Thật ra thì “Ngũ Long Công Chúa” này không phải cùng một cha một mẹ sinh ra mà là của một lớp học.
Vâng, chúng tôi có năm người cùng học chung từ tiểu học đến trung học rồi sư phạm. Và, đến nay chúng tôi vẫn còn đủ năm, kể cả người còn ở lại quê nhà. Tháng Ba vừa rồi, cả năm đứa tôi có dịp gặp nhau thật là thú vị. Yến du lịch sang đây. Nàng có con gái lấy chồng bên này, ở Virginia. Chúng tôi rủ nàng về San José, California chơi cho vui. Ở San José chúng tôi có ba người và ở Los Angeles có một người. Chúng tôi cùng hội tụ và có dịp nghỉ xả hơi một tuần để du ngoạn đó đây. Các bạn thấy có thú không!?
Từ lúc sáu tuổi cho đến giờ, đã năm-mươi-lăm cái xuân xanh rồi thế mà chúng tôi vẫn tung tăng như hồi còn bé, nhắc chuyện quá khứ, gọi mày tao huyên thuyên. Các đấng ông chồng cũng phì cười và cùng vui với chúng tôi. Nhi, Thi, Huê, Yến, Ái -- tên của năm đứa tụi này đấy, nghe cũng có vần có điệu lắm các bạn nhỉ! Nhưng cuộc đời lại thật chẳng vần chẳng điệu và chẳng trôi chảy tí nào đối với riêng tôi cả. Nhi -- là tôi đấy. Cuộc đời tôi rất là lận đận về đường phu thê -- tình duyên gãy cánh, đứt “phim” đôi lần. Và bây giờ thì phòng không cô quạnh. Cha mẹ, anh chị em kể cả các con tôi cũng không được ở gần nhau, vì do hoàn cảnh phải đi làm xa. Sang Mỹ mới có ba năm mà tôi đã cảm thấy chán nản, mệt mỏi – có lẽ vì tuổi tác và sang đây quá muộn chăng!?

*

Nhớ lại chuyện cũ, ông bà ta có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…Ngũ Long” -- Quả... "Không sai!". Có lần “Ngũ Long” chúng tôi vào chùa Long Khánh hái trộm trái cây. Tôi nhét hai vạt áo dài vào lưng quần rồi leo lên hái ổi, bị chú tiểu bắt gặp. Vì sợ bị Thầy trụ trì phạt nên chú ngước mặt nhìn lên la tôi:
- H…è…è…! H...è...è...! Xuống…xuống…! Con gái con đứa gì mà wang quá, trèo tuốt lên cao dzậy! Xuống hông…xuống hông…!?
Vừa la chú vừa lấy que vạt giường… thọc... thọc lên. Chú càng thọc tôi càng trèo lên cao hơn vì sợ…trúng… quá. Bốn nhóc dưới đất bất bình quá, phản đối chú kịch liệt, lại chọc quê chú nữa. Mắc cỡ quá, chú đỏ mặt, chịu thua rồi cầm que vạt giường bỏ đi một bề.
Chưa hết, một chủ nhật nọ, chúng tôi kéo nhau lên Tu Viện Nguyên Thiều chơi. Lại dở trò… hái trộm ổi. Lần này bị một vị Sư trạc trung niên bắt gặp. Sư ôn tồn giảng dạy khuyên bảo chúng tôi. Chúng tôi chịu trận, đứng im và câm như thóc mà nghe…giáo lý. Chợt Sư dọa là sẽ ghi tên chúng tôi về cái tội hái trộm ổi, gởi về đài phát thanh nhờ đọc trên đài cho dân cả tỉnh nghe, xấu hổ cho biết. Tôi nhanh miệng:
- Thưa Sư, Sư viết thư nhớ... ghi tên tụi con, để con cầm về đài rồi… chính con đọc cho vì chiều nay có chương trình phát thanh Hoa Bình Minh của… tụi con trên đó, Sư ạ!
