Thương lẳng lặng bắc cái ghế ngồi dưới gốc cây mận đang mùa ra hoa. Những sợi hoa từ những nụ nở xòe như hàng ngàn khúc chỉ mảnh rơi lả tả khắp sân trắng xóa. Rơi cả trên tóc Thương. Nhưng chỉ còn ngày mai nữa thôi, những nụ hoa chưa kịp đơm quả đó sẽ chết vì cây mận bị đốn.
Mẹ Thương là người đầu tiên phản đối ra mặt cái quyết định này của ngoại. Chẳng ích gì. Đốn là đốn vì nhà ngoại vẫn còn một người con gái khác nữa ngoài mẹ Thương. Dì Huệ là chị đầu của mẹ nhưng đến nay dì vẫn chưa có chồng. Dì vẫn thường tâm sự với Thương những buổi chiều hai dì cháu ngồi kết tóc cho nhau dưới góc mận lúc trời nhá nhem tối. Thương hay bảo sẽ lấy thông tin của dì đăng lên báo Phụ nữ để kết bạn nhưng dì nhất định không chịu. Từ khi lớn lên cho đến nay, Thương hiếm khi thấy dì đi đâu xa cái xóm nhỏ này. Dì sống với ngoại và làm hết mọi việc trong nhà từ giặt giũ quần áo cho các cậu đến cả chăm một đàn heo bốn con ngoại nuôi từ nhiều năm nay. Chưa bao giờ Thương thấy dì có thời gian thảnh thơi để xem hết một bộ phim mà dì thích. Vì vào giờ chiếu phim thường là dì đang rửa chén bát hoặc xếp soạn quần áo cho các cậu đi làm. Đừng bao giờ nhắc tới việc chồng con với dì những lúc đó. Dì sẽ đỏ mặt mà chạy ngay đến một chỗ khác để tránh né. Thương không hiểu và cả mẹ Thương cũng không hiểu dì. Năm nay dì đã hơn bốn mươi rồi...
Ngoại nhất quyết đốn cây mận trước sân. Mặc cho mẹ Thương và các cậu ra sức ngăn cản. Hôm trước nghe mẹ kể ngoại đòi đốn cây mận là vì lâu rồi có bà thầy bói đi vô xóm mình, tới mấy nhà thấy có con gái lớn chưa chồng liền phán là phải đốn hết mấy cái cây nằm trước sân đi thì mới có người tới rước được, Thương nghe vừa cười vừa buồn. Hèn gì con đường đi vào trong xóm cứ nắng dần lên. Mới cách đây ba tháng thôi, mấy đứa bạn của Thương vào nhà chơi còn nói đùa rằng “Đường xóm bà như đường nhà quê, cây không là cây”. Giờ thì đứng ở đầu ngõ mà nhìn tới, Thương chỉ thấy một mảnh trời to lắm, lại chỉ nắng và nắng. Chỉ sót lại vài nhà không có con gái lớn chưa chồng và ngoại trừ nhà của Thương ra thì còn vài ba cái cây trơ trọi. Thương không hiểu làm sao người ta có thể mê tín một cách có hệ thống như vậy? Để được gì chứ? Từ dạo chặt cây đốn cành tới nay, Thương chưa hề thấy thêm một thiệp hồng nào được đem lại nhà mình nữa. Còn các cô các chị trong xóm mới ra khỏi nhà mấy bước đã phải bịt khẩu trang kín mít, vì nắng quá mà. Trẻ con hay tụ tập chơi trước sân nay cũng thưa vắng. Xóm trở nên buồn tẻ đến không ngờ, lời của bà thầy bói nằm lửng lơ đâu đó giữa khoảng nắng mênh mông.
Nhưng ngoại vẫn nhất quyết không đổi ý. Ngoại nói: “Chưa thử làm răng mà biết không linh? Nhà họ khác, nhà mình khác chớ. Lỡ mô dì con có chồng được thì răng? Cây mận chớ có phải cái chi quí báu đâu mà tiếc.” Thương không biết phải trả lời làm sao với ngoại. Cây mận đó đúng là chẳng có gì quí giá cả. Nhưng Thương nhớ nó là kỉ niệm của ba mẹ ngày sinh ra Thương. Mẹ nói ba muốn trồng một cái cây để sau này Thương mỗi lần nhìn thấy là nhớ nó cũng bằng tuổi với mình, cũng lớn lên khó nhọc như công ba mẹ nuôi nấng Thương vậy. Mười tám năm không phải là dài với một đời cây, nhưng với Thương cây mận đã trở nên quen thuộc không thể thiếu trước sân nhà. Nó sum suê tán lá che rợp cả khoảng sân rộng kéo từ nhà ngoại sang nhà Thương. Cứ sau mỗi mùa mưa lạnh lẽo, tiết trời ấm áp dần lên là nó lại ra hoa kết trái dày đặc các nhánh cây. Người ta bảo phong thổ nhà ngoại tốt nên cây mận mới lớn và cho quả nhiều như vậy. Cây mận gì biết nói để thanh minh cho mình. Mà nếu biết nói chắc giờ nó chỉ biết đứng khóc. Vì ngày mai thôi nó sẽ trở thành đống củi...
