R. Dahl (1916-1990) nhà văn Anh nổi tiếng về truyện thiếu nhi và truyện kì dị cho người lớn, đồng thời cũng là tác giả nhiều kịch bản phim ăn khách.
Ông là phi công trong Thế chiến 2, rồi được nhà văn C.S. Forester khuyến khích viết những truyện ngắn đầu tiên về đời lính.
Truyện của ông được đăng trên nhiều báo ở Anh cũng như Mỹ và được dựng thành phim nhựa cũng như truyền hình.
Mấy tập truyện thiếu nhi nổi tiếng của ông là Someone Like You (1953; Một ai đó giống như bạn) và Charlie and the Chocolate Factory (1964; “Charlie và nhà máy sôcôla”).
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chuyện buồn cười mà tôi và mẹ tôi gặp tối hôm qua. Tôi là con gái và mới mười hai. Mẹ tôi ba mươi tư nhưng tôi đã cao gần bằng bà.
Chiều hôm qua, mẹ dẫn tôi lên London chữa răng. Tôi bị một lỗ trong răng hàm và ông nha sĩ trám lại nhẹ nhàng chẳng đau gì cả. Sau đó chúng tôi vào một quán cà phê. Mẹ tôi uống một tách cà phê còn tôi ăn một đĩa kem chuối. Lúc chúng tôi đứng dậy ra về thì đã gần sáu giờ.
Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi quán thì trời đổ mưa. “Phải kiếm một chiếc taxi thôi,” mẹ tôi nói. Chúng tôi chỉ đội nón và mặc áo khoác mỏng, mà mưa lớn thiệt tình.
“Sao mình không vào quán ngồi chờ nó tạnh?” tôi nói. Tôi muốn ăn một đĩa kem nữa. Nó ngon tợn.
“Nó không tạnh đâu,” mẹ tôi nói. “Mình phải về thôi.”
Chúng tôi đứng ở lề đường dưới trời mưa, chờ taxi. Nhiều chiếc chạy qua nhưng đều có khách. “Phải chi nhà mình có xe và tài xế riêng,” mẹ tôi nói.
Ngay lúc đó, một người đàn ông tiến lại. Ông ta nhỏ thó và già lắm rồi, chắc cỡ bảy mươi là ít nhất. Ông lịch sự giở nón và nói với mẹ tôi, “Xin lỗi. Mong bà thứ lỗi...” Ông ta có ria mép bạc trắng, đôi mày rậm cũng trắng và khuôn mặt hồng hào đầy nếp nhăn. Ông ta cầm một chiếc dù giơ cao trên đầu.
“Sao?” Mẹ tôi nói, lạnh lùng và xa cách.
“Không hiểu bà có thể làm ơn giúp tôi một chuyện không,” ông ta nói. “Chuyện rất nhỏ.”
Tôi thấy mẹ tôi nhìn ông ta nghi ngờ. Mẹ tôi là chúa đa nghi. Bà đặc biệt nghi ngờ hai thứ - người lạ và trứng luộc. Khi cắt đầu quả trứng luộc, bà thường thọc muỗng vào và rà quanh quả trứng, cứ như bà định tìm ra một con chuột hay thứ gì khác trong đó vậy. Với người lạ, bà có một châm ngôn vàng là, “Một người trông càng lịch sự thì mình càng phải coi chừng.” Ông già nhỏ bé này trông cực kì lịch sự, lại ăn nói nhỏ nhẹ, quần áo tươm tất nữa. Đúng là dân quí phái. Tôi nghĩ ông ta quí phái là do đôi giày. Mẹ tôi có một châm ngôn ưng ý khác, là “Mình nhận ngay ra một người quí phái là nhờ đôi giày của họ.” Ông già này có đôi giày nâu thật đẹp.
“Sự thể là,” ông già nói tiếp. “Tôi cần giúp đỡ chút đỉnh. Không nhiều đâu. Hầu như chẳng có gì, nhưng tôi kẹt thực sự, Bà thấy đó, người già như tôi thường hay quên...”.
