Tất cả con trai lớp tôi đều gọi Thảo bằng một cái tên "Không sợ sâu" vì trong một trường đại học ở cái thành phố lớn hàng đầu đất nước như thế này, một cô gái không biết sợ sâu quả thật là ấn tượng. Lần ấy, nhân dịp khai giảng, nhà trường tổ chức một chương trình văn nghệ để "chiêu đãi" các em ma mới. Đây cũng là dịp để các anh ma cũ như chúng tôi đi lại, cười nói với nhau nhằm tỏ rõ mình rất tự tin chẳng kém gì những người dùng kem đánh răng Close up. Chúng tôi ngồi cuối hội trường, cười nói và biểu diễn đủ thứ trò khác. Nhưng dường như bọn ma mới chẳng xem đó là sành điệu, chúng đang mải mê vối chương trình ca nhạc. Chỉ có mấy đứa con gái cùng lớp nhìn thấy chúng tôi và lườm cho mấy cái sém cả mặt mà thôi. Cuối cùng, không biết là may hay rủi, thằng Vinh phát hiện một chú sâu to tướng đang ngọ ngậy trên một cọng hoa. Nó vận hết dũng cảm nam nhi mang cành hoa tiến lại chỗ mấy cô ma mới mắt tròn, miệng tròn, chăm chú nhìn lên sân khấu, định bụng sẽ làm lễ nhập môn cho các em bằng một nỗi khinh hoàng. Nhưng thằng Vinh vừa đặt cọng hoa xuống, một con bé đã chụp lấy con sâu và ném ngay vào cổ áo nó. Tội nghiệp anh chàng! Mặt mày xanh xám, miệng thì méo xệch mà chẳng kêu được tiếng nào. Nó càng ngọ nguậy thì con sâu càng ngoan cố kia chẳng chịu rơi mà cứ bình thản bò sâu hơn vào bên trong. Bọn ma mới bắt đầu cười rúc rích. Có trời chứng giám, lũ con trai chúng tôi bắt cướp thì còn dám, chứ bắt sâu to như thế thì… ngại lắm. Sau cùng, có một đứa đã nhanh trí lôi thằng Vinh ra ngoài hành lang, kéo áo ra khỏi "thùng" cho con sâu có đường rơi xuống. Vài đứa vuốt ngực nó an ủi: - Cũng may nó quyết định ra bằng đường thắt lưng chứ nó mà ra bằng đường chân thì… tổn thất còn nặng nề hơn. Hì… hì… Anh chàng vừa kịp hoàn hồn, vừa thở vùa than: - Thật… tao chưa từng thấy đứa con gái nào như nó! Một cô gái không sợ sâu thì tôi gặp rồi, một con bé thì đúng hơn. Hè năm lớp bảy, tôi theo ba sang làng bên thăm một người bạn cũ của ba. Tôi không thể tin vào mắt của mình khi thấy một con sâu khoai to bằng ngón tay cái xếp thành một dãy dài giữa sân. Những con sâu to tướng lại có cả sừng nhọn hoắt đang giãy giụa giữa cái sân xi măng nóng như thiêu bởi nắng hè trông thật khinh hoàng. Chưa hết, những con sâu không còn đủ sức để giãy nữa, nó đem bọc vào từng chiếc lá khoai rồi làm trò đưa đám ma. Tôi nhìn mà sởn cả gai ốc. Lúc về nghe ba nó bảo sau này sẽ gả nó cho tôi làm tóc gáy tôi dững ngược cả lên. Ừ, cũng da bánh mật, hơi gầy và có cái trán do rất bướng bỉnh. Không biết con bé kia có má lúm đồng tiền một bên như cô gái này không, nhưng có lẽ hai con bé có họ hàng với nhau vì cũng rất ấn tượng, cũng "hơi bị lì" như nhau. Sau lần đó, cả lớp tôi đều biết "cô bé không sợ sâu". Thật khéo xếp đặt, nó lại học ngay bên cạnh lớp tôi. Mấy lần đi ngang cửa lớp, cứ nhìn thấy thằng Vinh con bé cười tủm tỉm. Nó có cái nhìn nghiêng nghiêng với một bên má lúm xinh ơi là xinh. Thằng Vinh bảo: - Nó nói giọng Huế đặc sệt, nghe dễ thương không chịu được, nhung mà tao chẳng hiểu gì