LTS: Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả truyện ngắn mới nhất, “Có Một Mùa Hoa Gạo”, của nhà văn Nguyễn Vạn Lý, trong đó tác giả hé lộ, chính những kỷ niệm êm đềm và đặc biệt của tuổi ấu thơ, đã ngự trị một cách sâu xa trong tâm hồn của Văn suốt cả nửa thế kỷ, và có những ảnh hưởng âm thầm đến cuộc đời của anh trong suốt những thập niên sau này của cuộc đời. *
Văn lùi xe ra khỏi trạm xăng và tìm cách trở lên xa lộ. Chàng đang trên đường trở về sau khi thăm một người bạn thân tại New Orleans. Chàng phải rẽ xuống cái thành phố nhỏ ven biển Texas này để đổ thêm xăng. Bỗng chàng trông thấy mấy người Á Đông tại một ngã tư, và ngay cạnh đấy là một cửa tiệm bán thực phẩm Á Đông. Một tấm biển lớn đề một hàng chữ Việt Nam: "Chợ Quê Hương", và ngay bên dưới là một hàng chữ Tầu. Chàng mỉm cười tự hỏi:
- Không biết "quê hương" ở đây là Việt Nam hay là Trung Hoa?
Chàng không có việc gì phải vội vã, và lúc đó vẫn còn sớm, mới khoảng 11 giờ sáng, nên chàng đậu xe ngay trước cửa tiệm. Chàng dự định vào xem có gì đặc biệt để mua về làm quà cho vợ.
Bên trong tiệm là từng dãy những tủ hàng đựng các đồ ăn khô và tươi, giống y như các tiệm thực phẩm khác mà chàng đã biết. Lúc đó là buổi sáng của một ngày đầu tuần, nên tiệm rất vắng khách. Văn đoán chàng là người khách duy nhất, và có lẽ là người khách đầu tiên của ngày hôm đó. Bên quầy tính tiền là một người đàn bà lớn tuổi, có vẻ là chủ tiệm. Một thanh niên làm công đang chất đồ lên các quầy hàng. Văn cắm cúi đi, ngó từng dẫy hàng, và chàng có cảm tưởng người đàn bà nhìn theo chàng. Cuối cùng chàng chọn mua một ít khoai lang. Chàng vẫn thích ăn khoai lang luộc, và những củ khoai ở đây trông mập mạp ngon lành và rất tươi.
Tại quầy tính tiền, chàng có dịp quan sát bà chủ tiệm kỹ hơn. Bà ta khoảng gần sáu chục tuổi, tuy già nhưng có nét ưa nhìn. Trên khuôn mặt đầy phong sương của tuổi đời, đôi mắt mệt mỏi vẫn còn vẻ tươi vui, và nụ cười vẫn còn duyên dáng. Mái tóc bà ta đã ngả màu muối tiêu, nhưng dáng dấp vẫn còn nhanh nhẹn. Bà ta nhìn Văn đăm đăm trước khi bỏ túi khoai lên cân, rồi lên tiếng hỏi Văn bằng một giọng đặc Hà Nội:
- Ông thích ăn khoai lang? Ông chọn khéo quá nhỉ! Khoai này ăn ngon và bùi lắm cơ.
Văn có linh cảm chàng đã gặp người đàn bà này ở đâu rồi, nhưng chàng không thể nhớ ra. Chợt bà ta quay sang nói một tràng tiếng Tầu với người thanh niên làm trong tiệm. Văn mỉm cười: "Bà nói tiếng Tầu giỏi quá nhỉ?"
- Thì tôi là người Tầu mà.
- Nếu vậy bà nói tiếng Việt hay quá, đặc giọng Hà nội! Tôi cứ tưởng bà là người Việt đấy.
- Thì tôi sinh đẻ tại Việt Nam mà.
Khi người đàn bà cúi xuống lấy một cái túi nylon đựng khoai cho Văn, chàng trông thấy một vết bớt màu đậm ở cổ bà ta. Sau khi trả tiền, chàng bước đi, nhưng chợt chàng bàng hoàng quay phắt lại và hỏi:
- Có phải bà là Mẫn ở chợ Cầu Không trước kia không?
Người đàn bà mở to mắt, và hỏi lại: "Có phải ông là Văn không?"
Văn buông rơi túi khoai, giơ hai tay lên trời và kêu lên: "Trời ơi quả thực là Mẫn rồi! Đã tưởng không bao giờ được gặp nhau nữa!"
Bà chủ tiệm mừng rỡ, nắm lấy hai cánh tay Văn, và nhìn kỹ mặt Văn: "Tôi không ngờ có ngày gặp lại Văn. Ngay từ lúc thấy Văn cúi đầu đi ngó từng dẫy quầy hàng, tôi đã ngờ ngợ rồi. Vẫn cái lối đi ngày xưa, đầu lúc nào cũng cúi xuống như muốn tìm tiền của ai đánh rơi. Ở đâu mà hôm nay lại lạc đến đây thế này?"
- Cũng ở gần đây, chỉ cách vài giờ lái xe thôi. Lần đầu tiên tôi tới cái thành phố này mà lại gặp được Mẫn. Mẫn ở đây lâu chưa?
- Trên mười năm rồi đó. Này, từ cái lần cuối cùng gặp nhau đến nay là bao lâu rồi? Có lẽ cũng phải bốn mươi năm đấy nhỉ?
- Bốn mươi mốt năm đúng!
Mẫn chép miệng: "Quá nửa một đời người! Nhưng trông Văn vẫn trẻ, còn tôi thì già rồi."
- Trẻ gì nữa, tại tôi nhuộm tóc đấy. Tôi với Mẫn bằng tuổi nhau thì chẳng ai già ai trẻ cả.
