Chương III

Vào cuối tháng tám, tôi còn có một chuyến đi nữa trở lại làng Yên. Chỉ huy chúng tôi và bầy trâu 48 con không phải là anh Cấp mà một ông trung niên tên Cứ. Tôi chỉ nghe láng máng vào tháng 7, anh Cấp có giấy gọi nhập ngũ. Tôi đã quen với công việc và có chút ít kinh nghiệm làm bạn với bầy trâu rừng. Lòng thoáng chợt buồn vì thiếu vắng anh Cấp.
Những ngày đi đường, tôi mong ngóng từng đêm để tới được làng Yên. Đàn trâu về đến làng đã sẩm tối. Chị Lụa nhận ra tôi là người quen cũ, từng đi với anh Cấp về nghỉ ở nhà chị lần trước, nhưng trong bữa cơm chị không nói gì. Còn bà cụ Mít cũng ậm ừ cho qua chuyện và đôi mắt luôn dõi theo cô con gái từng bước một. Hình như ông Cứ không được bà cụ Mít tiếp đãi nồng nhiệt như anh Cấp bữa trước. Sau bữa ăn, cụ Mít ngồi tính chi ly từng hào để thanh toán tiền gạo củi, rau mắm, tiền cỏ trâu, tiền thuê bãi cho trâu nghỉ. Tôi buồn bã cầm tấm mềm mỏng đi ra bờ đê tìm đến gốc nhãn. Đống rơm to như cái nơm cá khổng lồ hao đi quá nửa. Tôi ngồi xuống dệ cỏ, ngửa đầu ngắm trời sao. Lòng buồn se sắt. Chị Lụa lặng lẽ tới bên tôi tự bao giờ. Bàn chân chị đi trên lớp cỏ êm ái không một tiếng động. “Anh Cấp đi bộ đội, chị có biết không?” - Tôi hỏi chị Lụa. “Anh ấy chẳng nói gì với chị, trước ngày đi anh ấy có lên đây được một tối, thưa chuyện với mẹ chị. Bà cụ chửi cho một trận, rồi cấm cửa...” “Đang thời chiến tranh mà chị...”. Tôi an ủi. Chị Lụa nhìn lên mặt đê, buông giọng buồn rầu: “Chị buồn lắm em ạ. Biết anh ấy bây giờ ở đâu mà tìm?”.
Tôi không biết chị Lụa buồn vì lẽ gì? Bị bà cụ Mít chửi cấm chị lấy chồng xa? Hay chỉ vì chị trót yêu một anh chàng đi bộ đội. Làng nào bây giờ chả có người ra trận? Nghe nói đã có người trên huyện đánh tiếng hỏi chị Lụa, nhưng chị kiên quyết không lấy. Bà cụ Mít càng giận... Bỗng chị Lụa bật khóc ngay trước mặt tôi. Rồi chị đứng dậy đi lên bờ đê... Tấm áo cánh nâu, chiếc quần thâm bó chặt lấy cơ thể phổng phao, cái bụng đã hơi căng đầy của người con gái...
Thêm một mùa hè nữa, tôi lại ngược rừng làm bạn với bầy trâu về xuôi. Vẫn những chặng nghỉ đêm sau khi đi bộ quãng đường 20, 25 km một ngày. Mùi trâu rừng hôi hám ám vào quần áo, lẫn vào giấc ngủ. Chỉ có điều khi đi qua những thành phố, thị trấn, làng mạc cả người và trâu lo đi cho nhanh để tránh những trận máy bay Mỹ đánh phá đường sá, cầu cống không theo một quy luật nào cả.
Đêm ngủ lại làng Yên, bà cụ Mít vẫn nấu cơm cho toán thợ, bán cỏ, rơm khô cho bầy trâu ăn đêm, keo kiệt tính từng xu gạo mắm... Khi tôi buột miệng hỏi: “Chị Lụa đi đâu, thưa bà?”. Chỉ nghe tiếng bà chít nước bã trầu qua kẽ răng và một giọng đay nghiến: “Bôi vôi, thả trôi sông rồi...!”. Tôi chạy ào ra ngoài bờ đê, úp mặt vào thân cây nhãn khóc tấm tức. Năm ấy tôi tròn 16 tuổi.
