Anh rùng rẩy toàn thân, thấy đôi chân mình đang veo dần, von veo dần, hóa ra cái đuôi nhọn hoắt của một con ốc mượn hồn và “òa… òa…” anh sẽ lẫn, lẫn trong muôn vàn con ốc, giữa tiếng sóng quét.
Thứ ốc mượn hồn đầy chặt đảo đèn. Mỗi sáng, trong bước chân đưa tang lượt thượt của gió, biển lại quật lên thềm đảo những ruột ốc nát bét - những ruột ốc câm lặng chẳng ai biết chúng từng sống cũng như từng chết.
Cách đây không lâu, anh chỉ mới hạ mình xuống địa vị của một con hạc biển, vì nhận ra rằng đôi đầu gối mốc xì của anh cũng giống đôi đầu gối xù xì mốc mác của chúng, và còn cảm được tầm vóc to lớn của mình trước đám đông đủ loài chim biển tẹp nhẹp kéo tới chí choé, lắm lời tranh nhau chỗ đậu, vào mỗi buổi chiều chạng vạng hay lúc trở trời. Đảo mang một màu trắng xỉn xo - màu phân chim biển vào ban ngày. Còn ban đêm, dưới ánh hải đăng lừ lừ không đổi, loài cua âm thầm bò lên. Ánh mắt tù đọng và lối đi ngang không một tiếng động của loài cua khiến trái tim anh càng tê dại trong tiếng rì rầm não ruột của sóng. Ở đâu anh cũng bị vây trong ánh mắt dò hỏi tù đọng của loài cua.
Một đôi lần như thế, khi vết thương cũ cắn nhức nhối, anh đã từng nổi điên, ngồi thu lu đầu gối quá tai, tay cầm gậy, rình đập nát bét dăm chục con cua mới lóp ngóp ló lên khỏi mặt nước trong một đêm cua động rồ, khiến cho đảo đèn tanh sặc mùi cua chết đến ba tháng ròng.
Anh từng lặng ngắt vì hoảng sợ, khi bất chợt mình truồng như nhộng qua một giấc mơ đêm, và cứ thế lừng lững đi. Anh đánh mất thói quen mặc quần áo do thiếu vắng đồng loại lâu ngày. Thiếu một đồng loại nhìn vào anh, khả dĩ giữ cho anh cảm giác xấu hổ, ranh giới cuối cùng nhằm phân biệt anh với một con cua hay một con bò.
Những khi ấy, anh xòa tay ôm mặt. Dòng nước rỉ qua hàng mi trắng xóa hơi muối biển, qua đám râu ria lồm xồm không cạo, và khi xuống đến môi, chúng đã mang màu đục nhờ nhờ của nước đá vôi.
“Ba năm thôi. Ba năm rồi sẽ có người thay”.
Người ta nói, tránh nhìn vào mắt anh khi lần đầu đặt chân lên đảo đèn.
Hồi ấy anh nhếch cười khinh thị. Từ giã đời lính anh trở về với một con mắt giả và thân hình tiểu tụy. Một con búp bê tóc vàng mắt xanh tòn ten đung đưa trên nắp ba lô. Con anh đã qua tuổi chơi búp bê từ lâu. Song búp bê là vật phẩm lộng lẫy nhất mà con người có thể tạo ra, dưới con mắt của những anh lính nhà quê chất phác ở rừng lần đầu tiên đặt chân vào thành phố.
Xuống tàu, anh khấp khởi chạy gần về ngôi nhà lá ba gian náu mình dưới lùm dây leo bên vệ đường, con đường động mạch của chiến tranh - ai cũng từng nói thế. Anh chạy gằn vì mường tượng thấy hai mẹ con - một cao một thấp như nàng Tô Thị sẽ giang tay ra: “Mình đấy ư?”… Và có thể vợ anh sẽ rơi nước mắt vì sung sướng.
Nhưng chẳng ai ra đón anh cả. Trong căn nhà lá tối mờ có đến ba đứa trẻ lít nhít trứng gà trứng vịt với ba khuôn mặt hoàn toàn khác nhau. Vợ anh hốc hác, nửa thân trên gần đổ về phía anh, nhưng chân cứ như bị chôn chặt trong xó nhà, ngó anh trân trân rồi sụn xuống đất, òa lên tức tưởi.
