Con Vàng ở với vợ chồng Mai đã lâu lắm. Bao nhiêu năm thì cả hai vợ chồng đều nhớ không đích xác vì dạo này đầu óc họ đầy ắp những con số, những phép tính hơn thua. Chỉ biết từ ngày nuôi con Vàng thì cuộc đời họ đã có bao sự đổi thay. Đổi công việc, đổi nhà, đổi cả bộ mặt và cả tên nữa. Thực ra, khi chị ta đang làm chân phụ giữ kho thì tên là Mại, nhưng từ ngày được lòng thủ trưởng, lên làm ở văn phòng thì cái dấu “nặng''(.) bị cắt bớt đi. Nay chị đã 1à kế toán trưởng của một xí nghiệp. Chỗ ở thì từ một gian chái đầu cửa hàng, nay đã biến thành cái nhà đúc mái bằng, sắt “'chờ” chuẩn bị xây tầng hai dựng lên tua tủa. Còn mặt mũi cũng như áo quần thì thật khó kể hết sự đổi thay. Gần đây thì nhờ “thẩm mỹ viện” và đang tuổi hồi xuân, nên đôi mắt dưới hàng lông mi dài cứ lóng la lóng lánh và đôi má, cặp môi, dù chưa kịp phấn son, trông cũng khá ngon lành. Anh chồng cũng có tên, nhưng lệ thuộc vợ, lại vắng nhà mấy năm đi làm thuê ở nước ngoài, nên nhiều khi mang luôn tên vợ. Con Vàng ấy do bố con anh xin ở nhà một anh bạn. Hồi đó, gia đình anh đang ở cái chái nhà chật chội và cu Tiến, đứa con trai đầu lòng mới lên 7 tuổi. Nếu kể cho thật đầy đủ thì thoạt đầu, bố con anh mang về con chó khoang, nhưng đến chiều, cô vợ đi làm về, vừa đưa mắt liếc nhìn dưới cái đuôi con chó con đã ''xì'' một tiếng rồi bảo: ''Thôi thôi! Nuôi chó cái rồi đến kỳ... chó đực kéo đến cắn nhau, ghếch chân đái khắp quanh nhà, không chịu nổi đâu!”. Thế là bố con anh liền mang nó đi đổi một con đực có bộ lông vàng êm mịn như nhung. Kể từ ấy, con Vàng gắn bó với gia đình chị Mai. Từng bữa ăn đều nhớ đến phần nó, nhiều bữa dự ''liên hoan'', chị chẳng ngại gói xương về làm ''quà'' cho nó. Còn Vàng, mỗi sáng, mỗi chiều, bịn rịn tiễn chủ ra đi và mừng rỡ xoắn xuýt vẫy đuôi đón chủ về; đêm khuya hay khi nhà vắng người thì đừng hòng có kẻ lạ nào đến được bên cánh cửa. Vậy đó! Thế mà rồi bỗng có một ngày... Cũng không hẳn, trước đó một thời gian, chị Mai dò biết được một ''công ty liên doanh'' đang khuyết chân trưởng phòng vật tư trong khi anh chồng lệ thuộc vợ mãi cũng nhục, nhăm nhe ứng cử vào cái chức vụ béo bở ấy; đợi khi cu Tiến đã ngủ, anh chồng dè dặt hỏi: - Thế nào? Việc ấy có tin tức gì không? - Ối dà! Keo như anh thì nằm đó mà hóng! - Thì mình đã biếu lão bộ đèn chùm đáng giá mấy trăm ''đô'' chứ ít ỏi gì! - Anh tưởng thế là đậm à? Nói cho mà biết, có tay sẵn sàng cúng cả chiếc ''cúp đập hộp'' đấy! Anh chồng thở dài, nằm lặng. Một lát, cô vợ khẽ khàng cắt lời, vẻ bàng quan, như là nói chuyện của ai vậy: - Nhưng những thứ ấy lão ta muốn khi nào chẳng được. Có khi biết chiều chuộng có tình cảm lại ''ăn''. Ngoài