách đến xem phim. Tối đến lại xách xe ra khỏi nhà, đi loanh quanh một hai vòng qua những phố trước đây thường hay qua rồi về, cứ ở trong nhà mãi cũng cuồng chân không chịu được.
Chị hiền lấy chồng rồi nhưng vẫn hay về qua nhà, mỗi lần về lại nhét vào tay dịu một ít tiền. Năm phút trước Dịu cau có: "Tôi chẳng cần bà bố thí như vậy". Năm phút sau chị Hiền về, dịu dắt tập tiền vào túi, dắt xe ra đi. Bố mẹ có hỏi thì gắt gỏng: "Con không làm gì xấu là được". Không khí trong nhà nặng như có đá đeo.
Long đến tìm Dịu, Dịu đuổi: "Ông về đi. Tôi chẳng muốn gặp ai cả". Long ngồi im, mãi sau mới hỏi được một câu: "Dịu định thế nào? Cứ như thế này mãi sao?". Dịu cũng lặng thinh, cắn môi suýt chảy máu. Long đang đụng đến điều mà dịu không dám nghĩ tới. Kiêu hãnh và tự tin như Dịu tưởng không bao giờ biết thất bại, vậy mà… thực tế lại quá phũ phàng. Dịu quát lớn: "Ông về đi! Ở đây lải nhải gì nữa tôi đánh đấy. Long không chịu về, có lẽ dịu dám đánh thật! Ngày xưa đi học Dịu đã từng đánh nhau với một thằng con trai đến chảy máu mũi chỉ vì tranh nhau một chỗ ngồi. Giờ chắc cũng chẳng nói đùa. Long thất thểu ra về, vẫn không tin Dịu thay đổi đến vậy! Long về rồi Dịu lại xách xe ra đi. Lao xe ầm ầm trên đường như một con điên, Dịu cảm tưởng như nước mắt sắp trào ra trên mặt. Long vẫn là Long của ngày xưa, hiền lành và luôn quan tâm đến người khác. Long học sư phạm, ra trường chắc chắn sẽ có tương lai. Còn Dịu, tay trắng đến giờ vẫn tay trắng (!)… Có tiếng đàn bà lóe xóe đuổi theo sau lưng dịu: "Đồ giặc cái… đâm đầu vào ô tô cho chết cha chúng mày đi!". Phanh xe rít lên ken két trên mặt đường, Dịu chống chân quay lại nhìn. Mụ kia đang buông tay chỉ trỏ với mấy người đứng quanh. Dịu toan xuống xe nhưng nghĩ sao lại thôi, tay xiết chặt côn, chiếc xe nhả khói nồng nặc rồi chồm lên, lao về phía trước. Dịu lầu bầu trong miệng: "Một ngày toàn gặp quỷ"… (!)
"Bố không biết con định làm gì nhưng bố muốn con nghĩ lại. Bố mẹ luôn
mong cho con học hành đến nơi đến chốn… mẹ con cả đời làm giáo viên như thế…". Bố chưa nói hết câu, Dịu đã đứng lên: "… "Con công an thì láo, con nhà giáo thì dốt", bố không biết à?". Cánh tay bố vung lên, Dịu ôm má, đôi mắt dài có đuôi long lanh như mắt mèo giữa đêm tối. Mâm cơm trở nên lạnh ngắt, nặng nề. Đêm ấy, dịu xách xe đến nhà bạn ngủ, sáng hôm sau mới thèm về. Sau hôm đó trong nhà lặng hẳn đi. Bữa cơm không bao giờ đủ ba người. Mắt mẹ lúc nào cũng ầng ậc nước.
Chị hiền ôm con về nhà, mắt sưng húp. Rõ ràng chị bắt được quả tang "hai năm rõ mười" anh Tấn, chồng chị đang hú hí với "bồ" ngay trong giờ làm việc mà không làm gì được. Về nhà, anh Tấn còn gây chuyện, thế là thành cãi cọ. Mấy chị làm việc cùng phòng được dịp phát loa: "Mày hiền quá đấy mà… phải tao, tao làm cho một trên tanh bành rồi muốn ra sao thì ra…". Mẹ ôm thằng cu Kin vào lòng, an ủi: "Tốt xấu nó cũng chồng mình, con từ từ hẵng tính". Dịu giằng thằng bé từ tay mẹ, phát vào mông nó một cái đét:" …"Từ từ" của mẹ là lúc ông ấy đuổi mẹ con thằng Kin ra khỏi nhà à?". Thằng bé toa toét ra cười, Dịu ôm nó nựng nựng: "Mày có muốn dì cho "con kia" một lọ axít không hả Kin?". Chị hiền hốt hoảng, mặt cắt không còn hạt máu, lắp bắp: "Mày… mày… định làm gì hả Dịu?". Dịu trả Kin về cho mẹ, cười, tôi rỗi hơi đi đánh ghen hộ bà chắc? Tôi đùa đấy… bà tưởng nói thế là cuống hết cả lên… thảo nào chồng nó đi với con khác là phải… cố véo thằng bé thêm một cái Dịu mới bỏ đi. Sau lưng, chị hiền khóc rấm rức, thằng bé cũng ré lên vì đau. Mẹ lại thở dài.
Long gọi điện đến cho Dịu, giọng khẩn khoản: "Chiều nay tôi có ca dạy ở
làng trẻ mồ côi nhưng mẹ tôi nằm viện. Dịu giúp tôi được không?". "Mấy giờ?". Long mừng rỡ: "Bốn đến sáu giờ". Giọng dịu chua loét: "Ông đừng có mà hí hửng như vậy. Tôi học hành còn chẳng đâu vào đâu nữa lại dạy cho người khác…". Dịu cúp máy cái "cạch" mặc cho long ở đầu kia í ới "Dịu… Dịu…".