Không! Đó quyết không phải là những giọt nước mắt sung sướng dành cho ngày gặp mặt!
“Búp bê” một đứa thét lên. Và ba đứa trẻ chạy tới, vồ vào chế phẩm lộng lẫy trên nắp ba lô. Nhưng trước cái quắc mắt dữ dằn của anh, chúng chùn lại, len lét nép vào một xó.
Không phải con anh. Con anh ít nhất là lớn gấp ba thế này. Chúng không mang gương mặt anh.
“Con tao đâu? Đồ đĩ” anh rít lên thô bạo. Vừa lúc đó có tiếng lịch kịch ở ngoài sân. Anh ngoắt lại: một con bé trạc mười lăm tuổi, dáng đi õng ẹo bước vào: “Có lương khô không chú?”, nhoẻn cười. Nụ cười chưa hết hơi sữa nhưng đã mang hơi hướng đổi chác.
Ra thế! Ngôi nhà bên đường chiến tranh! Động mạch của chiến tranh! Sau này, anh chua chát triết lý. Số phận không dành cho anh người đàn bà bạc tóc chờ chồng. Những đứa trẻ khác bố. Những cuộc giao hoan vội vã thoảng mùi chết chóc trước khi đi vào họng tử thần. Thù lao, sang nhất có lẽ là những phong lương khô và vài bộ quần áo Tô châu.
Lúc đó, hai bàn tay anh bỗng thèm máu. Anh muốn bóp chết tất cả - những đứa trẻ lạc loài đói khát, cả người vợ phụ bạc chỉ còn hai con mắt, cả nụ cười hơi sữa đổi chác kia.
Nhưng một nỗi gớm ghét từ đâu đến làm chân tay anh bải hoải. Anh rũ xuống nền nhà, nôn ẹo ra những bụm nước trong vắt, giũ tuột ba lô rồi thất thểu bỏ đi, để lại sau lưng tiếng khóc của người vợ, đứa con duy nhất của anh không biết rằng nó vừa có bố, trong thoáng chốc đã lại không có bố cùng tiếng reo à à giằng nhau con búp bê của lũ trẻ.
Anh tìm đến một chân gác đèn trong sự gớm ghét đàn bà và nhân thể gớm ghét luôn cả đồng loại. Anh nhìn thấy những bàn chân đồng đội đi dép lốp. Một rừng chân qua ngực anh, bị tiện gọn trước họng súng và để lại trên mặt đất những đứa trẻ vô thừa nhận đang giằng nhau mảnh áo búp bê. Anh dự định sẽ ở suốt đời trên đảo đèn - một đảo hiểm trở nhất, cổ lỗ nhất, nơi những phương tiện hiện đại khó bề vươn tới được, để tránh xa đồng loại nhẹ dạ, phản trắc và đầy tội lỗi đã tước đi của anh chút ham hố muốn sống trên đời.
Hả lòng nhất là những ngày đầu. Không phải nhìn mặt một ai. Được biến thành một kẻ vô cảm, mọi giác quan như đông lạnh trong tiếng gào thét của sóng và gió. Và anh yêu sự hù doạ cao cả của biển. Những bận tâm trên đất liền của loài người chỉ là mối lo toan nhỏ nhặt của đàn kiến so với một Trận Đại Hồng Thủy. Anh không nghi ngờ rằng, mình có thể ở đây, thậm chí cả trăm năm.
“Giọng ông khang khác thế nào ấy!”. Người lái tàu tiếp tế vừa lùi lại vừa nói, thoáng một chút kinh hãi trong mắt. “Làm sao?” - anh gắt “à… ờ… nghe như tiếng gió hú”. Và anh lặng nhìn xuống chân. Hai bàn chân trần. Anh đã mất thói quen đi dép. “Lần sau ra mày mang cho tao một cái gương to vào nhá…”. Anh nói thêm một lần nữa, lần này, anh nghe rõ giọng nói lạ hoắc của chính mình.
