Toa tàu của Song Ngư có sáu giường nhưng chứa đến bảy người nằm. Không hiểu hai ông bà già nói cách nào mà nhân viên soát vé đồng ý cho họ nằm chung một giường. Song Ngư nằm giường tầng một, dãy A. Hai ông bà già nằm cùng dãy, tầng hai. Tầng trên cùng của dãy A là cô con gái đi chung với hai người. Trông cô ta trạc tuổi Song Ngư nhưng xinh hơn, dày dạn phong trần hơn. Toa tàu bé lúc nhúc như cái chuồng cu, bước ngang đúng một bước qua bên kia là dãy B. Người nằm giường tầng một đối diện với giường của Song Ngư là anh chàng có vẻ là triết gia hơn là khách đi tàu. Cặp kính cận dày cộp luôn luôn trễ xuống cánh mũi phập phồng theo nhịp lắc lư của con tàu và tất nhiên, trong tay anh ta bao giờ cũng có sách. Hai tầng phía trên dãy B là một đôi, có vẻ là tình nhân. Song Ngư thấy họ quan tâm, âu yếm nhau lắm. Anh chàng nằm ở tầng hai leo lên leo xuống với cô gái ở tầng ba liên tục, họ hôn nhau và ôm nhau cười dấm dúi. Chẳng buồn sắp xếp hành lý cho gọn gàng, Song Ngư quăng phịch chiếc túi mềm đeo vai xuống mảnh giường bé tẻo teo. Xong, cô ngồi thu lu một góc nghe nhịp tàu. Xình xịch xình xịch... đều đều... đều đều... ngắt quãng... nhưng không buồn ngủ nổi, cô mong hành trình bốn mươi tiếng qua nhanh để được gặp lại Hạo và nhóm bạn ở Bắc Kinh. Song Ngư bị lạc tour ở nhà ga Nam Ninh, thế là cô đành đi sau Hạo và nhóm bạn đúng một chuyến tàu, họ hẹn đón cô ở nhà ga Bắc Kinh. Dù mọi thứ dường như đã được sắp xếp theo một trật tự nhất định nào đó, như là chuyến du lịch Trung Quốc lần này, Song Ngư phải có một lần đi lẻ loi. Nhưng cô vẫn cảm thấy ức Hạo như thế nào. Hạo làm sao mà bỏ cô lạc giữa chốn đông người. Cô chỉ mê ông già nặn tò he ở sân ga Nam Ninh một chút mà Hạo lơ đễnh để dòng người cuốn cô đi. Thôi lỡ rồi thì phải ráng, thâm tâm Song Ngư chẳng còn hào hứng gì với chuyến đi. Cô không có thói quen kêu ca và sợ hãi trước những khó khăn. Nhưng hiềm một nỗi giữa đất khách quê người, cô lại không nói được nhiều tiếng Trung Quốc. Song Ngư nghe ông già nằm trên tầng hai nói lớn tiếng với bà già một điều gì đó. Chỉ vài giây sau, bà già lập cập leo xuống. Bà lôi dưới gầm giường cô ra bao nhiêu là ly tách và nồi niêu soong chảo. Bà đi lấy thức ăn cho ông già, có lẽ đó là những món ăn được bà nấu sẵn ở nhà. Bà lại lập cập leo lên với hai cổ tay treo lủng lẳng những túi xốp đựng lùng nhùng thức ăn. Một chút ông già lại la, bà lập cập leo xuống rồi lại lập cập leo lên. Cứ thế vài ba lần, Song Ngư thấy tội nghiệp bà già. Cô kéo tay bà, ra dấu bảo đổi chỗ. Hai ông bà lục tục kéo xuống tầng một. Song Ngư nhảy thót lên tầng hai. Ngồi chưa ấm chỗ, cô đã nghe tiếng gõ lóc cóc vào thanh giường bằng sắt. Cô gái ngồi tầng ba gọi bà già chuyển phần thức