Tất cả sẽ qua đi. Nên khi hạnh phúc, hãy biết hưởng thụ nó đến tận cùng, để lúc nó qua đi không phải hối tiếc. còn "cách hưởng thụ nỗi khổ một cách tốt nhất là hãy coi nó như một buổi học mà mình đã trả trước một khoản học phí rất cao..." - Câu chuyện của ba cô gái trẻ trước ngã ba đầy xáo động và bất trắc của cuộc đời, cố gắng vượt qua những tổn thương và cảm giác "sợ sống". Lũ vịt giời" chúng tôi có đến ba đứa, hay nói như cách ông anh "thầy dùi" của tôi, có đến ba "mầm non bà cô". Cả ba đứa đều sinh năm 82, tôi sinh tháng 11, hai đứa kia một tháng 2, một tháng 9, nhưng bọn nó vẫn phải gọi tôi bằng... chị! Có lẽ vì lối "tư duy siêu độc đáo" như thế, tôi lúc nào cũng là "năm-bờ-oăn", là "cái đinh" của nhóm. Đan ở trung tâm thành phố, tôi ở Diễn, còn nhà Uyên ở tít tận Bắc Cạn, nhưng ba đứa tôi quen nhau từ hồi thi học sinh giỏi toàn quốc, thư từ liên tùng tục, lớn lên học đại học lại cùng trường, cùng lớp (vì ba đứa cùng rủ nhau đi thi), nên rành tính nhau hơn chị em ruột. Ai cũng bảo ba đứa học nết nhau, đều "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo..." - tạm dịch là "thông minh, tự giác trong ăn uống" - nhưng kỳ thực mỗi đứa một tính một nết. Cái Đan có vẻ sắc sảo, hiện đại hơn cả. Da nâu, mắt hơi xếch, tiếng Anh như gió, nói năng hơi ồn ào... Uyên thì ngược lại, thuộc týp làm cả các bà mẹ chồng lẫn lũ quý tử của họ phải "lăn ra chết" từ lần gặp đầu tiên. Da trắng ngần, đi đứng khoan thai, mặt tươi như hoa, nói năng nhỏ nhẹ. Tôi và Đan đều có cảm giác Uyên như một cái gì đó thật trong trẻo, thật mong manh, luôn cần chở che, bao bọc. Đôi mắt trong veo, bất cứ lúc nào cũng có thể nhoà nước, nhưng khéo dỗ một tí là lại cười ngay đấy, cái cách nó nhoẻn cười đầy tin cậy, hơi ngơ ngác một tí, thương ơi là thương... Đã lâu, tôi không trò chuyện nhiều với Đan và Uyên. Công việc, công việc lúc nào cũng bù đầu. Đi làm được hơn năm. Đủ thời gian lờ mờ thấy mình dốt, thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên môn, thiếu tiền, thiếu sự chai lì khi va chạm thực tế..., thiếu đủ thứ. Đã hơn một năm. Chẳng còn được châm chước vì là lính mới ra trường nữa. Nhưng mới hơn một năm. Chưa chắc chân đâu. Sơ sẩy một tí là đã có ngay một loạt các ứng cử viên vừa ra trường, tay cầm một xấp bằng đợi thế chỗ. Cố gắng. Cố gắng và cố gắng. Mỗi khi gặp nhau, tranh nhau than thở, đang nói chợt ngưng lời, thì bọn nó chắc cũng chẳng sướng hơn mình. Quay sang bạn, hỏi: "Bọn mày sao?". Hai đứa còn lại tranh nhau im lặng, rồi cùng buột miệng: "Cũng thường". Tự dưng thấy hơi xa nhau một tí. Mặc dù, thực ra chỉ muốn không làm nhau mệt thêm, chán thêm thôi. Thứ ba ấy, tôi bỗng nổi cơn