THUYỀN GIẢI TÙ (Takasebune) Một con lạch chảy vào sông Takase ở Kyôto (ảnh người dịch chụp ngày 15/03/2006)Takasebune là tên một chiếc thuyền con xuôi ngược dòng sông Takase ở Kyôto. Vào thời Tokugawa, mỗi khi tội nhân ở Kyôto lãnh án lưu đày biệt xứ thì họ hàng được gọi tới đề lao, cho phép giã từ nhau. Thế xong, người ta sẽ đưa tội nhân lên Takasebune để giải về phía Ôsaka. Người đi giải tù là một bộ hạ của quan cai trị vùng Kyôto. Theo thông lệ, lúc nào cũng có một người được chọn ra từ đám bà con gần gũi nhất của tội nhân để đi theo thuyền cho đến Ôsaka. Đây không phải điều mà quan trên chính thức cho phép, thật ra chỉ là một tập quán nhà đương cục rộng lượng làm ngơ. Thời ấy, tội nhân bị đày biệt xứ, đúng là có nhiều kẻ phạm vào tội trọng nhưng đa số không phải là loại hung đồ giết người, cướp của, đốt nhà. Quá phân nửa số tội nhân bị giải đi bằng Takasebune thuộc diện những người do lỡ lầm dại dột đâm ra mang tội vào thân. Ví dụ thông thường nhất có lẽ là trường hợp một cặp mưu toan chết chung vì tình, anh con trai giết xong cô con gái rồi lại cứ sống sót một mình. Như thế, Takasebune bắt đầu chống sào đi về hướng Đông trong hồi chuông thu không. Con thuyền đưa tù cắt ngang dòng Kamogawa xuôi về hạ lưu, để lại phố phường Kyôto chìm dần trong bóng tối đang dâng lên hai bên bờ. Trong thuyền, người tù và kẻ thân thích theo tiễn chân, trắng đêm tâm tình về cảnh ngộ của mình. Lúc nào họ cũng chỉ nói đi nói lại về những điều mà bây giờ dù có hối thì cũng không kéo lại. Người giải tù ngồi bên cạnh lắng nghe, hiểu được cặn kẽ cảnh ngộ bi đát của gia đình, họ hàng nơi kẻ phạm tội xuất thân. Tóm lại, những sự thực nghe ở đây là những gì mà ông quan án khi nghe tội nhân trần tình trước pháp đình hay người nha lại ngồi trên ghế trong công thự đọc bản khẩu cung, dù có tưởng tượng chăng nữa cũng không sao hình dung nổi. Tính tình người đi giải tù không hẳn ai giống ai nên vào những lúc này, có kẻ cho là tù lắm lời, bịt tai quay mặt lạnh lùng nhưng cũng có kẻ lắng nghe nỗi ai oán ấy với niềm thương cảm, đã không tỏ vẻ mình là người ở cửa công mà còn im lặng tiếp nhận tâm sự đau đớn của tù nhân vào tận đáy lòng. Có trường hợp khi cảnh ngộ trong câu chuyện giữa tội nhân và người bà con theo tháp tùng vô cùng bi đát, lại gặp anh giải tù quá ư tình cảm thì không tránh khỏi cái cảnh người giải tù cũng bất giác mủi lòng sa nước mắt. Do đó, cái công việc giải tù bằng con thuyền Takasebune bị bọn sai nha ở công thự Kyôto ghét bỏ, xem như công việc chẳng đem lại cho họ hứng thú gì. °Không biết câu chuyện sau đây xảy ra lúc nào. Có lẽ vào năm Kansei thời Edo nhằm lúc ngài Shirakawa Rakuô đang nắm chính quyền. Một buổi chiều xuân, khi hoa anh đào chùa Chion.in bay lả tả trong hồi chuông thu không, có một người tù khác thường, đến nay chưa thấy ai như thế, được giải xuống thuyền Takasebune. Anh ta tên Kisuke, mới ba mươi tuổi đầu, quê quán không rõ. Vì chẳng có thân thích họ hàng để gọi đến đề lao đi theo, anh xuống thuyền mỗi một mình.Haneda Shôbê, người nhận lệnh giải tù, theo thuyền hộ tống anh, không biết điều gì về Kisuke ngoài việc anh ta bị kết tội sát hại cậu em mà thôi. Trong lúc giải tù từ nhà lao ra tận cầu tàu, nhìn cái con người gầy gò xanh xao này, Shôbê thấy nơi anh ta tất cả sự nhẫn nhục, hiền lành, như thể sẳn