Lời người dịch:"Chiếc mặt nạ" là một chương trong Portrait d’un inconnu, cuốn tiểu thuyết nhằm đi tìm, dưới những chiếc mặt nạ, dưới cái vẻ bên ngoài của xã hội, dưới những lớp sơn trên bề mặt, cái thực tại sống động vô danh, thứ quái vật mà suốt đời ta thường cố che giấu - đối thoại tiềm ẩn trong mọi đối thoại thường nhật của ta. Với những câu văn có vẻ như được tạo thành bởi một con kiến sống động và dồi dào, tha về tổ tất cả những chữ nó có thể thu nhặt được, đem cân nhắc, gom lại, và làm thành một thứ ngôn ngữ, một bút pháp riêng biệt và sống mạnh mẽ, người đọc sẽ thấy được, lấp ló đàng sau chiếc mặt nạ, bóng dáng nhân vật tiểu thuyết của Sarraute. Marcel Proust trong À la Recherche du Temps perdu (Le Temps retrouvé), Tome III (Paris: Pléiade, Gallimard, 1969, tr. 1045) cũng nhắc đến ý niệm mặt nạ, được Samuel Beckett ghi nhận trong tiểu luận Proust (London: John Calder, 1965).CHIẾC MẶT NẠChiếc mặt nạ - đó là chữ mà tôi vẫn luôn luôn dùng, mặc dù nó không được thích hợp lắm, để chỉ cái gương mặt ông khi cô ta bước vào, hay cả trước khi cô ta bước vào nữa, khi ông chỉ nghe tiếng chìa khoá cô ta xoay nhẹ trong ổ khoá hay nghe tiếng chuông bấm ngắn ngủi của cô, tiếng chuông sắc bén, hoặc, từ ở cửa ra vào vọng đến, tiếng nói nhỏ dần, rất dịu dàng của cô, hoặc là khi ông chỉ cảm thấy - ông có những đường dẫn điện rất nhạy cảm - cô đến gần, cảm thấy sự hiện diện lặng lẽ của cô sau bức tường. Liền đó, tựa như theo một chuyển biến tự động, gương mặt ông thay đổi: nó nặng xuống, nó dãn ra, nó mang một thần sắc đặc biệt, giả tạo, bất động, mà gương mặt người ta vẫn thường có khi soi gương, hoặc nó còn có một dung mạo lạ lùng, cũng thật là khó mà định nghĩa được, cái dung mạo mà thỉnh thoảng người ta vẫn thường thấy trên những khuôn mặt đã chịu một lần giải phẫu thẩm mỹ.Rất có thể - về phần tôi thì tôi chắc chắn rồi - là gương mặt đó, chắc hẳn là ông vẫn luôn có trước sự hiện diện của cô ta. Chắc chắn là chính ông đã có cái gương mặt đó rồi, dù điều này có vẻ huyễn hoặc đến mấy chăng nữa, ngay khi giáp mặt với cô lần đầu tiên, khi cô mới còn là một đứa bé trong nôi, chắc hẳn là vào cái lúc mà ông ta nghe lần đầu tiếng khóc ương ngạnh, inh ỏi của cô, hoặc nữa có thể vào cái lúc mà ông cảm thấy thấm vào người ông và làm ông khó chịu, khi cúi mình xuống chiếc nôi để nhìn cô rõ hơn, cái đường thẳng lơ thơ những lông măng, hung hăng, của chiếc lỗ mũi quá nổi bật mà cô ta dựng lên rất cao khi khóc.Có những người, như ông chẳng hạn, rất nhạy cảm, cảm thấy mặt mình dãn ra, và như bị những đứa bé con kéo tới trước. Đối với họ, một chút xíu cũng đủ rồi, bởi vì càng yếu ớt, họ càng dễ rung động trước ngọn gió nhẹ nhất, cũng như những quả lắc mảnh khảnh kia vẫn rung rung và dao động trước luồng gió yếu ớt nhất.Tôi từng biết nhiều người chưa bao giờ có được, dù là trước mặt chính con họ (phải bảo rằng: nhất là trước mặt cô ta) gương mặt khác, và lại là lúc con họ còn rất nhỏ và ngây thơ.Chỉ ngây thơ ở vẻ bên ngoài thôi, chắc chắn là vậy. Bởi vì chúng