Truyện Trung Quốc

Một năm trôi qua, thím Phát nhớ chuyện Thế Hồng mượn tiền hứa trả lãi đúng vào mùa xuân này. Nhưng rồi mùa xuân qua đi, mùa hạ cũng qua luôn, vẫn không thấy ông ta; rồi mùa thu cũng không thấy tăm hơi đâu cả! Cho đến mùa đông, thím Phát giận lắm vì thấy mình bị lừa và quyết định đến nhà ông ta xem sự thể ra sao.
Nhà họ Chu ở thị trấn, người chồng tên là Chu Trần Phát, còn vợ được mọi người gọi là thím Phát. Mùa đông năm năm trước Chu Trần Phát bị bệnh hen qua đời để lại người vợ hơn ba mươi năm chung sống và đứa con gái Nguyệt Vinh. Thím Phát đau khổ khóc than thảm thiết, sau đó cùng con gái làm lụng nuôi nhau. Khi Nguyệt Vinh lớn lên, cô nhận thầu một cửa hàng ăn uống, sau năm năm dành dụm được gần một vạn tệ. Từ bàn tay trắng, hai mẹ con ngày nay đã có của ăn của để.
Một hôm thím Phát đang dọn hàng, nghe có tiếng xe dừng lại trước nhà. Từ trên xe, một người đàn ông béo lùn bước xuống khiến thím hết sức ngạc nhiên.
Đó là người anh họ bên nhà chồng tên là Chu Thế Hồng đang là Phó huyện trưởng. Vì năm Chu Trần Phát mất, nhà rất cần tiền, thím Phát đã đến nhà Chu Thế Hồng hỏi mượn tạm, ông ta bảo không có, dứt khoát không cho mượn. Từ đó, hai nhà không đi lại với nhau nữa. Hôm nay, ngọn gió nào đưa Thế Hồng đến đây?
Thế Hồng đã bước vào nhà tươi cười chào hỏi: “Thím khỏe chứ?”. Thím Phát lặng lẽ mời Thế Hồng ngồi. Vì chưa hiểu ý tứ của Thế Hồng ra sao nên thím im lặng.
Chu Thế Hồng hỏi thăm gia cảnh, khen tòa nhà mới xây, vòng vo một lát rồi chuyển chủ đề: “Thím Phát này, nghe nói thím buôn bán phát đạt lắm phải không?”.
Nghe thế thím Phát chợt thấy rất giận, nói kháy:
- Cảm ơn anh! Cũng không đến nỗi nào! Nhớ cái đận cha Nguyệt Vinh mất, một đồng cũng không có, chẳng biết vay mượn ai, đành phải dắt con đi làm thuê kiếm sống!
Chu Thế Hồng có phần lúng túng “ờ” lên một tiếng, nói:
- Mọi chuyện dù sao cũng đã qua rồi. Thực ra hồi đó tôi không cho thím mượn tiền cũng là chuyện bất đắc dĩ, tôi áy náy lắm chứ! Nay thì thím khá giả rồi. Nói thím đừng cười, chứ hiện giờ tôi túng bấn quá, hôm nay đến mượn tiền thím đây.
Cái gì? Thím Phát dường như không tin vào tai mình. Mượn tiền ư? Một Phó huyện trưởng đương chức như Chu Thế Hồng lại phải mượn tiền thím sao? Chu Thế Hồng nhận ra vẻ nghi ngờ của thím Phát liền giải thích ra vẻ khá thành thật. Ông ta nói, mặc dù đang là Phó huyện trưởng thật nhưng chỉ là danh vị thế thôi, chứ thực ra thu nhập chẳng đáng là bao; bà vợ gần đây lại đau ốm luôn, tháng nào cũng phải chích kim, uống thuốc, rồi khách khứa ở quê ra… túng bấn lắm. Ông giơ hai ngón tay làm hiệu, hỏi mượn hai vạn tệ.
Thím Phát giật mình khi nghe Thế Hồng hỏi mượn số tiền đó. Chưa nói gì đến chuyện thím không thể có số tiền lớn như vậy, mà giả dụ có đi nữa, thím cũng không cho ông ta mượn. Loại người như thế, thím không muốn quan hệ gì nữa. Thím lạnh lùng nói:
- Anh muốn mượn tiền, em thấy anh nhầm cửa rồi! Anh cũng biết là mẹ con em chỉ buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?
Chu Thế Hồng nhìn ra cửa, nháy mắt ra hiệu cho lái xe, hạ giọng:
- Thím Phát à, tôi mượn tiền không giống như người khác đâu. Tôi không cần thím đưa tiền, chỉ cần thím cho mượn con số trên danh nghĩa thôi, một năm sau, tôi sẽ trả lãi cho thím cao hơn cả lãi suất tiết kiệm của ngân hàng nữa kia.