nhà, con Vàng bỗng chồm lên ''gâu gâu'' gay gắt. Hẳn là một tên trộm đang rình mò đã bị phát hiện. Anh chồng như cũng ''đánh hơi'' thấy ''mùi vị'' khác lạ trong câu nói của vợ, liền giật giọng hỏi: - Sao cô biết tỏ tường thế? Cô vợ khẽ nhếch môi cười, tỏ vẻ bất cần và khinh đời: - Hừ! Chưa chi đã... Thế thì tự lo lấy, từ nay đừng có hỏi “tin tức'' gì nữa nghe chưa. Anh chồng đắng họng, nằm im chốc lát rồi thở dài đánh sượt: - Thôi, cô muốn làm sao thì làm, nhưng đừng có... Chậc! Câu cuối, anh chồng nói nhỏ lướt đi rồi chép miệng, vừa tỏ ý ngao ngán cho cái sự đời, vừa muốn nói: ''Thôi, thì cũng đành...''. Anh đã thoáng biết cô vợ rồi sẽ làm gì, nhưng ngẫm ra, ở đời, cái gì cũng có cái giá của nó!... Thế rồi, một ngày, anh chồng đi vắng, con đi học, lão giám đốc công ty liên doanh nọ mò đến. Con Vàng lại sủa giật lên, nhưng bị bà chủ mắng, liền chui vào nhà. Tuy vậy, nó vẫn cảnh giác, khẽ ''gừ gừ” ngó ra. Vị khách này có đôi mắt gian lắm, vừa bước vào cổng đã liếc ngang liếc dọc, rồi chỉ tay lên mái bằng, cất giọng như ông chủ: - Sắt ''chờ'' để thế gỉ hết, nâng tầng đi, anh sẽ giúp! Con Vàng không hiểu vị khách nói gì, nhưng nó lại biết trên ấy có một khoảng trống đầu cầu thang, tháng trước kẻ gian sắp chui được xuống nhà thì bị Vàng ta phát hiện, phải tháo thân suýt ngã gãy giò. Lần ấy, bà chủ đi ''liên hoan” về đã thưởng cho Vàng một bọc đầy những cánh gà, đầu gà, nhai rau ráu thật ngon. Còn hôm nay?... Vị khách không chui từ lỗ trống trên đầu cầu thang xuống mà ''leo thang'' rất nhanh. Vùa vào cửa, lão đã khoác đôi bờ vai trần khêu gợi của bà chủ rồi đẩy luôn bà vào buồng trong. Đây là nơi cẩn mật, cậu Tiến cũng ít khi dám bước chân vào. Thế mà... ''Phải bám sát!'' Vàng như tự nhủ vậy rồi ém mình luồn nhanh xuống dưới giường. Nó sẵn sàng bảo vệ bà chủ, nhưng chưa dám động cựa gì vì bà ta và vị khách cứ đứng ôm riết lấy nhau giữa phòng. Bỗng vị khách lột váy áo bà chủ, rồi như cắn vào ngực bà, làm bà rên lên. Vàng chuẩn bị tư thế chồm ra, lắng tai chờ hiệu lệnh bà chủ như mỗi khi bà muốn khiến Vàng đuổi gà, bắt chuột. Quả nhiên, khi vị khách vật bà chủ lên giường thì bà kêu lên: ''Kìa anh...ư ừ...'' Làm sao Vàng hiểu được bà kêu lên vì sung sướng hay là kêu cứu, nhưng rõ ràng bà chủ của Vàng sắp bị người ta bắt trộm. Lập tức, Vàng xông ra đớp một phát thật lực vào cổ chân vị khách. Thế là tan cuộc. Vị khách co giò tót lên giường, ôm cổ chân rỉ máu kêu rên. Vàng đang định chồm theo đớp một phát nữa vào bên chân chưa kịp tháo giày cho cân, không ngờ bà chủ chẳng động viên khen thưởng thì chớ, lại nổi khùng vớ chiếc gối ném vào đầu Vàng kèm tiếng thét: - Cút! Đồ ngu như chó? Sau đó, khi