ăn thừa của cô xuống. Bà già đứng lên đưa tay đón cái đĩa nhựa từ cô gái, rồi run run chuyền lên một ly nước, một trái chuối. Con tàu lắc lư làm ly nước sóng sánh tràn. Ông già la lên bực bội, thô bạo đẩy bà già ngã xuống giường, rồi giật ly nước từ tay bà, thoăn thoắt trèo lên tầng ba như một con sóc. Ông già khỏe như vâm, chẳng thế mà bà già bị ức hiếp đủ điều. Song Ngư nghe giọng ông già đã dịu lại trên tầng ba, còn cô gái nói lí nhí điều gì đấy. Dưới tầng một, bà già ngồi thừ ra một chút rồi sụt sịt khóc. Song Ngư liếc lên tầng ba, cô gái vẫn nằm tư thế cũ, ông già ngồi ở góc giường đàng chân cô gái. Ngư bỗng thấy khó chịu trước cô gái, con cái mà sống bất nhẫn với cha mẹ mình như thế. Cô phải là người đi lấy thức ăn phục vụ cha mẹ mình thì đúng hơn. Nhịp tàu lại đều đều... xình xịch... xình xịch... Trên tầng ba, ông già nghiêng đầu lim dim mắt. Buổi ăn tối của mọi người trên tàu kết thúc. Thảo nguyên bát ngát bên ngoài với bao đồi núi chập chùng lẫn trong màn đêm đen kịt. Tiếng còi tàu giục giã đến nao lòng. Dù chưa ăn, Song Ngư vẫn không thấy đói. Cô nằm nhẹ xuống giường, khẽ nhắm mắt lại, giờ này Hạo đang làm gì ở Bắc Kinh. Đến lúc này, cô vẫn chưa tưởng tượng nổi chuyện Hạo có thể hồn nhiên lên tàu một mình. Điện thoại di động của cô hết pin lúc đó chưa phải là tất cả lý do. Lại không càng là lý do khiến Hạo hoảng hốt khi nghe cô gọi từ một máy công cộng. Chúng ta trễ tàu rồi, book vé lại thôi Hạo ơi. Không, anh đang ở trên tàu, em phải lên với anh nhanh lên, cô hướng dẫn viên đang đi tìm em đấy. Đến lúc này Ngư mới ngớ ra, ừ, chỉ một mình cô trễ tàu, chứ đâu phải là chúng ta, Hạo nói chính xác. Nhưng biết đâu mà tìm, sân ga mênh mông, cửa vào nhà ga thì vô số... Thôi nghĩ làm gì cho thêm đau đầu, tới đâu thì tới, mình đâu phải là trẻ con lạc mẹ. Song Ngư xoay người ra ngoài, cố vỗ về giấc ngủ, bốn mươi tiếng sẽ qua nhanh. Dù không cố tình nhưng Ngư vẫn thấy được chuyện của đôi tình nhân trên tầng hai, dãy B. Ra là vậy, cô gái đã leo xuống tầng hai tự bao giờ. Cố tình làm sao được, ngay tầm mắt Ngư đấy thôi. Họ yêu nhau dữ dội quá. Họ lùng nhùng với nhau trong tấm vải hoa chỉ kéo chưa đến ngực cô gái. Chàng trai rúc đầu vào bầu ngực trắng tinh của người yêu. Những sợi tóc dài lả lơi của cô gái quấn lấy tấm lưng trần của chàng. Nhớ đến triết gia ở tầng một, Ngư ngại ngùng đưa mắt nhìn xuống. Anh ta vẫn bình thản đọc sách dù thỉnh thoảng ba tầng giường bị rung lên ken két, đúng là thánh nhân. Ngư đằng hắng nhẹ, anh ta cũng không nhìn. Dường như anh ta phải đọc sách cho hết đêm nay vì ngày mai thế giới sẽ bị hủy diệt. Lại bắt đầu lùng nhùng ba tầng giường phía bên đây. Ngư nhìn lên tầng trên. Tim cô muốn thót lại. Ông già