Bước ra khỏi nhà anh, cô thấy lòng chợt nhẹ nhõm và mát mẻ như có nhành sống mới mọc lên sau những gì đã qua. Chắc cô sẽ chẳng gọi điện lại cho Tuấn, nhờ chuyện cái gạt tàn mà cô đã hiểu ra nhiều điều, vì tại sao người ta không gọi ngày hôm qua là hôm nay; tại sao lại có quá khứ và hiện tại; mùa thu bắt nguồn từ mùa xuân, sang hạ, và cuối thu lại se lạnh tiết đông!
Cô nâng chiếc gạt tàn pha lê xanh trên tay ngắm nghía, theo phản xạ tự nhiên, tìm ấn cái nút sắt. Bỗng, cái gạt tàn rơi chạm tới mặt sàn vỡ vụn...
- Thôi rồi! Cái gạt tàn của bố anh. Tuấn chạy ra phòng khách, gương mặt đầy hốt hoảng.
Cô bối rối, quì thụp xuống vội vàng vơ lấy những mảnh vỡ. Nơi đầu ngón tay có giọt máu đỏ ứa ra!
Tuấn không nói gì, còn cô lặng im. Chiều chia tay thật dài mà cũng thật ngắn. Ánh mắt nói nhiều còn đôi môi lại câm nín một cách đáng sợ. Cô muốn khóc nhưng tự nhủ mình không được mềm yếu, không việc gì phải mềm yếu trước anh. Cô ngẩng mặt lên nhìn anh và cố cười. Cô chẳng còn nhớ gì nữa, đến khi định thần lại mới biết mình đang chạy và trên môi thấy mặn chát như muối, không phải cảm giác, còn mặn hơn cả muối. Mặn, còn thêm cả đắng nữa.
Cô và Tuấn yêu nhau đã hai năm từ khi cô học đại học năm thứ hai. Tuấn là lập trình viên ở công ty máy tính cách nhà cô ba kilômét. Hai người quen nhau vào một buổi tối muộn khi cô bị hỏng xe đúng lúc anh rời công ty sau một ngày làm việc kéo dài hơn so với dự kiến. Ngày trước, khi ngỏ lời với cô, Tuấn đã có cách riêng, đặc biệt: “Đưa tay đây để anh xem bói cho nào!”. “Anh mà cũng biết xem bói sao? Thế thì đây”. “Có một người đang rất yêu em nhưng chưa dám nói”. “Ai? Anh nói đi em sốt ruột lắm rồi!”. “À là...” - Tuấn nói thì thầm từng tiếng như chỉ để anh nghe. Không khí chìm lắng. Cảnh vật xung quanh từ từ sáng lên, chùm bằng lăng tím trên cao như muốn rơi xuống chỗ họ đang ngồi. Lần đầu tiên trong đời cô mới hiểu môi anh đặt lên môi cô vừa khít đến thế nào!
Công việc đã biến Tuấn thành người nghiện thuốc từ bao giờ (chắc chỉ lý do thôi!), đã bao nhiêu lần cô khuyên mà anh vẫn không bỏ được, thật chẳng giống như câu nói: “Tình yêu có thể làm đổi thay cả thế giới”. Cho dù không thích Tuấn hút thuốc nhưng mỗi lần đến nhà anh, cô rất thường hay nghịch cái gạt tàn sắt tây có cái nút ấn. Hai cửa sập ngồ ngộ giống miệng con cá đóng vào, mở ra như nuốt từng đầu mẩu thuốc lá vào bụng. Có lần dại dột, cô thò tay vào thì nó cứa tay cô chảy máu. Tuấn cuống quýt băng bó, vòng tay qua eo và trách yêu: “Em xem, sinh viên hẳn hoi mà lúc nào cũng như trẻ con, từ sau đừng nghịch ngợm nữa nhé!”. Anh dọa nếu cô còn bị như vậy chắc anh sẽ quẳng cái gạt tàn đi.
Cô khác Tuấn nhiều, Tuấn lúc nào cũng là con người thực tế đến già dặn. Tuấn thích cái gì cũng phải rạch ròi, đen là đen và trắng thì phải là trắng không thể là hơi trắng. Còn cô thích sự pha trộn màu sắc, thích tất cả những nốt nhạc làm nên một bản nhạc hay.
