Từ tòa soạn xong việc trở về nhà, đã là nửa đêm rồi. Mạnh Thiều mệt mỏi, khổ sở, ảo não, thất thiểu trở về nhà. Suốt một ngày nay, chàng đã thử liên lạc với Uyển Lan, thế nhưng, buổi sáng, Uyển Lan làm việc ở tòa soạn, điện thoại chàng hoàn toàn bị từ chối hẳn. - Cô Uyển Lan đang bận làm việc, không có thì giờ nghe điện thoại! Buổi trưa, người ở tòa báo nói: - Cô Uyển Lan đi đến phòng sắp chữ rồi! Buổi chiều, chàng chạy hộc tốc đến tòa soạn tạp chí đó để đón nàng, mới phát giác ra rằng, nàng đã ra về sớm hơn bình thường. Suốt buổi tối, chàng ngồi viết bài ở tòa soạn, không rút ra được thì giờ, thế nhưng, chàng vẫn đánh hai cú điện thoại đến nhà nàng, người bắt điện thoại lần nào cũng là cái ông anh như thể có cựu thù với chàng: - Em gái tôi ấy à? Nó đi chơi với bạn trai rồi! Đi chơi với bạn trai rồi? Nàng có thể có bạn trai nào khác hơn? Dĩ nhiên là cái anh chàng bạn trai từ thời thơ ấu chứ còn gì nữa. Chàng buồn bã cúp điện thoại. Suốt cả một buổi tối, hồn phách chàng vật vờ, tâm tình chàng bất định, thế này là thế nào chứ? Nếu như chàng và nàng cãi nhau, nàng giận dữ thì cũng còn có lý đi, đàng này, giữa họ không hề có chuyện cãi nhau, người làm cho nàng giận, là mẹ của chàng! Mà mẹ đã có làm gì sai đâu? Mẹ đã tìm đủ mọi cách để làm cho nàng vừa lòng kia mà, không phải sao? Mẹ không hề cau có với nàng, mà cũng chẳng hề có một lời nói nặng, không cho nàng xuống bếp, dù sao cũng là vì thương nàng, chứ nào có phải khinh khi nàng đâu! Thế mà nàng lại phủi tay mà đi như thế, lại bướng bỉnh bỏ đi một cách thẳng thừng như thế! Nàng là cái gì? Mẹ chàng đã nói đúng, nàng chẳng qua chỉ là một đứa trẻ được cưng chìu quá mức nên hư. Đứa trẻ, bên tai chàng lại vang lên giọng nói dịu nhẹ của Uyển Lan: - Xin anh cho em chút thời gian, để em học cách được yêu, học cách yêu người và cũng học cách trưởng thành! Ồ! Uyển Lan! Có tiếng thở dài dâng lên từ tận dưới đáy lòng chàng! Ồ! Uyển Lan! Nếu như anh có thể yêu em ít lại một chút, thì sẽ tốt biết mấy! Lấy chìa khóa ra, chàng mở cửa. Bước chân rón rén vào nhà, chàng không muốn làm cho mẹ thức giấc. Rất nhiều năm này, mẹ đã có thói quen thức dậy rất sớm để làm thức ăn điểm tâm cho chàng, cho dù chàng ăn hay không ăn. Từ lúc chàng làm việc ở tòa soạn cho đến nay, sinh hoạt của chàng ít nhiều gì cũng có lúc đảo lộn, vì chàng lúc nào cũng đến tòa soạn viết bài vào buổi tối, sau khi hết giờ làm việc, đôi lúc phải ở lại viết bài đặc biệt cho đến tờ mờ sáng. Chàng không có cách gì chế ngự được giờ giấc thức dậy của mình, thế nhưng, mẹ bất kể những điều đó, lúc nào bà cũng cố chấp làm thức ăn sáng cho chàng, lắm khi chàng ngủ một mạch đến trưa, sau khi thức dậy, chàng mới phát hiện ra rằng, mẹ vẫn còn ngồi trên bàn ăn kiên nhẫn chờ chàng thức dậy, cả một bàn thức ăn nguội lạnh, cả một căn nhà vắng vẻ, tịch mịch, và một người mẹ kiên nhẫn, hiền từ. Một người mẹ hiền từ như thế, tại sao chỉ với vài câu nói ngắn ngủi, Uyển Lan lại có thể dễ dàng phủi tay bỏ đi một cách vô lễ như thế? Uyển Lan, Uyển Lan, em đã được cưng chìu quá, em bướng bỉnh quá, em ngang tàng quá, em kiêu hãnh quá, và cũng không biết trật tự tôn ti lớn nhỏ gì hết. Thế nhưng, lúc đầu, những điều làm cho nàng hấp dẫn chàng, không phải là những sự bướng bỉnh, ngang tàng, kiêu hãnh đó