Dịu biết Long tham gia làm công tác xã hội từ hồi còn học lớp mười một.
Cũng đôi ba lần dịu đi cùng với long nhưng từ khi trượt đại học thì Dịu ở nhà hẳn. Mấy lần Long nài nỉ Dịu xong Dịu từ chối. Ý nghĩ mình là kẻ thất bại vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí Dịu, và chính nó làm dịu trở nên cách xa với mọi người.
Dịu đưa tay nhìn đồng hồ. Bốn giờ kém mười lăm phút. Dịu đi đi lại lại trong phòng rồi tần ngần nhìn lại mình qua gương. Mái tóc chim sẻ đã dài hơn một chút, miệng vẫn hơi rộng, mũi hếch, mắt vẫn dài nhưng buồn, không còn vẻ "quái quái" của ngày nào. Dịu thở dài, ngồi thêm một lúc nữa rồi quyết định khoát túi, dắt xe ra đi.
Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Anh Tấn đến xin lỗi bố mẹ, xin lỗi chị Hiền và xin đón mẹ con thằng Kin về nhà. Bố không nói gì, mãi sau mới trầm ngâm: "Để chuyện như thế này xảy ra thêm một lần nữa thì không ra gì đâu nhé…!". Anh Tấn lặng thinh, cúi đầu vẻ chịu lỗi. Thằng cu Kin quấn dì không chịu theo mẹ. Dịu tát yêu vào má cháu, cười cười: "Cu Kin về với mẹ nào, lần sau mẹ bế về đây lần nữa, dì đi mua hộ cho mày lọ axít nhé…". Anh tấn sượng sùng, mặt đỏ bừng, cúi đầu nhìn xuống đất. Mẹ quay sang nhăn mặt khổ sở: "Bao giờ thì con mới thôi ăn nói kiểu ấy hả Dịu?". Dịu so vai, không trả lời.
Trước khi về, chị Hiền lại dúi vào tay dịu một sấp tiền. "Bà cứ đưa như thế
này không sợ tôi đi "hít" à?". Chị hiền lắc đầu: "Không. Chị tin em". Dịu cười kiểu đe dọa: "Sau này bà đừng hối hận nhé!". Thằng Kin chẳng hiểu gì, vẫn toe toét ra cười. "Bố vẫn cho em cơ hội được học tiếp… nghe lời chị đi Dịu…". Giọng chị hiền gần như van nài. Dịu im lặng một lúc, thấy mắt mình cay cay song vẫn cố giữ giọng tưng tửng: "Thôi, bà về đi! Cố mà học cách giữ chồng… chuyện của tôi, tôi tự lo…". Nói xong câu đó, trong lòng Dịu thấy trĩu nặng một nỗi buồn.
Long hỏi: "Dịu còn nhớ hùng lớp mình ngày xưa không?". Dịu nhíu mày: "Có phải Hùng "dô", bỏ học hồi lớp mười không?". Long gật đầu, giọng trầm hẳn xuống: "Nó ở với bà nội sau khi bố mẹ nó ly dị nhau. Hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Nó đã định bỏ học từ lâu nhưng bà nó không cho. Bà nó mất thì nó bỏ học hẳn…". Dịu cắt ngang lời Long, nôn nóng: "Sao chuyện ấy ngày xưa tôi không biết nhỉ? Mà Hùn bây giờ thế nào rồi?". Long khẽ lắc đầu: "Không chỉ mình Dịu không biết đâu, nhiều đứa lớp mình cũng không biết chuyện đó… không phải là trách nhau vô tâm, nhưng ngày ấy… nhiều người vô tình lắm (!). Với lại, trách nhau mà làm gì, hồi ấy bọn mình còn trẻ con mà! Hùng bây giờ… làm ông chủ rồi. Hắn theo một gã đi học sửa xe máy một thời gian, rồi vừa học vừa làm, có vốn kha khá thì mở hiệu riêng. Nhìn hắn cũng ra dáng lắm rồi…". Dịu chợt nhìn long chăm chăm: "Ông nói chuyện về Hùng với tôi làm gì? Có phải… ông đang giễu cợt tôi hay so sánh tôi đấy?". Giọng Long khe khẽ: "Dịu không thể… dịu dàng như cái tên hay sao? Ngày trước, Dịu đâu dễ nổi nóng như thế này… tôi không có ý so sánh hay giễu cợt ai, tôi chỉ muốn nói với Dịu một câu mà tôi đọc được ở đâu đó, rằng: "Chính vì ngược gió, chứ không phải theo chiều gió mà những con diều bay lên cao". Cứ nhìn mãi vào thất bại của mình thì sẽ sống như thế nào? Dịu không thấy bọn trẻ ở làng, chúng còn bất hạnh hơn chúng ta nhiều mà chúng vẫn lạc quan, vẫn vươn lên đó sao…". Dịu lặng thinh, lúc lâu sau mới bảo: "Về thôi!... Ngày mai, long qua làng trẻ đăng ký cho tôi dạy thêm một lớp nữa… Ở nhà nhiều, tôi thấy chán lắm!". Khuôn mặt Long trở nên rạng rỡ một cách khó hiểu (!).
Đêm ấy, lần đầu tiên sau khi thi trượt Dịu mang sách vở ra để lại trên bàn. Và Dịu khóc.

Xem Tiếp: ----