Đột nhiên trong bóng tối vang lên giọng nói yếu và rất nhỏ của ông:
- Tấm bằng bốn mươi năm tuổi Đảng kia của bà, bà nhận khi nào vậy?
Bà hơi nhón người dậy nhìn lên tường, chỗ treo tấm bằng, dù rằng chẳng thấy gì trong bóng tối, cứ như chính bà cũng chưa thấy nó lần nào. Bà trả lời:
- Năm ngoái. Còn ông, ông nhận chưa?
- Rồi, cũng năm ngoái.
Bà nằm xuống. Trong bóng tối, cả hai người cũng im lặng.
Chiếc giường sắt lót nệm ông nằm thỉnh thoảng lại kẽo kẹt khiến bà biết rằng ông chưa ngủ. Bà cũng chẳng thể nào nhắm mắt được. Cuối cùng, nghe ông trở mình lần nữa, bà lên tiếng nhắc:
- Thôi, ông ráng ngủ đi, thức hoài hại cho sức khỏe lắm đó.
Bà nghe tiếng ông cười khào một cái:
- Thế chẳng phải là tôi sắp ngủ nhiều lắm hay sao mà bà lo. Bà cũng biết tôi được bác sỹ cho về để chuẩn bị ngủ…vĩnh viễn mà. Bây giờ, thức được lúc nào thì thức thôi.
Bà cắt ngang lời ông vẻ như vừa giận dỗi, vừa răn đe:
- Ông chỉ nói tầm phào thôi. Ngủ đi.
Ông tiếp tục cười khào một lần nữa, như không thèm tranh cãi với bà. Bà nghe tiếng ông cười mà thấy lạ lạ. Hình như lâu lắm rồi, rất lâu, bà mới nghe lại kiểu cười: “Chẳng thèm nói với bà nữa”.
Nghe tiếng cười ấy, sao đột nhiên một lần nữa, bà lại có cảm giác yên lòng: Ông biết tình trạng của mình rất rõ và chấp nhận tình trạng ấy. Lúc này đây, những vết loét trong người của ông, sau vốc thuốc khuya, đang ngủ yên, không hành hạ và làm ông đau đớn nữa. Còn tinh thần của ông hình như cũng rất bình yên.
Hôm bác sĩ gọi bà lên và nói nên đưa ông về nhà, cả bà và thằng Hoàng, thằng Hùng đều hiểu: Thế là ông đã đến giai đoạn cuối, cuối lắm rồi. Như người ta thường nói là bác sĩ chê rồi. Họ đang làm một cử chỉ nhân đạo cuối cùng: khuyên người nhà đưa bệnh nhân về, để được chết ấm áp trong căn nhà của mình.
Bà nghĩ vậy và bật cười chua chát trong bóng đêm. Tự dưng bà nghĩ, bây giờ đây, chẳng biết ông có cảm giác ấm áp hay không.
Hồi chiều đưa ông về, ông khăng khăng đòi kê giường nằm ngoài phòng khách. Ông bảo nằm thế cho thoáng, cho ông được nhìn đất trời những ngày ngày cuối cùng. Nhưng bà cứ nghĩ chắc ông không muốn trở lại nằm trong căn phòng xưa kia đã từng là phòng của hai ông bà, nơi ông bỏ nó ra đi đã hai mươi năm…Ông có cảm giác ấm áp không?
Cách đây mới chừng vài ba ngày thôi, ở bệnh viện, sau một cơn đau tưởng chừng không qua nổi, ngay khi thức dậy, ông cứ đòi bà cho ông mượn điện thoại. Ông nói còn mấy việc phải giải quyết. Bà cũng khăng khăng không cho ông mượn vì bà hiểu rất rõ ông cần phải điện thoại cho ai, để làm gì. Đến chiều thì ông nhất định kêu hai thằng con trai, Hùng và Hoàng, dìu ông về nhà. Ông bảo ông phải về.