với cô gái đang đắp chung một tấm chăn. Ba tầng giường cũng rung lên nhưng nhẹ hơn bên kia. Ngư không thấy gì cả vì họ quấn chăn rất kín. Bỗng dưng Ngư cảm thấy sợ, sợ một điều gì đó rất bâng quơ. Cô ngồi dậy nhìn qua cửa sổ toa tàu, vẫn chỉ là bóng đêm đen kịt, gió thảo nguyên lùa qua rát ràn rạt. Cô hít một hơi thật sâu để tìm hương vị cỏ thảo nguyên - ngọt ngào mà cô đã được đọc trong mấy quyển tiểu thuyết Nga thời sinh viên mà chẳng thấy gì cả. Cảm giác lạ lùng đã lấn át tất cả... Tự trấn an mình, Song Ngư đưa mắt nhìn xuống tầng một. Bà già không ngủ, ngồi bó gối nhìn ra màn đêm. Cô đằng hắng một cái nữa, cũng như thánh nhân phía bên kia giường, bà già không thèm nhìn lên. Cô phải làm gì cho hết đêm nay trên tàu? Hạo phải làm gì cho hết đêm nay ở Bắc Kinh? Không có cô bên cạnh, hẳn đời Hạo phải buồn tẻ lắm. Cũng như cô vậy, không có Hạo, cô thấy đời mình nhạt như nước ốc. Xình xịch, xình xịch, xình xịch... Tàu tăng tốc lao nhanh trong màn đêm... Bà già ôm ngực ho, tiếng một, tiếng một... đến khô khan và ngạt thở. Tầng ba phía trên vẫn lùng nhùng, Ngư nghe tiếng thở gấp của cả ông già và cô gái. Ngư rùng mình, cảm thấy thật sự bất an. Cô vịn vào hai thanh sắt của chiếc thang hẹp nối ba giường và leo xuống. - Nỉ hảo! Nghe tiếng chào làm quen, bà già ngước lên: - Nỉ hảo! Bà nhích ra một chút để nhường chỗ cho Ngư ngồi, rồi lại đăm đắm nhìn ra màn đêm. Ngư hỏi sao bà không ngủ. Có lẽ câu cú của cô sắp xếp buồn cười lắm nên bà không nhìn ra màn đêm nữa mà lại nhìn Ngư nghệch ngạc. Bà hỏi cô là người Việt Nam phải không. Rồi bảo, chồng của cô có nhiều vợ không. Ngư bảo cô chưa có chồng nhưng đã có người yêu, định nói thêm người yêu đã bỏ ra Bắc Kinh trước rồi nhưng thôi vì không muốn kể lể chuyện mình. Bà im lặng một chút rồi buông tiếng thở dài: - Tôi là người vợ thứ năm của ông chủ tôi, ông già đang ở trên tầng ba đấy. Ngư xòe năm ngón tay ra: - Bà có đến năm người yêu trước khi lấy chồng? - Không phải, tôi chỉ là đầy tớ, cô có hiểu không? - Làm đầy tớ... thế sao bà có nhiều người yêu vậy? Thánh nhân bên kia giường chịu không nổi cách nói một đàng, hiểu một nẻo của hai người phụ nữ nên mới chèn ngang bằng tiếng Việt: - Bà ấy bảo bà là người vợ thứ năm của ông chủ, cái ông đang lùng nhùng trên kia đấy! Ra vậy là biết hết chứ nào phải không, còn biết cả chuyện ông già đang lùng nhùng trên kia. Phiên dịch được một câu đầy, biểu cảm như thế nhưng mắt hắn vẫn dán chặt vào sách, đầu hắn gối hờ hững trên chiếc áo khoác gấp làm tư và cứ lắc lư, lắc lư theo nhịp tàu, chiếc kính trễ xuống đến chóp mũi nhưng vẫn không chịu rời chủ nhân đáng kính của nó. Ngư không thèm quan tâm đến hắn: - Còn cô gái trên kia là cái gì của bà? Bà già hỏi