khùng. Suốt ngày lo lắng tất bật để tranh một nhúm lương còm, có đáng không? Trong khi ấy tuổi trẻ cứ tan đi mất từng ngày, từng ngày... Chẳng mấy chốc là hai tám, ba mươi. Lúc ấy chẳng cần ai giục cũng cuống cà kê. Rồi chồng, rồi con... Vĩnh biệt những buổi tối thứ bảy chơi tá lả đến hai giờ đêm, vĩnh biệt những buổi sáng chủ nhật nằm ghếch chân lên nhau tán gẫu trên trời dưới biển, vĩnh biệt quẩy nóng, chè bắp, sữa chua... Ôi, thế thì còn gì là đời! Tôi bốc điện thoại: "Uyên ơi, hết giờ làm rồi, đi!". "Giời ơi, đi đâu, một đống tài liệu đây này...". "Mặc, đi, đi hưởng thụ cuộc đời. Quẩy nóng, chè bắp,...". "Sữa chua! Sữa chua nhé! Để em gọi cái Đan... à, mà thôi..." - Uyên thừ giọng ra. "Sao?". "Nó... nó đang có chuyện... Em nghĩ bây giờ nên để nó yên... Nó bảo nó đang tìm cớ để chết, đừng làm nó bực, giọng nó lạnh như kem...". Ôi, Đan sao vậy? Đan mở cửa cho tôi, cười giòn tan. Nhưng nó giấu tôi sao nổi. Cái giường của nó bẩn hơn một đống rác, còn nó là một búi rác to. Cái đầu của nó, tôi dám cá là đã một tuần không gội. Những món tóc bết vào nhau, rối như cuộn dây đồng rỉ... Ôi, Đan của tôi, Đan có bao giờ như vậy đâu... Tôi giúp Đan dọn phòng trong lúc nó trang điểm. Đan trang điểm tỉ mỉ và đậm kinh khủng, nó miết son lên môi như thể oán hờn ai, lớp phấn quá trắng không hợp với nó, gương mặt Đan tái bềnh bệch... Tôi vứt cái áo lót đang gập giở của nó xuống giường. Tôi muốn xin nó: "Đan ơi, đừng thế nữa", mà không sao nói nổi. Đan chậm rãi nhặt cái áo lên, rồi chẳng buồn kéo riđô, nó tuột váy thay ngay trước mặt tôi. Đan không nhìn tôi, tôi cũng không dám nhìn Đan, nhưng tôi cảm thấy ánh mắt nó như mắt người lên cơn sốt. Đan không bao giờ khó chịu với tôi như thế. Đây không còn là Đan của tôi nữa. Nó thực ra không còn ở đây nữa, nhưng tôi lại không biết gọi nó lại thế nào... Suốt buổi, Đan tỏ ra vui vẻ quá mức bình thường, nó gọi đồ uống liên tục, nói luôn mồm, nhưng trên đường về thì lặng như một phiến đá. Đêm đó, Đan của tôi tự tử. Mẹ Đan đưa tôi lá thư Đan viết cách đó một tuần nhưng lại vứt ngăn kéo, không gửi: "Anh Sơn, đừng trách em nhé, em vẫn nhớ là đã hứa với anh... Ngôi nhà có ô cửa sổ thật rộng của bọn mình, đêm đầu tiên của bọn mình... Em muốn có sáu đứa con, mỗi khi em đi làm về, sáu đứa sẽ bám lấy em chút chít như một lũ gà con... Bây giờ em chỉ tiếc là đã không dám, không được cùng anh buổi trưa hôm đó. Em đã muốn dành tặng anh món quà trọn vẹn ấy đúng vào đêm tân hôn của bọn mình. Anh ơi, em giận em quá...". Uyên khóc ròng. "Đan gọi điện nhờ em đến đón ở cơ quan. Nó bảo, tao phiền mày quá, tao biết mày bận, nhưng tự dưng hôm nay tao ốm quá, không đi nổi. Em hỏi