Nhìn dáng ông còm nhom dựa vào thằng con trai leo lên taxi, bà thấy lòng mình trống rỗng. Suốt cả buổi chiều, bà cứ thơ thẩn dưới hàng bông sứ trắng của bệnh viện
Ngày xưa, mỗi lần ông hay bà bệnh, nằm ở đây, chiều chiều, họ hay cùng nhau ngồi dưới hàng bông sứ trắng này. Ông thườg bảo, trên đời này, ông thích nhất hoa sứ, bởi cánh nó lớn, cứng cáp, nhưng lại cong một cách mềm mại và mùi thì thơm như hương thơm của đất trời sau những cơn mưa.
Hồi ấy, ông rất hay nằm viện. Những vết thương cũ của chiến tranh thường xuyên hành hạ ông mỗi khi trời đổi mùa, hay nắng mưa thất thường. Vì thế, hàng bông sứ này đã gắn liền với biết bao kỷ niệm của ông bà, từ những buổi trò chuyện về công việc của nhà máy bà, nhà máy ông, cho đến những câu chuyện về quá khứ, về thời thanh xuân của ông bà.
Bà khóc kể với ông là vợ thằng Hoàng xin ly hôn cũng ở đây, những đứa cháu nội đến chào từ biệt ông để theo mẹ nó ra nước ngoài, cũng ở đây.
Ngày ấy, bà đau đớn lắm. Bà không hiểu tại sao thằng con trai bà lại chấp nhận cho con dâu đưa hết cả hai đứa cháu đi. Nó bảo vì tương lai của tụi nhỏ…
Bà đau là vì thế, bởi bà, và cả cha tụi nó nữa, đã từng đổ xương máu vì tụi nó trên mảnh đất này, cho tương lai của tụi nó trên đất này. Thế mà giờ…
Nhưng dù có cả những kỷ niệm buồn đến như thế, dưới hàng bông sứ ngát hương thơm này, bà cũng được hưởng những giờ hạnh phúc nhất của một đời làm vợ. Chính vì thế, cuối cùng, bà đã mang về trồng trong sân nhà một cây sứ nhỏ chiết được từ những gốc cây sứ của bệnh viện. Nhưng nó chưa kịp ra hoa lần nào, ông đã bỏ căn nhà của hai vợ chồng để ra đi.
Lại tiếng ông run run cất lên trong bóng tối:
- Mùi hoa gì mà thơm quá bà nhỉ?
Bà cười nhẹ:
- Hoa sứ chứ hoa gì nữa. Ngày xưa ông thích nó lắm mà, giờ quên rồi phải không. Cây bông sứ này tôi chiết từ bệnh viện mang về đó, ông có còn nhớ không?
Bà muốn nói thêm rằng chính ông và bà đã mang nó về cùng với đồ đạc sau một lần nằm viện của ông. Nhưng rồi bà thôi. Không nhắc, chắc ông cũng phải nhớ. Mà nếu ông đã không nhớ rồi thì nhắc làm gì nữa.
Miên man, bà lại nghĩ đến căn nhà ấy. Phải rồi, làm sao ông còn nhớ được mùi thơm của hoa sứ với những cánh hoa pha trộn giữa trắng và vàng trong này nữa. Bởi vì đã 20 năm qua, nơi nào ông sống, nơi ấy đều chỉ trồng hoa hoàng hậu.
Hoa hoàng hậu, nhắc đến cái tên ấy, bà bỗng bực tức bĩu môi thầm trong óc. Phải, bà bắt đầu linh cảm được mọi chuyện từ cái tên của một loài hoa ấy.
Ngày ấy, cô thư ký trẻ trung, điệu đà của ông đã cương quyết bác bỏ cái tên hoa bằng lăng của nó. Cô ấy thích gọi nó bằng hoa hoàng hậu, nghe sang trọng và kiêu sa hơn.
