Làng quê thật nghèo, heo hút nơi đồng khô cỏ cháy. Con đường lộ đất chạy dài giữa làng. Những căn nhà lá nhỏ thưa thớt nằm nép mình sau tre trúc, già trẻ bé lớn ngồi đan lát, rổ rá lờ lọp chất đống cạnh bên. Trời đã xế chiều nắng vẫn còn gắt, đang giữa tháng tư, thỉnh thoảng lộ ra sau hàng tre trúc cánh đồng chói nắng, mặt ruộng khô nẻ xác xơ rơm rạ. Xa tít đường viền chân trời lô nhô những dãy núi xanh mờ. Nam đi giữa đường làng. Một đám trẻ quần áo rách rưới chạy đuổi nhau làm tung bụi mù. Một con sông bờ dốc dựng đứng, chiếc cầu tre cheo leo đong đưa. Đám trẻ leo thoăn thoắt qua cầu, cười nói rí ré. Nam tháo giày đi từng bước một. Ủy ban xã bên kia cầu, gian nhà mái tôn vách lá, mặt sân lầm bụi, đám trẻ nhào vô chạy nhảy, chun qua lại giữa bầy bò. Đã hết giờ làm việc nhưng vẫn còn người, hai ông bà già, một người phụ nữ bồng con, một người đàn ông chân gỗ đi tới lui thình thịch. Đứa nhỏ khóc ngằn ngặt, chị phụ nữ vạch vú nó ngậm một chút nhả ra lại khóc, người đàn ông giậm chiếc chân gỗ dọa nạt, nó nhoẻn miệng cười rồi lại khóc. Tiếp khách là người đàn ông ngồi ở bàn có biển đề ''phó chủ tịch", trạc tuổi trung niên cười nói vui vẻ. Hai ông bà già xin chứng nhận giấy tờ hộ khẩu, chị phụ nữ bồng con xin giấy khám bịnh, người phó chủ tịch giải quyết tất cả. Người đàn ông chân gỗ không xin giấy tờ, đến tìm đứa cháu nhân viên bỏ vợ, ông đến lôi đầu nó về. Ủy ban giấu nó đâu, sao lần nào ông đến cũng không thấy nó? Người phó chủ tịch cười nói giấu làm gì giấu làm gì, ai giấu chi thằng bỏ vợ. Nam bước lên nói anh không xin giấy tờ, ở thành phố lặn lội mấy ngày trời về đây chỉ để thăm nhà một người... Nam cố không lên giọng, tuy thấy nghẹn ở cổ. Hơn hai mươi năm anh chờ giây phút này, về đây tìm nhà người bạn thân, một chiến sĩ có công trạng, hồi ở đơn vị Nam viết bản báo công cho anh ấy, anh ấy hy sinh Nam gần như độc quyền nắm giữ những tư liệu quý giá sau ngày hòa bình. Sau ngày hòa bình Nam viết nhiều bài báo, đi đây đó nói chuyện, giờ về quê hương heo hút này nghe bà con kể chuyện thời thơ ấu của anh ấy, và chính Nam cũng có nhiều chuyện để kể, những giây phút hào hùng, những ngày tháng gian lao khổ cực. Nhưng có vẻ Nam không được chờ đón nồng nhiệt. Hai ông bà già đang cần giấy tờ chứng nhận. Người phụ nữ bồng con cũng vậy. Ông chân gỗ đang cáu giận đứa cháu bỏ vợ, bắt đầu sinh sự tranh cãi. Thừa lúc mọi người ngưng một chút Nam chen vào nói tên họ người bạn, phiên hiệu đơn vị, năm được phong danh hiệu, rằng anh muốn đến thăm nhà... Người phó chủ tịch trố mắt nhìn Nam như chưa hiểu ra: "Cái gì? Ở đâu? À phải rồi, nhà anh ấy đằng kia nhưng không còn gì đâu. Bà má chết từ lâu, người chị lấy chồng xa, người ở nhà không biết bà con như thế nào, mẹ con anh ấy ở đậu nhà người ta. Ở nhà anh ấy