Bà giáo Vịn nằm bất động nơi chiếc giường đơn. Ðôi bàn tay gầy khẳng khiu xếp chồng đặt ngay ngắn trên bụng. Mái tóc xám bạc xõa ra trên gối đã ngả mầu dưa muối. Khuôn mặt bà trắng bợt, mòn mỏi. Chỉ riêng đôi môi khô hơi nhếch lên nhưng muốn nói điều gì mà không nói được.
Mới đêm qua, đứa cháu nội ông Vưng còn sang giúp bà trẻ thắp hương cúng ông trẻ nhân ngày tuần. Hai bà cháu còn ríu rít chuyện trò với nhau tới tận lúc đài nổi nhạc đọc truyện đêm khuya nó mới xin phép bà để về học bài. Lúc đưa cháu ra cổng bà còn bảo: "Sáng mai qua đây sớm bà để dành cho đĩa xôi phần lộc cúng ông ăn lót dạ rồi đi học cho đỡ đói bụng".
Bây giờ thì bà đã đi xa, xa lắm rồi!
Ông Vưng ôm chặt lấy đầu em gái lay gọi:
- Em ơi!... em đi mà không nói với anh một lời...
Mặt người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi như đất khô gặp nước muốn vỡ vụn ra. Việc em gái ông bị bệnh tim chẳng thể sống lâu là điều gia đình đã biết trước nhưng sao lại là lúc này. Ông cầu mong trời phật cho em mình được đến tuổi lục tuần gia đình sẽ làm lão cho bà trẻ, mà sao...
Ông Vưng lấy ra từ trong tủ bộ quần áo lụa trắng mới tinh, được gấp là cẩn thận đưa cho vợ:
- Mình thay cho cô ấy. Nhớ bảo bọn trẻ lấy kem, lấy phấn trang điểm cho bà.
Ðợi mọi người làm xong việc, ông Vưng mới vào buồng. Chiếc giường gỗ xoan mét hai bà Vịn thường nằm không còn khô khốc nữa. Trên nền chiếu cũ là thon thả một thân hình thiếu nữ trong bộ đồ lụa trắng, khuôn mặt như có nắng khẽ hửng lên với cặp môi chớm đỏ. Nhìn em hồi lâu, ông Vưng khẽ lắc đầu rồi ôm mặt. Mọi người nghe tiếng ông nức lên mà ai cũng thấy gan ruột mình như bị thắt lại.
Cả làng xúm vào lo tang lễ cho bà giáo Vịn. Trước lúc nắp ván thiên đậy lại, ông Vưng đứng trước bàn thờ có thờ ảnh một người chiến sĩ trẻ vái lạy ba vái rồi lấy từ trên ấy xuống một chiếc bi-đông cũ trong đựng đầy nước và chiếc hộp gỗ sơn đỏ trong đựng đầy đất ra đầu ngõ, mặt hướng về phía nam cất tiếng gọi:
- Ba hồn bảy vía chú Thống ở đâu, sống khôn, thác thiêng, gần bay la, xa bay bổng mà về với cô Vịn nhá!
Lời cắt da cắt thịt ấy được cất lên ba lần. Sau đó ông Vưng lẳng lặng đi vào nhà đặt bình nước và hộp đất vào lòng áo quan nức nở:
- Vịn ơi, em đi cho mát mẻ. Cầu xin cho em và chú ấy được đoàn tụ nơi chín suối.
Nắp áo quan đậy lại. Một kiếp người đã xong công nợ với cuộc đời. Những ngọn nến đỏ lắt lay. Mùi hương trầm ngào ngạt. Tất cả như nhòa lẫn vào nhau giữa nơi gửi và chốn về...
Bố mẹ sinh chín lần chỉ đậu được hai con. Những anh chị đầu đều chết yểu, mãi sau mới được Vưng, lại mãi sau nữa mới có Vịn. Lúc nghén Vịn, mẹ đau yếu luôn, đi đâu cũng phải nhờ người dắt hoặc chống gậy, nên khi mẹ sinh gái, bố lấy tên Vịn đặt cho con. Vịn hay ăn chóng lớn. Vịn là lộc trời ban cho bố mẹ. Ðến tuổi dậy thì, cô thuộc loại xinh nhất làng.
Vào tuổi lấy chồng, nhà Vịn không tối nào là không có trai làng đến chơi. Mẹ không dám ngủ sớm. Nhiều đêm bà phải e hèm đuổi khéo khách, hoặc nhắc nhở con gái về giờ giấc. Rồi khách cũng quen và vơi dần khi người lọt vào tầm ngắm của cô không ai khác ngoài anh chàng nhút nhát con ông đồ nghèo nhà ở cuối làng.