cả. Thằng Hoàng đến mà nhận đồng hương đi thôi. Không chờ thằng Vinh phải nhắc tôi cũng nghĩ đến chuyện đó rồi. Tôi thậm chí còn mơ mộng hơn, nghĩ rằng Thảo chính là con bé mà tôi đã gặp hơn tám năm trước, rồi tôi sẽ nhận "người quen", sẽ nhớ lại lời hứa của ba nó với ba tôi… Một diễn biến như phim và kết thúc thật có hậu, dĩ nhiên! Nhưng lúc tôi nhắc chuyện, chẳng thấy Thảo xúc động tí nào cả. Nó cười tủm tỉm: - Chắc là đệ tử của em đấy. Ở làng em ai mà sợ sâu sẽ bị tử hình đấy! - Lại còn bịa chuyện để mà doạ tôi nữa, thật phũ phàng! Nhưng thôi, Thảo là con bé "người quen" cũ của tôi hay không thì có gì quan trọng đâu nhỉ? Cô ấy nói chuyện với tôi thật vui là đủ rồi. Vậy mà suốt cả học kỳ I, tôi cũng chỉ nói chuyện với Thảo được có hai lần. Lúc nào gặp, cô ấy cũng chỉ cười "Chào anh" rồi đi thật nhanh. Dịp Tết, ba tôi về thăm quê trở về, lúc ngồi ăn cơm kể chuyện một người bạn cũ vừa mất năm ngoái. - Chú ấy mất đột ngột quá. Tai hoạ thật chẳng ai lường trước được. Thím ấy bây giờ một mình nuôi bốn đứa con, lai còn bệnh tật nữa chứ. À… con bé lớn học cùng trường với thằng Hoàng đấy… Mẹ bảo tôi: - Con lên trường tìm, nếu gặp thì bảo nó về nhà mình chơi. Con gái sống một thân một mình giưã cái thành phố này chắc cũng khó khăn. - Nhưng nó là ai vậy ba? - tôi hỏi và lập tức nghĩ ngay đến Thảo. Ba tôi tìm trong sổ tay rồi đọc chậm. - Lê Nguyễn Thu Thảo lớp C2 K37… Chà, cái con bé này lúc nhỏ nghịch lắm, bắt cả sâu để chơi đấy… Tội nghiệp, vừa đi học vừa phải giúp mẹ gồng gánh cả gia đình - Ba tôi quay sang nhìn mẹ - Hay bảo nó về đây ở, sẽ bớt phần nào chi phí… Mẹ tôi mắt đỏ hoe, nhưng lại bảo: - Nó ở đây chơi, giúp được gì thì giúp nhưng ở đây không tiện. Ba mày chuyện gì cũng nghĩ đơn giản. Thái độ của mẹ tôi thật khó hiểu. Có lẽ lúc nào tôi 50 tuổi như mẹ bây giờ, tôi sẽ hiểu mẹ đang nghĩ gì. Lúc này, tôi chỉ muốn gặp Thảo để nói rõ cho nó biết rằng ba Thảo với ba tôi là bạn bè và chúng tôi cũng đã từng quen nhau… Nhưng buổi chiều gặp Thảo, nhớ chuyện ba nó hứa gả cho tôi, rồi tôi lại mơ mông cái "diễn biến như phim" khiến tôi mất bình tĩnh. Tôi bảo: - Chào em! Anh là Hoàng, em nhớ không? Thảo tròn mắt nhìn tôi mà chẳng nói câu nào. Phải thật lâu tôi mới nhớ ra câu này tôi đã nói đến mấy lần trước, lúc này tôi muốn nói câu khác kia: - Anh là Hoàng, con bác Nhân, em nhớ chưa? - A… Bác Nhân dạy Vật lý, nhà có cây trứng cá to ơi là to… Hồi bé em có tới nhà anh mấy lần nhưng sao em chẳng nhớ anh nhỉ? - Lúc đó em còn bé xíu à. Khi anh đến nhà em chơi, em bắt sâu xếp giữa sân để chơi… Còn ngôi nhà đang xây dở… - Nhanh nhỉ. Gần chục năm rồi. Nhà bác Nhân chuyển vào Nam, còn bao nhiêu chuyện khác nữa… - Ừ, nhanh thật! Em cũng khác hẳn. Lúc anh đến nhà, em còn bé xíu à, em bắt sâu để chơi… Anh nhớ ngôi nhà đang xây dở… Thật quái gở! Chắc ấn tượng về Thảo lúc còn bé cứ "ám" tôi mãi nên cứ mở miệng là tôi nhắc mấy câu đó. Thảo phì cười: - Nhà em xây xong rồi. Bây giờ cũng đã cũ. Em cũng lớn lắm rồi mà anh cứ nhớ "em còn bé xíu" hoài. Tôi nhắn ba mẹ tôi