Bây giờ nghĩ lại, nhớ lại cô buồn và nuối tiếc. Thời gian trôi, những cảm xúc ban đầu đã không còn nữa. Buổi sáng, cô dốc công chuẩn bị món cháo trai thật ngon để đem tới cho anh vì hôm qua khi đi chơi trông anh có vẻ hơi mệt. Cầm chiếc cặp lồng trong tay cô tự tin bước vào phòng anh làm việc “Sao em lại... em có biết em làm anh xấu hổ với mọi người không?”. “Em chỉ muốn tạo bất ngờ cho anh thôi mà”. Anh dịu đi khi nhận ra cô gần oà khóc. “Anh không có ý... nhưng từ sau em đến thì phải nói trước với anh”. Cô gật đầu một cách vô thức, tại sao Tuấn bây giờ và Tuấn của ngày trước lại khác nhau đến thế?
Đây là ngày đầu tiên cô đi làm, phải tươm tất một chút, giá cả sinh hoạt dạo này đắt đỏ, tiền lương hưu của bố mẹ chỉ đủ chi tiêu tằn tiện trong nhà và cô còn muốn tìm lại cảm giác mới mẻ ở cuộc sống, niềm vui sau những giờ học trên lớp. Có lẽ một việc làm bận rộn sẽ ngăn không để cô liên tưởng tới ai đó chỉ từ một cái tên.
Quán ăn nhanh này là của gia đình Nguyên, một gia đình giàu có mà lại ở hẻm con phố cổ. Ông bố có cậu quí tử là sinh viên năm cuối khoa Biên kịch Trường Sân khấu Điện ảnh. Đặc biệt, ai từng gặp cũng bảo Nguyên đăng ký nhầm khoa vì trông anh rất giống chàng diễn viên Hàn Quốc đẹp trai nào đó. Nguyên được bố giao toàn quyền quản lý quán. Bố chẳng mấy khi ghé qua. Tất tật việc kinh doanh Nguyên lại giao cho người quản lý, mà nếu có hỏi ý kiến gì Nguyên cũng đâu biết, bởi anh không thấy hào hứng công việc kinh doanh này.
Tối nay quán đông khách. Món ăn ở đây ngon nhưng cách người ta bài trí nội thất thì... biết nói thế nào nhỉ. Cô thấy thật không ổn. Đặt giả định nếu là chủ chắc cô sẽ làm vài việc ý nghĩa hơn cái người mấy anh chị nhân viên thường bàn tán “Hiếm khi xuất hiện”. Xem nào, cô sẽ kê chiếc đàn pianô vào góc phòng vì để như thế này rất vướng víu. Những cái rèm cửa nên thay màu cam ấm, màu rêu khiến cho quán lành lạnh, rồi cả khăn trải bàn nữa...
- Mi! Thanh toán bàn số 9.
Tiếng gọi của anh quản lý làm cô run bắn. Cô vội chạy ra chiếc bàn góc quán. Khách một người đàn ông đã đứng tuổi. Ông ấy gọi quá nhiều mà chẳng ăn mấy, thật lãng phí. “Dạ! Tất cả là một trăm tám mươi ngàn đồng”. Người đàn ông rút ví rồi đi thật nhanh ra cửa như sợ ai đuổi theo. Đang mải gom thức ăn thừa bỗng cô thấy chiếc ví tiền nằm trên bàn. Chắc của người khách lúc nãy để quên. Chẳng kịp suy nghĩ, cô chạy đuổi theo. May quá người đàn ông chỉ mới vừa lên taxi...
Khi quay về quán, cô thấy một người trai cao to đang nói chuyện với quản lý trong quầy. Nhìn thấy cô, anh ta tránh ánh mắt đi chỗ khác. Còn người quản lý thì đầy vẻ giận dữ.
Lần này cô lại chạy, khi hồi tỉnh lại, lại thấy mặn chát ở đầu môi. Chỉ khác là đang vào buổi tối, đường phố đã lên đèn từ lâu. Tối nay mọi người đi chơi đông quá. Những đôi yêu nhau, họ đi trên xe máy, họ đi dưới vỉa hè, tất cả đều có đôi chỉ cô là không. Nhớ ra, hôm nay là thứ bẩy, ngày hẹn hò của tình yêu, cô buồn quá hay sao mà mất cả khái niệm về ngày - tháng. Khi biết rồi, nhớ rồi thì trước mặt đã là cái hồ nhỏ quen thuộc lãng quên, nơi xưa, anh hay dẫn cô đến và hai người đã trở nên đặc biệt với nhau. Cây bằng lăng ven hồ ngày nào giờ trông xác xơ, màu hoa xưa cứ nhạt nhòa một nỗi nhớ. Tuấn, ngồi trên bậc đá nhìn xa xăm, chẳng biết từ bao giờ? Cô bước tới, Tuấn vẫn không hay gì. Anh vẫn nắm chặt lấy tay mình, rồi nhìn vào bàn tay như người đang xem bói.