Anh là người không dám đến nhà Vịn chơi, chỉ lảng vảng qua cổng nhìn trộm vào. Anh tên Thống, bạn học cùng trường nhưng trên Vịn hai lớp. Họ biết nhau từ lâu nhưng thật sự quen nhau là do hôm mưa lội. Ðường đến trường có một quãng trũng dài chừng trăm mét. Học trò nam đến chỗ lội, cởi quần dài lội ào qua cho kịp giờ vào lớp. Hôm ấy Vịn đi muộn, cả Thống cũng đi muộn. Vịn đứng nhìn quãng đường ngập khóc thút thít. Thống đang định cởi quần lội qua, nghe tiếng Vịn khóc vội dừng lại. Chẳng hỏi chẳng rằng, Thống vào nhà bên mượn cái thúng sơn to. Thống đội thúng lên đầu lặc lè ra đặt lên mặt nước rồi bảo Vịn:
- Ấy ngồi lên thúng tớ đẩy qua cho không muộn học.
- Còn anh?
- Ôi dào... Không sao. Nhanh lên...
Khi Vịn ngồi lọt thỏm vào chiếc thúng sơn rồi, Thống cứ quần dài như thế lội ào xuống nước đẩy thúng. Tới bờ bên kia Thống bảo Vịn:
- Ấy chạy nhanh lên cho kịp giờ học!
- Còn anh?
- Ôi dào... Không sao!
Hôm ấy, sau lúc lội quay trả thúng, khi đến trường học Thống bị muộn mất hơn một giờ. Trưa, Thống phải ở lại làm bản kiểm điểm đến đầu giờ chiều mới được về, đói quắt bụng. Vịn biết chuyện, đứng đợi Thống ở ngay cổng làng. Lúc Thống vừa nhễ nhại bước đến, Vịn len lén nhìn rồi ấp úng hỏi:
- Anh bị phạt à?
- Ôi dào... Không sao!
Hình như Thống nghiện câu "Ôi dào... Không sao" khiến Vịn bật cười. Thống nhíu mày:
- Ấy cười cái gì?
- Không...
Biết là Thống tự ái, Vịn dịu giọng hỏi:
- Anh có đói không?
-...
- Em bảo cái này...
- Gì...?
- Xòe tay ra...
- Không!
Vịn lấy từ trong túi sách của mình ra củ khoai luộc to bằng cổ tay giúi vội vào túi áo Thống rồi bỏ chạy. Ðược một quãng xa cô mới quay lại nhìn. Lúc ấy Thống đã thành một chàng thộn đứng ngây ra với củ khoai vỏ tím đang nằm trên tay.
- Anh ăn đi cho đỡ đói, em về trước đây!
Rồi đến chuyện này. Vịn nghe mấy đứa bạn mách không ngày nào là Thống không qua nhà Vịn vài lần. Lần nào anh chàng cũng đánh mắt nhìn vào. Hễ thoáng thấy trong nhà có bóng người là bỏ chạy. Biết chuyện, Vịn chủ tâm rình. Lúc thấy Thống đang lơ ngơ đi qua Vịn ào ra chặn đường:
- Sao không vào nhà?
- Ðông quá sợ không đủ thời gian để tiếp.
- Khinh nhau thế...
- Ấy là tôi nói tôi...
Vịn bĩu môi:
- Dối!
- Thật mà...
- Nhỡ người ta lại muốn tiếp người không muốn đến thì sao?
Thế là hai người yêu nhau, Vịn chủ động hôn người yêu trước. Thống bật cười, mặt nóng ran:
- Thế nào ấy nhỉ?
Rồi Thống đi học đại học. Vịn vào sư phạm tỉnh. Ngày Vịn ra làm cô giáo, Thống vẫn đang học năm cuối. Ðùng một cái Thống từ trường về nhà, mang theo cả đồ đạc cá nhân. Tối ấy hai người hẹn nhau ở cái quán ngói giữa đồng.
Thống bảo Vịn:
- Anh đi bộ đội Vịn ạ. Lính sinh viên hầu hết đã vào chiến trường.
- Sao đột ngột thế?
- Thời chiến mà em.
Vịn lặng người. Nước mắt cô ứa ra rồi chảy tràn trên má:
- Bao giờ anh đi?
- Chiều ngày kia phải có mặt ở đơn vị.