nó, chúng nó chưa bao giờ hoàn toàn ngây thơ, điều này không còn gì nghi ngờ cả: có một cái gì không ai hiểu nổi hiện ra nơi chúng nó, một sợi chỉ nhỏ mỏng manh, dính sát, những cái miệng hút nhỏ yếu ớt như những cái miệng căng ra, run rẩy, ở đầu những lớp nhung bọc ngoài một vài thứ cây ăn sâu bọ, hoặc là một thứ nước nhựa lầy nhầy như tơ mà con nhộng tiết ra: có một cái gì không định nghĩa được, một cái gì huyền bí, bám vào gương mặt của người khác và kéo nó hoặc tràn ra trên gương mặt như một lớp bọc bầy nhầy dưới đó nó cứng ra.Một số trong những người khốn khổ đó, có lẽ mơ hồ cảm thấy có một cái gì từ chính mình tiết ra ngoài, đến lượt họ họ lại mang một bộ mặt thát chặt, đóng kín, tất cả mọi lối ra đều bít lại, như để ngăn không cho những cảm khí huyền bí kia thoát ra; hay có thể là do óc mô phỏng, dưới tác dụng của lời khuyến khích - họ cũng rất dễ bị ảnh hưởng, rất nhạy cảm - mà đến lượt họ trước chiếc mặt nạ họ lại mang gương mặt bất động và chết cứng đó. Có những người khác, bị lôi kéo bất đắc dĩ, vùng vẫy như những người múa rối, vặn vẹo mình một cách nóng nảy, nhăn mặt. Có những người khác nữa, để nịnh hót chiếc mặt nạ, để đem trả sự sống lại trên những nét cứng bất động của nó, đóng vai những chú hề, cố gắng một cách ti tiện để chọc người ta cười. Những người khác, còn ti tiện hơn nữa, - những người này, thường thường là lớn tuổi hơn, và bất chính hơn - bị thu hút mà không cưỡng lại được, đến cò cưa như con chó đến cọ ở bắp chân ông chủ nó, họ van xin một cái đánh để trấn an mình, một cái vuốt ve, dẫy dụa, lăn lộn bụng ngửa lên trời: họ nói chuyện không bao giờ dứt, thổ lộ hết mình, gửi gám tâm sự, bằng một giọng không quả quyết, trước chiếc mặt nạ bất động, vừa đỏ mặt họ vừa kể ra những chuyện bí ẩn sâu kín nhất của họ.Nhưng chiếc mặt nạ không chiều theo họ. Nó không chịu để mắc lừa đâu. Trái lại, tất cả những lối vặn vẹo đó, những bộ điệu giả vờ đó thường vẫn chỉ đi đến chỗ lám cho nó cứng rắn thêm lên.Thật khó mà biết cho đúng được có phải là hắn không cố tình, chính hắn cũng chẳng biết tại sao mà mỗi lúc hắn một cứng rắn hơn lên như vậy, hay là do cố ý mà hắn gia tăng nét mặt mình lên, để trừng phạt kẻ trước mặt hắn đã giở những trò hề mất thể diện đó, để làm cho sự sỉ nhục của kẻ đó còn đau đớn hơn nữa; hoặc là để làm nản lòng địch thủ, để chống cự, bằng cách làm như chết, như con chồn vẫn làm khi kẻ thù đến gần, chống cự với những trò măn mo, những lối dẫy dụa bỉ ổi đó, hoặc là trái lại với cái hi vọng lờ mờ có thể gia tăng đến cực điểm những cố gắng đó, tô điểm thêm cho trò chơi đó, và như thế có thể kéo dài, có thể thưởng thức lâu hơn một thứ khoái lạc sâu sắc và kín đáo.Tôi chẳng biết gì cả. Chẳng ai biết gì cả. Chẳng có ai quan tâm đến chuyện đó bao giờ cả. Tất cả bọn họ đều có những việc quan hệ khác, những công việc đáng tán dương hơn, hợp pháp hơn. Ngay cả những người dường như có đụng đến vấn đề đó cũng chẳng hề bõ công dừng lại đó làm gì.Như vậy có một nhân vật tiểu thuyết mà những chiếc mặt nạ luôn luôn