Thà rằng cố công lấy mai đào, vuốt bới, ki cóp từng đồng để lấy tiền cưới vợ cho con trai chứ không thèm động đến số tiền không phải do công sức lao động mà có, Ké Kheng (ông Kheng) đem cả túi tiền nhặt được trả lại cho công trường thủy điện. Bản tính hiền lành, phúc hậu, trọng nghĩa khinh tài của một lão nông miền núi được tác giả mô tả bằng giọng văn giản dị, tự nhiên, giàu hình ảnh, gần gũi với đồng bào các dân tộc ít người phía bắc.
Chú Vơn ở nhà! "Trời đất dựng đá, cá lội vực sâu" ạ! "Nhai không đứt. Nuốt không trôi". Anh phải đến so miệng đọ tai với chú, thật chẳng đúng được tí nào cả: mấy hôm trước bà mối đến nói chuyện với chú một lần cuối cùng cho dứt miệng... Nhưng chú vẫn không làm sao hạ thấp dưới hai nghìn đồng! Hai nghìn đồng anh tìm vào đâu cho thấy, bới đâu cho ra, "Trời đất dựng đá!" ạ! Thôi thì nói xa nói dài, chẳng bằng một lời rơi ngay trước mặt, anh đem cho chú một nghìn đồng, chú cho anh rước dâu! Một nghìn đồng cũng bằng thương anh và thương thằng Lìn vậy chú nhá!
Ké Kheng nói giọng vừa cứng vừa mềm, nét mặt vừa rắn vừa tươi. Nhưng là tươi gượng. Những nếp nhăn trên trán ké Kheng hằn sâu vừa dài vừa to như những nếp sóng của thác Thuồng Luồng.
Ké Toóng - bố Vơn đang cầm cái phất trần để quét những đồ đạc quý giá bày trước gian bàn thờ. Ké Kheng mới nói mấy câu đầu, ké Toóng còn dừng tay để nghe. Nhưng khi đã biết ké Kheng định nói gì thì lão lại tiếp tục quét cái chổi trên những đồ đạc bóng lộn. Lão quét rất kiểu cách. Quét mà như múa! Ké Kheng nghĩ đến bụng chua ruột xót, miệng đắng, mũi cay mới nhắm mắt lê chân đến nhà ké Toóng, nói với lão những lời khẩn thiết. Nhưng ké Toóng phớt lờ, trong bụng lão không có lấy một "gang ruột yêu thương con người". Ké Toóng vừa cầm cái chổi phẩy ngược xuôi từng nhát một bên sườn cái tủ "búp phê" đóng cầu kỳ đến rờm cả mắt.
Thật lâu ké Toóng mới trả lời câu nói van xin của ké Kheng.
- Dà! Dà! Bác nói thế cũng phải! Nhưng mà em đòi hai nghìn và "ăn hai hai" em cũng đem cửa nhà của bác mắc vào cân rồi! Bác cũng biết đấy, năm ngoái em "bán con em của nó em "ăn bốn bốn". Bây giờ em chỉ "ăn hai hai" mà bác còn muốn bớt tiền nữa thì em "bán" con em làm sao được. Bác cũng thấy nếu em con Vơn là bông vắc viền vách đá thì con Vơn cũng là bông kim quý vườn xuân nè: mẹ con Vơn ngày xưa có lẽ còn xấu hơn con Vơn bây giờ mà em còn phải ăn sáu sáu "(1) mà.
Cả vùng Lũng Kít ai cũng biết ké Toóng bán con gái đẹp gái xinh được bốn nghìn đồng, bốn con lợn... rồi lão đem số tiền bán con gái đó tậu được khối của. Lão tìm cách buôn vụng bán trộm... ké Toóng ngày càng nhiều của. Lão tập tễnh học đòi ăn ngon chơi sang! Lão giơ cái chổi phất trần về phía ké
Kheng nói:
- Bây giờ mình phải sống cho sang trọng cho văn minh bác Kheng ạ! - Lão nói có ý khinh khi cái nhà cửa của ké Kheng. Nhà cửa ké Kheng không có màu sơn xanh đỏ, không có những thứ quang dầu bóng lộn như nhà ké Toóng - Nhà ké Kheng bình thường, giản dị như mọi nhà ở trong vùng Lũng Kít. "Hừ, chẳng qua cái con Vơn "chết toi" này nghĩ cũng không thấu ba gang tay mới yêu cái thằng Lìn... Tao thì chết đi ba kiếp tao còn không gả cho mày..." - Ké Toóng nghĩ. Ké Kheng tưởng nói câu ngọt, câu thảm thiết may ra ké Toóng động lòng gả con gái Vơn cho thằng Lìn, không ngờ ké Toóng lại nói những câu như đổ nước đái, nước phân lợn lên đầu lên mặt mình. Ké Kheng cúi đầu lùi lũi về nhà "yêu con, thương dâu ta sẽ cố công lấy móng đào, vuốt bới ki cóp cho đủ hai nghìn để đón dâu thôi, nói với cái lão lạc hậu này thật hỏng cả cái miệng của mình" - Ké Kheng vừa đi vừa nghĩ.

*

- Em Vơn ạ, người già nói "con cóc ước nước bể chết khô, khỉ què ước quả gai chết héo"! Anh không phải là con cóc, em cũng không phải là nước bể xa vời nhưng vì thiếu tiền nên anh thành con khỉ què chết héo, em thành quả gai cao vợi.
Lìn nói khẽ nói buồn nhưng cái giận bốc lên đầu làm rung cả mái tóc một mái của anh. Nghe Lìn nói, Vơn thấy đau nhói như kim châm từng khúc ruột. Nuốt mấy lần cái ức vướng ở cổ, Vơn mới nói được những câu không chắp nối:
- Anh Lìn ạ! Không biết anh nghĩ nên hình nên dáng ra làm sao... anh lại coi khinh em như.... hôm nay... Anh nói những câu đứt ruột cứa gan... Anh nói thành lời ngay lời thẳng cho em nghe, em được ơn nhiều! - Đôi má hồng như phấn, hình trái xoan của Vơn trở nên tái tê như gặp cơn lạnh mùa đông, đôi mắt lá răm, đen láy của Vơn bỗng đỏ hoe như người ăn phải ớt cay.
- Sao Vơn lại nghĩ về anh bằng những ý nghĩ nặng như núi đá đè lên quả trứng vậy. Anh yêu em ngọt ngào như mật ong còn trong bọng, như mía lùi chấm mật. Bố anh cũng thương em muốn đứt hơi, mong mỏi cho em thành con dâu trong nhà. Bố đã bán hết lợn gà chó ngỗng... ki cóp từng xu định đón em về làm dâu năm nay nhưng tiền chưa đủ nghìn, lấy đâu hai nghìn như bố em đòi hỏi để cưới em. Anh yêu em cũng đành yêu suông, yêu vã thôi? - Lìn nói, mặt buồn như mặt chim lìa cây rừng. Vơn và Lìn nói với nhau những câu khổ câu đắng và nhớ lại những ngày còn thơ còn trẻ: sáng sáng rủ nhau đi học, chiều chiều rủ nhau chăn trâu... Ngày ấy không có gì phải lo phải nghĩ.
Vơn và Lìn sinh cùng tháng, lớn lên sống cùng bản Lũng Kít, học cùng lớp từ cấp một đến cấp hai. Ngày ngày hai bận Lìn dắt tay Vơn qua thác Thuồng Luồng đi học.
Thác Thuồng Luồng nước xanh biếc, chảy xiết ầm ào như một đàn ngựa hí, những con nước gặp vô vàn những sống đá như những con trạch vặn mình giữa thác, vồng lên như những bờm ngựa trắng ngày đêm phi nước đại lao xuống thác. Vực Thuồng Luồng dưới chân thác xanh đậm như một vại chàm khổng lồ. Vô vàn những con trạch giữa thác tạo nên những khe nước sâu ngập đầu người. Muốn vượt thác Thuồng Luồng người ta phải nhảy từng cái một trên những sống trạch đá lấp ló dưới nước. Nếu chẳng may trượt chân khi nhảy thì sẽ bị ướt quần áo, thậm chí có thể rơi xuống thác cao đến năm - sáu mét toi mạng như chơi.