lại: - Nỉ shuo sởn ma, wỏ pu tủng? Thánh nhân phiên dịch lại. Nị nói cái gì mà tui không hiểu vậy. Bà già gật đầu ra chiều thoải mái, cũng chẳng cần cảm ơn nghĩa cử làm cầu nối ngôn ngữ của hắn, chuyện góp nhặt trên tàu là quà chung để mọi người qua nhanh chuyến hành trình, cảm ơn làm gì. Bà bảo cô gái đó là vợ thứ sáu của ông chủ, bà mới cưới cô cho ông cách đây một tuần, cô dâu chỉ hai mươi lăm tuổi. Thánh nhân lại phiên dịch mà chẳng mảy may nhìn lấy hai người phụ nữ đang trông chờ vào những lời vàng ý ngọc của mình phía trên đây giường. Thế thì tốt, cảm ơn. Ngư thích thú với ý nghĩ đó và tiếp tục trò chuyện cùng bà lão. Bà bảo ngày trước ông chủ nhiều tiền lắm nên muốn cưới bao nhiêu vợ mà chẳng được. Ông là chủ trang trại, vợ của ông toàn những cô làm công xinh xắn. Mỗi cô về làm vợ ông đều được một chiếc trâm cài đầu bằng vàng. Đến lượt bà, tuy là vợ thứ năm nhưng lại lớn tuổi nhất trong số các cô, bà chỉ kém ông năm tuổi. Khi đó, bà nấu bếp cho trang trại của ông được gần hai mươi năm, ông quyết định gá nghĩa cùng bà vì chán cô vợ thứ tư õng ẹo, suốt ngày chỉ biết moi tiền của ông để đi đánh bạc. Thêm nữa, ông mê tài làm vằn thắn và sủi cảo tuyệt hảo của bà. Gần hai mươi năm sống đàng hoàng với nhau bằng tình nghĩa vợ chồng, bà nghĩ ông không còn mê ai nữa vì tuổi già bóng xế. Nhưng trời xui đất khiến thế nào... Bà ngưng lại một chút rồi nhìn lên tầng ba hạ giọng như sợ hai người trên kia nghe thấy. Nhưng bà chỉ khéo lo, tàu vẫn lao đi xình xịch, xình xịch... tiếng đều đều lấn hết giọng của mọi người. Bà thở dài, chép miệng kể tiếp, cách đây vài tháng, ông đi uống rượu ở quán và vớ được cô hầu rượu xinh xắn mang về. Dù đã đến hồi khánh kiệt nhưng ông vẫn bảo bà gom góp tiền bạc để cưới cô làm vợ. Ông không còn chiếc trâm vàng nào nên bắt bà lấy chiếc trâm bằng ngà - sính lễ của ông cho bà ngày hai người quyết định về sống chung với nhau - để làm món cầu hôn cô hầu rượu. Bà bảo nhất định không. Cô dâu mới bảo, vậy thì phải thay bằng một số tiền. Dưới áp lực của một ông chủ, một người chồng mà bà phải sống nương nhờ gần bốn mươi năm, bà bán rẻo đất hồi môn bé xíu của cha mẹ bà để lại để có tiền đưa cho cô. Bà yêu ông lắm sao, Song Ngư tròn mắt ra hỏi. Bà lắc đầu, không đâu, nhưng thưa cô nương, sẽ là sự sỉ nhục nếu tôi trao sính lễ ngày cưới của mình cho con hầu rượu đang lùng nhùng phía trên đầu chúng ta đây. Nhưng sao bà đồng ý cưới cô ấy cho chồng bà, Ngư hỏi. Bà lão nhún vai, người giàu ở quê có quyền lực vô biên cô ạ, thì cũng như bà vợ thứ tư bị buộc phải cầm chiếc trâm ngà này đi cưới tôi cho ông chồng của bả vậy. Lúc này Ngư mới nhìn thấy hai tay bà lão đang vân vê chiếc trâm ngà. Chiếc trâm có lỗ nhỏ ở một đầu được