Mẫn ngẫm nghĩ rồi hỏi Văn: "Hôm nay Văn có bận gì không? Nếu không có việc gì phải về gấp, ở lại đây ăn trưa với nhau một bữa, và kể chuyện đời cho nhau nghe được không? Tiệm ăn bên cạnh đây có nhiều món ngon đáo để. Đã lâu lắm mới có dịp mời Văn."
- Thế thì nhất Mẫn rồi. Dù bận gì cũng bỏ hết. Gặp được Mẫn đâu phải chuyện dễ. Một giấc mơ đấy.
Mẫn gọi người thanh niên lại, dặn dò bằng tiếng Tầu, rồi dẫn Văn sang tiệm ăn bên cạnh. Tiệm ăn sáng ngày thứ hai cũng vắng tanh. Hai người chọn một cái bàn bên cạnh cửa sổ trông ra biển. Bên ngoài gió vẫy vùng trong một khoảng trống bao la, quay quắt những cụm cây dại mọc bên bờ cát. Nước biển ở đây là một màu xám lợt không mấy hấp dẫn, và cũng không khích động lòng người tới những cuộc viễn du đến những chân trời xa.
Thấy Văn nhìn ra ngoài bãi biển trống vắng, Mẫn than thở: "Cảnh ở đây trơ trụi lắm, chẳng có gì gợi nhớ đến cây gạo ngày xưa cả."
°
"Cây gạo ngày xưa!" Mẫn muốn nhắc tới cây gạo tại phố chợ Cầu Không một nửa thế kỷ trước? Hồi ấy là mùa hè năm 1945, lúc Văn mười tuổi, và Mẫn cũng bằng tuổi chàng. Tuy bằng tuổi nhau, nhưng Mẫn khôn lanh hơn Văn nhiều. Mẹ Văn có một tiệm bán muối độc quyền tại khu phố chợ Cầu Không. Văn học ở làng, cách chợ Cầu Không bảy cây số, nhưng mùa hè năm ấy Văn được ra sống tại Cầu Không.
Đối với Văn thì phố chợ Cầu Không đã là một nơi đô hội rồi, vì tiệm bán muối của mẹ Văn ở ngay trước chợ nên lúc nào cũng náo nhiệt, nhất là vào những ngày phiên chợ thì người ta phải chen lấn nhau mà đi. Chỗ nào cũng có hàng quà hàng bánh, và nhiều người ăn mặc rất sang trọng. Cửa tiệm lại là một căn phố lầu bằng gỗ, có ban công. Văn rất thích cái thú được trèo cầu thang, ra ban công nhìn xuống đường, một cái thú Văn chưa bao giờ được hưởng ở trong làng.
Khu phố có khoảng mười căn nhà lầu bằng gỗ, tất cả nhìn sang chợ Cầu Không; con đường liên tỉnh trải đá phân cách chợ và khu phố. Phía sau dẫy phố là một cái ao tù không có lối thoát nước, quanh năm phủ váng và là ổ sinh sản của muỗi. Cả khu phố ấy, không một nhà nào có cầu tiêu. Mọi người phải ra cánh đồng gần đấy làm cái việc bài tiết cần thiết. Thực ra cách ngã tư chợ Cầu Không một quãng, trên con đường trải đá sang Phủ Lý Nhân, có một cây gạo cổ thụ, gốc rất to và ngăn thành nhiều hốc lớn. Những cái hốc cây gạo kín đáo ấy đã trở thành một cái cầu tiêu công cộng cho những người sống trong khu phố chợ Cầu Không. Người ta cứ việc ra đó khi cần, rồi thơ thới ra về, và có từng đàn chó tranh nhau ra dọn dẹp sạch sẽ hết. Văn rất chịu cái thú "ra gốc gạo" này, và ở đây người ta hiểu cái thành ngữ "ra gốc gạo" có nghĩa là đi đại tiện.
Chính một lần "ra gốc gạo" Văn đã gặp Mẫn. Chiều hôm ấy Văn đang ngồi trong một cái hốc của gốc gạo, mơ màng nhìn tới những làng mạc xa xa, lờ mờ ở cuối chân trời, thì chợt Văn nghe thấy tiếng những hòn sỏi rơi lách cách trong cái hốc bên cạnh. Hình như có ai đang chơi đùa với những hòn sỏi. Văn ngó sang xem có phải là một tên bạn cùng phố không, thì bị một tiếng con gái la mắng:
- Ê, nhòm cái gì?
Văn bối rối thụt lui, và vội vàng cho xong rồi đứng dậy ra về. Văn vốn nhút nhát, lại bỗng nhiên mang tiếng nhìn trộm con gái, nên muốn lảng tránh gốc gạo càng sớm càng tốt. Nhưng ngay lúc đó, từ cái hốc bên cạnh, một người con gái ăn mặc kiểu Tầu cũng bước ra. Cô ta gườm gườm nhìn Văn, như muốn trách mắng nữa. Thực ra Văn đã kịp nhìn thấy gì đâu, nhưng Văn lủi thủi cúi đầu đi như chạy trốn. Khi Văn về đến cửa nhà thì thấy cô bé người Tầu đó bước vào tiệm thuốc bắc bên cạnh. Trước khi khuất hẳn, cô bé còn lườm Văn một lần nữa. Văn bỏ lên lầu ra đứng bần thần ở ban công, nghĩ tới sự oan uổng của mình. Chợt Văn nghe thấy tiếng động ở ban công bên cạnh và quay nhìn sang. Văn lại thấy cái cô bé khó tính ấy. Cô ta trông thấy Văn liền quay lưng bước vào nhà, và đóng xập cửa lại.
