“Mày ngông nghênh vừa thôi con ơi!”
- Mẹ tôi buồn rầu bảo thế. Giọng mẹ nhàn nhạt như thế đã quá mệt mỏi về việc nhắc nhở ấy lắm rồi.
Mà từ khi sinh ra tôi, mẹ phải nhắc nhở như thế bao nhiêu lần. Chắc là mẹ rất buồn rầu về đứa con gái trái tính trái nết của mình.
“Cứ như thế này mãi chẳng có ma nào thèm rước mày đâu!”.
Ôi! Mẹ sợ con gái của mình không có chồng. Chẳng nhẽ mọi cố gắng của một người con gái chỉ để lấy đựơc chồng thôi sao? Tôi cần gì phải như vậy? “Mặc con!” - sau cùng tôi hét lên cáu kỉnh. Và mẹ chẳng nỡ nhẫn tâm với một người mà ông trời đã quá ư hà khắc đối với họ.
Tôi là một đứa con gái xấu xí. Chẳng ai nói với tôi điều này nhưng tôi thừa sức để nhận ra. Tôi thô kệch và đen thui như một con quạ… và thế là tôi ngổ ngáo hơn cả một thằng con trai ngổ ngáo. Khi người ta không có một chút xinh đẹp nào thì cần gì phải dịu dàng, ý tứ chứ!
Cứ tưởng tượng xem, nếu như tôi có một mái tóc dài buông xuống đôi vai to đùng, tôi ngồi bên cửa sổ và dùng miệng cắn vào một ngón tay xù xì, còn đôi mắt thì mở thao láo nhìn vào xa xăm… Như thế có khác gì đem mắm tôm mà chấm với nước đá đâu!
- Vẻ đẹp tâm hồn người ta mới thật là điều quan trọng, Nga à! - Thỉnh thoảng chị Hà vẫn an ủi tôi bằng cái giọng của một cô giáo thuộc bài.
Cả mẹ tôi, chị Hà, anh Linh đều lấy làm xót xa về tôi nhưng ba tôi thì không. Ông chẳng coi đó là chuyện quan trọng. Con gái của một người bán than mà biết làm thơ là tuyệt lắm rồi. Ba tôi tự hào về điều đó. Cả làng này, có ai làm thơ được đăng báo như tôi đâu.
- Thơ thì hiền nhưng sao nó dữ như bà chằn vậy! - Anh Linh đùa thế. Thơ tôi không hay nhưng chắc chắn nó không gợi đến một cô gái xấu xí và cọc cằn như tôi. Tôi gọi những bài thơ của mình là mùa thu xinh đẹp.
Năm mười bẩy tuổi có người đem tặng tôi một mùa thu.
- Giống như phim ấy! - Anh Linh đùa rồi cười tưởng như vỡ tung cả mâm cơm nếu không có cái trừng mắt của ba tôi.
Tôi đem bức tranh treo lên cửa sổ. “Tôi đã đọc thơ của em và nhìn thấy một mùa thu như thế”. Bức thư chỉ có mấy dòng. Đó là mùa thu mênh mang, nắng vàng vương nhè nhẹ trên dám cỏ may tím phớt nghiêng nghiêng bên lối nhỏ, trời cao diệu vợi một màu xanh…
Dạo ấy trời cũng vừa sang thu. Thu miền Trung nắng gắt và trời khô, gió thổi vào lớp cỏ giữa đồng một màu vàng xao xác. Trong lúc anh Linh đạp xe lên thị xã ngồi hàng giờ trong quán cà phê để đựơc gặp con nhỏ đỏng đảnh tóc đen môi đỏ nào đấy thì tôi lặng lẽ men theo cánh đồng. Mỗi lần qua ngõ xóm, lũ trẻ trố mắt nhìn tôi:
- Thế mà nó làm thơ được chúng mày ạ! - Một đứa bảo thế. Tôi kéo cái mũ cói te te thấp xuống tránh mấy con mắt tò mò.
