Một phụ nữ nông thôn chất phác, chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm mà quá nửa đời người mới có một bộ quần áo mới. Thời thiếu nữ, trong cuộc sống của một người dân mất nước và trong chiến tranh, bà phải chịu cảnh đói rách, tủi nhục. Miền bắc được giải phóng, khi cuộc sống khấm khá hơn thì bà lại chăm chút, nhường nhịn chồng con. Bộ quần áo mới là niềm hạnh phúc, là mơ ước suốt cuộc đời làm lụng vất vả của một người nông dân Việt Nam vào những năm 60 thế kỷ này.
Ông Vạn vác bừa về tới cổng, thì bóng nắng đã lẳn vào chân. Bãi hoa mười giờ đỏ rực, trông lùm lùm như mâm xôi gấc. Màu đỏ nhuộm lên buồng chuối, gốc chanh... Và cả mái nhà mới lợp. Thứ hoa này ông lấy giống từ hồi đi họp huyện, bây giờ nó đã lan ra một bãi khá to ở trước sân.
Ông Vạn có tính hay háu đói, đi làm hết buổi thì cuốc thẳng một mạch về nhà. Bà Vạn lại hay la cà, có hôm quá trưa cũng chẳng chịu về, hôm nhặt mớ củi, hôm nắm rau đồng, và con cua, ốc... chẳng có lại rẽ vào gò Thông bẻ nắm lá xanh về ủ phân. Lắm hôm ông chờ vợ về ăn cơm, cứ rít chán thuốc lào, lại ra cổng ngóng. Từ ngày có bãi hoa này ông đã đỡ bực, không phải ngồi chực niêu cơm như trước nữa.
Hôm nay ông Vạn lại về trước. Vào nhà vớ cái điếu cày, rít hơi thuốc dài, rót chén nước chè tợp một ngụm hãm khói. Rồi tranh thủ ngả lưng xuống giường, xương xẩu trong người giãn ra nổ cục cục thoải mái.
Nằm một lúc ông vùng dậy nhìn quan nhà. Mấy đứa trẻ đi chơi vắng cả. Chỉ có đàn gà phá phách trong bếp. Nhà cửa có vẻ tanh bành rác rưởi. Ông đứng dậy quét dọn, rồi đặt niêu cơm lên bếp.
Niêu cơm đã chín từ lâu. Ông Vạn sốt ruột lại chạy ra ngắm bãi hoa, nhổ vài khóm cỏ, tưới thêm mấy gáo nước. Quay sang nhìn mấy con lợn con béo mụp, đang cầy đầu nhặt thóc ở cây rơm. Mõm nó nhai nham nháp. Ông Vạn gật đầu, mồm lẩm bẩm: "Đã đến trật bán rồi đây". Lúc ấy bà Vạn cũng vừa vác bừa về tới cổng. Bà lẳng lặng bước vào nhà, cái đầu hơi cúi xuống, chân đi rất nhanh. Manh áo nâu bạc phếch đeo trên người khẽ bay bay về phía sau. Ông Vạn nhìn theo chợt thấy trên vai áo vợ toạc ra dài gần một gang tay. Miếng giẻ lập lều theo nhịp chân đi hở một miếng da lưng nâu rám. Ông Vạn nhăn mặt: "Hừ! Gai góc đâu lại vừa cào toạc ra kia rồi, rách thế mà bảo may vẫn còn gan".
Bà Vạn đã bưng niêu cơm lên nhà, hai đứa trẻ đi chơi cũng kéo về, nhảy tót lên giường ngồi xếp bằng tròn vây quanh mâm cơm. Tay chúng vớ lấy đũa, hai mắt hau háu nhìn vào những món ăn. Trong nhà vui nhộn hẳn lên.
Bữa cơm hôm nay thêm món cua rang của bà Vạn mới bắt. Ông Vạn nhá giòn rau ráu. Mỗi bát cơm đầy, và ba miếng đã hết. Lũ trẻ tíu tít tranh nhau tìm càng cua to, làm nghiêng cả bát canh rau xuống mâm, nước chảy lênh láng.
- Mẹ chúng bay, ăn uống gì mà nhộn thế, ông thì cho cái cốc bây giờ.
Bữa cơm ngon lành chuyện trò cũng giòn tan. Bà Vạn nói hết chuyện bừa, sang chuyện cấy. Lúc vui mồm lại cất tiếng khen bà Lược:
- Gớm bà Lược mới may bộ quần áo bằng vải gì mà đẹp đẹp là, chẳng biết bao nhiêu tiền mà sang thế.
