Trường mới nằm cạnh một con đường lớn, suốt ngày xe cộ chạy qua ầm ầm, nom nó thật chật chội và ngột ngạt, không có lấy một khoảnh sân hay một cọng cỏ dại chứ nói gì đến "cây to bóng mát". Cái nhà giữ xe thì tối om như tầng hầm, đông nghẹt, cộng thêm mấy cô giữ xe mặt mày cau có nữa thì hết chịu nổi. Ngày đầu tiên tới trường, tôi nhận ra mọi thứ đều khác hẳn với những gì tôi đã tưởng tượng. Tối, ghi thư về nhà: “Ba mẹ ơi! Trường mới của con giống như cái rạp hát cũ ấy. Buồn lắm!”. Những lúc như thế, tôi lại nghĩ về những trường đại học ở Huế, với những lối đi rải vàng hoa điệp, giảng đường có bằng lăng tím chìa vào cửa sổ, bên ngoài thì dòng sông Hương êm ả, xanh ơi là xanh! Rồi tôi hối hận vì đã chọn vào ngôi trường mà chẳng giống trường tý nào này. Khai giảng, trường mới có thêm dãy băng đỏ kéo ngang cổng: "Nhiệt liệt chào mừng sinh viên K34…", nom đỏm dáng hơn ngày thưóng chút ít. Người ta ra vào đông đúc. Sinh viên cũ mặt mày hớn hở, cười nói oang oang với nhau ra vẻ tự tin lắm, bọn sinh viên mới chúng tôi quần áo tinh tươm, cười mỉm chi ngại ngùng, dè dặt. bảng thông báo ghi thêm: "Khoá mới khai giảng tại hội trường A, lầu 2". Đó là nơi sáng sủa nhất trong ngôi nhà có vô số ngóc ngách và lối đi hẹp này. Hội trường rộng, cửa kính sáng loáng có sân khấu với hai tấm màn nhung đỏ, mấy cái loa ở các góc tưòng phát ra ầm ĩ. Tôi lại nghĩ: "Đích thị là một cái rạp hát chứ còn gì nữa!", chọn chỗ ngồi gần cuối, tít trong góc xa tôi bắt đầu tưởng tượng nếu như bây giờ mình đang ở Huế, xung quanh là bạn bè… rồi thấy nhớ và tiếc. - Chào cô bé! Đúng là em đây rồi. Có hai gã con trai đang tiến về phía tôi, miệng cười toe toét - cái kiểu tự tin của ma cũ đây mà. Định gởi trò, "ma cũ bắt nạt ma mới" chắc? Để coi, mặt mày sáng sủa, hiền lành… nhưng mà "tri nhân, tri diện bất tri tâm" - câu này ngày nào ông nội tôi chả nhắc. Nếu quanh tôi có thêm vài người bạn thì chưa biết ai "bắt nạt" ai. Kẹt nỗi, ở đây ai cũng lạ… - Đừng sợ! Anh thấy không có con ma-cà-rồng nào ở đây cả. Anh là Công Thịnh, sinh viên năm 3, thằng này là bạn anh - thủ khoa của khoá tới. Hai năm vừa qua bọn anh đã học hành rất là đàng hoàng, đạo đức cũng rất tốt, vậy nên… qua nhiều cuộc họp, nhà trường quyết định cử anh tới đây để chào mừng em vào trường. Học hành xuất sắc, đạo đức tốt thì chưa thể tin đựơc. Nhưng mà tôi nghe nói sinh viên trường này rất mồm mép, đúng là rất mồm mép! - Ừm! Để coi… hồ sơ phòng giáo vụ gửi cho anh có ghi em 18 tuổi, da trắng, tóc đen, hơi bị nhỏ con… Ừm! Trông có hơ rụt rè. Hộ khẩu thường trú: Đà Lạt. Trật lất. Tưởng giỏi giang gì, hoá ra cũng đoán mò. Tôi kêu lên: - Như vậy là nhầm người rồi! - Á, a… cũng tại phòng giáo vụ làm ăn bê bối. Không sao, anh sửa lại ngay. Hộ khẩu thường trú: Thành phố Huế. - Không phải. - Ối dào! Ở đâu cũng không quan trọng lắm. Em nói giọng Huế thì anh bảo em ở Huế. Em nói giọng Huế thì phải mang họ Tôn