Gió về. Núi Bặn rùng mình. Lá mỡ, bồ đề lật ngửa nhấp nhánh như quét nhũ vào sườn núi. Từ chân núi gió ào đến thổi bạt lão Hén dúi dụi vào bụi đùm đũm mọc ven đường.
Trước mắt lão, cậu con trai tên Sức đang dìm trong nước bốc từng bốc bùn đắp vạ vào luống khoai nước mọc mấp mé với mặt hồ. Tôm cá va vào người nhảy tanh tách quanh người Sức. Tôm cá động làm cho cậu ta không để ý thấy con ma men đang ngồi trên bờ hồ. Những tiếng gọi dính vào nhau, lão phải cố dứt ra mới rõ lời: "Sức à, Sức à! Nhờ tý".
Sức nhìn lên. Biết ngay lão nghiện lại ra quấy quả mình, ngán ngẩm định mặc kệ nhưng không biết sức mạnh vô hình nào lôi Sức lại gần lão. Chìm nửa người trong hồ nên khi di chuyển nhìn cậu ta như trôi trong nước. "Bác nhờ gì?". Lão Hén nói ngay với giọng bập bều kẻo sợ Sức hỏi chiếu lệ rồi bỏ đi mất: "Tao bán cái Son cho mày mà". "Bác nói dở rồi, tôi không nghe bác". Người Sức lại trôi xa về chỗ cũ. Tuy thế, cậu ta vẫn nghe rõ câu than thở của lão Hén cùng với những tiếng lộp bộp của hai bàn tay đập đập xuống đất: "Khổ quá, tao muốn gả nó cho mày đấy. Nói lừa thì ma xó, ma chài quất chết tao thôi. Mày không tin tao à?". "Tôi chỉ tin bác uống rượu nhiều thôi". "Mày sợ đứa con gái tao chê mặt mày xấu xí à? Tao khắc bắt nó yêu mày mà". "Bác có bắt nổi bác bỏ rượu không".
Lão Hén tán gia bại sản vì nghiện rượu và đề đóm. Nếp nhà sàn cha ông để lại to như cái đình người Kinh toàn gỗ khoai làm cọc, cùn, rẩu, duông...(°) bằng gỗ xẻ đinh lim, sến, táu đến vang, pạt...(°) cũng xẻ ra từ gỗ sồi vàng tâm đều bị lão bán để uống rượu và chơi số đề. Vợ con khổ vì lão, Ðinh Thị Son, 23 tuổi, con cả lão đẹp chói lọi cả mường Tằn, đỗ hai trường đại học phải ở nhà nuôi rượu lão và ế chồng vì cả mường không ai muốn dây với lão. Sức ngửa mặt lên bảo: "Mặt tôi xấu mặc tôi, không cần bác bán con gái cho mà". Lão Hén vội chữa câu nói hớ để nịnh nọt: "Không phải thế, tao thấy mặt mày cũng đẹp chứ không đến nỗi xấu mà".
Nhưng Sức biết mặt mình xấu. Xấu đến ma chê quỷ hờn. Phải gan như con hùm, con gấu Sức mới dám treo bốn cái gương to ở bốn góc lều để ngày ngày tập nhìn thẳng vào cái bộ mặt xấu xí của mình. Xấu đến mức chính Sức cũng phải ghê sợ nhắm mắt lại. Vì biết mình xấu nên Sức mới xin ra ở một mình ngoài núi Bặn. Dạo ấy, núi Bặn nhẵn như chùi. Mất rừng làm cho suối khô, đồng cạn.
Sức đào hào, đắp bờ, rào bằng cây mây, cây song bịt hết các lõng lên núi. Trâu bò không lên phá phách cho cỏ mọc, cây mọc. Thế rồi cỏ cây cũng lên thành rừng.
