Nó tên là Mực. Ông chủ gọi nó theo màu lông. Đen tuyền, hai khoang trắng ở mắt, bốn khuyên trắng ở chân, gần khuỷu chân có một móng lẫy. Người sành chó gọi là “tứ túc huyền đề”, tức là giống chó khôn.Mà nó khôn thật. Mỗi khi ông chủ đi làm về, có điều gì vui, là nó biết ngay. Nó vẫy đuôi rối rít, rên ư ử và cào hai chân trước xuống thềm nhà. Ông chủ chìa tay ra. Nó hôn hít một hồi rồi mới giơ chân đặt vào tay chủ. Còn hôm nào, ông chủ có chuyện không vui, nó cũng vẫy đuôi mừng, nhưng không cào đất rối rít, mà lủi thủi đi sau, đầu cúi gằm, thỉnh thoảng mới ngước cặp mắt nâu ướt lên, ra chiều thông cảm với chủ. Cho đến khi, ông chủ thấy như vậy là bất công, chìa tay ra cho nó. Lúc ấy, nó mới lại gần, nhưng không giơ chân ra như mọi khi, mà nằm phủ phục dưới chân chủ, áp cái mõm mượt như nhung vào đấy.Nó quý ông chủ hơn bà chủ, mặc dầu bà thường cho nó ăn ngon và hay vuốt ve nó. Còn ông chủ, hai bàn tay vừa to, vừa thô ráp, nhưng đó là bàn tay thật thà. Nó cảm nhận trong bàn tay ấy, trong cái vuốt ve cục mịch ấy, chứa chất những gì mộc mạc và yên ổn. Còn mỗi khi bàn tay bà chủ vuốt dọc sống lưng nó, nó thấy có một cái gì đó ớn lạnh chạy khắp cơ thể, và nó thoáng rùng mình nhè nhẹ.Rồi, linh cảm đã không đánh lừa nó. Nó bị người ta giết. Không phải ai khác đã kết án nó, mà chính là bà chủ. Nó chết vì nó quá trung thành. Và vì quá trung thành, nó mới ngu.Chuyện là thế này:Thủ trưởng của ông chủ nó, thường hay đến nhà chơi. Ông ta ăn mặc lịch sự, đi đứng đường bệ, ra vẻ một người quyền thế. Cả hai vợ chồng ông chủ nó đều vồn vã, quý khách. Nhưng riêng nó thì không. Là loài thú tinh khôn, nó nhận biết lòng dạ con người qua ánh mắt, chứ không qua áo quần hay chức vụ, địa vị như người đời. Và nó nhận thấy trong ánh mắt của vị khách có một cái gì đó làm nó không yên tâm, nhưng nó không thể phân biệt được rằng đó là cái gì. Nó cảm thấy lo sợ cho ông chủ. Lúc ấy, nó đâu kịp nghĩ rằng điều lo sợ sẽ xảy đến với chính nó. Bởi nó là giống vật trung thành và chỉ biết đem hết lòng trung thành ra mà đề phòng người khách.Một buổi trưa, bà chủ về nhà, có ông khách kia cùng về. Hiếm khi như vậy. Họ nấu ăn qua loa, chuyện trò vui vẻ lắm. Nó nằm nghe mà không hiểu gì cả. Nó đâu có hiểu được tiếng người. Giá mà nó hiểu được...Trời gần về chiều. Bỗng nó thấy ông khách ôm lấy bà chủ, đè bà chủ xuống ghế và cắn vào mặt bà. Còn bà chủ thì không chống cự lại được, chỉ thở dốc và rên rỉ như thể bị đau. Nó nhìn thấy hết. Và vì trung thành, nó vội lao đến, ngoạm một miếng vào chân vị khách. Nó dồn hết sức vào miếng ngoạm ấy, lấy hai chân trước đè vào chân của kẻ thù để rứt thịt ra, và cảm thấy một dòng máu ấm ri rỉ chảy theo hai bên mép. Tiếng kêu thất thanh của vị khách làm nó hoan hỷ và khoái trá. Nhưng bà chủ nó cũng kêu thất thanh. Rồi một chiếc "cốc" khô gọn giáng lên đầu nó. Chiếc guốc của bà chủ. Nó vội nhả chân vị khách, bỏ chạy, đầu óc choáng váng và không hiểu gì cả. Tại sao nó hết lòng bảo vệ bà chủ mà lại bị một cú giáng tàn nhẫn như thế. Vừa đau đớn, vừa bất bình, vừa sững sờ, nó lết ra gốc ổi nằm rên. Ngay cả khi ông chủ về, mặc dù đánh hơi thấy, nó cũng chẳng thèm đứng dậy.