Bên cạnh nhà Văn là tiệm thuốc bắc Vệ Sinh Đường của một ông lang người Tầu mập ú. Tiệm thuốc có vẻ đắt khách lắm, vì không những ông lang mập kê toa bán thuốc, mà tiệm còn bán thêm hàng tạp hóa nữa.
Hôm sau Văn gặp bà già nấu ăn của tiệm thuốc bắc, và hỏi dò người con gái Tầu là ai. Bà già cho biết người con gái Tầu ấy là cháu ông chủ Vệ Sinh Đường, gọi ông ta bằng chú. Tên cô ta là Tiểu Mẫn, và có người gọi là A Mẫn, nhưng mọi người trong tiệm chỉ gọi cô ta là Mẫn cho gọn. Nhà Mẫn ở Phủ Lý, nhưng vì lúc đó phi cơ Mỹ thường oanh tạc các vị trí của quân Nhật trong tỉnh, nên gia đình gửi Mẫn tới chợ Cầu Không với người chú để tránh nguy hiểm.
Hàng ngày Văn học ôn bài vở vào buổi sáng trên gác, và buổi chiều đi chơi quanh quẩn trong phố. Phía đầu bên kia chợ có hai cây cầu song song với nhau, bắc qua một con sông nhỏ. Một chiếc cầu đúc được gọi là Cầu Tây và một chiếc cầu gỗ sơn đỏ có mái che được gọi là Cầu Tầu. Bên kia cầu là khu nhà xây kiểu mới, tường gạch và cửa kính, có những cửa tiệm đại lý rượu và thuốc phiện. Văn không thích dãy nhà xây kiểu mới này, vì không có lầu và thơ mộng như khu phố chợ. Văn cũng thích chiếc Cầu Tầu hơn Cầu Tây, vì Cầu Tầu có lan can và mái che mưa nắng, mặc dù bấy giờ không ai dùng cây cầu cổ ấy nữa. Văn thường đứng trên cầu hóng mát, soi bóng mình trong dòng nước chảy bên dưới. Kế bên Cầu Tầu là một ngôi đình bề thế, trước cửa có tượng Ông Thiện và tượng Ông Ác, và những hình rồng đắp trên tường và trên mái. Quang cảnh ở đây trông giống như một bức tranh Tầu.
Ngày nào Văn cũng trông thấy Mẫn ở trong tiệm thuốc bắc. Lúc tiệm đông khách, Mẫn phải giúp bán hàng, và lúc rảnh rỗi, Mẫn cũng lang thang đi chơi bên đầu cầu hoặc bên trong chợ. Mấy ngày sau, Mẫn nhìn Văn một cách bình thường, không còn giận ghét như mấy ngày đầu, một phần cũng vì Mẫn thấy Văn hiền lành, không phá phách như mấy đứa trẻ khác trong khu phố.
Một buổi chiều tối, lúc đó đã nhá nhem rồi, Văn đang đứng trong hiên nhìn sang những ngọn đèn tù mù trên những quầy hàng bán đêm trong chợ, thì Mẫn rụt rè lại gần Văn, dáng điệu có vẻ cầu khẩn. Mẫn hỏi Văn, "Đi ra gốc gạo không?"
Văn lắc đầu. "Không, đi hồi chiều rồi."
Mẫn năn nỉ, "Đi với tôi một lát đi. Tối rồi đi một mình tôi sợ lắm. Hôm nay bà già nấu ăn về quê, tôi không nhờ ai đưa đi được."
Văn không muốn ra gốc gạo vào buổi tối, nhưng Văn bằng lòng đi với Mẫn, một phần vì Văn muốn xóa sự giận hờn của Mẫn lần trước. Thế là Văn và Mẫn đi ra gốc cây gạo, nhưng Văn đi cách Mẫn một quãng. Tới nơi Văn đứng cách xa cây gạo, lấy đá liệng xuống cái ngòi nước bên cạnh đường để giải trí trong lúc chờ đợi Mẫn. Lúc ra về, hai người gặp mấy con chó đứng chờ bên đường, những con chó đói, hung dữ đứng thè lưỡi nhìn hai đứa trẻ. Mẫn kinh sợ đi sát vào Văn, và khi tới gần bày chó, bàn tay run run của Mẫn nắm chặt lấy tay Văn. Văn cũng sợ đàn chó, nhưng không dám bỏ chạy một mình. Văn cúi xuống nhặt mấy hòn đá để phòng thân. Khi Văn cúi xuống lượm đá, mấy con chó liền lảng ra, chạy vào hốc cây gạo. Hai đứa trẻ bị một phen hú vía.
Kể từ buổi tối ấy, Mẫn thân với Văn hơn. Những buổi chiều hai đứa trẻ thường đi lang thang với nhau, cùng nhau đứng tựa thành Cầu Tầu, vừa nói chuyện vơ vẩn vừa ăn ô mai của Mẫn lấy trong tiệm. Vào những buổi tối sáng trăng, đôi bạn trẻ len lỏi giữa những gian hàng trong chợ. Một lần hai người vào đình xem hát. Trong cái đám đông chen lấn nhau trong đình, Mẫn phải nắm chặt tay Văn, sợ hai người lạc nhau. Nhưng cái nơi ưa thích nhất của hai đứa trẻ là cây gạo vào buổi chiều, khi bóng mát của cây gạo trùm một khoảng rất rộng, và trước mặt là một cánh đồng bao la, lúa xanh lượn nhấp nhô như sóng biển. Văn và Mẫn thường ngẩng đầu nhìn lên vòm lá âm u, và ao ước trèo lên được ngọn cây gạo, vừa để bắt tổ chim, vừa có thể nhìn ra thật xa.