Ông Vạn bắt chuyện luôn:
- Thì bảo may lại chẳng may, người ta mặc thì khen. Giỏi lắm chục bạc chứ mấy.
- Chục bạc kia! Gần hết năm mươi cân thóc à? Chết chết! Bộ quần áo mất nửa tháng ăn.
Ông Vạn khó chịu, ngoảnh sang lườm vợ:
- Người đâu mà cứ nói đến tiền là co rúm lại. Ăn thì cũng phải mặc chứ. Ai người ta lại như bà ấy. Cũng liệu mà may lấy một bộ thỉnh thoảng có đi họp hành chăng. Còn sáu chú lợn con đấy.
- Họp hành đâu lại đến cái con mẹ này.
Bà Vạn thấy chồng nói sợ lại khêu ra chuyện quần áo, liền lảng sang chuyện khác. Ông Vạn nín lặng, hai mắt nheo nheo đăm đăm nhìn ra ngoài sân nghĩ ngợi. Một cơn gió rít lên. Lũy tre trước ngõ trút xuống những chiếc lá khô rào rào. Ông Vạn khẽ rùng mình lẩm bẩm: "Sang đầu mùa rét rồi đây..."
Ông liền đặt đũa bát xuống mâm, đứng dậy rót chén nước súc miệng, rút chiếc tăm cặp vào mồm rồi đi thẳng vào buồng. Ông đi tìm dao. Gian buồng tối mờ ẩm ướt, bề bộn thúng mủng, bồ, cót và những đùm quần áo ẩm sì, muỗi réo vo ve. Lục hết xó này đến xó nọ, ông khẽ reo lên một tiến nhỏ "à đây rồi". Con dao bỏ mãi trong xó tối, bên cạnh mấy cái que đẽo nham nhở. Chắc là thằng Trí mang nghịch bỏ đây. Ông cúi xuống nhặt. Khi ngẩng lên đầu đội luôn cái bị rách của bà Vạn rơi xuống đất. Mùi hôi hám bốc lên. Mấy cái mạng nhện chằng vào mặt nhặm nhụa. "Cái của nợ này". Ông tiện chân đá luôn một chiếc, cái bị lăn lông lốc, ộc ra nào giẻ rách, nào lọ thủy tinh... Mấy cái cúc lăn lọc cọc trong hộp bơ gỉ cũng ộc ra xếp thành hàng đến tận chân vách.
Ông cau mặt nhìn cái bị, vừa ghét lại vừa thương. Nó chẳng còn ra hình thù cái bị cói nữa. Cái quai ken hàng trăm lượt dây bẹ chuối sù ra bằng cái nùn rơm. Thân bị đụp vào đến chục miếng giẻ. Cái miệng đã bai ra toang hoác rách lướp tướp đầy những cói nát. Cái bị này bà Vạn xách về từ hồi vợ chồng mới lấy nhau, tính ra vừa hai mươi nhăm năm. Ngày ấy nó cũng rách thế này rồi. Thế mà đã đeo đi hết Lào Cai, Yên Bái rồi đấy.
Ông bần thần một chốc, toan quay ra. Nhưng nghĩ thế nào, ông lại quay vào nhặt nhạnh cẩn thận, rồi treo cái bị lên chỗ cũ. Ông chép miệng thở dài: "Hừ! Bảo vứt đi thì không vứt, cứ đeo đẳng mãi".
Ông Vạn cầm dao ra bụi tre đứng ngắm nghía từng cây một, rồi lách vào tận giữa bụi chọn đẵn một cây bánh tẻ, để đan rọ lợn. Gai tre cào vào người cũng chẳng thấy đau. Hình ảnh cái bị cứ bám riết lấy óc. Cuộc đời của hai vợ chồng từ thuở lấy nhau đến nay hiện lên rõ mồn một.
Ông nhớ lại từ năm đã lâu lắm, giữa trận đói tháng ba, có hai mẹ con người đàn bà quê ở dưới xuôi dắt díu nhau đến ở nhờ cái điếm ngoài cổng làng. Tên gọi là mẹ con bà Lành. Mẹ thì quanh năm mò cua bắt ốc. Cái Lành đi dắt trâu thuê cho nhà lý Cựu. Quần áo can vá hàng trăm mảnh. Bà Lành chỉ đi nhặt mụn giẻ của thợ may để can thành váy áo. Bộ váy đụp của bà Lành, không biết có tự bao giờ. Đến khi chết, để lại cho cái Lành, ông Vạn đã thấy nó dày tới bốn lượt. Nặng chình chịch như khố tải đẫm nước mưa.