Bảy, tám năm trời ngày hai bận Lìn dắt Vơn vượt thác Thuồng Luồng đi học.
Năm học lớp bảy Vơn bỗng lớn lên trở thành cô gái với những đường nét rẽ mở và rực rỡ. Cái hương sắc rực rỡ của cô như muốn tỏa ra ngoài làn da nõn nà của tuổi mười bảy. Nhưng Lìn vẫn ngày ngày dắt tay Vơn vượt thác Thuồng Luồng. Cùng lứa tuổi, con gái có thể khôn sớm hơn con trai nhiều điều, nhưng khi lội sông, lội suối hay vào rừng sâu lắm thú dữ... thì người con gái thường nhờ vào sức khỏe và sự gan dạ của người con trai.
Hôm ấy... năm xưa... một ngày đầu thu, nước dòng sông Nặm Thoong đang xanh màu lá biếc ngọt. Vơn và Lìn rủ nhau lên Ty Giáo dục lĩnh bằng tốt nghiệp lớp bảy. Hai người đứng bên bờ thác, xắn quần chuẩn bị vượt thác Thuồng Luồng, Vơn hỏi đột ngột:
- Anh Lìn ạ! - Lìn quay lại có vẻ ngơ ngác.
- Có chuyện gì hở Vơn?
- Em không được đi học lớp tám nữa! Bố em bảo: con gái không cần học nhiều. ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ để lấy công điểm! Nhưng em sẽ đi chuyên nghiệp, anh Lìn ạ! - cái buổi đầu tiên ấy Vơn xưng em và gọi Lìn bằng anh!
- Vơn không được đi học lớp tám nữa, mình tiếc quá. Nhưng bố không cho đi nữa mình biết nói sao!
Lìn thoắt nhảy qua một khe nước, quay mặt lại đưa tay đón Vơn - Một cử chỉ quen thuộc bảy tám năm nay, Lìn dắt tay Vơn vượt thác Thuồng Luồng. Nhưng hôm nay Vơn không đưa thẳng tay mình cho Lìn dắt tay mình như mọi ngày nữa. Vơn lắc đầu, mặt đỏ bừng. Lìn cũng bỗng thấy mặt mình đỏ bừng và thẹn thùng. Lìn nhảy tiếp vài cái nữa sang tới bờ bên kia đứng đợi Vơn. Vơn sang đến nơi, Lìn nói:
- Chà, chà... bây giờ không cần "người ta" dắt tay qua thác Thuồng Luồng
nữa! - Vơn đỏ mặt, đỏ đến vành tai, cúi mặt nhìn chân mình, Vơn thấy chân mình trắng nõn nà như lõi chuối vừa bóc.
- Cám ơn anh Lìn đã dắt em lâu nay... giờ, em thấy tự mình vượt thác được rồi! - Câu cảm ơn lịch sự của Vơn có vẻ khách sáo, cả hai người đều thấy lạ tai. Lìn không muốn mình đầm đìa trong một thứ cảm giác lạ đầu tiên ấy. Anh t nói sang chuyện khác.
- Vơn định đi chuyên nghiệp ngành gì?
- Em xin đi trung cấp kế toán.
Sau đó Vơn đi học kế toán trung cấp. Lìn học lớp tám. Khi Lìn tốt nghiệp lớp mười thì Vơn cũng tốt nghiệp kế toán trung cấp. Lìn định thi vào đại học nhưng mẹ già ngày càng yếu, một mình bố Lìn không quản được gia đình. Hơn nữa ban quản trị hợp tác lại vận động Lìn ở lại làm kế toán trưởng cho hợp tác.
Vơn xin về công tác tại công trường thủy lợi Lũng Kít. Vơn luôn luôn tìm gặp Lìn nhưng Lìn vẫn hay lảng tránh. Cho nên hôm nay Vơn quyết định đến nhà Lìn bất ngờ và giữ Lìn lại để nói chuyện. Hai người ngồi ở cạnh bếp lửa, dưới bóng điện sáng trưng. Mặt đối mặt, mắt gặp mắt, nhưng cả hai đều buồn như chim không một cành cây để đậu. Vơn phải chủ động lên tiếng hỏi.