tên Đực, hồi nhỏ chăn trâu dở ẹt, gặt lúa đập lúa cũng dở, không hiểu sao đi bộ đội lập được công như vậy''. “Anh ấy được phong danh hiệu có huy chương loại cao - Nam nói - Chính tôi là người làm bản báo công". "Phải rồi, mỗi người mỗi việc'', người phó chủ tịch nói, cốt cho vui. "Như tôi đây chỉ có ký tên''. Nam thấy chán nản mệt mỏi. Hơn hai mươi năm chờ đợi bỗng thấy hụt hẫng. Cũng lâu quá rồi, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, anh chỉ là người ở xa ghé qua. Nam ra ngồi ngoài sân, chút sau người phó chủ tịch đi ra xoa tay cười: “Xong rồi, mệt quá! Thôi để tôi đưa anh đến nhà anh ấy, cũng nên ghé qua một chút, đã tới đây rồi. Rồi về nhà tôi ngủ, tối rồi còn đi đâu nữa". Nam ôm đít người phó chủ tịch trên chiếc xe gắn máy chạy lọc xọc hết con đường làng, tiếp tục băng đồng, theo con đường mòn nhỏ đầy những cây hoang cỏ dại. Rồi không thấy đường đâu nữa, xe chạy bừa qua những bãi cát bờ đất khóm sim khóm mua mọc lưa thưa, đổ xuống lòng con suối cạn, leo lên bờ dốc dựng đứng. Nhà người bạn chiến đấu như ở tận cùng trời cuối đất. “Đây rồi”, người phó chủ tịch nói, xe vẫn chạy, lên xuống lồi lõm, một căn nhà lá nhỏ hiện ra dưới triền dốc, xe chạy đâm sầm vào dừng lại ở sân. Trong nhà có nhiều người già trẻ bé lớn, mấy đứa nhỏ chạy đến nhìn tận mặt. Nam nói mấy lời thăm hỏi, bà già ngồi trong góc tối nói vọng ra: “Đây không phải nhà thằng Đực, má con nó không có nhà ở đậu nhà tụi này. Rồi thằng Đực đi hoang, con chị đi lấy chồng, má nó bị bịnh nằm liệt giường tụi này phải nuôi, mấy năm sau má nó chết tụi này chôn cất, có bàn thờ kia...” Im lặng một lúc rồi bà già nói tiếp: "Thằng Đực hồi nhỏ ở đây đi chăn trâu, làm lò rèn, lò gạch, đập đá, gặt đập lúa, làm đủ chuyện, một dạo đi len trâu rồi lại đi đập đá. Nó chỉ có đập đá là giỏi, dang sức ra mà đập, nhiều chuyện khác chẳng nên thân gì. Nó cũng không nuôi má nó ngày nào, đi đập đá không thấy gởi tiền về, lần cuối cùng đập đá trong hẻm núi rồi đi luôn. Rồi con chị đi lấy chồng, má nó bịnh tụi này phải tốn tiền thuốc, không phải bà con họ hàng cũng người ở chung nhà...''. Ngưng một chút rồi bà già tiếp tục: “Nghe tin thằng Đực có mề-đay công trạng nhà này mừng lắm, không phải bà con họ hàng cũng mừng. Nhưng rồi mấy năm sau có tốp cán bộ đến ngó căn nhà bàn chuyện làm nhà tưởng niệm, tụi này sợ quá, nói không phải đâu mấy ông ơi, đây không phải nhà thằng Đực, má con nó ở đậu nhà tụi này, nó bỏ đi chị nó đi lấy chồng, má nó bịnh tụi này phải nuôi, chết tụi này phải chôn, mấy ông lập bàn thờ thì được, làm nhà tưởng niệm không được...''. Bà già thò đầu ra nhìn Nam dò xét: "Ông đến đây làm chi? Có định lấy nhà tụi này làm nhà tưởng niệm không?”