Sư nghiêm nét mặt lại, mím chặc môi để khỏi…phì cười vì cái lém lỉnh của tôi. Sau, Sư nói Sư tha cho lần đầu, nhớ chừa, về mà lo học hành đi. Chúng tôi đồng thanh “Dạ…!” rồi cám ơn Sư, ra về. Nhưng Sư đâu có biết là chúng tôi chưa biết…chừa lần nào cả.

*

Tôi có nước da bánh mật và có duyên nhất là nụ cười thật tươi (sic!). Ấy thế mà tôi lại vô tư đến độ chậm biết…yêu ở tuổi trăng tròn, không như các bạn tôi biết yêu rất sớm; và tôi cứ phải làm “chim xanh” cho các bạn tôi dài dài. Tôi cũng chẳng tìm hiểu về hôn nhân nên mù tịt về chuyện này. Có lần trốn giờ giáo lý, năm đứa tôi rủ nhau vào chùa ngồi tán dóc. Bất ngờ, Huê lên tiếng:
- Đố tụi bay, vợ chồng “gần nhau” mấy lần thì có con?
Thi đỏ mặt, làn da biến sắc, nàng thì thầm:
-Tao nghĩ... một tuần một lần.
Còn Yến, nàng chớp chớp đôi mắt, ngước mặt nhìn trời ra chiều suy nghĩ rồi nói:
- Tao…chịu thôi!
Ái thì ra vẻ rành rõi hơn, nàng phát biểu:
- Một ngày một lần cũng đủ mệt rồi.
Tôi thì rõ ràng là không biết gì ráo trọi, nhưng cũng làm tài lanh góp ý vào:
- Theo tao… thì…một năm vợ chồng mới “gần nhau” một lần; vì tao thấy một năm họ mới đẻ một đứa.
Riêng Huê, nàng thật là hiểu biết sớm, nàng phán:
- Tùy theo mỗi cặp vợ chồng, họ thích lúc nào thì “gần nhau” lúc nấy.
Huê vừa dứt lời thì cả bọn phá lên cười.
Khi ấy, nhóm tôi có quen với một anh chàng tên là Anh Khoa, học Đệ Nhất trên chúng tôi hai lớp. Xin nói ngay là không phải cái anh chàng ca sĩ Anh Khoa mủ mỉ mít ướt kia đâu. Cuối năm ấy Khoa đậu tú-tài-toàn, ảnh chia tay chúng tôi để vào Sài Gòn học. Một hôm gặp tôi, tay cầm phong thư bỏ ngỏ, ảnh ngập ngừng nhỏ nhẹ nói:
- Nhi... Nhi... này, nhờ Nhi trao thư này cho...Ái... Ái... nhé!
Thoáng nghĩ có gì “bất thường” đây rồi, tôi mỉm cười:
- Được chứ anh! Nhưng thư riêng thì phải dán lại chứ, nếu không, Nhi không nhận đâu!
Khoa nhìn nơi khác, giọng ngập ngừng:
- Không cần...cần...dán lại đâu. Nhưng tui...tui...có mấy yêu cầu...cầu... thế này.
- Yêu cầu gì? Anh lại “vòng vo tam quốc” rồi.
- Nhi chỉ trao thư này cho Ái khi tui đã rời Qui Nhơn nghen!
- Nhớ rồi. Mà khi nào anh đi?
- Trưa nay Nhi à! -- Khoa buồn buồn trả lời, rồi tiếp:
- Còn một yêu cầu nữa.
Tôi phì cười, hỏi:
- Gì nữa đây, “anh trai”!?
Nhìn chăm chăm vào mắt tôi, giọng ảnh nhỏ lại:
- Nhi nhớ… đọc thư này trước… rồi mới trao cho Ái nghen!
Tôi tròn mắt nhìn ảnh:
- Ủa...! Sao kỳ dzậy...! Nhi không làm được đâu, thư gởi cho Ái mà!
Khoa không nói thêm gì, chỉ chào tạm biệt tôi, rồi lặng lẽ bước đi. Còn lại mình tôi với mớ thắc mắc và tò mò. Nhưng tôi sợ cái mớ thắc mắc và tò mò ấy nó xúi tôi đọc thư bạn, nên tôi quyết định dán thư lại.