sàng phục tùng oai quyền của mình, người đại diện nhà nước, cam chịu mà không dám phản kháng gì cho dù bị bắt nạt như thế nào.Tuy nhiên, cái vẻ cam chịu ấy nó không giống như sự cung kính bề ngoài để làm vui lòng người nắm quyền lực, vẫn thường thấy nơi các tù nhân khác. Shôbê lấy làm lạ như thế nên chi từ khi xuống thuyền, ông không chỉ dòm chừng người tù trong phạm vi bổn phận của một người giải tù thông thường mà còn theo dõi từng ly từng tý mọi hành vi của Kisuke. Ngày hôm ấy, ngọn gió thổi từ buổi chiều đã lặng, mây mỏng đang giăng suốt cả bầu trời làm lu mờ cả đường nét của vầng trăng. Đó là một đêm mà ta có cảm tưởng cái nóng của mùa hạ mới về đã dựng lên một lớp sương mù từ hai bên bờ đến cả giữa lòng sông. Sau khi thuyền qua hết mấy xóm phía nam kinh thành và cắt ngang dòng sông Kamogawa, khung cảnh trở nên u tịch. Chỉ còn nghe mỗi tiếng mũi thuyền êm đềm xé nước. Tuy tội nhân đi thuyền về đêm được phép ngủ nhưng Kisuke vẫn không chịu ngả lưng; Anh ta không nói một lời, cứ mãi nhìn lên mảnh trăng treo trên bầu trời đêm, tùy lúc qua mảng mây dày hay thưa mà lúc sáng lúc tối. Vầng trán anh rộng thanh thản và đôi mắt lấp lánh sáng. Shôbê không nhìn anh ta chăm chú nhưng trước sau cũng không rời mắt khỏi Kisuke và trong lòng không ngớt cảm thấy lạ lùng. Lý do là dầu nhìn thẳng hay nhìn nghiêng, Shôbê đều thấy khuôn mặt Kisuke toát ra một niềm vui thỏa, làm như thể nếu không kiêng nể người giải tù đi theo bên cạnh thì anh ta đã mở mồm huýt sáo hay lên giọng mũi cất tiếng ca rồi cũng nên. Shôbê nghĩ bụng từ trước tới nay mình đã đi giải tù bằng Takasebune biết bao nhiêu bận rồi.Thế nhưng tù nhân mình áp giải lúc nào cũng giống nhau, nghĩa là thê thảm tội nghiệp đến độ mình chẳng đành nhìn. Nhưng cái gã đàn ông này thì sao lại thế? Vẻ mặt thấy giống như người đang ngồi du thuyền xem phong cảnh không bằng! Hình như anh chàng mang tội giết đứa em. Nếu thằng em kia là đứa gian ác thì đã đành, nhưng trường hợp mà anh này còn có chút tình người thì dù sự thể đưa đến chuyên phải giết nó, cũng không thể có thái độ an nhiên như thế được. Chả lẽ cái anh chàng gầy gò xanh mét kia là một loại người gian ác hiếm có ở trên cõi đời này vì không còn chút nhân tính? Nhưng không hiểu tại sao Shôbê thấy khó lòng xét đoán anh ta kiểu đó. Hay anh ta phạm tội vì chợt phát cuồng trong chốc lát? Không đâu, không đâu! Làm gì điên cuồng cho được khi mà cử chỉ, ngôn ngữ của anh ta chẳng có gì là không ăn khớp với nhau. Anh chàng này là loại người nào đây? Càng suy nghĩ về thái độ của Kisuke, Shôbê càng thêm thắc mắc. Được một lúc, không nhịn được nữa, Shôbê mới lên tiếng gọi: -Này, Kisuke, mày nghĩ ngợi gì thế? -Dạ! Kisuke vừa đáp lời vừa dáo dác nhìn chung quanh như lo lắng mình đã thất thố điều gì để bị công sai quở trách. Anh ta sửa lại kiểu ngồi cho ngay ngắn rồi nhìn người giải tù như dò hỏi. Shôbê chợt cảm thấy phải tìm ra lý do để biện minh tại sao tự dưng ông ta lại đặt ra câu hỏi vốn chẳng dính líu gì đến phận sự của một người giải tù. Lúc ấy ông mới lên tiếng: -Không, câu tao vừa hỏi chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt đâu.Tao chỉ muốn biết tâm trạng của một đứa bị đày ra ngoài đảo như mày thôi. Thuở giờ, tao đã giải ra đảo không biết bao nhiêu là tù rồi. Mỗi đứa là mỗi hoàn cảnh thân thế khác nhau