. Nam chào từ giã ra đi, ôm đít người phó chủ tịch về nhà. Nhà có khách năm bảy người, đám thôi nôi đứa cháu ngoại, khách ngồi hai bên chiếc bàn tre giữa sân, có cả ông chân gỗ ở đó, không biết được mời theo kiểu nào. Nam được mời ngồi vào đầu bàn, được giới thiệu "đồng chí trên về'', mấy đứa nhỏ chạy tới nhìn tận mặt. Thức ăn dọn ra, vài dĩa đồ xào thịt trâu luộc, cá nướng chấm muối, rau rừng để trên mặt bàn. Chủ nhà bồng đứa con trai ở truồng đen thui đi vòng quanh, mọi người nựng nịu đứa nhỏ chòi đạp la hét. Cuộc tiệc bắt đầu, rượu rót ra uống chuyền từng đôi, người này người kia kể chuyện đám khỉ trên núi xuống phá rẫy, chuyện một bà góa có chửa, bà mẹ chiến sĩ ở một mình không ai nuôi. Ông chân gỗ nói chuyện đứa cháu bỏ vợ. Nam ngồi lọt thỏm giữa mọi người, không có chuyện gì để kể, không ai chú ý tới, đầu óc mông lung không một ý nghĩ. Cuộc tiệc kéo dài, rượu lạt uống nhiều cũng nóng mặt, Nam không còn mong gì, cố gắng ngồi tàn cuộc tiệc ngủ một chút sáng ra về. Nhưng cuộc tiệc vẫn kéo dài, người ta lại nói chuyện mùa màng thời tiết đan lát. Có ai đó nói chuyện xây một cây cầu. Ông già choàng dậy ngơ ngác: “Cầu nào? Ai xây cầu?''. Mọi người cười rộ: "Xây cầu cho ông đi học, ông già ơi! Trường học bên kia kìa''. Một người đàn ông tuổi trung niên vấn khăn rằn sấn sổ đi vào chống nạnh tay, xưng tên Tư Cò cất giọng oang oang: “Ai muốn nghe chuyện thắng Đực? Tôi là anh nó đây, không bà con họ hàng cũng là anh, là người bảo ban nó mọi việc. Tôi nới: mày len trâu không nên thân, đếm sừng trâu còn không biết, gặt lúa đập lúa cũng dở, làm thợ rèn thợ mộc không có tay nghề, mày chỉ có sức đi đập đá là tốt. Nó nghe lời tôi đi đập đá, mỏ đá bên kia dãy núi, tôi đi theo cầm tay chỉ từng chút một, cách quai búa cách giật khuỷu tay, vậy rồi ngay ngày đầu tiên nó đập què chân thằng cặp-rằng...''. Tư Cò uống liền hai ly rượu, càng lúc càng lớn tiếng: “Nó đập đá suốt ngày tối đến đi mò gái. Đúng ra con gái mò nó. Cũng không phải con gái, là mấy mụ góa. Xứ này những năm đó con gái góa nhiều lắm, công việc nổ đá bắn đá đàn ông bị đá văng trúng dập đầu gãy cổ chết là thường, các bà vợ góa nhiều khi chưa quá hai mươi. Thằng Đực suốët ngày gục đầu gò lưng đập đá, đám vợ góa qua lại mê lưng và vai nó. Nó không phải là thằng ham gái, cũng không dại gái, chỉ tội nhẹ dạ. Đám vợ góa nói chuyện dai nhách, rù rì rủ rỉ, nói gì nó nghe nấy, nó có tình yêu bao la yêu được nhiều đàn bà. Nhưng rồi có chuyện các bà đánh ghen khiến nó phải bỏ đi...". “Đi bộ đội?'', Nam hỏi. "Không. Đi sang mỏ đá khác, tôi lại đi theo kèm cặp chỉ bảo nó, mừng không thấy có chuyện đàn bà góa nữa, con gái tơ cũng không. Nó có vẻ tu tỉnh, ăn uống đạm bạc, để dành tiền gói kỹ trong miếng giấy báo. Vậy rồi một hôm nó đem cúng hết cho một nhà chùa, phát thệ đi tu. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa, nó tu hành thành tâm lắm, thức khuya dậy sớm gõ mõ tụng kinh. Một buổi sáng mỏ đá chuẩn bị cho nổ đá, bỗng thấy một hàng dài nhà sư áo cà sa vàng rực đi từ trên đỉnh núi xuống, đi đầu là thằng Đực quần áo đập đá rách bươm, nón lá sùm sụp. Hàng người tới chỗ nổ đá thì dừng lại. Vậy là biểu tình đây, phản đối chuyện phá đá động đến chùa chiền thần kinh, đầu trò là thằng Đực". Cuộc tiệc tàn mọi người ra về. Nam được cấp chiếc võng ngủ ngoài hàng hiên. Trời lạnh không thể ngủ được, rạo rực mãi những hồi ức xưa cũ. Có tiếng động, ông chân gỗ hiện ra lập bập điếu thuốc cháy đỏ. "Tôi biết chuyện biểu tình đó'', ông chân gỗ nói, lót dép ngồi cạnh đầu võng. ''Để tôi kể tiếp anh nghe. Thằng Đực bị bắt liền sau đó,bị nghi “làm chính trị'', tuy chỉ trò ngông quậy phá của nó thôi. Xưa nay người ta vẫn tu hành vẫn phá đá làm đường xây nhà, mắc mớ gì lôi sư sãi sắp hàng xuống núi như vậy. Tôi dạo đó chăn trâu cho một lão địa chủ, có chuyện rắc rối với bầy trâu, bị tù gặp nó trong tù. Tôi hỏi: “Có đúng mày muốn đi tu không?''. Nó cười không đáp, vẫn gò lưng đập đá, không thấy có động tịnh gì, rảnh rỗi liên hệ với sư sãi trên chùa hốt thuốc cho người bịnh, người trong tù cũng như ngoài tù. Cánh nhà chùa ngày càng thêm tin tưởng nó, sư sãi xuống núi vào trại thăm nó, tới giờ cơm cùng ăn, bằng lòng một lần ngã mặn. Rồi xảy ra một chuyện. Trại tù không nghiêm ngặt lắm trong chuyện canh giữ, rùng núi hoang vu chẳng trốn đi đâu, thằng Đực giỏi dụ sư sãi cũng giỏi tán tỉnh đám cai tù, đập đá suốt ngày, chiều đến nó xin phép đi đâu đó, giường ngủ của nó cạnh giường tôi thường khi trống không. Nó xuống núi vào xóm mua trâu về xẻ thịt bán lại cho đám cai tù, buôn thêm vải vóc kim chỉ, mật ong và khô dê, rượu trắng và đường thốt nốt. Rồi nó tuyên bố lập quán, bữa trước bữa sau thấy căn nhà mọc lên ở ngã ba đường, phía trước có sạp bày hàng, phía sau có buồng ngủ rèm che, một cô gái trẻ bận áo ngắn đầu trùm khăn vuông tươi cười đi tới lui, thằng Đực lăng xăng ra vào bưng bê sắp xếp. Rồi mấy hôm sau nghe tin ngôi chùa trên núi biến mất một cô vãi, rằng chính cô chủ quán đầu trùm khăn vuông ấy, không tin giở chiếc khăn vuông ra coi. Vậy là có chuyện thằng Đực dụ dỗ cô vãi hoàn tục, nhà chùa nổi giận chấm dứt việc xuống núi nấu thuốc tụng kinh, nghe đâu còn đâm đơn kiện tụng. Nhưng chính quyền sở tại, bọn lính cai tù bắt đầu ham vui với chiếc quán và cô chủ quán, bỏ ngoài tai coi như không nghe thấy. Tôi lúc đó cũng mãn hạn tù, chẳng vì chuyện mượn tạm mấy con trâu mà ở tù mãn kiếp, không biết đi đâu tôi chuyển sang đập đá cho mỏ đá, tháng tháng lãnh lương đem cúng hết cho quán thằng Đực. Cuộc biểu tình sư sãi của nó đã có kết quả, tuy chậm mất hơn năm, mỏ đá chuyển qua hướng khác, ngôi chùa được yên bề tụng niệm. Chuyện cô vãi hoàn