Cây gạo đứng ngạo nghễ, vươn lên trơ trọi bên cánh đồng. Từ đằng xa hàng mấy cây số, người ta đã có thể trông thấy cây gạo rồi. Cây gạo dường như không thèm đếm xỉa đến cái loài người đang làm xú uế cái gốc cây. Ngày đêm cây gạo chỉ chờ đợi gió đến để tình tự. Đấy là một cặp tình nhân rất khác thường. Có những lúc gió bỏ mặc cây gạo đứng yên lặng buồn rầu, ủ rũ chờ đợi hàng giờ. Thường thì gió đến nhẹ nhàng như mơn man, cây gạo khẽ run lên, lá reo múa thành tiếng thì thầm của hai người tình thủ thỉ, những cành nhỏ cuống quýt chao đảo như mơn trớn vuốt ve, như rùng mình. Nhưng đôi khi gió ập đến thực hung dữ, như một cuộc ái ân cuồng nhiệt; có khi cây gạo và gió giống như một cặp tình nhân đánh ghen. Gió cuồng nộ quấn giật cây gạo, trong lúc những cành cây gạo trở thành những cánh tay chống đỡ, cào cấu quật vụt đối phương. Sau mỗi trận đụng độ như thế thì cây gạo lại thiệt thòi mất một số cành khô bị gẫy và nhiều lá rụng.
Văn và Mẫn thích ra gốc cây gạo vào lúc lộng gió, vì giữa cơn quần thảo của gió và cây gạo, Văn và Mẫn có thể nhặt được những bông hoa gạo đỏ tươi cuối mùa. Có bông rơi vụt xuống như đâm đầu vào bãi cỏ xanh, không thèm ngoái nhìn lại chốn cũ; có bông rơi ngửa, miệng hoa vẫn quay về phía cây gạo, như luyến tiếc cái tổ ấm vừa lìa bỏ; có bông rơi một cách rất thong thả, quay quay trong gió như nhảy múa, và Văn và Mẫn nhảy lên vồ lấy hoa trước khi hoa rơi xuống đất. Văn và Mẫn thường thi nhau xem ai nhặt được nhiều hơn, và người thua thường là Văn. Một lần Văn bảo Mẫn:
- Màu hoa gạo đỏ như má Chiêu Quân treo trong phòng của Mẫn.
Mẫn không đồng ý. "Màu hoa gạo đỏ tươi hơn. Hình Chiêu Quân màu đỏ xậm và không tươi."
Những ngày hạnh phúc của hai đứa trẻ mười tuổi cứ thế trôi đi dưới bóng cây gạo, bên đầu cầu sơn đỏ và bên những quầy hàng trong chợ. Mẫn lúc nào cũng là người ra lệnh và Văn vui sướng tuân theo. Cái thú đặc biệt nhất của hai đứa trẻ là đi "ra gốc gạo" vào những lúc trời mưa to. Hai đứa hai cây dù che người, đi chân không ra gốc gạo, thích thú nghe tiếng mưa rơi trên dù và cảm giác những luồng nước trên đường lùa vào kẽ chân. Bàn chân Mẫn dài và rất đẹp, những ngón chân hơi cong lên, bàn chân của một người có khả năng nghệ sĩ và khéo tay. Mẫn học ít hơn Văn nhưng chữ Mẫn viết đẹp hơn. Mẫn có thể đan được những chiếc quạt rất khéo, và biết thêu thùa. Mẫn còn nói tiếng Việt hay và rành rẽ hơn Văn. Khi phải kể lại một chuyện gì hay cần phát biểu điều gì, Mẫn nói rất rành mạch, rõ ràng và văn hoa hơn Văn nhiều. Giọng nói của Mẫn trong trẻo như tiếng ngân của chiếc khánh bạc. Đôi mắt của Mẫn to, có những cái nhìn vừa thiết tha vừa thấu hiểu. Đôi môi đỏ tươi hơi rộng, sẵn sàng bĩu môi phản đối một điều gì, hoặc căng ra thành một nụ cười thật dễ thương. Một khuyết điểm duy nhất trên người mà Mẫn lúc nào cũng cố che giấu là một vết bớt mầu đậm trên cổ. Mẫn thường mặc áo cao cổ để che giấu cái bớt ấy.
Văn tự cho là may mắn có một người bạn gái như Mẫn. Niềm hạnh phúc của Văn còn được những tiếng nhạc phụ họa thành những giấc mơ. Lúc đó cuộc chiến tranh Trung Nhật đang hồi khốc liệt, và quân Nhật đang làm chủ Đông Dương. Những bản nhạc về cuộc chiến Trung hoa nổi tiếng như bản "Đêm Trung Hoa" hoặc "Ngày Nào Chàng Trở Lại" và bản nhạc "Biệt Ly" của Doãn Mẫn rất được thịnh hành. Văn thường nghe thấy người lớn hát những bản nhạc ấy, kèm theo tiếng đàn Banjo hoặc Mandoline là loại nhạc cụ phổ thông nhất thời đó. Nhiều đêm trăng, trong lúc Văn nằm ngoài ban công nhìn trăng sáng, nghĩ đến Mẫn, nghĩ đến Cầu Tầu sơn đỏ và cây gạo lộng gió, thì tiếng đàn và tiếng hát du dương từ trong chợ, từ đầu cầu vẳng lại, ru Văn vào những giấc ngủ nhẹ nhàng thần tiên. Một lần Văn ngủ quên ngoài ban công suốt đêm, nhưng đến sáng Văn ngạc nhiên thấy có một chiếc mền nhỏ đắp lên người. Ngày hôm ấy, lúc ra nhặt hoa gạo, Mẫn chỉ ngón tay vào trán Văn và trách:
- Bận sau không được ngủ ngoài ban công nữa. Coi chừng nhuốm sương bị cảm đấy. Tối qua tôi phải lấy mền đắp cho đó.
