Lần đầu được đi máy bay - với con là dịp khám phá thế giới bên ngoài, còn với cha lại là sự trải nghiệm những cảm giác trong chính con người mình. Nhưng dường như ở đâu đó, có một điểm chung giữa cậu bé con và người đàn ông khi trải qua một chuyến bay đêm với nhiều tình huống bất ngờ... Tôi và con trai đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Chuyến đi máy bay đầu đời của tôi và đương nhiên con tôi cũng thế. Cũng xin nói thêm, đáng lý chúng tôi bay ngày nhưng bay đêm giảm giá, đành vậy. Bay đêm được an ủi bằng Saint-Exupéry. Thế giới bay đêm có thật sự trở thành lãng mạn hay không là nhờ cuốn sách của ông. Những kẻ lãng mạn đã nói thế. Nhưng con tôi thì nó chẳng cần biết ông ta là ai, vừa nghe bay đêm đã không vui rồi. - Làm sao con nhìn thấy mây! Ừ thì tôi cũng như nó, vẫn mong nhìn thấy mây khi chính mình đi xuyên qua. Tôi nói mà thấy mình muốn khóc. - Chẳng sao đâu con, con vẫn nhìn thấy, có điều chúng đen thui. 8 giờ 30 cất cánh, nhưng mới 5 giờ sân bay đã lố nhố người. Chẳng biết họ có cùng chuyến với tôi hay không. Thằng con tôi mặc chiếc áo màu đỏ, màu yêu thích của mẹ nó. Đội chiếc nón màu vàng. Mang thêm đôi dép có quai hậu. Thế là tuyệt vời gọn gàng. Thế là mẹ nó hài lòng cho xem. - Con phải luôn nắm túi quần của bố. Tôi dặn. - Thế hai tay bố để đâu mà bố không nắm tay con? Thằng con tôi nó hay lý sự. - Bố phải ôm giỏ xách. Tệ thật, những chiếc giỏ xách, chẳng lẽ chúng quan trọng hơn đứa con của mình à? Quan trọng đến nỗi mình ôm chặt giỏ xách mà không thèm ôm đứa con? Tôi chột dạ. Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ loáng thoáng khi gởi hành lý thôi. Bây giờ tôi đã trống hai tay để mà ôm nó rồi. Cũng may thằng bé không nghĩ đến chuyện này lâu. Nó đang phân vân về chiếc máy bay. - Con muốn được đi chiếc màu xanh. Nó lại có vẻ to hơn chiếc màu trắng. - Ừ, bố cũng thấy thế. - Nhưng lỡ người ta không cho mình đi chiếc máy bay màu xanh? - Thì đành đi chiếc màu trắng đó chứ sao con. - Nhưng con vẫn muốn đi chiếc màu xanh. - Nhất định là vậy rồi. Nhưng màu trắng cũng hay lắm. Khi đi qua đám mây, chúng ta sẽ giống như màu nó. Thằng con tôi nhắm bộ êm êm. Nó êm cũng đúng thôi. Nó mới 10 tuổi làm sao mưu mẹo bằng cái đầu già của thằng cha nó. Làm sao nó có thể hiểu cuộc đời này, nếu không được đi chiếc máy bay màu xanh, thì sẽ có những chiếc màu vàng, màu đỏ thay vào. Hoặc không có máy bay thì người ta đi bằng xe đò, xe máy… Người ta thay đổi phương tiện cho bằng được để đạt mục đích Sài Gòn - Hà Nội, Hà Nội - Sài Gòn. Người ta thay thế bầu trời bằng mặt đất thì có sao đâu? Có chết hay không chỉ là dăm giấc mơ cỏn con trên khoảng trời kia, rồi cũng bị dăm giấc mơ bạc tiền làm cho quên đi, mụ mị đi. Ở phòng chờ, một vài vị kinh khủng lạnh lùng lăm lăm cái điện đàm. Họ giữ yên cho cái an ninh ở đây. Nói chung để mọi thứ đâu vào đấy. Thằng con tôi quên chuyện màu chiếc máy bay rất nhanh. - Chú ấy làm gì vậy bố? - Chú