Nguyên trở về nhà sau một ngày mệt mỏi, việc học cuối khóa bộn bề, mà hôm nay anh lại phải tạt qua quán. Bố vẫn đợi cơm anh, nhà chỉ còn hai bố con. Từ khi mẹ mất, bố là mẹ và mẹ thì nấu cơm. “Con về! Nghỉ ngơi đi, tối nay bố tới quán mà không gặp con”. “Ở trường về, con còn rẽ qua nhà thầy lấy đề tài luận án tốt nghiệp. Hôm nay quán đông khách, con vừa đuổi việc một nhân viên mới vì cô ấy tự ý ra ngoài trong khi đang làm việc”. Ông bật dậy nhìn con trai, tỏ ý không hiểu: “Có phải cái cô nhỏ người, mắt sáng có lúm đồng tiền một bên không?”. “Con cũng không rõ nữa”. Anh ngỡ ngàng vì thái độ của cha. “Thế quán có mấy nhân viên mới?”. “Có mỗi mình cô ấy”. Bữa cơm kết thúc nhanh chóng tưởng chưa từng bắt đầu. Không gian căn nhà quá rộng càng chông chênh, lạnh lại càng lạnh lẽo. Đêm đó Nguyên không ngủ được. Trong anh dâng ngập niềm hối hận, anh cứ muốn tìm gặp cô gái ngay, dù chỉ để xin lỗi, chứ không đơn thuần vì sự phiền lòng và cả giận dữ bất ngờ của cha.
Gió đêm lồng lộng, Nguyên lật giở tập luận án nằm im ỉm trên bàn. Thầy đã chọn cho anh chủ đề tình yêu, chủ đề khó vì anh chưa... Những lúc buồn thế này, hình ảnh mẹ lại hiện về. Anh nhớ da diết cái cách mẹ mắng mỗi lần anh bày bừa ra phòng, cách mẹ dặn dò khi anh bước ra khỏi cửa, và ánh mắt mẹ nhìn, cả vòng tay mẹ mới ấm lành làm sao. Anh thèm sau này gặp được người con gái giống như mẹ! Nghĩ mãi, nghĩ mãi và anh gục thiếp đi lúc nào trên bàn. Ngoài cửa phòng, cha đang đứng, mái tóc xòa những nếp nhăn, trên má còn đọng những giọt nước mắt.
Tối qua ông đã giận dữ hơi quá với con.
Nỗi nhớ vợ, suốt đêm tràn về trong ông! Tê tái! Ông thấy mình không làm tròn hết những lời trăng trối của vợ. Ngoài kia trời tang tảng lâu rồi!
Sáng nay, cô đến nhà Tuấn mà không có hẹn trước. Giấc ngủ không lành làm đầu cô trở nên trống rỗng. Nhà anh không thay đổi, vẫn căn nhà ba tầng với kiến trúc Pháp cổ, vẫn cái cổng gạch đỏ, bên ngoài là hàng hoa ti gôn được tỉa tót rất cẩn thận. Tuấn đi đâu từ sớm? Mẹ Tuấn vẫn niềm nở như hôm nào: “Mi à! vào nhà đi, Tuấn về bây giờ, lúc nào nó cũng nhắc đến cháu!”. Cô bước vào phòng khách. Căn phòng sáng bóng, sàn nhà lát gạch màu ngọc. Chẳng có gì thay đổi. Hướng mắt về nơi quen thuộc, cô tìm cái gạt tàn sắt. Thật buồn, nó được thay bằng cái gạt tàn pha lê màu xanh sậm. Tự nhiên cô không thích sự phù hợp này, một sự phù hợp đến bất hợp lý. Ở lại một lát rồi cô chào mẹ Tuấn, ra về. Bước ra khỏi nhà anh, cô thấy lòng chợt nhẹ nhõm và mát mẻ như có nhành sống mới mọc lên sau những gì đã qua. Chắc cô sẽ chẳng gọi điện lại cho Tuấn, nhờ chuyện cái gạt tàn mà cô đã hiểu ra nhiều điều, vì tại sao người ta không gọi ngày hôm qua là hôm nay; tại sao lại có quá khứ và hiện tại; mùa thu bắt nguồn từ mùa xuân, sang hạ, và cuối thu lại se lạnh tiết đông!
Tiếng nhạc chuông điện thoại quen thuộc vang lên. Cô tạt xe vào vệ đường mở máy: “Con à, đang ở đâu đó? Về nhà đi, có anh gì bảo là cùng chỗ làm thêm với con đến tìm, đang ngồi đợi con”. “Vâng con sắp về tới nơi rồi”. “Quái lạ, mới đi làm có một buổi đầu đã quen người nào”. Cô tăng tốc, trên cả quãng đường về trong đầu cứ luẩn quẩn suy nghĩ: “Người lạ đó, anh ta là ai?!”
 

Xem Tiếp: ----