Bao giờ Mẫn cũng săn sóc Văn. Có lần Văn cãi nhau với lũ trẻ trong phố, và Văn có vẻ bị lép vế. Mẫn liền nhảy vào bênh vực Văn. Lũ trẻ không cãi lại được tài ăn nói của Mẫn nên tức giận và mắng Mẫn:
- Cái con khách trú kia, cút về Tầu đi!
Lần đầu tiên Văn thấy Mẫn tức giận như thế. Hình như hai tiếng "khách trú" làm Mẫn đau lòng. Mẫn xầm mặt quay lưng bỏ về nhà, và suốt hai ngày Mẫn không đi chơi với Văn. Có lẽ Mẫn giận lây cả Văn. Vì Văn mà Mẫn bị lũ trẻ kia xúc phạm. Nhưng chỉ vài ngày sau Mẫn lại vui vẻ với Văn, nhưng Mẫn không bao giờ nói chuyện với lũ trẻ con cùng phố nữa. Mẫn chỉ còn Văn là bạn, và hai người thân thiết với nhau hơn trước. Một lần Mẫn hỏi làng của Văn ở đâu. Văn trả lời:
- Cứ đi thẳng con đường đê này về phía Phủ Lý, đi qua nhiều cánh đồng, nhiều cổng làng, và ngay sau khi đi qua một con sông nhỏ nước trong xanh, thì tới một khúc đê có một rặng nhãn là làng của tôi đấy. Làng tôi không có cổng làng. Khi nào Mẫn trở về Phủ Lý, Mẫn sẽ phải đi qua làng tôi.
- Ở trong làng có vui không? Tôi thì chẳng bao giờ có làng để về, chỉ ở thành phố thôi.
- Tôi thấy ở đây vui hơn. Ở làng tôi làm gì có Cầu Tầu và cây gạo to như ở đây. Trong làng cũng không có nhà lầu.
Nhưng ngày vui nào rồi cũng có lúc chấm dứt. Ba tháng hè trôi qua mau hơn Văn mong đợi. Đã đến lúc Văn phải về làng để sửa soạn đi học trở lại. Ngày hôm trước khi về, Mẫn lẳng lặng đưa cho Văn một chiếc quạt bằng cói do chính tay Mẫn đan. Văn không có gì tặng lại, chỉ bẽn lẽn cám ơn Mẫn. Chiều hôm sau lúc Văn bước lên chiếc xe kéo để về quê, Văn không thấy Mẫn đâu cả. Văn ngẩng đầu nhìn lên ban công thì thấy thấp thoáng bóng dáng của Mẫn đang thụt lui vào trong phòng. Mẫn không muốn tiễn đưa Văn; có lẽ Mẫn muốn tránh xúc động.
Khi chiếc xe kéo chạy qua ngã tư, Văn quay nhìn cây gạo. Bây giờ đã hết mùa hoa gạo rồi và từ nay Văn sẽ không còn được cùng Mẫn tranh nhau nhặt hoa gạo nữa. Văn ngơ ngác cảm thấy mất mát một cái gì. Văn quay lại, phố chợ Cầu Không khuất dần, cũng như niềm vui suốt một mùa hoa gạo cũng đang xa dần, và nỗi buồn tiếc đang bắt đầu dâng lên trong lòng Văn.
°
Thời cuộc bỗng biến chuyển mau lẹ. Trong lúc Văn sửa soạn cho niên học mới thì Nhật bại trận phải đầu hàng, và tất cả đều thay đổi. Mẹ Văn dọn hàng về làng, không còn bán muối độc quyền nữa. Văn sẽ không bao giờ có cơ hội ra sống tại phố chợ Cầu Không. Văn nhiều lần tự hỏi không biết Mẫn đã trở về Phủ Lý với gia đình chưa, hay vẫn còn ở lại Cầu Không.
Một năm trôi qua. Văn đã học xong bậc tiểu học, nhưng không có phương tiện học trung học vì thời cuộc. Đối với Văn, mùa thu năm 1946 là một mùa thu buồn và đẹp nhất. Đó là lần đầu tiên cái tâm trí non nớt của Văn bắt đầu biết thế nào là tưởng nhớ, là buồn tiếc. Trước kia Văn không hề nhớ tiếc cái gì lâu. Nhưng trong cái mùa thu của năm 1946, khi khói thu bắt đầu xây thành thì người ta biết cuộc chiến với quân Pháp sẽ phải xảy ra. Tuy nhiên rất ít người biết chiến tranh sẽ như thế nào, và vì thế chiến tranh mang một cái đẹp lãng mạn như trong các bản nhạc, một thứ men say giục giã thế hệ đàn anh của Văn lên đường, ra đi theo tiếng gọi của xúc động và mộng mơ. Riêng Văn chỉ biết nhìn bầu trời xanh biếc, những ngọn khói lam bốc lên từ những mái tranh, giữa cái màu xanh ngăn ngắt của những vườn dâu, rồi thơ thẩn đứng bên một cây cầu nhỏ, nhìn dòng nước trong vắt mải miết chảy đi, giống như những ngày vui không bao giờ trở lại. Những lúc ấy Văn chỉ nghĩ đến Mẫn.
Rồi chiến tranh máu lửa lan tràn, người ta phải tản cư, chạy trốn bom đạn và chết chóc, và sự học phải đình trệ vì những nhu cầu sống còn khác cấp thiết hơn. Văn cũng không còn thời giờ để tưởng nhớ tới Mẫn và cây gạo nở hoa nữa. Sau một thời gian tản cư, gia đình Văn vào Hà nội. Văn tiếp tục đi học trở lại, tuy chậm trễ mất vài năm.