Ngày hôm sau, “Ngũ Long” chúng tôi trốn giờ giáo lý (lại “cúp cua”) rủ nhau vào chùa, ngồi ở thềm ngôi-mộ-tháp-bảy-tầng để…“nhiều chiện”. Đợi đến lúc thuận lợi, tôi lấy thư ra “ráo” lên với cả nhóm – chúng tôi vẫn thường hay “hành hạ hội đồng thư của ai đó” nếu… vô phúc mà gởi cho một trong năm đứa tôi:
- Này Ái…! Có thư “ông” Khoa gởi cho mày!
Ái giật mình đánh thót một cái:
- Quỷ sứ…! Hổng giỡn à nghen! Mà “ổng” đâu rồi?
- Thiệt mà…! Tao hổng giỡn đâu! “Ổng” đi Sài Gòn trưa hôm qua rồi.
Thi-Huê-Yến nhao nhao lên:
- Mở thư ra...“hành hạ” đi Ái. Lè lẹ lên!
Tôi nghĩ chắc là Ái phân vân và hồi hộp lắm. Nàng nín thở mở thư ra, tằng hắng một tiếng rồi đọc lớn một hơi:
“Nhi,
Khoa thành thật xin lỗi Nhi vì đã nói…”trớ” đi là thư này gởi cho Ái. Thực ra, thư này Khoa viết cho Nhi đó! …”
Cả nhóm trố mắt lên kinh ngạc, cùng “Ồ…!” lên một tiếng. Tôi đứng bật dậy như cái lò xo, mọi vật quanh tôi như chao đảo… Đôi tay Ái đang cầm lá thư run lên thấy rõ. Nàng thả lá thư rơi xuống vạt cỏ, vụt chạy đi như biến, hét lớn:
- Nhi…! Mày…chơi tao hả!
- Thiệt tình, tao không biết gì hết, Ái ơi…! – Tôi hét vói theo.
Thi-Huê-Yến cùng lắc đầu thở dài. Huê nhặt lá thư đưa cho tôi. Tôi vẫn còn bàng hoàng sững sốt nên không cầm lấy. Huê nhét lá thư vào cặp tôi rồi cài cặp lại. Trở lại lớp học, tự nhiên chúng tôi im lặng, cái im lặng thật nặng nề. Về nhà, tôi mở thư ra xem. Khoa nói thương tôi vì thấy tôi vô tư trẻ trung, vì tôi vui vẻ xí xọn, vì tôi… vân vân và… vân vân. Trời đất...! Rồi chuyện ấy cũng qua đi như gió thoảng, vì Ái và tôi, chẳng ai có lỗi trong “biến cố” này cả.
Năm sau, Ái và tôi (cũng lại Ái và tôi!) lại gặp chuyện “tơ vò tay ba”. Có một anh chàng cùng lớp “mết” tôi, nhưng tôi không “mết” lại; Ái lại “mết” anh này, mà ảnh đâu có “mết” Ái tí nào. Thế là “hư bột hư đường”. Càng hay chớ sao! “Ngũ Long Công Chúa” lại càng gắn bó khắng khít chớ sao!
Thôi, dẹp ba cái chuyện đó đi. Giờ nói chuyện này, “Ngũ Long” chúng tôi bày đặt ăn mặc giống nhau, cùng kiểu cùng màu mỗi khi dạo phố hay đi chơi đó đây. Do cái chuyện “đồng phục” này mới sinh ra cái chuyện “cá độ” như sau. Số là hôm đó, chúng tôi vào quán Paté Chaud Abi ăn uống nói cười vui vẻ. Có lẽ bộ đồng phục của chúng tôi đã gây chú ý cho mọi người, nên có một anh chàng tre trẻ ngồi xéo bên tường đối diện cứ “nghía” qua bên này hoài. Tức cười quá, Huê thầm thì xướng lên:
- Có đứa nào dám...“quậy” tên kia không?