vị khách tháo thân với cổ chân bị trọng thương mà chưa nên cơm cháo gì, bà chủ còn hùng hổ vác gậy nện cho Vàng mấy cú nữa. Vàng chỉ biết cụp đuôi, oằn lưng kêu ăng ẳng đau đớn với thân phận con chó trung thành khi người chủ đã là kẻ phản bội. Liệu cậu Tiến và ông chủ về, có giải oan được cho Vàng không...? Nào ngờ... Phải, sự đời nào ai học hết chữ ngờ. Chiều, hình như ông chủ đi đâu khá xa về với bộ mặt mệt mỏi thì bà chủ biết thế nào cũng lộ chuyện, bèn chủ động nói trước: - Hỏng chuyện rồi! Hôm nay em mời được ông ấy đến đây... - Ai? Chuyện gì? - Thì chuyện của anh chứ còn chuyện gì nữa. Chưa kịp bàn bạc gì thì con Vàng trở chứng cắn cho ông ấy một miếng, sáu vết răng sâu hoắm. - Hừ! - Anh chồng ''gừ'' lên một tiếng, cặp mắt vằn những tia máu đỏ trừng lên nhìn vợ rồi chiếu xuống con Vàng đang khẽ vẫy đuôi bên chân anh như đợi một cử chỉ bênh vực của ông chủ. Nó đâu có biết ông chủ đang đau đầu với bao ý nghĩ chồng chéo lên nhau. “Hừ! Đáng đời con chó dái! Sáu răng... Đếm kỹ thế!... Thế là hỏng! Vợ hỏng mà chức vị ngon lành cũng hỏng!...'' Bao nhiêu ý nghĩ dồn thành một tiếng kêu và một cú đạp: - Chó thật! Con Vàng bật văng ra đến hơn mét, cụp đuôi kêu ăng ẳng. Hình như khi chửi mắng và vung chân đạp, ông chủ không nhằm vào con Vàng mà muốn tỏ thái độ khinh bỉ, căm giận những kẻ chó má và cái sự việc chó má nọ. Nay thì cái tiếng ăng ẳng khó chịu nhắc ông chính nó là thủ phạm làm hỏng việc lớn. Ông gằn lên: - Tao tống mày đi hàng thịt cầy bây giờ! Từ nãy, mụ vợ im thit thít dõi thái độ chồng, nay điều chồng nói ra trúng cái ý mụ đã thoáng nghĩ, bèn hưởng ứng: - Anh nói phải đó. Tống nó đi, chứ nó quen cắn người thì rầy rà lắm. - Cô muốn làm sao tùy cô!... Anh chồng bực mình nói buông vậy rồi vào nhà tắm vặn nước ào ào. Lát sau, chị Mai ra chợ xép đầu phố thông báo với chủ hiệu ''cầy tơ'' quyết định kết thúc đời con Vàng. Ngày mai, biết tin kẻ phá đám gây tai họa đã bị trừng trị, hăn lão giám đốc vừa bị tuột miếng ăn vụng bấy lâu khao khát cũng bớt phần tức giận. Và khi ấy, mọi sự lại có thể tiếp tục... Như người ta thường nói: ''Chó chết hết chuyện''. Nhưng lại có điều bất ngờ. Con Vàng bị buộc mõm, trói giật cánh khuỷu, giàn giụa nước mắt, oằn oại trên pọoc- ba- ga chiếc xe lão chủ hàng thịt cầy, ra khỏi nhà chị Mai chưa lâu thì Tiến đi học về. Đã thành một thanh niên, mặt đầy trứng cá, Tiến vẫn hay chơi với Vàng như hồi còn nhỏ. Không thấy Vàng ra đón, Tiến linh cảm có điều bất thường, giật giọng hỏi: - Mẹ ơi! Con Vàng đâu rồi? - Nó cắn người, nên bố tống nó lên quầy hàng lão Tư rồi. Tiến vặn hỏi một vài câu, đến khi chị Mai đâm bực gắt lên thì cậu chàng lẳng lặng dắt xe