Sau cái đận bà cô ruột tôi muốn “dây máu ăn phần”, tôi tiếp tục phải đối phó với đám chị em gái bên chồng. Lần lượt ba bà chị và cô út dẫn con cái lên tham quan cơ ngơi của chúng tôi. Sau những ngày ăn dầm ở dề, hoan hỉ chúc tụng, khen ngợi, họ đưa ra ý kiến: đưa mẹ lên ở cùng vợ chồng tôi. Họ bảo, mẹ ở cùng cậu mợ, vừa là để trông nom nhà cửa vừa là để cùng hưởng chút sung sướng tuổi già. Việc này thì tôi không thể từ chối vì xưa nay bố mẹ phải ở với con trai chứ mấy ai ở với con rể. Rồi chẳng cần vợ chồng tôi chuẩn bị, ngay sau khi đoàn chị em của Lẫm về được năm ngày, cô út đưa luôn mẹ chồng tôi lên. Từ khi có bà cụ, nhà tôi trở thành trung tâm đưa đón khách ở quê. Hết họ hàng đến hàng xóm, lấy cái cớ lên thăm bà cụ để đi xem phố xá mà không phải lo nơi ăn chốn ở. Cứ mỗi lần tiếp đón một món khách nợ là một lần tôi rã rời chân tay, bải hoải đầu óc. Dồn nén mãi sự bực dọc trong lòng, cuối cùng tôi cũng nói toạc ra với Lẫm: - Anh xem, lúc mình túng thiếu cơ hàn, chẳng chó nào thèm đoái hoài, chẳng đứa nào thí cho một đồng, một cắc. Vậy mà, sao bỗng dưng bây giờ họ hàng, xóm làng kéo đàn kéo lũ lên đông thế. Lẫm thủng thẳng trả lời tôi: - Vậy theo em, nhà mình nên trở lại cái cảnh nghèo hèn xưa để không ai ngó ngàng tới hay là tiếp tục được nở mày nở mặt với quê hương xóm làng như bây giờ? Tôi điên tiết: - Có mà tối mày, tối mắt. Mà nói thật lòng nhé, ngay bà cô ruột tôi công lao là thế mà khi toan tính lợi dụng là tôi cắt phéng… - Và em đã để tiếng ác cho anh. Anh định khi nào rỗi về xin lỗi cô. - Dẹp cái trò cao đạo ấy đi. Cứ cái đà khách khứa như thế này thì đến của như núi cũng phải hết. - Vậy theo em anh phải làm gì? - Anh cứ để tôi. Tôi sẽ nói huỵch toẹt ra rằng đây không phải là nhà trọ, không phải là nhà từ thiện. Phải nuôi một bà mẹ già cũng tốn kém và khốn khổ lắm rồi. Tôi không ngờ cuộc cãi lộn của vợ chồng tôi hôm ấy, mẹ chồng tôi nghe thấy hết. Nhưng bà không nói ra mà nuốt đau vào lòng một cách nhẫn nhục. Mấy hôm sau, bà nằng nặc đòi về quê. Lẫm vặn hỏi căn nguyên, bà bảo: - Tôi sống ở quê có con, có cháu, có hàng xóm láng giềng quen rồi. Còn ở đây, dẫu có nhà cao, cửa rộng, ăn sung mặc sướng, nhưng suốt ngày vong vóng một mình, buồn lắm phát bệnh. Lẫm lựa lời giữ bà ở lại, bà gắt: - Bao giờ anh chị có cháu, không mời tôi cũng lên. Câu nói ấy của mẹ chồng tôi đầy hàm ý và động chạm đến nỗi lo hơn một năm nay của tôi. Chồng tôi lấp lửng: - Thì mẹ cứ ở đây, năm nay chúng con sẽ cố... Mẹ chồng tôi không nói gì. Nhưng đến tối, khi tôi đang lúi húi ở bếp làm cơm nước thì bà bỏ đi. Suốt đêm, chồng tôi chạy đôn, chạy đáo tìm. Gần sáng mới thấy bà ở góc nhà chờ một bến xe. Ngày hôm sau bà đổ bệnh nằm liệt giường. Sau một tuần chăm sóc mẹ chồng ốm, soi gương, tôi phát hoảng vì sự xuống cấp nhan sắc của mình. Tôi nói với Lẫm phải thuê “Ôsin”. Lẫm đồng ý, nhưng lại muốn về quê đón người làng. Lẫm bảo, người làng vừa là chỗ tin tưởng để giao nhà, giao cửa, vừa là để có người thân thuộc trò chuyện để mẹ đỡ buồn. Chị “Ôsin” do em gái Lẫm dẫn lên hơn chồng tôi một tuổi nhưng trông như một mụ khọm già. Nghe đâu hồi còn bé, Phẩm (tên chị) là bạn chăn trâu với Lẫm. Lớn lên, Phẩm đã nhận trầu cau của một anh bộ đội cùng làng. Nhưng sau lễ ăn hỏi mấy tháng anh bộ đội ấy hy sinh ở biên giới tây nam. Từ ấy đến nay, Phẩm vẫn ở vậy. Phẩm không chỉ lo việc chăm sóc người ốm mà mọi việc như giặt giũ, nấu nướng, lau cửa, lau nhà, đến việc tưới cây, cho chim, cho cá cảnh ăn… Phẩm đều vơ lấy làm tất. Hình như chị sinh ra chỉ là để làm việc, mà việc gì chị cũng làm rất nhanh, rất chu tất.