Thím Phát cho là chuyện lạ. Trên đời này làm gì có chuyện mượn tiền mà không lấy tiền, lại còn trả lãi cao? Thím cho là Chu Thế Hồng muốn thử mình, nhưng Chu thì rất thành thực: “Nói chắc nhé, một năm sau thím sẽ được trả lãi 1.600 tệ”. Nói xong, ông ta rút từ túi áo ra một tờ giấy đưa cho thím Phát. Tờ giấy viết: “Mượn của vợ Chu Trần Phát hai vạn tệ, viết giấy này làm bằng”, bên dưới ký tên Chu Thế Hồng.
Thím Phát đâm ra nghi ngờ, nhìn Thế Hồng hỏi:
- Anh nói, anh đang túng quẫn cần tiền tiêu, vì sao lại chỉ mượn mấy con số trên danh nghĩa thế này? Vậy, anh lấy tiền đâu chữa bệnh cho chị dâu?
Chu Thế Hồng ra vẻ bí mật, nói:
- Chuyện đó thím không phải lo. Chuyện hôm nay chỉ có trời, đất, thím và tôi biết! Sau này có ai hỏi, thím chỉ cần nói là thím đã cho tôi mượn hai vạn tệ là được! Đương nhiên, do tôi không lấy tiền của thím nên khi đến hạn tôi không phải trả gốc mà chỉ trả lãi thôi!
Tối hôm đó Nguyệt Vinh từ huyện về, thím Phát định đưa tờ biên lai mượn tiền và nói cho con gái biết chuyện, song lại thôi. Thím nghĩ bụng, vội gì, đợi đến lúc cầm được đồng tiền lời hẵng nói, chắc Nguyệt Vinh ngạc nhiên lắm đây.
Một năm trôi qua, thím Phát nhớ chuyện Thế Hồng mượn tiền hứa trả lãi đúng vào mùa xuân này. Nhưng rồi mùa xuân qua đi, Chu Thế Hồng không đến; mùa hạ cũng qua luôn, vẫn không thấy ông ta; rồi mùa thu cũng không thấy tăm hơi đâu cả! Cho đến mùa đông, thím Phát giận lắm vì thấy mình bị lừa! Chẳng lẽ tờ biên nhận này không có giá trị gì sao? Thím nhớ lại thói lạnh lùng không tình không nghĩa của họ Chu dạo thím đến mượn tiền ông ta, nên quyết định nhân chuyến đi lấy hàng sẽ đến nhà Chu Thế Hồng đòi cho bõ ghét!
Đang lúc ông Chu ở nhà, thím Phát nói toẹt ý định của mình, không ngờ Chu Thế Hồng ngơ nhác nhìn thím, hỏi: “Tôi mượn tiền của thím ư?”. Thím Phát liền nhắc lại: “Thì anh mượn của em hồi mùa xuân năm ngoái, anh còn viết cả biên lai đây này, anh xem đi!”. Nói xong thím đưa tờ biên lai cho ông Chu. Chu Thế Hồng vỗ vào trán, nói: “À, tôi nhớ ra rồi, đúng là có chuyện đó thật. Hồi đó tôi gặp chuyện rắc rối, không thể không viết cho thím tờ giấy ấy được. Nhưng tôi không lấy tiền của thím phải không nào?”. “Đúng vậy. Thì chính anh bảo chỉ cần danh nghĩa thôi mà!”. Thím đã giúp tôi qua cơn hoạn nạn, tôi nói lời cảm ơn thím là được chứ gì? Thím cũng coi như người trong nhà, tôi nói thật, hiện nay tôi cũng không dư dả gì”. Nói xong, Chu Thế Hồng rút trong ví ra tờ bạc 10 đồng đưa cho thím Phát: thím cầm lấy mua vé xe mà về!
Thím Phát không nhận:
- Chúng ta đã có giao hẹn hẳn hoi, em không cần số tiền này!
- Thế thì bao nhiêu?
- Anh đã chẳng nói rồi sao, 1.600 tệ.
Chu Thế Hồng cười ha ha:
- Thím ơi, thím nằm mơ chắc? Tôi không mượn tiền của thím, lại có thể trả cho thím 1.600 tệ sao? - Ông Chu xem đồng hồ tay, nói: “10 giờ rồi, tôi phải đi họp đây”.
Thím Phát còn định nói gì nữa nhưng ông Chu đã đứng lên tiễn khách.
Về đến nhà, thím Phát tức lắm. Càng nghĩ càng bực, bực đến phát ốm. Hôm đó Nguyệt Vinh lại về thăm mẹ. Không chờ con kịp ngồi, thím Phát kể ngay mọi chuyện. Nghe xong Nguyệt Vinh kêu lên: “Mẹ ơi, ông bác họ này đang là Phó huyện trưởng, xưa nay ông ta không cho ai đồng xu cắc bạc nào bao giờ, cũng không hề nhận ai là bà con thân thích, bỗng dưng lại bảo trả khống cho mẹ những 1.600 tệ tiền lãi, chắc chắn là có vấn đề rồi! Được, con sẽ làm rõ mọi chuyện xem sao. Con sẽ buộc ông ta phải mang tiền lời đến trả cho nhà mình mới được!”. Đoạn, cô thầm thì vào tai mẹ một hồi. Thoạt nghe thím Phát rất lo lắng, nhưng rồi thím lại tươi cười, gí ngón tay trỏ vào trán con gái: “Lẽ ra mày phải là một thằng con trai mới phải!”.