Cuộc đời hai mẹ con như vậy, lại có cái tên là Lành. Dân làng gọi thế như thấy chua chắt quá, mới gọi chệch sang là "Can", vì bà mặc rách rưới can vá như tổ đỉa. Tên cái Lành cũng tự nhiên được gọi là cái "Can". Đĩ Can đi dắt thuê con trâu đực cày của nhà lý Cựu, nó phá đi ngóng cái suốt ngày. Đĩ Can cứ lẽo đẽo chạy theo trâu kêu khóc. Cu Vạn lớn hơn, cũng chạy lừa bắt trâu hộ. Bọn trẻ trông thấy thế liền gán ghép: "Cu Vạn lấy con đĩ Can". Bọn trẻ con nói: "Váy của đĩ Can thằng cu Vạn khiêng không nổi đâu". Thế rồi duyên giời xe, hai người lấy nhau thật.
Vợ chồng lấy nhau cũng đủ sự cay đắng. Ông chẳng muốn nghĩ đến làm gì. Nhưng còn một điều đến chết cũng không quên được. Cái ngày sắp cưới nhau đĩ Can dành dụm được bốn hào bạc định may một chiếc áo mới. Những chỉ đủ mua bốn vuông vải thô, may được tầng trên, còn tầng dưới không biết làm sao, đành liều ăn cắp cái vạt áo cũ của vợ lý Cựu. Nó tra soát mãi không ra. Đến hôm đĩ Can mặc áo đi gặt thuê, vợ lý Cựu trông thấy nó nheo nhéo chửi từ đằng xa, rồi chạy xộc đến, túm tóc đĩ Can dúi xuống đất. Nó tát nó đấm túi bụi. Váy, áo đĩ Can nó xé rách tơi tả, người tô hô. Lúc ấy nó mới nhả ra. Đĩ Can vội cầm chiếc nón úp vào bụng chạy về nhà. Đành lấy bộ váy áo đụp của mẹ mặc vào, len lén về nhà chồng.
Cuộc đời cứ thế xô đẩy mãi. Đĩ Can đeo đẳng bộ quần áo can vá của mẹ cho đến ngày cải cách ruộng đất. Đội cải cách đến xin mang đi triển lãm nỗi khổ của nông dân, đĩ Can mới dứt được bộ quần áo nặng nề tội nghiệp ấy.
Từ Cải cách đến nay, ông Vạn đã định may quần áo cho vợ nhiều lần. Những
cứ lo chữa nhà xong, lại đến tậu trâu. Năm ngoái năm nay bảo bà ấy may mà mặc, thì nhất định không may, cứ vá chằng vá đụp. Cái ăn cái uống ở trong xó bếp với nhau, có miếng đầy miếng vơi ai biết được. Còn cái mặc thì nó phơi ra đấy. Người ta cười vào mũi ấy chứ! Cái bà này! Cái bà này! Thật không hiểu bụng chồng tí nào!
Ông Vạn vằm mạnh lưỡi dao vào gốc tre, bật ra những miếng dăm trắng mọng. Chỉ ba nhát dao, cây tre nổ ôm ốp rồi gục xuống.
Ông vác tre lại gốc cây ngồi chẻ nan. ánh nắng buổi trưa xiên vào giữa gáy bỏng rát ông vẫn không đổi chỗ ngồi. Hai đứa trẻ xúm lại lột lụa bụng tre làm cờ, chạy tung tăng trước sân. Ông âu yếm nhìn theo: đứa nào cũng hao hao nửa giống bố, nửa giống mẹ.
Một lúc, bà Vạn vác cuốc từ trong nhà đi ra, tưởng bà đi làm đồng. Nhưng bà lại ra đánh đống phân ngay gần chỗ ông ngồi. Ông để ý nhìn: miếng rách lập lều trên vai áo, bà Vạn đã vá rồi. Ông lắc đầu, da trán cau cau: "Không đi may cho bà ấy, rồi đến cùn đời vẫn cứ ăn mặc thế thôi". Người đâu lại có người suốt đời chịu cực khổ. Đến lúc có ăn có mặc vẫn cứ phải bóp chắt để nhường nhịn chồng con. Chẳng nghĩ đến ăn ngon mặc lành. Làm thì hì hục như trâu lăn suốt ngày. Từ khi vào hợp tác xã bà lại là người làm ăn khỏe mạnh đảm đang nhất. Mấy lần được bầu là gương mẫu rồi, vụ mùa vừa qua tính điểm bà ấy cao nhất trong hợp tác xã. Chính bản thân ông cũng còn kém vợ gần hai trăm điểm. Hơn tháng nay vừa được bầu vào tổ trưởng lao động. Lại cứ ăn mặc rách rưới thế kia thì còn ra làm sao?