- Anh biết tại sao em lại xin về làm ở công trường thủy lợi này không? - Lìn đưa đôi mắt to, nhìn Vơn và trả lời không suy nghĩ. "Vơn xin về đây là để gần nhà cửa, gần bố mẹ, ai chẳng biết điều dễ hiểu ấy!" - Lìn nói dỗi, nói hờn. Vơn không khóc thành tiếng, nét mặt không biến đổi, hàm răng dưới cắn môi trên và nước mắt thành hột lăn trên hai gò má.
- Em không phải là hòn đá, người khác nói đau không biết gì! Em không phải là con khỉ vừa bị người ta đánh nhưng sau đó người ta lại đưa quả cho ăn lại vội làm lành. Em yêu anh, chung thủy với anh trong mấy năm qua... để hôm nay em nhận được sự quý trọng của anh!
- Nếu em yêu anh, yêu tròn như vành nón, yêu vuông vắn như tấm khăn thì em đã đấu tranh với bố em.
- Em đấu tranh không lại, em tranh cãi không qua, em mới bảo anh cùng đi báo cáo đoàn thể, ủy ban can thiệp, nhưng anh sợ trời sấm sét, đất không yên, bây giờ anh lại trách em! - Vơn nói những lời như dao chém vào cây.
- Bố anh không cho làm như thế! - Lìn nói nhát gừng.
Ké Kheng nghĩ trăm đường, trăm mối, ngủ không say lại nghe Lìn và Vơn cãi nhau bằng những câu nặng như những hòn đá tảng kê cột nhà, ké dậy đi xuống bếp. Vơn chào.
- Bác chưa ngủ ạ?
- Các con cãi nhau như thế thì ta ngủ làm sao được! Trời đất dựng đá, cá lội vực sâu ạ! - Ké Kheng cuốn một điếu thuốc lá to và hút những hơi dài. Khói thuốc chờn vờn che lấp trán cao như trán ngựa của ông. Ông hút những hơi rất mạnh nhưng hình như ông không nuốt khói. Ông lão nhả ra những làn khói dày đặc cuộn lên cuồn cuộn che lấp cả khuôn mặt to bè và rám nắng của lão. Ké Kheng vươn cổ dài như muốn thoát ra khỏi đám khói thuốc về phía Vơn và Lìn. Lão nói tiếp - Các con bảo đi báo cáo ủy ban, đoàn thể họ can thiệp! Ai cũng biết vậy, nhưng như thế đã thành kiện nhau rồi! Trời đất dựng đá cá lội vực sâu ạ! Người ta cưới rể lấy dâu là để kết nghĩa anh em... ai lại đi kiện nhau! Trời đất dựng đá ạ...! - Càng nói, ké Kheng càng vươn dài cái cổ về phía hai đứa như để sức thuyết phục trong những câu nói của lão mạnh hơn. Ông lão hạ thấp giọng tiếp - Tiền bạc rẻ như đất như cỏ, mặt mũi mới đáng giá ngàn vàng. Tao sẽ lo liệu... Tiền bạc ở hai bàn tay này mà ra tất cả - Ông lão xòe hai bàn tay to bè, thô tháp, đầy chai sạn ra trước mặt Vơn và Lìn - cái bàn tay bắt hàng vạn con cá của dòng Nặm Thoong.

*

Từ tháng chạp đến tháng ba ta là những tháng cá chép ở dòng Nặm Thoong vật đẻ. Người vùng Lũng Kít gọi những tháng đó là những tháng cá đẻ hay mùa cá vật.
