Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm đã gần một năm, tôi vẫn chưa được phân phối công tác. Cứ ngồi lỳ ở nhà chờ đợi không ổn, tôi quyết định hãy đến Phủ Châu tìm việc làm. Có một bạn học ở Phủ Châu, ngay chiều hôm ấy tôi đã dừng chân ở nhà bạn. Ban ngày tới mọi nơi tìm việc. Song, mấy ngày liền, tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Những ngày ấy tôi rất chán nản, bức bối ấm ức trong lòng. Tình hình của bạn cũng chẳng khác gì tôi, chưa được phân phối công tác, tự tìm việc cũng không được. Thế là, cậu ta cũng suốt ngày bực bội bất mãn với xã hội. Nhà bạn tôi ở ven sông Phủ Hà, bên cạnh có một bờ đê, chúng tôi buồn bã trong lòng, bèn cùng nhau lên đê nhằm giải tỏa tâm lý. Đi trên đê có rất nhiều người, nam nữ già trẻ đều có, những người ấy cũng giống chúng tôi, bụng dạ đầy bất mãn, bực dọc. Vừa đi đến gần, chúng tôi đã nghe thấy họ đang nói đến chuyện tiêu cực thối nát, nói đạo đức xã hội xuống cấp. Điều ấy hợp với tâm tư của chúng tôi nên chúng tôi cũng hòa nhập vào hàng ngũ của họ, tha hồ tiến hành "phê phán nghiêm khắc" hiện thực xã hội. Con đê này rất dài và cũng rất rộng. Thường có những xe ô tô chở cát đi lại trên đê. Những chuyến xe ấy đi qua, bụi đất bay lên tứ tung, không tài nào tránh được, làm cho người ta mất hứng, càu nhàu. Chân đê lại có một bãi sông rất rộng. Trên bãi sông mọc đầy những loại cỏ dại: ngải cứu, bồ công anh, thương nhĩ thảo, thứ cỏ dại nào cũng có. Những giống cỏ này sinh trưởng rất mạnh. Cả cái bãi sông rộng mênh mông vì cỏ dại mọc đầy, nên chẳng có người qua được, chỉ có bươm bướm, chuồn chuồn bay lượn trong đó. Một hôm, bọn người dạo trên đê lại nói đến những chuyện tiêu cực thối nát. Bỗng có một người chỉ tay xuống bãi sông, nói: - Những hiện tượng hư hỏng tiêu cực hiện nay giống như đám cỏ dại kia, không tài nào nhổ được. Chúng tôi đều nói chêm vào: - Đúng thế! Tiêu cực hư hỏng giống như đám cỏ dại kia, nhổ không được! Có một ông già, liếc nhìn chúng tôi một cái, nói: - Các bạn có nhổ đâu, làm sao mà biết nhổ không được! Chúng tôi trừng mắt nhìn ông ta. Sau đó, tôi còn nhiều lần gặp ông ta, rồi có một lần chúng tôi và ông nói chuyện với nhau. Ông già hỏi han tình hình của chúng tôi, tôi nói với cụ rằng: tôi đã tốt nghiệp gần một năm, mà vẫn chưa được nhận công tác. Tôi cũng nói cho cụ biết: tôi vào thành phố tìm việc rất lâu rồi mà chưa tìm được việc làm. Nói đến đây, tôi đã bắt đầu bực tức bất mãn, tôi nói hiện tại xã hội vô cùng thối nát, vì không biết đi cửa sau, tôi không được phân phối công tác, còn những người có ô dù, đã được phân công đến các đơn vị béo bở. Cuối cùng, tôi cũng chỉ xuống đám cỏ dại um tùm trên bãi sông, nói với ông: - Xã hội này mọc đầy cỏ dại, có nhổ cũng không nhổ được! Ông già ngồi bên cạnh im lặng nghe, cuối cùng ông thở dài. Một hôm khác, tôi lại nhìn thấy ông già, ông đi đến gần tôi, bảo tôi: - Tôi muốn thuê anh làm việc, anh có làm không? Tôi nói: - Tôi vào thành phố để tìm việc làm thuê mà! Ông già nói: - Anh giúp tôi nhổ đám cỏ dại ở bãi sông này nhé! Mỗi ngày tôi trả hai mươi đồng (tương đương 40.000 đồng Việt Nam-ND). Anh có làm không? Tôi lập tức đồng ý. Ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm thuê cho ông-nhổ đám cỏ dại ấy. Ông già cũng cùng tôi nhổ cỏ. Chúng tôi chỉ nhổ những cỏ dại mọc cao. Những loại cỏ ấy vừa nhổ đi, đã lộ ra thảm cỏ bên dưới mềm mại, xanh rờn. Đám cỏ dại được nhổ đi, bãi sông bèn phẳng phiu lại, trông đẹp mắt. Thỉnh thoảng có người đi qua, thấy chúng tôi nhổ những cỏ ngải cứu, bồ công anh và thương nhĩ thảo, họ bèn hỏi chúng tôi: - Các vị nhổ cỏ đó để làm gì? Cũng có người nói: - Các vị nhổ cỏ ấy để làm thuốc ư? Tôi cứ gật đầu. Ông già không gật đầu, chỉ cười. Tôi cứ ngỡ ông già thuê tôi nhổ cỏ ấy để làm thảo dược. Ngải cứu là thuốc, bồ công anh là thuốc, thương nhĩ thảo cũng là thuốc. Những điều này, tôi biết. Nhưng tôi đã nghĩ sai. Sau ba ngày, những loại cỏ ấy trên bãi sông đã nhổ xong, ông già trả tiền công cho tôi, nhưng không thu những loại thảo dược ấy mang về. Sau khi biết ông già nhổ cỏ không phải để làm thuốc, tôi đã hiểu ra một phần nào. Tôi đòi trả lại tiền cho ông nhưng ông không chịu nhận. Ông ôn hòa nói: - Chàng trai trẻ ơi! Nói thực với cháu, thuê cháu làm công việc này, ông chỉ muốn cháu học được một điều mới mẻ, cỏ dại nhiều như thế, chẳng đã nhổ được đó sao? Cũng như vậy, xã hội của chúng ta cũng mọc những loại cỏ ấy, song cũng nhổ được như thế. Chỉ cần nhổ cỏ trong lòng mình, thì những loại cỏ dại trong mắt cháu cũng sẽ ít đi! Tôi đã hiểu ra, tôi hơi cảm động, hỏi ông: - Tại sao ông lại làm như vậy? - Bởi vì tôi cũng đã từng trải qua một thời tuổi trẻ mà! - Ông già bình thản nói. Đó là một lần làm thuê đặc biệt của tôi, tôi cứ nhớ mãi. Đến nay, tôi vẫn thường xuyên đi qua bờ sông ấy, trên bãi sông ấy đã không còn cỏ dại, mà là một thảm cỏ xanh rộng phẳng lì. Đứng ở đó, tôi vẫn thường nghĩ xem trong lòng tôi còn có mọc những cây cỏ dại không. Thực ra, trong lòng mỗi người, dù nhiều hay ít đều có mọc những cây cỏ đó, chỉ có điều xem bạn có nhổ nó đi hay không mà thôi. Nhổ cỏ trong lòng Truyện ngắn của Lưu Quốc Phương ( Trung Quốc )VŨ PHONG TẠO (dịch)