Và một lần tới công ty ông, nhìn hàng cây hoa hoàng hậu được ươm trồng trước phòng giám đốc, chưa trổ bông, nhưng cô thư ký áo tím, màu tím của hoa hoàng hậu, thì vào ra õng ẹo, nói cười, bà đã linh cảm được những điều không tốt lành.
Đã bao nhiêu lần xe hơi của bà dừng trước căn nhà có trồng hai cây hoàng hậu ra hoa tím ngắt bên Q.4, TP.HCM. Chàng lái xe thân cận nhìn bà đầy thông cảm:
- Vâng, cô ấy ở đây chị ạ. Nghe người ta đồn căn nhà này là của anh mua đấy, Chị có vào không?
Bà nghe cậu lái xe nói, lẳng lặng lắc đầu.
Và cũng đã nhiều lần, nhiều lắm, bà đứng một góc đường, nhìn xe hơi của ông chui tọt vào cánh cổng ấy.
Biển số xanh của xe ông, làm sao không bị để ý. Cho nên xung quanh, hàng xóm láng giềng đều biết cô ấy có chồng làm lớn, giám đốc công ty nhà nước. Đến mức chính bà, một lần, đã phải nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng, giống như những lần đi thương thảo hợp đồng với các bên đối tác của công ty, nhắc nhở ông:
- Ông không nên dùng xe của công ty để đi đến những chỗ người ta dễ nhòm ngó. Giấy rách cũng phải giữ lấy lề. Cái lề của tôi với ông, không phải là tình nghĩa gì nữa đâu, chỉ là mấy mươi năm chiến đấu, hy sinh, mấy mươi năm tuổi Đảng, và cả hai cái nhà máy hiện giờ của tôi và ông nữa đấy…
Bà nhớ là thấy khuôn mặt ông tái hẳn lại, im lặng không nói gì.
Ngày ấy, bà và ông cùng ở tuổi 50. Tuổi 50 của bà đã bắt đầu chậm, đã bắt đầu xế, bắt đầu rơi. Còn ông, ông lại như trẻ ra, bừng xuân. Ông mạnh mẽ, sảng khoái mỗi sáng thức dậy. Ông thay đồ, chải chút gel, xức nước hoa, cẩn thận sửa lại cà-vạt rồi đi làm.
Một lần, người bí thư chi bộ của bà, một đồng chí đồng đội, thật sự ái ngại hỏi:
- Tôi nghe người ta nói, bên ấy anh có chuyện gì phải không?
Bà cắt ngang thật nhanh:
- Không có chuyện gì đâu, anh đừng quan tâm. Xung quanh chúng ta và anh ấy bây giờ có biết bao nhiêu thế lực, họ đang rình ra từng bước đấy. Chúng mình làm kinh tế, cũng là làm chính trị mà, anh thừa hiểu. Ông nhà tôi, ổng đang hồi xuân nên vui quá trớn một chút thôi. Tôi sẽ nhắc nhở.
Bà nói rất nhẹ, như hơi thở, khoan thai, từ tốn. Nhưng người bạn thân ấy hiểu rằng cái nhẹ này chẳng phải của một nữ giám đốc dày dạn kinh nghiệm thương trường. Nó là cái nhẹ của người đuối hơi giữ gìn một chút sức tàn.
Ông chưa một lần thừa nhận với bà chuyện gì. Ngay cả 20 năm trước, ngày ông dọn gọn gàng đồ đạc vào chiếc va-li mang sang nhà thằng con trai lớn để ở, ông cũng chỉ nói rằng ông về ở với thằng Hoàng cho bà được nhẹ lòng. Bà vẫn còn nhớ giây phút ấy.
Bà đứng nhìn ông xếp đồ. Hình như đó là lần đầu tiên trước một chuyến đi xa của ông, hành lý không phải do bàn tay bà thu xếp, sắp đặt. Đã bao nhiêu lần bà xếp đồ cho ông nhỉ. Từ ngày còn là ngừơi yêu, bà xếp đồ vào ba lô cho ông lên đường vào chiến trường. Rồi thì chẳng thể nào ngồi nhà khóc đợi ông, bà đã cắn tay, lấy máu mình viết đơn xin vào Nam chiến đấu tìm chồng.