Rừng tái sinh, rừng trồng đua nhau mọc làm núi Bặn xanh lại. Khe suối từ trong rừng ngày đêm róc rách chảy ra đến đầu Ðát thì nhập lại đổ rào rào thành thác nước trắng xóa. Ðồng Hù từ khi có nước được dân làng cày cuốc để trồng lúa. Từ hai vụ lúa nay thêm vụ màu cuối đông. Hồ cá năm héc-ta này do công sức tiền của bố con Sức bỏ ra. Sức thu cá, còn nước thì cho dân làng bơm lên đồng cao mùa cạn. Bây giờ Sức đã thành tỷ phú lấy ích lợi công việc làm vui, anh cố gắng tránh xa mọi người để họ đỡ sợ vì phải nhìn thấy mặt mình. Anh quay lên giục lão Hén: "Bác về đi, tôi không mua con gái bác đâu". "Mày cho vay ít tiền, tao hứa sẽ gả nó cho mà". Nhưng Sức kệ, cứ công việc mà làm, mặc cho lão ngồi đấy rồi nằm luôn xuống đấy mà ngáy.

*

Chủ tịch xã dẫn tốp nhà báo ra gặp Sức. Họ đeo vác cả máy quay phim chụp ảnh. Sức ra máng nước lần rửa chân tay và bảo chủ tịch xã: "Anh đưa khách lên lều đi".
Ở bốn góc nhà Sức đều treo bốn cái gương lớn. Ngay ở cầu thang vào anh ta treo cái gương to nhất cao bằng đầu để thấy rõ từ chân lên đầu. Anh nhà báo truyền hình hỏi: "Anh treo lắm gương thế?". "Ðể tập nhìn vào cái mặt mình mà". Phóng viên định chĩa ống kính để quay phim Sức. Cậu ta xua tay quay mặt đi: "Không được mà, mặt tôi xấu lên ti vi thì phản tuyên truyền chứ". "Nhưng anh làm được việc lớn, tư tưởng anh đẹp kia mà". "Các anh chỉ được quay phim chụp ảnh đằng sau lưng tôi thôi". Quả nhiên, trong cuộc phỏng vấn người ta chỉ nhìn vào sau lưng chủ nhân. Chủ tịch xã hỏi: "Cậu làm con rể ông Hén thật đấy à? Nhất cậu đấy, có con vợ đẹp". "Sao anh hỏi thế". "Thấy bảo có ông mối đem lễ đến nòm nhỏ (°°) rồi mà". "Họ bịa ra để giễu tôi thôi". "Nhưng cậu có thích nó không?". "Thích cũng không được thì không thích đâu". Lúc xuống móng chủ tịch xã sờ vào giữa háng của Sức vừa bóp vừa nói: "Ðược đấy, cứ ngỡ cậu không có". Sức cười nhưng nhìn như mếu, nói: "Cái anh chủ tịch này".
Lão Hén ngồi bệt xuống nền nhà hầm hố rác rưởi nhoe nhoét từng bãi cứt gà, cứt chó. Lão dựa lưng vào vách nứa, bẻ dần phên vách tước đóm hút thuốc lào vặt. Mắt lão ướt nhoèn. Lão giụi mắt, chửi con gái: "Tiên sư con mế đẻ ra mày, xinh đẹp mà ru rú trong xó mường này thì nên cơm cháo gì? Bảo theo chúng nó đi ca-ve lắm tiền không đi". Son vừa quét nhà vừa cãi: "Bố bảo tôi đi ca-ve bán trôn nuôi miệng à?". "Ðồ hèn, thấy chúng nó làm ăn lắm tiền ghen tức vu vạ người ta à?". Lão Hén quen thói chửi vợ con lải nhải, Son nghe quen tai bỏ mặc không buồn cãi lại. Chỉ vì thương mế và lũ em lít nhít cô phải ngày ngày đầu tắt mặt tối làm giúp mế nuôi đàn em khỏi thất học. Nhưng nuôi chúng học phổ thông còn được, nay mai lên đại học coi chừng lại như mình thi đỗ mà phải bỏ. Ðã mấy lần bị bố đuổi bắt đi làm ăn theo người ta nhưng may lần nào cô cũng kịp trốn về nếu không đã bị bán qua biên giới và vào nhà chứa ở một khu nghỉ mát bãi biển, mà đã vào đấy thì tã đời không ra nổi...