nhưng hễ bị ra đảo là chẳng có ai vui. Tụi nó đứa nào cũng than khóc thâu đêm với người bà con đi theo thuyền để tiễn chân. Thế nhưng cứ dòm bộ điệu của mày thì thấy chuyện đày ra đảo chẳng làm mày buồn khổ gì cả! Cho nên tao mới muốn hỏi thăm coi trong bụng mày đang nghỉ ngợi gì thôi. Kisuke mỉm cười đáp: -Thầy lại có lòng quí hoá hỏi thăm, em xin cám ơn. Nghe thầy nói, em biết được những người khác khi đi đày ra đảo ai nấy đều buồn khổ. Nỗi niềm đó thì em đây cũng thông cảm được với họ. Thế nhưng trường hợp của họ là những kẻ từng hưởng một cuộc đời sung sướng. Đất Kyôto rộng bao la, mà trên dải đất bao la như thế, cho đến nay, dù có đi đến đâu chắc không thể thấy một người thứ hai đã nếm đủ mùi tân khổ như em. Nhờ bề trên có từ tâm mà em thoát tử tội, chỉ bị đày đi biệt xứ. Dù cuộc sống ở ngoài đảo có cơ cực đến đâu thì vẫn chưa phải là chốn địa ngục.Cho đến hôm nay, em có đi đâu vẫn chưa tìm ra nơi nào để cuộc đời mình được thoải mái. Lần này bề trên bảo phải ra đảo mà sống. Chỗ ngài ra lệnh phải đến là nơi em có thể sống thanh thản, đó là điều làm em biết ơn ngài hơn cả. Hơn nữa, tuy thân xác nom bạc nhược thế này nhưng em chưa hề ốm đau. Ra ngoài đảo, dù công việc gian khổ đến thế nào, thân em đều có thể chiu đựng được. Với lại nhân chuyến ra đảo lần này, em lại được cấp cho hai trăm đồng kẽm hiện vẫn mang theo bên mình. Vừa nói, Kisuke đặt bàn tay lên ngực. Theo luật lệ thời đó, kẻ bị lưu đày ra đảo xa thường được nhà nước cấp cho hai trăm đồng kẽm. Kisuke lại nói tiếp: - Em hết sức xấu hổ phải thưa thật vói thầy là cả đời, em chưa bao có trong hầu bao một món tiền hai trăm đồng kẽm. Cả đời cứ phải lo chạy khắp nơi xem ở đâu có công ăn việc làm. Tìm ra được việc thì lăn ra làm không hề quản ngại.Thế nhưng có kiếm được đồng nào cũng không hề giữ được cho mình. Lúc cầm được tiền trong tay để mua lấy cái ăn thì thường phải lo toan trả nợ cũ, để rồi lại vay thêm nợ mới. Từ khi vào tù, em mới được hưởng cảnh ngồi không rỗi việc mà vẫn có cơm ăn. Chỉ riêng điều đó thôi cũng làm em đội ơn trên khôn xiết. Hơn thế khi ra khỏi nhà giam lại được cấp cho hai trăm đồng kẽm. Như thế, nếu vẫn tiếp tục ăn cơm nhà nước thì em vẫn giữ nguyên món tiền này cho mình. Có của để dành đem theo người như thế này, từ hồi cha sinh mẹ đẻ, với em mới là lần đầu. Cho đến khi tới đảo, em chưa hình dung được mình sẽ làm ăn sinh sống thế nào nhưng nghĩ đến việc có hai trăm đồng kẽm lận lưng làm vốn đã cảm thấy vui vui. Nói đến đây, Kisuke không thêm câu nào nữa. Shôbê bảo "À, ra thế!" nhưng vì câu ông ta muốn hỏi đã được trả lời quá đầy đủ nên chẳng có gì để hỏi thêm, đến lượt mình cũng trầm tư, không lên tiếng nữa. Shôbê năm nay cũng tròm trèm bốn mươi rồi. Vợ nhà đã đẻ cho được bốn mụn con. Vì bà mẹ hãy còn khoẻ nên gia đình cộng tất cả là bảy người sống chung với nhau.Ngày thường Shôbê vẫn bị mang tiếng là người hà tiện. Không hề thấy ông ta tiêu hoang, quần áo mang theo ngoài đồ mặc đi làm thì chỉ độc một manh áo ngủ. Khốn nỗi vợ ông lại xuất thân từ gia đình nhà buôn có của. Bà cũng có thiện chí thu vén cuộc sống trong nhà với đồng lương của Shôbê nhưng vì đã quen với lối sống thoải mái về vật chất hồi còn con gái nên không thể sống tiện tặn đúng như ý ông. Phóng tay một chút là cuối tháng thâm thủng ngay. Chính vì Shôbê sợ chuyện vay mượn y như điả phải vôi, bà vợ phải dấu chồng xin bên nhà cha mẹ viện trợ để bù đắp vào chỗ thiếu hụt trong nhà. Chuyện đó rốt cục cũng lọt vào mắt người chồng. Vào dịp tết nhất lễ lạc nhà cha mẹ vợ thường cho quà hay gặp lễ Sichigosan (46) thì mua sắm quần áo cho chúng là những điều gây khổ tâm cho Shôbê không ít. Việc phải sống nhờ vả để khỏi phải thiếu hụt làm mặt mày ông ta lúc nào cũng dàu dàu. Gia đình Haneda này bên ngoài mới nhìn thì thấy có vẻ yên ổn nhưng nhiều khi đất bằng cũng dậy sóng vì lý lo trên. Nghe chuyện Kisuke kể về hoàn cảnh anh ta, Shôbê bỗng đem chuyện đó so sánh với nhà mình. Kisuke nói anh ta dầu có công ăn việc làm nhưng phải bù đắp đằng này đằng nọ nên đồng lương cũng cạn. Nghĩ tình cảnh thật đáng thương. Thế nhưng ngẫm lại phận mình, thì giữa mình và anh ta rốt cuộc nào có khác chi đâu. Cơm gạo nhà nước cấp cho mình để sinh sống cũng phải chuyển sang tay thiên hạ cả. Cái khác nhau giữa anh ta và mình là con số không thêm vào hàng số trên bàn toán chứ hai trăm đồng kẽm mà Kisuke có để lận lưng thì mình nào đã có trong tay. Nếu thử nghĩ về cái khác nhau về con số không trên hàng số, việc chỉ cần dành dụm được hai trăm đồng kẽm mà Kisuke đã vui sướng đến thế, ở cương vị mình mà nhìn, thấy nó chẳng có gì vô lý. Tuy rằng có khác nhau như hai con số trên bàn toán, cái điều làm mình ngạc nhiên là Kisuke là kẻ không có lòng ham muốn, chỉ bằng lòng với cái mình hiện có. Kisuke chật vật kiếm công việc. Kiếm được việc rồi thì xả thân làm lụng, có được chút cháo quết miệng là đã thỏa mãn. Bây giờ ngồi trong nhà ngục, ngạc nhiên thấy cái miếng cơm mong mãi không có, nay không cần làm gì mà được ông trời ban cho, làm sao chẳng mãn nguyện như lần đầu tiên từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Shôbê mải miết nghĩ về cái khác nhau về con số không trên hàng số và nhận ra cái khoảng cách to lớn giữa mình vói Kisuke.Về phần mình, tuy tiền gạo nhà nước cấp để sống thường thiếu hụt thật đấy nhưng đắp đổi rồi cũng xong, đâu lại vào đó. Thế mà hầu như chẳng bao giờ mình cảm thấy thỏa mãn. Thường thường mình sống mà không phân biệt lúc sung sướng hay khi khổ sở. Thế nhưng trong tận đáy lòng vẫn thầm nghĩ nếu cứ sống như thế này, bất chợt mai kia phải thôi việc thì không biết xoay sở ra sao. Lòng vẫn thầm lo ngộ nhỡ ngã bệnh thì cuộc sống sẽ ra thế nào. Đôi khi biết vợ mình có xin nhà cha mẹ trợ giúp để khỏi thâm thủng thì sự lo sợ lại từ bên dưới trồi đầu lên trên trong đầu. Thế thì cái khoảng cách giữa hai người là ở chỗ nào? Chắc chỉ có cách tóm tắt Kisuke là kẻ không có gì ràng buộc mà mình thì quá nhiều hệ lụy. Nhưng đó là dối lòng. Cho dầu mình có một thân như Kisuke thì coi bộ khó có được cái tâm tình của anh ta. Lý do ắt phải sâu xa hơn nữa. Shôbê chỉ thấy mơ hồ như thể nó giống như chuyện đời con người. Khi người ta lâm bệnh thì nghĩ phải chi mình đừng mắc bệnh. Mỗi ngày lo miếng ăn không đủ thì lại nghĩ phải chi mình có được miếng ăn. Khi phải cần đến tiền nong thì lại nghĩ phải chi mình dành dụm được chút đỉnh. Nếu đã dành dụm bao nhiêu rồi thì lại nghĩ phải chỉ mình có nhiều hơn chút nữa. Đứng núi này trông núi nọ như thế mãi, con người ta không biết phải ngừng lại chỗ nào. Shôbê chợt thấy rằng hôm nay chính Kisuke là kẻ đã chỉ cho mình biết cái chỗ phải dừng