Là một tiến sĩ nông nghiệp, nhưng Y phải tự thừa nhận rằng Y chẳng biết gì về chuyện đất đai. Ngay như căn nhà mà gia đình Y đang ở, nếu ngày ấy vợ Y không quyết, thì cho đến bây giờ Y vẫn là kẻ vô gia cư.
Câu chuyện xa lắc rồi, từ hơn mười năm trước. Ngày ấy, Y mới tu nghiệp từ Liên Xô về, cơ quan cho ở nhờ trong phòng làm việc. Ban ngày là nơi công sở, bếp điện nồi xoong cất dưới gầm tủ, chiều tối lôi ra nấu nướng, kê hai chiếc bàn lại, vừa làm bàn ăn, vừa làm giường ngủ. Khổ thế, nhưng về làng Y vẫn mũ áo xênh xang, đeo cái mác Kandidat (Phó tiến sĩ), chuyên viên Viện X, oai lắm. Cho đến một ngày kia vợ Y, cô giáo Trâm dạy mẫu giáo trường làng, lên chơi, biết tỏng cái ổ con chuồn chuồn, liền ra một chỉ thị:
- Phó tiến sĩ mà sống úi xùi như anh thì thà về nhà cày ruộng. Phải dồn tiền mua một miếng đất, dựng một gian lên. Nếu cần, em xin nghỉ dạy, lên chạy chợ để chăm sóc cho anh làm khoa học.
Vợ Y mở hầu bao, chìa ra tám cái nhẫn vàng. Thì ra bao nhiêu bàn là, nồi hầm, dây mai-xo Y gửi về mấy năm trước, Trâm chuyển thành vàng hết, cất đi.
Cái thửa ruộng một sào rau muống mà vợ chồng Y đang ở đây, hồi ấy mua hết có sáu cái nhẫn vàng, tức một cây hai. Bây giờ bỏ rẻ cũng phải năm tỷ, hơn sáu trăm cây vàng, tương đương với ba nghìn chiếc nhẫn.
Giờ thì Y có máu mặt rồi. Nhờ sự đổi mới của cơ chế, sau một đêm ngủ dậy, Y được chuyển đổi từ học vị phó tiến sĩ thành tiến sĩ. Tiếp đó, Y lại được phong hàm phó giáo sư. Có chức quyền, có danh tất sẽ có lợi. Hàng loạt các dự án, đề tài khoa học được dành cho Y. Y tham gia hội đồng xét duyệt này, hội đồng chấm thi nọ, rồi hướng dẫn làm luận án thạc sĩ, phản biện luận án tiến sĩ... Tiền phong bì nhiều gấp trăm lần tiền lương. Ấy vậy mà so với lợi nhuận buôn địa ốc của Trâm, thì thu nhập của Y cũng chỉ như cái móng tay. Một năm chỉ cần Trâm trúng vài ba phi vụ, cũng lãi vài trăm triệu. Có tiền, vợ chồng Y đập cái nhà cấp bốn để xây một biệt thự ba tầng, cứ nhẹ tênh như người ta làm một cái chuồng gà.
Buồn một nỗi, cái biệt thự của vợ chồng Y lại nằm khuất trong ngách. Từ đường ô-tô phải đi qua một ngõ nhỏ, nơi có bụi tre chắn ngang, rồi men theo bờ ao hình thước thợ vào nhà. Chủ nhân của chiếc ao và hơn mười nghìn mét vuông đất ngay sát nhà Y là Mít, làm nghề mổ thịt cầy ở chợ Xanh, có tính cách pha trộn giữa Tê-nac-đi-ê của Vích-to Huy-gô và Chí Phèo của Nam Cao.
Nếu muốn tìm lại hình ảnh của một nông thôn ngoại ô những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, thì chẳng phải đi đâu xa, cứ lên sân thượng ngôi biệt thự nhà Y nhìn xuống. Trong khi tứ bề nhà cao tầng mọc lên, thì riêng nhà Mít vẫn giữ nguyên trạng từ gần trăm năm nay. Một nhà ngói cấp bốn rêu mốc, thấp tè, nối với nhà bếp, chuồng lợn và nhà xí, nằm giữa một vườn ổi, nhãn, dừa, tre pheo um tùm. Chao ôi, cái ao bèo của Mít sao giống với cái ao bèo ở quê nhà Y quá chừng. Một mầu nước nâu đen, tù đọng, những đám khoai nước mọc loi thoi quanh bờ, một cây sung già ngả sát cầu ao. Những ngày mưa, những đêm trở trời, từ cái ao bèo rộn lên bản hòa tấu của ếch nhái, côn trùng.