mời Thảo về nhà chơi. Cô ấy hứa sẽ tới nhưng tôi đợi mãi… Dạo ấy gần cuối năm, tôi đi thực tập rồi lo làm luận văn tốt nghiệp nên ít tới trường. Tôi tới lớp tìm Thảo mấy lần nhưng không gặp, cậu lớp trưởng bảo: - Gần đây bạn ấy ít tới lớp. Hay anh đến nhà trọ tìm xem. Đó là ngôi nhà nằm trong con hẻm sâu hun hút. Thảo không có nhà. Một chị ngồi đan mải miết giữa đống len đủ màu sắc bảo tôi: - Nó đi vắng rồi. Chẳng nói lúc nào về. Một lúc ngẩng đầu lên nhìn tôi: - Thế cậu bà con với Thảo à? - Dạ… - Tôi dè dặt ngồi xuống cạnh đống len. - Nó đi tìm việc làm đấy. Bây giờ kiếm được một chỗ làm thật khó. Tôi cũng đã đi may công nghiệp, làm thâm ngày thâm đêm mà chẳng dư được đồng nào, họ hạ đơn giá mãi… Con Thảo trước đây dạy tiếng Việt cho một thằng Tây, được mấy bữa nghỉ. Nó không nói, nhưng thấy buồn buồn tôi chắc là nó gặp phải thằng không ra gì. Thế nó không nói với cậu câu nào hết à? Lúc nào cũng thấy cười, có bao giờ Thảo nói gì đâu. Mà tôi biết không phải lúc nào người ta cũng có thể đem hết chuyện của mình để kể với một người không thân. Thảo lại bướng bỉnh. Những cô gái bướng bỉnh thường chẳng muốn người khác biết mình buồn. Một lần, hai lần… tôi đến tìm nhưng chẳng lúc nào gặp Thảo. Đột nhiên, một buổi chiều cô bé đến tìm tôi, cười rất tươi, tựa như chẳng có âu lo nào. Chúng tôi ngồi trong quán nước bên bờ sông Sài Gòn. Đang mùa mưa nhìn sông nước mênh mông lắm. Thảo mải miết quấy chiếc muỗng trong ly cà phê, một lúc sau mới nhìn tôi: - Anh biết chuyện rồi?... Em nghĩ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chắc cũng dễ kiếm tiền, với lại sẽ học thêm được tiếng Anh. Nhưng được hai tuần, nó bảo nó thích em hơn tiếng Việt. Em sợ nên bỏ dạy… Thảo cắn môi, giọng nói hơi hoảng hốt: - Chẳng có gì cả. Nhung mọi người trong nhà trọ hôm đó đều nhìn em lạ lắm. Một cô còn bảo em đáng ra phải nghĩ đến chuyện này trước khi nhận dạy một mình nó trong phòng riêng như thế, sao bây giờ hoảng hốt mà bỏ đi. Mà em có làm gì xấu xa đâu… - Anh biết! Chuyện qua rồi em đừng nghĩ ngợi nhiều! Tôi an ủi, chợt thấy lòng mình cũng xót xa. Chúng ta luôn ước mơ nhưng điều tươi đẹp mà đường đi thì có biết bao gập ghềnh. Cả Thảo và tôi đều còn quá nhỏ để lường trước những bất trắc có thể xảy ra… Thảo lại vén tóc, nhìn ra sông nói to như tự an ủi mình: - Mà em cũng có sao đâu. Không ai sợ em thì thôi chứ em mà sợ ai. Sâu còn chưa sợ nữa là… Thảo cười nhưng mắt ngân ngấn nước. Sao trong lòng muốn khóc mà Thảo lại cười? Sao lúc nào Thảo cũng tỏ ra rằng mình rất cứng rắn và tự tin như thế? Bất chợt, tôi nắm lấy bàn tay Thảo, tôi nắm thật chặt, mong rằng vui buồn sẽ được san sẻ. Tiếng Thảo dịu dàng lẫn trong tiếng nước vỗ về: - Em vào đây học, lúc nào mẹ em cũng lo. Sợ em vì thiếu thốn mà làm những điều không phải… Rời mẹ đi rồi em mới biết muốn làm một người tốt cũng không phải dễ dàng… Gió chiều từ sông Sài Gòn thổi về lồng lộng. Nước mải miết vỗ về bờ sông. Cô bé lau mắt, cười ngượng nghịu bảo tôi: - Gió chiều, lại bụi nữa. Em cay mắt quá! Anh đưa em về thôi!