Bất ngờ Vịn ôm chầm lấy Thống, tiếng khóc bật ra cùng tiếng nấc:
- Anh Thống...
- Gì thế em?
- Em sợ!
Người Vịn run rẩy, oặt mềm. Cô lả đi trong vòng tay Thống.
- Hay là...
- Anh bảo gì?
- Mai hai đứa mình lên xã xin đăng ký kết hôn?
- Em sợ không kịp.
Họ im lặng. Chỉ có gió đồng bốn chung quanh lành lạnh và hơi người rừng rực bên nhau. Lát sau, Vịn cầm lấy bàn tay của Thống đặt lên vầng ngực đang như sóng dồn của mình:
- Em xin làm vợ anh trước, được không?
Ðôi bầu vú trinh nguyên của Vịn chợt cồn lên khi tay Thống chạm vào. Một cảm giác mơn man như gió đẩy khiến Vịn ngả lưng nhè nhẹ trên nền quán. Thống vùi mặt vào ngực Vịn. Vịn nhận ra làn nước mắt nóng hổi của Thống như đang rải than rải lửa trên ngực mình.
- Vịn ơi, anh thương em, thương lắm...
Thống nói trong dồn nén rồi anh ngồi bật dậy...
- Anh...
Thống nâng Vịn lên rồi ôm riết lấy cô vào mình. Trong bóng tối lờ mờ Vịn chỉ nhìn thấy đầu Thống lắc lắc. Hôm sau nữa, tiễn Thống ra bến xe cô chỉ nhận được cái nhìn như chạm khắc của anh và mảnh giấy nhỏ gấp vuông có ghi run rẩy mấy chữ: "Anh không thể... Chúng mình chưa được phép... Chờ ngày chiến thắng... Thương em vô cùng!". Ðây là những lời cuối cùng Vịn đọc được của người yêu trước khi anh ra trận.
Chiến tranh là bom đạn. Vịn đã quen nghe tiếng máy bay giặc rít trên đầu. Ngón tay trỏ của cô từng xiết cò súng nhả đạn lên trời. Bàn chân Vịn từng chạy qua khói bom bắt lũ trẻ xuống hầm. Mắt cô từng nhìn thấy máu chảy trên những thi thể vô tội bị mảnh bom cắn xé. Chiến tranh chẳng còn gì xa lạ khi mỗi ngày nó dữ dội hơn trên những trang tin của nhiều đài báo. Là cô giáo, Vịn từng dạy các em chịu đựng và cảnh giác. Cô như là tất cả của các em mỗi khi chúng cần được nâng giấc che chở. Vịn đã tận tâm sống cho cái cộng đồng mấy chục đứa trẻ đội mũ rơm ở ngôi trường sơ tán ấy không một mảy may tính toán. Có các em bên cạnh Vịn như quên tất cả. Cô sợ nhất là những lúc một mình. Thời khắc ấy chỉ có Vịn với tất cả. Lúc ấy cô nhỏ nhoi, yếu đuối, cả lạc lõng nữa. Chiếc giường cá nhân quá rộng so với tuổi hai mươi của người đang yêu. Hình tượng đàn ông duy nhất lúc này chỉ có Thống. Nhắm mắt là có anh. Chợt nghĩ là có anh. Cô không có được một đêm ngủ liền mạch. Giữa mê và tỉnh là sự trống vắng đến ghê người. Lúc ấy Vịn thường ngồi dậy, dựa mình vào vách đất, cắn đến xơ xác một góc chăn. Có lúc cô còn ví mình như con chuột nhắt bé nhỏ chỉ chờ đêm xuống để gặm nhấm những ký ức yếu đuối mà không muốn một ai biết sự yếu đuối ấy. Con người lúc đó phải biết giấu cái phần người rất thực của mình đi vì một lẽ sống chung của mọi người. Vịn luôn nghĩ thế. Nhưng rồi cái phần bản năng thật thà của cô đã không kìm được sự yếu đuối khi nghe tin Thống hy sinh, người đưa tin chỉ nói anh hy sinh ở Quảng Trị. Lúc ấy mùa hè nóng bỏng của miền quê cát trắng đã đi qua để chỉ còn lại cái tái tê của những cơn gió lạnh lùa về qua liếp nứa nơi mái trường sơ tán của Vịn. Cô đóng băng như phiến đá, rồi oặt xuống như ngọn cây non mới trồng gặp nắng. Khi cô giáo hiệu phó kiêm thư ký công đoàn trường, người có chồng vừa hy sinh trên mặt trận Ðường 9 đến thăm, Vịn mới bình tâm lại phần nào. Nỗi đau an ủi nỗi đau, còn gì hiệu nghiệm hơn thế.