Chiếc gương được mang ra. Anh thường soi gương không phải để làm dáng, mà cốt để gây ảo giác rằng trên đảo luôn có hai người. Anh nhìn vào gương, nói chuyện một mình để luyện giọng: “Thằng cha kia! Sao mày vẩu thế?”. “À trước răng tớ đẹp lắm nhá. Đi lính lâu ngày, răng cũng phải theo chín sáu ba không ấy mà”. “Ồ được! Chú mày cũng hóm ra phết. Có nhai cá nướng không?”. Anh xé một miếng cá đưa lên mồm, thất kinh vì thấy thằng cha trong gương đang nhai nhồm nhoàm như một con thú. Khi đó anh lại rũ người xuống trong một cơn mệt không tên.
Anh đã phải viện đến đủ trò quái gở, chỉ sau nửa năm sống một mình trên đảo. Mùa hoan lạc của chim khiến anh da diết nhớ vị đàn bà. Và góc ký ức sâu thẳm nhất lâu nay quên lãng bỗng chuồi lên như một con cá mập. Hồi trong rừng, anh đã chụp hụp một nàng. Nếu dừng chân lâu có lẽ rồi anh đã kịp để lại trong lòng cô ta một đứa trẻ vô thừa nhận Anh và coo ta chưa kịp biết tên nhau. “Giữ làm gì em. Ngày mai chắc chết…”. Triết lý của lính chiến biến một gã trai mười bảy tuổi trong trắng nhất đời hôm nay thành một gã đàn ông sỡm sờ vào ngày mai, và ngày kia mười phần chắc tám anh ta thành tử sĩ. Trước khi chết, có thể anh ta đã kịp đón nhận hoặc một cái tát, hoặc một vòng tay ôm xiết vội vã. Anh nhớ một đôi trai gái vô danh ôm nhau chết trong loã thể. Miệng cô gái còn cắn chặt một nửa quả vải rừng. Cái hốc sâu hoắm của một viên đạn xuyên qua lưng hai người. Cán bộ đại đội phỉ nhổ hình ảnh ấy bằng những bài chỉnh huấn ứng khẩu. Nhưng anh biết chắc, có rất nhiều người lính thầm ao ước được chết trong tình trạng êm ái đó, miễn là không ai nhìn thấy.
Đến năm thứ hai, trong anh bỗng xuất hiện ý nghĩ phải trói chặt tay lái tàu tiếp tế vào cột đèn để giữ hắn ở lại. Giữ hắn lại, d ù chỉ để được nghe hắn chửi.
Anh vui sướng lắm được nghe hắn chửi. Nhưng anh đã kìm được vì sợ chết đói.
Đến hạn ba năm, anh hối thúc đất liền tìm người thay. Nhưng trước đây, anh đã chót khinh thị cái thời hạn ba năm, bây giờ tìm người thay đâu dễ.
Lâu ngày, những trò quái gở qua đi. Anh lầm lì trở về trạng thái vô hồn, hai tay buông xuôi. Để dỗ dành anh, thỉnh thoảng người ta gửi cho anh những chai bia màu xanh. Anh ngửa cổ dốc hết cả chai vào bụng, rồi vứt tọt ra ngoài xa. Những chai bia chưa chìm ngay, nhún nhẩy bập bềnh chốc lát, nhoai ra biển. Điều đó chợt đánh thức vài trang sách anh đọc từ thời còn nhỏ: những thuỷ thủ bị đắm tàu, bị số phận bỏ rơi đã tìm đến sự cứu giúp qua những chiếc chai.
Thế là anh bước vào một trò chơi mới. Anh viết vào những tờ lịch xé hàng ngày, cho vào túi ni lông rồi buộc chặt nhét vào vỏ chai bia, thả ra biển nhằm hướng Tây. “Người đàn bà nào nhặt được mảnh giấcy này xin hãy cứu giúp. Tôi đang sắp chết vì cô đơn. Nhưng ở đây tôi không thiếu cái ăn và tôi thề sẽ yêu quý, dù đó là người xấu xí nhất… Cách tìm tôi…”.