làm tôi nghĩ tới. Đó là một nhân vật rất “thành công” rất “sống”, một nhân vật chính trong cuốn Chiến tranh và Hoà bình, ông hoàng già Boldonski, ngày xưa tôi từng biết ông ta rất rõ, đó là môt người bạn thời niên thiếu của tôi - ấy, chính chiếc mặt nạ đó, vẫn chiếc đó, tôi chắc chắn vậy, mà ông ta hẳn đã luôn luôn mang trước mặt con gái con gái ông, công chúa Marie. Nhưng Tolstoi không nói ra điều này hoặc chỉ tả qua loa thôi.Tuy nhiên tôi sẵn sàng đánh cuộc rằng chính chiếc mặt nạ đó, vẫn là chiếc đó, mà cô ta trông thấy ông, lúc nào cũng vậy: ở bàn ăn, mà ông ngồi chủ toạ, rất là oai nghiêm dưới bộ tóc giả lấm chấm trắng; buổi sáng khi cô đi vào, run sợ, trong phòng làm việc của ông và khi ông đưa cái má sần sùi của ông để cô hôn; hoặc là khi cô gặp ông đi qua trước mặt, làm một vòng thanh tra, có người quản lý của ông đi theo sau, trên những lối đi trong hoa viên.Chỉ có một lần, một lần thôi, đúng ngay cái phút cuối cùng, khi ông sắp chết, cô đã trông thấy, khi cô cúi mình xuống ông để cố nghe được những tiếng mà ông vừa thều thào nói vừa nhúc nhích một cách mệt nhọc cái lưỡi đã tê liệt của ông - đó có lẽ là chữ “douchenka”, con thân yêu của ta, hoặc có lẽ là “droujok”, bạn ta, cô không thể nghe được, chữ có vẻ kỳ lạ quá, bất ngờ quá - chỉ có lúc đó cô mới thấy được lần đầu tiên chiếc mặt nạ dãn ra, lột bỏ và trở thành một gương mặt khác, một gương mặt mới mà cô chưa bao giờ biết, gương mặt đáng thương, hơi trẻ con, rụt rè và dịu dàng.Tôi nghĩ, đó chắc hẳn là ngày hôm trước, hoặc chính ngày ông ta mất.Tất cả đều làm ta tin (và Tolstoi, chắc hẳn ông cũng nghĩ như vậy) rằng gương mặt ông vẫn luôn luôn co rút, cứng đơ, để trong ông một cái gì quá mạnh, quá dữ sẽ không làm gãy các hàng rào chắn và vỡ tan: một tình cảm, có thể một mối tình, mạnh mẽ đến nỗi ông thấy dường như nó sẽ thoát khỏi ông như một con bò mộng giận dữ, một con chó sói thèm khát, gào thét, và ông giữ nó lại dưới chiếc mặt nạ cứng nhắc, khép kín, để ngăn không cho nó thoát ra.Đôi khi, không đủ sức giữ nó, ông để nó bắn vọt ra ngoài, trong vài phút, hoàn toàn biến dạng, vặn vẹo một cách ghê tởm thành những tiếng cười nhạo, những lời la lối, những cơn nổi doá căm hờn.Chỉ vào phút cuối cùng - không còn gì để sợ nữa: cái chết cận kề bên mình, và ông không còn sức lực nữa - chỉ vào phút cuối cùng ông mới dám nới lỏng cái kẹp trong đó ông giữ chặt nó, và mối tình của ông, mệt mỏi, lảo đảo, thoát ra khỏi ông.Thật vậy, làm sao tin được rằng đó có thể là cái gì khác, khi người ta nhìn công chúa Marie? Cả người cô dường như vốn chỉ là ngây thơ, chỉ là trong trắng. Chẳng có chút gì mờ ám nơi cô, dường như thế; không một nét nhăn mặt, không một dẫy dụa kiểu ti tiện; không bao giờ có một thứ cố gắng xấu xa nào như vậy để trốn khỏi cái không thể tránh được, để chối bỏ cái hiển nhiên. Cô chấp nhận số phận của mình với một lòng nhẫn nhục đầy phẩm cách.Tuy vậy, tôi muốn nói, như cái anh chàng giang hồ kia tôi không còn biết trong vở hài kịch nào, anh chàng cứ vừa lắc đầu hoài