Ðứa em gái Son hớt hải từ đâu chạy về khoe: "Cả nhà ơi, con đỗ đại học rồi".
Tin vui làm Son nhíu mày buồn rượi thở dài. Su ôm lấy vai Son hỏi: "Chị không mừng cho em ư?". Son lắc đầu: "Chị chỉ thương em thôi. Nhà mình nghèo thế này lấy gì nuôi em học đây". Lão Hén đập điếu ục vào vách văng cả nước và sái thuốc ra ngoài: "Học hành gì, đi làm ca-ve mà lấy tiền". Bà Hén từ dưới bếp gọi hai con xuống bảo: "Chuyện quan trọng chớ nói với bố mà hỏng việc". Son nói: "Tôi tủi thân vì có ông bố". "Ðừng trách ông ấy". Mẹ Son nói: "Ông ấy ngỡ ca-ve là nghề cao quý mà. Còn việc cái Su có được đi học không, phải trông vào chị Son mày thôi". Son chập mặt lại, hỏi: "Mế bảo tôi đi làm ca-ve lấy tiền nuôi nó à?". "Không, chỉ cốt mày ưng làm con dâu ông Sức Lực thì khắc có tiền. Họ khắc đưa cho dăm chục triệu". "Bố, mế bán tôi cho tay Sức mà lấy tiền. Tôi thà chết còn hơn". "Nhà ấy những bốn năm con trai toàn đi làm ở nước ngoài. Ðứa nào cũng giàu. Cả thằng Sức làm trang trại cũng giàu thế kia mà". Ðứa em gái cũng ôm lấy cổ chị, nói: "Chị ừ hộ em đi. Học về em khắc đền ơn chị". Son cắn chặt đôi môi một lúc mới nói theo kiểu nói dỗi, nói liều: "Thôi được, tôi lấy thằng nào cũng được".
Một chú em ra đập cả bảo Sức: "Tôi ra coi lều hộ, anh về mà cưới vợ đi". "Tao lấy vợ à, đứa nào thèm lấy tao?". Cái Son con ông Hén mà, anh đang sướng rơn còn vờ vịt à?". Lòng Sức chộn rộn nửa lo nửa mừng. Anh ta đoán đây là việc mua bán ép uổng. Mím chặt môi rồi anh ta nói: "Tao xấu thì xấu thật nhưng không thèm phải đi lừa nó đâu". "Anh nói vớ vẩn rồi, nó tự nguyện mà. Anh về xem".
Sức về nhà được người ta xúm vào cắt tóc, cạo râu, tắm rửa, mặc quần áo mới để chuẩn bị đón cuộc động phòng. Không muốn làm trò cười cho thiên hạ, Sức vào phòng mình ngồi. Căn phòng được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ các mầu trắng, đỏ và rảy nước hoa nức mũi. Ðể giết thì giờ, Sức lôi chồng báo ra bàn ngồi đọc.
Nhụ nhọa tối, Son được dẫn vào "buồng hạnh phúc". Cửa buồng được ai đó đóng sập lại, cài chốt bên ngoài. Son sững người giật lùi hai bước khi thấy tấm lưng bè và chiều nghiêng của khuôn mặt vẹo vọ, lẹm cằm, mồm vâu và đuôi mu mắt phồng lên như trái táo tàu của Sức. Dù đã tính trước nhưng cô vẫn bị bạt vía, người run như cầy sóc bị sấy. Lúc sau, cô nắm chặt tay, mím chặt môi giống như hô khẩu hiệu để củng cố tinh thần. Giờ đây, cô không còn đường lui nữa. Em gái đã cầm tiền đi nhập trường. Cô đành chịu thiệt để cứu em, cứu cả nhà. Có oán trách gì thì cũng đã muộn rồi. Coi như đời mình bỏ đi. Dù sao cũng được cái tiếng lấy chồng chứ không phải đi ca-ve. Tuy vậy, nghĩ đến sắp phải động phòng với Sức, phải ôm Sức cô đã ngán tận xương sống! Nhưng biết làm sao nữa. Thà cứ nhắm mắt cho xong chuyện đi. Càng nhanh càng tốt để coi như đã qua một tai họa. Nghĩ thế, cô bèn nhắm mắt lại cởi phăng hết váy áo chín tầng. Tụt hết cả đồ lót rồi vạch mùng leo vội vào giường nằm úp mặt vào tường chờ đợi trong sự phấp phỏng ghê sợ. Cô vừa muốn nhanh chóng thoát nạn lại vừa lo Sức mò lên giường. Chờ đợi trong lo sợ dăm ba phút mà cô có cảm giác đã trải qua mấy tiếng đồng hồ đến mức không chịu nổi cô phải gắt lên: "Anh còn ngồi ỳ ra đấy để đày đọa tôi à?".