Nữ, phải là con gái Diễm Xưa. Đúng rồi, họ tên Tôn Nữ Diễm Xưa phẩy. Họ hàng với Diễm Xưa thì hơi bị tuyệt nhưng… tôi có xinh đẹp đâu. Gọi thế chẳng khác nào chọc tức tôi. Lão "ma cũ" này cũng thật quá đáng. Ai bảo tôi không tức cho chứ? Nhưng tôi hay lẫn lộn thay vì hét thật to cho đỡ tức thì tôi lại rớm nước mắt. Và tôi lại thấy tức mình hơn. Hai con "ma cũ" im lặng một hồi, bảo: - Nếu mà em buồn thì tôi xin lỗi. Thực ra tôi chỉ muốn làm cho em vui và thấy tự tin hơn thôi. Ngày mới nhập trường tôi cũng rất sợ… Buổi tối, tôi ghi thư cho bạn bè: "Tụi mày đã nhập trường chưa? Hôm nay trường tao khai giảng vui ơi là vui!" Đó là bạn mới đầu tiên của tôi ở trường này. Nhưng đôi lúc nghĩ mình lại nhầm lẫn nữa rồi. Thực ra, câu chuyện cũng chỉ từng ấy. Mà chỉ gặp một lần đâu phải là bạn được. Sau này, tôi biết thêm, cái anh "ma cũ" ấy học ngay cạnh lớp tôi. Dạo mới vào trường, chiều nào tan học tôi cũng sang lớp bên để đợi chị Thu - học cùng trường cấp ba hồi trước - về cùng. Khi thấy anh "ma cũ" ở đó, tự nhiên tôi đâm ra ngại. Rồi tôi không sang đợi chị Thu nữa nhưng thỉnh thoảng, tôi bâng quơ: "Ở lớp chị có cái anh gì vui lắm, mà trông quen quen như đã gặp ở đâu rồi". Thực lòng, tôi cũng muốn nghe nói về anh. Lớp trên hay liên hoan, có khi anh "ma cũ" mang sang lớp tôi thật nhiều kẹo, bảo tôi: "Để bù cho chuyện hôm khai giảng ấy mà". Lúc đó, tôi không nói nổi một tiếng "cảm ơn" nhưng cảm thấy có điều gì đó thật ngọt ngào ở trong lòng. Rồi tôi nghĩ vẩn vơ hay là anh "ma cũ" … mến tôi. Nếu không, tại sao hôm khai trường anh lại làm quen với tôi, còn mang kẹo cho tôi nữa? Hay là tại tôi giàu trí tưởng bở nhỉ? Bẵng đi mấy tuần, tôi không thấy anh "ma cũ" đi ngang cửa lớp. Thu bảo: - Nó nghỉ học luôn. Ba nó mất rồi, mẹ thì bệnh hoài. Tao nghe lớp trưởng nói vậy: Tôi không dám hỏi gì thêm, trở về nhà bần thần mãi. Vậy mà hôm sau lại thấy anh cười toe toét ở nhà xe: - Chào em! Vui vẻ chứ? Có đứa nào ăn hiếp em không? - Em không ăn hiếp ai thì thôi chứ ai mà ăn hiếp em! - Khá đấy! Thảo nào Phòng Giáo vụ vừa báo cáo dạo này em có tự tin hơn chút. Chỉ từng ấy thôi cũng để cái đầu óc giàu trí tưởng bở của tôi nghĩ vẫn vơ mãi. Tôi ước, giá như mình có thể nói thêm điều gì, nhiều hơn một câu thông thường để chứng tỏ tôi cũng quan tâm, muốn làm bạn của anh. Nhưng con gái thì vẫn là con gái, dù tôi có mến anh bao nhiêu cũng chỉ để mình tôi biết điều đó mà thôi. Tháng sáu, nào là lịch ôn tập, lịch thi… bao nhiêu việc phải chuẩn bị để kết thúc một năm học. Cái "quyết định" mới toanh đựơc dán ngay ngắn ở bảng thông báo làm cho người ta đứng lặng đi. Danh sách sinh viên bị đình chỉ học tập vì "Cố ý gây cản trở cho công việc quản lý" thật dài. Thu bảo: - Lần này họ làm căng rồi, tụi nó nợ học phí đông quá. Rồi kéo tay tôi: - Lên lớp mà học đi, đứng ngây ra đó mà làm gì. Nhưng mà tôi chẳng thể nghe được chữ nào. Tôi đã nhìn thấy tên anh "ma