lại. Shôbê mở đôi mắt nhìn dán lấy vào Kisuke như một người chưa từng gặp. Chung quanh cái đầu của người tù lúc này đang ngước mắt nhìn trời, Shôbê cảm thấy có một vầng hào quang tỏa sáng. °Shôbê mắt vẫn không rời khuôn mặt Kisuke, lại lên tiếng gọi: -Này ông Kisuke! Lần này, ông ta gọi Kisuke là "ông" một cách tử tế nhưng không hoàn toàn ý thức về sự thay đổi lối xưng hô của mình. Giữa khi cái tiếng gọi người tù vừa phát ra từ cửa miệng và chưa đi vào lỗ tai của chính mình, Shôbê tuy thấy có cái gì không bình thường trong lối xưng hô nhưng cái chữ vừa dùng đã vuột ra khỏi miệng ông ta, không thể nào níu lại được nữa. -Dạ! Vừa đáp lại, Kisuke cũng hơi chưng hửng khi nghe mình được gọi là "ông" nên đưa cặp mắt lo sợ nhìn Shôbê với vẻ dò xét. Shôbê hơi ngại ngùng một chút nhưng rồi cũng hỏi: -Tôi đã nghe chuyện về ông, biết được ông bị đày ra đảo lần này là vì phạm tội giết người. Thế ông có thể nào cho tôi nghe đầu đuôi vụ đó được không? Kisuke ra vẻ hết sức khiếp sợ, thì thầm trả lời: -Xin vâng! Thưa thầy, em chỉ vì lỡ suy nghĩ dại dột nên thành ra mang tội tày đình.Về sau, khi ngẫm lại vì sao phải ra nông nỗi này, em cũng thấy lạ lùng. Mọi việc hoàn toàn như đã xảyra trong một giấc mơ. Khi em còn nhỏ, cha mẹ vì bệnh dịch chết sớm, bỏ lại hai đứa con là em với thằng em trai. Lúc đầu thì hai đứa sống nhờ sự thương hại của người lối xóm coi chúng em như chó con đẻ dưới hiên nhà, sai chạy việc vặt cho họ nên nhờ đó cũng qua cơn đói lạnh mà lớn lên. Dần dà có sức vóc mới đi kiếm ăn. Đi đâu hai đứa cũng cố gắng không rời nhau, giứp đỡ nhau làm lụng. Mới mùa thu năm ngoái đây thôi, em và thằng em cùng nhau đi kéo sợi cho mấy nhà dệt cửi ở xóm Nishijin. Lúc đó, nó bỗng lâm bệnh nên không lao động nổi. Hai đứa đang tạm trú trong một túp lều ở Kitayama, mỗi ngày em phải qua cầu vượt sông Kamiya để đi đến xưởng. Chiều đi làm về, em mua ít thức ăn, chú nó ra đón, luôn miệng xin lỗi đã bắt em đi làm một mình. Có một hôm khi em vô tư lự trở về nhà như mọi lần thì chợt thấy chú nó đang phục sấp trên mặt tấm nệm ngủ, chung quanh máu me bê bết. Em hốt hoảng vứt vội cái bọc quấn lá tre không biết đựng thứ gì mang về qua một bên, đến bên cạnh, luôn miệng gọi: "Sao vậy em, sao vậy?" Lúc đó mới thấy chú nó ngước khuôn mặt xanh mét, máu chảy đầm đìa từ hai bên má xuống đến cằm, nhìn em nhưng không nói được lời nào. Chỉ có tiếng như gió thì thào từ miệng vết thương mỗi lần nó thở. Em không biết chuyện gì xãy ra nên chỉ biết hỏi: "Sao vậy chú? Thổ huyết hả?" rồi khi em định đến sát bên cạnh thì chú nó mới chống cánh tay mặt lên trên sàn nhà nhón người lên một chút. Tay trái của nó bịt chặt lấy phía dưới cằm nhưng từ giữa kẻ ngón tay của nó, em thấy rịn ra một mảng máu đen. Con mắt của nó như muốn bảo thầm em hãy ghé sát lại gần.Dần dần miệng nó mới bắt đầu phát ra tiếng. Nó bảo: "Anh ơi, em xin anh tha thứ cho. Em nghĩ bề gì bệnh em dù có chữa trị cũng không lành nên muốn chết quách đi cho anh nhẹ gánh phần nào.Em tưởng cứ cắt cuống họng thì sẽ chết ngay nhưng chẳng ngờ chỉ làm hơi thở từ đó thoát ra chứ không sao chết được. Em lấy hết sức nhấn để chọc vào sâu hơn nữa thì lại trượt mất qua một bên. Lưỡi dao hình như không đâm thủng cổ họng.Nếu khéo rút nó ra thì em mới có thể nhắm mắt được.Em không còn đủ sức trình bày nữa, xin anh