Cằm mẹ tôi hất lên và bà nhìn ông ta dài theo sống mũi bà. Cái kiểu nhìn theo sống mũi này kinh người lắm. Nhiều người đã rụng rời khi bị bà nhìn như thế. Tôi đã từng thấy cô giáo của tôi trở nên lắp bắp và lúng túng như con ngốc khi bị bà nhìn như thế. Nhưng người đàn ông che dù kia chẳng buồn chớp mắt. Ông ta mỉm cười nói tiếp, “Xin bà tin tôi, tôi không có thói chặn các bà trên phố để kể lể chuyện rắc rối của mình đâu.”
“Tôi cũng mong thế,” mẹ tôi đáp.
Tôi thấy áy náy vì cái kiểu lạnh lùng của bà. Tôi muốn bảo bà. “Ô kìa, mẹ. Ông ấy lớn tuổi rồi, lại lịch sự nhã nhặn nữa. Ông ấy đang gặp rắc rối, mẹ đừng thô bạo như thế chứ.” Nhưng tôi chẳng nói gì cả.
Người đàn ông chuyển cây dù sang tay kia. “Tôi chưa bao giờ quên nó ở nhà,” ông ta nói.
“Quên cái gì?” mẹ tôi hỏi lạnh lùng.
“Quên cái ví,” ông ta đáp. “Chắc tôi bỏ trong túi cái áo khoác kia. Thật lú lẫn phải không?”
“Ông muốn xin tiền hả?” mẹ tôi độp ngay.
“Ôi, Chúa ơi, không!” ông ta kêu lên. “Ai làm chuyện bậy bạ vậy!”
“Thế ông muốn gì?” mẹ tôi gắt. “Và nói nhanh lên. Mẹ con tôi cứ đứng đây thì ướt hết.”
“Tôi hiểu,” ông ta nói. “Thế nên tôi muốn để lại cho bà cái dù này để che mưa, và bà cứ giữ luôn nếu như...”
“Nếu như gì?”
“Nếu như bà cho tôi một bảng để trả tiền taxi về nhà.”
Mẹ tôi vẫn đầy nghi ngờ. “Nếu ông không có tiền thì làm sao tới được chỗ này?”
“Tôi đi bộ,” ông ta đáp. “Ngày nào tôi cũng đi dạo khá xa rồi kêu taxi về. Tôi đi dạo như thế cả năm nay rồi.”
“Sao bây giờ ông không đi bộ về?” mẹ tôi hỏi.
“Ôi, phải chi tôi đi được.” Ông ta đáp. “Nhưng chân cẳng yếu rồi đi thêm không nổi nữa. Bữa nay tôi đi hơi xa.”
Mẹ tôi đứng cắn môi. Bà đang xiêu lòng, tôi thấy rõ như thế. Ý nghĩ có cái dù che mưa khiến bà thích tợn.
“Cây dù dễ thương lắm,” ông già nói.
“Tôi thấy.” Mẹ tôi bảo.
“Bằng lụa đấy.”
“Tôi thấy mà.”
“Vậy bà lấy đi,” ông ta tiếp. “Tôi mua nó tới hai chục bảng đấy. Nói thật. Nhưng chuyện đó có đáng gì. Tôi chỉ mong về được tới nhà cho cái chân được nghỉ.”
Tôi thấy mẹ tôi rờ miệng ví. Bà thấy tôi nhìn bà dọc theo sống mũi giống hệt kiểu của bà. Bà biết tôi muốn nói gì. Tôi muốn nói, mẹ này, mẹ đừng lợi dụng một ông già như thế. Thối tha lắm. Bà nhìn lại tôi rồi nói với ông già. “Lấy cái dù hai chục bảng của ông thì vô lí quá. Để tôi cho ông tiền về xe rồi mình chia tay.”
“Ố, không được!” ông ta kêu lên. “Không đời nào tôi lại nhận tiền của bà như thế! Bà cứ nhận cái dù này đi, che cho khỏi mưa!”