của nàng hay sao? Mà bây giờ, tất cả những ưu điểm đã hấp dẫn chàng đó của nàng, lại trở thành những khuyết điểm làm thành sự tan vỡ của hai người hay sao? Đi vào phòng khách, chàng vẫn còn bị những câu hỏi đó khuynh đảo, trong phòng khách không để đèn, chàng mò mẫm bật công tắc điện, đèn phòng sáng lên, chàng giật nảy mình kinh ngạc, phát giác ra rằng, mẹ vẫn chưa đi ngủ, bà đang ngồi trong chiếc ghế salon tối âm u, cuộn tròn ở đó, thân hình gầy gò, yếu đuối của bà, trông vô cùng sầu khổ. Bị ánh đèn sáng chói mắt, bà hơi chớp chớp đôi mi, nhìn trừng trừng vào thằng con trai, trên môi bà hiện lên một nụ cười gượng nhẹ và yếu ớt. Chàng kinh ngạc kêu lên: - Mẹ! Sao mẹ không vào phòng ngủ vậy? Bà Mạnh ngồi thẳng người dậy, chiếc áo len khoác trên người bà tuột xuống, bà kéo chiếc áo len qua đắp lên gối, ánh mắt của bà nhìn chàng yêu thương, tội nghiệp, nhưng lại xen lẫn nét hối tiếc, ăn năn, bà nói: - Thiều Thiều, con và Uyển Lan đã giảng hòa chưa? Mạnh Thiều ngồi xuống đối diện với bà, chàng bất giác đốt lên một điếu thuốc, phun ra một hơi khói, chàng lặng lẽ lắc lắc đầu, nói bằng một giọng buồn bực: - Cho đến bây giờ, con vẫn không hiểu được, tại sao nàng lại giận hờn như vậy? Bà Mạnh nhìn con trai bằng nét mặt trầm tư, giọng nói bà nhỏ nhẹ, nhưng cũng rất rõ ràng: - Thiều Thiều, mẹ đã suy nghĩ suốt một ngày nay, tại sao Uyển Lan vừa thấy mẹ đã giận dữ như thế, mẹ nghĩ, chắc hẳn là mẹ đã có điều gì không tốt, dù sao, đối với chuyện này, mẹ cũng lấy làm hối tiếc. Mạnh Thiều kinh hoàng thất sắc: - Mẹ! Sao mẹ lại nói như thế? Mẹ đã rất hiền lành, dịu dàng rồi, chỉ tại vì Uyển Lan không biết chuyện mà thôi! Bà Mạnh nói bằng một giọng thật bình lặng: - Không, cũng không thể trách Uyển Lan được hết. Con thử tưởng tượng xem, cô ấy có sự giáo dục của gia đình cô ấy, cô ấy trưởng thành trong sự thương yêu chìu chuộng của cha mẹ và người anh trai, từ nhỏ, nhất định là cô ấy đã đư Mẹ của nàng! Đây là mẹ của nàng chăng? Không, cái bà bác Niên dở hơi tức cười kia mới là mẹ của nàng! Nàng hít vào một hơi thở dài, hụt hẫng, thần kinh nàng lại bắt đầu mơ hồ trở lại. Triệu Bôi lại chạy trở ra, không những anh đem ra cho nàng một túi nước nóng, mà còn đem thêm cho nàng một ly café nóng bốc khói và thơm phưng phức! Chưa bao giờ nàng biết rằng một Triệu Bôi lỗ mãng, lại có thể tế nhị và chăm chút đến như thế! Triệu Bôi để túi nước nóng vào lòng nàng, lại đưa ly café lên tận miệng nàng, chàng nhìn nàng, nhướng nhướng đôi chân mày, miễn cưỡng làm ra vẻ mặt tươi cười, hài hước: - Thôi được rồi, Uyển Lan, uống vào một chút café, em sẽ cảm thấy tinh thần mình khỏe khoắn trở lại ngay thôi! Anh nói cho em nghe, trên cõi đời này không có một vấn đề gì mà không giải quyết được! Mà cũng không có một vấn đề gì làm cho người ta đau khổ đến độ phải chết đi được cả! Em hãy buông thả tâm tình mình đi một chút, đừng nên chui vào cái vỏ ốc cô đơn của mình, bảo đảm với em là chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không! Nàng trừng mắt nhìn Triệu Bôi một cái! Dĩ nhiên rồi! Trong lòng nàng chua xót nghĩ ngợi, anh có thể ở đó mà nói đủ thứ lời mát mẻ như thế, tại vì dù sao thì chuyện cũng không hề xảy ra cho anh kia mà! Dù sao thì anh cũng là đứa con trai danh chánh ngôn thuận của nhà họ Đoàn kia