Thiên hạ ít ai điên rồ. Biết thế mà anh vẫn mong, mặc dù tự nhủ: đó chỉ là trò chơi thôi. Chỉ là trò chơi thôi mà!”. Người anh vẫn run bắn lên mỗi khi con tàu tiếp tế đến. Anh không dám mong một người đẹp. Có thể chị ta thiếu một tay hoặc một chân. Thế cũng tốt lắm rồi.
Một chiều nắng rải trên biển mang màu trẵng gở. Con tàu tiếp tế hiện rõ dần và anh thấy trên boong có đường cong của một cái eo lưng của người đàn bà cùng sự chớp sáng của một chiếc nón trắng. Không dám tin ở mắt mình, anh thở hắt ra quay đi hướng khác, nhổ nước bọt giận dữ để xua đi ảo ảnh. Nhưng tàu đã ghé tới cùng tiếng reo của người lái tàu. Trên boong là một người đàn bà thực. Người đó đang run rẩy cúi mặt, bò trên tấm gỗ mỏng manh nối thân tàu với đảo đèn.
“Kìa! Dắt chị ấy lên chứ. Sao lại cứ như bị ngộ gió thế kia?”. Anh sực tỉnh, vội vàng nhảy vút tới, khiến cho chiếc cầu chòng chành suýt nữa thì hắt người đàn bà xuống biển. Chị nằm mọp xuống bám lấy chiếc cầu. Bằng cái lẹ làng của một con sư tử, anh xốc nách chị, đặt lên đảo. Cú va chạm này làm anh rùng mình như điện giật.
Và lúc ấy, người đàn bà ngẩng lên.
Lạy Đức thánh mẫu! Người đã gửi đến cho con cái gì thế này! Khuôn mặt người đàn bà, có đủ hai mắt, mồm và mũi, nhưng là một khuôn mặt đặc trưng nhất của một con điếm. Điều này rõ đến nỗi, một kẻ dù khờ khạo đến đâu cũng sẽ nhận ra ngay lập tức.
Tã tượi mái tóc và hàng mi, trống huếch cái nhìn. Đôi môi thâm xì quẹn một lớp son dày màu máu trâu. Đôi môi này, giá có đặt ở ngã bảy, một gã nhặt rác có lẽ cũng chẳng thèm hôn. Một cô gái điếm đã thiu, bị liệng ra bãi thải, ốm nhách và vô phương sinh sống. à thì ra là thế. Vì thế nên thị mới tìm đến với anh. Điều này nằm ngoài cả những dự tính rủi ro!
Trước cái nhìn như chôn sống của anh, thị cố sửa một nụ cười rúm ró. Hai vai cũng rúm ró co lại. Nhưng nụ cười tắt ngay. Thị thấy nhục, và quờ tay tìm cái nón, che người một cách dớ dẩn, làm như cái mộc để che đạn vậy.
Lập cập, chiếc nón rơi xuống nền đá. Gió lật vài vòng rồi vục nó xuống nước. Chiếc nón cứ thế, chập chờn như người chết đuối đang “giã gạo” hồi lâu trên mặt biển trước khi chìm biệt.
Anh sấn tới, dứ nắm đấm vào mặt người lái tàu: “Mày mang cho tao cái của nợ gì thế này?”.
Người lái tàu sợ hãi lùi lại, lắp bắp: “Nào… nào tôi có biết. Chị ta đến tìm, và nói rằng… nhặt được cái chai”…
Anh khoát thõng tay, ngồi phệt xuống mỏm đá. Tàu rời đảo.
Bữa ăn chiều - bữa đầu tiên của hai người ăn cùng nhau, anh chỉ ngồi hút thuốc, hạ mi mắt ngắm cái vẻ ăn chộp choạp, bốc bải, khát thèm của thị và càng khẳng định cái việc mình xa lánh loài người là đúng. Anh tự nguyền rủa mình đã chơi một trò nguy hiểm. Anh tiếp thêm rất nhiều thức ăn cho thị và không thèm giấu cái vẻ ghê tởm. Có lẽ đã lâu lắm rồi thị không được ăn lấy một bữa no. Lòng ghê tởm trong anh che lấp cả tiếng gào của dục vọng. Anh còn nghĩ đến nỗi hãi hùng của bệnh lậu - thứ bệnh khiến cho nhiều kẻ đàn ông chùn chân quay gót trước cửa lầu xanh.