Mẹ liếc nhìn tôi đắc ý. Thấy chưa, ông ấy muốn mẹ lấy cây dù mà. Bà móc trong ví ra tờ một bảng và đưa cho ông già. Ông nhận tiền và đưa cây dù cho mẹ tôi. Ông ta nhét tiền vào túi, giở nón và cúi người chào, rồi nói, “Cám ơn bà. Cám ơn nhiều.” Và ông ta quay lưng đi.
“Đứng vào dù tránh mưa đi con,” mẹ tôi nói. “Mình hên quá phải không. Mẹ chưa từng có cây dù lụa nào... vì nó đắt quá.”
“Thế sao lúc đầu mẹ khó chịu với ông ta thế?” tôi hỏi.
“Mẹ sợ ông ấy là loại lừa đảo. Cũng may ông ta là người tử tế. Mẹ mừng vì đã giúp được ông ấy.” Ngưng một lát bà tiếp, “Ông ấy chắc giàu lắm, nếu không làm sao mua nổi dù lụa. Không chừng ông ta còn được phong tước nữa kìa. Dân quí tộc thật sự.”
“Dạ.”
“Đây là bài học hay cho con,” mẹ tôi tiếp. “Đừng bao giờ vội vã. Luôn thong thả khi đánh giá người khác. Như thế con sẽ không bao giờ sai lầm.”
“Coi ông ta đi kìa!” tôi kêu lên.
“Đâu?”
“Đàng kia. Ông ta đang băng qua đường. Coi bộ vội dữ.”
Chúng tôi nhìn theo ông già đang lách qua dòng xe cộ. Sang đến bên kia, ông rẽ trái và bước đi rất nhanh.
“Coi bộ ông ta đâu có mệt nhọc gì đâu, mẹ thấy không?”
Mẹ tôi im lặng.
“Mà trông cũng không có vẻ là ông ta đang tìm taxi.” Tôi tiếp.
Mẹ tôi đứng cứng đơ, nhìn theo ông già nhỏ thó. Chúng tôi thấy rõ là ông ta đang vội vã. Ông đi dọc vỉa hè, qua mặt những người khác, hai tay vung mạnh như người lính đang diễn hành.
“Ông ta đang gấp chuyện gì đó.” Mẹ tôi nói, mặt nghiêm lại.
“Mà chuyện gì?”
“Mình phải tìm biết cho ra,” mẹ tôi nói nhanh. “Đi với mẹ.” Bà nắm tay tôi và hai mẹ con qua đường, rồi cũng đi về phía trái.
“Thấy ông ta không?” mẹ tôi hỏi.
“Dạ thấy. Ông ta rẽ phải ngay ngã tư kia.”
Chúng tôi đi theo hướng đó và thấy ông ta chỉ độ hai chục mét phía trước mặt. Ông ta chuồn đi nhanh như thỏ và chúng tôi phải cố lắm mới theo kịp. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn và tôi có thể thấy nước chảy thành dòng từ vành nón xuống vai áo ông ta. Còn chúng tôi vẫn khô ráo bên dưới cây dù.
“Lỡ ông ta quay lại thấy mình thì sao?” tôi hỏi.
“Kệ ông ấy chứ,” mẹ tôi nói. “Ông ta đã nói láo với mẹ con mình. Ông ta đi ào ào chứ có mệt nhọc gì đâu. Đồ nói láo trơ trẽn!”
Ở góc đường kế, ông ta quẹo phải, sau đó quẹo trái, rồi quẹo phải nữa.
“Mẹ không chịu thua đâu.” Mẹ tôi nói.
“Đâu rồi? Tôi kêu lên. “Ông ta biến đâu rồi?”
“Mẹ thấy rồi.” Mẹ tôi đáp, “Ông ta vào cánh cửa đàng kia. Ôi trời! Quán rượu à!”
Đó là một tiệm rượu với bảng hiệu chữ lớn THE RED LION.
“Mình vào không mẹ?”
“Không,” mẹ tôi đáp, “Ở ngoài nhìn vô cũng được.”