Con đường Trường Sơn gian khổ mà bà đi qua, nơi đâu cũng vang lên huyền thoại về một ngừơi con gái Hà Nội xinh đẹp vào chiến trường tìm chồng.
Họ đã tìm được nhau nhờ thông tin lan đi trong những người chiến sĩ ấy.
Ngày gặp nhau trong chiến khu, ông xanh nhớt màu lá, bà cũng chỉ còn lại đôi mắt là như xưa. Thế mà tình yêu, sức xuân đã vực họ dậy. Họ sinh ra thằng Hoàng trong chiến khu.
Những chuyến ông đi công tác vào lửa đạn, bà lại xếp đồ cho ông. Khi thì vào balô, khi thì vào chiếc túi vải, chiếc gùi, tay nải. Cho đến ngày hoà bình thì những va-li túi da sang trọng. Chỉ có lần này thôi, bà đứng yên nhìn ông xếp đồ. Hình như lúc ấy, bà không buồn, không đau, không lo sợ. Chỉ thấy ngạc nhiên, ngạc nhiên vì xưa nay, mỗi lần xếp đồ cho ông, bà thường trách yêu:
- Không có em, anh sẽ làm lộn xộn lên hết, rồi quên ngược quên xuôi cho mà xem.
Thế mà nhìn kìa, ông xếp rất gọn gàng, ngăn nắp, thứ tự. Và ông không quên gì hết. Ông lấy bàn chải, khăn mặt, lấy cả đôi dép đi trong nhà. Sạch sẽ.
Ông bảo ông để lại tất cả cho bà. Nhà cửa, tiện nghi. Nhưng dừơng như bà cảm thấy ông đang mang đi hết mọi thứ. Không để lại gì hết, dù chỉ là một chút hơi ấm của mấy chục năm vợ chồng. Nỗi đau của bà lớn đến mức bà không cảm thấy thù hận hay ghen tuông. Chỉ trống rỗng.
Họ vẫn đi làm bình thường. Bà vẫn tươi cười như thế, ông vẫn điều hành công việc như thế. Mỗi lần gặp nhau trên bộ, trong những cuộc họp, họ vẫn ngồi sát bên nhau.
Những bữa cơm gia đình ở nhà thằng Hoàng, thằng Hùng, ông bà vẫn là ông bà của con, của cháu. Ông không hề biết, đã có nhiều lần, bà nhìn ông đẩy xe cho hai đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo, trong căn nhà có trồng hai cây hoàng hậu.
Rồi có một lần, ông bảo bà:
- Cô ấy đi nuớc ngoài rồi, tôi không còn liên hệ nữa. Bà có thể cho tôi về nhà được không?
Bà bảo:
-Thế à?
Với bà, chuyện tìm ra địa chỉ mới của người mẹ trẻ với hai đứa con ấy chẳng có gì khó khăn. Cho nên, một hôm, bà đột ngột sang nhà thằng Hoàng chơi. Bà nói cừơi vui vẻ cho đến tận lúc về. Ông theo bà ra cửa, xin bà hãy để ông chở về. Bà cũng nhẹ nhàng trả lời:
- Không cần đâu, đi thế cực cả hai người. Một mình tôi cực là đủ rồi.
Ngồi yên trên xe, bà mới làm như chợt nhớ ra:
- À, ông nói thất lạc mất cô ấy ở nước ngoài, tôi tìm giùm ông địa chỉ rồi đây.
Rồi bà kêu người lái xe ôm chạy đi, bỏ mặc ông với cái địa chỉ ở Q.7 trong tay. Bà mỉm cười, nụ cười tự khen mình suốt dọc đường đi.