Ông Vạn cứ ngồi thần ra nhìn vợ, quên bẵng cả việc đan rọ lợn. Hôm nay ông mới để ý những miếng vá trên quần áo bà Vạn. Miếng nọ chèn lên miếng kia, nhưng cái mụn nào cũng phẳng phiu ngay ngắn. Mũi kim nhỏ lí nhí thẳng tắp. Tưởng như những đường cấy của bà Vạn ở ngoài đồng.
Cái Lý nhìn thấy bố ngồi cứ mân mê chiếc rọ lợn, chẳng đan xong. Nó chạy lại giục:
- Bố! Bố đan đi!
Ông Vạn chợt nhớ ra, nhìn xuống: "Thế là lỗi rồi". Ông kỳ cục dỡ ra đan lại. Cái Lý chạy đi chơi với em. Ông Vạn lại ngồi thẫn thờ, nhìn vợ. Một lúc nó lại chạy đến. Nó đang sốt ruột chờ lấy một cái rọ lợn, mang đút đá vào để khiêng với thằng Trí. Nhưng lần này nó không giục ngay cứ ngồi chầu hẫu nhìn lên mặt bố, rồi lại nhìn sang chỗ mẹ. Thấy hay hay nó cũng nhe răng cười:
- Bố! Bố đan đi. Bố cứ nhìn mẹ mãi.
Ông Vạn giật mình, lườm con một cái:
- Con này chỉ nói càn.
- Thật ị! Bố nhìn mẹ thật ị! Có cái rọ đan mãi chẳng xong.
Ông Vạn nhay nháy mắt nhìn con, như có ý bảo: "Đừng nói nữa mẹ mày nghe thấy". Bà Vạn ngẩng đầu lên, mặt mũi cũng đỏ bừng.
- Bố con nhà mày y như bố con phường chèo ấy. Bố mày thèm vào nhìn mẹ, cái con mẹ khai dinh dích này ấy.
Cái Lý càng cãi khỏe:
- Bố nhìn thật ị. Khéo bố nhìn để đan rọ đút mẹ vào đấy!
Ông Vạn nhe răng cười, nói gióng giả:
- Bố đem rọ bán lợn để may quần áo cho mẹ mày đấy!
Bà Vạn nghe tiếng, chống cuốc xuống đất, quay ngoắt cổ lại giãy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Này, đừng có may với vá mà chẳng xong với tôi đâu!
- Chả xong cũng may.
Ông lắc lắc cái đầu cười khà khà: bà này cứ phải đi may cho rồi mới xong. Cũng như cái giường năm ngoái, sắm đoạn bảo nằm nhất định không nằm, cứ bám lấy cái chõng tre nát. Đến nước phải phá đi quăng vào đống củi, bà ấy mới chịu nằm. Lại đến cái màn, căng được mấy hôm, rồi đem cất luôn đi, kêu là nằm màn bí hơi, không chịu được. Nhưng có phải đâu, chỉ sợ nó cũ mất. Nói mãi nào có để vào tai. Đến khi thằng Trí bị sốt, anh y tá bảo: Vì bị "muỗi đốt". Lúc ấy ông mới la cho một chặp. Bà này nói ngọt không được, cứ là phải bắt ép. Ông Vạn sung sướng đã tìm được "biện pháp" hay, liền giơ dao lên ngang mặt chặt vào thanh tre kê trên đòn, bốp! bốp! bốp!

*

Phiên chợ hôm ấy bán lợn xong, ông Vạn mua vải may cho vợ bộ quần áo thật. Ông còn tạt vào hàng mậu dịch mua cho con mỗi đứa một chiếc áo bông hoa. Trên đường từ chợ về làng, người đi đông nghịt. Rủi cho những người đi ngược chiều phải tránh bà con về, chào hỏi mỏi miệng. Dọc đường về đủ các thứ chuyện: chuyện cửa chuyện nhà, chuyện chồng chuyện con, chuyện hợp tác xã... Ăn mặc cũng đủ màu sắc: áo hồng, áo trắng, áo xanh... Nhiều nhất là áo gụ quần thâm của các bà trung nữ. Người gánh, người mang đủ thứ. Chăn chiếu, vải hoa... Có người còn thiếu bồ cót đựng thóc, đi mua về gánh nghênh ngang chật cả lối đi.