Sức nhìn lại, giật mình thấy đống vải áo xù xù dưới nền gạch. Rồi tấm thân lõa lồ trắng lốp của Son đập vào mắt Sức. Anh ta giật nảy người sắp ngã, người run như sắp bị cắt tiết, mắt nhắm nghiền lại. Sau một lúc tĩnh tâm lại, Sức bèn vơ đống quần áo dưới nền nhà vứt vào giường trong khi phải quặt cổ quay mặt đi hướng khác và nói: "Mặc quần áo vào đi. Cô khinh tôi nhiều thế à?".
Son co người khép chặt hai đùi và hai bàn tay bưng lấy ngực. Bao nỗi phấp phỏng lo sợ trút đi hết. Cô vơ vội quần áo ấp vào người. Thấy Sức tắt đèn tuýp cho căn phòng tối bớt lại rồi anh ta tiếp tục chúi đầu vào cái đèn bàn chăm chú đọc báo thì cô yên tâm mặc quần áo vào. Cô chỉ còn thấy mệt mỏi rã rời. Rồi cô thiếp đi lúc nào không biết. Mãi khi bật thức vẫn thấy Sức đang chăm chú đọc báo. Cái quạt máy được chĩa thốc vào giường từ lúc nào, còn anh ta chịu ngồi bức, mồ hôi mồ kê nhễ nhại rớt từ cằm xuống tờ báo lộp độp. Son ngồi dậy thò cổ ra khỏi màn, nói: "Anh vào giường nằm ngủ cho mát để tôi ngồi thay cho?". Sức che tờ báo lên mặt, nói: "Cứ ngủ đi. Mai tớ lại ra ngủ ngoài trại rừng. Cậu không phải ngủ chung với tớ đâu mà sợ".
Son xách cặp lồng cơm canh và phích nước ra cho Sức. Cô thấy Sức mặc quần đùi, áo may ô đang bốc bùn vạ vào luống đất ven bờ trồng khoai nước. Mặt hồ bị cá quẫy răn reo. Cái bóng của Sức dưới đáy ao cứ uốn éo đứt khúc chắp nối liên miên. "Lên nghỉ ăn cơm đã anh Sức này". Son gọi. Sức quay mặt đi, nói: "Cứ để trong lều rồi về đi, kẻo trông thấy tớ lại sợ, về không ăn được cơm".
Son không sợ, đi thẳng vào nhà. Cái nhà sàn nhỏ dựng nép vào ven rừng mỡ. Tuy tạm bợ, nhưng nền thướng được Sức nền cơ bằng vôi bột nhẵn thín như nền xi-măng. Quần áo cũng được Sức ngoắc gọn gàng trên những cái mắc áo tự tạo bằng gốc cây ngoằn ngoèo như những cái gạc hươu buộc gắn vào vách gỗ. Leo lên sàn cô thấy cái giường đôi kê liền cái bàn to để đầy sách báo. Son lật từng cuốn ra xem thấy toàn sách kỹ thuật về chăn nuôi cá và ươm trồng cây lấy gỗ. Cạnh sách là các chồng báo Tiền phong, Văn nghệ, Gia đình và Xã hội. Son lấy ra xem tờ báo Tiền phong số mới nhất.