bà xỏ vào đấy một sợi chỉ đỏ, rồi đeo vào cổ như dây chuyền, như bùa hộ mệnh. Bà ấp chiếc trâm ngà vào ngực, cô này, nó giúp tôi nhiều điều may mắn lắm đấy nhé. Trong đêm tân hôn của ông lão với con hầu rượu, khi tôi nằm một mình trong phòng, có một con rắn xanh lè trườn qua người tôi, tôi sợ quá, co cứng cả người lại, nhưng con rắn không làm gì tôi cả. Nó chỉ bò qua như là tiện đường thôi mà. Nhà nó là những bụi ngải cứu ở ngoài bờ kênh kia. Lúc đó, tôi đang mang chiếc trâm trên ngực này. Cũng chính nó đã giúp tôi thuần phục được con dê đầu đàn. Cái con dê già chết tiệt ấy đã đến hồi trở chứng. Lúc nào cũng phát rồ lên vì động đực. Nó lùng sục khắp các ngõ ngách trên đồi để tìm dê cái. Có một chiều nhập nhoạng phát hiện cu cậu đang nấp trong khe núi, tôi nắm cổ nó lôi ra, nó chống lại bằng cách giương sừng lên. Tôi sợ hãi co người lại và chạm vào đầu nhọn của chiếc trâm đang mang trên người. Có thế thôi mà tôi bình tĩnh lại, tôi đã đứng thẳng người lên, nhìn sâu vào mắt nó. Nhưng mọi thứ lại được hóa giải ngay sau đó bởi một bầy dê cái. Thấy bầy dê cái đi qua, con dê già không hung hãn nữa, nó kêu lên một tràng dài be be... Bà già kể hào hứng và tin tưởng đến vô chừng. Trên kia, ông chủ trang trại và cô hầu rượu vẫn làm chiếc giường ba tầng rung lên từng chập. Đôi uyên ương bên dãy giường B đã quấn nhau ngủ say. Thánh nhân vẫn nằm với sách và làm công tác phiên dịch giúp hai người. Đến lúc này, dù được ''cung cấp chùa'' những thông tin về cuộc sống gia đình bà lão nhưng hắn vẫn làm như chẳng liên can gì. Đảo mắt nhìn khắp một lượt như Song Ngư rồi bà lão kể tiếp, sau ngày cưới, cô hầu rượu đổi ý đòi về sống ở Bắc Kinh. Chiều cô vợ ra đời sau mình nửa thế kỷ, ông chủ trang trại gom góp của cải bán hết, kể cả bầy dê hơn trăm con do bà tích góp trong gần hai mươi năm về làm vợ ông. Ông ôm một đống tiền cùng hai bà vợ lên tàu... Chưa biết sẽ làm gì, ở đâu với số tiền này ở Bắc Kinh - bà lão chép miệng - nhưng ông phải chiều cô vợ trẻ trước đã, nếu không, cô ấy sẽ khóc và ủ rũ suốt ngày. Bà có năn nỉ ông để lại cái chái bếp và hai con dê cho bà sống một mình trên đất trang trại cũ. Nhưng ông đã quát tháo và bán tất tần tật. Ông bảo, ngày nào còn sống, ông còn cần món vằn thắn và sủi cảo của bà... Cuối cùng, bà phải ngồi chờ sáng một mình như đêm nay đây... Tàu lắc lư đều đều từng nhịp, từng nhịp... Chừng như đã mỏi mệt, bà lão tựa đầu vào thanh giường nhắm mắt lại. Ngủ đi bà ơi, đêm sẽ qua, ngày mai sẽ mang lại cho bà những điều mới... Biết đâu đó sẽ là những điều mới diệu kỳ, sẽ làm cuộc đời bà đỡ buồn hơn, đỡ khổ hơn... Phía bên kia giường, thánh nhân cũng đã ngủ, quyển sách rơi xuống hững hờ trên vầng ngực rộng đang thở phập