Ông Vạn hôm nay cũng đi trong đám người này. Ông mặc bộ quần áo "phăng". Cái túi dết đầy lặc lè đeo bên cạnh sườn. Tay phải xách nửa cân thịt lợn. Tay trái vắt hai chiếc áo bông hoa. Ông cứ lùi lũi chen đi trước mọi người. Vừa chen ông vừa ngắm nghía hai chiếc áo bông làm cho những người cùng đi cũng phải chú ý:
- Bao nhiêu tiền đấy hả ông?
Ông giơ áo lên ngang mặt, ngoái cổ lại tươi tỉnh trả lời:
- Chỉ mất có ba cái chân con lợn con thôi đấy! Của đứa lớn sáu đồng, đứa bé bốn đồng, thế là vừa chục bạc.
- Thế còn bà ấy không có cái gì à?
- Bà cháu đã có cái khác ở trong túi này.
Tay ông vỗ bèn bẹt vào túi dết, chân bước càng nhanh. Nghĩ đến bộ quần áo của bà Vạn, ông lại muốn giở ra xem. Nhưng trót xếp xuống đáy túi dết, không làm sao mà moi ra được, ông đành kéo cái túi dết ra đằng trước, rồi lại vất ra đằng sau. Cái quai túi nhùng nhằng trên cổ. Bây giờ lại thấy thắc mắc, chính lúc vào lấy ở hàng may, ông cũng chưa nhìn kỹ cái quần, chẳng biết ngắn dài ra sao, may vá có cẩn thận không? Bà ấy là khó tính lắm đấy. Lúc ở hàng may, chết chết bao nhiêu là người đứng chờ đông nghịt cả. Ông lách mãi mới vào tới nơi. Ông định giở ra xem, cái cậu ở thôn trên chạy ngay lại:
- Quần của bà ấy đây à? Mùa màng năm nay khá mà... Già như ông cũng thích chơi trống bỏi. Ha! Ha!
Ông Vạn mặt đỏ gay, nói tuể tỏa:
- Gần chót đời, tao mới may cho vợ được cái quần đây, trống bỏi với trống cơm gì.
Thế là bao nhiêu người đổ xô lại. Mẹ kiếp, ngượng chết được. Ông lúng túng vội xếp bộ quần áo vào túi dết rồi lủi ra. Bây giờ lại không yên tâm.
Về tới đầu làng còn phải qua một quãng đường hẻm, hai bên ria đường bát ngát rừng cọ, đồi chè. ở đây có nhiều chỗ khuất, ông Vạn nhìn trước nhìn sau, liền giở bộ quần áo của vợ ra xem:
- Chà! Thằng cha này may kỹ đáo để!
Ông vạch xem từng đường chỉ máy. Tay run run như bị cóng, sờ vào cái quần cứ mát lịm đi. Ông chợt nghĩ tới cái váy của bà Vạn hồi mới lấy nhau: "Cái váy vứt bảy khúc sông chẳng chìm". Nước mắt ứa ra, ông từ từ gấp quần lại, bước về nhà.
Mấy đứa trẻ con nhà ông Vạn, mọi ngày bố đi làm thì chúng bỏ nhà đi chơi thật biệt. Hôm nay biết bố đi chợ, chúng chỉ chơi quanh quẩn trước sân. Chốc chốc cái Lý chạy xuống cổng ngóng bố. Chưa thấy về, nó lại lừa em:
- Bố về rồi, bố về rồi! Hoan hô! Thằng Trí chệch choạng chạy theo. Cái Lý reo lên:
- Thế là phải lừa rồi.
Thằng Trí mếu máo, đuổi đánh chị. Đến lần nghe ông Vạn bô bô từ ngoài ngõ:
- Chúng mày ơi! Có ở nhà không?
Hai đứa con reo hò chạy xô ra. Cái Lý nhanh chân hơn nhảy tót ra tận bờ ao, giằng luôn chiếc áo hoa trên tay bố, mặc vào nhảy nhót như hát chèo. Rồi chạy biến sang hàng xóm. Ông Vạn nhìn theo tủm tỉm cười:
- Cái con nhà... dáng lại đi khoe.
Bà Vạn đang nấu cơm trong bếp thấy trẻ con ầm ĩ, cũng đi ra, cầm cái áo hoa trên tay chồng đem mặc cho thắng Trí. Nó sung sướng cũng chạy theo chị. Trong nhà còn lại hai vợ chồng.