mà! Nàng tiếp xúc với ánh mắt của Triệu Bôi, chưa bao giờ nàng thấy rằng, ánh mắt của Triệu Bôi cũng có thể dịu dàng thế kia. Nàng cúi đôi mi cong xuống, bị động hớp vào hai ngụm café, cái mùi thơm thoang thoảng của café vừa xông vào mũi nàng, tâm tình nàng bất giác cảm thấy phấn khởi lên một chút, cầm chặt cái ly, nàng uống một hơi hết sạch ly café. Triệu Bôi hỏi thật dịu dàng: - Muốn uống thêm nữa không? Nàng lắc lắc đầu, ôm lấy túi nước nóng, ngồi cuốn rút trong chăn, đột nhiên nàng cảm thấy mình đã có can đảm, và cũng cần phải đối diện với gương “mặt thật” của mình. Ngẩng đầu lên, nàng nhìn bà Sâm, sự run rẩy đã ngưng, sự lạnh lẽo cũng không còn. Nàng nói bằng một giọng thật rõ ràng: - Mẹ! Nói cho con nghe, đừng nên dấu con nữa! Con thật sự từ đâu tới?... Từ đâu tới? Lúc còn nhỏ thật nhỏ, nàng cũng đã từng hỏi mẹ: mẹ ơi, con từ đâu tới vậy? Ồ, Uyển Lan, con từ trong nhụy hoa hồng chui ra đấy! Nàng lắc lắc đầu một cách chua xót: -... Mẹ! Con muốn sự thật, ba mẹ phải nói sự thật cho con biết! Bà Sâm thở vào một hơi thật sâu, thật dài, bà nắm lấy bàn tay của Uyển Lan. Ánh mắt của bà thẳng thắn và cương quyết, bà nói bằng một giọng quả quyết: - Thôi được, Uyển Lan, mẹ sẽ nói hết sự thật cho con nghe! Những ngày tháng gần đây, mẹ cũng rất đau khổ, kể hết cho con nghe, để tự con có một quyết định, một chọn lựa, cũng là một phương pháp giải quyết vậy!... Bà hơi dừng lại, cúi đầu nhìn xuống bàn tay của mình, bàn tay đang nắm lấy bàn tay của Uyển Lan. Cuối cùng bà đau đớn ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào đôi mắt của Uyển Lan: -... Đúng vậy, con không phải là con gái của ba mẹ. Hai mươi năm trước, chúng ta chưa dọn nhà đến đây, chúng ta vẫn còn ở khu Hòa Bình Đông lộ, cũng là nhà của chính phủ phát cho, lúc đó chưa có loại nhà chung cư, nhà chúng ta là loại nhà nhỏ kiểu Nhật, phía trước có khu vườn hoa nho nhỏ. Năm đó, Triệu Bôi đã năm tuổi rồi, mẹ rất muốn có một đứa con gái, thế nhưng, bác sĩ khẳng định rằng mẹ không thể sinh đẻ được nữa. Mẹ rất muốn nuôi một đứa con gái, do đó mẹ bèn nhờ những người quen biết, hỏi xem có ai muốn cho bé gái mới sinh hay không? Vì vậy, mọi người đều biết rằng mẹ muốn có một đứa con gái, bạn bè đều giúp mẹ hỏi thăm các nơi. Sau đó, mẹ nhớ rất rõ, hôm đó là ngày 22 tháng 6, mỗi ngày mẹ có thói quen, sáng sớm thức dậy là ra sân quét lá rụng, lúc đó, trong sân nhà chúng ta có trồng vài cây trúc, lúc nào cũng có lá rụng đầy. Đột nhiên, mẹ nghe phía ngoài cửa có tiếng trẻ con khóc oe oe, tiếp theo đó, có tiếng người nhấn chuông cửa thật gấp rút. Mẹ ra mở cổng, vừa đúng lúc nhìn thấy một người đàn bà trẻ, bỏ chạy đi như bay, còn con, được quấn trong chiếc chăn bông nhỏ, mở đôi mắt to tròn lay láy, nằm trên bậc thềm tam cấp phía ngoài cửa nhà ta. Bà Sâm hơi dừng lại, ông Sâm thở ra một hơi dài nhè nhẹ. Triệu Bôi thì lại đưa đến cho mẹ một ly nước trà nóng. Triệu Bôi hôm nay, sao lại tế nhị và tỉ mỉ thế kia? Bà Sâm hớp ngụm trà, Uyển Lan nhìn bà không chớp mắt, bà Sâm tiếp tục nói: -... Lúc đó, trong lòng mẹ đã hiểu ra. Thế là mẹ bế con vào trong nhà, mẹ mới phát giác ra rằng, con vừa gầy, vừa nhỏ, vừa bệnh, vừa yếu. Mở tấm chăn quấn con ra, mẹ nhìn thấy trước ngực con, có để một mảnh giấy... Bà ngẩng đầu lên nhìn ông Sâm: - Lập Sâm, anh đi lấy mảnh giấy đó đến đây đi! Ông Sâm nhìn trừng trừng vào Uyển Lan, nói bằng một giọng trầm ngâm: - Uyển Lan, con muốn xem không? Uyển Lan cương quyết gật gật đầu. Ông Sâm đi ra khỏi phòng, chỉ một lúc sau, ông quay trở vào, trong tay cầm một mảnh giấy nhỏ đã ngã màu vàng úa, từ từ đưa cho Uyển Lan. Uyển Lan mở mảnh giấy ra, lập tức, nàng nhìn thấy nét chữ nguệch ngoạc xiêu vẹo như của một đứa trẻ mới tập viết, viết mấy hàng chữ thật luộm thuộm, không suông sẻ chút nào: “Ông Sâm, bà Sâm: Tôi biết ông bà đều là người rất tốt, thích làm chuyện phải, có một chị sen nói ông bà muốn nuôi một đứa con gái. Con gái tôi sinh ngày 20 tháng 5, ba nó là người xấu, không chịu làm đám cưới với tôi, bỏ đi mất tiêu rồi. Tôi mới có mười chín tuổi, má tôi không nuôi tôi nữa, tôi phải đi làm vũ nữ. Đứa nhỏ này có bệnh, tôi nuôi không nổi, tặng cho ông bà. Ông bà coi như làm phước, nuôi nó lớn dùm tôi đi, Bồ Tát sẽ phù hộ ông bà.” Chỉ với mấy hàng chữ như thế, trong đó đã có hằng hà lỗi chính tả, chữ viết xiêu vẹo khó coi. Uyển Lan ngẩng đầu lên, nhìn vào bà Sâm, trong lòng nàng đau đớn như có một ngọn dao đâm thấu qua, xuyên suốt, nàng thật sự hy vọng mình không bao giờ nhìn thấy mảnh giấy này, tại sao từ lúc đầu họ lại không đốt mảnh giấy này đi? Bà Sâm định lấy mảnh giấy lại, thế nhưng, Uyển Lan nắm lấy nó thật chặt, thật cứng - cái mảnh giấy với những bút tích của người mẹ đã sinh ra nàng. Nàng nên vui mừng vì những dòng chữ đó? Hay là nàng nên đau khổ vì những dòng chữ đó? Đó là sự vui mừng của nàng? Hay đó là sự sỉ nhục của nàng? Ông Sâm nhìn nàng thật sâu, thật sâu: - Uyển Lan, con đã đến nhà chúng ta như thế đó, cho đến nay, ba vẫn còn nhớ cái thân hình nhỏ bé, gầy guộc của con lúc đó, tuy rằng đã đầy một tháng, thế nhưng, lại chỉ có một lớp da bọc lấy xương, mẹ con và ba, lúc đó đều cảm thấy hoài nghi, không biết rằng con có thể lớn lên một cách bình an, suông sẻ hay không? Ba nhìn thấy con nhẹ như một cành lan, chiếc lá, nghĩ đến cái sinh mệnh nhỏ bé của con, sao lại không được trân trọng, quý giá thế này? Thế là, ba đặt cho con cái tên là Uyển Lan, một đóa hoa Lan trong vườn Ngự Uyển, dù sao cũng sẽ được trân trọng, quý báu hơn người, từ đó, con trở thành trung tâm điểm của gia đình ta... Bà Sâm ngắt lời chồng: -... Không phải là trung tâm điểm, mà là vàng là ngọc của gia đình ta, chúng ta yêu con, cưng con, lo lắng cho con... nhìn thấy con ngày một đầy đặn ra, ngày một hồng hào ra, ngày một rắn chắc, khỏe mạnh ra, chúng ta đều vui mừng đến độ điên cuồng lên. Rồi từng năm, từng năm trôi qua, chúng ta càng lúc càng yêu thương con hơn. Trong trái tim của mẹ, không hẳn là không có sự lo sợ, mẹ cứ lo sợ là mẹ ruột của con sẽ bỗng dưng xuất hiện, đòi con lại từ bàn tay mẹ, thế nhưng, không có. Suốt hai mươi năm nay, chúng ta cũng đã dọn nhà đi hết mấy lần, đổi hết mấy địa chỉ khác nhau, trong lòng mẹ đã cảm thấy yên ổn, mẹ nghĩ rằng sẽ không thể nào có người đến tìm con nữa. Thế nhưng, không lâu sau ngày sinh nhật hai mươi tuổi của con, cái bà Niên đó đột nhiên lại xuất hiện... Bà Sâm thở ra một hơi dài não nuột: -... Lúc đầu, mẹ thật sự không chịu chấp nhận cái sự thật đó, mẹ nghĩ, có thể bà ta đến đây để tìm cách bắt chẹt mẹ. Thế nhưng, bà ta khóc lên, bà ta vừa khóc vừa kể lể