ấy xem có ai mang vũ khí không. Vũ khí là súng đó. - Thế mang dao có sao không bố? - Cũng không cho tuốt. Kẻ nào mang dao đi ngang chú ấy, cái máy sẽ tự reo lên. Một miếng sắt nó cũng sẽ tự reo. Nó là cái máy dò kim loại. Thằng con tôi có vẻ rất vui vì điều này nhưng lại không tin lắm. Một cỗ máy làm sao có thể phát hiện một ai đó, mang một cái gì đó nếu như họ giấu kín trong người. Tôi cũng nghĩ vậy. Và kết quả nó đã làm một việc dại dột: ngậm hai đồng cắc vào miệng. Ngậm đúng 10000. Số tiền mà tôi đã cho nó không biết từ lúc nào. Có lẽ từ lúc Nhà nước mới sản xuất lại tiền cắc, và tôi đã cho để nó biết mùi tiền cắc với người ta. Tôi cũng phải công nhận là con tôi thông minh hơn cả tôi và mẹ nó. Nhiều lúc tôi hay nghĩ ngợi, trí thông minh của một con người từ đâu ra, trong khi bố mẹ nó cứ tầm tầm, ngao ngán. Vợ tôi một hôm đọc báo nói là do thức ăn… Tôi cũng đành chấp nhận giả thuyết này, bởi không từ ăn uống thì từ đâu? Vì thông minh nên nó đã nghĩ ra cái sáng kiến ngậm hai đồng cắc dại dột. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện sau này tôi được biết. Khi ở sân bay, tôi vô tư hơn nhiều. Thấy thằng con không nói tiếng nào, thế là tôi khỏe. Một ngày nó nói nhiều lắm, hỏi nhiều lắm. Tôi phải giải thích cho nó nghe về thế giới này, từ màu sắc đến âm thanh. Thiếu điều còn giải thích tính tình của một con mèo. Lúc này nó chưa ngậm đồng tiền, tôi và nó đang ngồi ngoài phòng chờ thủ tục nên nó nói: - Nếu mẹ mà biết con và bố ra thăm chắc sẽ giật mình, bố nhỉ! - Đương nhiên rồi. Mẹ sẽ bàng hoàng. Rồi cũng nhanh chóng thôi, chúng tôi chuẩn bị bước qua máy soi. Nó đem đến cho tôi cảm giác rờn rợn như bước qua máy chém. Một khối vuông vuông như cánh cổng và những bộ phận huyền bí bên trong nó. Nó sẽ chiếu một tia phản ánh sự thật xuyên qua người tôi, qua con tôi? Bỗng dưng tôi chợt thấy ngao ngán và buồn cười. Tôi buồn cười bởi sự an toàn giả tạo bên kia cánh cổng này mà con người có thể nghĩ ra. Ở bên kia cánh cổng đó là một thế giới bình an ư? Có chắc không? Thế tôi đang ở bên đây, tôi không được bình an, tôi đang sống trà trộn với những nỗi nguy hiểm chưa được kiểm soát bằng máy sao? Mà có chắc gì an toàn trên thế giới này, thỉnh thoảng máy bay vẫn cứ rơi, máy móc vẫn cứ hỏng hóc, chưa kể phi công đang lái bỗng dưng ngủ quên... Ai mà biết được. Những phi công cũng là con người, vẫn như tôi, vẫn có một hôm vui chơi quá chén và ngủ quên tuốt. Dám lắm chứ. Cú bật cười của tôi xem ra có lý kinh khủng. Nhưng dù tôi có cười thì cái máy soi vẫn lù lù xuất hiện và tôi phải đi qua nó. Lúc này thằng con tôi vội vã móc hai đồng tiền cắc trong túi quần ra, tinh ranh bỏ vào miệng ngậm chặt. Cái miệng nó phồng lên thấy rõ, nhưng con nít má phính là chuyện thường. Mặt nó đỏ gay. Người đứng trước bố con tôi đang bỏ điện thoại vào cái rổ, và thế là chúng tự động chạy vào bên trong máy như chạy vào một cái miệng đói. - Máy dò kim loại đấy! Tôi nói thầm