Người quanh năm khai thác nguồn lợi từ cái ao bèo là bà cụ Ổi, mẹ Mít. Không ai đoán nổi bà cụ bao nhiêu tuổi, chỉ thấy mỗi năm cái lưng bà cụ thêm còng xuống, và gương mặt nhăn nheo như quả hồng xiêm héo, sạm một mầu đất. Hình như vợ chồng Mít phân công bà cụ chuyên trách việc nuôi lợn. Lúc nào cũng thấy bà cụ Ổi băm bèo, nấu cám lợn. Từ cái chuồng lợn xiêu vẹo, mùi phân tỏa đi khắp xóm. Khốn khổ cho những cái mũi của vợ con Y. Ngửi mùi phân lợn kinh niên, thành quen, đến nỗi nhiều khi ngồi vào bàn ăn mà không thể phân biệt được mùi vị của các món.
Vợ Y từng nhiều lần lân la sang nói chuyện với bà cụ Ổi:
- Cụ ơi, đất đang có giá. Mỗi mét vuông nhà ta cũng hơn hai chục triệu, sao cụ không bảo bác Mít bán cái ao đi để xây cho cụ cái nhà tử tế mà ở?
- Không được đâu. Nhiều người đến hỏi mua, nhưng thằng bố Mít nó không nghe. Nếu bán, đã bán rồi. - Bà cụ thì thào vào tai Trâm - Nó sợ phải chia cho các em nó. Tôi có hai trai, bốn gái. Các cô Chanh, Na, Bưởi, Hồng đều đi lấy chồng, có nhà trên phố. Thằng Sung, em thằng Mít, ở nhờ nhà vợ, chật chội lắm. Tôi bảo bố Mít chia thửa đất này thành tám phần, bán đi, nó ba phần còn các em mỗi đứa một phần, mà nó không nghe. Nó muốn chiếm cả cô ạ. Tôi khổ lắm. Ngồi trên đống vàng mà sống như kẻ ăn mày. Năm đứa em thằng Mít từ mặt anh, không thèm nhìn...
Hóa ra tất cả là do cái tính tham của Mít. Y bỗng nghĩ tới câu chuyện cá chép hóa rồng. Bao nhiêu lần đi thi vượt Vũ Môn, cá chép đều không thể trở thành rồng. Cá đi gặp Tiên, Tiên bảo: "Trong miệng ngươi đang ngậm viên ngọc. Phải nhả viên ngọc ra cho mọi người thì ngươi mới vượt được Vũ Môn, lúc đó ắt hóa thành rồng". Gã đồ tể hàng xóm của Y muốn giữ viên ngọc, tức là hơn nghìn mét vuông đất, làm của riêng mình. Ðầu óc gã làm sao hiểu được câu chuyện cá chép hóa rồng. Y bỗng thấy thương vợ. Chục năm trước hí hửng mua được sào ruộng rau muống với giá rẻ, ai ngờ ngôi biệt thự hôm nay bị đút nút tận cùng trong ngõ ngách.
Ngược hẳn với sự thương miệng, thương môi của Y, Trâm lẳng lặng hành động để cải tạo hoàn cảnh. Chị đi vận động bảy gia đình chung quanh nhất trí góp tiền mua đất bụi tre và rẻo ao nhà Mít, quyết mở một con đường cho ô-tô con vào từng nhà. Tiếp đó, Trâm lần tìm đến từng gia đình anh Sung, và các chị Chanh, Bưởi, Na, Hồng xin từng chữ ký, tất nhiên có cả vân tay điểm chỉ của bà cụ Ổi đồng ý cho các con bán rẻo đất cho xóm làm lối đi, theo giá thị trường.