Thời gian chầm chậm đi qua đời Vịn. Nỗi đau mất người thân như vết dằm ẩn sâu trong cơ thể thỉnh thoảng lại nhói lên. Giá như Vịn được làm vợ anh đêm ấy. Giá như anh đừng lảng tránh. Nhưng rồi dòng chữ "anh không thể" mà Thống viết vội cho Vịn như những đường cày sắc lẻm cứ thuôn thuốt hằn qua. Làm sao có thể quên anh được khi mà quãng đường lội hôm nào vẫn bì bõm từng vết chân cô bé Vịn. Lại còn củ khoai luộc với câu nói "ôi dào... không sao". Và đôi bàn tay của anh trên da thịt Vịn... Nhưng rồi, chỉ có thế! Anh không thể...! Thống của em ơi, lẽ nào!
Thời gian bàng bạc trôi qua trên mái tóc đã bắt đầu xơ cứng của Vịn. Nhiều trai tráng tìm cách ướm hỏi, cô chỉ cúi mặt, lặng câm. Anh Vưng xót em nói thật:
- Dù sao thì chú ấy cũng mất rồi, nước mình đâu phải chỉ mình cô và chú ấy có cảnh này, anh khuyên em nên...
Vịn không nhìn anh. Cô nhìn chăm chắm vào đôi bàn tay đang khép chặt nói với anh trai như Thống từng nói với mình.
- Em không thể.
Anh Vưng thở dài. Bố mẹ mất, chỉ còn anh. Thương em mà chẳng làm sao lay chuyển được em. Mọi vết thương đều có thể hàn gắn lại, mà sao... Em gái anh tuổi mỗi ngày một lớn, lại đau yếu luôn.
- Nghe anh. Có gia đình rồi em sẽ nguôi ngoai dần. Bây giờ còn trẻ, nay mai già có con cháu vẫn hơn...
Vịn vẫn lắc đầu "em không thể..." và nói với anh trai nguyện vọng của mình:
- Em chỉ mong lúc nào thuận lợi, được vào Quảng Trị tìm được mộ anh Thống, xin hài cốt anh về...
Vịn muốn làm nghĩa cử của người vợ. Nguyện vọng này của em gái được ông Vưng đồng tình:
- Cô để anh lo chuyện này. Cô yếu chưa thể đi được. Anh sẽ cố gắng để cô chú trọn nghĩa với nhau. Có điều... cô phải lo giúp anh chuyện kia. Có lo được cho em chuyện ấy anh mới không mắc tội với bố mẹ...
Vịn chỉ biết nhìn anh và im lặng. Anh Vưng vào cuộc tìm kiếm dấu tích người đã khuất. Gặp những người đã từng chiến đấu với Thống, anh được biết: sớm ấy nhận nhiệm vụ bơi qua sông Thạch Hãn vào thành cổ, Thống vừa đi được một lát thì bom và pháo giặc đổ ào xuống mặt sông, mặt thành. Một ngày bom đạn dữ dội nhất. Hôm ấy chiến sĩ ta hy sinh nhiều và nhiều người không sao tìm thấy xác. Trong chuyện đau lòng này còn có đôi chút an ủi. Anh Vưng đã nhận lại từ đồng đội của Thống hai kỷ vật của người đã mất. Ðó là chiếc bi-đông nước có khắc tên Thống - Vịn và chiếc khăn tay còn trắng nguyên được gói kín trong tấm ni-lông. Chiếc khăn này do chính Vịn thêu tặng anh trước ngày lên đường.
Nhận được kỷ vật của người yêu Vịn vẫn khôn nguôi ao ước. Cô nói với anh trai:
- Em sẽ đi Quảng Trị một chuyến. Biết đâu lại tìm được thêm manh mối gì khác về anh ấy!
Anh Vưng gật đầu:
- Anh sẽ đi cùng cô. Nhưng phải lúc nào cô thật khỏe đã.
Rồi bệnh tim bất ngờ đổ xuống. Bao nhiêu thuốc thang vẫn chẳng giúp cô lành lặn trở lại. Vịn phải nghỉ dạy học. Anh Vưng đón Vịn về dựng cho cô ngôi nhà nhỏ ở mảnh đất phần trăm cuối làng. Ra ở một mình Vịn càng khắc khoải. Vịn nói với anh trai:
- Không đêm nào là em không mơ thấy Thống.
- Cô nghĩ nhiều quá.