Lúc sau với quần áo chỉnh tề, Sức đi lên nhà, đi nghiêng cố quay mặt ra hướng khác. Anh ta lấy cặp lồng cơm canh ra đầu nhà ngồi ăn dưới bóng mát của rừng mỡ. Son nhìn qua kẽ vách, hỏi: "Anh vẫn mua báo thường xuyên à?". "Ừ, thích thì cứ mang về nhà mà đọc".
Hôm nào Son cũng hai bữa xách cơm ra cho Sức. Không bao giờ Sức chịu đến gần Son. Tính anh ta không muốn làm khổ người khác. Son biết ý, hỏi: "Anh sợ tôi hay sao mà cứ tránh mặt thế?".
Một hôm Son có ý trêu Sức bằng cách mặc một cái váy đen ngắn và áo khoét rộng cổ để hở ra hai cặp đùi và hai cánh tay trắng nhễ nhại. Cô khẽ khàng xách cặp lồng cơm đến sát sau lưng Sức mới lên tiếng: "Nghỉ ăn cơm anh à". Sức nhìn lên giật mình suýt ngã ngửa. Con dao trên tay anh ta rơi xuống đất. Vẻ trắng ngần mỡ màng tươi trẻ của Son làm anh ta mất bình tĩnh run lên bần bật. Sợ nhìn lâu không chịu được sẽ hành động dại dột bị coi thường nên anh ta vội quay mặt đi. Hai tai đỏ như phải phát. Sức nói, giọng hơi gắt: "Cậu cứ để đấy. Về đi". Son cười, đặt cặp lồng cơm xuống đất túm cánh tay Sức, lôi lại bảo: "Anh Sức, anh ghét em thật ư?" Sức nhắm bên mắt lành xua tay nói: "Có cậu đang ghét tớ thì có". "Bận gì mà em ghét anh. Ai cũng bảo anh hiền khô lại làm kinh tế giỏi, được lên báo, lên ti vi liên tục".
Sức ngồi quay lưng về phía Son. Vừa ăn anh ta vừa nhìn lên khu rừng mỡ lợp xanh um sườn núi. Sức nói: "Nhờ cậu mai thuê người đốn tỉa bớt gỗ kẻo cây dày quá chậm lớn kia kìa". "Người ta bán hết rừng từ lâu, sao anh vẫn giữ?". "Bán lỗ vốn tớ không bán. Tớ dong cho gỗ to, nay mai mua máy thuê thợ lập xưởng mộc tại đây. Tớ sẽ khai thác dần để sản xuất thành hàng hóa, ăn từ gốc đến ngọn mới có lãi lớn". "Thấy bảo mỗi năm anh thu lãi ở hồ cá hơn trăm triệu kia à?".
Sức chép miệng: "Tớ có nhiều dự định lắm nhưng chưa có người tin tưởng giúp việc. Lũ em tớ đổ xô ra nước ngoài làm thuê, chả đứa nào muốn ở nhà làm ăn với tớ. Giá trong số chúng nó có đứa học thông minh như cậu. Học xong về quản lý giúp tớ thì nhất".
Son chẹp miệng, nói: "Nhưng mà em nghèo, không có tiền ăn học".
Vẻ suy tư, Sức chậm rãi, nói: "Nếu cậu chịu hợp tác lâu dài thì tớ có thể đầu tư cho mà đi học. Nhưng học xong phải về hợp tác làm kinh tế với tớ".
Son đứng bật dậy, đến trước mặt Sức nói: "Nào ngoéo tay".
Sức vội quay mặt đi, xua xua cái thìa lên trời, nói: "Không ngoắc tay mà phải viết giao kèo, có dấu xác nhận của ủy ban hẳn hoi".
Ðể bố mẹ chồng tin, Son chuyển hết đồ thô ra lán để cùng ăn, cùng ở và làm việc với Sức. Không muốn ép uổng Son trong chuyện chăn gối, Sức vẫn chủ động nằm ở cái giường khác.
Thế rồi, Sức mua cái xe máy cho Son ngày ngày xuống thị xã học lớp đại học kinh tế tại chức ở Trung tâm giáo dục thường xuyên. Tan học, Son về ngay, không thích giao du vì cô không muốn Sức phải bận tâm về mình. Càng ngày cô càng gắn bó với Sức. Cô nhận thấy mình không thể sống thiếu Sức. Ðêm đêm thấy Sức trằn trọc, cô cũng không ngủ được. Có lúc không đừng được cô hỏi: "Khó ngủ hả anh? Hay là sang đây nằm em quạt cho".