Năm đứa cùng đảo mắt nhìn nhau, chẳng “ma” nào chịu lên tiếng. Thấy lâu quá, tôi đánh bạo:
- Để tao!
Bốn cặp mắt kia trố lên nhìn tôi, cùng thốt lên:
- Chắc...!?
- Ừ…Xem này...! -- Tôi cả quyết, rồi lấy bút nguệch ngoạc trên mẫu giấy nhỏ hai câu nằm lòng:
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Tôi đứng lên giả vờ đi toilet, ngang qua bàn hắn tôi nhẹ nhàng đặt mẫu giấy đó trước mặt hắn. Khi tôi trở về bàn mình, hắn hỏi:
- Bộ…học Bồ Đề hả!
- Ừa…! Sao biết?
- Tại…thấy…quen quen!
Thấy tôi “mần” được quá, Huê lại thầm thì “tố” tiếp:
- Mày mà “chài” hắn được một cái hẹn thì tụi tao chịu thua mày một chầu bún bò Bà Cam.
- Giữ lời nghen! – Tôi mạnh miệng nói và “thừa thắng xông lên”, tới luôn!
Tôi lại nguệch ngoạc trên một mẫu giấy nhỏ khác (không cho bốn nhóc kia thấy): “Ấy ơi…! Cứu tui wới…! Tui đang bị… cá độ. Cho tui được hẹn với ấy đúng 7 giờ sáng mai chủ nhật tại cổng bưu điện nghen! Xin đa tạ”. Rồi lại khéo léo đưa cho hắn, hắn liếc mắt đọc xong, mỉm cười khoái chí, khẻ gật đầu đồng ý ngay – Ngu gì không gật, phải không!
Thế là trước 7 giờ sáng hôm sau, bốn nhóc kia lẽo đẽo theo sau tôi khá xa để xem…"cá độ". Từ xa, tôi đã thoáng thấy hắn đứng lớ ngớ tại điểm hẹn, chốc chốc lại nhìn đồng hồ có vẻ sốt ruột lắm. Tôi lại cố ý “câu giờ” để cho hắn thấm thía cái câu “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” như thế nào. Kể ra cũng tội nghiệp cho hắn. Quá 7 giờ mươi phút tôi mới “xuất hiện”. Rõ ràng mặt hắn tươi hẵn lên, vén môi cười rạng rỡ. Tôi cười cười vả lả:
- Xin lỗi đến trễ, nghen! Tại tui phải… chở má đến chùa sớm.
Hắn cười lấy lòng:
- Không sao…! Tui chờ thêm có… chút xíu thôi mà!
- Cám ơn nghen! -- Tôi đáp lễ.
Hắn bạo hơn:
- À…! Đằng í tên gì cho biết đi để dễ nói chiện.
- Tên xấu lắm…! Tên… Cám -- Tôi phịa ra -- Còn đằng í?
- Tên Tâm. Tâm chứ không phải… Tấm -- Hắn cũng biết khôi hài đấy chứ!
- Ừa…! Không phải… Tấm Cám -- Tôi khôi hài theo.
Hắn và tôi cùng cười vui vẻ qua hai câu đối đáp tiếu lâm ngắn ngủi ấy. Hôm ấy, có lẽ hắn là người… sung sướng nhất trên đời. Hắn mời tôi đi ăn sáng ở quán Đắc Lợi, ăn xôi thịt -- món độc chiêu của quán này. Sau khi làm ra vẻ “em chả…em chả…” để cho hắn năn nỉ… rớt lưỡi chơi, tôi lí nhí nhận lời. Quay nhìn lại phía sau, tôi thấy bốn nhóc kia đang lò dò bám theo. Vào quán vừa ngồi xuống thì bốn nhóc ấy sà vào làm ra vẻ tình cờ gặp nhau. Tôi làm một màn giới thiệu với nhau. Có lẽ thấy lỡ rồi, hắn mời cả đám ăn sáng luôn. Thế là “ghế ta, ta ngồi!”. Mấy nhóc kia lại tự ý kêu thêm sữa đậu nành lạnh nữa, thế mới chết chứ. Rốt cuộc, hắn phải nói nhỏ với bà chủ quán là xin… mở trương mục “A la... ghi”. Bấy giờ tôi mới cảm thấy thật tội nghiệp cho hắn. Chiều hôm sau, tôi được bốn nhóc kia tuyên bố thắng “độ” với một chầu bún bò Bà Cam nhớ đời.