- Lạ lắm, anh ấy bảo anh ấy không chết. Lại còn rủ em lúc nào vào Quảng Trị anh ấy sẽ đưa qua sông Thạch Hãn tắm rồi trèo lên Thành Cổ chơi. Em phải đi...
Anh Vưng thở dài:
- Bệnh tim của cô thế này đi đâu?
- Có khi vào được trong ấy em lại khỏe ra.
Anh Vưng im lặng. Với Vịn lúc này chỉ cần một biến động nhỏ sẽ ảnh hưởng đến bệnh tình. Thương em, anh phải nghĩ cách:
- Cô để anh đi cho.
Anh Vưng lại đến Quảng Trị. Mọi người đón anh như đón người nhà. Ai cũng bảo, gia đình anh là ân nhân của vùng đất khắc nghiệt này. Khi hỏi về Thống ai cũng lắc đầu. Một cụ già nói với anh: "Thịt da liệt sĩ Thống đã hóa thân vào đất này rồi". Anh Vưng nghiệm ra và thấy đúng. Anh đem chuyện này kể cho Vịn nghe. Vịn chỉ biết im lặng, đôi mắt đầy nước.
Bệnh tình của Vịn có vẻ nặng hơn. Thương em, anh Vưng lại vào Quảng Trị một lần nữa. Lần này giấu em gái, anh mang theo cả chiếc bi-đông và chiếc khăn di vật của Thống để lại. Anh xuống Ðông Hà buổi tối, sáng sớm hôm sau đã có mặt bên bờ Thạch Hãn. Anh ôm chiếc bi-đông sắt trong lòng, ngước mắt nhìn trời lúc lâu, kính cẩn vái ba vái rồi vục bi-đông xuống dòng sông chỗ dòng chảy sạch nhất. Có bi-đông nước đầy của sông Thạch Hãn, anh Vưng đến Thành Cổ. Lang thang nhìn ngắm, anh thầm gọi: "Thống, Thống ơi, cả đồng đội của Thống nữa, các anh ở đâu...?". Tối đó, chờ lúc trăng lên, anh Vưng đập trán mình vào vách Thành Cổ ba lần rồi mở chiếc khăn trắng Vịn thêu tặng Thống trải ra trên cỏ. Ðôi tay anh run rẩy vốc từng nắm đất nhỏ của miền đất kiên cường này đặt vào lòng khăn...
- Vịn ơi, anh mang được cái này về cho em đây!
Vịn ôm vào lòng món quà anh Vưng mang từ Quảng Trị về, người lại rũ ra. Anh Vưng nói:
- Rồi anh sẽ đóng cho em chiếc hộp gỗ nhỏ để em đặt gói đất vào. Em đưa cả hai thứ đó lên bàn thờ chú Thống mà thờ luôn một thể...
Bệnh tình của Vịn giảm hẳn. Cô vui khi mỗi ngày được thắp hương trước bàn thờ người yêu cùng bi-đông nước sông Thạch Hãn và gói đất Thành Cổ Quảng Trị. Thống của cô đang ở đấy, đồng đội của anh đang ở đấy.
Lâu lâu thấy em gái khỏe lên anh Vưng mừng khôn xiết. Anh nói với Vịn:
- Giờ cô khỏe rồi, chắc chú ấy phù hộ.
- Có khi thế thật anh ạ!
Ðợi lâu sau, anh Vưng mới dám tâm sự với em nỗi lo của mình:
- Em đã cứng tuổi, lại một thân một mình. Anh chỉ xin cô giúp anh...
Vịn chỉ biết lắc đầu: "Em không thể!"
Nay thì bà giáo Vịn đã thành người thiên cổ. Ông Vưng càng thương em hơn khi điều ông muốn làm cho em mà không thể. Ở nơi chín suối, nếu biết chuyện này chắc chú Thống cũng không giận ông.
Trên mộ bà giáo Vịn, ông Vưng cho xây ngôi miếu nhỏ. Dân làng gọi đó là miếu trinh nữ. Hình bà giáo Vịn được khắc đá gắn vào vách miếu, trước mộ bà ông Vưng trồng một khóm hồng bạch. Cây hồng nhiều hoa, nhiều nụ. Mỗi năm vào TP Hồ Chí Minh thăm con gái, ông Vưng lại ra mộ em xin một cành. Khi qua sông Thạch Hãn ông thả cành hồng ấy xuống như trao gửi nỗi lòng thơm thảo và biết ơn của những người đang sống trước những người đã khuất.

Xem Tiếp: ----