Ông chủ về, đúng lúc bà chủ đang cuống quýt với ống chân đẫm máu của vị khách, miệng không ngớt kêu khổ. Ông chủ chưa kịp bước vào cửa, bà đã tru tréo:- Anh có tống ngay cái của nợ ấy đi không! Chó với má! Nó vừa cắn anh ấy đây này...Ông chủ tái mặt, cùng xúm vào với vợ rửa ráy, băng bó vết thương, trong khi ông khách vẫn không ngớt rền rĩ. Ông chủ nói cho khách yên tâm:- Cũng may không phải chó dại, anh đừng lo. Chết thật, sao em lại để nó cắn anh ấy?- Thế nên mới là giống chó, có biết ai vào với ai đâu! Anh ấy đem lộc đến cho nhà mình. Thế mà...- Lộc nào?- Cơ quan cử anh đi làm đội trưởng lao động ở nước ngoài ba năm. Là công của anh ấy. Thế mà...Đến lượt ông chủ sững sờ, cứ há miệng ra, không cả nói được một lời cám ơn thủ trưởng. Rồi, chợt nghĩ ra một điều, ông đứng lên, cầm chiếc gậy to, xăm xăm ra gốc ổi, nơi con Mực hay nằm. Nhưng hình như linh tính đã báo trước cho con Mực. Nó không còn ở đấy nữa. Nó cũng không hay biết rằng, tính mạng nó đã được quyết định. Và ngày mà nó từ giã cõi đời này, được ấn định vào trước lúc ông chủ lên đường.Vì không biết rằng sẽ phải chết, nên hôm ấy, hôm cuối cùng của đời nó, nó vẫn ngoan ngoãn nằm im cho ông chủ trói. Đầu tiên là hai chân trước, rồi đến hai chân sau. Nó chỉ rên khe khẽ. Ông chủ vẫn thường đùa với nó như thế mà. Chỉ đến khi, ông ngáng một cái gậy cứng ngang mõm nó, nó mới chợt hiểu. Nó giẫy giụa, lăn lộn, cắn xé. Nhưng vô ích. Rồi nó mệt, nằm thở. Bọt mép nó sùi ra, trộn lẫn máu đỏ tươi, nhểu từng giọt xuống nền đất mịn.Bây giờ, thì nó chỉ còn cái đuôi để ngoe nhuẩy. Và khi ông chủ ngồi xổm bên cạnh, thì nó cố sức ngoe nguẩy đuôi lần cuối cùng, để vĩnh biệt nhiều hơn là van xin. Nó biết nó sẽ phải chết. Nó lấy cái chết để tiễn đưa ông chủ. Nó ngước cặp mắt nâu ướt nhìn ông chủ như oán trách. Nước mắt nó lặng lẽ chảy ra, hoà lẫn với bọt máu.Chính ông chủ treo ngược nó lên cây ổi. Rồi cũng chính tay ông cầm dao thọc vào cổ nó. Vết đâm bén ngọt. Nó chỉ kịp nhận ra một cái gì đau nhói rất nhanh ở ức, và nó oằn gập người lại.Con Mực chết, đau đớn, tức tưởi. Nhưng trước khi chết, cặp mắt nâu ướt của nó cũng kịp nhận biết lần cuối gương mặt của những người xung quanh: ông chủ, bà chủ, rồi vị khách, nhưng tất cả đều lờ mờ và đều lộn ngược. Riêng ánh mắt của từng người, thì nó nhận biết rất rõ, như thể nó đọc được những gì trong từng ánh mắt ấy./.1990