Có một ô cửa kính lớn dọc mặt tiền quán rượu, và tuy bên trong hơi mù mịt khói nhưng chúng tôi cũng vẫn nhìn rõ nếu đứng sát vào đó.
Tôi bấu vào tay mẹ. Mưa dội nghe rõ mồn một trên cây dù. “Ông ta kìa,” tôi nói. “Đàng đó đó.”
Căn phòng bên trong đầy những người và khói thuốc lá. Ông già nhỏ thó đang ở trong đó, lúc này ông ta không còn nón và áo khoác nữa, và đang chen tới quầy rượu. Ông ta đặt cả hai tay lên quầy và nói với anh bồi quầy. Anh bồi quay lưng đi trong chốc lát rồi quay lại với một cốc rượu rót đầy tới miệng. Ông già đặt tờ một bảng lên quầy.
“Tờ một bảng của mẹ hồi nãy!” mẹ tôi rít thầm. “Ông già điên rồi!”
“Li gì vậy mẹ?” tôi hỏi.
“Whisky,” mẹ tôi đáp. “Không pha.”
Anh bồi quầy chẳng thối lại cho ông ta xu nào cả.
“Chắc là một li ba.” Mẹ tôi nói.
“Li ba là sao?” tôi hỏi.
“Một li gấp ba lần li thường.”
Ông già đưa li lên miệng, nghiêng từ từ... cao dần... cao dần... rồi toàn bộ li rượu trôi tuột vào cổ họng ông ta.
“Uống thứ này đắt quá,” tôi nói.
“Quái gở thật!” mẹ tôi nói, “Trả một bảng cho cái thứ uống chỉ một hơi là hết!”.
“Còn hơn một bảng nữa kìa,” tôi nói. “Nó làm ông ta mất toi cây dù lụa giá hai chục bảng.”
“Ông ta điên rồi.” Mẹ tôi nói.
Ông già nhỏ thó đứng bên quầy với cái li không trong tay. Ông ta mỉm cười, một vẻ rạng rỡ lan dần trên khuôn mặt hồng hào. Ông ta thò lưỡi liếm hàng ria mép bạc, như muốn vét nốt giọt whisky quí giá cuối cùng.
Chậm rãi, ông ta rời quầy rượu, len qua đám đông ra chỗ ông ta treo mũ và áo khoác. Ông ta đội mũ, mặc áo. Rồi, một cách vô cùng thản nhiên và thờ ơ đến độ không ai có thể nhận ra điều gì bất thường, ông ta cầm lấy một trong những cây dù ướt sũng móc trên giá, và đi ra.
“Con thấy không!” Mẹ tôi rít lên. “Thấy ông ta làm gì chưa!”
“Sssụyt!” tôi thì thào. “Ông ta ra kìa!”
Mẹ tôi hạ thấp dù che mặt, rồi cúi đầu nhìn ra.
Ông ta bước ra ngoài nhưng không nhìn về phía chúng tôi. Ông ta bung dù và đi trở ngược hướng cũ.
“Té ra trò ma của ông ta là thế!” mẹ tôi nói.
“Gọn gàng,” tôi nói. “Ngon lành.”
Chúng tôi theo ông ta ra tới phố chính nơi đã gặp ông ta ban nãy và thấy ông ta lại tìm cách đổi dù lấy một bảng. Lần này là với một người đàn ông cao gầy gò chẳng có mũ lẫn áo khoác. Khi hai bên đổi chác xong, ông già lẹ làng đi dọc theo phố và biến vào đám đông. Nhưng lần này không đi theo hướng cũ nữa.
“Ông già khôn ghê!” mẹ tôi nói. “Ông ta không vào quán rượu nào hai lần.”
“Ông ta có thể cứ làm thế suốt đêm.” Tôi nói.
“Ừ,” mẹ tôi đáp. “Nhưng chắc ông phải cầu nguyện dữ lắm để ngày nào xủng có mưa.”
Phạm Viên Phương dịch

Xem Tiếp: ----