Những đêm ấm trời hai bên bờ sông Nặm Thoong trở nên náo nức. Đầu đêm cá chưa vật đẻ, người ta ra bờ sông nói chuyện với nhau. Những chàng thanh niên thi nhau hát, lượn, làm âm vang cả hai bên bờ. Ven hai bờ những cái "vòn"(2) nổi lên trên mặt nước như những cái nấm xanh to. Bên những cái vòn là những cái lều dựng tạm che sương và một cái giường tre tạm bợ để nằm mà chờ cá vật đẻ. Những tháng cá vật đẻ, trời Lũng Kít có những đợt gió lạnh, cả đá cũng run! Những đợt lạnh ấy kéo dài độ mười ngày, sau đó rồi ấm dần, bừng nắng, mặt trời đỏ như một quả nhót chín mọng chễm chệ ngồi trên những chỏm núi nhọn hoắt bập bềnh trong sương lam chiều xa xa, đó là những đêm thường cá gáy vật đẻ. Mặt trời vừa khuất núi, trời đất còn sáng trưng nhưng cóc đã kêu ran hai bên bờ sông. Gió nam theo con sông đưa gió ấm áp, có vị ngọt của nước sông vào bản. Tất cả những điều đó mách bảo cho dân bản Lũng Kít biết: đêm nay nhất định cá chép vật đẻ. Người ta rủ nhau, nhắc nhở nhau sắm sửa, sửa sang lại chài lưới. Cả bản vui nhộn hẳn lên trong vụ cá đẻ. Nhưng người vui nhất hôm ấy có lẽ là ké Kheng. Vì thiếu tiền để cưới dâu, ké Kheng đã dấn thêm một bước trong sự can đảm của ông.
Tất cả những cái vực, trên, dưới thác Thuồng Luồng đều đầy những vòn cá vật, chỉ riêng vực Thuồng Luồng thì không ai dám làm vòn cá, chỉ có ké Kheng dám làm cái vòn ở cuối vực Thuồng Luồng - cách thác Thuồng Luồng đến trăm mét. Nhưng năm nay ké Kheng làm thêm cái vòn ngang dưới chân thác - chỗ mà cá chép vật đẻ đông đúc nhất, con to nhất.
Đêm nay ké Kheng ra vực Thuồng Luồng sớm hơn mọi người, với mục đích là kiểm tra lại mấy cái vòn ở vực Thuồng Luồng cẩn thận hơn. Vừa đi ông lão vừa nghĩ: "Đêm nay nhất định cá gáy vật đẻ. Mấy đêm, mỗi đêm chục cân cá chép cũng đã được vài trăm bạc. Ki cóp, thu vén từng hào, từng đồng... nhất định phải đón được con dâu Vơn năm nay!" Sắp ra đến thác Thuồng Luồng chân ông vấp phải một vật gì lạ. Ông lão ngồi xuống bật lửa xem: Một cái túi đeo vai căng phồng.
- Chà, cái gì thế này nhỉ? - Trời đất dựng đá... ạ... ông lão thì thầm và mở cái túi ra xem.
- Ôi, trời tiền! Tiền từng gói, từng buộc, mỗi tờ tiền còn mới tinh, nét giấy còn sắc nguyên, cứa cổ gà còn đứt! Trời đất dựng đá, cá lội vực sâu ạ! Còn đi mò cá vật làm gì! Tiền đây rồi, con dâu đây rồi! - Ông lão sung sướng như điên và quay về nhà. Nhưng mới quay về được mấy bước, ông lão tiếc đêm cá vật đẻ. Ông lão nghĩ: quay lại... úp được một con cá cũng là của mình làm ra. Còn tiền đây là của trời cho, đất trao... chẳng biết nó thế nào?