hãy giúp em". Khi bàn tay trái của chú nó vừa buông lỏng yết hầu thì từ chỗ đó, hơi thở lại bắt đầu vo ve. Em muốn nói mà không thành lời, chỉ biết im lặng nhìn chăm chú vào vết thương trên cổ của nó, chỗ đó có một con dao cạo ngập thật sâu. Chắc nó đã dùng bàn tay mặt nắm lấy con dao này để cắt ngang cuống họng nhưng vết thương không đủ làm nó chết được. Cán dao hãy còn lòi ra ngoài vết thương độ sáu bảy phân. Em chỉ biết nhìn khuôn mặt của chú nó và quang cảnh đó mà không nghĩ ra phương cách gì. Nó cũng đăm đăm nhìn em. Cuối cùng em mới lên tiếng: "Chờ anh một chút nghe. Anh sẽ gọi thầy thuốc tới". Cặp mắt ánh lên vẻ oán hận, chú ấy mới đưa bàn tay trái lên bịt chặt lấy cổ họng, nói với em: "Kêu thầy thuốc chi cho mất công. Khổ qua anh ơi, mau mau rút lưỡi dao ra cho em nhờ." Em thấy mình hết giải pháp và chỉ biết nhìn mặt đứa em. Lạ lùng thay, lúc này mắt có thể nói thay lời. Đôi mắt của chú nó lộ vẻ oán trách em và như thầm bảo: "Mau lên! Mau lên anh!" Đầu óc em quay cuồng, có cái gì như bánh xe cứ lăn quanh nhưng cặp mắt đáng sợ của nó vẫn không chịu ngừng thôi thúc. Thế rồi ánh mắt oán hận đó dần dần trở nên dữ tợn, trừng trừng nhìn em như người thù địch. Rốt cuộc, em nghĩ chắc mình bắt buộc làm theo ý nguyện của nó mất thôi. Em mới bảo: "Không còn cách nào khác. Anh sẽ rút nó ra cho em!" Nói xong, chợt thấy cặp mắt của nó rạng rỡ, thanh thản hẳn ra như thể có gì vui sướng. Em mới chập hai đầu gối lại vươn người ra phía trước như sắp sửa phải dùng hết sức để làm một việc gì. Chú ấy nhấc cánh tay phải đang chống, tựa khuỷu bàn tay trái tự nãy giờ vẫn bịt cổ họng trên sàn rồi nằm dài ra. Em nắm chặt lấy cán dao cạo, rút phăng ra. Vừa lúc đó, bà già hàng xóm bổng mở cánh cửa trước nhà mà em vẫn khép và bước vào phòng. Đó là bà lão ngày thường em vẫn nhờ đến để cho chú nó uống thuốc lúc mình đi vắng. Khi ấy trời đã tối mịt nên em không biết bà lão kia đã thấy được những gì, chỉ thấy bà ta kêu hoảng lên, để cánh cửa mở toang hoang và bỏ chạy ra ngoài. Khi rút con dao ra, em nghĩ phải rút nhanh nên đã chuẩn bị rút cho thật thẳng nhưng chẳng hiểu sao lúc rút ra cứ bị cấn thành thử có cảm tưởng đã cắt phạm luôn những chổ chưa bị đứt. Chắc khi kéo lưỡi dao ra bên ngoài đã cắt đi cũng nên. Em cứ cầm nguyên con dao cạo, ngơ ngác nhìn bà lão từ lúc bước vào phòng cho đến lúc chạy ra ngoài. Khi bà lão chạy mất rồi em mới hoàn hồn nhìn lại thì chú nó đã tắt thở.Máu từ vết thương tuôn ra lai láng.Thế rồi, sau khi buông con dao qua một bên, em cứ thừ người nhìn đôi mắt nửa khép của đứa em đang nằm chết cho đến khi nha lại kéo tới giải mình về công thự". Kisuke hơi cúi gầm mặt và chỉ ngước nhẹ lên nhìn Shôbê suốt lúc kể chuyện. Kể xong, hai mắt của anh ta lại nhìn xuống phía đầu gối. Câu chuyện Kisuke vừa kể nghe ra hợp lý. Có thể nói hầu như quá hợp lý nữa. Đó là vì trong suốt nửa năm nay, những sự việc xảy ra lúc đó không ngừng trở lại trong đầu anh, thế rồi bao nhiêu lần bị hỏi cung ở công thự cũng như bị thẩm vấn bởi quan án tỉnh, anh ta có thể đã chú ý để loại hết những chỗ có thể sơ hở. Nghe chuyện, Shôbê có cảm tưởng cảnh tượng lúc đó đang hiện ra trước mắt ông. Tuy nhiên, sự thắc mắc không biết đây có phải là một vụ giết em, một cái án giết người hay không mà ông có trong đầu từ khi mới nghe phân nửa câu