Thương vẫn ngồi dưới gốc mận nhìn những sợi chỉ hoa rơi lả tả. Chiều nay dì không ra ngồi chơi với Thương. Dạo này Thương thấy dì cứ trầm tư chẳng nói. Thương cũng muốn hỏi dì nhiều chuyện lắm, nhất là vì sao dì không ngăn cản ngoại đừng chặt cây đi. Dì cứ tất bật với đàn heo hay ăn hay phá. Có lần Thương còn thấy dì đứng giấu khóc sau khi quần quật cả buổi tắm cho đàn heo đó. Giờ có lẽ dì cũng đang băm rau hay là chạy đi chạy lại trong bếp lo bữa cơm chiều cho ngoại và các cậu. Thương chẳng biết dì cố gắng nhiều như vậy để làm gì.
Trời đã tối hẳn. Ở khoảng trời đầy nắng ban ngày phía giữa xóm, Thương nhác thấy những vì sao mọc lên chi chít. Xa hơn ở phía đằng Đông, Sao Hôm đứng lẻ loi lấp lánh đầy kiêu kì mà cô độc quá. Chẳng hiểu sao Thương lại nghe thoang thoảng trong gió mùi hoa mận, đúng ra nó là loài hoa vô hương chứ? Sương mỏng từ đâu đọng giọt nơi mặt ghế làm dính lại những sợi chỉ hoa đan thành một tấm lưới hằn lên bàn tay Thương khi chạm qua. Chợt nghe cái lạnh từ đâu ập tới, Thương đứng dậy đi vào trong nhà.
Dì Huệ đã qua nhà Thương ngồi xem tivi tự khi nào. Thường thì đêm nào nếu không bận bịu với những việc còn sót lại trong ngày thì dì đều qua nhà Thương xem một tập phim nào đó. Chẳng cần biết nó có nối tiếp ngày hôm qua hay là mở đầu cho một bộ phim mới thì dì vẫn cứ xem. Cũng bình luận rôm rả về nhân vật của phim và dì hay hỏi Thương về tiểu sử của một diễn viên nào đó. Ba mẹ Thương đã đi ngủ sớm vì một ngày làm việc dài mệt mỏi. Căn phòng như chỉ có tiếng người trong tivi đối thoại với nhau thật buồn tẻ. Nhác thấy Thương đi vào, dì toan đứng dậy đi về. Đúng là hôm nay dì khác quá. Nếu là mọi ngày thấy Thương, nhất định dì sẽ kéo Thương ngồi lại gần và bắt đầu hỏi đủ thứ về tập phim dì xem dang dở hôm qua. Thương cũng không cảm thấy sự hồ hởi thường ngày của mình nữa. Có cái gì đó rất lạ cứ phủ trùm trong không khí. Nó khiến mọi người trong đó đều không muốn nói, chỉ thích miên man với dòng suy nghĩ riêng tư của mình. Đôi mắt thì vẫn cứ nhìn lên màn hình mà chắc gì khi ai đó hỏi “đến đâu rồi” thì cả Thương và dì có thể trả lời được?
Lại quảng cáo. Có lẽ nếu quảng cáo là sự bực dọc của những người ghiền phim thì với Thương và dì, nó giúp ngăn lại dòng suy nghĩ quá xa xôi của hai người. Định tìm cái điều khiển chuyển kênh khác, Thương bỗng nghe dì nói nhỏ nhỏ trong khi mắt vẫn hướng về tivi:
- Mai ngoại không chặt cây mận mô Thương.
- Răng dì dám chắc rứa? - Thương đã tìm thấy cái điều khiển và thay vì chuyển kênh thì giảm tiếng tivi nhỏ hẳn.
- Dì chẳng biết, không chặt là không chặt thôi chớ răng.
- Hay là dì... có người mô để ý rồi? - Thương liếc nhìn dì rất lém lỉnh. Và Thương tin thể nào dì cũng sẽ đỏ mặt lên cho mà coi. Rồi dì đánh trống lảng tài lắm. Nhưng dì lại quay sang nhìn Thương và mỉm cười rất khác.
- Ừ, dì có rồi đó... được chưa nè?