tục cũng đi vào quên lãng, tóc đã mọc lại rồi chẳng mất công giở khăn vuông ra coi làm gì. Nhưng một hôm thằng Đực biến mất vào trong hẻm núi không thấy ra nữa. Trong đó nghe nói đầy những hang hốc, thằng Đực hẳn đã thăm dò từ lâu, nó biến mất cùng nhóm bạn tù chính trị, cô chủ quán cũng bỏ đi luôn. Vậy là đã có kế hoạch từ trước. Bọn lính tỏa đi bao khắp quanh núi chặn hết các ngõ ngách, đốt lửa hun khói vào các hang hốc, ba ngày sau thằng Đực thò đầu ra, đầu tóc quần áo nám khói, cánh chính trị biến mất luôn không biết theo ngõ ngách nào, cô gái cũng bặt tăm. Thằng Đực chuyển sang tù cấm cố và tôi bặt tin nó từ đó...”. Sáng sớm Nam bám đít xe người phó chủ tịch trở về văn phòng ủy ban nhờ người đưa ra lộ đón xe về thành phố, rề rà mãi lại thấy có người phụ nữ đến tìm. Đó là chị của anh ấy, người đàn bà luống tuổi trông gian lao dầu dãi, ăn bận nâu sòng, vẻ bận rộn gấp rút, chưa ngồi xuống đã kể một thôi dài: “Thằng Đực ở tù cấm cố, ban đầu không dính líu gì với đứa con gái bán quán, lôi con nhỏ xuống núi mở quán chỉ muốn con nhỏ có cơ ngơi lấy chồng sanh con. Sau đó nó tổ chức nhóm tù trốn trại, bị bắt bị tù cấm cố, con nhỏ đi thăm nuôi một dạo hai đứa thương nhau, tổ chức lễ cưới, thằng trong tù cưới con ngoài tù. Rồi chúng có con, thằng Đực chuyển sang đập đá, chân bị xiềng, từ mỏ đá này sang mỏ đá khác, con nhỏ ôm con đi theo mở quán cạnh trại tù. Một lần tôi ghé quán thăm hai má con, thằng con trai to đùng cứ đập tay vào mặt tôi, trên đường về tôi hay thằng Đực lại trốn trại, lần này mọi việc suôn sẻ, do có tổ chức chu đáo từ bên ngoài...". Người đàn bà ngưng một chút rồi nói tiếp, có vẻ đây mới là điều chính yếu: “Chuyện thằng Đực là như vậy. Giờ nó đã chết rồi, má tôi cũng chết, chỉ còn mình tôi sống cực khổ, cả đời vất vả không nên thân, nhà cửa không có, không biết công trạng thằng em tôi có giúp tôi được gì không?”. “Giúp gì?'', Nam hỏi. “Xin căn nhà chẳng hạn, kiểu nhà tình nghĩa ấy. Cả đời má tôi rồi chị em tôi không có nhà, đến giờ cũng vậy, tôi chỉ cần có căn nhà nhỏ lập bàn thờ em tôi má tôi, anh xin giùm được không?”. Buổi trưa nắng đổ lửa. Người phó chủ tịch chở Nam ra lộ đón xe, thở phì phò một lúc rồi nói: “Anh thấy xã tụi này nghèo quá không? Thấy cây cầu cheo leo kia không? Thương đám trẻ quá, ngày nào cũng leo qua lại, anh về tành phố viết bài báo nói khéo xin cho tụi này cây cầu được không?”. “Được tôi sẽ nói, tôi sẽ viết...”. Nam thấy giờ đây đó là điều chính yếu, những việc bình thường với những con người bình thường. Chuyện xưa đã qua lâu rồi. Những người dân ở đây không hề quên người chiến sĩ của họ, nhớ như in không sót chuyện nào. Nhưng họ còn phải sống, và trước tiên họ muốn người chiến sĩ của họ cũng giống như họ, cũng là người bình thường. Tuổi Trẻ Xuân 2006