Sự việc tưởng êm xuôi, nào ngờ mọi người đã chọc vào tổ ong vò vẽ. Mít phát điên lên, cầm thanh mã tấu, phanh ngực, để hở chòm lông xoăn tít, đứng bên bờ ao réo tên chửi từng nhà trong xóm, rồi gã chửi cả bà cụ Ổi và năm đứa em ruột. Mít cắm phập thanh mã tấu xuống đất:
- Thằng nào, con nào muốn xắn một miếng đất nhà ông thì vào đây. Ông băm lẫn với bèo để nuôi lợn tăng trọng.
Từ hôm ấy, Y như người mất hồn. Y bàn với vợ:
- Ta rao bán ngôi nhà thôi em ạ. Kiếm ngôi nhà nào nhỏ hơn, nhưng ở ngoài mặt phố, cạnh người tử tế. Chui vào đây ở cạnh gã Chí Phèo, suốt đời vợ chồng con cái không mở mặt lên được.
Trâm đồng ý với Y. Ngày hôm sau họ rao bán nhà trên tờ "Thị trường bất động sản".
Suốt cả tuần sau, không thấy bà cụ Ổi vớt bèo nấu cám lợn.
Trâm mua gói bánh, hộp sữa, dúi vào tay Y và bảo:
- Tay Mít nó nhốt bà cụ rồi. Anh sang thăm bà cụ một tí. Có khi mà ông con trai đang muốn bỏ đói cho mẹ chết cũng nên...
Chần chừ mãi, nhưng rồi Y cũng nghe theo vợ, rình lúc Mít đi chợ, sang thăm bà cụ Ổi.
Quả nhiên, đã hơn mười ngày nay, vợ chồng Mít chỉ cho bà cụ ăn mỗi ngày một bữa cháo. Bà cụ Ổi nằm bệt trên giường, đói lả đến mức Y phải ghé sát tai mới nghe tiếng được, tiếng mất.
- Thằng Mít nó không cho ăn... Nó không báo cho các em nó biết... Ông làm ơn nhắn thằng Sung, con Chanh, con Bưởi...
Y lật đật bước qua cái cổng sắt, chạy về bảo vợ đi báo tin cho các con bà cụ Ổi.
Nhưng không kịp. Ðến chiều tối thì bà cụ tắt thở.
Ðám ma bà cụ Ổi bị tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ chỉ vì cái bụi tre chắn ở cổng và sự lăn lóc gào khóc của vợ chồng con cái Mít. Giữ đúng phong tục truyền thống, Mít mặc áo xô gai, thắt dây chuối ngang bụng, đầu đội nùn rơm, chân đất, gậy tre, đi giật lùi trước quan tài mẹ. Chưa bao giờ thấy ai khóc mẹ thống thiết như gã. Chốc chốc, gã lại rống lên:
- Ối mẹ ơi! Vợ chồng con nghèo quá. Con chỉ ân hận chưa xây được cái nhà tử tế cho mẹ ở...
Mấy người láng giềng bấm nhau, lắc đầu, ngao ngán:
- Ðạo đức giả đến thế là cùng. Bà cụ chết rồi. Giờ thì mình ông ta làm chủ cả nghìn mét vuông đất, giá tới mấy nghìn cây vàng.
Nghĩ đến câu chuyện cá chép hóa rồng, Y thấy trong trường hợp "hóa rồng" của Mít, ngọc không phải là đất, mà chính là bà cụ Ổi. Chỉ có điều, con cá chép tham lam muốn hóa rồng phải nhả viên ngọc cho mọi người, còn Mít thì lại tìm cách cho "viên ngọc" vào trong quan tài, chôn xuống đất, rồi gã nghiễm nhiên sở hữu toàn bộ gia tài, trở thành tỷ phú.
Người khách đầu tiên đến hỏi mua nhà, chỉ trả bằng bảy mươi phần trăm giá Trâm rao bán, Y cũng bảo vợ bán ngay.
- Tránh xa cái thằng Mít bất nhân này, dẫu ngày mai nó gọi cho không bụi tre và rẻo đất bờ ao để mở đường đón ô-tô vào biệt thự nhà mình.
Trâm nhìn chồng, mỉm cười, tán đồng. Lần đầu tiên chị thấy Y đáng tầm một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về đất đai.
 

Xem Tiếp: ----