Bà Vạn chợt nhìn thấy nửa cân thịt lợn chồng mới mua treo trên vách, vội kêu lên:
- Ghê chưa! Lại mua cả thịt nữa. Ăn hoang thế!
- Hoang! Làm được thì ăn chứ hoang nỗi gì.
Thấy vợ kêu "hoang", ông chột dạ. Còn cái ở trong túi kia bà lão ấy cũng kêu hoang thì rầy rà. Ông chưa đưa ra vội. Cứ ngồi rít thuốc lào, nói chuyện tràn cung mây, dò ý vợ.
- Lợn con đắt đáo để, mười sáu đồng một chú đấy. Thế mà bà bảo chỉ đáng mười bốn đồng.
- ừ, đắt thật! Gặt hái xong chắc ai cũng muốn nuôi.
Ông Vạn khua chân múa tay cười hể hả, hai cái má hơi nhăn cứ luôn động đậy:
-... Chết chết, hàng hóa bây giờ sao mà lắm thế! Nhất là hàng mậu dịch, toàn quần áo, vải vóc... Bà con nông dân mình khuân cũng đến khỏe. Những đống vải to bằng con trâu nằm, quay ra quay vào đã hết veo. Đấy, bà có thấy không, chục bạc hai cái áo hoa.
Hai mắt bà Vạn mở to, môi nhếch nhếch cười, đầu gật gù theo nhịp nói của chồng.
- Bây giờ cái gì cũng hạ rồi, tôi cứ tưởng phải mười hai đồng.
Qua mấy câu chuyện, thấy vợ đã bằng lòng những việc mình làm, ông giả vờ như bây giờ mới nhớ ra:
- à, của mẹ mày có cái này! Mặc thử xem.
Ông móc túi dết đưa quần áo cho vợ. Mặt mũi tươi tỉnh, hai mắt lim dim như cố lấy lòng. Bà Vạn không cầm, nét mặt đang tươi, tự nhiên xịu dần xuống.
- Này, chỉ mất có chín đồng rưỡi thôi đấy!
- Chín đồng rưỡi kia à? Tiền đâu mà lắm thế? Mất nửa tháng ăn rồi còn gì nữa!
- Chao ồi! Ăn thì cũng phải mặc chứ. Cùng thứ vải của bà Lược mặc đấy mà.
Mặt bà cau có lại khó chịu:
- Kệ thây bà Lược, ai khiến ông may? Khéo lắm! Làm chảy máu mắt ra mới được đồng bạc, một giây một giờ tiêu mấy chục liền. Bảo rằng dành dụm để chữa cái bể nước mà ăn, rồi bó cái thềm lại, cứ để cho nó lở mãi đi.
Bà vùng vằng chạy xuống bếp cứ ngồi đay đi đay lại.
Ông Vạn bực mình hét lên dằn từng tiếng:
- Gớm thật! Nói mãi, lẫn mãi! Đâu có cái người khốn khổ thế!
- Khốn khổ cả đấy, may về thì để đấy mà mặc. Tôi không có mặc đâu mà.
Cổ ông Vạn nghẹn ắng lại: đã biết trước là bà ấy sẽ cằn nhằn, nhưng có ngờ đâu lại đến nỗi này. Bao nhiêu năm giời, bây giờ mới có mà may, không chịu mặc lại còn gằn hắt. Ông ngồi bó gối trên giường. Bà Vạn lại rít lên:
- Đã bảo từ hôm đan rọ lợn kia rồi. Ai khiến ông, ai cầu ông?
Ông Vạn đứng phắt dậy:
- Chả mặc thì bán cổ nó đi, thế đếch nào mà phải cằn nhằn.
- Bán! Bán! Mua vải bán áo lỗ trật mắt ra.
- Lỗ cũng bán cổ mẹ nó đi! Người đâu lại có thứ người không nói được.
Ông Vạn cầm chén nước uống ừng ực, buông cái chén ra liền nằm vật xuống giường. Tiếng bà Vạn vẫn chì chiết dưới bếp.

*

Chiều hôm nay bà Vạn lại xách cái bị ra, ngồi vá quần áo. Vẫn cái bị rúm ró mọi ngày. Vẫn những giẻ rách, lọ kim, ống chỉ... Đem ra bày biện trên giường như bà lang dạo bán thuốc trẻ con. Bà ngồi loay hoay bới đám giẻ rách, để tìm mụn vá, nhưng còn lại toàn gấu, cạp với gân đường chỉ. Có vài miếng gọn mắt lại chẳng vừa lỗ thủng. Bà đành phải phá cái quần rách nhất để lấy mụn. Gượng nhẹ mãi mới kiếm được vài mụn tạm gọi là dai sợi. Bà cầm miếng giẻ cứ xoay giở mãi trên chiếc quần, chẳng biết đặt thế nào cho đẹp mắt.