với mẹ, tất cả những hối hận, ăn năn của hai mươi năm nay, sự tìm kiếm, theo đuổi của hai mươi năm nay, bà ta cố gắng suốt hai mươi năm, bây giờ mới lấy được một ông chồng lớn hơn bà ta những hai mươi mấy tuổi, nhưng giàu có, nhiều tiền lắm của, tại vì, bà ta muốn cải thiện hoàn cảnh của mình, nhìn lại đứa con gái mà bà ta đã bỏ rơi hai mươi năm về trước... Uyển Lan, bà bác Niên mà con gặp tối hôm nay, bà ấy đích thực là mẹ ruột của con, vì muốn chứng thật chuyện này, bà ta đã từng đem bức thư lúc trước, và cũng chính là mảnh giấy con đang cầm trên tay đây, đọc cho mẹ nghe không sót một chữ nào. Uyển Lan,... Bà Sâm lại hớp một ngụm nước trà, bà nhìn trừng trừng vào nàng, ánh mắt bà long lanh ngấn lệ: -... bà ấy không phải là một người có học, bà ấy không được đến trường đi học bao nhiêu, thế mà bà ta lại đọc bức thư ấy không sót một chữ nào, đủ thấy, bức thư này, đã từng được đọc đi đọc lại trong tận cùng tâm khảm của bà ta như thế nào. Ồ! Uyển Lan!... Bà Sâm chớp chớp mắt, những giọt lệ long lanh không còn giữ được trong đôi tròng mắt nữa, chúng rơi lả chả xuống vạt áo bà: -... Mẹ yêu con đến như thế này, mẹ thương con đến như thế này, hai mươi năm nay, con và Triệu Bôi, cả hai đứa đều là sinh mạng của mẹ! Làm sao mẹ có thể để cho bà ta cướp con đi mất từ vòng tay của mẹ? Thế nhưng, mẹ cũng cảm thấy mâu thuẫn, mẹ cũng cảm thấy đau khổ. Tại vì, dù sao đi nữa, bà ta cũng là mẹ ruột của con! Bà ta vì con, cũng đã từng vùng vẫy, tranh đấu, cố gắng hết sức mình, không ngừng theo dõi tông tích của gia đình ta. Mẹ nuôi là mẹ, mẹ ruột chẳng lẽ không phải là mẹ? Mẹ nuôi đã có thể yêu con như thế này, thì tình yêu của mẹ ruột còn đến như thế nào?... Ồ, cái bí mật trọng đại, cái bí mật che dấu suốt hai mươi năm nay, bây giờ đã được nói ra cho con biết. Mẹ biết rằng con sẽ khổ sở, mẹ biết rằng con sẽ đau lòng, thế nhưng, nếu như lùi lại một bước mà nghĩ, sự tranh chấp giữa mẹ và mẹ ruột của con, chẳng qua cũng chỉ vì yêu con mà ra, đừng nên vì cái tình yêu đó của chúng ta, mà tỏ ra khe khắt quá với sinh mạng của mình, con ạ! Được không? Uyển Lan? Uyển Lan ngẩng gương mặt trắng bệch của mình lên, nhìn thẳng vào bà Sâm. Làm sao mà bà lại không phải là mẹ ruột của nàng cho được? Bà đã nhìn thấu suốt vào tận cùng tâm hồn của nàng kia mà, bà biết rằng nàng đang oán hận sự tồn tại của mình trên cõi đời này! Làm sao bà lại không phải là mẹ ruột của nàng cho được? Nàng đau đớn, chán chường, tuyệt vọng vùi đầu vào hai đầu gối đang bó cong của mình. Trong lòng nàng đang gào thét như điên như cuồng: không! Không! Không! Không! Không! Nàng không muốn chuyện này xảy ra, nàng không tin chuyện này đang xảy ra! Đây là một cơn ác mộng hoang đường, kỳ cục, một chốc nữa đây, nàng sẽ tỉnh dậy, nàng sẽ thấy rằng cả câu chuyện này chỉ là một cơn ác mộng, không có bà bác Niên, không có ông bác Niên, không có mảnh giấy nàng đang nắm thật chặt trên tay gì cả! Ông Sâm bước đến bên giường, ông đưa tay ấn nhè nhẹ lên mái tóc dài mềm dịu của Uyển Lan, giọng ông trầm buồn, nhưng dịu ngọt: - Uyển Lan, bây giờ bí mật đã được khám phá ra, con cũng nên cố gắng bình tĩnh mà xử dụng lý trí cùng tư tưởng của mình, cân nhắc kỹ lưỡng về câu chuyện này. Chúng ta dưỡng dục con hai mươi năm nay, tuyệt đối không phải là một