Có tiếng lịch kịch và hơi thở gấp. Rồi lại im lặng. Lúc sau mới thấy giọng nói đứt quãng của Sức cất lên: "Ðừng, cậu phải... phải tốt nghiệp đại học đã".
Một hôm, Sức đưa cho Son cục tiền, bảo: "Cậu đưa cho gia đình đem trả nợ cho bố mẹ tớ đi". "Không, Son xua tay. Họ đã lừa bán em cho nhà anh thì họ cũng lừa số tiền này thôi, không chịu trả nợ đâu". "Thế thì cậu trực tiếp đem trả mà". "Không. Phải để mắc nợ em em mới chịu khó học hành".
Một hôm, Sức bắt lên con cá mè năm cân bảo Son mang về biếu bố mẹ vợ nhưng Son chối: "Ðừng anh ơi. Cho ăn quen mui, họ lại ra xin, em xấu hổ lắm".
Hai người bây giờ đã thực sự tin tưởng ở nhau và sống quấn quýt cùng nhau hơn.
Một buổi trưa, Sức đang chăm chú đọc báo. Son buông sách bút xuống bàn, kéo vội gấu áo lót lên tận vai, nghiêng mảng lưng trần trắng nhẫy ra trước mặt Sức, nói: "Gãi hộ em cái anh".
Sức bỗng giật mình đứng dậy. Ðã quay mặt đi nhưng không nén được, Sức lại phải quay lại nhìn. Sức xấu hổ đỏ mặt về hành vi nhìn trộm của mình. Anh ta nhắm mắt lại, lùi xa vài bước. Những vết sẹo trên mặt Sức đỏ như hoa mở co kéo xô lệch vào nhau. Một lần nữa Sức quay mặt lại, đang định sờ vào người Son lại rụt tay vào. Sự day dứt làm hai hàm răng của Sức cắn chặt lấy môi dưới. Anh ta cố kiềm chế. Vì không tin vào khả năng kiềm chế của mình nên anh ta phải hét to: "Không. Cậu đi đi. Cậu đừng giễu cợt tớ nữa. Tớ cũng là thằng người, có phải gỗ đá đâu mà đùa". Sức vừa nói vừa đấm thùm thụp vào cột nhà. Anh ta muốn đấm vỡ tay cho thật đau để quên đi cảm xúc đang sục sôi trong lòng. Máu anh ta đang sôi. Lòng tự trọng đang bóp nghẹt trái tim anh ta. Anh ta vừa muốn được yêu lại không muốn người khác phải hy sinh coi thường đùa giỡn mình. Sống chung nên Son hiểu lòng Sức. Cô từ hàm ơn mà kính trọng mà yêu mến. Một tình yêu bị giằng xé, kiềm chế đến mức phải trỗi dậy. Cô nhảy chồm đến. Hai tay bưng hai má Sức, vặn khuôn mặt anh ta thẳng lại, đối diện với mặt mình. Son nói với đôi môi bập bều như muốn khóc: "Anh nhìn thẳng vào mắt em đây này... anh đã tin em chưa?".
Son bèn áp môi vào mặt Sức hôn chùn chụt một cái rồi ôm chập lấy Sức. Hai tay Sức thõng xuống, mặt anh ta thần ra. Những cánh hoa tròn lại nở đỏ trên mặt Sức. Hai tay Sức quờ quạo trên lưng vợ. Rồi như mê man, anh ta ôm ghì lấy Son, ôm chặt đến khó gỡ ra nổi. Sức hít lấy hít để lên đầu, lên tóc, hai má, cổ và đôi vai tròn của vợ. Lần đầu tiên anh ta hiểu thế nào là tình yêu.
Chú Thích:
(°) Dầm, xà, quá giang đến giát sàn... gọi theo người Mường.
(°°) Ăn hỏi.
 

Xem Tiếp: ----