Ông lão ngồi trong cái lều dựng tạm sờ soạng đến các buộc tiền. Ông lão đếm được đúng mười lăm buộc. Rồi ông lão đếm cụ thể một buộc, ông lão thấy mỗi buộc chừng một vạn đồng! "Chà, có khi đến mười lăm vạn đồng là ít", ké Kheng thì thầm với mình: "Ké Toóng a... mày bảo lấy đủ hai nghìn đồng mới bán con gái của mày cho tao để làm dâu à? Bây giờ mày lấy hai vạn hay mười vạn tao đều có!" Ké Kheng lại lẩm bẩm thành tiếng. Ông lão sung sướng vì có thể ngay ngày mai ông lão đã đón được dâu. Ké Kheng cuộn một điếu thuốc lá to, hút những hơi dài và nuốt sâu. Ông lão nghĩ mông lung rất lâu. "Chà... nhưng tiền của ai đánh rơi nhiều thế vậy? Có lẽ chỉ là tiền của công trường. Nghĩ đến công trường thủy lợi Lũng Kít, lão lại vui mừng, xốn xang: sang năm cả mường này sẽ mãi mãi có nước làm ruộng, sẽ không còn phải đợi từng giọt nước của bố trời mẹ trời cho nữa.... rồi sẽ có nhà máy điện, điện sẽ sáng cả mường, mỗi nhà mấy bóng điện... chứ không phải chỉ có bản Lũng Kít thắp nhờ công trường mỗi nhà một bóng như hiện nay. Vậy thì ta lấy tiền công trường để.... thật không phải là con người! Trời đất dựng đá cá lội vực sâu ạ!" Ông lão nói một mình nhưng cái cổ vẫn vươn dài ra có vẻ như ông lão cố gắng cho lời nói mình tăng thêm sức mạnh để tự thuyết phục mình.
"Nếu không phải là tiền của công trường, thì cũng là tiền của một người nào đó đánh rơi! Ta lấy tiền này đi đón dâu? Ta cười nhưng người mất tiền sẽ khóc và nhảy xuống sông tự tử! Hây! Làm vậy thật không đáng là con người! Trời đất dựng đá ạ!". Ké Kheng tự nói thành lời. Ông lão cất túi tiền khỏi vai và vứt mạnh ra khỏi cái lều! "Hầy! Tiền này thật không phải tiền mình!"
Sao sáng nườm nợp giữa trời! Trời cao thật cao. Ngàn sao thi nhau đu võng dưới vực Thuồng Luồng. Gió nồm nam đã lặng, đêm đã vào sâu, mọi vật như chìm trong giấc ngủ. Chỉ có thác Thuồng Luồng muôn thuở vẫn thức và kêu gào, không một giây phút mỏi mệt!
Những con có diếc, cá cắt tày bắt đầu vật đẻ quanh những cái vòn nước bắn tóe lên, trắng như những bông "láp". Những loại cá diếc, cắt tày... vật đẻ là dấu hiệu báo cho những người đi rình cá chép vật đẻ rằng cá chép sắp đẻ đây! Ké Kheng sửa chài, ngồi xổm chờ cá đẻ, nhưng ông lão lại nhớ đến cái túi dết tiền... sợ mất. Ông lão lại lượng túi tiền khoác qua vai. Vừa khoác túi tiền vừa giương chài trực cá đẻ thật vướng nhưng cũng đành vậy. Ông lão nghĩ thế. Chẳng mấy chốc cá chép vật đẻ, đánh ầm ầm vào vòn ké Kheng như người ta tung từng tảng đá lớn xuống trước mặt. Ké Kheng vội vàng tung chài úp lên vòn: "Chắc chắn vớ mấy con to", ké nghĩ nhanh. Nhưng thật không ngờ, một mắt chài mắc vào cái cúc của túi tiền, kéo cái chài lại, nửa chài úp lên bờ. Ông lão tức giận chửi luôn miệng bằng cái câu quen miệng của lão - Cái câu nửa chửi nửa than - "trời đất dựng đá, cá lội vực sâu" ạ! "Chà... chà thật xúi quẩy hơn con chó đẻ bảy con". Bực mình ông lão cởi túi dết tiền, lẳng một phát lên tận rìa đường.
Mấy con cá diếc vật đẻ trước mặt, nước tóe lên làm mấy ông sao vỡ tan tác. Những đàn cóc xung quanh kêu điếc cả tai như trêu tức lão! Ké Kheng sợ người qua lại lấy mất túi tiền, ông lão lại mò lên dìa đường lấy lại túi tiền. Lần này ông lão không đeo vào người nữa mà vùi nó dưới rơm lót chỗ nằm trong lều. Ông lão vừa sửa sang chài; vừa lẩm bẩm chửi mình, chửi trời đất vì cái túi tiền làm ông lão hỏng mẻ cá! Nhưng bỗng "ầm". Sóng cuộn lên như trâu lăn xuống thác! "Cá gì mà vật đẻ nhanh thế!". Ông lão nghĩ nhanh - Ông lão mau lẹ giương chài úp xuống vòn, ông lão lột quần ném vào một góc lều lội xuống, vừa sờ tới chài đã thấy chài giật như trâu phá. Ông lão lột áo ném lên bờ lặn xuống nhưng ông lão vội lên bờ ngay và nói thành tiếng:
- Trời đất dựng đá, cá lội vực sâu ơi. Không phải cá! - Ông lão hoảng hốt - nhưng ông lão lại nghĩ: mau mau lên! Cứu... "Trời đất dựng đá ạ! Sợ cái quái gì! Phải cứu!" - Ông lão lấy lại bình tĩnh ôm tất cả lên bờ!