ân huệ đối với con, vì, con đã đem đến cho chúng ta quá nhiều vui vẻ, những sự vui vẻ đó, cho dù là bạc muôn bạc vạn cũng không thể nào đổi lấy được. Thay vì nói chúng ta có ân với con, thì hãy nói rằng con có ân với chúng ta, con cần phải hiểu rõ điều này... Còn như mẹ ruột của con, tuy rằng bà ta không có được một sự giáo dục cao, tuy rằng bà ta trụy lạc vào chốn phong trần, đối với con, bà ta cũng không có gì phải đáng chê trách. Trước nhất là tìm cho con một gia đình tin cậy được để dưỡng dục con, rồi cố gắng tích lũy tiền bạc, lấy một ông chồng giàu có, lại thuyết phục được ông chồng, cùng nhau đến tìm lại con, bà ấy thật ra cũng đã tính toán khổ sở vô cùng! Do đó, Uyển Lan, mẹ ruột của con hiện nay rất giàu có, và cũng rất cần con, hôm nay con đã qua khỏi tuổi pháp định từ lâu, con có thể chọn mẹ ruột của con, hoặc cũng có thể tiếp tục theo chúng ta, con có cái quyền tự do của con. Bây giờ, tư tưởng của con nhất định là rất lộn xộn, thế nhưng, con cần phải bình tĩnh một chút, bình tĩnh suy nghĩ về tương lai của con, cùng sự chọn lựa của con! Uyển Lan ngẩng đầu lên, đột nhiên, nàng cảm thấy như có một ngọn hồng thủy đang òa vỡ ra trong lồng ngực mình, nàng cảm thấy cuồng nộ và giận dữ, cảm thấy nguyên cả thế giới này đang mở ra với nàng một trò đùa dai quá sức to lớn. Nước mắt từ trong đôi tròng mắt nàng ùa ra tức tưởi, chảy ào xuống cả khuôn mặt trắng nhợt nhạt của nàng. Đôi con ngươi của nàng chìm trong màn lệ mờ, thế nhưng, lại thiêu đốt như hai đóm lửa phừng phừng, mạnh mẽ. Nàng cảm thấy tan nát, nàng cảm thấy vỡ vụn, nàng cảm thấy hỗn loạn, nàng bắt đầu kêu lên, thật to tiếng, không kềm chế, không điều khiển được lời nói của mình: - Tại sao từ đầu ba mẹ lại không để cho con chết trên bậc thềm đó cho rồi? Tại sao ba mẹ lại nuôi dưỡng con làm gì? Tại sao ba mẹ lại gạt con suốt hai mươi năm nay? Ba mẹ có anh Hai rồi, đã đủ rồi, tại sao lại còn đi tìm một đứa con gái nuôi làm gì? Bây giờ, ba mẹ bắt con chọn lựa, con muốn thà rằng mình chết đi từ lúc ban đầu! Ba mẹ lẽ ra không nên giữ con lại, không nên nuôi dưỡng con, không nên giáo dục con... con hận ba mẹ! Hận ba mẹ! Hận ba mẹ! Hận sự nhân từ của ba mẹ, hận tình yêu của ba mẹ dành cho con... - Trời ơi!... Bà Sâm đứng dậy, gương mặt trắng bệch như tuyết, thân hình lảo đảo muốn ngã. Ông Sâm lập tức chạy ngay đến, đưa tay ra đỡ lấy bà. Bà Sâm, nước mắt ràn rụa, quay qua ông chồng, rên rỉ, khổ sở: -... Trời ạ! Chúng ta đã làm sai những gì? Chúng ta đã làm sai những gì vậy? Triệu Bôi từ nãy giờ vẫn đứng một bên lắng nghe, theo dõi tất cả những diễn biến, lúc này, đột nhiên, chàng không nhịn được nữa, nhào đến bên giường, chàng chụp ngay lấy cánh tay của Uyển Lan, chàng lắc nàng một cách điên cuồng, kêu lên thật to: - Em điên rồi! Uyển Lan! Câm miệng lại! Uyển Lan! Em có quyền gì mà trách móc ba mẹ như thế? Chỉ vì ông bà đã nuôi dưỡng em, giáo dục em, yêu thương em hay sao! Sinh mạng của em vốn như giọt sương, ngọn cỏ, có chết cũng không đáng gì, chẳng lẽ nuôi dưỡng em mà lại trở thành có tội hay sao? Em có còn lương tâm hay không? Em có còn đầu óc hay không? Em có còn tư tưởng hay không? Em có còn tình cảm hay không? Uyển Lan bị Triệu Bôi lắc lư một trận, nàng tỉnh táo lại, mở to đôi mắt, nàng há hốc mồm kinh ngạc, không