đạp ra ngõ. Tiến đến quầy hàng lão Tư. May là Vàng mới bị ném vào xó nhà, chưa đến phiên hóa kiếp. Tiến nằn nì xin buông tha cho Vàng. Lão Tư cười hề hề: - Cũng được thôi. Nhưng cậu lấy tiền đâu mà chuộc? Phải trả cả công tôi đi bắt và đền bù cho quầy hàng tôi thất thu vì ngày mai không có thịt bán. Tiến thất vọng, khẽ quay ghi-đông xe, nhưng con Vàng nhận ra người bạn thân nhất của nó, quẫy mình rên ư ử, khiến Tiến quyết tìm cách cứu Vàng bằng được. Cậu quay người, cặp mắt loé sáng, lộ vẻ kiên quyết: - Xin bác đừng thịt vội! Một tiếng nữa, cháu quay lại, nộp đủ tiền cho bác! Tiến đã tính: cậu có một số tiền dự tính tổ chức sinh nhật lần thứ 16, rồi mượn thêm bạn bè, thiếu nữa thì xin bà nội. Phải, thế nào bà nội cũng cho và sẽ đem Vàng lánh nạn ở nhà bà một thời gian. Tiến thực hiện đúng như dự tính. Có khác một chút là có lẽ xúc động trước tình cảm của cậu đối với con Vàng, lão Tư đã bớt cho cậu khoản tiền đền bù và cho con Vàng nửa bát bún khách bỏ thừa, trước khi Tiến dắt con Vàng đi. Nhưng con Vàng đâu có thèm miếng ăn lúc này. Nó cứ nép sát chân cậu chủ, như có ý giục cậu mau mau đưa nó thoát khỏi cửa tử này. Khắp thân mình nó và cả cậu chủ nữa, đang run lên vì đói, xen lẫn hồi hộp và mừng rỡ trước hy vọng một sự giải thoát... Trưa hôm sau, chị Mai đi làm về, đưa mắt xem chừng phản ứng của chồng, rồi dè dặt nói: - Đáng lẽ mình phải giữ con Vàng lại... - Sao? Cô nói gì? - Thì sáng nay ông ấy đến chỗ tiêm phòng dại, họ bảo phải theo dõi con chó trong khoảng mươi ngày để biết nó có bị bệnh không... Lão Tư thịt nó rồi thì làm sao bây giờ?... Nghe nói phải tiêm vào bụng đau lắm!... - Hừ! Lo lắng cho người ta thế kia à? Tiêm vào bụng hay vào tim, vào óc nó thì cũng kệ xác nó. Thừa hơi lo cho bọn chó má. Rồi kiếm đâu ra con chó tinh khôn như con Vàng. Chỉ có tôi là dại, vừa dạ vừa ngu! Không phát dại thì anh chồng như đã nổi điên, cao giọng gào lên khiến chị Mai hoảng hốt ngăn lại: - Kìa, anh!... Chị dừng lại đột ngột vì ngoài cổng, Tiến đạp xe đi trước, con Vành cúc cung chạy theo sau. Hồi sáng, Tiến đành phải bịa chuyện đi lao động và sẽ đến nhà bà nội ăn cơm trưa, cốt để có thì giờ an ủi Vàng trong những ngày đầu bí mật “sơ tán”. Nhưng sau bữa ăn, Tiến về nhà chuẩn bị đi học thì con Vàng cứ nhất thiết bám theo. Từ trong nhà nhìn ra, chị Mai như hoa mắt, nằm mơ, thảng thốt: - Trời! Hình như con Vàng... Hay là ma... Con Vàng đã nghe tiếng bà chủ. Nó không vẫy đuôi xoắn xuýt chạy vào, mà ngược lại, nó dừng bước bên cổng, cặp mắt phóng ra tia nhìn đầy vẻ nghi ngại. “Trừ cậu Tiến, liệu ta đã có thể tin những người chủ trong căn nhà này chưa?...” (Theo Kiến thức ngày nay Xuân 2006)