Thêm một mùa hè nữa qua đi. Tôi vào bộ đội. Rồi đi Nam. Gặp lính Công trường 4 ở Phú Vang, Phú Lộc; đụng với lính Công trường 6 ở Phong Quảng, đi với Sư đoàn 324 đánh điểm cao Dốc Chè, Cao điểm 360, căn cứ Động Tranh Bình Điền, chốt giáp ranh với lính Sư đoàn 325 ở bờ sông Ô Lâu, lên đường tuyến A Sầu. A Lưới đi nhận gạo đạn gặp lính cao xạ bảo vệ đường tuyến, gặp ai đồng hương tôi cũng dò tìm tin tức về anh Cấp. Cả một trung đoàn toàn là lính Hải Phòng, Thái Bình tăng cường cho chiến trường Trị Thiên trong chiến dịch Mậu Thân 68 không lẽ chết cả...
Cho đến một ngày khi tôi bị thương phải vào trạm phẫu Nhô bên bờ Bắc sông Bồ, tôi mới tìm được tung tích của anh. Anh Cấp vào Nam được điều về một đơn vị vận tải gạo dọc theo Khe Trăng, Khe Lu. Trong một lần đi tải đạn B41, anh Cấp đã bị lính Mỹ phục kích bắn chết ngày dưới chân Động Chuối. Y sĩ Nhô - Trạm xá trưởng đã đưa tôi tới nơi chôn cất anh Cấp. Hy sinh cùng với anh còn có 5 người lính vận tải. Những cơn mưa rừng tầm tã ở miền Tây Bắc Huế làm cho những ngôi mộ hao vẹt cả. Chỉ còn lại dòng tên anh được đục bằng đinh trên những mảnh sắt tây cắt ra từ thùng lương khô đã han gỉ.
Anh cán bộ huyện Lắc đưa tôi đi thăm hồ cả buổi sáng. Hồ Lắc rộng nhất nước và đầy vẻ thơ mộng. Thỉnh thoảng trên mặt hồ nổi lên những hòn đảo nhỏ. Thấp thoáng bóng nhà sàn, nhà ngói có những cần ăngten bắt sóng truyền hình thấp thoáng bóng cây rừng.
Ở một ngọn đồi sát mép hồ ngôi biệt điện của vua Bảo Đại bao năm mưa nắng vẫn soi bóng xuống mặt hồ. Gần đây còn có trại nuôi voi của Hoàng cung. Vào mùa săn bắn, vua từng lên đây cưỡi voi đi săn, đi câu cá... Buổi trưa, mấy anh cán bộ huyện ủy đưa tôi vào ăn cơm ở Trường phổ thông cơ sở nội trú dân tộc. Anh hiệu trưởng Y Ban khoe với tôi: “Ở đây anh có đồng hương đó nghen!” - Y Ban chỉ cho tôi một cô gái ngoài 20 tuổi: “Cô Kim Thu, Hiệu phó chuyên môn của trường tôi”. Cô giáo Thu nghe nhắc tên ngẩng lên nhìn tôi, khẽ chào và có ý xin lỗi vì đang trao đổi điều gì đó với hai ba thầy cô giáo đang giờ nghỉ giải lao.
Khi tôi còn mải nhìn các cháu học sinh nội trú tập thể dục giữa giờ, bỗng giật mình nghe có người hỏi: “Có phải chú đi theo anh Cấp đến nghỉ ở làng Yên năm nào không?”. Tôi quay lại, sững sờ đánh rơi cốc nước đá... Trước mặt tôi là chị Lụa. Chị Lụa của hơn 20 năm trước ở làng Yên. Vẫn gương mặt bầu bĩnh phúc hậu. Tóc chị lốm đốm nhiều sợi bạc, đuôi mắt có chân chim. Chiếc chổi chị Lụa cầm trên tay đang quét lá rụng cũng rơi xuống sân.
Vậy là chị Lụa đã không chết trôi sông như lời nguyền của cụ Mít. Người đàn bà không chồng mà chửa đã chịu bao cơ cực tủi nhục để còn được sống tới ngày hôm nay, quyết chí đi tìm chồng. Hai mẹ con chị đã tới hàng trăm nghĩa trang ở các tỉnh dọc dải miền Trung và Tây Nguyên, làm đủ nghề để hai mẹ con khỏi chết đói, chỉ cốt dò la cho được tung tích của anh Cấp. Một ngày nọ, chị Lụa dắt con dừng lại bên hồ Lắc. Cô hiệu phó xinh đẹp nói giọng bắc: “Kim Thu là cô con gái rượu của chị”

Hết


Xem Tiếp: ----