chuyện, nay vẫn không sao tìm ra lời giải dù đã nghe trọn cả rồi. Người em bảo anh mình hãy rút con dao ra bởi vì có rút lưỡi dao ra thì mình mới có thể chết được.Thế nhưng hễ rút dao ra thì người ấy chết, ông anh tất sẽ bị thiên hạ kết tội giết em. Còn cứ để nguyên con dao thì có lẽ người em trước sau gì cũng chết. Sở dĩ người em muốn chóng chết vì anh ta không chịu nổi sự đau đớn nữa. Kisuke không nỡ lòng nào tiếp tục nhìn sự khổ sở của em nên mới cứu em ra khỏi cảnh đó bằng cách kết liễu tính mạng. Thế là tội hay sao? Giết người dĩ nhiên là phạm tội. Tuy nhiên khi nghĩ rằng động cơ của việc làm là để cứu ai khỏi cảnh khổ thì từ đấy nẩy lại ra thắc mắc, một thắc mắc không sao giải đáp. Shôbê nghĩ đi nghĩ lại trong đầu bao nhiêu điều, cuối cùng ông nghĩ rằng không cách gì hơn là phó mặc cho bề trên, theo quyết định của nhà cầm quyền (47). Shôbê muốn xem phán quyết của quan án như là phán quyết của chính ông. Dù nghĩ như vậy nhưng mối ngờ vực trong lòng vẫn chưa tan, ông hãy còn có điều thắc mắc muốn ngỏ với quan án. ° Đêm trăng mờ mỗi lúc càng vào khuya, chiếc thuyền Takasebune với bóng hai con người trầm mặc, vẫn lướt đi trên mặt nước đen. (Dịch xong ngày 23/01/2006) Tham Khảo1) Ivan Morris, Modern Japanese Stories, An Anthology, Under Reconstruction, trang 34 đến 44, ( Ivan Morris dịch Fushinchuu ) Charles Tuttle Co, Tokyo, 1962, bản in lần thứ ba, 1997. 2) Tanizaki Jun.ichiro chủ biên, Nihon no Bungaku, quyển 24 và 25 nói về Mori Ôgai, Chuô Kôron, Tokyo, 1966. 3) Donald Keene, Dawn to the West, A Histostory of Japanese Literature, Volume 3, Japanese Literature of the Modern Area, Fiction. Columbia University, New York, 1984. Chú thích(1) - Vụ án gọi là "đại nghịch" nhằm tạo lý do để đàn áp phong trào của những người có tư tưởng xã hội và vô chính phủ. Mượn cớ khám phá được mưu toan ám sát thiên hòang Meiji vào năm 1910, chính quyền thời đó đã tuyên án tử hình 24 người trong đó có nhiều kẻ hàm oan. Hai nhà văn Kotoku Shusuui (Hạnh Đức, Thu Thửy, 1871-1911) và Miyashita Taikichi (Cung Hạ, Thái Cát) đã bị hành hình tháng 1 năm 1911. Tuy không cùng ý kiến chính trị nếu không nói là có tư tưởng đối lập với họ nhưng, vói tư cách một người trí thức, Ôgai rất xúc động về tính cách đàn áp của vụ án này. (2) - Dường như thế đấy (Kano yô ni) cũng là tên một truyện ngắn ông viết, trong đó quan điểm của ông dựa trên tư tưởng triết học của Hans Vaihinger, một người Đức, trình bày trong tác phẩm nhan đề Die Philosphie des Als Ob (1911). (3) - Duy tân "hấp tấp và hời hợt" là từ ngữ phê phán sự chú trọng cái học thực dụng thực lợi, đề cao kiến thức khoa học công nghệ, mà bỏ qua khía cạnh văn hóa xã hội. (4) - Izawa Ranken (Y Trạch, Lan Hiên, 1777-1829) thầy thuốc và nhà tư tưởng (Nho học) dưới thời Edo. (5) - Hôjô Katei (Bắc Điều, Hà Đình, 1780-1823) nhà thơ Hán thi đời Edo. (6) - Ochiai Naobumi (Lạc Hợp, Trực Văn, 18/61-1903), nhà thơ và nhà giáo dục. (7) - Fushin nguyên là danh từ Phật giáo để chỉ việc tụ họp người để xây chùa dựng tháp, sau có nghĩa là việc sửa chữa, trùng tu nhà cửa. (8) - Chi tiết quan trọng: lối viết ngang là của Tây Phương, khác với lối viết từ trên xuống dưới của Nhật. Seiyô-kan (Tinh Dưỡng Quán: chỗ nghĩ ngơi) cùng một âm với Tây Dương Quán (Khách sạn Tây Phương) (9) - azalée (tiếng Pháp) (10) - rhododendron (tiếng Pháp) (11) - couvert (tiếng Pháp): bộ dao, muỗng, nĩa, khăn cá nhân dùng khi ăn cơm Tây. (12) - Nhân vật truyền thuyết du thủy cung, giống như truyện Từ Thức gặp tiên. (13) - Thành phố phía nam vùng cực đông của Nga có hải cảng quan trọng nhìn ra biển Nhật Bản. Thời ấy, ở đây có đường tàu biển qua Yokohama. (14) - Kojinskaya tức là bà Kojinsky hay người đàn bà mang họ Kojinsky. (15) - Nguyên văn diễn âm tiếng Đức Philister (16) - Nguyên văn diễn âm tiếng Pháp Chambre Séparée (17) - Tác giả muốn nói rạp hát mang tên Central Theater ở tỉnh Dresden bên Đức. (18) - Bậc thang đá bên cầu sông Elbe ở tỉnh Dresden bên Đức. Một thắng cảnh. (19) - Ngày nay là Bảo Tàng Viện Rodin. (20) - Tức là dòng Thánh Tâm thuộc đạo Công Giáo, sáng lập năm 1800 ở Pháp. (21) - Khu phố xưa có nhiều dinh thự chính quyền, nằm ở tả ngạn sông Seine. (22) - Nguyên văn: hando (phàn thổ) tức o-xýt alumin (23) - Mời vào! (tiếng Pháp trong nguyên văn). (24) - Cô Hanako(tiếng Pháp trong nguyên văn). Nữ nghệ sĩ trình diễn Fukuhara Hanako, sinh ở Gifu, miền trung nước Nhật. Suốt hai mươi năm lập đoàn hát lưu diễn Âu Mỹ và làm người mẫu cho nhiều bức tượng của Rodin. (25) - Nguyên văn. YÙ muốn nói quốc vương hay một hoàng thân nước Căm-pu-chia (Cambodge), lúc ấy là thuộc địa Pháp. (26) - Nguyên văn. Hình vẽ sơ sài. (27) - Nguyên văn. Chương trình tạp diễn. (28) - Viện nghiên cứu dịch tể và vệ sinh công cộng mang tên nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822-95) (29) - Tượng người con gái Danaid trong thần thoại Hy Lạp (1891), Cái Hôn (1891) và Người Suy Tư (1904), là bộ ba tác phẩm danh tiếng của Rodin. (30) - Nguyên văn bằng tiếng Pháp nghĩa là: Thế ông làm việc có chăm không? (31) - Vâng, nhiều lắm, thưa cụ! (32) - Nguyên văn. Có nghĩa là rập khuôn, không có gì độc đáo. (33) - Một trong ba truyện nói về ba thành phố của Emile Zola (1840-1902), nhà văn Pháp. Lourdes là nơi tương truyền có Đức Mẹ hiện ra, chữa lành bệnh cho người đến đó hành hương. (34) - Nguyên văn. Thành thuộc, lưu loát. (35) - Nguyên văn. Bộ sưu tập. (36) - Bi kịch thần thánh (khoảng 1309-20). Tác phẩm của nhà thơ YÙ Dante Alighieri (1265-1321). (37) - Nguyên văn tiếng Pháp. Ấn bản khổ bỏ túi. (38) - Charles Baudelaire (1821-67), nhà thơ Pháp tiên phong trong dòng thơ tượng trưng, chủ trương nghệ thuật trên hết. (39) - Nguyên tác: Keijijôgaku (hình nhi thượng học) (40) - Nguyên văn tiếng Pháp. Bản phác thảo. (41) - Một loại chó săn có tiếng. Nhỏ con, cao khoảng 40 cm, lông ngắn màu trắng có điểm đốm nâu hay đen. Rất được yêu chuộng. (42) - Nguyên văn tiếng Pháp. Loại hình. (43) - Shirakawa Rakuô (Bạch Hà Lạc Ông) tên hiệu của Matsudaira Sadanobu (Tùng Bình, Định Tín, 1758-1829), đại thần dưới thời Tướng Quân Tokugawa Ienari (Đức Xuyên, Gia Tề), đã thực thi cuộc cải cách hành chính quan trọng năm Kansei (1789-1801) để cứu mạc phủ đang lâm nguy. (44) - Chion.in (Tri Ân Viện), tên ngôi chùa thiền, bản doanh phái Tịnh Độ trên núi Higashiyama ở Kyôto, có để một quả chuông lớn. Tướng quân Tokugawa Ieyasu cho xây lại ra để tri ân người mẹ đẻ ra ông. (45) - Nguyên văn: chômoku (điểu mục) tức đồng tiền có hình thù như mắt chim ưng. (46) - Tết nhi đồng Nhật Bản cho lứa tuổi ba (san), năm (go) và bảy (sichi). (47) - Nguyên văn bằng tiếng Pháp: Autorité