Vào mùa hè năm 1953, Văn học một lớp luyện thi Trung học tại phố Mã Mây. Hàng ngày chàng đi bộ qua phố hàng Buồm để tới lớp học. Văn đã trở thành một thanh niên 18 tuổi. Cái phố hàng Buồm lúc nào cũng tấp nập người đi lại, nơi có tiệm ăn Đông Hưng Viên nổi tiếng, và hàng dãy những tiệm ăn nhỏ, những tiệm thuốc bắc và tiệm tạp hóa. Một buổi chiều đi học về, Văn chợt nghe thấy một tiếng hỏi sau lưng, "Có phải Văn không?"
Văn quay lại, chàng trông thấy một cô gái Tầu, mặc áo hoa đi giầy thêu, đang nhìn chàng đăm đăm. Trong một thoáng, Văn nhận ra Mẫn, người bạn gái của thời niên thiếu. Nhưng bây giờ Mẫn đã là một thiếu nữ xinh đẹp; nàng cũng 18 tuổi như Văn. Văn chợt thấy lòng rộn lên một niềm vui, như một bãi biển khô cạn buồn tênh bất chợt được một đợt sóng biển đổ ập lên. Chàng sung sướng reo lên:
- A, Mẫn!
- Tôi thấy Văn đi qua cửa nhiều lần, nhưng lần này mới bắt lại được.
Văn nói đùa: "Gặp được nị, ngộ mừng lắm."
- Biết được hai chữ Tầu mà cũng bày đặt nói.
- Tôi biết nhiều hơn hai chữ. Tôi biết tới ba chữ cơ. Để tôi nói cho Mẫn nghe: "Ngộ ái nị."
Mẫn có vẻ không bằng lòng câu nói của Văn. Nàng cau mày trách, "Lại nói sàm rồi!" Như để cho bớt căng thẳng giữa hai người bạn sau tám năm mới gặp lại nhau, Mẫn liền đổi mặt tươi cười và bảo Văn:
- Văn vào đây. Tôi đãi Văn món này.
Rồi Mẫn nắm tay Văn kéo vào một quán giải khát nhỏ gần đó, và gọi hai chén "lục tào xá" cho hai người. Hai người tíu tít hỏi thăm nhau về những ngày qua. Mẫn cho biết nhà nàng ở dưới phố Huế, gần chợ Hôm, và hàng ngày lên đây bán hàng cho một tiệm tạp hóa.
- Tôi trông thấy Văn cả tuần nay rồi, nhưng Văn cứ cúi mặt xuống lầm lì đi nên tôi không vẫy gọi được. Hôm nay phải ra tận đường chờ Văn đấy.
Rồi Mẫn cười khúc khích, trêu đùa Văn, "Sao Văn cứ cúi gằm mặt mà đi như thế? Coi chừng có ngày đụng phải hàng quà, làm đổ hàng của người ta rồi phải cởi áo ra mà đền."
Hai người bạn cũ nay đã lớn, nhưng không hề giữ kẽ, vẫn coi nhau như những ngày còn thơ ấu, đứng bên nhau dưới gốc gạo hoặc bên thành cây cầu cổ. Thời đó đối với người con trai 18 tuổi thì tương lai vẫn còn ở phía trước. Nhưng một người con gái 18 tuổi thì đã tới giai đoạn dừng lại rồi. Mẫn bùi ngùi nói với bạn:
- Thời gian qua mau quá, mới ngày nào mà đã tám năm rồi. Nhiều lúc tôi cũng nhớ đến những ngày ở chợ Cầu Không. Có lẽ đó là những ngày vui nhất của tôi. Bây giờ tôi phải đi làm công cho người ta. Bá tôi giờ già rồi - nàng gọi thân phụ bằng "Bá."
- Nếu tôi không đi học tư thì chắc chẳng bao giờ gặp lại Mẫn. Mẫn làm ở đây có dễ chịu không?
- Đi làm công thì có bao giờ khá được. Buôn bán mình phải là chủ thì mới khá. Chỉ có Văn là sướng, vẫn còn được đi học. Văn phải chịu khó chăm học đi để sau này làm ông nọ ông kia, để khỏi vất vả như tôi.
- Phải rồi, học để sau này võng anh đi trước võng nàng theo sau.
Mẫn bĩu môi, "Thời bây giờ người ta không đi võng nữa. Người ta đi xe hơi cơ."
- Nếu vậy ngày ấy tôi với Mẫn cùng ngồi xe hơi với nhau vậy.
Mẫn quay đi chỗ khác, làm như không nghe thấy lời nói có vẻ tán tỉnh của Văn. Hai người bạn cũ ngồi với nhau thêm một lát, rồi Văn đi cùng với Mẫn ra phố hàng Đào để Mẫn chờ xe điện trở về phố Huế. Sau đó ngày nào đi qua nơi làm việc của Mẫn, Văn cũng mỉm cười vẫy tay chào Mẫn. Cả hai trao đổi những nụ cười thật hồn nhiên thân thiện. Đôi khi quá đông khách, Văn không thấy Mẫn ngẩng lên chờ mình. Một lần khác, Văn chờ Mẫn hết giờ làm, rủ Mẫn ra phố hàng Ngang để ăn kem. Mẫn đòi trả tiền vì Mẫn nói học sinh thì làm gì có tiền, còn đang ăn hại bố mẹ, nhưng lần đó Văn nhất định đãi Mẫn. Đôi lần khác Mẫn cũng chặn Văn lại, trao cho Văn những gói quà, như bánh kẹo, ô mai... Đó cũng là những ngày hè hạnh phúc của Văn và Mẫn. Nhưng một lần Mẫn có vẻ rất buồn, báo cho Văn biết Bá nàng đau nặng.