với con trai. Tôi thấy mặt nó đang căng thẳng hơn nhiều. Tôi còn căng thẳng huống gì nó. Rồi đến phiên nó bước tới. Cái máy hét ầm lên như thể bản thân con trai tôi là một khối thuốc nổ. Nó sắp sửa nổ tung. Anh chàng bảo vệ ngoắt thằng bé tới. Tôi thấy nó giơ hai tay lên trời như đầu hàng. Người ta lấy cái máy soi cầm tay dí vào người nó như điểm từng huyệt một. Cũng như đối với người lớn, người ta rà ở ngực, ở bụng, khi rà đến chim thì cái quần nó đã ướt từ lúc nào rồi. Rồi cũng to như cái máy, nó khóc rống. Nức nở như cha chết. - Nó đái rồi kìa. Người nhân viên kiểm tra hét lên. Thằng con tôi tự động thò tay xuống lấy ra xâu chìa khóa. Nó đã lấy xâu chìa khóa của tôi rồi lận vào ống quần của nó lúc nào tôi cũng chẳng biết. Quỉ quái thật. Rồi nó tự động le cái lưỡi đỏ chót ra, một đồng tiền sáng lóa xuất hiện trên đó như bị phù phép. Nước mắt nó vẫn không thôi chảy. Đã nói là nó khóc như cha chết mà. Cuối cùng thì nó cũng được cho đi qua máy soi, với một ít nước mắt, một cái quần ướt mem, lại còn bị hăm he: - Muốn cắt cu không hả nhóc? Ở phòng cách ly chờ lên máy bay, thằng bé có vẻ hoàn hồn. Nhưng khi đã hoàn hồn thì nó lại bắt đầu khóc thêm một lần nữa. Đúng vậy, nó ngậm hai đồng tiền, thế nhưng lúc nãy lè ra chỉ có một đồng, vậy thì cái đồng thứ hai đã đi đâu? Hay là nó đã nuốt rồi cũng nên. Tôi định dẫn nó đến máy soi nhờ soi cái bụng, nhưng đã lỡ ngậm tiền qua cửa rồi, người ta bắt nhả ra thì làm sao mà nhả. - Thôi nín đi. Tôi nói. Một chàng trai không thể cư xử như một mụ đàn bà. Nó vẫn cứ khóc. Tôi định bảo nếu nuốt tiền mà không mắc cổ thì không sao đâu con, nhưng rồi bỗng dưng nghĩ không nên cho nó thói quen đó. Thế là đanh ác thêm: - Nuốt tiền rất nguy hiểm. Loa phát thanh bắt đầu giục hành khách ra cửa, giọng lảnh lót đến không ngờ. Người ta nói nhẹ quá, ngọt ngào quá, như được ướp mật. Rõ ràng tôi chưa từng được nghe những âm thanh như vậy ở ngoài đời. Một chút phân vân lạ lùng cứ xoáy sâu vào tôi. Có thể nào đó là cái máy nói. Theo sự chỉ dẫn, hai cha con tôi đi cửa số chín. Thằng con tôi đã hết khóc nhưng nó chuyển sang… đau cổ họng. Lạ lùng. Rồi nó thấy mình khó thở. - Con nghẹn lắm. Tôi đưa ngón tay ra trước mũi của nó: - Thở mạnh bố xem. Nó từ từ thở ra. - Con thở mạnh xem! Nó thở mạnh. - Bố thấy con thở rất mạnh đó chứ! - Mấy bữa con thở mạnh hơn kia. Nó lúng búng trong miệng như muốn khóc. Bây giờ nó đã yếu rồi. Đoàn người dài dằng dặc đang thu ngắn lại. Nó tiếp tục bồi cho tôi một nhát thứ ba: - Đồng tiền nó đang chạy vào phổi của con. - Thôi được rồi, lên máy bay chúng ta tính tiếp. Tôi thầm thì với nó. Được lên máy bay, thằng con tôi quên khuấy vụ đồng tiền trong phổi. Chỗ ngồi của bố con tôi ngay cửa sổ. Từ đó có thể nhìn ra bên ngoài, thấy cả một khoảng trời lớn. Với cái chỗ thuận tiện như vầy, giá như tôi bay ngày thì sẽ hay hơn nhiều. Thời tiết vô cùng tuyệt. Mây trắng, trời trong, và gió nữa. Nhưng đây là một chuyến