Thằng Hoàng bảo ông bắt đầu cơn đau không phải ở nhà nó. Thế mà ông đã lết về. Lết về để từ đó đi bệnh viện. Để bà là người đầu tiên đến ngồi bên giường ông trước khi ngừơi ở công ty, chi bộ đến thăm.
Ngồi bên ông như một người vợ hiền, bà cừoi và nói những lời cám ơn, kể lể về bệnh tình của ông như một cái máy.
Bạn thân của bà nói:
- Lá rụng về cội phải không chị?
Bà cũng chỉ cười. Bà nhìn ông nằm trên giừơng, dẹp và mỏng như một chiếc lá khô, và cảm thấy rất rõ rằng đây sẽ là lần cuối bà phải diễn tuồng gia đình. “Cố lên”, bà động viên mình.
Ông nhìn bà đầy vẻ biết ơn, bà không cần. Bà nghĩ mình đang làm tất cả mọi chuyện vì bản thân, vì một mình mình thôi. Có lúc, bà thoáng nghĩ đến căn nhà trồng hoa hoàng hậu, những đứa trẻ không có tên họ cha trong giấy khai sinh ấy và bà nghĩ rằng không phải mình bà gánh chịu tất cả.
Nhưng bà vẫn chẳng giấu được nụ cười giễu cợt nhẹ nhàng những lúc đưa ông ly nước, viên thuốc.
Buổi chiều, ông về nhà để thu xếp công việc của mình. Bà đi dạo suốt hàng tiếng đồng hồ dưới hàng bông sứ trắng. Ông trở vào, có vẻ nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Bác sĩ đã bảo ngày mai đưa ông về.
Trước mặt ông, bà gọi điện về nhà yêu cầu người giúp việc dọn dẹp chỗ cho ông nằm. Họ chẳng nói gì với nhau, như thể ai cũng hiểu mọi chuyện sẽ phải như vậy. Nhưng cuối cùng, trước khi rời phòng bệnh, bà rướn người nói với ông:
- Tôi đưa ông về nhà, để ông được ra đi với danh tiếng trọn vẹn. Nhưng tôi yêu cầu ông một điều: Bảo mẹ con nó đừng đến đưa ông. Hễ nó xuất hiện, tôi sẽ sửa điếu văn của ông. Tôi sẽ nói với tất cả mọi ngừơi rằng ông đã thay đổi, biến chất những năm cuối đời. Ông không xứng đáng với danh hiệu mà ông mang.
Ông rối rít xua cánh tay còm nhom:
- Không, không có ai cả, sẽ không có ai đến đâu. Bà yên tâm đi, đừng nói thế. Tôi đã nói bao nhiêu lần với bà là chẳng có ai đâu. Bà cố chấp quá. Bà đưa tôi về nhà đi. Tôi muốn nhìn nhà mình một lần nữa.
Sau một đêm mưa nhỏ, ông đi nhẹ nhàng và thanh thản. Đám tang ông rất lớn. Vòng hoa và người đến nườm nượp.
Bà mặc đồ đen, chít khăn tang trắng và không khóc. Người ta không biết chuyện bảo bà cứng rắn, người biết chuyện khen bà rộng lòng.
Thằng Hoàng thì thầm với thằng Hùng:
- Trong tài khoản của ba chỉ còn đúng 30 triệu đồng.
Bà hiểu, ông đã thu xếp mọi việc ổn thỏa.
Chôn cất ông xong, bà yêu cầu người ta trồng gần mộ ông một cây sứ trắng. Bởi bà biết, chẳng bao lâu nữa, bà cũng sẽ về đây nằm. Liệu ở thế giới bên kia, mùi hoa trong sạch ấy có giúp họ làm lại mọi chuyện từ đầu?
Đêm ấy về nhà, bà đốt một chiếc lá hoa sứ khô vừa rụng trên sân nhà, trước bàn thờ ông, và viết một bài thơ nhỏ trong đó có câu:

Hai mươi năm không một ngày vui

Giờ em mới thấy lòng mình thanh thản.

Xem Tiếp: ----