phát ra được một chữ nào. Triệu Bôi nuốt ực từng ngụm nước miếng, cố gắng đè nén cho mình bình tĩnh trở lại, chàng quay đầu lại nói với cha mẹ: - Ba, mẹ, ba mẹ xuống dưới lầu nghỉ cho khỏe đi, con muốn được đơn độc nói chuyện với Uyển Lan một chút! Ông Sâm đưa mắt nhìn con trai, nét mặt ông đăm chiêu, tiếng kêu ông hằn nét bất an: - Triệu Bôi! Con... cũng muốn bị cuốn hút vào câu chuyện này chăng? Triệu Bôi nhìn cha thật bình tĩnh, chàng nói: - Đã là một phần tử trong gia đình, thì mọi chuyện xảy ra, không ai có thể tránh khỏi được!... Ba, ba an tâm đi! Ông Sâm thở ra một hơi dài, dìu vợ đi ra hướng cửa: - Thôi cũng được! Các con người trẻ tuổi với nhau, có thể dễ dàng thông cảm nhau hơn, các con nói chuyện với nhau một chút xem sao! Ông mệt mỏi, tiu nghỉu, bất an dìu vợ đi ra khỏi phòng. Triệu Bôi đóng cửa phòng lại, chàng trở lại phía trước Uyển Lan, những nét hi hi ha ha thường ngày của chàng đã biến mất không một dấu vết, trông chàng nghiêm túc và trầm tĩnh. Kéo một chiếc ghế, chàng ngồi đối diện với Uyển Lan, Uyển Lan từ lúc bị chàng lắc lư một trận điên cuồng đến giờ, nàng ngồi chết trân ở đó như một pho tượng hóa thạch, trừng to đôi mắt, không nhúc nhích động đậy. Triệu Bôi nói bằng một giọng thâm trầm: - Uyển Lan, em không cảm thấy rằng, những lời em nói với ba mẹ khi nãy, hoàn toàn không công bình sao? Cuối cùng Uyển Lan cũng ngước mắt lên, lạnh lùng nhìn chàng một cái, gương mặt nàng không một biểu lộ tình cảm: - Anh đừng nên cố gắng nói gì với em, em cũng không muốn nghe anh, vì anh không thể nào hiểu được tâm tình của em lúc này! - Tại sao? Nàng lại bắt đầu kêu to lên, hung hăng, bậm trợn: - Anh biết rõ là tại vì sao! Anh là con trai của ba mẹ, đương nhiên anh được tận hưởng tình yêu thương của họ! Anh không cần phải đợi đến hai mươi năm sau, mới phát giác ra rằng mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi! Đối diện với sự chọn lựa giữa công ơn sinh thành và công ơn dưỡng dục, anh hạnh phúc, anh vui vẻ... Triệu Bôi ngắt lời nàng, trong giọng nói của chàng, có một lực lượng thật to lớn, làm cho nàng bất giác phải dừng lại, giọng chàng khàn hẳn đi: - Đừng kêu! Nghe anh nói đây, Uyển Lan... Chàng nhìn trừng trừng vào đôi mắt của nàng, miệng chàng phát ra từng chữ, từng chữ một, thanh âm trầm thấp, mạnh mẽ và rõ ràng: -... Từ nhỏ, mẹ đã bị bệnh tim, bà không hề có khả năng sinh sản, không chỉ một mình em, mà còn có cả anh nữa! Uyển Lan ngạc nhiên ngẩng đầu lên, miệng mở to ra. Nàng nói bằng một giọng khàn đục và đầy nét nghi ngờ: - Anh Hai, anh không cần phải dùng cách đó để an ủi em! Triệu Bôi nói bằng một giọng khẳng định, ánh mắt chàng nhìn trừng trừng vào nàng: - Không phải anh đang an ủi em, năm anh mười tám tuổi, anh đã vô tình khám phá ra cái bí mật này, anh nhìn thấy một tờ chẩn đoán của bệnh viện, mẹ không hề có khả năng sinh sản, anh có đến bệnh viện chứng thật chuyện này, sau đó, anh trực tiếp hỏi thẳng ba, ba không hề dấu anh, anh được xin về từ cô nhi viện!... Đôi mắt của Uyển Lan càng mở to hơn nữa. -... Em đừng nghĩ rằng địa vị của anh trong nhà này cao hơn em, Uyển Lan, chúng ta bình đẳng với nhau. Hôm nay, em còn may mắn hơn anh, vì ít ra, em còn biết được người mẹ sinh ra em là ai, còn anh? Cha ruột, mẹ ruột của anh đều không thể nào