nó ốm sao, nó trả lời quanh quẩn, rồi bảo mới mổ, hỏi mổ gì, lại bảo "mổ lung tung". Người nó xanh mướt như cọng rau muống luộc, ngực lại to đùng. Qua hiệu thuốc, nó bảo mua thuốc tẩy giun, nhưng lại vác cả sổ y bạ vào, mà em thấy nó vét ví hơn trăm nghìn, vẫn phải lấy thêm của em bảy nghìn nữa. Đưa nó về đến nhà, thấy nó hát líu lô, lại còn giặt một chậu quần áo đầy ngật ngưỡng. Em nghi quá, tưởng nó bị u iếc gì mà lại giấu mọi người. Em quay lại hiệu thuốc hỏi, họ bảo nó mua thuốc dùng sau nạo thai. Em hoảng quá, gọi điện bảo: "Tao xuống mày bây giờ nhé, tao đón mày lên tao ở. Tao biết mày không muốn để mẹ biết, nhưng mày đang tự giết mình đấy". Nó im lặng lâu quá, em cũng không hiểu nó nghĩ sao, em bảo: "Chuyện này bình thường thôi mà." Nó hét lên: "Bình thường à!", rồi dập máy. Nó gọi lại, bảo: "Bình thường à! Cô có biết như thế nào là mất một đứa con đâu!". "Sao mày lại bảo nó là chuyện bình thường?". "Thì em nghĩ chắc nó với anh Sơn không cẩn thận. Nó đang sợ, đang xấu hổ một tí, một đứa bạn em bị vậy, tâm sự thế mà. Em đưa con bé ấy đi làm mấy lần rồi, em biết...". Tôi tròn mắt nhìn Uyên, không phải vì sự thiếu hiểu biết Đan của nó, mà vì tôi chợt nhận ra giọng Uyên đàn bà kinh khủng. Tôi nhìn xoáy vào mắt Uyên. Uyên im lặng hồi lâu, rồi bảo: "Bọn em yêu nhau mà". "Mấy lần rồi?" - tôi hỏi như cái máy, cũng chẳng biết hỏi vậy để làm gì. "Nhiều rồi. Và không phải người đầu tiên". Mặt Uyên lì ra, hay Uyên cố tỏ ra như vậy. Tôi chẳng biết nói gì nữa. Không phải Uyên "đam mê" quá rồi "nhỡ nhàng", mà với Uyên, mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều, đây là quan niệm sống của Uyên. Tôi cảm thấy một cái gì đó trong lòng mình bị vỡ vụn ra, tôi thấy mình đã bị lừa dối quá lâu. Nhưng ai lừa dối tôi? Uyên luôn thẳng thắn, luôn trung thực với tôi, đến bây giờ vẫn vậy. Tôi ngửa mặt nhìn lên tán cây, nhưng tôi đâu có thấy gì ở đó. Xung quanh tôi, cả một cuộc sống lộn ngược đang di chuyển, bao nhiêu là xe máy, bao nhiêu là ôtô, bao nhiêu là người, những con người rất kỳ lạ, chẳng dính dáng, chẳng liên quan gì đến tôi hết. Tôi không nhìn thấy gì hết, chỉ cảm thấy những âm thanh cứ lớn dần lên, xiết chặt lấy quanh chúng tôi, những âm thanh vừa đơn điệu, vừa đầy bất trắc... Biển. Không thấy bờ gì cả. Bập bềnh trên sóng, tôi, Uyên và Đan, ba sinh vật nhỏ xíu. Không sao nghe nổi tiếng nhau... "Trưa nay nhiều gió quá...". "Ừ...". Tôi biết Uyên đang muốn kết thúc câu chuyện, tôi cũng thế. Nhưng chẳng biết làm sao. "Uyên này, chị biết em đang nhìn chị như một bà già lẩm cẩm và cổ hủ, và có thể em đúng. Không phải chị nói đến khía cạnh đạo đức đâu, vì đó chỉ là vấn đề quan niệm