- Nó có mắt không nhỉ? Nó đi giữa đồng như vậy để làm quái gì chứ…
Tôi vẫn đi như thế, chiều này qua chiều khác, cho đến lúc cái lối của tôi trở thành con đường. Con đường của tôi vu vơ trên cánh đồng, nó vắng hoe. Khi con đường không dẫn về đâu thì người ta theo nó để làm gì? Thế là tôi đi một mình, dù tôi chắc rằng cơn lũ cuối thu sẽ xóa nhòa những bước chân của mình, rồi sang mùa đông những người nông dân sẽ lật tung nó lên để trồng lúa, cả đám cỏ may bé bỏng kia cũng sẽ chết theo. Cứ đi thành đường rồi bị xoá tan như thế thì buồn quá, phải làm cái gì khác đi thôi. May sao, tôi vẫn còn mấy bài thơ với dòng chữ “Thu 1993”, mặc dù mẹ tôi bảo đó là việc làm của những ai “vô công rỗi nghề”.
… Suốt mùa thu anh gửi tặng tôi nhiều bức tranh (và nhận đựơc nhiều bài thơ của tôi). Anh Linh chẳng còn đủ hài hước để làm trò với chúng nữa. Sáng đi nộp hồ sơ ở cơ quan này, chiều gửi hồ sơ ở cơ quan khác nên tối về anh chỉ kịp thở dài cái sượt, hắt luôn một cái dí dỏm mà anh học được trong năm năm ở ký túc xá. “Người ta ai cũng phải có một nỗi buồn” - chị Hà nói (dĩ nhiên là chị vừa đọc ở cuốn tiểu thuyết tình cảm nào đó). Cuối cùng chỉ còn lại tôi với những bức tranh mùa thu. “Tôi rất vui vì được làm quen với em”. - anh chẳng hề biết rằng mình là người bất hạnh thứ nhì trên đời.
Cuối mùa thu, mưa đổ nhiều hơn. Mưa mùa lũ, bong bóng vỡ phập phồng trắng cả sân. Hôm ấy có người gõ của nhà tôi:
- Tôi hỏi thăm Hằng Nga.
- Cô ấy đi xa rồi. - Tôi nói dối và biết rằng tôi cần nói dối. Nét thất vọng hiện rõ trong đôi mắt anh. “Dù sao như thế cũng tốt hơn” tôi nhủ thầm, quay mặt nhìn cơn mưa bên ngoài. Thiếu đi màu vàng mùa thu của tôi ủ rũ trong cơn mưa. “Ông không nhắn gì sao?”. Tôi không nghĩ cuối cùng mình chỉ nói được câu hờ hững như thế. “Tôi gửi Nga cái này”. - Tiếng anh lẫn trong tiếng mưa không dứt… Và đó là bức trang cuối cùng của mùa thu.
Một con bé ngồi bên cửa sổ, tóc dài nghiêng nghiêng bên bờ vai, mắt nó đen và buồn mênh mang… Bên ngoài cửa sổ, thu đang vàng. Con bé đó lạ hoắc, những bài thơ của tôi đâu gợi môt con bé như thế này. “Thân mến tặng mùa thu tóc ngắn của tôi”. - Anh ghi một dòng như vậy vào góc tranh. Tôi đối diện với nó, con bé tóc dài nhìn xa xôi vào mùa thu. “Giá như có một chiếc lá vàng đang rơi nữa thì đẹp tuyệt”. Chị Hà kêu lên. Tôi buông hờ những ngón tay trên mái tóc ngắn ngủn. Nếu vẽ thêm một chiếc lá, chắc mùa thu đỡ vắng hơn. Con bé trong tranh đang nhìn ra khoảng trống đó. Mắt nó buồn và đẹp làm sao. Nhưng nó không phải là tôi. Tất nhiên, tôi miết những ngón tay đen đúa lên tóc nó, rồi giận dỗi quay mặt nó vào tường. Bức tranh úp mặt như đứa trẻ biết hờn. “Sao không vẽ thêm một chiếc lá vào khung trời kia” tôi xót xa nghĩ thầm. Hèn chi con mắt con bé kia buồn thế, mà “người ta ai cũng có một nỗi buồn”, chẳng biết chị Hà vớ ở đâu ra câu ấy…
Tôi nhảy lên giường kéo chăn trùm kín đầu, nghe mơ hồ trong tiếng văng vẳng một cái gì. Tiếng chị Hà se sẽ:
- Nga khóc à?

Xem Tiếp: ----