phồng... Bà lão sục sạo soạn hành lý làm Song Ngư thức giấc. Ra thế, nằm trên giường của bà, cô cũng đã chợp mắt được một chút sau những chuyện đời bể dâu. Ngư đứng dậy, đến bên cửa sổ toa tàu vươn vai, nhìn ra ngoài. Ngày mới đã mang đến cho mọi người những vạt nắng trong veo và thanh khiết. Làng mạc, núi đồi thảo nguyên lùi xa dần, tàu bắt đầu vào ngoại vi thành phố Bắc Kinh. Những chung cư cao tầng, những chuyến xe điện leng keng... Cả tiếng rao tào phớ, lục tào xá của những người bán hàng rong... đã nhanh chóng làm nên một diện mạo Bắc Kinh trong Ngư. Bắc Kinh hiện đại, ồn ào, sôi động nhưng vẫn man mác một chút gì đó của thềm hoang chốn cũ. Ít phút nữa, gặp nhau ở sân ga, Ngư sẽ nói điều này với Hạo trước tiên. Sau đó, Hạo phải kể cho cô nghe, anh đã qua đêm đầu tiên ở Bắc Kinh như thế nào. Có trằn trọc khó ngủ, để rồi phải thiếp đi trong cơn mộng mị về cuộc sống hiện đại xô bồ xô bộn như cô không. Vâng, cô và Hạo sẽ có bao nhiêu điều để nói sau bốn mươi tiếng dài lạc nhau trên xứ người. Ngư cúi xuống nhìn lại mình từ đầu đến chân, còn nguyên vẹn cả, không có Hạo, cô vẫn giữ được mình suốt hành trình hàng ngàn cây số, Hạo ơi, chờ đấy! Tàu giảm tốc độ chuẩn bị vào sân ga. Mọi người đã nai nịt hành lý đâu đó gọn gàng. Bà lão lúi húi nhét những vật dụng nhỏ xíu vào túi áo. Thánh nhân xếp những quyển sách vào chiếc túi to đùng. Cặp tình nhân hạnh phúc đã dắt nhau xuống ngồi ké ở giường thánh nhân tự bao giờ. Cô gái mặc chiếc áo hoa xanh sặc sỡ, chàng trai không xấu trai đi vì vết sẹo trên má trái. Họ ngồi sát vào nhau, tay vẫn trong tay, mắt sáng ngời mãn nguyện. Ngư chưa kịp đảo mắt lên để tìm đôi vợ chồng một già - một trẻ có hạnh phúc là nỗi oan cừu của bà lão tội nghiệp dưới đây thì từ phía cuối tàu, ông chồng già đang xuân chuồi đến như một cơn gió lốc, rồi ngã người sóng soài trên chiếc giường bé xíu của bà lão và gào lên: - Tôi không thấy nó trong tất cả các nhà vệ sinh, nó đi đâu mất rồi, nó đã cuỗm hết gia tài của tôi! Mặt mày bà lão xanh như tàu lá, môi bà run lập cập: - Thế... thế sao bảo ông và cô ấy đi... đi vệ sinh? Ông chủ trang trại ôm đầu, nói gằn từng tiếng một, có lẽ nhờ vậy mà Ngư hiểu được không khó khăn lắm: - Ai mà ngờ, nó bắt tôi đợi nó bên ngoài nhà vệ sinh. Hút đến ba điếu thuốc mà chẳng thấy nó đâu, tôi mới xô cửa xông vào, chẳng thấy gì cả, chỉ có một mụ xẩm ngồi đái tồ tồ... Rồi ông hung hăng ngồi dậy, thộp lấy cổ áo mỏng mảnh của người vợ- đầy tớ già nua: - Mày phải đi tìm cái con hầu rượu đó ngay cho tao, tất cả bọn bay là một lũ dê cái chết tiệt! Xéo ngay! Ông xô bà lão té lăn ra sàn tàu. Thánh nhân lách người bước sang, hắn túm ngực áo, nhấc bổng lão già độc ác lên: - Không được đối xử tàn tệ với phụ nữ như thế, ông mới là người cút đi đấy, hãy để cho bà ấy yên! Hắn đẩy lão già ngã dúi dụi trên giường. Lão ngơ ngác một chút rồi chồm dậy, xòe hai bàn tay định thần, chợt hiểu không ai ủng hộ mình, lão vội vã quơ quào hành lý khoác lên vai rồi loạng choạng bước đi, miệng không thôi gào: - Cái con hầu rượu kia, mày đừng hòng trốn ở đâu, tao thề sẽ xẻ thịt mày ra nếu tao tóm được mày! Bà lão hộc tốc khoác túi chạy theo, Ngư kéo bà lại, nhét vội vào túi bà hai trăm tệ. Bà cúi đầu nói cảm ơn, rồi mặc cho nước mắt nước mũi kèm nhèm, bà chạy theo lão già độc ác như một con chó trung thành. Ngư đứng lớ ngớ trước rất nhiều cửa ra của nhà ga. Cô nghĩ Hạo phải mua vé, vào tận nơi tàu đỗ để đón cô. Nỗi nhớ thương của những người yêu nhau mà lại để lạc mất nhau ở xứ người thật là dữ dội. Cô tưởng tượng Hạo sẽ dang rộng vòng tay vạm vỡ đón cô vào lòng, cô sẽ vùi mặt vào ngực Hạo để nghe mùi đàn ông quen thuộc của anh. Ngư giành chỗ đứng cao nhất trong đám đông để có thể nhìn thấy Hạo, cổ cô ngóng dài ra như cổ cò. Cô thấy chiếc áo hoa xanh sặc sỡ lướt qua, đó là cô gái đã làm tình với chàng trai trên tầng hai của dãy giường B tối hôm qua. Một chàng trai khác - không phải chàng trai có vết sẹo trên má trái đã nằm trên giường với cô - đón cô ở cửa số năm. Chàng trai đi đón dang rộng tay ôm áo hoa xanh sặc sỡ vào lòng, họ hôn nhau say đắm như đã từng lạc nhau bốn nghìn tiếng chứ không phải chỉ có bốn mươi tiếng đồng hồ như Ngư và Hạo. Ngư ngại ngùng quay đi, chuyện gì đang xảy ra vậy, sao Hạo không đến ngay cho cô khỏi phải chết ngợp trước tình huống này. Nhưng cũng không cần phải chết ngợp, chỉ dăm phút sau, Ngư lại thấy chàng trai có vết sẹo trên má trái được đón ở cửa ra số sáu. Một phụ nữ bế con đang chờ anh ta. Anh ta chuyển ba lô sang tay trái, rồi bế thốc thằng bé hoảng hai tuổi lên, hôn đánh chụt vào má nó, xong, khoác vai người phụ nữ hân hoan sánh bước. Họ đã làm thành một đôi hạnh phúc như bao đôi uyên ương khác, cứ thế, dòng người cuốn họ đi... Ngư bị đám đông đẩy về phía cửa ra số hai, cô sốt ruột đưa tay xem đồng hồ. Điện thoại di động đã được sạc pin của cô kêu píp píp. Hạo nhắn: ''Em ra cửa số ba, tắc-xi số... chờ đưa em về tận khách sạn, chỉ cần giới thiệu tên của em và nói đúng tên anh là được. Anh đã trả tiền trước rồi, em không phải lo gì cả. Anh bận đi công chuyện gấp với mấy người bạn, chịu khó chờ anh về nhé!''