*

Và rồi, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Huê thi trượt tú-tài-bán. Nàng nghỉ học, đi làm, bán vé xi-nê ở rạp Trưng Vương. Cũng nhờ thế mà chúng tôi biết trước phim nào hay và luôn có giấy mời xem phim. Sẵn dịp, sắp xếp giờ “cúp cua”, nhất là vào tiết giáo lý và những giờ toán khô khan. Còn lại bốn đứa tôi đi học tiếp, nhưng Ái và Thi thì chuyển về học ở trường Trinh Vương, tôi và Yến ở lại trường Bồ Đề. Bốn đứa đều thi rớt tú-tài-toàn và chúng tôi lại chuyển trường lần thứ hai. Tôi và Ái học ở Vi Nhân (La San cũ), Yến ở lại học Bồ Đề, Thi vào Sài Gòn học. Niên khoá sau cả bốn đứa đều thi đậu tú-tài-toàn. Thi trở về Qui Nhơn, và cả bốn đứa đều vào trường Sư Phạm niên khóa 1973 – 1975. Yến-Ái-Thi học “Ban Mẫu Giáo”, còn tôi thì học “Ban Thường Xuyên”. Chưa kịp ra trường thì chúng tôi phải bỏ trường bỏ lớp mà chạy loạn vì đất nước gặp cái biến cố lớn là “thay ngôi đổi chù”, gia đình mỗi đứa chạy mỗi nơi, và đích đến lại là Sài Gòn. Sau đó Ái về lại Qui Nhơn đi dạy một thời gian rồi sang Mỹ với diện người Hoa. Thi thì nhanh chân hơn khi đất nước đang trong tình trạng lộn xộn năm 1975. Huê buôn bán ở Sài Gòn, lấy chồng rồi cũng đi Mỹ năm 1985. Yến và tôi cùng đi học chính trị ba tháng và cùng đi dạy, một đứa ở Hốc Môn, một đứa ở Long An. Tôi sợ phải bị lấy chồng thương binh liệt sĩ như lời đồn đãi nên cũng liều nhắm mắt đưa chân “xuất giá tòng phu” cho xong. Vì lấy chồng trong buổi giao thời nên phải lo cái no cái đói nhiều hơn; vì thế hạnh phúc là gì thật sự tôi chưa hiểu và cũng chả thèm hiểu, chỉ lo làm sao ngày mai có chút ít gạo để cho gia đình cùng ăn mà sống qua ngày, thế thôi. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi mới thấy hạnh phúc thật “ích kỷ”, nó chỉ đến với những ai có đầy đủ “tâm sinh lý” mà thôi. Tôi không dám hỏi các bạn là ý nghĩ của tôi như thế đúng hay sai. Và chỉ xin các bạn đừng phê phán hay ý kiến gì. Vì quá “tức tưởi” nên tôi mới kết luận vậy thôi. Xin cám ơn các bạn và đừng an ủi tôi nha!