Và, thím Phát hồi hộp chờ đợi. Quả nhiên, một tháng sau Chu Thế Hồng đi ôtô đến, vừa bước vào nhà đã thấy ngay một cỗ quan tài, trên nắp khói hương nghi ngút. Chu Thế Hồng lặng người. Mãi sau mới lắp bắp: “Chết tôi rồi! Chết tôi rồi!” và toàn thân run lên. Ông ta sụp xuống trước quan tài vừa đưa chiếc túi da lên vừa nói: “Thím Phát! Thím thấy không, tôi mang tiền đến trả thím đây. Thím không nên chết, càng không nên chết vào lúc này!”. Ông ta tuyệt vọng cào cấu vào cỗ áo quan một hồi rồi ngửa mặt cười như kẻ phát rồ. Cười chán, Chu Thế Hồng lảm nhảm kể: “Thím Phát, thím hại chết tôi rồi! Thím không biết đấy thôi, chứ tôi đâu cần tiền của thím, chẳng qua là tôi trót lấy tiền công quỹ xây nhà mới, cấp trên nghi ngờ về nguồn tài chính bất minh, buộc tôi phải khai báo số tiền xây nhà lấy ở đâu ra. Bất đắc dĩ, tôi phải khai hầu hết là tiền đi mượn…”.
Sau đó, Chu Thế Hồng nói là thành phố cử một tổ cán bộ điều tra, thẩm vấn việc này buộc ông khai báo ai là người cho mượn, phải có tên họ hẳn hoi. Ông ta bèn ghi tên hàng loạt những người quen biết, kẻ “cho mượn” một vạn, người “cho mượn” mấy ngàn. Cuối cùng vẫn còn hai vạn không có người “cho mượn”, nghĩ đi nghĩ lại, chợt nhớ tới thím Phát, vì vậy mới có tờ biên lai mượn khống đó. Mới đây thành phố lại cử một đoàn công tác về phúc tra chuyện cũ do có người tố giác. Vì vậy hôm nay ông phải mang tiền đến trả cho thím Phát để thím làm chứng cho rằng ông có mượn của thím hai vạn tệ, vậy mà…
Chu Thế Hồng vừa kể vừa lay lay cỗ quan tài, chợt ông ta nhận thấy nắp quan tài động đậy thật! Mặt ông Chu tái mét, kinh hoàng! Ngay lúc đó nắp quan tài bật tung rơi đánh rầm xuống đất. Từ trong quan tài một người đứng dậy, bước ra tiến đến trước Chu Thế Hồng. Chu Thế Hồng kêu ré lên: “Ma quỷ! Ma quỷ! Cứu tôi với!”. Người này nói: “Phó huyện trưởng Chu, tôi không phải là ma quỷ, ông hãy nhìn lại xem tôi là ai nào?”. Nghe tiếng nói rất quen, Chu Thế Hồng định thần nhìn lại, trước mắt ông ta là một thanh niên 27, 28 tuổi mặc áo sơmi trắng, quần dài xám, tay cầm chiếc máy ghi âm, nhìn thẳng vào Chu Thế Hồng. Trời ơi, đây chẳng phải là Tiểu Giang, người đã được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phái về phúc tra việc xây dựng nhà mới của ông ư?
Tiểu Giang điềm tĩnh nói: “Phó huyện trưởng Chu, chúng tôi đã mất nhiều thời gian và công sức kiểm tra nguồn gốc tài chính của tòa nhà; không ngờ hôm nay, nhờ sự phối hợp khá tốt của ông, những điều ông bộc bạch trước quan tài, tôi đã ghi âm lại tất cả. Xin cảm ơn ông!”. Nghe những lời này, mặt Chu Thế Hồng không còn một giọt máu, mồ hôi trán vã ra như tắm.
Vừa lúc đó, từ phòng trong thím Phát và Nguyệt Vinh bước ra.
- Kìa thím Phát, thím… - Chu Thế Hồng thốt lên rồi đột nhiên im bặt.
- Tôi đâu đã chết! Chuyện này chỉ để cho anh một bài học thôi mà…
Kế hoạch của Nguyệt Vinh và Tiểu Giang không ngờ lại có kết quả đến như vậy?
Thì ra, hôm đó, sau khi thím Phát kể chuyện cho Nguyệt Vinh nghe, cô đoán là bên trong dứt khoát có chuyện khuất tất liền viết thư cho người yêu là Tiểu Giang đang công tác ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, hai người cùng với thím Phát vạch kế hoạch, quả nhiên Chu Thế Hồng sa bẫy. Ông ta chỉ còn biết lặng lẽ cúi đầu…

Trà Ly (dịch)


Xem Tiếp: ----