. Ngư ra cửa số ba, tìm đúng xe tắc-xi mang số..., nhưng chẳng muốn bước lên. Cô tắt điện thoại và ngồi trên ghế đá đặt dưới một bóng cây to đùng giữa sân ga. Ngắm dòng người qua lại, bỗng dưng Ngư thấy đầu óc mình kỳ lạ quá, sao mà trống rỗng. Người tài xế đội mũ cát-két, mang kính râm sốt ruột đưa tay xem đồng hồ mấy lượt, sau đó lấy điện thoại ra bấm, đưa lên tai nghe, rồi lại thất vọng bỏ xuống. Điện thoại di động của Ngư tắt nguồn, gọi chi mà gọi, chẳng có ma nào chờ ông ta đón đâu. Nửa tiếng, một tiếng đồng hồ trôi qua. Phát ngôn viên của nhà ga mời hành khách xuôi tàu Bắc Kinh - Nam Ninh đến quầy làm thủ tục. Người tài xế tắc-xi nhún vai bất cần, ông mở cửa xe bước lên và rú ga lao đi. Sao thế, ừ, cảm ơn, Ngư nghĩ cũng không cần thiết phải thấy anh ta sốt ruột vì chờ đón một điều gì đó, kể cả chuyện chờ đón cô theo hợp đồng với Hạo. Nhưng cô cũng nghe lòng mình dịu đi một chút vì sự đúng giờ và kiên nhẫn của anh ta. Ngư bần thần đứng dậy, cô quay vào quầy với chiếc vé khứ hồi Nam Ninh - Bắc Kinh - Nam Ninh trong tay. Đang không biết là nên buồn hay không nên buồn trước quyết định quay về của mình thì thánh nhân bất ngờ xuất hiện. Hắn ta nói bằng tiếng Việt: - May quá, tôi tìm mãi mới gặp được cô. Ngư cau có không lý do: - Để làm gì? - Tôi nghĩ, bây giờ chỉ có cô mới đủ tư cách giữ kỷ vật này. Nó sẽ giúp cô tránh được rắn cắn hoặc cô sẽ được một con dê cái nào đó cứu thoát khỏi móng vuốt của một con dê già... Đồ tỉnh táo đáng ghét, đồ lừa phỉnh thiên hạ bằng hàng vạn lý do. Ngư lướt mắt nhìn hắn từ đầu đến chân. Không hề gì, hắn đưa tay móc túi, chìa ra chiếc trâm ngà lòng thòng sợi chỉ đỏ đứt ngang rồi giải thích: - Của bà lão đánh rơi lúc vội vã chạy theo lão già độc ác kia đấy! Ngư im lặng. Dường như mọi cảm xúc trong cô bây giờ đều không đáng kể. Tất cả đều bềnh bồng, bềnh bồng như mây. Cô hất nhẹ cằm: - Tư cách gì mà anh trao tôi giữ kỷ vật này... Ngư điên tiết, định hét vào tai hắn: “Hay ho gì cái đồ nghe lén trên tàu''. Nhưng cái bản mặt hắn vẫn cơng cơng lên cực kỳ đáng ghét: - Tư cách phiên dịch, được không? Nói rồi hắn cho chiếc trâm ngà vào lại túi áo và bỏ đi một nước như sợ Ngư chạy theo năn nỉ. Đúng rồi, đang buồn đến độ nghe lùng bùng cả hai lỗ tai nên Ngư quên, hắn đã làm phiên dịch không lấy tiền tối hôm qua. Hơn thế nữa, cô còn phải cảm ơn hắn. Chính những câu dịch qua lại của hắn đã giúp Ngư nhớ lại rất nhiều từ, nhiều mẫu câu mà cô đã quên từ lâu. Bằng chứng là sau đó, Ngư đã nghe khá dễ dàng những lời nói của lão già độc ác. Cô dợm chân, định chạy theo hắn để nói một điều gì đó. Nhưng chợt nghĩ, có cần thiết phải như vậy không. Không cần. Với bộ mặt thuần châu Á mà nói tiếng Việt, tiếng Trung Quốc đều dễ nghe như nhau của hắn thì Ngư cũng đâu cần biết hắn là người Việt Nam hay người Trung Quốc, miễn sao bước một bước qua dãy giường bên kia trong toa tàu được thấy người tốt như hắn cũng là hảo hảo rồi. Ý nghĩ này đã làm Ngư cảm thấy tự tin và bớt buồn khi chìa cái vé khứ hồi cho cô nhân viên đóng dấu lượt về...