Người ở trong chài nôn tháo, bao nhiêu nước vừa mới sặc đầy bụng. Ông lão gỡ người đó ra khỏi chài và quờ quạng tìm bật lửa. Ông lão bật lửa lên nhìn thấy mặt nên mặt con Vơn, mũi nên mũi con Vơn. Ông lão hốt hoảng gọi:
- Cháu Vơn! Vơn! - Nhưng Vơn nằm lả đi như dọc hành hơ lửa!
- Ôi, làm sao... làm vậy! Trời đất dựng đá cá lội vực sâu ơi! - Ông lão vừa nói vừa vươn dài cái cổ nhìn vào mắt Vơn! Vơn vẫn nhắm nghiền mắt, hơi thở thoi thóp! Ông lão đưa Vơn về lán công trường. Y bác sĩ tất bật cứu chữa. Đồng chí và bạn bè ngơ ngác. Ai cũng bảo: Vơn vừa đi lĩnh tiền ngân hàng về, sao bỗng chốc lại nhảy xuống sông!
Đến gần sáng Vơn tỉnh lại, kêu gào như một kẻ điên loạn.
- Tôi đã chết! Chết rồ... ồi... - Vơn vừa gào vừa chạy ra cửa như lại đi nhảy xuống sống tự tử! Quần áo tả tơi! Đầu tóc rũ ra như một cái tổ quạ! Phải đến ba người bạn gái khỏe mạnh mới giữ nổi Vơn.
Bố mẹ Vơn đến thăm Vơn. Vơn chỉ giương đôi mắt nhìn bố mẹ như một đứa trẻ nhìn kẻ xa lạ. Bố mẹ hỏi mười câu, hai mươi câu... Một trăm câu Vơn đều không thưa, Vơn cũng chẳng khóc!
Lìn bước vào, Vơn vùng đứng dậy, chạy ra đến tận cửa ôm chầm lấy Lìn và gục đầu vào vai Lìn khóc như cơn mưa đã bị hạn lâu ngày, khóc thành tiếng thành câu, than như mẹ chết cha mất. Mọi người càng ngơ ngác hơn nữa.
- Anh Lìn ơi, anh Lìn à! Em sẽ lìa nhà! Em sẽ xa anh! Em không ở với anh được nữa... anh Lìn à, anh Lìn ơi! - Mọi người dựng tai, mọc gai mắt.
Ké Kheng cũng vừa đến, ông lão vươn dài cái cổ về phía hai đứa:
- Trời đất dựng đá cá lội vực sâu ơi! Tại sao cháu Vơn lại thế này hả! Tại sao hả, chú Vơn, thím Vơn? Tại sao hả, trời đất dựng đá?
- Không tại sao cả bác ạ! Chỉ tại bố cháu tham tiền, bác không đủ tiền để đón cháu làm dâu. Thế mà cháu lại... - Vơn nhắm mắt, xịu xuống. Lìn dìu Vơn vào giường nằm!
Ké Kheng cởi cái túi dết to tướng khoác ở vai, đưa cả cái túi cho ké Toóng. Ông già vươn dài cái cổ về phía hai vợ chồng ké Toóng và nói câu ra câu rõ ràng.
