Thuở thiếu thời, thỉnh thoảng mẹ tôi lại sai tôi sang hàng xóm “xin lửa”. Tôi cầm trên tay cây đèn Hoa Kỳ nhỏ xíu, chạy lút cút sang nhà bà Đào, thập thò ngoài ngõ nhìn vào sân, thấy bà đang ngồi giần gạo, liền tới bên: Mẹ cháu bảo cháu sang bà xin tí lửa. Bà Đào kéo tôi vào góc nhà, moi trong cái túi thắt lưng cũ kỹ mãi mới tòi ra cái máy lửa. Cái máy lửa! Đó là điều kỳ diệu đối với trí tưởng tượng của tôi. Bà mở nắp thận trọng, khum tay, bật từng nhát chắc nịch. Nhưng không phải lần nào ngọn lửa cũng hiện ra ngay. Có lần bà bật đến mỏi tay mà chỉ thấy lửa lóe lên yếu ớt. Bà lấy kim băng gại gại cái bấc, rồi tháo nắp sau, phồng má thổi, rồi lại thận trọng bật những nhát chắc nịch, ngọn lửa vàng kè, khói cay giàn nước mắt. Bà bảo hết rầu (quê tôi gọi dầu hỏa là dầu lửa). Tôi lớn lên bằng thứ ánh sáng đèn dầu đỏ quạch quê mùa ấy. Thầy tôi là một “bác khóa”, thường thì thầy bảo tôi đi ngủ sớm, sáng mai, khi con chích chòe lửa hót trên ngọn cây thị trước nhà thì thầy gọi dậy học bài. Học bài lúc đói, không học lúc no. Ngọn đèn dầu của tôi để trên cái mâm giống như chõng tre nhỏ làm bàn, tôi trùm chăn học. Thầy tôi cũng khoác cái chăn chiên ngồi trên giường, thõng chân xuống đất, trước mặt là cái cánh cửa được kê lên hai cái niễng để làm bàn. Thầy tôi vẽ cuốn thư, vẽ tranh “Anh hùng tương ngộ”; “Tam anh chiến Lã Bố”; “Tứ quý”; “Tứ bình”; “Cuốn thư” ; “Câu đối”... Ai đặt gì vẽ nấy. Vừa vẽ vừa trông tôi học. Tôi học bài gì đều phải đọc to lên để thầy cùng nghe, trừ khi làm toán. Cái ngòi bút tre, cái lọ mực tím, trang vở giấy kẻ và bóng thầy tôi ngồi im phăng phắc trước ngọn đèn dầu vẽ những bức tranh thuốc nước từ trong truyện cổ tích xưa, từ trong huyền thoại dân gian. Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những chiều đông mưa phùn gió bấc, bọn trẻ trâu rủ nhau nhặt củi ven sông rồi đốt lửa vừa để cho ấm, vừa để nướng khoai, nướng chuối, nướng cá, nướng cua. Các thứ “nướng” ấy đều tình cờ bắt được nơi ruộng đồng. Thế rồi chiến tranh, thế hệ tôi rời những ngọn lửa chân đê vào lính. Đêm trước ngày ra đi, mẹ tôi ngồi chò chõ bên bếp lửa. Sáng ra, trong hành trang của con trai mẹ có gói xôi ám khói và mấy con cá rô nướng cũng ám khói. Chúng tôi được luyện quân trên đỉnh Yên Tử, chung quanh doanh trại, đêm đêm những đốm lửa linh thiêng trong các ngôi chùa cùng tiếng mõ gõ nhịp đều đều, tiếng tụng kinh cầu nguyện cho đất nước sớm thanh bình tạo nên sức mạnh thầm kín nuôi dưỡng tâm hồn những người lính trẻ. Và “đêm hạ sơn” của chúng tôi mới trọng đại làm sao! Những đốm lửa đuốc dân bản đứng dọc theo bìa suối, thấp thoáng hiện lên những gương mặt, những ánh mắt lấp lánh ánh lửa tiễn đưa... Và, ánh lửa lân tinh trên trốc ba lô đồng đội đưa chân chúng tôi trên đỉnh Trường Sơn. Đốm lửa đèn tín hiệu của má Năm trong ấp chiến lược báo cho các con Giải Phóng biết đêm nay có địch. Đám cháy khổng lồ mùa đốt rẫy, lửa bắt nắng hanh, bốc ngợp trời; bếp lửa nhà sàn, các bá, các mí đêm đêm chờ cánh lính bắc đường về sưởi ấm lòng chiến sĩ sau mỗi lần đánh đồn, rừng lửa đuốc ngờm ngợp núi đồi và thảo nguyên ngày phá ấp. Ngọn lửa dịu dàng khi em ngực trần vỗ kloongput hát những bài dân ca sâu thăm thẳm tình người, tay nắm tay, bắp vế kề bắp vế, nhảy múa điệu dân vũ bốc lửa theo men rượu cần. Đêm lửa rừng mừng nhà rông mới, bụng trai làng gái làng có lửa quên gian khổ khó khăn. Mắt nàng H’Bia Đá bốc lửa cùng chàng KơSorTít quay tròn bên bếp than hồng, mắt người già người trẻ trong nhà rông cũng đều rực lên ánh lửa tình yêu. Lửa từ thuở cha ông tìm ra nơi hốc đá bìa nương còn truyền tụng đến tận bây giờ; những điệu múa, những bài hát mềm như lửa. Lửa làm nên sức sống và niềm hân hoan của người lao động. Tôi giờ đây đã hai thứ tóc, đêm đêm vẫn miệt mài với công việc của mình, lòng luôn khắc khoải hướng về đốm lửa chân đê, đốm lửa tuổi thơ “xin được” của nhà bà Đào, người hàng xóm luôn dè sẻn nhưng tốt bụng vô cùng. Tôi vẫn thường thấy bóng mẹ tôi trong bếp đun nồi cám lợn, rồi mẹ cời than trấu rấm bếp ủ cái nồi cám to vật ấy cho mẹ con con lợn sề lúc nào cũng hau háu đòi ăn, rít lên rộn cả chiều. Đôi lúc tôi lại thấy bóng thầy tôi ngồi im phăng phắc trong đêm, trước mặt người là ngọn đèn nhòe nhoẹt khuya, bất chợt bốc lên, thầy tôi vung bút múa trên tấm vải căng trước mặt, tạo nên những tuyệt tác mà chỉ có cái trong lành của hồn quê nơi thôn dã mới tạo ra được vẻ đẹp huyền bí nhưng cũng gần gũi xiết bao với một đời người. Vâng, với một đời người, vì tuổi tôi bây giờ cũng trạc tuổi thầy tôi hồi ấy, vậy mà những khoảnh khắc tưởng như bình thường thuở thiếu thời đã theo tôi cho mãi đến bây giờ, tưởng như mới hôm qua hôm kia, mới vừa đấy thôi, thầy tôi, mẹ tôi đang ngồi trên chõng tre ngoài hiên, bên ngọn đèn dầu bàn đi tính lại một chuyện gì đó, hình như chuyện con trâu nhà anh Tám mới đẻ và hình như chú Phong con bà Đào vừa được đơn vị cho ghé thăm nhà…