Nhưng đêm rồi xuống. ĐÊm từ bi che chở cho người đàn bà thoát khỏi vẻ bẩn tưởi bị phanh phui không thương tiếc trước ánh ngày. Anh tặc lưỡi vào lúc trăng lên trên biển, đem đến cho thị, cho đảo vào cho anh một ánh ướt át cứu rỗi. Như một con thú hoang, anh lì lợm chiếm đoạt thị không một lời nào, một cử chỉ nào khả dĩ chấp nhận rằng người đàn bà đang ân ái cùng anh không phải là một con bò. Trong đời hành nghề của thị, thị chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như thế trước sự hạ nhục của trò chăn gối. Dường như thị đang bị cầm kìm rứt từng khúc ruột.
Mãi tận trưa hôm sau, anh mới tỉnh giấc với cảm giác nằng nặng. Hóa ra đó là chân của “bạn tình” đang gác lên bụng. Anh vội ghê tởm hất ra. Chiếc chân không còn chỗ dựa rơi huỵch xuống đá khiến thị tỉnh giấc. Thị ngơ ngác trở dậy rồi khóc. Tiếng khóc gở như gai.
Đêm ấy anh không ngủ cùng thị. Những ngày sau tình trạng giữa anh và thị bập bỗng. Những cơn gớm ghét cứ dâng lên. Lúc nào đó, át được dục vọng, anh xa lánh thị. Khi dục vọng chiếm ưu thế, anh lại đến, để cả ngày hôm sau lại trở về trạng thái buồn nôn, tự khinh mình. Phải hất mụ ta đi thôi! Anh tự nhủ, mặc dù trong lòng cũng hơi thấy tiêng tiếc. Nhưng một tiếng nói khác còn mạnh hơn bắt anh cả quyết: dù sao anh cũng là một người đàn ông. Và anh không thể xa lánh người đàn bà hư hỏng đã có với anh một mặt con, chỉ để đến với một con điếm đã bị thiên hạ hắt ra ngoài bãi thải.
“Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ nữa!”. Bảy ngày sau, có một con tàu đánh cá tình cờ đi qua. Anh rối rít vẫy họ vào, thuê chở người đàn bà vào đất liền. Cuộc mặc cả nhùng nhằng mãi: “Chở đàn bà rủi lắm!…” - Người chủ tàu lắc đầu, mặt nhăn như chuột kẹp. Nhưng rồi cuối cùng cũng xong.
Người đàn bà theo dõi cuộc mặc cả với vẻ của một con cá bị đưa lên thớt. Khi đã ngã ngũ, thị đến bên anh, khóc: “Xin anh đừng đuổi tôi! Tôi không còn gì để sống. Tôi đã xin lại mảnh giấy này từ tay bà nhặt rác. Bà ta đọc và cười sằng sặc: “Giấy của quỷ biển đấy”. Còn tôi thì nài xin bà ta cho tôi. Tôi bị bệnh hoại huyết. Cũng chẳng làm phiền anh lâu đâu…
Quả thật, lúc đó hình như lòng anh hơi se lại. Sâu thẳm trong tim có tiếng “Gật đi!”. Thế mà ngoài mặt anh vẫn lạnh băng, và anh lắc đầu. Nhiều khi người ta vẫn thế, không vượt qua được chút sĩ diện hoã cuối cùng.
Và thế là người đàn bà biết rằng hết, có nài xin cũng vô ích. Khuôn mặt chị ta chuyển sang tái xám, môi mím chặt lủi thủi bước lên tàu. Chiếc cầu tầu chầm chậm rút. Lúc đó, anh chợt thấy trong mình chút hẫng hụt, toan gọi.
Thế mà rốt cuộc vẫn không gọi.
Tàu lừ lừ rời đảo. Người đàn bà đứng trên đuôi tàu, nhìn anh bằng con mắt căm hờn: “Tao nguyền rủa mày! Tất thảy! Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Độc ác!”. Mắt thị loé lên ánh khinh bỉ và kiêu hãnh bỗng đâu, rồi thị giang cao hai tay như thể sắp bay lên. Và trong một cái rướn mình như kiêu sang, thị buông người xuống biển, chìm êm ru dưới lớp sóng đang lừng lững quặn lên phía đuôi tàu.