- Ké Toóng à, giờ tao không chỉ có hai nghìn đưa cho mày để rước dâu mà hai vạn tao còn có! - Nói vậy rồi ông lão cầm lấy cái túi tiền trên tay ké Toóng mở bật nắp ra. Ông lão lôi ra từng bọc tiền, dí vào tận mắt ké Toóng nói tiếp - Mày thấy cái này là cái gì chưa? Mày đã thấy chưa? Ké Toóng mở to đôi mắt thao láo nhìn như dính cả cặp mắt vào từng bọc tiền. Miệng lão há hốc và tròn như ống bương muốn nuốt cả từng tập tiền... - Hai vạn tao còn có, đây là tiền tao được của rơi! Của rơi vào lửa cũng như của trôi sông, tao bắt được thì tao quyết lấy, tao có quyền tiêu! Vơn mở mắt trừng trừng nhìn vào túi tiền trên tay của bố chồng - nhưng tao không làm thế! Tao không cần cái của "trời cho đất biếu" này để cưới con dâu! Tao đem nộp cho ủy ban... Để trả lại cho người mất, một xu tao cũng không lấy của người ta, ké Toóng ạ! - Ké Kheng vừa nói vừa vươn dài cái cổ về phía vợ chồng ké Toóng, mắt ké nhìn hai vợ chồng ké Toóng không biết chớp, nói một thôi dài. Còn ké Toóng thì chỉ biết há hốc mồm, hết nhìn ké Kheng lại nhìn những bọc tiền: lão nuốt nước bọt ừng ực! Ké Kheng cầm như giật lấy túi tiền trong tay ké Toóng rồi nói:
- Mày đưa đây cho tao, tao đi lên xã nộp bây giờ! - Ông lão khoác túi tiền vào vai, bước ra cửa một cách dứt khoát, bước những bước dài như chạy! Vơn vùng dậy chạy theo ké Kheng và kêu như sắp vỡ cả cuống họng.
- Bác Kheng ơi! Bố ơi... Túi tiền ấy, túi tiền của con, bố cho con xin lại... Hôm qua con đánh rơi!...
Ké Kheng quay lại, vươn cái cổ dài hết nấc, hết cỡ nhìn Vơn.
- Trời đất dựng đá, cá lội vực sâu ạ! Lại có chuyện như thế nữa! à, có phải con đánh rơi tiền rồi đi nhảy xuống thác Thuồng Luồng tự tử phải không? Có thế nào thì bảo bố mẹ nếu không thì bảo bác chứ!
Vơn đỏ mặt gay gắt:
- Không phải con tự tử đâu! Hôm qua con đi lĩnh tiền về tối! Về đến thác Thuồng Luồng con còn thấy túi tiền buộc sau xe. Nhưng về đến nhà thì thấy mất tiền. Con nghĩ là có thể khi con vác xe nhảy mạnh qua thác, tiền rơi xuống thác Thuồng Luồng. Con ra thác rờ rẫm những khe đá... may ra thấy... con nhỡ chân rơi xuống thác! Nhưng... mất ngần này của công trường con còn sống làm gì! Con cám ơn bác... cám ơn bố lắm! Bố cho con xin.
Ké Kheng vừa đưa túi tiền cho Vơn vừa nói:
- Con hãy cảm ơn Đảng và Chính phủ đã cho bố trở thành con người thực sự "coi tiền bạc như cỏ như đất - cái mặt cái mũi đáng giá ngàn vàng"! Bố giao con số tiền này để trả lại công trường. Công trường sẽ xây con đập lớn qua thác Thuồng Luồng và con đập sẽ thành con đường lớn. Con cháu chúng ta... những con người Lũng Kít sẽ đời đời kiếp kiếp về sau không phải đếm từng bước chân nhảy qua thác Thuồng Luồng nguy hiểm nữa.
Ké Toóng cúi đầu bước từng bước chân về nhà. Trong từng khúc ruột của lão đầy ắp những sự xấu hổ và ân hận.
Thưa bạn đọc, trên đây là câu chuyện hoàn toàn có thật mới xảy ra hôm qua ở cái bản Lũng Kít nhỏ bé của tôi.
1977
(1) Danh từ thách cưới.
(2)Cọc tre, đầu cọc giắt rơm rạ... Đó là chỗ cá vật, úp chài bắt cá.

Xem Tiếp: ----