Nếu bạn đang sống ở Sài Gòn hoặc một dịp nào đó bạn đến thành phố này, hãy bỏ một chút thời gian để đi dạo trên các đường phố đông người, có thể bạn sẽ thấy một cô gái đáng yêu đấy! Cô ấy vừa tròn 22 tuổi, cao khoảng 1m60, mái tóc dài rẽ ngôi được buộc bằng sợi dây vải màu nhạt trông thật nhã nhặn và gọn gàng. Cô gái có đôi mắt biết cười, khuôn mặt đẹp và hiền hậu tựa vầng trăng mười sáu. Cô ấy thường mặc quần Jean, áo sơ mi màu sáng kiểu Hàn Quốc những hôm trời lạnh có thắt thêm một chiếc khăn quàng mỏng trông rất duyên dáng toát ra từ dáng vẻ, từ mỗi cử chỉ của cô. Nói chung, cô gái có vẻ đẹp mẫu mực, vừa phải, dễ làm vừa lòng cả những người lớn vốn khó tính nhất.
Mà cô ấy mẫu mực thực sự đấy, nếu như bạn biết thêm rằng cô gái vừa tốt nghiệp từ một trường đại học không phải ai thi vào cũng đỗ và chỉ ít hôm nữa thôi cô sẽ là nhân viên của một công ty nước ngoài đang kinh doanh rất thành công tại Việt Nam. Ở trường, cô là sinh viên dễ mến hòa đồng với mọi người, học hành nghiêm túc và tuyệt đối trung thực trong thi cử. Còn trong gia đình? Đó là một người con rất mực hiếu thảo, đảm đang. Cô ấy nấu ăn ngon và chơi ghi-ta giỏi… sự xinh đẹp và giỏi giang của cô không làm mọi người e ngại hoặc ganh tị mà trái lại ai cũng yêu mến cô. Còn một điều nữa mà bạn chưa biết. Cô gái đó chính là tôi.
Hẳn bạn đang bĩu môi nghĩ rằng: "Mèo khen mèo dài đuôi!". Không đâu, tôi nói thành thật đấy. Tuy nhiên, tôi cũng có những câu chuyện buồn, những chuyện đáng hổ thẹn nữa. Câu chuyện mà tôi sắp kể cho bạn nghe là một chuyện đáng buồn, nó làm tôi luôn phải cúi đầu mỗi khi nghe ai nhắc đến hai từ "ích kỷ".
Noel năm nay Sài Gòn lạnh hơn mọi năm. Ở đây không có cái lạnh buốt như miền Bắc và miền Trung nhưng cũng đủ cho người Sài Gòn mặc áo len cổ lọ, choàng khăn và suýt xoa đi xuống phố. Tôi đi giữa những gương mặt rạng rỡ và những màu áo tươi tắn. Trong mọi ánh mắt đều như ẩn chứa một lời chúc: "Giáng sinh vui vẻ!". Tiếng chuông nhà thờ ngân nga, giai điệu ngọt ngào của những bài thánh ca theo tôi suốt dọc đường về. Nhà tôi ở gần một khu biệt thự. Đó là những ngôi nhà với những khu vườn xinh xắn, có hoa ti gôn nở dọc bờ tường. Đường phố hẹp có trồng nhiều cây hoàng điệp, còn vỉa hè thì rộng rãi và sạch sẽ. Đấy là chỗ ngủ của vài người vô gia cư khi đêm về. Từ lúc còn bé, mỗi lần đi qua nơi này tôi vẫn thường ước ao được sống trong những căn nhà xinh xắn ấy, tôi sẽ sơn tường màu xanh nhạt và trong thật nhiều hoa tường vi trước sân… Nhưng dường như những khu nhà sang trọng thường kém an toàn. Bởi thế, đầu phố phải có một chốt dân phòng.
Lại nói về những người dân phòng, tôi thật sự yêu quý họ. Mỗi đêm khuya nhìn xuống phố thấy họ miệt mài đi tuần, tôi nghĩ rất nhiều đến sự hy sinh thầm lặng. Chính họ đã âm thầm bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mọi nhà. Nhưng đó là chuyện khác. Lần này, họ có năm người đang đứng giữa một đám đông tụ tập ở cuối đường phố biệt thự. Ngồi bệt trên vỉa hè là một người phụ nữ. Trông chị ta thật ráck rưới, da thì đen nhẻm, tóc cắt ngắn quá mang tai, hay tay ôm khư khư hai gói đồ bèo nhèo mà tôi đoán đấy là bịch ni lon và lon bia mà chị ta nhặt được từ bãi rác nào đó.
- Có đi chỗ khác không thì bảo? - Một anh dân phòng quát lớn.
- Không, muốn ngồi ở đây cơ! - Người phụ nữ trả lời, ngồi tựa lưng vào tường, duỗi thẳng hai chân ra rồi lôi từ trong túi ra một gói mì ăn liền bẻ ra nhai ngấu nghiến, ngước nhìn mọi người và nhe hàm răng sún cười một cách ngây ngô.
