Không sao kể xiết sự vui mừng khôn tả của Tư Minh khi anh ra tận bến xe đò ngồi đón tôi cả buổi. Kể từ mùa thu năm 1973, quân ngụy và quân ta giành nhau đi cắm cờ, nhận đất đến bây giờ tôi mới có dịp gặp lại Tư Minh. Anh trưởng phòng bảo tôi: “Sở sẽ có văn bản thông báo, sau tết thầy sẽ nghỉ hưu. Phòng đã họp để chuẩn bị công tác bàn giao. Anh em hỏi thầy có nguyện vọng chi?”. Tôi gỡ cặp kính lão nhìn cậu học trò đã từng dạy cách nay vài chục năm. Cậu ta nay đã là thủ trưởng của tôi nhưng vẫn một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy… Tôi bảo: “Đã lâu tôi chưa nghỉ phép, nếu được các em cho tôi một chuyến vô Nam thì sung sướng quá! Đi tàu hỏa cũng được. Từ ngày giải phóng miền Nam tới nay đã ba mươi năm, thầy chưa biết Sài Gòn, chưa tới Nam Bộ”. Bốn mươi giờ ngồi tàu hỏa, thêm vài giờ chạy xe đò, tôi đã có mặt trong ngôi nhà của vợ chồng Tư Minh nằm lọt thỏm giữa một khu vườn rộng hàng vài công đất bên dòng sông Cổ Chiên. Bạt ngàn nào nhãn, nào ổi, nào cam, xoài, mít… Cây cối ở đây tốt tươi nhờ phù sa của sông Tiền, sông Hậu đổ về. Đang mùa nước nổi, dòng sông đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy kéo theo những mảng lục bình xanh ngắt. Không sao kể xiết sự vui mừng khôn tả của Tư Minh khi anh ra tận bến xe đò ngồi đón tôi cả buổi. Kể từ mùa thu năm 1973, quân ngụy và quân ta giành nhau đi cắm cờ, nhận đất đến bây giờ tôi mới có dịp gặp lại Tư Minh. Nhưng trong ký ức sâu thẳm của tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh chiếc trực thăng cánh quạt có hai cái càng đổ xuống một vạt cỏ rộng cạnh bãi bóng chuyền. Máy bay đến đưa một thiếu úy ngụy đã trúng mảnh lựu đạn bị thương rất nặng và Tư Minh bị thương ở đùi, phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Vào một buổi sáng ngày mồng 2 tháng 9, gần trăm con người vây chật quanh một khoảng đất rộng ở làng Sơn Quả để xem trận giao đấu bóng chuyền lịch sử - Trong số ấy quá nửa là bộ đội giải phóng, phần còn lại là lính sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy. Không một ai nghĩ tai nạn có thể xảy ra. Đã vài tháng nay, sau những cuộc giao tranh, phòng tuyến sông Bồ đã hình thành. Ranh giới đất của quân giải phóng, đất của chính quyền Sài Gòn có thể chỉ là con suối, mỏm đồi. Chốt gác của đại đội tôi chỉ cách chốt của sư đoàn dù chưa đầy 70 mét. Có chỗ chỉ 30 mét. Trên các đỉnh chốt, chòi canh phấp phới những lá cờ của hai bên. Hàng ngày chúng tôi ngồi gác nhìn rõ từng gương mặt của người lính ngụy bên kia con suối Thanh Tân. Hai bên cùng ra suối múc nước nấu cơm, những người lính còn có những quan hệ gần gũi nhau hơn. Bắt đầu là từ những ánh mắt nhìn nhau thân thiện. Rồi những câu thăm hỏi tên tuổi, quê quán bâng quơ. Thêm chút nữa bên này ném qua bên kia suối tặng gói trà Hồng Đào, gói thuốc lào Vĩnh Bảo. Bên kia quăng sang tặng lại vài bao rubi xanh quân tiếp vụ, gói trà Blao, gói kẹo mè xửng. Tiến thêm chút nữa là chỉ huy của quân ta và quân ngụy đồng ý cho làm những ngôi nhà “hòa hợp”, mái lợp lá tranh, phên côlô lấy từ sông Bồ. Một tuần hai buổi, hai phía cử người ra trò chuyện, tranh đấu bảo vệ những điều khoản đã được bốn bên ký kết tại Hội nghị Pari. Những ngày “hòa hợp” êm đềm vùng giáp ranh im tiếng súng đã ba tháng nay, nên mới có cuộc đấu bóng chuyền trên bãi cát Thanh Tân - Sơn Quả của tiểu đoàn tôi với những người lính thủy quân lục chiến. Để chuẩn bị cho một trận đấu bóng chuyền “lịch sử” và một bữa liên hoan mừng quốc khánh, chúng tôi phải huy động những anh em biết đánh bóng chuyền trong cả tiểu đoàn. Họ là sinh viên các trường đại học ở rải rác các đơn vị. Còn chuyện liên hoan, các tay nấu ăn cự phách được điều tới. Làm toàn món ăn xứ Bắc. Ốc Khe Điên nấu với chuối xanh. Thịt heo rừng vừa nướng vừa luộc, vừa làm chả bánh đa. Gạo đem giã làm bún… Bữa cỗ ấy thực sự đã làm cho những người lính ngụy được mời sang dự liên hoan xúc động. Ba giờ chiều trận đấu bóng chuyền giao hữu mới được diễn ra. Séc thứ nhất bên bộ đội thắng. Séc thứ hai, những người lính thủy quân gỡ hòa ở quả thứ 14. Một cú đập mạnh, bóng văng qua vạch vôi cuối sân, lăn vào đám cỏ tranh bên bờ hói. Một viên thiếu úy ngụy chạy ra nhặt trái bóng. Chỉ thấy chớp lửa lóe sáng và một tiếng nổ đanh gọn của trái lựu đạn US. Khói bụi và đất đá bắn văng. Cả trăm con người theo bản năng của người lính nằm rạp xuống đất… Có tiếng la thét của viên thiếu úy ngụy bị thương. Hai mảnh đạn nhỏ đã cắm vào đùi vào vai Tư Minh, khi ấy anh là một thượng sĩ ngụy giữ ở tuyến chốt hòa hợp Sơn Quả. Tôi đã băng bó vết thương cho anh Tư. Vết thương không hiểm nhưng cũng buộc anh phải đi viện. Trong những lần gặp nhau ở căn nhà “hòa hợp” trao đổi tranh luận, tôi đã được biết Tư Minh quê ở Cần Thơ. Anh đi làm mướn ở Vĩnh Long và cưới vợ ở đó. Tư Minh đã có 4 con nhưng bị bắt đi quân dịch từ sau tết Mậu Thân… Những kênh rạch phương Nam tôi đã đọc qua sách vở, xem phim chỉ bây giờ mới tận mắt nhìn những ô vườn xanh ngút ngàn dọc theo bờ sông Tiền. Thuyền máy chạy âm vang trên mặt sông. Cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Những ngày ở chơi nhà Tư Minh, anh lấy xuồng máy chở tôi đi thăm thú những đình chùa cổ trong vùng. Đi đâu anh cũng giới thiệu tôi là một người bạn thân của gia đình với bà con họ hàng. Buổi tối, tôi ra ngoài sông ngủ với Tư Minh trong căn nhà nổi. Nhà dựng sát mép sông, lềnh bềnh trên sóng. Nhưng dưới đáy là những hầm nuôi cá tra. Chỉ một nắm thức ăn thả xuống, những con cá tra nặng một, hai ký nhao lên tranh nhau đớp mồi. Cả một dọc dài hai bờ sông Tiền, sông Hậu có cả vạn bè nuôi cá. Người nông dân Nam Bộ một phần giàu lên nhờ tôm cá. “Mỗi năm bè cá này cho vợ chồng tôi cả trăm triệu đồng” - Tư Minh bảo vậy và nâng ly với tôi. Mực một nắng chiên giòn uống với rượu Gò Đen khiến tôi lâng lâng… Gió tràn trề trên mặt sông rộng. Phía bên kia sông thành phố ấm áp ánh đèn.