Kỳ cục từ chiều đến gần tối cũng vá xong cái quần. Bà khoan khoái ngửa cổ vươn vai. Cắm chiếc kim lên độn khăn, tiện tay vuốt lại đường ngôi, vén mấy sợi tóc mai vào kẽ tai. Bà giơ chiếc quần lên ngắm nghía. Cái quần chẳng được vừa lòng, chỗ thì nhăn nheo, chỗ lại phùng phùng. Đôi chân quần bên hếch lên, bên quặp xuống. Bà Vạn đứng dậy ướm thử vào người. Cái quần đã vá nhiều lần, nó co lên chỉ bằng ngang bắp chân. Bà lắc đầu chép miệng vứt xuống giường:
- Thế này có chết người không, mất toi cả buổi chiều.
Bà ngồi xịu xuống nghĩ ngợi: ở nhà chỉ cần mặc kín thịt thì thôi. Đi họp huyện mà mặc thế này ư? Người ta cười chết. Mình là đại biểu của hợp tác xã, mặc rách rưới quá họ lại bảo: "Chắc cái hợp tác xã bà này mới bị thất thu". Thế thì hợp tác còn ra gì nữa? Dại thật! Biết thế này cứ mặc cho xong. Ông ấy lại biết lo xa... mà có ngờ đâu là mình được đi họp.
Bà tiếc ngẩn ngơ. Thấy mình lại phụ cả lòng chồng. Ông lão hí hửng đi mua về, vợ chẳng mặc lại còn bị "dồn" một mẻ nên thân. Lấy nhau nửa đời người, có bao giờ vợ chồng xô xát, nay chỉ vì bộ quần áo mà nên chuyện. Cũng chỉ tại mình cả.
... Đêm hôm ấy bà Vạn không sao ngủ được. Thằng Trí hôm nay ngủ ngày nhiều nó cứ róc rách mãi không chịu nhắm mắt, bóp nặn hai cái vú mẹ đã teo hết sữa. Bà Vạn lấy tay kéo vú ra ấn đầu nó xuống.
- Ngủ đi, gớm thật!
Muốn đi một tí mà chẳng tài nào lừa nổi con. Cứ khẽ nhích người ra nó liền níu lại, rồi chộp đầu vú nhai nhằng nhằng. Ông Vạn nằm bên kia đã ngáy khò khò.
Mấy lần bà định gọi chồng mà không mở miệng được. Đến lúc sốt ruột không thể nén được nữa, bà đánh bạo hắng dồn mấy cái rồi cất tiếng gọi:
- Ông Vạn! Ông Vạn ơi! Sang nằm với con, tôi đi đằng này một lúc.
Ông Vạn không thưa, cứ lặng lẽ lần sang giường vợ. Bà Vạn đứng ngần ngừ định hỏi, nhưng lại mở cửa ra ngoài. Gió lạnh thốc vào nhà, ông thấy buốt tê cả cổ. Ông động lòng thương vợ: "Rét thế này mà cứ chạy mãi ngoài trời. Khổ! Người đâu lại có người... Cho thế mới chừa. Lại không thèm hỏi cả...".
Khoảng mười giờ đêm thì bà Vạn quay về. Chân bước lặng lẽ trong đêm vắng, chỉ có sương mù với ánh trăng vằng vặc. Bà nghĩ ngợi lan man: Thế là hết ngày rồi, chỉ còn đêm nay nữa, sáng mai đi sớm. Mọi việc chuẩn bị chẳng đâu vào đâu cả. Quần áo vẫn chưa có. Hỏi mượn mấy bộ thì chật căng không mặc được. Vợ chồng cũng chưa bàn bạc với nhau câu gì, chả nhẽ sáng mai cứ thế này lùi lũi mà đi. Từ chiều đến giờ mấy lần định hỏi quần áo hôm nọ, mà cứ nhìn thấy "lão ấy" là gờm gờm.
Bà Vạn, bỗng thấy tức dồn lên cổ, làm gì mà lão ấy không biết mình đi họp, vậy mà không hé răng ra hỏi được một câu.