Tất cả diễn ra trong một khoảnh khắc khiến anh không kịp hiểu điều gì đã xảy ra. Và thật đáng sợ là một sinh linh vừa hiện diện như thế đã chìm mất tăm dưới mặt biển như chưa hề có trên đời. Đàn cá chuồn vẫn vèo qua vọt lại dưới mặt nước. Và lúc đó vừa bình minh. Chân trời hừng hực ráng màu đỏ máu.
Khi nhận ra, anh hoảng hốt nhảy ào xuống biển cuống cuồng lặn ngụp, quờ quạng lung tung tuyệt vọng. Con tàu lúc đó vừa mới cảm ra sự thiếu vắng người khách bất đắc dĩ mà nó nhận chở, cũng đang vun vút quay lại. Tất cả sự quần đảo của họ đều đã muộn. Rất may là chủ tàu đã kịp ném cho anh chiếc phao. Anh bò được lên bờ, nằm vật ra hổn hển dưới ánh nắng đang dần bẳn gắt.
“Phải lập bàn thờ bà ấy thôi ông ạ. Người chết trôi là thiêng lắm đấy! Ít nhất bà ấy cũng phù hộ cho ông khỏi phát điên. Chứ cứ cung cách này…” Người lái tàu vừa nói vừa quay về hướng ấy, chắp hai tay vái lia lịa.
Ba ngày sau, xác người đàn bà nổi lên dạt vào chân đảo đèn. Lúc đó anh vừa tỉnh giấc, linh tính một điều khác thường. Và anh trông thấy người đàn bà mà anh từng gần gũi xác thịt, cũng từng ghê tởm, đang đung đưa, đung đưa dịu dàng bên chân đảo. Và anh kinh ngạc trước sự cứu rỗi của biển. Khuôn mặt tàn tạ trước đây của người đàn bà ấy bây giờ đã giãn ra, thơ thới và không thể tin được, mang vẻ kiêu hãnh với đường viền mi khép hờ. Tấm thân gầy ốm giờ đây như đầy đặn lên, đung đưa, đung đưa như cử động uyển chuyển của người sống, trên mình vương những mảnh vải xác xơ mà lại mang vẻ siêu phàm. “Ta tha thứ cho các người” - cái miệng hé mở của người đàn bà như nói.
Sau này, anh cứ tự hỏi, đó không biết là thật hay mơ. Tại sao người đàn bà ấy chưa bị phân làm trăm mảnh trong bụng cá? Tại sao cái chết lại trả cho con người vẻ vô tội và thánh thiện dường kia? Anh không trả lời nổi, và đã lập bàn thờ người đàn bà ấy. Người mà cách đây ba ngày thôi, anh đã nhờm tởm như nhờm tởm một con vật. Anh đã phải khóc chị ta - người đàn bà bị cuộc đời dồn vào chân tường không nơi bấu víu với những giọt nước mắt cay đắng tự đáy lòng. Anh là một kẻ câm điếc, vì đã không nhận ra tận cùng nơi hình hài tã tượi kia vẫn còn chút lòng tự tôn của giống người. Trò chơi của anh - một người khốn khổ, đã kéo một người đàn bà đang đi vật vờ bên lề cuộc sống chạy nhanh lên phía trước để hoàn tất số phận thê thảm của mình.
“Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Tất thảy!”. Giờ đây anh đau đớn nghĩ lại lời nguyền rủa như làn roi của người đàn bà ấy trước khi chết. Chị ta là ai? Nông nỗi nào khiến chị ta sa cơ lỡ bước? Giờ đây lần đầu tiên trong đời anh mới nghĩ một cách nghiêm túc về người đàn bà. Bên bàn thờ nghi ngút khói nhang làm bằng rêu biển, anh nghĩ về kiếp người, các nẻo đường mờ mịt mà những số phận phải quờ quạng đi cho đến hết. Điểm lại những kiếp người anh biết, thực ra nỗi khổ của đàn ông so với đàn bà chẳng thấm vào đâu. Nếu không có chai bia của anh, chị ta sẽ sống nốt những ngày cuối trên vỉa hè. Và đến khi thở hơi cuối cùng, chị sẽ trở thành Nữ Thần Vỉa Hè chứ không phải trở thành Nữ Thần Trôi Dạt như anh vừa suy tôn.