Trời không trăng mà lại rất sáng. Những vì sao bỗng như sà xuống gần hơn và vì vậy nhấp nháy như những chùm đèn trắng bắc rải rác khắp bầu trời. Khi nãy vì vui quá mà Thương đã kéo dì ra ngoài cái ghế vẫn còn để dưới gốc cây mận đang phủ lớp sương mỏng. Dù rất tò mò với “người ta” của dì nhưng Thương nhất định không hỏi. Khi dì đã thổ lộ với Thương về “người đó” thì dì đã rất tin tưởng Thương rồi. Thương cảm thấy có một luồng khí mát mẻ nào đó đang ùa vào trong tóc. Tóc của Thương cũng giống tóc dì lắm, rất mảnh mà lại cứ thích để dài. Thương đưa tay vuốt nhẹ mái tóc thả trần của dì, nghe hương bồ kết phả vào tay thơm mát như vừa được gội mới đây. “Dì chẳng biết ngoại có phản đối không nữa. Vì “người đó” làm nghề rất bình thường con à”. “Lao động chân tay hở dì?” “Ừ, mà cực ghê lắm, dì chắc con cũng đã từng thấy...” “Lạ quá hỉ, con đã từng thấy hở dì?” “Thì cứ mỗi lần nhà ngoại bán heo là con lại thấy người đó mà”. “Trời, chú Tư lái heo hở dì?” Thương bỗng thấy ngạc nhiên quá. Thương biết chú Tư, nhà chú ở bên xóm nội của Thương, cũng lớn tuổi rồi mà chưa lập gia đình. Cái nghề của chú đúng là cực nhọc hơn ai hết. Mà theo nhiều người lại là “nghề ác” nữa vì sát sanh ghê quá. Nhưng Thương chỉ thấy chú hiền mà lại ít nói. Có ai ngờ... “Răng hay ghê hè, dì với chú Tư gặp nhau có mấy lần đâu mà... tài vậy nè? Ngoại thì ba bốn tháng mới bán heo một lần lận mà dì?” “Dì cũng có biết mô con, mấy lần thấy chú Tư vô mua heo là dì đi tránh không kịp nữa đó. Tại chú hay xin nước chè uống mà cứ nhìn nhìn làm dì ngại quá. Dì chẳng biết chú ấy có ý chi nữa. Nhưng mà mua heo xong là chú không chịu trả tiền hết một lần, cứ hẹn trả ba bốn lần không hà.” “Hi hi, thì chắc tại chú Tư muốn gặp dì nhiều hơn một chút đó mà, đúng không nè?” Thương cảm thấy câu chuyện của dì cũng lãng mạn không kém bất kì câu chuyện làm quen nào trên đời này. Con người ta rất giỏi sáng tạo ra những kiểu làm quen nhau, như của chú Tư với dì của Thương, không phải vậy sao?
Câu chuyện của dì kể còn dài lắm với những lần dì đi mua gia vị ở xóm ngoài là những lần chú Tư “vô tình” đứng đâu đó hỏi thăm dì về... đàn heo của nhà đã lớn chưa? (Nếu là ngoại thì chú đã bị mắng vốn rồi vì heo người ta đang nuôi dặm mà cứ hay hỏi). Giờ thì Thương cũng hiểu thêm vì sao dì hay đi mua gia vị lâu như thế. Và dì có quyền như thế. Dì còn kể rằng chú Tư bảo đã dành dụm được một ít vốn để có gì sau này mở cho dì một quầy tạp hóa nhỏ, và chú cũng không phải đi làm cái “nghề ác” đó nữa.
Vậy là nếu như biết nghe biết nói, cây mận sẽ không còn đứng khóc thút thít nữa mà sẽ mỉm cười vì nó đã nghe trọn câu chuyện của hai dì cháu rồi mà. Rồi đây chắc nó sẽ chứng kiến một đám cưới đơn sơ mà ấm cúng của một người phụ nữ luống tuổi và một ông chú hiền lành đi lái heo. Nó sẽ cố gắng để ngày một sum suê hơn che mát khoảng sân rộng kéo từ nhà ngoại sang nhà Thương. Nó cũng sắp đơm quả vì tiết trời đang ấm áp dần lên sau một mùa mưa dài. Khi nãy, lúc dì sắp đi vào nhà, Thương đã kịp thủ thỉ với dì: “Bà thầy bói mô ác quá hở dì, làm xóm mình chừ nắng ơi là nắng. Chắc khi mô dì làm đám cưới xong là họ sẽ trồng cây lại thôi dì hỉ?”. Đưa tay vuốt lấy thân cây mận to xù xì, dì nói với nó mà như thể nói với chính mình:
- Ừ, và những hàng cây sẽ không còn muộn chồng.
 

Xem Tiếp: ----