- Tao đốt hết đồ bây giờ! - Một anh khác doạ. - Không! - Người phụ nữ thu chân, mắt nhìn đầy sợ hãi.
- Ngoan cố hả? - Anh dân phòng xông lại, lấy gói đồ và không ngần ngại châm lửa đốt.
- Đừng! - Chị ta hét lên. Một anh tay cầm dùi cui đá nhẹ vào hông chị.
- Nói đàng hoàng không chịu nghe muốn ăn đòn hả? Tao đánh mày!
Người phụ nữ khóc rú lên, lao ra ôm mớ đồ ngun ngút khói. Miếng mì ăn liền vỡ vụn, tung toé trên vỉa hè… Đầu tôi nóng hầm hập. Tôi nhớ một câu chuyện tương tự, mình đã được đọc ở đâu đó…
Tôi xông vào mấy chỗ người dân phòng đẩy anh chàng mập ú ngã lăn quay giữa lòng đường, tôi tát tên cầm dùi cui một cái nảy đom đóm nữa… Họ sợ hãi lùi xa.
Mà không, không phải bạo lực như thế đâu. Trước tiên tôi đỡ người phụ nữ đứng dậy, rồi tôi nhỏ nhẹ yêu cầu mấy anh dân phòng bớt giận. Tôi đứng trước mặt họ, nhìn thẳng vào mắt họ nói rằng họ là những thanh niên rất khoẻ mạnh và tận tâm với công việc, nhưng hãy để sức mà giúp công an đối phó với những băng đua xe tí nữa đây gầm rú khắp đường phố Sài Gòn chứ không nên cậy sức quyền để làm tình làm tội người phụ nữ cầu bơ cầu bất như thế, rằng họ làm việc có lý mà không có tình. Tôi nhìn rất thẳng vào mắt họ.
Có một điều nữa bạn nên biết về tôi: Tôi vốn giàu trí tưởng tượng. Việc bênh vực phụ nữ kia cũng chỉ do tôi tưởng tượng mà thôi. Thực tế lúc đó tôi ngồi im như phỗng trên xe máy. Tôi căm ghét mấy người hống hách kia và xót xa cho người phụ nữ, nhưng ngại rằng để cho người khác nhìn thấy tôi xô xát và to tiếng giữa đường phố như thế này thật không hay tý nào, còn đâu là đoan trang, là dịu dàng. Nếu chẳng may anh dân phòng nào đó nóng nảy cho tôi luôn một cái thì còn là thể thống gì nữa. Nhà của "người ấy" cũng gần đây, người ta thấy tôi như thế cũng buồn bực lắm… Đầu tôi lùng bùng nào là thể diện, nào là thanh danh… Hẳn mọi người trong đám đông cũng đang suy nghĩ thế. Chẳng có ai phản ứng gì cho đến khi có một bà cụ từ trong ngôi biệt thự bước ra. Bà đỡ ngưỡi phụ nữ dậy và nói rất dịu dàng:
- Thôi con kiếm một chỗ khác mà nghỉ, các anh ấy còn phải làm việc! Đám đông phụ hoạ theo:
- Ừ, đi kiếm chỗ khác mà nghỉ.
Người phụ nữ khóc hu hu với bà cụ như một đứa trẻ, rồi ngoan ngoãn ôm mớ đồ đi nơi khác.
- Giải tán hết đi! Còn đứng đó làm gì! - Một anh dân phòng quay lại đám đông yêu cầu. Có một anh cúi nhặt giùm tôi xâu chìa khoá và nhắc:
- Về nhà đi!
Có lẽ tôi cũng nên về nhà, kẻo ai đó nhìn thấy thì bảo tôi tò mò và hiếu kỳ mất.
Đường về nhà gió thốc lạnh buốt. Hương ngọc lan từ khu phố biệt thự váng vất trong đâù tôi. Nhạc Giáng Sinh ngập cả không gian. Tôi trở về nhà, soi mình trong chiếc gương lớn. Tôi 22 tuổi, cao 1m60, có một gương mặt đẹp và dịu dàng, tôi được học hành tử tế… Vậy mà tôi chẳng thể làm gì được để bênh vực một người phụ nữ đáng thương. Ở trong phòng thi, tôi cũng không dám phản ứng khi giám thị đưa bài của tôi cho một thí sinh chép… Bởi vì tôi không phải là một người điên, tôi lo sợ mình không giống số đông, tôi sợ dư luận. Những từ như "sống bao đồng", "lo việc tào lao"… luôn làm tôi e ngại. Lúc nào cũng toan tính, đắn đo nào là thể diện, nào là mẫu mực. Tôi phải luôn luôn giữ lấy cái duyên dáng, cái mẫu mực của mình và xa dần bản chất hồn hậu của một con người. Tôi không làm điều xấu mà cũng chưa bao giờ làm nổi một việc tốt.
Đêm Thiên chúa Giáng sinh, chuông nhà thờ đổ dồn từ bốn phía. Tấm kinh trước mắt tôi bỗng nhiên biến hình.

Xem Tiếp: ----