sống của mỗi người. Nhưng, nhỡ đâu... Có thể sẽ là một tổn thương không thể nguôi ngoai, có thể sẽ chai lì đi, thậm chí là không có con được nữa... Uyên nhìn tôi trìu mến, cố không phì cười. Nhìn nó, tôi chợt thấy mình đúng là một bà già lẩm cẩm. "Bọn em biết cách cẩn thận mà...". Hơn một tuần rồi mà Đan chưa bình phục hẳn. Đôi mắt thất thần, nói năng lúc có vẻ như tỉnh táo, lúc lại như người mê sảng. Đan chưa đứng vững nổi, vậy mà nhoắng một cái đã thấy bò đi đâu mất. Đan trở nên rất khó gần. Người ta gợi ý cho Đan xuất viện. Bác sĩ làm đủ nghĩa vụ chuyên môn với Đan, nhưng quả là khó mà có thiện cảm nổi với một đứa con gái trẻ tự tử. Tôi tìm thấy Đan nằm còng queo trên ghế đá bệnh viện, trông tiều tuỵ, bé quắt, như một bà già, lại như một đứa trẻ con trong bộ quần áo bệnh nhân rộng lùng thùng. Mẹ Đan cũng đang phải nằm viện, trông cảnh này chắc không chịu nổi. "Liên đến cơ quan em rồi, phải không?". Tôi gật đầu, không biết nói sao. Hôm đó, sếp Đan rất chu đáo: "Chị Đan ốm nặng thế cơ ạ? Chúng tôi không biết nên sơ suất chưa đến thăm được. Nói thật với chị là chúng tôi đang xem xét lại hợp đồng lao động của chị Đan. Thời gian vừa rồi kỷ luật lao động của chị Đan giảm sút rất nhiều, cách đây nửa tháng lại có một sơ suất trong chuyên môn. Nhưng tất nhiên biết chị Đan ốm thế này, công đoàn sẽ có trách nhiệm đến thăm...". Tôi cảm ơn, nói Đan đã về quê an dưỡng. Ở cơ quan, vụ Đan đang là một xìcăngđan lớn. Cuối giờ làm việc, có tiếng đánh nhau. Mọi người chạy xô vào, thấy Đan đang giãy giụa, Sếp phó nằm đè lên Đan. Người bảo Đan là người của sếp, dàn cảnh để hại sếp phó. Người bảo Đan muốn tiến thân, sếp phó chơi chán, muốn rũ Đan, Đan cú... Người hiền lành nhất thì bảo "Dào ôi, chuyện tình tang của bọn trẻ bây giờ ấy mà"... Ai cũng thấy khổ thân cho sếp phó: Trẻ trung, năng lực, vợ đảm, bồ xinh, lại đang tiến thân ầm ầm như thế, chỉ vì nhắng nhít với một con bé vớ vẩn mới ra trường mà... Và những người đàn bà đang tuyệt vọng trong cuộc chiến với sự tăng cân, những người đàn ông mỗi khi cười, mặt lại đầy những nếp nhăn trác táng... bỗng chốc trở thành những chuyên gia tình dục và đạo đức học. Họ chợt phát hiện ra nước da nâu của Đan thật cố tình khêu gợi, đôi mắt Đan chưa cười đã tít lại, miệng rộng, eo lẳn, hông to... Hạng đàn bà ấy lẳng lơ, ham hố phải biết... Thử hỏi sao đàn ông có vợ lăng nhăng, đàn bà đoan trang ế chỏng... Đã thế lại còn ra vẻ ta đây... Rõ chẳng biết dơ! Cái tội quấy rối cơ quan, đuổi thẳng cổ! Tôi ra khỏi cổng cơ quan Đan rồi, mới có một chị ngần ngừ kéo lại: "Em bảo cái Đan thôi đừng ý kiến ý cò gì hết, người ta dẫu có không ưa nhau vẫn còn cần nhau, ai dại