Anh cũng nhất thiết rằng, Nữ Thần Biển nếu có, cũng không mang một khuôn mặt nào khác, mà mang chính khuôn mặt đau đớn, tuyệt vọng và kiêu hãnh của Nữ Thần Trôi Dạt, bởi vì Nữ Thần Biển cũng là đàn bà. Nếu không biển đã không nhiều sóng đến thế, và nhiều cua đến thế. Và có lẽ vì Nữ Thần Trôi Dạt cũng là đàn bà - Đàn bà bao giờ cũng bênh nhau. Nên từ đây, anh cứ phải nhớ lại người vợ mà bao nhiêu năm nay anh đã cố công xua đuổi trong ký ức. Anh nhớ lại gương mặt hốc hác của chị. Tiếng máy bay gầm rú dọc đường. Tiếng bom nổ thâu đêm. Cả làng trắng đàn ông, chỉ còn lại đâu đó những tay què cụt, trẻ con hỉ mũi chưa sạch, hoặc các ông già lụ khụ. Ra trận và ra trận! Đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom và bị buộc phải trở thành đàn ông. Trong khi đàn bà được tạo hóa sinh ra để làm chiếc dây leo đẹp quấn yểu điệu quanh cây đại thụ: người đàn ông. Anh thấy lòng se sắt. Mỗi lần khóc, trái tim anh mềm đi một chút.
Hơn năm sau, người ta chở ra đảo đèn một ông già rắn chắc cùng một cậu bé cỡ tuổi mười hai. Cậu bé có đôi mắt nâu sẫm, tóc xoăn.
Đó là hai sinh linh đến thay gác đảo đèn. “Bố mẹ nó chết bom cả. Ra đây dù sao cũng không bị đói. Nếu không bị đói, chúng tôi sẽ ở đây cả đời”- ông lão giải thích.
Khi anh thu xếp đồ đạc lên tàu, cậu bé loay hoay bên anh, táy máy hỏi: “Bác ơi! Bàn thờ ai mà lạ thế?”.
“À, thờ Nữ Thần Trôi Dạt đấy”. “Hay quá bác nhỉ! Thế bác về đâu hở bác?”. “Ờ, có thể bác sẽ về quê. Địa chỉ thế này nhá…”.

*

Bốn năm sau cậu bé của đảo đã có thể đi coi sóc đèn thay ông.
Một sáng bình minh nhuộm chân trời đỏ máu, cậu chạy vào hớt hải gọi người ông đang ngáy pho pho:
-Ông ơi! Ông! Ông nhìn kìa! Trên boong con tàu đang chạy phía này có cái gì đó cong cong như lưng đàn bà ý. Mà có phải người ấy mặc áo trắng không hả ông?
Người ông vùng dậy giụi mắt. Không thể định được thực hư vì con tàu xa lắm. Người ông lại làu bàu:
-Khéo mà mày nhầm rồi đấy cháu ạ. Bốn năm nay ông đã nhiều lần nhìn thấy eo lưng của Nữ Thần Trôi Dạt, nhất là trong những buổi sáng cứ rờ rỡ thế này. Thế mà rồi ra chẳng có gì đâu cả.
À mà thế là cậu đã lớn rồi đấy - Người ông quay sang ngắm cậu trai như mới trông thấy nó lần đầu.
Cậu con trai không nghe lời ông nói. Cậu đang mải mê nhìn ra xa.
Trong khi ấy, ven đường I, người gác đèn cũ đang tự hỏi, liệu những chai bia ngày xưa có còn lăn lăn trên sóng biển. Đêm hôm trước, anh vừa nằm mộng thấy Nữ Thần Trôi Dạt. Nàng bơi đứng, và trên năm đầu ngón tay nàng đỡ một chai bia màu xanh.

Xem Tiếp: ----