bay đêm. - Bố nhìn kìa, có hai chiếc máy bay màu xanh. Mình đang đi chiếc màu gì nhỉ! - Bố cũng không biết nữa. - Một chút bố hỏi cho con nhé! - Ừ. Thật may mắn làm sao, cô tiếp viên phát cho chúng tôi mỗi người một cái khăn lạnh. Cái mặt của thằng con tôi bấy giờ trông gớm ghiếc quá, nước mắt nước mũi chảy từng vệt, đọng lại nhìn cứ thấy thâm thâm đen đen. Lau mặt xong nó lại đau bụng. Đau khủng khiếp. Oái ăm thay, trước khi cất cánh nguời ta không cho sử dụng nhà vệ sinh. Cái công việc bất tiện đó cần phải đạt đến một độ cao vừa phải nào đó trên quãng trời kia. Đành chịu thôi. Mặt đất xa dần. Những con người lạ lùng là thế vậy mà bỗng chốc bé lại, yếu đuối, run rẩy trong cái đốm sáng nhạt nhòa ở cuối đường bay. Xa xa nhấp nha nhấp nhổm những đốm sáng im lìm, chìm khuất. Mặt đất từ từ hiện ra như một viên kim cương khổng lồ. - Chúng ta đi được chưa bố. Thằng con tôi tiếp tục nói bịt miệng không kịp - Con mắc đái lắm. Nó hét lên như giữa chốn không người. - Được rồi, được rồi. Tôi nói thầm vào tai nó, bố sẽ dẫn con đi tiểu. Nhưng bất hạnh làm sao đã có một gã nhổm dậy trước con tôi. Gã đứng chắn ngay lối vào nhà vệ sinh. Lại thêm một gã khác đứng chờ cái công việc ấy. - Đợi một chút nha con. Tôi nói rồi ngồi xuống. Lại xuất hiện thêm một cụ bà. Cụ quấn chiếc khăn quàng cũ kĩ. Khuôn mặt hoảng hốt và bất ổn lạ thường. Có lẽ họ toàn là những nạn nhân chờ máy bay đạt đến một độ cao… Trên đường đi xuất hiện cô tiếp viên hàng không, đẩy chiếc xe thức ăn. Có hai món ăn được chọn một cho buổi tối. Một món nghe rất lạ, rất Tây, chẳng biết là món gì, ăn thế nào, cuối cùng tôi phải chọn cái món có âm tiết quen quen, Việt Nam hơn, đơn giản là vì nó có chữ đùi gà được phát âm bằng tiếng Việt. Bà cụ vẫn còn đứng trên lối đi và thằng con tôi không còn chịu được nữa. - Con sẽ đái trong quần. Nó nói một cách chắc chắn. Người ngồi kế bên tôi lúc này ra chiều hoảng sợ: - Ấy chết! Đằng kia cũng có một nhà vệ sinh. Tôi nhìn theo ngón tay anh chỉ thì cũng vừa lúc mọc ra một bà cụ thứ hai ngay hướng ấy, mặt còn hốt hoảng hơn bà cụ trước. Bà đang đứng chờ. Đành phải dẫn thằng bé ra xếp hàng thôi. Và kể từ lúc đó tôi cay đắng nhận ra, cần phải nhìn nhận sự việc này như thế nào, phải chăng có một phần lẩn khuất nào đó trong chính bản thân tôi, luôn luôn và giày vò bị xâm chiếm bởi sự xấu hổ mà tôi không biết. Thế rồi cuối cùng chúng tôi cũng xong phần việc của mình, cũng bước qua sự xấu hổ ấy, một nỗi xấu hổ tiểu tiện bé nhỏ. Trên đường trở về chỗ ngồi, thằng con tôi đã hoàn hồn bắt đầu vặn vẹo theo cái kiểu thường trực của nó: - Sao lúc nãy bố bảo đi tiểu? Bình thường bố bảo đi đái cơ mà! Nó nói to lắm. Nó là đứa trẻ sinh ra từ cánh đồng, nên giọng nói của nó luôn được hiểu là… đồng không mông quạnh. Nó chẳng sợ gì. Cũng chẳng lịch sự gì. ý tứ gì. Lịch sự là thứ buồn cười. Tôi im lặng. Nó lại tiếp tục hỏi. Hình như nó tưởng rằng tôi không nghe thấy. - Sao vậy bố, sao bố