đâu bênh mình. Đàn bà con gái, ầm lên chỉ thêm thiệt thân!". - Suốt một tháng trời, Đan đã bị hắn đối xử như với một con vật, như một con vật, chị hiểu không? Thằng cha đó khoẻ quá, mà từ nhỏ đến giờ Đan chưa bị đánh đập bao giờ. Phải chi bố mẹ, anh Sơn, Liên, Uyên đừng thương Đan quá như vậy, Đan đã biết đừng bất cẩn với người đời... Phải chi Đan chỉ có một mình, không ai có thể bị mang tai mang tiếng vì Đan hết, chắc Đan đã không nhu nhược đến vậy... Mà Đan nói, thì cũng "dâm vô tích, đạo vô tang"... Chị ơi, còn con em... ba tháng rồi em mới biết... Trời ơi đất ơi, tôi có tội với con tôi... Cả người Đan rúm ró lại. Đan ơi, có thể một lúc nào đó em sẽ hiểu, nhiều lúc người ta tàn nhẫn cũng chỉ là do vô tình, ngay cả bọn mình nhiều lúc cũng thế mà không biết đấy thôi... Tôi có tội với Đan, với con Đan không? Suốt mấy tháng đó, lúc nào tôi cũng than bận bù đầu, gặp Đan là hỏi Đan có quen người này, người kia để giúp cho công việc của tôi không! - Chị có tin em thật không? Tôi gật đầu, miệng méo xệch. Đan của tôi khóc được rồi. Uyên đứng khựng trước hai đứa tôi, nhỏ giọng: - Chị Liên ơi, đưa Đan vào để làm thủ tục xuất viện. Đan đờ đẫn nhìn vào khoảng không trước mặt. Buổi trưa tháng chín mà nắng vẫn gắt quá, và gió, gió bời bời những tán cây... Từ những con phố bao quanh bệnh viện, vang vọng tiếng còi xe máy pim pim, tiếng động cơ ô tô rừ rừ, tiếng hàng rao ời ợi... "Liên ơi, em sợ...". "Đôi khi chị cũng sợ...". "Uyên cũng thế... Nhưng chỉ có một cách là nhìn thẳng vào nó, và chờ đợi. Thường thì nó nhanh nản hơn mình nghĩ...". "Có phải cái gì cũng qua dễ dàng như thế được đâu...". "Uyên có bảo là dễ dàng đâu... Nhưng mọi thứ đều sẽ qua, Uyên biết mà. Mỗi khi cảm thấy hạnh phúc, Uyên lại tự nhủ: "Hạnh phúc này không vĩnh viễn, nó sẽ qua đi, không gì giữ nổi. Nên mình phải biết trân trọng, hưởng thụ nó, hưởng thụ đến tận cùng, để lúc nó qua cũng không có gì hối tiếc". Mỗi khi khổ sở quá, Uyên cũng nghĩ vậy. Cách hưởng thụ nỗi khổ một cách tốt nhất là hãy coi nó như một buổi học mà mình đã trả trước một khoản học phí rất cao...". "Ranh con, hôm nay "chiết ný" kinh nhỉ. Thôi, dù sao cũng chẳng trốn mãi ở đây được. Bọn mình về đi". Tôi và Uyên đỡ Đan, Đan loạng choạng đứng dậy. Chợt nó ngoảnh sang Uyên: "Trông mình chán lắm phải không?". Uyên chun mũi: "Chán lắm. Xí mù. Tự mình còn thấy thế nữa là người khác nhìn vào!". Đan vênh mặt lên: "Quên đi, hơi bị duyên đấy!". Tôi nắm lấy tay Uyên. Tôi yêu Uyên, yêu Đan, đúng như thế này, cùng với mọi rắc rối, mọi thay đổi của bọn nó, miễn là bọn nó vẫn phải gọi tôi bằng chị. Bởi vì tôi sinh tháng 11, mà 11=2+9. AÂ, sắp đến sinh nhật Đan rồi!