biết được, anh bị người ta bỏ rơi ở ngoài cổng cô nhi viện!... Uyển Lan trừng mắt nhìn chàng, không một cử động. -... Em có biết là anh cũng đã từng đau khổ chăng? Thế nhưng, rất nhanh, anh đã thoát ra khỏi được sự đau khổ đó, vì anh hiểu ra được niềm hạnh phúc của anh. Lúc nãy, em đã nói đến công ơn sinh thành và công ơn dưỡng dục, em có biết không, sinh sản là một sự ngẫu nhiên, nếu nói hơi khó nghe một chút, nó có thể là một thứ sản phẩm phụ của đôi nam nữ sau khi tìm sự hoan lạc, sinh mà không dưỡng, thà rằng đừng sinh! Còn dưỡng dục, thì cần phải cho ra sự thương yêu và lòng nhẫn nại vô bờ bến! Có một đứa trẻ nào, mà không trải qua sự bú mớm để được trưởng thành!... Uyển Lan, sau khi anh suy nghĩ thông suốt, trong lòng anh chỉ có tình yêu, chứ không có sự thù hận, anh yêu ba mẹ của chúng ta! Tại vì, ông bà thật sự thương yêu chúng ta nên mới nuôi dưỡng chúng ta! Không phải vì sự tìm tòi hoan lạc trong nhất thời mà sinh chúng ta ra! Em có hiểu không? Uyển Lan?... Uyển Lan vẫn không nói chuyện, cả người nàng ngẩn ngơ đến độ chết cứng. Triệu Bôi tiếp tục nói: -... Từ đó, anh biết rằng anh là con trai của Đoàn Lập Sâm! Anh không còn nghĩ đến những chuyện khác, anh lấy cha mẹ anh làm sự kiêu hãnh, làm niềm hạnh phúc, anh lấy gia đình anh làm điều vinh dự. Tuy rằng, cha mẹ ruột của anh, rất có thể chỉ là một loại du đãng, gái điếm, anh bất cần! Anh chỉ biết có một chuyện: anh là con trai của Đoàn Lập Sâm và Ngô Tuệ Trang! Hôm nay, cho dù có một ông nhà giàu cự phú nào đó đến nhìn anh, anh cũng không nhận! Anh chỉ nhận cha mẹ của anh hiện giờ mà thôi!... Những giọt nước mắt trên gương mặt của Uyển Lan đã ráo hoảnh, ánh mắt nàng long lanh những tia sáng đen ngời. Triệu Bôi đứng dậy: -... Rồi đó, Uyển Lan, em cứ tiếp tục oán trách ba mẹ đi, oán trách ông bà đã giữ em lại, oán trách ông bà đã dưỡng dục em, oán trách ông bà bao nhiêu năm nay đã yêu thương em vô điều kiện! Em cứ hận thù ông bà đi, em cứ giận ghét ông bà đi! Vì dù sao, em cũng đã có mẹ ruột, hận xong rồi, oán xong rồi, em có thể trở về bên cạnh mẹ ruột của em! Vì dù sao, giữa công ơn sinh thành và công ơn dưỡng dục, em chỉ có thể chọn một mà thôi! Uyển Lan lùa chiếc chăn đang quấn trên người qua một bên, quăng bình nước nóng đang ôm trong lòng qua một bên, nàng từ từ đứng dậy. Triệu Bôi hỏi: - Em muốn làm gì? - Đi xuống lầu tìm ba mẹ. Nàng nói thật nhỏ giọng, đi ra tới cửa, nàng quay đầu lại, ánh mắt nàng long lanh ướt nhìn vào Triệu Bôi: - Anh Hai, em chưa bao giờ biết rằng, anh lại là một người anh tốt đến như thế! Triệu Bôi nói: - Một điều em càng cần phải biết nữa là, chúng ta đã có được một gia đình như thế nào! Mẹ không bao giờ gạt chúng ta, em từ trong nụ hoa hồng chui ra, còn anh được hái từ trên cây táo xuống! Uyển Lan đi ra khỏi phòng, bước từng bước xuống lầu. Ông Sâm và vợ đang ngồi sánh vai nhau trên chiếc ghế salon, ông Sâm đang dùng bàn tay mình vỗ vỗ vào bàn tay vợ, im lặng an ủi bà. Uyển Lan đi thẳng đến trước mặt họ, từ từ quỳ xuống phía trước họ, một tay nàng nắm lấy tay mẹ, một tay nàng nắm lấy tay cha, nàng vùi mặt mình vào trong vạt áo của bà Sâm, nói bằng một giọng thì thầm: - Ba, mẹ, con yêu ba mẹ, con cần ba mẹ, vĩnh viễn, suốt đời. Ba mẹ là ba mẹ duy nhất của con, không phải là một ai khác.