nói là đi tiểu? Nó càng hỏi tôi càng muốn khóc. Phải rồi, tại sao tôi phải nói trại đi cái từ mà tôi vẫn từng nói. Nó là tiếng nói của nơi tôi ở, nó tồn tại trước cả khi tôi được sinh ra. Và nếu tôi không lầm thì bất cứ ngôn ngữ nào trên trái đất này cũng đều có nó. Vậy thì tôi xấu hổ vì điều gì? Bữa ăn nhanh chóng trôi qua. Thằng con tôi nhắm bộ khoái cái phòng vệ sinh. Theo lời nó thì tiếng dội nước to lắm. Chỉ cần nhấn một ngón tay là âm thanh rú lên kinh khủng. - Con đi đái đây. Nó nói. Và nó cứ đi ra đi vào liên tục. Việc nó trở về chỗ ngồi chỉ là để hợp thức hóa cho việc nó sắp sửa sẽ đi. Như một mối di truyền quái quỉ từ con truyền sang, bỗng dưng tôi cũng muốn thử một lần cho biết. Tại sao không chứ, một lần làm cái việc ấy trên không trung lạ lùng này, giữa bầu trời đêm! Tôi dợm bước định nhổm dậy thì máy bay chênh vênh rơi vào vùng khí loãng. Bầu trời bên ngoài tối sắc lại. Xa xa nhợt nhạt, tôi nhìn thấy một quầng mây u tối. Trước khi đi, tôi đã từng ao ước nhìn thấy mây. Thế mà bỗng dưng tôi đã quên nó một cách nhanh chóng chỉ vì những thứ tầm phào, những thứ quái đản mà tôi không thể đoán trước. Tôi nhìn ra bầu trời một lần nữa. Chẳng thấy ngôi sao nào. Cũng chẳng nhìn thấy ánh đèn trên mặt đất. Có lẽ chúng tôi đã cách xa nhau lắm rồi, cái mặt đất, cánh đồng, cái chỗ ngồi của tôi. Thế là tôi ở lại. Đèn máy bay đã giảm. Một vài người thiu thiu ngủ. Thật lạ lùng. Người ta có thể ngủ được khi chính bản thân mình đang được bay lên trên bầu trời ư! Tôi thử nhắm mắt, nhưng không thể nhắm được. Tâm hồn tôi hỗn loạn, chênh vênh như có những tiếng nổ lớn. Tôi bay lên trên cao rồi tôi lại chìm xuống dưới. Tôi chìm sâu vào tâm hồn tôi. Bất ngờ một bàn tay nhỏ nhắn đập vào vai tôi, nói cái điều mà tôi chẳng muốn: - Bố, dậy đi. Đã tới nơi rồi. Tôi nhổm dậy. - Cái gì, đã xuống đất rồi à? Rõ ràng mặt đất bên kia cửa sổ - nó - sân bay. Tôi thấy mình muốn khóc: - Sao con không đánh thức bố? - Bố ngủ say lắm! - Thì biết là bố ngủ quên. Bố đã thức khuya rất nhiều ngày liên tiếp trước khi có chuyến đi này. Nhưng con thừa biết là bố không bao giờ muốn ngủ khi bay cả. Từng đoàn người đã đứng lên chật lối đi. Đã đến lúc dùng dằng thì cũng phải ra về. - Con có thức từ đầu đến cuối không? Tôi hỏi. - Có. - Vậy thì được rồi. Tôi an ủi nó. Con hãy nhìn chiếc máy bay cho kỹ đi. Bởi vì vòng về chúng ta sẽ đi tàu lửa. Và chúng ta cũng chẳng có tiền nhiều để mà đi máy bay lần thứ hai, lần thứ ba. Nhưng dù sao khi cúi xuống ruộng, con vẫn có thể ngẩng đầu lên trời mà nói rằng, con đã từng bay qua cái khoảng trời này. Con đã từng đi trên chiếc máy bay này. - Chẳng ai tin con đâu. - Ừ, bố cũng biết thế, làm sao họ có thể tin được. - Họ lại không có mẹ ở xa. Thằng con tôi đã vui trở lại. Ngẫm nghĩ một hồi nó lại nói tiếp, và nhất là họ không thể… tiểu đến chín lần trên bầu trời. Bên ngoài mặt đất hiền hòa đón lại chúng tôi như thể chúng tôi không thể thoát được chúng.