Như đã nói ở trên, tôi rất vô tư, nên khi gia đình tôi trang hoàng lễ cưới, trước cổng treo tấm biển đề hai chữ Vu Qui, tôi không hài lòng và nói: “Nên đổi thành hai chữ Tân Hôn thì hay hơn”, vì hồi ấy tôi rất thích bài hát ngoại quốc Đêm Tân Hôn. Cả nhà đều bật cười, cô em gái đưa tay rờ trán tôi: “Chị có “mát” không đấy!?”. Bố mẹ tôi phải giải thích rồi mắng yêu tôi: “Con gái sắp lấy chồng rồi mà không hiểu gì hết”. Tôi xấu hổ vì thấy mình còn đù quá. Đám cưới của tôi cũng thật vui, có Huê và Yến đến dự. Nhờ nước da bánh mật của mình...“măng-dzê phô-tô” hơn hai bạn kia, nên hình nào của tôi trông cũng đẹp ra phết. Tôi dám nói điều này là vì đến lượt Huê lấy chồng, nàng không chịu chụp hình với tôi, nàng nói: “Mày chụp hình ăn ảnh lắm. Hôm nay đám cưới tao, xin lỗi, tao không chụp hình với mày được”. Tính tình Huê là vậy, tôi cũng chẳng buồn làm gì. Bây giờ thì nàng rất hạnh phúc bên chồng con và đã được lên chức bà ngoại rồi. Yến cũng được làm bà ngoại và hạnh phúc như Huê. Còn nàng Thi, khi sang Mỹ, gặp lại người yêu cũ là không quân, họ sống với nhau và có một mụn con trai. Nhưng người tình không quân còn chữ “sĩ” quá nặng, vẫn còn thói hăm he đánh đập chưởi bới, khiến Thi bất mãn, nàng đành phải chia tay. Bây giờ thì nàng sống rất hạnh phúc bên người chồng sau, rất yêu thương nàng và nàng cũng đã là bà nội rồi. Ái cũng rất hạnh phúc bên chồng với ba cậu quý tử còn đi học. Còn tôi thì mới cưới được một con dâu. Tôi được “háo” con – dù không có cung phu thê – nhưng tôi cũng rất vui vì các cậu con trai của tôi cũng ngoan lắm, các bạn ạ! Còn Yến, tuy còn ở Việt Nam, nhưng không thua kém gì các bạn ở bên này, nàng có cuộc sống sung túc lắm. Nàng hưởng nhàn rất sớm, hạnh phúc bên chồng con thật là triền miên.
Tôi thầm cám ơn Trời Phật và xin cho “Ngũ Long Công Chúa” chúng tôi được sống thọ lâu dài với con cháu và luôn gặp nhiều may mắn. Và tôi cũng xin “bệnh già” hãy đến chầm chậm với chúng tôi, để chúng tôi còn được hưởng những giây phút họp mặt vui vẻ bên nhau, cùng hàn huyên tâm sự, cùng nhớ về dĩ vãng. Mong sao chúng tôi được trẻ mãi không già – tham lam quá các bạn nhỉ!
Nhìn xuống, tôi thấy “Ngũ Long Công Chúa” này thật là có phước. Trước khi chia tay về Việt Nam, Yến phát biểu cảm xúc của mình sau bữa tiệc “bỏ túi” và nàng khóc thật nhiều, khiến cả bốn đứa tôi cũng không cầm được nước mắt. Thật là hy hữu, thật là may mắn và thật là không thể ngờ được, vì qua bao thăng trầm đổi thay trong mấy chục năm trời, thế mà năm đứa chúng tôi vẫn còn đầy đủ, trẻ khỏe như ngày nào. Bỗng nhiên, giác quan thứ sáu của tôi “mách bảo” rằng có con tim của ai đó đang muốn nói điều gì với tôi. “Xin đừng nha…!”, vì tôi nay chỉ còn có nuối tiếc mà thôi, hơn nữa “hà thời túc, hà thời nhàn” đã hiện hữu trong tôi rồi, “ai đó ạ!".
Sau cùng, tôi xin có thơ rằng:
“Ngũ Long Công Chúa” tụi này
thăng trầm dời đổi nhưng lòng không phai.
Trời thương -- ngẫm nghĩ cũng hay,
kiếp con người thật là may vô cùng.
Chồng con như đấng anh hùng,
nàng dâu cũng trọn, ngoan hiền đoan trang.
Cùng vui con cháu đầy đàn,
mong sao sức khỏe lan tràn không vơi.
Khéo tu có thể trọn đời
“Ngũ Long Công Chúa” đời đời chung vui.
Huyền Nhung
(San José, 5 – 2006)

Xem Tiếp: ----