nghi, vừa lặp đi lặp mãi với những bạn đồng hành của anh tả cho anh nghe với những sắc thái quyến rũ cuộc đời tuyệt diệu, rất đáng thèm, của những người giàu: “Tôi, tôi xin được trông thấy”, tôi cũng vậy, tôi muốn nói rằng tôi cũng rất muốn “thấy”. Có lẽ mọi chuyện đều không được rõ lắm trong trường hợp công chúa Marie. Chắc hẳn ở đây có một vài dấu hiệu đơn sơ, chỉ được biểu thị rất ít, - chính là phải tìm những dấu hiệu đó trong cái bản tánh ưa sợ sệt của cô, tôi nghĩ vậy, hoặc trong sự rụt rè của cô, hoặc nữa trong sự tế nhị cao quí của cô (đó là những thứ lúc nào ta cũng nên nghi ngờ) - có một vài dấu hiệu làm cho tôi nghĩ rằng cái mối tình lớn kia của ông hoàng Boldonski (nếu trong trường hợp này dù sao người ta cũng có quyền gọi cái tình cảm mà ông ta đang có là mối tình; luôn luôn có những chữ hung bạo đó đập xuống như những nhát đánh bằng gậy), khá giống hoàn cảnh của anh chàng khổng lồ Gulliver, khi anh ta nằm dài, bị muôn ngàn sợi dây của đám người Lilliput trói lại, mình ghim đầy những mũi tên nhỏ xíu của bọn người này.Muôn ngàn sợi dây vô cùng li ti, khó mà tìm ra được - vẫn là những sợi dây rung rung và bó sát của Thánh nữ Đồng trinh - hẳn là mỗi lúc đi từ công chúa Marie rồi bám sát vào ông, cuộn lấy ông. Chỉ có cái chết đến gần mới có thể làm cái việc mà không bao giờ có một cố gắng nào về phía cả hai người có thể hoàn thành được: cái chết đã quét sạch một lượt cả trăm ngàn cảm giác tinh vi tỉ mỉ kia vốn vẫn làm thành dòng đời hàng ngày của họ, nó đã chặt ngang những giây buộc đó một cách đột ngột: cái kén đã nở và “tình yêu” đã tự giải thoát một cách vụng về và đã xúc động một hồi như một con bướm yếu đuối với đôi cánh hãy còn nhàu: douchenka, con thân yêu của ta - người ta không nghe được rõ - hoặc có thể là droujok, bạn ta.Nhưng đó chỉ là những giả thuyết mơ hồ và khá thô lỗ, tôi biết vậy, chỉ là những mơ tưởng.Những người hay hơn tôi nhiều sẽ cắn đến đứt móng tay, gãy răng, để cố đương đầu, một cách ngạo ngược, với ông hoàng Boldonski hoặc với công chúa Marie.Họ là những nhân vật, ta đừng quên điều đó. Là những nhân vật tiểu thuyết thành công đến nỗi nói về họ chúng ta thường có thói quen gọi họ là “hiện thực”, “sống”, còn “hiện thực” và còn “sống” hơn những người sống ngoài đời nữa.Những kỷ niệm ta còn giữ lại của những người mà ta đã có quen cũng không mạnh mẽ gì, không “sống” gì hơn những hình ảnh nhỏ bé rõ ràng và đầy màu sắc đã in sâu vào tâm trí ta, chiếc giày ống, chẳng hạn, chiếc giày mềm bằng da xứ Tartare, có thêu bạc, mang ở chân ông hoàng già, hoặc hơn cái áo choàng ngắn bằng nhung lót bông có viền một chiếc cổ lông chồn khắc điêu và chiếc mũ trùm đầu của ông, hoặc hơn những bàn tay xương xẩu và cứng rắn siết chặt như đôi gọng kìm của ông, những bàn tay nhỏ khô khan của lão già, với những đường gân lồ lộ, và những trận lôi đình liên tiếp của ông, những cơn nổi giận của ông, ta thấy thường có vẻ “hiện thực” hơn, “có thật” hơn tất cả những trận lôi đình cùng loại mà chính ta đã có chứng kiến cho đến