cũ" trong cái danh sách đó với mở ngoặc đơn "3 kỳ". Cuối buổi học, tôi đợi Thu ở cầu thang, hỏi: - Cái anh gì vui vui ở lớp chị đó, sao em không thấy đi học? - Nó nghỉ rồi. Nghe nói đang chạy bán cho nhà hàng… Chị Thu tốt nhưng mà dữ lắm, thỉnh thoảng vẫn "quát" tôi vì tôi "nông nổi, bồng bột", bởi vậy tôi không dám hỏi thêm gì. Tôi thật sự không biết mình phải làm sao. Bởi vì tôi không phải là bạn của anh, bởi vì tôi là con gái nên tôi rất sợ vô duyên. Rồi ngày thi đang đến gần, tôi không dám mình phải làm gì nữa. Chỉ đôi lúc tan trường, tôi vẫn đạo xe ngang chỗ anh làm. Cuối cùng tôi đã gặp được anh: - Chào em! Vẫn cái điệu hớn hở đó làm con bé nông nổi trong tôi quên hết mọi điều định nói. Tôi nhìn anh, áo quần chỉnh chu từ đầu đến chân, cố buộc thêm cái nơ màu xanh nước biển… - Anh đây mà! Có phải là con khủng long nào đâu. - Em ghé nhà đứa bạn, tình cờ đi ngang qua đây… hoá ra anh đã đi làm rồi à? - Công việc ấy mà…. - Nhưng đi làm luôn thì làm sao anh đi học được. - Tôi thực sự cảm thấy lúng túng. Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào và phân vân không biết có nên nói rõ hay là không - Em nghe nói… nghe nói anh nghỉ học rồi… - Chuyện nhỏ đó, em để ý làm gì? Hiểu nhầm nhau đấy thôi. Rồi nhà trường sẽ phải cử đại diện đến thương lượng với anh thôi mà. Họ sẽ xin lỗi vì làm tổn thất uy tín của anh này, năn nỉ anh tiếp tục đến trường này… Ừm! Để coi… tất nhiên anh sẽ bỏ qua và vui vẻ đi học trở lại. Anh mà nghỉ học thì cả khoá của anh cũng sẽ phải giải tán mất… Còn em, học hành thế nào? Hồ sơ mới nhất Phòng Giáo vụ gởi cho anh bảo em dạo này "hơi bị tròn" đấy! Rồi cười nhẹ tênh, tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà người ta có thể đem chuyện riêng tư của mình để nói với một người không thân lắm không nhỉ? Tôi ngại nói rằng nếu tôi nói thêm điều gì nữa thì sẽ hoá vô duyên mất. Tôi bảo rằng, tôi đang rất vội rồi đạp xe về. Tôi đã không nói ra cái điều duy nhất mà tôi muốn nói với anh rằng tôi rất mong lại được gặp anh tại trường học. Rồi tháng chín. Sài Gòn như có chút thu se sẽ trên những đường phố có lá vàng. Nắng nhẹ và trời thoáng lạnh. Sáng nay khoá mới lại khai giảng. Sáng sớm tôi gọi điện đến nhà học trò xin được nghỉ dạy để tới trường. Vẫn tấm băng đỏ có chữ trắng kéo ngang cổng chào mừng sinh viên khoá mới. Những gương mặt vừa vui tươi vừa ngại ngùng với những nụ cười mím chi - sinh viên mới nhập trường bao giờ cũng thế. Tôi đi giữa mọi người không ngại ngần như năm cũ nhưng cũng chẳng thấy tự tin thêm, trong lòng xôn xao cái cảm giác vừa quen vừa lạ. Chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, tôi nghĩ không biết năm nay anh "ma cũ" có về tựu trường không? Tôi ước được nghe giọng nói quen thuộc: "Chào em! Anh là sinh viên năm thứ 4…" và khi ngoảnh lại, tôi sẽ nhìn thấy nụ cười đầy tự tin, cởi mở dù là cười nói với một cô "ma mới" nào khác. Thế là mùa thu lại xôn xao…