Rồi lớp luyện thi của Văn chấm dứt; chàng nằm nhà học ôn bài vở cho kỳ thi và không có dịp đi qua phố hàng Buồm nữa. Khi Văn thi đậu kỳ thi năm đó và được mẹ thưởng cho ít tiền, chàng đi ngay ra phố hàng Buồm tìm Mẫn. Chàng dự định mời Mẫn đi coi chiếu bóng và ăn cơm tối. Khi Văn tới tiệm làm của Mẫn, chàng không trông thấy Mẫn. Chàng đi đi lại lại trước cửa tiệm nhiều lần, và sau khi đợi hơn một giờ, Văn liều lĩnh bước vào tiệm và hỏi thăm về Mẫn. Người đàn ông chủ tiệm có vẻ cáu kỉnh, và bảo cho Văn biết Mẫn không còn làm tại đó nữa. Văn hỏi thăm nhà của Mẫn ở đâu thì ông ta lắc đầu không biết.
Văn buồn bã đi xuống khu chợ Hôm nhiều ngày, hy vọng gặp được Mẫn. Chàng trách mình trước kia sao không hỏi địa chỉ của nàng. Sau những lần đi tìm không được Mẫn, Văn thường ra bờ hồ Hoàn Kiếm, đứng trên cầu Thê Húc trước đền Ngọc Sơn, để tưởng nhớ Cầu Tầu ở chợ Cầu Không, nơi chàng đã đứng suốt một mùa hè với Mẫn. Cầu Thê Húc cũng sơn đỏ, nhưng không có mái che như Cầu Tầu trong trí nhớ của chàng.
Văn vẫn tiếp tục đi học và chàng cũng quên dần Mẫn. Cho đến ngày đất nước chia đôi, gia đình chàng di cư vào Saigon, và chàng vẫn không gặp lại Mẫn. Văn hy vọng Mẫn cũng di cư vào miền Nam, vì thế Văn thường đi lang thang vào khu Chợ Lớn hoặc những khu vực nào nhiều người Tầu cư ngụ, với hy vọng gặp được Mẫn, người bạn duy nhất trong suốt tuổi hoa niên của chàng.
Năm tháng qua đi, những ký ức về một người bạn gái Trung hoa không còn thôi thúc trong lòng Văn nữa, nhưng cái ký ức về một mùa hoa gạo bên người bạn gái Trung hoa ấy đã khiến Văn yêu thích những gì là Trung Hoa. Chàng thích đọc truyện Tầu, coi phim Tầu, nghe nhạc Hồ Quảng và hay ngắm những thiếu nữ Tầu. Chàng đi vào nghề dạy học, và những học trò người Tầu hoặc lai Tầu của chàng thường được chàng ngầm ưu ái đặc biệt.
Cái tâm trạng mong chờ người bạn gái ngày xưa đã khiến Văn chậm lập gia đình. Hình như chàng vẫn nuôi một hy vọng mong manh được gặp lại Mẫn. Mãi đến khi đứng tuổi rồi chàng mới vội vã lấy vợ, như sợ rằng nếu không lấy vợ ngay thì chàng sẽ không bao giờ lấy vợ nữa. Thế mà hôm nay, trong một chuyến đi chơi phiếm bất ngờ thì lại gặp Mẫn. Hai người bạn nhỏ xa nhau gần nửa thế kỷ, gặp lại nhau tại một nơi thật xa lạ, tưởng như chân trời góc biển, khi cả hai mái tóc đã điểm sương và cõi lòng đã nguội lạnh.
°
Mẫn và Văn hầu như không màng tới ăn uống, chỉ lắng nghe lời nhau, hoặc cố kể cho nhau những điều ấp ủ từ lâu. Hai người bạn cũ thấp thoáng thấy trong mắt nhau hình ảnh một cây gạo cô đơn lắc lư trong gió chiều, và mơ hồ trong lòng họ là tiếng lá gạo run rẩy xào xạc, tiếng sóng vỗ nhẹ vào chân Cầu Tầu, và tiếng nhạc Hồ Quảng nức nở gọi sầu trong đêm vắng.
Đến một lúc Mẫn phải kêu lên, "Kìa ăn đi chứ, Văn! Coi này, tô canh chua nguội cả rồi."
- Tôi không đói. Tôi chỉ muốn nghe cuộc đời của Mẫn, kể từ sau khi tôi di cư vào Nam.
- Cuộc đời của tôi thì có gì vui đâu mà Văn muốn nghe.
- Nếu vậy Mẫn kể cuộc đời buồn của Mẫn đi. Đã lâu tôi không biết khóc là gì. Thử xem cuộc đời của Mẫn có bắt tôi phải nhỏ nước mắt không.
Mẫn ở lại Hà nội. Sau khi bá nàng mất, vì hoàn cảnh sinh kế, Mẫn phải lấy chồng rất sớm, ngay năm 1954, lúc Mẫn mới 19 tuổi. Chồng Mẫn lớn gần gấp hai tuổi Mẫn, nhưng có tiền. Đây là một cuộc hôn nhân không tình yêu. Trong suốt tuổi thanh xuân, Mẫn lúc nào cũng bận rộn buôn bán trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, và hầu chồng nuôi con. Thỉnh thoảng Mẫn cũng chợt nhớ đến Văn, khi tình cờ trông thấy một cây gạo nở hoa, hoặc đi qua một cây cầu cổ, hoặc thấy một người nào cùng trạc tuổi, có mái tóc dợn sóng bồng bềnh và cứ cúi mặt xuống mà đi. Những năm chiến tranh khi phi cơ Mỹ oanh tạc Hà Nội thì cuộc sống thực là điêu đứng. Chồng Mẫn chết khi Mẫn chưa già. Năm 1980, lợi dụng cơ hội người Trung hoa bị đuổi, Mẫn đã tìm cách chạy chọt cho Mẫn và con cháu ra đi, thoạt đầu là Hồng Kông, và sau đó trôi dạt tới cái thành phố miền biển Texas này. Con gái và con rể của Mẫn cũng có một tiệm thực phẩm ở một thành phố gần đó. Mẫn kết luận:
- Kể từ năm 1954, cuộc đời tôi không có gì vui cả. Có một lần tôi sang Hưng Yên mua hàng, và đi qua chợ Cầu Không. Cây gạo vẫn còn đó, nhưng phố chợ tồi tàn hơn trước, và Cầu Tầu bị phá đi rồi. Thực là một phép lạ tôi sống qua được giai đoạn đen tối lâu dài ấy.