nay.Những nhân vật đó chiếm trong cái bảo tàng viện mênh mông mà ta vẫn gìn giữ những kẻ ta đã có quen biết, đã có thương yêu, và là cái bảo tàng viện mà ta đang ám chỉ, chắc thế, khi ta nói đến “kinh nghiệm cuộc đời” của ta, những nhân vật đó chiếm một chỗ chọn lựa.Và, cũng như những người mà ta quen biết nhiều hơn hết, cũng như những người sống quanh ta và ta sống với họ, những nhân vật đó cũng hiện ra trước ta, mỗi người trong bọn họ, như một toàn thể đã hoàn tất, hoàn hảo, đóng thật kín khắp mọi phía, một khối rắn chắc và cứng, không một kẽ hở, một quả cầu nhẵn bóng, không nắm vào đâu được cả. Những hành động của họ, vốn bắt họ hoạt động không ngừng, uốn nắn họ, cô lập họ, che chở họ, làm cho họ đứng vững được, trỗi dậy, vững chắc, giống như cây nước mà luồng gió dữ dội uốn nắn, hút lên và rồi dựng đứng khỏi mặt biển, mạnh đến nỗi ngay cả một viên đạn đại bác cũng không làm sao phá vỡ nó đuợc.Thật tôi rất muốn trông thấy những mảnh rời dị hình kia, những chiếc bóng chập chờn kia, những hồn ma, những con quỷ cái kia, những con giòi trêu chọc tôi mà tôi vẫn chạy theo sau chúng, cũng có được những hình thể bóng nhẵn và tròn trịa, những đường nét thanh thuần và rắn chắc như vậy…Được thấy chúng có chỗ đứng trong vòng những gương mặt quen thuộc làm ta yên lòng được thật là một điều êm dịu, êm đềm biết bao…Muốn vậy, tôi phải cố mạo hiểm một tí, tôi biết như vậy, phải cố xông pha một tí, chỉ về có một điểm thôi để bắt đầu, một điểm nào đó, không quan trọng. Chẳng hạn như trước tiên ít ra tôi phải đặt cho chúng một cái tên để nhận diện chúng. Đó cũng đã là làm một bước đầu tiên để cô lập chúng, uốn tròn chúng một tí, cho chúng một ít gì vững chắc. Như vậy là cũng đã đặt định cho họ một phần nhỏ rồi… Nhưng không, tôi không làm được. Có gian lận cũng vô ích. Tôi biết đó sẽ là công dã tràng… Mọi người đều sẽ khám phá ra ngay, dưới lớp che đậy đó, món hàng của tôi. Món của tôi. Món độc nhất mà tôi có thể cho được.Những đồ trang sức sang trọng, những màu nóng, những sự tin chắc xoa dịu ta, những sự êm đềm tươi mát của “cuộc đời”, những thứ đó không phải dành cho tôi. Không phải cho tôi. Khi thỉnh thoảng họ có chiếu cố mà đến gần tôi, những người “sống” đó, những nhân vật đó, tôi chỉ biết chạy vòng quanh họ, vừa tìm cái đường nứt, với một sự hăng hái cuồng si, tìm cái kẽ hở nho nhỏ, cái điểm mỏng manh kia giống như mỏ ác trẻ em, ở đó tôi thấy dường như có một cái gì như là một mạch nhảy không nhận rõ được, lướt qua và đập nhẹ. Tôi bám vào đó, tôi tựa vào đó đấy. Và bấy giờ tôi cảm thấy từ những nhân vật kia chảy ra và trôi thành một nguồn bất tận một thể chất lạ lùng, vô danh, giống như chất nhựa cây, giống như máu, một chất thể nhạt nhẽo và lỏng chảy trong lòng bàn tay tôi… Và từ cái da thịt thật rắn chắc, có màu, mịn màng của họ, của những người sống ngoài đời, sẽ không còn gì nữa ngoài một cái vỏ bạc nhược, dị hình và màu xám.Chiếc mặt nạ Nathalie Sarraute(1900-1999)"Chiếc mặt nạ" đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 1969.