Bà Vạn lách cửa bước vào nhà, quờ quạng sờ bao diêm đốt đèn. Ba bố con ông Vạn vẫn ngáy phì phò trong màn. Bà lấy tay rũ những hạt sương đọng trên quần áo, đảo mắt nhìn quanh nhà. Chợt thấy chiếc áo nâu của ông Vạn treo trên mắc phồng cộm lên. Bà Vạn ngờ ngợ, vội vặn nhỏ đèn rón rén bước lại: "à, lão ấy mang về đây rồi, cất đâu mà kín thế, gớm thật, cứ để tìm mãi...". Bà nắm chặt lấy quai túi, người lặng đi, tim đập thình thình. Bà khẽ bước lại giường thấy chồng vẫn ngủ say. Thằng Trí xoay ra ngoài chăn, nằm tênh hếch, chắc là nó rét lắm. Nhưng bà chưa dám đắp lại, sợ chồng thức giấc. Thấy đã yên trí, bà khẽ lấy cái túi dết xuống, lẻn vào buồng giở ra xem. "Đầy đủ cả rồi, ông ấy chuẩn bị cho chăn, màn, quần áo, lại cả tiền nữa". Bà cảm động tần ngần, tay đặt lên trên túi dết.
Bà đứng dậy mặc thử quần áo. Cứ lúng túng chân xỏ mãi không vào ống quần, người run bần bật. ánh sáng đèn hoa kỳ chiếu lại, cái quần láng nhẫy nhấp nhánh lên. Bà ngắm nghía thấy quần áo thật là vừa vặn. Tay bà vân vê trên mặt vải. Tự nhiên nước mắt ứa ra, nỗi nghẹn ngào cứ hừng hực đưa lên cổ. Bà cắn chặt môi cố kìm lại, để khỏi bật ra tiếng khóc. Hai vai bà rung lên, cảnh vợ lý Cựu xé quần áo giữa hôm vợ chồng mới cưới nhau. Cái váy đụp của mẹ để lại, mặc mãi đến ngày Cải cách... những cảnh đó đều sống lại trong giây phút.
Bà đứng ngẩn ra rất lâu, rồi định vào giường ngủ, nhưng lại quay ra. Cái quần cứ cọ vào người sột soạt. Bà thấy bâng khuâng như hồi Cải cách mới được chia nhà. Đang định cởi ra, đến sáng mai đi họp hãy mặc, nằm ngủ thế này sợ nó vò nát.
Chợt thằng Trí bị hở chăn rét quá, giật mình thức giấc, nó khóc tru tréo, gọi mẹ. Ông Vạn vẫn ngủ say, bà vội chạy lại:
- à! Mẹ đây, ngủ đi con!
Bà khẽ ghé lưng nằm xuống, những chiếc thang giường chuyển răng rắc. Bà nhấc thằng Trí ra ngoài, vạch áo cho con bú. Chỗ nằm của hai mẹ con có vẻ hơi chật, bà lấy lưng ấn chồng dịch vào trong. Ông Vạn chợt thức giấc.
- Về rồi à?
Ông vội nhỏm dậy định sang bên kia nằm với cái Lý, nhưng thấy lạnh ngắt, ông lại đặt mình xuống giường. Tay quờ phải vợ, vội vàng rụt lại, người lặng đi. Ông nằm ngẫm nghĩ một lúc, khi tỉnh ngủ hẳn mới nhận ra: "à! Mặc rồi! Chả chê mãi đi!". Đầu óc ông Vạn bỗng mông lung quay cuồng. Cả cuộc đời tủi nhục đắng cay hiện lên... Bây giờ ông có nhà, có trâu... Vợ con có quần áo mới... Bà Vạn nằm bên cạnh cũng đang thổn thức. Ông ngập ngừng hỏi vợ:
- Mặc rồi à?
-...
- Có vừa không?
- Vừa!
Không khí lặng đi, chỉ có nhịp thở với tiếng chụt chụt mút bú của thằng Trí. Mùi hồ vải thơm phảng phất, man mát.
- Ngày mai đi sớm à?
- ừ, đi sớm!
- Đến đấy mạnh bạo mà phát biểu, đừng có im ỉm như miệng hến thì chán chết.
Một lúc lâu, bà Vạn lại dặn chồng:
- Mai ông nhớ nhắc tổ cày lại chân ruộng đồng Na lượt nữa. Năm nay phải làm kỹ hơn năm ngoái đấy.
- Biết rồi!
ánh trăng luồn qua khe hở chiếu vào chiếc màn, gió lay động rung rinh. ánh sáng quệt đi quệt lại, nghịch ngợm như hai đứa trẻ nhà ông Vạn.
2-1960

Xem Tiếp: ----