Văn nghĩ cuộc đời và tình duyên của Mẫn không vui, và có lẽ đó là lý do Mẫn vẫn còn nhớ cây gạo cũ của một mùa hè xa tít trong dĩ vãng, cái khoảng thời gian sung sướng đáng nhớ nhất trong đời nàng. Mẫn hỏi thăm Văn về con cái, rồi cười chế nhạo Văn:
- Cháu ngoại của tôi còn lớn hơn con của Văn đấy.
- Đó là lỗi của tôi, cứ chờ đợi mãi một người đã lấy chồng rồi.
- Có ai bắt chờ đâu! Thôi, ế vợ thì nhận đi, đừng đổ lỗi cho người ta nữa.
Văn lảng sang chuyện khác, "Mẫn đã về thăm quê ở Trung hoa chưa?"
- Mấy năm trước tôi về thăm Quảng Đông, nhưng khi về đến làng cũ thì dòng họ Triệu nhà tôi chẳng còn ai cả. Cả dòng họ đã lạc lõng khắp bốn phương trời rồi. Người làng coi tôi như người ngoại quốc. Thật là buồn, ngay khi trở về đất của tổ tiên mà vẫn là khách trú. Bây giờ ở đâu tôi cũng chỉ là khách trú.
Rồi Mẫn cười lém lỉnh và bảo Văn, "Bây giờ tôi với Văn bình đẳng rồi."
- Sao lại bình đẳng?
- Tôi với Văn bây giờ đều là khách trú cả.
Về một phương diện thì Mẫn và Văn đều là những người khách trú, những người phải xa quê hương và sinh sống ở xứ người, nhưng nguyên nhân của mỗi người thì khác nhau. Từ năm 1975, cả triệu người Việt bỗng trở thành khách trú, lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Người Trung Hoa vì hoàn cảnh kinh tế, đã tự nguyện trở thành khách trú, luôn luôn tìm tới một vùng đất khách để sinh sống. Cái tâm trạng của những người khách trú mang những tình cảm rất mâu thuẫn nhau: vừa ước mơ vừa hối tiếc. Họ mơ ước tới được những miền đất hứa để sinh sống, nhưng vẫn luyến tiếc cái quê hương sinh ra họ nhưng không nuôi nổi họ, không bao dung được họ. Họ chính là những chàng Từ Thức, đã tìm thấy được Thiên Thai, nhưng vẫn còn nặng lòng trần.
Chợt Mẫn đề nghị với Văn, "Này Văn, bữa nào tụi mình về thăm Việt Nam đi, trở lại chợ Cầu Không nhìn lại cây gạo ngày xưa. Cây gạo giờ chắc già lắm rồi. Hy vọng người ta chưa đốn cây để bán gỗ."
Từ một nơi đất khách, hai tâm hồn cùng hướng về một cái mốc rất xa xôi, xa xôi cả trong thời gian và trong không gian. Người ta có thể quay trở lại một điểm nào đó trong không gian từ đó người ta đã ra đi. Nhưng người ta có thể nào đi ngược thời gian về một thời điểm trong quá khứ không? Văn ngậm ngùi nói với Mẫn:
- Tôi cũng muốn cùng Mẫn về thăm lại chợ Cầu Không lắm. Nhưng tôi sợ rằng khi trở về bên cây gạo ngày xưa, tôi cũng chỉ là một người khách trú thôi.
Hai tâm hồn khách trú già, lận đận suốt gần một đời người đầy dâu bể, mà vẫn ướp giữ ấp ủ những hình ảnh về một mùa hoa gạo rất xa xôi. Hình ảnh của nhau đã khắc sâu trong tâm họ đến nỗi, đối với nhau, cả hai người không bao giờ thay đổi, không bao giờ lớn lên, lúc nào cũng chỉ là những tâm hồn mười tuổi của một mùa hè tuyệt vời. Bây giờ họ vẫn nhìn nhau bằng tấm lòng và những con mắt rất thanh tịnh, và vẫn thân mật gọi nhau bằng tên, như hai đứa trẻ đã gọi nhau một nửa thế kỷ trước.
Hàng năm hoa gạo vẫn nở. Nhưng chỉ có một mùa hoa gạo, cái màu hoa đỏ tươi đã nhuộm hồng hai tâm hồn trẻ thơ, và cái màu đó đã không bao giờ phai nhạt trong hai tâm hồn, dù năm tháng trôi qua và cuộc đời đã có nhiều thăng trầm cay đắng. Cái hình ảnh của những chấm hoa gạo đỏ, rải rác trên bãi cỏ xanh vào một chiều nổi gió chính là cái bến đỗ cho hai con thuyền lạc lõng, là ngọn lửa sưởi ấm và an ủi hai tâm hồn cô quạnh, chỉ một mùa gặp nhau mà đã là cả một đời.